Phỏng Vấn ÂU THỊ PHỤC AN
 
 
 

Những ngày giáp Tết, trò chuyện cùng nhà thơ ÂU THỊ PHỤC AN

Chân dung nhà thơ Âu thị Phục An

HT:

Mến chào chị Âu Thị Phục An,

Qua mục ý kiến ngắn của chị về bài “Thăm hỏi nhà thơ Trần Phù Thế,” tôi lần tìm đọc lại các bài viết của chị đăng trên Da Màu và có vài lời thăm chị qua điện thư này và nhờ toà soạn Da Màu chuyển. Được chị cho biết quê chị là Rạch Giá và là học sinh trường Nguyễn Trung Trực, và đến năm lớp Đệ Tam (1970) chị lên Đà Lạt học tiếp. Sao lúc còn là học sinh chị lại có sự dời đổi quá xa này? Chị là cư dân thị xã Rạch Giá hay có gốc gác nơi làng quê nào, thưa chị? Hy vọng chị có thể nói một chút về quê hương Rạch Giá của chị nhe.

ÂTPA:

Kính chào ông Hai Trầu,

Cám ơn ông đã chịu khó tìm đến tôi với lời thăm hỏi, tôi rất xúc động. Tôi xin gởi đến ông lời chào sức khỏe và rất vui được cùng ông trao đổi đôi điều.
Thưa ông, tôi sanh ra ở vùng núi Ba Thê là quê nội, sau đó trải qua tuổi thơ ở Tắc Cậu là quê ngoại, đến tuổi tôi vào tiểu học thì ba má tôi sinh sống tại thị xã Rạch Giá, rồi tôi tiếp tục học đến lớp đệ tam thì cuối năm học đó ba tôi chuyển chỗ làm lên Đà Lạt nên tôi phải đi theo ông. Đi khỏi Rạch Giá ngay từ thời trung học cho nên với tôi bây giờ nói đến quê hương mình e rằng tôi chỉ còn lưu lại trong lòng những kỷ niệm tuổi thơ trên những dòng sông dòng kinh mênh mông nước. Khi vừa chớm có nhận thức tôi đã thấy mình thường xuyên bì bõm lội trong những dòng kinh đục ngầu phù sa. Khoái nhứt là vừa tắm vừa lum khum rình bắt mấy con ba khía nó cứ thò thụt khiêu khích ở miệng hang khi nước ròng, rồi sau đó mình lại tòng teng đu đưa trên những cành bần để hái những trái bần chín cây chua lè chấm muối ớt nhâm nhi những trưa hè trốn ngủ. Cho đến khi tôi vào trung học thì trường tôi, trường Nguyễn Trung Trực lại không cách xa biển bao nhiêu, tôi thường được hưởng những làn gió biển thổi về sân trường một mùi hương rất nồng nàn đặc trưng, mùi của vị mặn nước biển và của hàng hàng lớp lớp tôm cá mực phơi đầy dưới nắng. Về Rạch giá mà không nhớ mua vài chai nước mắm nhỉ Phú quốc, vài ký khô cá sặc rằn, cá lóc, cá chép mặn về làm quà là coi như chưa hề đi Rạch giá. Hiện tại Rach Giá vẫn phát triển mạnh các lợi thế về sông, biển và lúa gạo. Tuy nhiên, trong lòng của một người tha hương như tôi, nhớ và nói về quê hương mình, có lẽ cái “hồn quê” trong tôi là mạnh mẽ nhất đó, thưa ông.


HT:

Thưa chị Phục An,

Chân thành cảm ơn chị đã bỏ thời giờ quý báu để chia sẻ vài nét về một thời tuổi nhỏ với câu kết chị viết:" Tuy nhiên, trong lòng của một người tha hương như tôi, nhớ và nói về quê hương mình, có lẽ cái “hồn quê” trong tôi là mạnh mẽ nhất đó, thưa ông,” chị làm tôi nhớ hai câu Kiều:

"Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa."

Chị có thể chia sẻ thêm một chút về cái "hồn quê" đó không, thưa chị ? Và trong sáng tác, chị có những trang thơ văn nào nhắc nhớ về một vùng quê ngày ấy, như Ba Thê, Tắc Cậu hay những bảng đen phấn trắng ngày nào nơi mái trường Nguyễn Trung Trực năm xưa ?

ÂTPA:

Thưa ông Hai Trầu,

Có thể nói với tôi, hồn quê đã trở thành một nổi ám ảnh rất lâu, vì lẽ tôi mang một mặc cảm âm thầm với quê hương mình đã hơn ba mươi năm qua, vì lẽ tôi đã bỏ nó mà đi không quay trở lại. Tôi đã đau một nổi đau kỳ lạ khi có lần tôi vì công việc mà trở về quê thì tôi nhận ra một điều, mình đã trở thành một người xa lạ, dù phố xá, con đường, biển, gió, hàng cây …vẫn còn đó, vẫn quen, mà sao…tất cả đều im lặng và dửng dưng với tôi quá, không còn ai chào đón tôi nơi ấy nữa. Và tôi đã lại ra đi với một nổi nhớ không hiểu là cái gì. Mưa, tôi nhớ. Nước tràn vô nhà, tôi nhớ. Thấy con nít tắm mưa, tôi nhớ. Đi chợ thấy bán cá rún, tôi nhớ. Hồn quê cũng thấm đẫm trong tôi khi cả nhà ngồi quanh nồi bún cá lóc bốc khói mà thỉnh thoảng tôi hay nấu và cũng hay khoe với bạn bè một cách thích thú về món bún rất ngon của quê tôi. Tôi nói điều nầy nữa, có khi cũng là một điều kỳ lạ, tôi chưa bao giờ đọc trọn cuốn Đặc San của trường tôi mà bạn bè gởi về. Tôi luôn khóc khi thấy tên thầy cô và bạn bè tôi trên đó. Rồi từng bài viết như cào xé vào nổi nhớ thương, và lòng tôi quặn thắt không chịu nổi ông ạ. Để tự trách mình tôi đã có hai bài thơ nầy xin gởi đến ông.

Quê

hình như lâu không nhớ đến quê mình
ta phiêu bạt tưởng chừng quên quê mẹ
có nhiều khi dối lòng như con ghẻ
xứ sở người ta trụ để làm chi?
qua rồi qua đã đâu hết xuân thì
chừng nghe Tết mới nhớ mình đen bạc
mộ của mẹ có mái che mưa nắng?
mộ chị mình có được mấy ai thăm?
tuổi non tơ xiêm áo đáy mộ nằm
biền biệt lạc cũng một đời thôi chị
mộ của ngoại già nua đời yên nghỉ,
nằm ở đâu giữa Tắc Cậu xanh rừng
biển Kiên Giang ngày ấy biển muôn trùng
phù sa đỏ nuôi hai bờ cơm áo
dòng sông thơ trẻ thơ thường huyên náo
những trưa hè trốn học lội tung tăng
ôi áo dài con gái chẳng nếp nhăn
ta đi học nón che đường đi, nắng
ta đi học chở theo nhiều giấc mộng
ngẩn ngơ chiều mây vừa chợt trôi theo
không nhớ xa xôi chỉ nhớ quê nghèo
đường mưa ướt bùn trơn chân không vững
ôi quê mẹ sao mà xa bất tận
lâu không về, ta có bạc tình quê?


Trường cũ tình xưa

Nơi đây một thời thương mến
Học trò áo trắng tinh khôi
Cho nhau thật nhiều lưu luyến
Để dành nhớ lúc chia phôi
Bụi phấn phủ mờ ký ức
Nhớ ai bàn ghế rưng buồn
Ai qua một thời áo trắng
Tôi về thấy những tang thương
Đâu đó trong vườn kỷ niệm
Vang vang có tiếng giảng bài
Đâu đó trong từng nỗi nhớ
Có ai theo bước chân ai
Phượng đỏ trên cành rũ bóng
Từng viên gạch nhớ chân người
Đã qua một thời thơ mộng
Sao lòng cứ ngẩn ngơ say
Chiều nay bên cổng trường xưa
Lặng nhìn lại từng cửa lớp
Hình như có tiếng ai cười
Trong veo một thời mực tím
2008
Trân trọng.

HT:

Thưa chị,

Cảm ơn chị cho đọc hai bài thơ “Quê” và “Trường cũ tình xưa” của chị chan chứa nỗi niềm, càng làm cho tôi cảm thông thêm về nỗi nhớ hoài những bóng hình quê nhà một thời con gái ấy.
Như chị biết, tôi cũng có quê cùng với những làng quê như chị, cũng con kinh xáng Bốn Tổng, nhìn xa xa về hướng Tây Nam, ngọn núi Sập, núi Ba Thê, quê nội của chị, hiện lên dáng núi màu xanh xanh nơi cuối chân trời với xã Vọng Thê nằm theo triền núi thấp ấy . Những cánh đồng lúa mùa những năm 1940-1950-1960 một thời của Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, Định Mỹ, Ba Bần, Ba Dầu, Kinh Xáng Bốn Tổng, Núi Sập, Ba Thê, Phú Hòa, Vĩnh Chánh…; rồi nào là Hang Tra, Trà Kiết, Vĩnh Hanh, Cầu Số 5, Tri Tôn về hướng tây nam hoặc ngược lên Năng Gù, Cái Dầu , kinh xáng Vịnh Tre về hướng Châu Đốc làm nên vựa lúa Long Xuyên – Châu Đốc trù phú biết bao . Những ngày tháng còn trẻ con ấy, mấy cậu tôi trên Mặc Cần D ưng vào mùa nước lên tháng tám, tháng chín, tháng mười âm lịch thường đem bầy trâu lên chưn núi Ba Thê tránh lụt, tôi thường lên xã Vọng Thê thăm trâu với cậu … Những chuyến đi băng qua những cánh đồng lớn với be xuồng lướt trên ngọn lúa mùa rì rào ngày xa xưa sáu bảy chục năm ấy là tiếng nhạc đồng quê mãi dạt dào trong tôi mỗi bận chợt nhớ về . Thành ra, tôi vô cùng cảm thông về nỗi nhớ quê của chị nhiều lắm!

Thưa chị, trong mục ý kiến ngắn trên Da Màu về bài “Thăm hỏi nhà thơ Trần Phù Thế,” chị có cho biết:”Phục An hồi nhỏ có dịp sống ở Long Xuyên, rất sợ khi mùa nước nổi mênh mông là nước, cứ thấy nước dâng cao là run, nhưng lại mê chết mệt mấy cái nhà sàn hay hay của xứ Long Xuyên….” Vậy chị ra Long Xuyên năm nào và chị có thể kể vài kỷ niệm dễ thương lúc bấy giờ về một tỉnh lỵ rất thanh bình và sung túc ấy không? Ngoài ra, cũng trong phần ý kiến ngắn, chị có cho biết: “Vào cái thời mà các nhóm thơ, các thi văn đoàn mọc lên như nấm, nói cho vui, lúc đó tôi mê mệt Tuổi Ngọc của Duyên Anh, thời đó, cái hay của văn nhân thi sĩ miền Nam là dù sống cận kề với bối cảnh chiến tranh hàng ngày nhưng tâm hồn người miền Nam hầu như không hề có hận thù. Ngay cả thơ văn người lính cũng vô cùng lãng mạn.” Chị có còn nhớ tên vài bút nhóm hoặc thi văn đoàn ở Rạch Giá, Long Xuyên hoặc nơi nào khác thuộc Miền Tây mình không, thưa chị ?

ÂTPA:

Kính thưa ông Hai Trầu,

Chà, được ông nhắc nhớ về miệt Ba Thê, núi Sập và những địa danh khác mà vì nhỏ quá tôi không nhớ nhưng cũng làm cho tôi bồi hồi lắm, bởi vì ông bà nội tôi sống bằng nghề bán ghe hàng (còn gọi là hàng xén) có lẽ là đã trôi nổi quanh năm trên những vùng nước mênh mông mà ông kể đó, vì trong trí nhớ của tôi, quanh tôi không có đất mà chỉ toàn là lênh đênh trên sông nước.

Còn về việc vì sao mà tôi có lúc sống ở Long Xuyên thì tôi xin kể hầu ông là do tôi mồ côi mẹ từ lúc 10 tuổi, bà ngoại tôi vốn là một bà mụ vườn nổi tiếng mát tay, chẳng những sanh đẻ cho người ta giỏi mà còn biết luôn nghề thuốc chuyên trị bịnh phụ nữ. Ngặt nổi bà không biết chữ nên mỗi khi có thân chủ rước về nhà làm thuốc ở tận Long Xuyên thì bà lại đem tôi theo để tôi soạn và đọc các toa thuốc cho bà. Công việc của tôi chỉ chừng đó, và nhờ vậy mà mỗi lần đi Long Xuyên tôi được tha hồ tự do sống những ngày mơ mộng của mình trong những căn nhà sàn của nhà giàu, nó bự và sang trọng lắm, tôi thường một mình lang thang trong nhà, nhìn ngắm những cái sàn nhà bằng gỗ láng bóng mát rượi, tôi lăn mình trên đó, nằm úp mặt trên đó để được hưởng cái mát lạnh của gỗ thấm vào da mình. Rồi vào những mùa nước nổi thì tôi lại có dịp tưởng tượng như mình đang đi trên một chiếc thuyền to, thật là khoái, mặc dù về đêm, tôi rất thường hay run sợ khi nhìn qua khe hở của sàn nhà , chỉ thấy toàn là nước.

Vào năm 1966 có người mai mối cho ba tôi một người con gái lỡ thời khoảng 36 tuổi ở Long Xuyên, thế là tôi được gởi cho cô để học nữ công gia chánh, mà chủ yếu là tôi được cô dạy thêu trước. Tôi có thời gian ở Long Xuyên là vì vậy. Ở nhà cô mới đúng là khoảng thời gian tôi thích nhất, cái máu lãng mạn của tôi có thể nói là ngày đêm cứ vẩn vơ trôi theo dòng nước đục mênh mông đầy quyến rũ.

Thưa ông, nói về các bút nhóm và thi văn đoàn thời nhỏ thì đáng tiếc là tôi không còn nhớ tên bút nhóm nào cả, chỉ nhớ mỗi bút nhóm của mình (cười ) mà tôi làm trưởng nhóm với cái tên nhómTuổi Mây với ba thành viên là tôi ( Thụy Ly Thu) cùng hai cô bạn Thụy Yên và Thụy Vũ . Có một nhà thơ rất nổi tiếng của Rach giá mà tôi còn nhớ là Thương Hoài Thương. Khoảng thời gian nầy tôi chừng 16, 17 tuổi, chủ yếu là tôi viết cho Tuổi Ngọc và các nhật báo. Là con gái, tôi không được tự do lắm trong việc phát huy máu văn nghệ của mình, tôi đọc sách báo mà còn phải trốn ba tôi vì ông rất nghiêm khắc với con gái.

Nếu các bạn trẻ bây giờ mà biết thời của tôi, ba tôi rất khó, tôi và các em gái ngoài giờ học ở trường không được đi đâu cả, không cho nghe nhạc, không cho đọc sách báo, chỉ học may và học thêu. Tôi chơi văn nghệ thơ văn mà giấu đút, trốn lánh gần chết chứ có được tự do đâu?

HT:

Thưa chị,

Thật cảm động khi được nghe chị kể về những ngày thơ ấu chị theo bà Ngoại làm thuốc cứu nhân độ thế ấy. Nhắc về Long Xuyên, nơi tôi đi học từ hồi theo học lớp Tiếp Liên trường Nam Tiểu Học tại tỉnh lỵ Long Xuyên mãi cho đến xong bậc Tú Tài với trường Trung học Thoại Ngọc Hầu dưới dốc cầu Hoàng Diệu, tôi cũng có những ngày ngủ giữ trâu giữa thành thị như từng ngủ giữ bò nơi miền quê lúc tôi còn nhỏ ở quê mình. Nhớ có lần trong lá thư gởi cho bác sĩ kiêm nhà văn Ngô Thế Vinh, tôi có kể cho ông nghe về những đêm ngủ giữ trâu ấy nhơn đọc cuốn “Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch” của tác giả phát hành năm 2007, xin phép ghi lại để chị đọc chơi: Thưa bác sĩ,

Nói về Lấp Vò, có lẽ nói hoài vẫn không dứt, nhưng tôi lại muốn theo chân bác sĩ về Long Xuyên, nơi mà bác sĩ kể lại trong sách . Tôi sanh ra ở Lấp Vò nhưng hồi nhỏ tản cư thì tía má tôi đậu ghe dưới bến nhà thương Long Xuyên; rồi khi lớn lên ít tuổi tôi lại học ở Long Xuyên và trường đại học An Giang mà bác sĩ ghé thăm, cách nay hơn 50 năm, nơi đây là miếng ruộng của cô tôị. Vì phải ở trọ nhà bà cô để đi học, nên chúng tôi cũng thường giúp gia đình cô tôi vào những ngày mùa cắt gặt trên miếng ruộng ấy . Xưa nơi này đất ruộng trũng và hoang vắng lắm. Ngay chỗ “ngã tư đèn bốn ngọn” dẫn vô trường đại học An Giang là chỗ mà ngày xưa cách nay hơn nửa thế kỷ có cái gò cao, người ta dựng một cái bảng quảng cáo kem đánh răng hiệu Hynos. Dưới chân tấm bảng đó là một trại ngủ giữ trâụ che bằng hai tấm cà rèm. Hằng đêm tôi ngủ ở đó coi chừng trâu cho bà cô tôi và tối tối tôi phải mò ra chỗ bồn cỏ “đèn bốn ngọn” để học bài . Cả một cái vùng sầm uất phố xá ngày nay ở khu này, thì hồi đó là những hầm trâu nằm đầy đế sậy và đĩa trâu lội sệt nước. Có thể nói những dòng chữ mà tôi viết và bác sĩ đọc được trong lá thơ này là nó có từ những đêm tôi học bài dưới ánh đèn đường và ngủ giữ trâu trên cái gò có cái bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos ….”(Thơ viết ngày 15-9-2007 với tựa “Địa danh Lấp Vò và Long Xuyên trong sách của Bác sĩ Ngô thế Vinh”)

Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) nơi ngã ba đường Gia Long-Trần Hưng Đạo (dưới dốc cầu Hoàng Diệu, về hướng Châu Đốc), vào năm 1959
Thưa chị,

Sở dĩ tôi muốn mời chị đọc đoạn thư vừa trích để muốn thưa cùng chị rằng tôi cũng là một đứa bé nhà quê nghèo lên tỉnh trọ học và cũng có những năm tháng cơ cực như vậy để thấy trong lòng tôi có một sự cảm thông với chị về những ngày còn nhỏ mà chị lại phải trăn trở về nỗi mình như chị vừa kể. Ngoài ra, bút nhóm Tuổi Mây do chị với bút hiệu Thụy Ly Thu làm trưởng nhóm, chào đời năm nào, thưa chị? Và hai cô bạn Thụy Yên, Thụy Vũ giờ còn làm thơ viết văn gì không ? Mà sao lại là Thụy Ly Thu, một cái tên nghe buồn quá, phải không chị?

ÂTPA:

Thưa ông,

Bỗng dưng nghe ông nhắc đến “ngã tư đèn bốn ngọn” làm cho tôi nhớ Long Xuyên quá, vì đó là điểm mốc khi xe đò vào tới ngã tư Long Xuyên để rẽ vào bến xe phải không ông ? Dạo đó tôi thường định hướng như vậy để nhớ đường về nhà má ghẻ tôi là đường Thoại Ngọc Hầu, đi bộ đến chợ đường Ngang qua một khúc nữa là tới con hẻm nhà má ghẻ tôi. Con hẻm nầy mùa khô đi dưới đất, mùa nước thì đi trên cái cầu ván lắp ghép ghập ghềnh phía trên. Đọc những dòng thư ông viết, thật không thể ngờ thời nhỏ ông ngủ giữ trâu giữ bò dưới bùng binh đèn bốn ngọn đặc trưng của tỉnh Long Xuyên mà tôi luôn nhớ trong lòng, cũng như tôi nhớ cây cầu Hoàng Diệu và trường Nam tiểu học của Long Xuyên vậy. Sở dĩ tôi nhớ Long Xuyên nhiều là vì thời gian đó tôi được ra khỏi nhà, ra khỏi sự kiềm chế của ba tôi, tôi được tư do lang thang đến tối ở tỉnh lỵ Long xuyên mà không bị ai la rầy cả, sung sướng làm sao!

Nhắc đến cái cái thời ham mê văn chương lòng tôi còn rộn lên nhiều cảm xúc đây thưa ông. Đầu tiên, năm học đệ lục là tôi đã viết sớ táo quân cho Đặc San của trường, rồi làm thơ, viết tùy bút cho bích báo. Sau đó tôi “ xâm lấn “ qua các trang văn nghệ của các nhật báo, tuần báo…Tôi chơi thân với hai cô bạn , ban đầu lấy tên là Tam Thụy, sau tôi cũng bày đặt bắt chước mọi người ra nhóm lấy tên là nhóm Tuổi Mây ( vì tôi rất mê được lang thang như mây trời ), đó là năm tôi học lớp đệ tứ, năm 1969.Chúng tôi lấy bút hiệu có lẽ là do phong trào hồi đó chữ Thụy rất thịnh chăng? Hồi đầu tôi lấy bút hiệu Thụy Ly (theo tên ca sĩ Khánh Ly), sau đó tôi thương cái tên Thu của tôi quá, bỏ không đành , nên tôi thêm chữ Thu vào thành Thụy Ly Thu, nghe buồn muốn chết luôn! Sẳn đây tôi gởi cho ông coi cái thẻ mà hồi đó Tuổi Ngọc cấp cho thành viên, nó bị cháy một góc là do hồi 30.4.1975 tôi đem đốt hết sách báo, đốt luôn cái thẻ, hổng ngờ nó không cháy hết mà còn lại thế nầy, tôi giữ lại đến giờ, coi như định mệnh của nó là không chịu cháy đi, không chịu thành tro bụi.

“Thẻ xanh ngà ngọc,” do báo Tuổi Ngọc cấp (do chị ÂTPA gởi)

Còn hai cô bạn tôi hiện giờ đều định cư bên Mỹ, cứ than cày như trâu, không còn viết lách gì cả, chữ đã trôi hết ngoài biển rồi, đọc của mày cũng đủ khoái. Thiệt tình!

Trân trọng.

HT:

Thưa chị Âu Thị Phục An,

Còn bút hiệu Âu Thị Phục An của chị ngày nay là bắt đầu khi nào? Chị có thể nói thêm một chút về ý nghĩa hai chữ Phục An không ? Ngoài ra, được chi cho biết chị viết cho Tuổi Ngọc, ở đó chị viết truyện hay thơ ? Lúc bấy giờ chị có được trả tiền nhuận bút gì không, thưa chị ?

ÂTPA:

Thưa ông Hai Trầu,

Khi bắt đầu gửi bài cho tạp chí Văn thì tôi ký bút hiệu Âu Thị Phục An. Đó là năm 1973.Còn ý nghĩa của bút hiệu nầy thì hiển nhiên là tôi muốn lấy lại sự bình an trong tôi mà bản thân tôi đã đánh mất nhiều năm trước đó vì những cú sốc trong đời. Một điều nữa,vào lứa tuổi mười tám đôi mươi thuở ấy tôi không được hồn nhiên cho lắm, tôi luôn đặt câu hỏi cho mọi sự việc, tôi luôn thao thức khi người khác ngủ say.Tâm hồn tôi luôn bất an, và bất an nhiều đến nỗi một anh bạn nhà văn đã thốt lên thành lời, và đã gọi tôi là Phục An, một cái tên như một lời nhắc nhở. Và sẽ mãi còn nhắc nhở tôi cho đến tận bây giờ. Thưa ông, viết cho Tuổi Ngọc hồi đó tôi thường làm thơ hơn viết truyện. Mà ít khi được đăng lắm, cho nên tôi không nhớ là có nhuận bút hay không.

HT:

Thưa chị,

Chị có còn nhớ những bài thơ đăng trên Văn ngày ấy không? Xin chị vui lòng chép lại vài bài thơ cũ của chị như để chia sẻ cùng người đọc và cũng để hoài niệm về một thời làm thơ ngày nào của một người con gái vùng Rạch Giá lúc tuổi đôi mươi!

ÂTPA:

Ô, thưa ông, đáng tiếc là tôi đã đốt hết sạch tất cả các bản thảo viết tay, các bài thơ in trên báo, Tuổi Ngọc, Văn có đăng truyện ngắn của tôi, sách dịch…, vì sau ngày 30. 4.1975, ba tôi bị bắt, chị em tôi phải từ Bạc Liêu vất vả đổ đường quay trở lại Rạch Giá để nương náu với bà ngoại. Khi đó tuyệt vọng quá mà, sách vở văn chương gì nữa? Và tôi cũng không còn nhớ bài thơ nào cả. Nếu gần đây truyện ngắn trên Văn của tôi không xuất hiện trong bộ Văn Miền Nam do nhà văn Trần Hoài Thư thực hiện thì coi như tôi mất trắng các tác phẩm. Còn thơ tôi thì không vào nổi tạp chí Văn, chỉ có vài truyện ngắn mà thôi, đành phụ lòng ông và người đọc vậy.

HT:

Thưa chị,

Cảm ơn chị rất nhiều. Là một người con gái mê văn thơ từ lúc còn là học trò lớp đệ Thất, đệ Lục và bắt đầu viết văn làm thơ từ những ngày thơ mộng ấy cho đến bây giờ, chắc là chị đã đọc rất nhiều, đặc biệt là văn chương Miền Nam trước 1975. Trong khu vườn văn học ấy, chị hạp văn phong các tác giả nào nhất và các tác giả này có ảnh hưởng gì trong cách viết của chị không? Ngoài ra, theo chị thì một truyện ngắn hoặc một bài thơ thế nào được công nhận là hay? Và chị có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm cùng bí quyết trong cách viết của chị nhằm làm cho những áng văn mà chị sáng tác được nhiều người đọc ưa thích không?

ÂTPA:

Thưa ông, thiệt tình tôi rất “ngán” khi ông đặt câu hỏi nầy, nhưng tôi lại cảm thấy vui vì sau bao nhiêu năm không còn ngó ngàng gì đến văn chương giờ tôi lại có dịp nhớ về cái thời trẻ tuổi dễ thương nhiều đam mê ngày ấy. Thú thiệt là tôi đọc rất nhiều sách báo, sách dịch…, nguồn tôi đọc thường là ở những tiệm cho thuê sách truyện, hầu như tôi “dọn sạch ráo” những tiệm sách cho thuê ấy, nhất là vào mùa hè, vì tiền học trò của tôi chỉ đủ mua Tuổi Ngọc, Văn, và nhật báo thôi.

Là con gái, lại có đam mê viết lách nên tôi để ý và hay đọc nhà văn Trùng Dương, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng là hai nữ sĩ mà tôi mến mộ và ít nhiều cũng học hỏi một chút gì đó nơi hai bà. Ảnh hưởng duy nhất của hai bà nơi tôi không phải là văn phong mà chính là tư tưởng phóng khoáng tự do, bởi vì ngày xưa cho tới bây giờ viết lại, điều tôi tha thiết và luôn hướng tới là bằng cách nào đó, qua thơ văn, những điều thầm kín, những khát khao, kể cả sự thụ hưởng công bằng của giới tính nữ, phải được như người nam, phải được biểu lộ và biết đến, vì bằng bản năng thôi thì người phụ nữ đã cống hiến quá nhiều điều tuyệt vời cho trái đất nầy rồi.

Thưa ông, đối với tôi một truyện ngắn hoặc một bài thơ gọi là hay thì nó phải có hồn, tức là có thần đó. Một truyện ngắn hay sẽ khiến tôi đọc đi đọc lại, chiêm nghiệm rất lâu, có khi thổn thức với nó nữa, nếu nó còn mang đến cho tôi một điều gì đó, mà chính tôi không giải tỏa được, hoặc tôi được giải tỏa nhờ nó.

Tôi viết thường là bằng nguồn cảm hứng với một đề tài nào đó, nó phải có tính nhân bản, đôi khi nó chỉ là những câu chuyện đời thường , đôi khi là một nẻo khuất kín của nội tâm, có khi có tính cách triết lý . Bí quyết của tôi thường là cách tôi chọn đề tài để có thể làm cho người đọc nào cũng có thể rung động, gợi nhớ, chiêm nghiệm, và có thể thỏa mãn nữa…, rồi sau đó mình nhờ đến chữ nghĩa như mọi nhà văn thôi, với chút ít văn phong của mình.

HT:

Vâng, thưa chị, nghe chị bảo “hầu như tôi dọn sạch ráo những tiệm sách cho thuê ấy” là tôi biết ớn chị rồi. Và như chị viết :” Điều tôi tha thiết và luôn hướng tới là bằng cách nào đó, qua thơ văn, những điều thầm kín, những khát khao, kể cả sự thụ hưởng công bằng của giới tính nữ, phải được như người nam, phải được biểu lộ và biết đến, vì bằng bản năng thôi thì người phụ nữ đã cống hiến quá nhiều điều tuyệt vời cho trái đất nầy rồi.”; phần nào giúp cho tôi có thể hiểu chút chút về các bài thơ khá nóng của chị trên Da Màu và trong tập Nguyệt Thực. Ở đó nó có chút dí dỏm mà chua chát, vừa như thật mà ảo, vừa như bất như ý mà lại bằng lòng, vừa như có chút triết lý về cuộc đời mà không triết lý gì. Chị nghĩ sao về nhận xét rất chủ quan này ? Nhà văn Võ Phiến trong bộ Văn Học Miền Nam, khi bắt đầu vào đề viết về nhà văn Trùng Dương, ông đã viết:”Mỗi cây bút phụ nữ thường bị “tình nghi” thuộc vào một trong hai loại sau đây: hoặc loại phát huy nữ tính, hoặc loại tranh đấu cho nữ quyền” (Văn Học Miền Nam, truyện 3, Võ Phiến, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, năm 1999, trang 1551), như vậy chị có thể tự xếp mình vào loại “phát huy nữ tính” hay “tranh đấu cho nữ quyền” ? Tiện đây, cũng xin chị chia sẻ thêm một chút về tập thơ “Nguyệt Thực” của chị ? Sao lại là “Nguyệt Thực” mà không là “Nhật Thực” hay một cái tựa nào khác trong số 75 bài thơ với 135 trang sách ấy ?

ÂTPA:

Kính thưa ông Hai Trầu,

Cám ơn ông đã đặt một câu hỏi mà tôi đã nhận được rất nhiều từ độc giả trước đây. Và cũng cám ơn hơn nữa là câu hỏi cũng là câu trả lời rất sắc sảo thay cho ATPA.Tôi còn biết nói gì hơn nữa? Tôi nghĩ rằng nhà văn Võ Phiến đã nhận định không sai về các cây bút nữ, tôi thì không hình như gì cả mà lại có luôn đến hai khả năng mà nhà văn Võ Phiến đã đề cập đến, một là “phát huy nữ tính,” hai là “hết lòng tranh đấu cho nữ quyền,” điều nầy chắc chắn là tôi đã thể hiện rất rõ ràng trong các tác phẩm của tôi. Thưa ông, sinh nhật tôi là một đêm rằm, Nguyệt Thực là “vầng trăng tôi” bị đời ăn đi trong một đoạn đời rất lâu mà sau đó, từ cuối năm 2007, tôi đã làm thơ lại. Và để đánh dấu cho sự trở lại nầy, tập thơ Nguyệt Thực của tôi ra đời như một chứng thực cho sự mất đi và trở lại của một vầng trăng.

HT:

Như chị vừa nói: “vầng trăng tôi” bị đời ăn đi trong một đoạn đời rất lâu mà sau đó, từ cuối năm 2007, tôi đã làm thơ lại”, có nghĩa là chị đã tìm lại được mình giữa muôn trùng bất trắc của dòng đời ….

Nhưng, như chị cho biết có một thời chị phải giã từ Rạch Giá theo gia đình đi học lớp Đệ Tam trên Đà Lạt vào năm 1970 và vào những năm ấy tôi cũng có biết Đà Lạt của chị mấy bận. Từ Sài Gòn theo xe đò ra tới ngã ba Dầu Giây (Long Khánh) rẽ về hướng tay trái qua Định Quán, Phương Lâm, rồi vượt đèo Madagui, đèo Blao về Lâm Đồng, tôi nhớ quá khu rừng Phương Bối trong “Nẻo Về Của Ý.” Bảo Lộc chập chùng những đồi trà xanh một màu xanh mát rượi với làng Tân Lộc hồi đó mít trái đầy cây, ôi thôi mít là mít . Mít nghệ, mít ướt, mít tố nữ làm thành cái nét riêng của Bảo Lộc vào những ngày mưa rừng bất tận. Bỏ lại Bảo Lộc sau lưng, tôi đi tiếp đên vùng đất Di Linh với những vạt rừng cà phê ngào ngạt hương thơm của mùa cà phê trổ bông và rồi tôi lại bắt đầu đi vào lãnh thổ của làng Tùng Nghĩa thuộc quận Đức Trọng của Đà Lạt với khí trời hơi mát lạnh của cao nguyên Lâm Viên lan dần vào áo mỏng khách bộ hành. Đức Trọng với thác Liên Khương, thác Pongour, thác Gougah cùng với những đồn điền cà phê, cam, thơm, khóm và đặc biệt về cây rừng, về lâm sản là một trong ba quận trù phú nhứt của tỉnh Tuyên Đức gồm Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng. Qua khỏi quận lỵ miền cao nguyên này, lần theo quốc lộ 20, lần đầu tôi có cảm tưởng núi rừng bao la quá làm con người chỉ còn là những hạt cát li ti khi mắt nhìn xa xa phía trời cao kia núi là núi ngập đầy rừng lá thông xanh làm thành cái dáng vẻ trầm mặc biết dường nào! Tôi lên Đà Lạt những năm tháng xa xưa ấy cách nay hơn bốn mươi năm mà sao vẫn nghe như cứ mỗi bận nhớ về Đà Lạt là tôi nhớ tới quận lỵ nghèo Lạc Dương nằm về phía phi trường Cam Ly chạy dài theo chân núi hơn là nhớ những vườn bông hồng đầy hoa thơm và gai nhọn; tôi nhớ về Đơn Dương với con dốc khúc khủy về hướng Đà lạt nhin xuống thung lũng xa xa duới kia bóng dáng người tiều phu bé nhỏ giữa rừng già; tôi nhớ Đức Trọng với thác nước Liên Khương hơi cạn và dòng thác như con suối mùa hè, khác xa với những dòng thác khác cũng của Đức Trọng như thác Gougah, thác Pongour cứ như giận dỗi ai nước cứ đổ ầm ầm bất tận… Nhớ về Đà Lạt của chị tôi không nhớ cà phê Tùng, tôi không nhớ Sân Cù, tôi không nhớ hồ Xuân Hương, tôi không nhớ những cặp tình nhân dìu nhau trên lối cỏ; tôi không nhớ những chợ hoa với những cô gái mà đôi má lúc nào cũng ửng hồng, mà tôi nhớ những người vác gùi đi vào rừng từ sáng sớm, mà tôi nhớ những đám mây xanh cùng lớp sương mù như lúc nào cũng treo lưng chừng trên đỉnh núi Lâm viên cao chất ngất trên trời cao, đôi lúc làm mắt mình mờ đi không còn thấy đâu là rừng thông, đâu là bông hoa, đâu là những gương mặt các cô gái Đà Lạt đẹp lạ kỳ …. Và ở đấy dường như tiết trời rất hợp với nước da con gái hơn con trai; chị có thấy thế không? Và những năm tháng chị sống ở Đà lạt chị có làm bài thơ nào ghi lại những ngày này không? Hy vọng chị chia sẻ vài vần thơ về một miền cao với biết bao mộng mị, trữ tình ấy, thưa chị.

ÂTPA:

Ô, thưa ông, không biết có sự tương cảm nào giữa ông và tôi không mà bỗng dưng ông lại “trao tặng” tôi một ký ức quá đẹp và rõ nét về xứ sương mù Đà Lạt mà ông gọi là “Đà Lạt của chị” như thế nầy? Thiệt sự những dòng hồi tưởng tuyệt vời của ông làm cho tôi quá sức nao lòng và nhớ về Đà Lạt của những tháng ngày mộng mơ ấy quá. Những gì ông kể cũng chính là những gì tôi cũng đã từng thụ hưởng trước một Đà Lạt vô cùng xinh đẹp. Niên khóa 1971 – 1972 tôi vào học trường trung học nữ Bùi Thị Xuân, và với trái tim lãng mạn, tôi không phải đứng ngắm Đà Lạt với đồi núi cao vời, với sương mù sớm mai, với trăng đêm huyền bí, với thông xanh rì rào, với những giọt café Tùng tuyệt ngon, hay với những chiếc dù đủ màu xinh xắn, hay có lúc ngất ngư cùng anh chị Lê Uyên Phương trong ca từ của “ theo em xuống phố trưa nay, đang còn ngất ngất cơn say…,” mà thiệt tình tôi đã như tan biến vào những đóa hoa hồng đỏ au trên đôi gò má của những cô gái Đà Lạt nhu mì đáng yêu.

Thưa ông, đúng là tiết trời Đà Lạt lạ thiệt, tôi có vài cô bạn học đều có đôi má đỏ, lòng bàn tay, gót chân đỏ au mỏng dờn, còn mấy anh con trai thì không được như vậy đâu, da họ cao lắm là hơi hồng hồng một chút thôi ông ạ.

Nói về thơ thì khi sống ở Đà Lạt tôi làm cũng nhiều, nhưng hồi đó báo đăng rồi thì tôi cắt ra dán vào một cuốn sổ để kỷ niệm chứ không thuộc và nhớ nổi đến hôm nay đâu. Sẵn đang cao hứng, tôi làm bài thơ mới toanh nầy gởi đến ông và độc giả, có dở xin đừng cười, tôi rất cám ơn.

Em thẹn gì mà má em cứ ửng hồng?
Vào đông chưa mà Đà Lạt cứ mùa đông
Sáng mù sương mặt trời không chịu thức
Ngủ chi mà ngủ li bì, có biết anh đợi không?
Nắm tay em đi anh, tay em đang lạnh ghê
Nắm hai tay luôn, cho em quên hết đường về
Nè, cây dù đỏ che nghiêng bờ môi đỏ
Kìa, đồi nghiêng chao làm thao thức đám dã quỳ
Cỏ óng mượt, cỏ đồi Cù xanh hết biết
Mỏi quá, duỗi bốn cái chưn ướt đẫm sương mai
Tập vở đâu rồi, tựa lưng vô gốc thông em lẩm nhẩm học bài
Còn anh nữa, năm nay mà thi rớt coi chừng đi lính đó
Nhớ, sao mà nhớ một thời dấu yêu, một thời môi còn đỏ
Nhớ, sao mãi nhớ tay nào ấp mãi một bàn tay
Và rồi sương mù đời lắp che đôi mắt mỏi
Có còn khung trời nào cho những sợi tóc phai?

HT:

Thưa chị,

Giờ xin trở lại với Sài gòn của chị một chút nhe. Hồi còn đi học, tôi có lên Sài Gòn đi học nhưng không phải để học Văn Khoa hay Luật khoa , cử nhân, tiến sĩ gì ráo trọi mà là học nghề cu ly. Hồi ấy tôi ở trọ tại hẻm rạp hát Long Vân, đường Phan Thanh Giản, gần Ngã Bảy. Mỗi ngày tôi đạp chiếc xe đạp cũ lên mấy gốc me đường Gia Long, Lê Thánh Tôn ngồi nhâm nhi ly cà phê lọc bằng cái bọc vải nơi các gốc me này. Vì tôi không phải là người giàu chữ nghĩa hay đầy chất lãng mạn trong mình; vả lại, cũng vì mình ở thôn quê mà nhà lại nghèo nên tôi hổng dám mò tới mấy quán cà phê sang trọng như Givral, La Pagode, quán Văn, quán Gió gì ráo trọi. Thành ra trong trí nhớ của tôi bây giờ với Sài Gòn của tôi năm xưa, có tới hơn bốn năm chục năm, là cà phê gốc me trên đường Gia Long, Lê Thánh Tôn với hương thơm bát ngát ấy. Sau này, lâu lâu, khoảng năm, mười năm, từ dưới ruộng tôi lại lên thăm Sài Gòn một bận và Sài Gòn với cái cảm của một người nhà quê già như tôi sao mà giống mấy câu thơ của thi sĩ Ngu Yên quá mạng:

Tôi và Sài Gòn thấy nhau
Vừa lạ vừa quen vừa thân vừa khó chịu

Và rồi thi sĩ Ngu Yên kể tiếp:

Đi lại vỉa hè
Thấy bềnh bồng đường phố
Người nào cũng quen tôi lạ vô cùng
Lá cây vẫn vậy
Nắng mưa vẫn vậy
Tiếng kèn xe lấn áp tiếng ve
Cây me cũ cao hơn trước
Dấu cành xưa cưa cụt còn vết thương
Góc quán cũ tân trang hơn trước
Người khách xưa vô thường miên man Tôi không biết làm gì hay đang rướm máu
Hạt bụi rơi giữa thê thiết tung hê
Nén hơi sống vào hình hài lắng đọng
Chịu đựng ngàn năm cho hết trăm năm

Sài Gòn Tôi đứng đội trời bất lực
Chân có đôi mà cô đơn
Mây ngàn lối tập trung vào giọt nước
Mưa
Tôi ướt như xưa xa Sài Gòn.
(Sài Gòn tóc bạc, trang 2)

Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm, nhơn năm đó lúa ruộng hơi trúng, tôi có lên Sài Gòn một chuyến nữa và tôi ghi nhận như vầy, mời chị đọc thử chơi cho vui:

Sài Gòn vào những ngày tháng mười, dù có những cơn mưa lớn nhưng trời vẫn nóng vô cùng. Sài Gòn, đối với tôi, một người sống ở đó mấy mươi năm trước, vẫn không có gì lạ. Nếu có cảm giác lạ chăng đối với tôi hôm nay là ở Sài Gòn, người ta ra đường đông hơn, xe cộ nhiều hơn và người lái xe lái ẩu hơn cách nay ba mươi năm. Khi dân số lên tới mức 6 triệu 500 ngàn người có tên chính thức trong tờ khai gia đình, trong một diện tích không nở lớn ra thêm bao nhiêu, trong khi chưa kể số người cư trú ngoài “hộ khẩu”, thì cái đông đúc, cái chật chội của Sài Gòn là một điều hiển nhiên.

Ngày nay ở Sài Gòn dường như không ai có thể phân biệt được khu nào là khu nhà ở, khu nào là khu thương mại, buôn bán. Ðường phố nào, căn nhà nào cũng trở thành một cửa hàng, một tiệm buôn, một khu phố thương mại. Sài Gòn không có khu dân cư thuần túy, ngay cả trong các chung cư, các con hẻm. Ở đó người ta cũng tìm cách buôn bán một món hàng gì đó để kiếm thêm lợi tức như một sạp báo, một quầy thuốc lá, một gánh cơm tấm bì, một quầy bán giấy số lẻ… Sài Gòn tháng mười, người ta lo kiếm sống bằng đủ mọi thứ nghề.

Sài Gòn tháng mười, dường như người ta cũng không quan tâm đến các “Nhà văn vỉa hè Sài Gòn” của Nguyễn Viện, [1]những “Ngọc của Sài Gòn” của Nguyễn Thị Minh Ngọc. [2] Và Sài Gòn tháng mười người ta cũng không quan tâm đến tập truyện Bóng đè của Ðỗ Hoàng Diệu như Trịnh Cung đã nhận xét trên talawas là “đột ngột xuất hiện và gây sửng sốt người đọc Việt Nam.” Tôi bắt gặp Bóng đè là nhờ có đọc trước trên tạp chí Hợp Lưu ở California, nó đang nằm khiêm nhường trên một kệ sách nơi nhà sách Minh Khai, trên đường Hồng Thập Tự cũ trong nỗi lặng lẽ của nhiều số phận.(Talawas, Bộ cũ: Diễn Đàn 2001-2008, ngày 11-11-2005)

Chị nghĩ sao về nhận xét này? Và vào những ngày cận Tết như mấy hôm nay, chị có thể chia sẻ vài ghi nhận mà chị biết được qua các sinh hoạt văn học nghệ thuật của các” nhà văn vỉa hè Sài Gòn” (*) nơi các quán cà phê vỉa hè vào dịp Tết này ở Sài Gòn, thưa chị? (*) chữ dùng của nhà văn Nguyễn Viện, Sài Gòn.

ÂTPA:

Thưa ông, tâm trạng xa lạ trên những con đường quen của Sài gòn hầu như người nào cũng có nếu đã từng sống và ghé qua Sài Gòn thời trước 1975.Tôi có câu thơ làm hồi 1985 thế nầy, “Ta ở Việt Nam sao mà nhớ Sài Gòn?” Và năm 2008, sau một buổi họp mặt Văn Khoa, tôi viết:

chiều sài gòn ngập nắng
trên con đường lạ
và quen
trong ký ức hồ như
rất nhiều năm ta vắng mặt
có vài tiếng kêu trên đám lá lao xao
đầy gió
dẫm bước chân trên hè hố năm xưa
nghiêng ngả chút già nua trong trí nhớ
có yêu dấu nào còn không anh
khi nửa đời ta quẩn quanh cùng số phận
ngơ ngác trên con đường quen
như một nụ hôn cuối ngày trên gác trọ
vội vàng anh trao
đã thôi không còn không còn nữa…
(HỌP MẶT)

Thưa ông, vậy đó, Sài gòn xưa cũ, café vỉa hè, hàng cây đầy nắng và những cơn gió thường làm trút xuống những chiếc lá me nhỏ xíu dễ thương, Sài Gòn gác trọ nóng bức, và Sài gòn của những tà áo dài quấn quít đôi chân thiếu nữ. Trong tâm thức của chúng ta, không có Sài Gòn bây giờ mua mua bán bán với những mặt nhà đầy hàng hóa, và vỉa hè yên bình của ngày xưa cũng không còn, bây giờ chỉ là những bình minh ám đầy khói xe và bụi bặm cho đến tận tối khuya.

Tôi đã có vài lần gặp gỡ các văn nhân thi sĩ " vỉa hè" ở Sài Gòn, những cuộc gặp mặt như để chào nhau mỗi buổi sáng café rất dễ thương và ấm cúng. Ai rảnh thì tạt qua một cái quán quen như một địa chỉ của hẹn hò, tạt qua trò chuyện một chút rồi đi, có khi là để chuyền tay nhau một tác phẩm vừa in “ ngoài lề”, bình phẩm râm ran, thoải mái rung đùi trên những chiếc ghế nhựa phai màu vì nắng gió. Vui mà cũng có khi thấy buồn, ai đi nghịch lề mà không cảm thấy khó chịu, thưa ông ?

Đúng là cuộc sống thường ngày có vẻ trôi đi và không quan tâm mấy đến những "dòng chữ ngoài luồng,” nhưng thực tế khi có những cây viết dám bứt phá để quăng đi hết xích xiềng của ngôn ngữ (đến mức trần trụi) thì chúng ta, những người thầm lặng mong đợi và hưởng thụ sẽ vỗ tay và hưởng ứng rất mạnh mẽ. Cho nên tôi nghĩ, khi Bóng đè của Đổ Hoàng Diệu xuất hiện, người đọc sửng sốt là phải thôi, không nói đến tư tưởng, mà chính cái cách dùng tính dục để minh họa cho một tư tưởng thì một người nữ viết được như vậy đúng là một cuộc vượt thoát chính mình và định kiến xã hội rất đáng nể.

HT:

Thưa chị,

Giờ xin ghi lại vài nét về công việc đồng áng nơi kinh xáng Bốn Tổng của tôi và các làng quê lân cận với mùa lúa Đông Xuân năm nay. Ở nhà quê tôi ngày nay có cái vui là gần Tết mặc Tết; trẻ con cũng như người lớn lo ba cái lúa ngoài đồng trước đã, rồi tết nhứt gì mình sẽ tinh sau. Năm nay nhà tôi sắp nhỏ sạ lúa giống thần nông 504 là giống lúa thông dụng. Giống lúa này gạo hột không dài, không ngon cơm lắm nhưng dễ trúng hơn các giống lúa thơm. Có người làm giỏi lúa trúng lên tới năm, sáu chục giạ một công tầm cắt là thường; còn dở dở như thiếu phân, thiếu nước, thiếu thuốc trừ sâu thì khỏi phải nói thế nào lúa cũng thất mùa! Nhưng chị biết hông, lúa coi mòi trúng vậy nhưng các chi phí khác lại cao quá nên làm ruộng hổng có lời lóm gì nhiều . Chẳng hạn như giá phân lạnh (phân Urê) trung bình cũng từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng một bao 50kgs; giá phân tiêu sữa (phân NPK) khoảng 600.000 đồng /1 bao 50kgs, phân tiêu đen (phân DAP) cũng tròm trèm 650.000 đồng/1bao 50kgs; còn phân Kali hồi mấy năm 1970-1980, rẻ mạt, vì ít ai xài, nhưng ngày nay phân Kali có thể nói là nó mắt nhứt hạng; một bao Kali 50kgs giá tới 700.000 đồng, có khi tới mùa mà hàng ít, hoặc phân chưa chở về kịp, giá còn cao hơn nữa . Còn thuốc trừ sâu bịnh cho lúa cũng đâu có rẻ rúng gì. Chẳng hạn như thuốc trị lúa bị ung thư cũng phải 190.000đồng /1 chai, nếu tính theo giá lúa cũng phải mất gần hai giạ lúa chứ đâu có ít ỏi gì! Còn việc mướn nhân công phụ giúp, như chị biết ngày nay lúa tới mùa cắt gặt thì lúa nào kêu được máy cắt và suốt lúa ra hột luôn, thì giá từ 250.000 đồng đến 260.000 đồng / một công tầm cắt; các máy này họ xe lúa hột vô nhà mình luôn; còn nếu không mướn được máy cắt lúa, mình phải mướn công cắt và tiền công là 250.000 đồng / một công tầm cắt; có khi không có nhơn công thì giá lên tới 300.000 đồng /một công. Ngoài ra, mình phải mướn thêm người ta ôm lúa gom lại, phải mướn máy suốt ra lúa hột, rồi phải mướn người vác lúa vô nhà; nói tóm lại, trăm thứ trăm mướn, nên tốn kém dữ lắm nhe chị. Trong khi đó, giá lúa trung bình 5.000 đồng /1kg hoặc 5.500 đồng /1kg là cao lắm rồi, nên làm ruộng trúng mà hổng khá gì cho lắm nếu không muốn nói là làm ruộng ngày nay chỉ đem lúa cũ đổi lúa mới thôi chị à !

Tôi có đọc được ý kiến ngắn của chị trên Da Màu:” Ông Hai Trầu biết không? mỗi lần về quê, xe tới bắc Vàm Cống “là đã nghe mùi của biển,” vâng, mùi của biển quê mình đâu đó nồng mặn đến nao lòng. Xe về tới Lộ Tẻ (ngã ba rẽ về Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá) đã thấy bát ngát gió, bát ngát những cánh đồng lúa vàng ươm, và thế là tình quê hương sự nhớ thương quê nhà bỗng sống dậy đến rơi nước mắt… “, tôi rất hiểu và thông cảm nỗi nhớ thương quê cũ của một người xa quê lâu ngày như chị nhiều lắm…

Nhưng xin chị cho tôi hỏi thêm câu này nữa nhe, trước khi kết thúc buổi trò chuyện này, là trong đời viết văn làm thơ của chị có lần nào chỉ nghĩ rằng chị sẽ có ý viết về cảnh làm ruộng của dân quê tụi tôi với những giọt mô hôi đã tưới ướt cánh đồng để có được “những cánh đồng lúa vàng ươm” ấy không? Và thường thường, thơ văn của chị làm ra có lần nào chị nghĩ là chị sẽ dành cho lớp người đọc ở Ba Thê (An Giang), Tắc Cậu (Rạch Giá) của chị hoặc giả mấy ông già nhà quê như dân ruộng kinh xáng tụi tôi đọc không, thưa chị ?

Nhơn đây, những ngày gần giáp Tết Nguyên Đán, khi nào chị về thăm quê nội ở miệt núi Ba Thê (An Giang), lúc chị tới Ba Dầu, Ba Bần trên đường sông từ Long Xuyên vô Núi Sập, Ba Thê, tôi xin kính mời chị ghé ngang qua Kinh Xáng Bốn Tổng của tôi để tôi gởi chị một ít xoài cát, một ít trái cóc cùng nhổ cho chị một mớ bông súng ngoài mấy vạt lung sâu trong ruộng của tôi để tặng bà con quê chị ăn lấy thảo. Của tuy đạm bạc nhưng lòng người nhà quê thì lúc nào cũng đầy đặn vậy, thưa chị Âu Thị Phục An!

Xoài cát trong vườn Hai Trầu

Vườn cóc của Hai Trầu vào mùa

Bông súng ở vạt lung sâu trong ruộng Hai Trầu

Xin chân thành cảm ơn chị đã bỏ thời giờ quí báu của chị để trả lời cho các câu hỏi vừa rồi, mà theo tôi, thật vô cùng thú vị. Trước thềm năm mới Tân Mão, xin kính chúc chị cùng gia đình một Năm Mới vui vẻ, an khang và hạnh phúc.

ÂTPA:

Kính thưa ông Hai Trầu,

Rất cám ơn ông đã tận tình giải nghĩa cho tôi và người đọc biết qua về sự ra đời của những hột lúa ngày nay, làm ruộng mà cuối cùng trúng mùa cũng như không thì điều đó đáng buồn và đáng lo quá.

Nhắc lại mỗi lần có dịp về quê mà xe bắt đầu chạy vô tới địa phận Tân Hiệp, kinh A, kinh B, là tôi xốn xang lắm, nhứt là khi tôi nhìn thấy những cánh đồng lúa xanh um, nó đúng là một biểu tượng của quê hương mình. Tôi nhớ ngày xưa có lần tôi viết một truyện ngắn về cảnh mấy người thanh niên vác lúa từ dưới ghe lên nhà máy xay lúa, rồi tôi “bí” nửa chừng, vì tôi chỉ tưởng tượng thôi thì viết làm sao ra được? Rồi tôi cũng có viết về cảnh ông ngoại tôi tát đìa bắt cá, mà tôi thường được hưởng những con tôm càng bự nhứt, tôi viết về cái cảnh tôi ham tắm sông bị chết hụt, và cũng mấy lần ngu bắt chuồn chuồn cho cắn rún đau quá mạng mà lội sông đâu có được, chỉ có quơ quơ tập tầm vũng ở mấy cái ao cạn, bị đỉa đeo sợ gần chết, sợ đến nỗi sau đó bị cọng cỏ quẹt vô chưn cũng đã nhảy nai. Tôi nhớ khi truyện ngắn ấy được đăng lên báo, tôi đọc cho ông bà ngoại nghe, ngoại tôi vừa ngồi ngoáy trầu vừa cười tủm tỉm khoái chí lắm.

Tôi rất cám ơn và cảm động với lời ông mời ghé qua nhà để ông tặng quà, nhìn đống xoài cát thấy mà ham và mới nhớ lâu lắm rồi không ăn xoài cát của miệt Long Xuyên, nó thơm và ngọt lịm, bây giờ ngay cả cái mùi thơm của xoài cát cũng làm tôi nhớ quê mình lắm. Xoài bây giờ ăn lạt và hầu như không còn mùi xoài thì phải, xoài đã không ngon mà còn mắt thấu trời.

Nhắc miệt núi Ba Thê mà chạnh buồn, vì bên nội tôi những người già đã " đi" hết rồi, ngay cả bác và cô tôi cũng không còn. Đường về quê nội hầu như đã bịt lối. Có lẽ phải chờ có một ngày quá giang ghe của ông Hai Trầu mà về quê, cỡ nào cũng phải đòi ăn cho được món canh chua bông súng cá sặc bướm mới vừa bụng. Ăn xong rồi để chủ nhà vui, tôi sẽ cố gắng xách dìa cho được hai giỏ xoài cát và cóc đó nhe.

Một lần nữa tôi trân trọng cảm ơn Ông Hai Trầu qua cái duyên văn nghệ mà tìm đến tôi với những lời thăm hỏi thân tình, để từ đó tôi có cơ hội mà bộc lộ nỗi niềm, thật không có gì vui hơn.

Năm mới Tân Mão sắp đến, kính chúc ông cùng gia quyến vạn sự như ý, an khang thịnh vượng.

Kính chào ông,

ATPA

HT:

Thưa chị,

Một lần nữa cảm ơn chị và chúc chị có những ngày mới nhiều sức khoẻ và Phục-An hoài …

Trân trọng kính chào chị.

Hai Trầu

Kinh Xáng Bốn Tổng 26.01.2011
@2006-2010 http:// damau.org ♦ tạp chí văn chương Da Màu

 
 

Âu Thị Phục An