NGƯỜI ĐÀN ÔNG MÙA THU

 
 
 

Thật là muốn điên luôn, cú điện thoại hồi khuya đập vỡ biết bao cảm xúc của những ngày lẻ loi…, chàng như nắng của mặt trời đã từng dội những tia ấm áp vào cõi lòng trống vắng, giờ thì chàng đã nói “chia tay đi em”.

Cuộc hẹn 9 giờ sáng, nhưng tôi có thói quen không bao giờ trễ hẹn nên 7 giờ đã lui cui sửa soạn. Nào áo nào quần, giày dép, túi xách. Không phải như đàn ông chỉ mặc đồ cái rột là ra đường được rồi, đàn bà sao mà khốn khổ thế nầy?? Tôi bần thần trước đống quần áo.

Thật sự thì tâm trạng không tốt, đang thất tình mà, thôi dọn vào một bộ đồ đơn giản thôi, đi dép kẹp cho nhẹ nhàng bước chân, nỗi ủ dột được che bằng cặp kính lão. Gặp giới văn chương nên tôi đem theo cái túi xách lớn, đựng trong đó là mấy cuốn thơ tôi sẽ gửi tặng cho người bạn bên Mỹ, mà qua cuộc hẹn nầy, tôi sẽ nhờ một nhà văn sắp quen đem đi giùm. Vậy là tôi ra đường, lên xe bus trong trạng thái lơ mơ, hình như có những hạt mưa li ti rơi xuống tóc thì phải, ôi, kệ, nắng hay mưa có hề gì.

Nhưng xe chạy được một một lát thì mưa đổ xuống ào ào ngoài khung kính, mưa loang loáng và mưa tả tơi. Giật mình chợt nhớ đã không đem theo áo mưa. Ôi không sao, mưa Sài Gòn mà, Sai Gòn như thiên hạ nói, một cô nàng đỏng đảnh, muốn nắng thì nắng, muốn mưa thì mưa, cứ là… bất chợt không ai đỡ nổi.

Đang là tháng bảy mưa ngâu, mưa vẫn sụt sùi, những cơn gió mang theo từng hạt mưa nhỏ xíu, tôi bước nhanh đến chỗ hẹn. Vài người đàn ông ngồi quanh một bộ bàn ghế thấp ven quán, một người nhổm lên vẫy tay ngoắc và gọi tên tôi, tôi tấp vào, vuốt nhanh những giọt nước trên mặt, hai tay vung vẫy, tôi nghĩ thầm “mấy ông nầy điên, sao không vô trong mà ngồi”. Rồi tôi ngồi xuống cái ghế mà ông bạn vừa đưa tới. Sau một màn giới thiệu, tôi hỏi “mình ngồi đây chờ luôn hả anh Hưng?”. “Chưa biết sao đây, đang chờ phone coi sao cái đã.”

Từng cơn gió thổi tới, tôi ngồi ké né tránh mưa tạt, cổ áo rộng làm phơi ra cái cổ trần trụi, cái áo khoác nhẹ không ngăn nổi sự ướt át như đang thấm vào da thịt, tôi nhấp nhổm, bực bội, còn mấy ông thì cứ ngồi tỉnh bơ nói chuyện gì đó, không thèm để ý đến những giọt nước trên mái hiên cứ nhỏ giọt xuống chỗ ngồi. Tôi đã thấy lạnh.
Một chiếc xe máy tấp vào lề, một ông ngồi sau xe leo xuống, trên tay khệ nệ một chồng sách đựng trong túi ni lông, Hưng quay sang tôi nói vội “nhà văn X đó, ổng chuyên đi xe ôm.” Tôi đứng lên chào ông X, ông vui vẻ chào lại. Hưng giới thiệu hai bên. Ông X và tôi bắt tay. Rồi ông quay sang Hưng nói “thôi mình đi tới quán ăn luôn đi, ổng hẹn 11 giờ mới tới được” Tôi la trời trong bụng, biết vậy đừng đi sớm.

Cả bọn lục đục đứng lên rồi cùng rảo bước đến cái quán ăn nào đó, nghe Hưng nói đi bộ đến đó cũng không xa lắm. Trời vẫn mưa, không gian xám ngắt. Không có gã đàn ông nào trong đám galant chút xíu bằng cách tỏ ý quan tâm đến một phụ nữ đang thất tình phong phanh tấm áo trong mưa…, họ cứ rảo bước. Cái thời đó qua lâu rồi, mình cũng đâu còn tuổi thanh xuân, cả bọn giờ còn tiếc thương mấy cái chữ nên còn cố tìm nhau để chia sẻ thế thôi, và cũng vì thế tôi mới ra khỏi nhà, ôm theo mấy cuốn thơ để gửi cho mấy người quen bên kia, cũng không biết để làm gì…

Một cái quán ăn coi bộ ấm cúng hiện ra, cả bọn bước vào. Trà đá được đem ra, ác thiệt, khát nước thì cũng có khát nước, mà ngặt nỗi đang lạnh cóng mà ướp mấy cục nước đá vào! Sau đó là lại chờ và trò chuyện trong lúc… không biết nên làm gì. Điện thoại trong túi Hưng lại được móc ra nghe, rồi lát sau vài người đàn ông nữa lác đác đến. Họ cũng là những cây bút một thời. Tôi cũng không ngờ có lúc lại gặp họ. Tôi đứng lên bắt tay từng người sau khi được giới thiệu. Một chút ấm lòng khi được mấy người trong số họ biết đến tên mình.
Nhưng tôi vẫn thấy lẻ loi giữa một đám đàn ông. Sao không có phụ nữ nhỉ? Tôi ngán ngẩm ngó mãi cái đồng hồ treo trên tường, rồi tôi lại nghĩ đến Tân, người mà tôi muốn gửi cuốn thơ qua để tặng, một ông nhà văn có cái tên lạ hoắc sẽ đem qua giùm tôi, và thế là có cuộc hẹn nầy, qua Hưng.
Mặc kệ các ông đang trò chuyện râm ran, tôi cứ ngóng ra đường, trời vẫn mưa lất phất. Tôi uể oải, chán nản vì chờ đợi. Cú gọi hồi khuya của chàng vẫn quay quay trong đầu…

Rồi người được chờ đợi cũng đến. Một chiếc taxi xịch đến bên hiên. Hai người trên xe bước xuống. Cả bọn vội đứng dậy đón, tôi cũng đứng lên, gớm, có phải nhân vật quan trọng nào cũng cố đến trễ thế không? Vì là người mình sẽ nhờ cậy nên tôi ráng tươi lên một chút.

Theo lời Hưng đã nói trước, tôi biết họ là hai vợ chồng, từ Mỹ về, và ngày mai họ sẽ bay về Mỹ.
Người đàn ông bước vô, với vợ theo sau, thật lạ lùng là ông ta bắt tay tôi trước hết, đôi mắt có tia nhìn xoáy nhìn thẳng vào mắt tôi làm tôi hơi giật mình. Hưng giới thiệu. Ông ta nói “chào chị, tôi có biết danh chị, nay mới có cơ hội gặp”. Ông ta siết tay tôi, cái siết tay nhanh mà chặt, ấm áp lạ lùng, làm tôi lúng túng chào, cố mỉm cười mà hồn phách thì lơi bơi trong vũng tối không tên.

Người vợ gọi món ăn, những món Huế được dọn ra. Cuộc trao đổi sách và văn chương lại râm ran giữa những người đàn ông. Bên ngoài trời vẫn ảm đạm vì mưa. Tôi đã quá mỏi lưng nên không hào hứng gì với cuộc trò chuyện, chỉ thỉnh thoảng cười xả giao. Sau đó tôi lịch sự nhờ ông Kim Kha đem giùm mấy cuốn thơ qua cho Tân, sau khi kí tặng ông ta một cuốn.

Trong lúc bâng quơ nhìn ra ngoài, thỉnh thoảng tôi vẫn chạm phải tia mắt của ông Kha cứ xoáy nhanh vào mắt tôi, nhanh và sắc, ánh mắt như muốn cuốn tôi trôi về một cõi xa nào, ở đó, nhất thời tôi không còn chàng và cú phone đêm qua. Bỗng ông đứng lên chìa ra một tờ giấy cho tôi, ông nói to “giờ quý vị ghi cho tôi địa chỉ email nghen”, tôi nhận tờ giấy và đọc thấy một hàng chữ “Tôi tên Trần Tường Duy, đọc rồi xóa giùm”, tôi ngỡ ngàng nhưng cũng làm theo, tôi xóa vội câu viết rồi ghi địa chỉ của mình, sau đó chuyền qua cho người ngồi bên cạnh.

Chia tay, tôi đứng lên cùng đi song song với người vợ ra ngoài, mơ hồ thấy ông Kha lăng xăng bước đi trước rồi lại lùi ra sau lưng chúng tôi, rồi ông lại vượt lên đi đến chiếc taxi đang đợi, khi chúng tôi bước tới gần, ông nói nhỏ như chỉ đủ cho tôi nghe “chị đi một mình à?”. Tôi gật đầu. Ông bần thần muốn nói gì đó thì người vợ hối, đi anh, mưa kìa. Ông lính quính lên xe. Tôi chào rồi bước đi. Vẫn không có người đàn ông galant nào theo sau tôi lo lắng như ngày xưa…, không hiểu sao khi cắm cúi bước đi, tôi mơ hồ có ánh mắt ai đó đang nhìn theo… Bất chợt tôi thấy có chút gì đó giận dỗi, mấy người có biết hạnh phúc của người này là một sự mai mỉa đối với một người khác, nhất là một người đang thất tình cô đơn, lầm lũi đi dưới những chiếc lá bay, với một cơn mưa đang ập tới.

Mọi người đã tản ra về hết, mỗi người một ngã, mỗi người về một mái ấm hoặc không hề êm ấm, ai biết được, vòng quay của cuộc sống vẫn lặng lẽ tiếp diễn như những cuộc gặp gỡ rồi chia tay. Tôi chợt thấy lạnh, mưa rơi nặng hạt hơn, tôi vội ghé vào một cái quán nhỏ, té ra là quán bún, tôi gọi một tô và thong thả ăn, với nỗi buồn nằng nặng trong lòng. Thì ra sớm giờ mình chả thấy có gì vừa miệng, mà còn tệ hơn, gì cũng thấy… đăng đắng.

***
Tôi bị cảm lạnh hết một tuần sau ngày đó, cũng là cái cớ để một mình trùm mền nằm khóc, nhớ, giận, hờn, mà cũng là tức tưởi cho cuộc tình vừa qua. Cú phone chết tiệt đó thật khó tin đó là cuộc gọi sau cùng, và cũng khó tin hơn, là tôi vẫn còn quá yếu đuối để vẫn cứ trông mong có một lần nào chàng còn gọi lại.
Có thể nào gọi đó là một cuộc tình? Gần một năm chat qua chat lại trên mạng, biết mặt nhau chỉ có mấy tấm hình, vậy mà cũng mong ngóng nhớ nhung, còn có gì hơn để lấp đầy những ngày ngày, đêm đêm trống vắng đây? Cuộc tình không cần gặp không cần đeo nhẫn cưới không chút mơ mộng điều gì khác hơn là những tối chào anh chào em hôn anh đi hôn em đi em đang mặc áo màu gì anh đang mặc áo màu gì. Vậy mà cũng cả gan nói lời chia tay. Chia hay không chia thì mất mát gì cơ chứ? Bỏ lại tôi một khoảng trống tiếp tục, bỏ lại tôi tiếng tích tắc của đồng hồ, bỏ lại tôi ngơ ngác trống trải trùm mền hằng đêm tức tưởi chửi thề… Điều đáng thương nhất của loài người (hay chỉ là của tôi?) là không chịu nổi sự cô đơn.

Tôi bỏ không lên máy một thời gian, tôi cố bỏ cái thói quen khổ hạnh của sự ngồi bàng hoàng trước cái inbox vắng một cái nick quen, tôi không dám ngó trừng trừng cái màn hình từ nay đã thiếu đi chàng, chàng đã biến, đã bốc hơi trong đời tôi… Tôi trốn. Trốn cái lói nơi tim. Hình như có chút máu đã tươm ra. Tôi hận. Hận một trò chơi không bao giờ thảy trúng cái vòng vào cổ con vịt. Rồi tôi tự an ủi mình. Dẫu sao cũng có được một cuộc hưng phấn dài, dẫu sao mình cũng đã được vui vẻ…

Cái email của người có tên Trần Tường Duy chợt hiện ra trước mắt tôi trong một khuya mở lại mailbox. Vài hàng làm quen, vài hàng khen ngợi về những bài thơ tôi suýt quăng bỏ, mà một người bạn văn chương đã gom lại in ra, anh nói bỏ uổng (thì cũng uổng thật, tôi nói, mà in ra chỉ để rồi lại bõ công vác đi tặng, bõ công ra bưu điện, dán tem gửi đi…) làm tôi thấy thương những cuốn thơ mà mình lỡ mang nặng đẻ đau quá chừng...
Tôi lịch sự trả lời thư, sau khi cũng viết vài lời lan man về tình hình văn nghệ của những kẻ sĩ không có đất để ngồi, tôi còn nói “cái tên của anh làm tôi nhớ đến một người quen cũ trùng tên anh, tên người giống người cũng vui há anh?”.
“Cũng vui” anh nói, biết đâu tôi cũng dựa hơi được chút ân tình và cái quá khứ của một người trùng tên nào mà cô đã quen…”

Trao đổi qua lại vài cái thư thì một đêm nọ Duy gọi cho tôi. Toàn nói chuyện văn chương. Thời đại của văn chương. Nỗi buồn của kẻ sĩ. Và nỗi lo lắng cho một tương lai văn học rã rời trôi giạt. Nói trúng tim đen, tôi trở nên hào hứng trò chuyện không thôi.
Duy là một nhà văn mới xuất hiện sau nầy, dù theo anh nói, anh đã viết, đã có bài đăng báo từ rất lâu, từ hồi 16 tuổi. Tôi cười hi hi. Hạnh cũng là cây viết mầm non, khi 14 tuổi. Anh biết tờ Măng Non không? Hạnh có bài thơ “Con chim họa mi” vui lắm đó. Rồi cái tùy bút “Khắc khoải” khi 16 tuổi. Ha ha. Mười sáu tuổi mà khắc khoải cái nỗi gì? Toàn là nói dóc.

Không hiểu sao càng ngày Duy càng “chăm sóc” tôi nhiều hơn, khi Duy thân thiện thì tôi tìm cách đẩy anh ra. Tôi mệt mỏi với loại quan hệ nửa vời nầy, nói chung là không còn hào hứng với đàn ông. Cho đến một ngày Duy nói: “anh biết em từ khi em ký Phương Ly Tâm, khi em viết cho một tuần báo, anh vẫn nhớ cái truyện em viết, từ năm 1972”. Tôi giật nẩy. Trời, cái bút danh chỉ viết có một vài bài rồi bỏ, ngoài tôi ra thì ai biết chứ? Thế là tôi điên lên. “Anh là ai mà biết tên đó của Hạnh”. “Ồ chỉ là tình cờ đến chơi tòa soạn, đọc thấy thích, rồi hỏi mấy ông nội trong tòa soạn, biết luôn tên thật của em, và bây giờ biết cả cái bút danh lẫy lừng hiện tại của em. “Tôi gắt gỏng “tên với tuổi gì chứ, chỉ toàn là phù du thôi” (Trời, mấy chục năm, tôi chạy vật vờ trong cuộc đời nào hay biết có một người đã, nói như anh, khe khẽ ở bên cạnh mình như một chiếc bóng không rời!)

Tuy ngạc nhiên nhưng tôi cũng thấy vui vui, một thời trẻ tuổi viết nhăng cuội là một thời đẹp đẽ ngây ngô, giờ còn có người nhớ đến tên mình làm tôi cũng thấy thích thú. Vậy là tôi cho phép Duy đến gần tôi hơn trong các cuộc chuyện trò, chẳng qua là để không còn thấy cô độc nữa. Vả lại, cái tên của Duy giống với tên của một người trong quá khứ, cũng khiến tôi có thêm chút cảm tình.
Thỉnh thoảng thì Duy biến đâu mất trong khi tôi có cảm giác mình cũng bắt đầu thấy đỡ buồn hơn với những lần trò chuyện, bắt đầu nghĩ chàng nào cũng chàng, miễn có một người cùng ngồi trước bàn phím gõ gõ với mình, đồng cảm với mình từ chuyện trên bàn viết đến cả chuyện… trên giường, coi như người cũ vẫn chưa bao giờ cũ... (Tội nghiệp tôi, tôi cô đơn đến thế sao?), để rồi, Duy lại bất chợt xuất hiện với những chuyện kể vui vẻ (những khi như vậy tôi mới biết mình đang… thế nào).

Tôi không biết gì nhiều về Duy, cũng không quan tâm tình bạn loại nầy sẽ đi đến đâu, hay đúng hơn, tôi coi Duy như một Trần Tường Duy năm xưa, hoặc gần nhất, người đàn ông của thế giới ảo kia chưa hề gọi cho tôi cú điện thoại giữa khuya nói lời từ giã hôm nào, để những vòng tay ảo vẫn quấn quýt nhau, ôm chặt em đi anh, hôn anh đi… (Tôi muốn nghĩ vậy, thực tế, với Duy tôi chưa hề buông thả hay có vẻ gì… mời mọc, chỉ là nghĩ, muốn nghĩ, vì, rõ ràng Duy không hề ảo chút nào, cũng không mơ hồ như khuôn mặt lờ mờ bóng đêm trên đám cỏ ướt lạnh…)
Và rồi trong một lần trò chuyện tôi cao hứng kể cho Duy nghe câu chuyện cũ, về một người cũng tên Trần Tường Duy.

Quả thật có một quảng đời không bao giờ muốn nhắc lại, nhưng sự thật rõ ràng là không thể nào quên. Nó đã là một ám ảnh. Đôi khi là những tiếc nuối. Đôi khi là định mệnh. Cuối cùng lại là số phận. Bốn lần vượt biên không thành. Hai lần bị bỏ tù và hai lần chạy thoát (trong đó có một lần suýt chết, trong lần đã qua tới Thái Lan). Tôi nhỏ bé mà lì lợm không chịu thua số phận, để rồi cuối cùng cũng phải chịu thua.

…Có tiếng súng nổ vang, cả đám người trên ghe chộn rộn nhưng nín thở. Một chiếc tàu ào tới. Ai đó la lên” Trời ơi, tụi nó, thân ai nấy lo nghen”. Tiếng bủm bủm của những người nhảy xuống nước. Súng lại nổ cùng tiếng quát tháo như xé rách màn đêm. Tôi đang lính quính thì có tiếng ai đó bên tai.” Cô biết bơi không?”. “ Biết”. “Vậy thì nhảy”. Ai đó nắm chặt tay tôi rồi lôi tôi nhảy xuống biển. “Đừng ngóc đầu lên, lặn đi, lặn theo tôi.”Tôi nghe theo giọng nói của một người đàn ông, hít một hơi rồi lặn theo tay níu của ông ta.
Đầu óc tôi quay cuồng theo những hơi thở gấp vì mệt . Chúng tôi nhô lên thở rồi lại lặn xuống. Không biết đã bơi tới đâu, có xa cái bãi biển đó chưa?. Thỉnh thoảng người đàn ông ngước lên trời định hướng rồi bơi tiếp, về đâu tôi không biết, tôi mù tịt vùng biển nầy. Một lúc sau ông ta thì thào” thoát rồi, cô nghe đi, im rồi phải không?”. Tôi đắng cổ khi nghĩ tới thằng em trai, không biết nó có thoát?. Hướng về những đám cây đen ngòm ven biển, tôi và ông ta bơi tới. Khi cùng đặt chân đứng lên bãi bùn, cả hai chúng tôi loi ngoi ướt sũng. Nghe trong hơi gió như sắp có mưa, chúng tôi nắm tay nhau bước lúp xúp về phía đất liền, rồi mưa giông ào tới…, chúng tôi chạy…, càn qua cỏ sậy nghe rào rào dưới chân. Tôi run lên vì lạnh.
Có lẽ đã xa vùng nguy hiểm, người đàn ông dừng lại ngó quanh rồi dắt tay tôi bước tới một lùm cây rậm rạp, mưa cũng vừa dứt.
Dùng chân đạp những thân sậy vươn cao rạp xuống để lấy một chỗ vừa rộng cho hai người ngồi, người đàn ông nói” Cô ngồi xuống nghỉ ngơi đi, nếu mệt thì nằm tạm, tôi ra ngoài canh chừng nghen”. Tôi nằm vật ra thở. Nếu có chết vì cảm lạnh thì cũng là một cái chết nhẹ nhàng và nhanh chóng. Chết vì chết đuối trên biển thì bơ vơ quá. Tôi suýt chết trên biển. Giờ thì tôi chưa chết vì cảm lạnh, tôi chỉ quá lạnh thôi.

Không biết tôi có ngủ không vì bỗng dưng tôi giật nẫy người khi nghe tiếng quát lớn phía ngoài đám cỏ , rồi có tiếng người lao xao bước vào, tôi ngước lên và kinh hãi nhận ra một họng súng đang chĩa vào đầu người đàn ông đã cứu tôi. Một thằng công an ở đâu lòi ra như một cơn ác mộng. Hắn hất đầu súng về phía tôi. “ Con kia, đứng lên, tụi bây vượt biên phải không?” Tụi tôi vợ chồng ra coi rẫy mắc mưa anh”.” Coi rẫy gì mà giò cẵng dính sình dữ vậy, giỡn mặt tao hả?”. Hắn rọi đèn pin vô mặt tôi nhìn lom lom.” Con nầy coi ngon, tao ra điều kiện, để tao làm tao thả, còn thằng kia, có vàng , tao thả cho đi”Tôi nói” Ông ơi ông có bà ngoại không?” Hắn trợn mắt” Hỏi chi vậy, ai không có bà ngoại?”( mẹ mầy)”. Nếu ông có bà ngoại bả sẽ buồn lắm”( thằng chó). Tôi lại hỏi” Ông có con gái không?”( chó đẻ mầy). Hắn chần chừ, tôi bồi tiếp” Ông để đức cho con gái đi”(mả cha mầy). ..Một cú đá bay tới cánh tay cầm súng của thằng công an, và người đàn ông nhanh như chớp chồm tới quặt hai tay hắn ra sau lưng. Cây đèn pin và cây súng lăn xuống cỏ. Tôi nhanh nhẹn xé áo trói tay hắn lại. Người đàn ông chộp khẩu súng dí vào đầu thằng công an ấn xuống. Tôi trói luôn hai giò hắn. Hắn còn có bà ngoại, có mẹ, có con gái…

Người đàn ông ném súng về một phía xa , cùng tôi chạy thêm một đoạn nữa mới dừng lại.
Lại dẹt đám cỏ cho tôi nằm, người đàn ông cởi áo ra khoác cho tôi. Tôi run lên vì lạnh.

Bàn tay anh rụt rè nắm tay tôi.” Tay cô lạnh quá, cô lạnh lắm phải không?”.Tôi rên hừ hừ. “ Cô cởi hết đồ ra đi, tui trải lên cỏ , có gió sẽ mau khô thôi, để vầy cảm lạnh đó, xích lại đây tui ôm cho cô ấm nhé, tui cũng phơi đồ đây”. Anh nhanh nhẹn cởi hết quần áo ướt ra và cũng trải chúng lên ngọn sậy phơi gió. Trong hoàn cảnh nầy, tôi im lặng. Anh nhẹ nhàng kéo tôi vào lòng , lưng tôi nằm trọn trong lòng anh, hai tay anh ôm sát tôi, hai bàn tay anh áp lên hai bàn tay tôi. Tôi rùng mình nghe tiếng thở anh sau gáy, tiếng thở gấp nhưng nhẹ nhàng. Hơi ấm từ anh lan tỏa vào tôi, rất ấm, có lẽ anh cũng ấm…, tôi thiếp ngủ…
Trong cơn mơ màng tôi xoay người lại ôm anh, rồi trong cơn ngái ngủ tôi nghe mình thì thào” Anh… ấy em đi, em còn trinh đó”…

Tôi nhớ, nhớ rất rõ, Duy nâng tôi lên trong lòng anh, nâng niu, nhẹ nhàng, anh hôn dài lên ngực tôi.
Đôi chân tôi mở ra. Vòng ôm siết chặt nhau. Tôi run rẩy. Và khóc. Và cười. Có lẽ chút hạnh phúc nầy như một thiên thu sẽ không bao giờ trở lại…

***
Chúng tôi đi men theo mấy cái rẫy dưa hấu rồi ra tới đường lộ.
Trời chưa sáng hẵn, nhưng ở phía biển xa những dãi mây nhen lên ánh hồng như những tia lửa nhỏ.
Chúng tôi sắp chia tay.
Anh nói “Anh chưa biết tên em”. Tôi cười” À há, em tên Kiều Đức Hạnh, em thích viết lách, bút danh em là Phương Ly Tâm, là Cỏ Non, là Họa Mi…”. Anh kêu lên” ồ, hình như anh có biết em đó, thích nhỉ, còn anh tên Trần Tường Duy, anh cũng viết lách nhưng anh viết dỡ ẹc, anh là lính Việt Nam Cộng Hòa, cho anh hỏi tí thôi, sau nầy còn đi nữa không? Tôi cười ha hả “Đi nữa …”
Quả thật tôi còn đi nữa, lần nầy tôi đi với một bạn học, chúng tôi đi lọt tới Thái Lan, ở đó 4 năm rồi bị hồi hương, khi về lại Việt Nam chúng tôi có một con trai 2 tuổi. Vợ chồng tôi sau đó mở một quán ăn nhỏ lây lất cho đến khi chồng tôi qua đời…

Duy cười ha ha qua điện thoại. “Lần đó trong đám cỏ có gì không?”
Tôi nói. “Nếu anh là Duy hồi đó thì có gì không thì anh phải biết hơn em, phải không? À, mà anh có phải Duy hồi đó không?
“Không phải, nếu phải thì anh đâu có hỏi em?”

Ừ, chỉ là trùng tên thôi.
Nhưng càng ngày tôi lại thấy Duy tìm cách xích lại gần tôi. Duy có một giọng nói ấm áp và thỉnh thoảng rất gợi tình khi trò chuyện với tôi. Tôi nghĩ. Anh chàng nầy cũng khéo dữ, muốn tán mình đây! Tôi cũng thấy vui vui qua những câu chuyện mà tôi nghĩ là không ai đời nầy rảnh rỗi và chịu tốn tiền điện thoại để đi tán tỉnh một người đã lớn tuổi như mình. Duy có cái cách cười nhẹ và gọi tên tôi” Hạnh ơi, Hạnh ơi” rất nồng nàn làm tôi đã bắt đầu thấy lung lay, một lần Duy đã tạm biệt tôi bằng những lời đầy xúc động” thôi , anh đi làm đây, ngủ đi, bye cưng!”( quá lâu rồi không ai gọi mình là cưng).

Có một lần Duy ỡm ờ “nếu anh về gặp em, em có cho anh một đám cỏ mới không?”. Nghe Duy hỏi, tôi không phản đối, chỉ có loanh quanh đánh trống lảng, “Thôi, cái gì để nó ảo ảo vui hơn, phải chi mình gặp nhau sớm hơn vài chục năm, bi giờ em ngại đụng phải thực tế lắm, chưa kể là em sẽ không chịu nổi sóng gió…” Tôi bất chợt thấy như lòng bỗng như vừa mới lớn, tôi nhớ đám cỏ sương rạo rực thanh xuân, nhớ Trần Tường Duy xưa quá. Nhớ Duy xưa, tôi cố hình dung gương mặt anh nhưng không thể nhớ nổi, chúng tôi có gần một đêm bên nhau và chỉ thấy mặt nhau khi trời vừa rạng sáng.

Có vẻ như Duy coi thường tôi thì phải. Tôi hơi bực. Dẫu gì cũng cảm ơn anh đã ở bên tôi trong thời gian tôi dở điên dở tỉnh vì thất tình, đã giúp tôi vượt qua nỗi hụt hẫng cô đơn. Bây giờ tôi đã tỉnh táo, đã hiểu. Không biết nhờ Duy giúp tôi hiểu hay như người ta thường nói, thời gian, rồi gì cũng qua.
Có nhờ gì thì tôi cũng không còn hứng thú làm trò tiêu khiển cho những anh chàng (già có trẻ có) rửng mở trên mạng ảo nữa. Kể cả Duy.

Đã là tháng mười. Thành phố vẫn ướt át bởi những cơn bão rớt từ những miền xa. Tôi vẫn thế với thời gian trôi qua trên mái tóc và một nỗi trống vắng đôi khi mệt mỏi của tâm hồn.
Nửa đêm, chuông điện thoại reo vang. Tôi giật mình cầm máy và hơi bực. Nhưng…, ôi! là giọng nói của Duy. Tim tôi hơi lói. “Hạnh ơi Hạnh ơi”. Tôi lại bị ru hồn. “Hạnh ơi, thôi anh nói phứt cho rồi, anh đã suy nghĩ rất nhiều, mấy mươi năm qua anh chưa bao giờ quên em, anh luôn nghĩ về em, anh tìm em trên mạng, rồi anh đã gặp em… trên blog của em, anh… anh chính là Trần Tường Duy xưa đây”.

Tôi giật bắn người, hầu như muốn ném cái điện thoại, tay tôi run lẩy bẩy.
Như bị ngộp thở, tôi thì thào, nước mắt ứa ra “Trời ơi! Anh, anh, Duy, Duy, anh… Sao có thể vậy được? Anh… dợt em hả?” Cùng một lúc, bao nhiêu ý nghĩ ập tới tim óc tôi như sóng xoáy lên bờ. Tôi nổi giận đùng đùng. Sao Duy có thể đối xử với tôi như vậy, hơn ba tháng qua Duy đã vờ làm quen, vờ chọc ghẹo. Có phải vì Duy không thể đi đến tận cùng với tôi nên đã im lặng cho đến bây giờ mới nói ra sự thật? Duy sợ tôi phải khổ, hay Duy sợ cái người đàn bà đi bên cạnh kia? Sợ này sợ nọ thì tại sao phải tìm kiếm để làm gì? Chưa bao giờ quên, đọc em trên mạng, chui vào blog chỉ để hèn nhát lặng im giữa một khoảng cách mênh mông như hai vì sao Hôm, Mai. Và nếu không phải là tình cờ, do chính tôi chủ động tìm đến làm quen, thì khoảng cách ấy còn hư ảo đến bao giờ?

Ba tháng! Phải đến ba tháng mới hiểu là mình mừng vui được gặp lại một người mà mình hằng mong đợi ư? Có phải để lại một lần nữa xa nhau? Và vĩnh viễn xa nhau trong nỗi thất vọng tột cùng? Tôi muốn la lên thật to, anh im đi, anh có biết anh chưa bao giờ mất tôi… cho tới hôm nay không? Anh có biết giá như anh nhận ngay từ đầu hay là không bao giờ nhận thì đỡ đau cho tôi biết bao không?

Cơn choáng váng làm tôi buồn nôn, đầu tôi nhức buốt.
“Hạnh! Hạnh ! Em còn đó không? Anh xin lỗi em! Anh xin lỗi em!...”

Tháng 8/2014

 
 

Âu Thị Phục An