ÂM VỌNG QUÁ KHỨ

*Tặng pđc

 
 
 

Nhân không ngủ lại được sau khi giật mình thức giấc ra khỏi một cơn mơ. Trong giấc mơ bầu trời xám xịt, nhiều mây vần vũ trên cao và anh đang đứng nhìn cha mình bị treo trên thành cầu. Thân thể ông đẫm máu, khuôn mặt trầy trụa, đôi mắt nhắm lại. Khi Nhân kêu “bố ơi!” thì ông mở mắt bảo, “con hãy chạy đi thật xa nơi này bố mới cơ may thoát chết được.” Nhân hoảng sợ vụt chạy trong tiếng súng nổ dòn dã và rơi ngay xuống sông. Anh giật mình thức giấc, khuôn mặt còn đầm đìa mồ hôi. Nhìn đồng hồ thấy đúng một giờ sáng.

Dỗ mãi không ngủ lại được, Nhân nghĩ vẩn vơ rồi xuống bếp lấy chiếc chén con đổ đầy nước đặt trong chậu rửa bát và mở nhẹ vòi để từng giọt nước rơi chầm chậm xuống chén. Anh về phòng để cửa mở và lên giường nằm. Tiếng nước rơi tí tách như tiếng mưa từ mái tranh quê nhà dần dà giúp anh chầm chậm đi vào giấc ngủ. Hôm sau ngồi uống cà phê ở phòng khách Nhân ngẫm nghĩ, sau mười tám năm định cư tại Mỹ, lần đầu tiên anh phát giác nỗi nhớ quê hương trong tiềm thức của mình.

Riêng giấc mơ lại hoàn toàn xa lạ. Bố Nhân mất mười năm trước tại quê nhà. Anh không hiểu tại sao cha mình lại bị treo trên cầu trong khi ông vốn chỉ là một nhà buôn bán nhỏ tại thành phố Đà Lạt. Nhân cố ráp nối những dữ kiện quá khứ. Cây cầu cao to kia không cho anh xác định được vị trí rõ rệt nào những nơi anh từng đi qua tại Việt nam. Dù không tin cơn mộng mị như một số người, nhưng từ giấc mơ ấy anh lại thấy trong tâm hồn mình có chút bâng khuâng như gặp lại một khuôn mặt hay khung cảnh quen thuộc nào đó của quá khứ. Điều này làm anh tò mò và tự bảo ngày mai sẽ gọi điện thoại về VN hỏi hai người anh của mình xem sao?

Hôm sau, cả hai người anh của Nhân không hề có ấn tượng gì về giấc mơ cách xa nửa quả địa cầu của em mình. Cần, người anh cả nói như hét trong điện thoại, “mày về thăm nhà, hỏi mẹ may ra biết thêm chi tiết. Nhưng tao cho rằng mày chỉ mơ vớ vẩn mà thôi! Mẹ yếu lắm và mong mày về thăm. “

Hai tháng sau Nhân về VN. Xuống phi trường Tân sơn Nhứt mười giờ sáng, anh mướn xe về Đà Lạt. Mẹ cùng hai anh Cần, Mẫn vẫn sống trong căn nhà cũ. Ngôi nhà tuy bề thế nhưng không dấu vẻ già nua vì lâu không được sửa sang. Nhân nhận ra cả ba người già hom hem yếu đuối không khác ngôi nhà bao nhiêu. Mẹ gần đất xa trời không nói nhưng hai anh của Nhân tóc bạc phơ dù chưa ai qua tuổi năm mươi.

Nhân ngồi phòng khách nói với mẹ, “bộ mẹ không ăn uống được hay sao mà gầy như thế này?” Bà nhìn Nhân rồi chầm chậm đứng lên bước đến vuốt tóc anh nói, “mẹ tám mươi tuổi, ăn uống gì được nữa mà không gầy. Ở xứ Mỹ bộ con cũng không ăn uống đầy đủ hay sao mà không thấy mập lên chút nào. Mày cứ như những năm còn học đại học!” Nhân phì cười, không trả lời mẹ mà quay sang hỏi anh Mẫn lúc này làm ăn như thế nào? Mẫn bảo:

- Tao làm sơ sài đủ mua rượu uống mỗi chiều là được!
- Thế còn anh Cần, có tác phẩm điêu khắc nào dự giải hay không?

Cần lắc đầu, nói gọn:

- Tao nung chén bát đủ sống qua ngày thì giờ đâu mà điêu khắc dự giải!

Nói xong người anh cả quay sang Mẫn bảo, “Nhân nó về nay mai làm một tiệc cho linh đình!” rồi bước xuống bếp bê lên một tô cơm nguội ăn với cá khô ngon lành. Nhân nói, “Hai anh uống rượu mãi coi chừng chết vì xơ gan đấy!”

Cần chợt đặt bát cơm xuống chăm chú nhìn Nhân hỏi, “Nghe nói mày cưới vợ?”, Mẫn nói tiếp, “Nghe nói mày có con gái?” Nhân nói với mẹ:

- Mẹ không bảo hai anh lấy vợ cho mẹ nhờ.
- Thế mày có vợ mà tao có nhờ được đâu?
- Tại vợ con sống bên Mỹ, ở đây nếu hai anh có vợ mẹ có hai con dâu.

Cần lại nâng tô cơm lên ăn tiếp. Nhân nói, “con có một con gái, khi nào nó lớn sẽ dẫn nó về thăm bà nội và hai bác.” Nói xong Nhân buồn bã nhớ đến việc ly thân của hai vợ chồng. Tuy chưa ly dị nhau vì đứa con gái bốn tuổi mà cả hai người đồng ý xem như chiếc cầu may ra có thể kết nối lại được từ những rạn nứt do bất đồng trước kia. Nhân dấu mẹ và hai anh chuyện buồn này.

Đến ngồi gần mẹ, Nhân kể về giấc mơ hai tháng trước tại Mỹ, bà bảo, “bố tụi mày chết mười năm trước vì bệnh tim! Còn chuyện bố bị treo trên cầu hỏi chị Hội con xem sao? Chị con theo bố từ nhỏ lúc còn ở Hà Nội. Trước kia hình như bố mày kể thời chống Pháp có đặt chất nổ ở cầu Doumer, nhưng có bị Pháp treo hay không thì không nghe bố kể?”

Chiều hôm sau, Nhân mướn xe ôm đi thăm chị Hội ở khu phố trên. Chị Hội tuy là chị cả của Nhân nhưng Nhân hiểu biết rất ít về chị. Lúc ở chung với chị Hội, Nhân còn quá nhỏ. Khi Nhân mười hai tuổi chị Hội lấy chồng ra riêng cũng ở tại Đà lạt. Từ đó thỉnh thoảng chị mới về thăm nhà. Ngày hôm nay hai con gái chị đã lập gia đình và đi làm xa, chồng chị mất sáu năm trước vì tai nạn lao động và chị năm nay sáu mươi lăm tuổi, sống một mình trong căn gỗ hai tầng trên đỉnh đồi cao. Nghe bố kể chị Hội lớn hơn Nhân hai mươi hai tuổi. Nhân nhớ chị cao lớn hơn bố cái đầu. Trong nhà Nhân ai cũng nhỏ con trừ chị Hội, điểm này làm chị nổi bật và ít ai quên chị dù xa chị rất lâu. Lần về VN đầu tiên ba năm trước Nhân có cho chị Hội tiền. Chị vui vẻ lấy một ít rồi bảo:

- Em cứ giữ lấy mà cưới vợ. Chị không thiếu tiền. Phần tiền chị nhận đây sẽ mua quà cáp cúng bố. Cái mảnh đất to của chị cho mướn trồng hoa bây giờ sinh lợi khá lắm. Chị còn dư dã nữa kìa! Còn mảnh đất mà mẹ đang sống cũng đủ cho em khỏi phải lo lắng cho gia đình bên này.

Chị Hội mở cửa ngạc nhiên khi thấy Nhân. Chị ôm anh nói, “Về sao không báo cho chị biết?” Nhân cười trả lời:

- Em về thăm mẹ và không ở lâu. Tuần nữa em trở về Mỹ.

Chị Hội không già hơn bao nhiêu so với mẹ và hai người anh của Nhân. Trong khi chị pha trà, Nhân bắt đầu kể với chị giấc mơ của mình.

Trầm ngâm rất lâu, chị Hội dè dặt bảo:

- Việc này chị không biết phải nói như thế nào? Vì đó chỉ là giấc mơ! Em chú ý làm gì cho mệt. Còn việc ngày xưa chị nghĩ rằng em có dịp trở về làng cũ Kim Liên, ngoại thành Hà Nội để tìm lại gia phả và hỏi chú Vân may ra em sẽ hiểu rõ thêm. Bây giờ ra Hà Nội dễ dàng, tại Kim Liên còn đủ chi tộc dòng họ. Bố là trưởng nên Cần, Mẫn và em đều có vai trò trưởng tộc sau này nếu trong dòng họ có hội họp với nhau.
- Nhưng chị có thể cho em biết thời kỳ bố còn trẻ ở Hà Nội khoảng 1942, trước khi vào nam?

Nghe Nhân hỏi chị Hội ngẩm nghĩ một chốc rồi nói:

- Lúc ấy chị mới 10 tuổi và sau hơn nửa thế kỷ không còn nhớ gì rõ ràng vả lại thời kỳ chống Pháp, gia đình chúng ta bị mật thám theo dõi liên miên nên bố và chị phải di chuyển thường xuyên.
- Thế lúc ấy mẹ ở đâu mà không sống gần bố và chị?
- Mẹ ở Nam Định trong thành phố. Nơi này chính là chổ an toàn cho bố và chú Vân rút lui khi bị nguy hiểm.
- Tại sao chị còn nhỏ mà phải theo bố, không ở với mẹ?

Chị Hội lại im lặng không trả lời, sau đó thong thả bảo Nhân:

- Chị không thể nói lý do với em vì có một số vấn đề rất tế nhị. Em nên nghe lời chị ra bắc đến Kim Liên để tìm về cội nguồn.

Nói đến đấy chị Hội nhớ lại một chiều tháng năm năm 1980, chị bán thuốc lá ở dốc cầu An Khánh. Một chiếc xe U uát đến chân cầu dừng lại bốn người cán bộ xuống xe. Chị Hội nhìn và nghĩ rằng họ là cán bộ cao cấp. Ai cũng mặt áo trắng sắc cốt đeo vai. Cả bốn người tiến về phía chị Hội. Chị ngạc nhiên vì nghĩ rằng có rất nhiều người bán thuốc lá ở chân cầu gần họ hơn. Nhưng họ vẫn đi về phía sạp của chị. Người cán bộ tóc bạc trắng mang kính gọng vàng hỏi chị mua một tút thuốc lá Tam Kỳ. Sau khi trả tiền ông ta hỏi:

- Chị tên gì?
- Tên tôi là Hội, nhưng ông hỏi làm gì?

Người đàn ông không trả lời và hỏi tiếp:

- Chị Hội bán có khá không?
- Dạ cũng đủ sống.

Cả bốn người nhìn chị săm soi như tìm người quen. Cuối cùng người cán bộ lớn tuổi hỏi bâng quơ:

- Thế nào là Tam Kỳ?

Chị cười trả lời:

- Thuốc này là thuốc thống nhất đất nước. Ba kỳ là Bắc, Trung và Nam kỳ ạ!

Người cán bộ tóc bạc trầm ngâm rồi gật gù khi nghe chị Hội nói. Họ lại to nhỏ với nhau rồi trả tiền và lên xe. Khi xe qua khúc quanh mất dạng, chị thở phào thoáng nhớ về những ngày mình còn bé ở Hà nội.

Chị Hội cho rằng mình đã đi thật xa một khởi điểm và dần dần quên nó. Tuy chị có thể quên nhưng người ta không quên. Sự hiện diện của chị mô tả cũng như chứng minh một thời kỳ xáo trộn đồng thời dư âm của nó đã từng ảnh hưởng một thế cuộc. Liệu sự tồn tại của chị là một hứa hẹn tốt hay xấu cho cuộc đời còn lại của chính mình? Chị có thể chờ đợi hay tự mình bước ra khỏi một định mệnh và thực ra mình ra đi hay chạy trốn?

Thấy chị Hội im lặng như gửi tâm tư về một cõi xa, Nhân thêm tò mò tuy nhiên anh không nói ra. Uống thêm hai tách trà, Nhân ra về. Trước khi bước ra cửa anh quay lại hỏi, “Tại sao trong nhà ai cũng nhỏ con mà chị Hội lại cao lớn, chị không giống ai trong gia đình?”

Chị Hội cười trả lời:

- Sao đến bây giờ em mới hỏi. Thực ra chị hoàn toàn không có huyết thống gì với bố mẹ. Tuy nhiên chị sẽ nói với em sự thật việc chị trở thành con của bố mẹ sau khi em đi Hà Nội về làng Kim Liên rồi trở lại đây. Chị mong rằng em sẽ có một chuyến đi trở về cội nguồn trước khi chị quá già hoặc đau yếu không đủ khả năng nói cho em hiểu câu chuyện gia đình gắn liền với một mảng lịch sử.
- Liệu mẹ có biết gì không?
- Mẹ biết rất ít vì mẹ không muốn biết. Hai anh của em còn tệ hơn. Không ai chú ý gì đến gốc rễ gia đình! Chị chỉ tin nơi em, Nhân ạ.

Nhân ra về sau khi hứa sẽ đi Hà Nội như chị yêu cầu. Trên đường về nhà Nhân ngẫm nghĩ khuôn mặt chị Hội trông giống với một ai đó mà anh nghĩ mãi không ra. Về đến nhà mẹ đã xong cơm tối đang ngồi trước bàn thờ gia đình đọc kinh Quán thế Âm. Nhân xuống bếp không thấy hai anh liền đi ra căn nhà ngoài vườn vốn là xưởng khắc gỗ, tạc tượng và làm đồ gốm của anh Cần.

Cần và Mẫn đang nhậu. Họ vừa xé mực khô ăn vừa uống rượu và bàn tính việc làm ngày mai tại chợ phiên Bảo Lộc. Anh Mẫn có một sạp hàng bán trà và đồ thủ công của Cần tại chợ phiên ngày mai. Nhìn hai anh ngồi ngất ngưởng giữa đám tượng gỗ và đất sét ngổn ngang trong phòng, Nhân lòng chán nản không nói tiếng nào chậm rãi đi quan sát công trình nghệ thuật của người anh cả.

Dừng lại góc bên trái, Nhân ngạc nhiên thấy một tượng gỗ mít điêu khắc cao bằng thân người rất đẹp đứng gọn trong góc nhà. Một người đàn ông gầy yếu, quần áo tơi tả một tay chống gậy một tay đưa cao mặt ngẩng lên nhìn trời. Nhân bước đến chính diện, khuôn mặt người đàn ông vừa đau khổ vừa bức rứt. “Thật tuyệt vời!” Nhân đến ngồi cạnh anh Cần khen.

- Mày cũng thích tác phẩm này? Tao vừa lấy nó về từ phòng trưng bày nghệ thuật thủ công thị xã.

Anh Cần nói xong, lại nhắp một ngụm rượu, khuôn mặt hả hê. Nhân hỏi lại anh:

- Anh tạc nó năm nào? Em nhớ về lần trước không thấy? Đây là một tác phẩm giá trị nghệ thuật cao. Em sẽ chụp hình và giới thiệu nó với giới thưởng ngoạn nước ngoài, giá phải cao lắm đấy!
- Anh không bán, vì nó mà anh mày ngồi tù hai năm.
- Thực ư? Tại sao?

Nhân thắc mắc hỏi và anh Cần nhăn mặt kể.

Trung tuần tháng mười hai năm 1979, một số ủy viên bộ chính trị về Đà lạt nghỉ xã hơi. Rảnh rổi họ vào thăm thị xã. Cần lúc ấy bắt đầu sống bằng nghề nắn chén bát bằng đất sét sau đó đem nung để bán. Bấy giờ tuy hết chiến tranh từ lâu, nhưng thị xã Đà lạt nổ ra đều đặn nhiều cuộc chiến khác. Cuộc chiến đánh tư sản mại sản, chống văn hóa đồi trụy phản động, tập trung sản xuất qua các hợp tác xã, vận động đi vùng kinh tế mới… nói chung tùy hoàn cảnh mà người dân tại đây đứng trên mặt trận này hay mặt trận kia. Cần cũng tự đặt mình trong một mặt trận: mặt trận chống đói của những người thuộc chế độ cũ.

Cần là hạ sĩ quan quân cụ. Phải đi học tập ba ngày, sau đó về nhà. Chưa vợ con, Cần suy nghĩ phải tìm việc làm để sống, không thể bám vào cha mẹ già. Dạo một vòng thành phố, anh khám phá ra thị xã Đà lạt nhỏ đến nỗi ra đường dường như ai cũng thấy lý lịch của nhau.

Cần không mặc cảm nhưng khó chịu cứ phải khai “trung sĩ chế độ cũ” mỗi khi xin việc làm. Hôm đi xin khuân vác, người quản lý kho gạo hỏi lý lịch. Cần văng tục, “mẹ kiếp, bộ chế độ cũ khuân gạo, gạo mốc hay sao mà hỏi?” Anh quản kho xua tay, “anh về đi, tôi hỏi vì chế độ mới muốn biết lý lịch đấy mà!”

Cần về nhà suy nghĩ ba ngày rồi tự bảo, “tao đếch cần xin việc của ai, tự tao mưu sinh…” Anh dựng một lán nhỏ trong vườn sau nhà rồi đi đào đất sét về nắn tượng vừa làm chén bát. Từ bé Cần đã khéo tay, thích điêu khắc nhưng không có điều kiện suốt những năm chiến tranh. “Hôm nay hòa bình mình làm điều mình thích có gì bằng!” Cần tự giải thích với mình như thế và vui vẻ đi đào đất sét chở về nhà trên chiếc xe đạp của mình. Ông Tập, bố của ba anh em khuôn mặt lệch đi vì trúng gió vào cuối tháng 4 năm bảy lăm quan sát việc làm của Cần rồi trệu trạo bảo cả nhà, “trừ thằng Nhân đã xuống tàu ra đi, tất cả những người còn lại trong nhà từ hôm nay phải theo gương thằng Cần. Lao động lúc nào cũng vinh quang!”

Tháng đầu tiên Cần hì hục nắn trâu, bò, gà hay chùm nho, mãng cầu, trái lê , trái táo… xen kẻ nắn chén bát, nồi, niêu... rồi anh tạo một bộ khuôn đồ sành thủ công và cứ thế sản xuất. Phơi phóng xong đem vào lò nung. Quá trình vất vả do không ai chỉ bảo, thiếu kinh nghiệm và sản phẩm đa phần thô vụng giống đồ chơi trẻ con. Mang ra chợ bán không ai mua Cần đem cho lũ trẻ con trong xóm chơi. Cũng may lúc bấy giờ đất sét còn lấy tự do, không phải trả đồng nào. Cần chỉ lỗ công nhưng sự nghiệp phải bắt đầu bằng lấy công làm lời. Cần bảo bố thường nói như thế nếu có ai chê anh phí sức và vô bổ.

Cần có năng khiếu mỹ thuật, năm học đệ nhị đáng lẽ đi thi cao đẳng Mỹ thuật Cần lại lỡ hai lần kéo theo thi rớt tú tài vì ham vui với đám bạn bè hát hò trung học. Lần thứ ba chuẩn bị đi thi thì bị bắt quân dịch. Cần mang cái khéo tay vào ngành quân cụ nhưng chả có việc nào dính líu đến nghệ thuật ngoài quấn dây làm mô tơ điện. Những năm tháng đi lính làm Cần nghiện rượu. Tiếp theo đầu óc ngểnh ngảng một dạng tâm thần nhẹ. Đơn vị đóng ở Cam Ranh, cuối tuần nhậu say, Cần thường ra giữa đường nằm. Xe hơi phải tránh, có lần đoàn xe công voa Mỹ cứ lái thẳng. Ai cũng đinh ninh Cần chết, nhưng anh nằm dưới gầm xe chứ nào phải dưới bánh xe đâu mà chết được. Vài ba lần như thế người dân đồn Cần là ma quỉ. Ai hỏi anh cũng cười rồi lại uống rượu và nằm lăn ra đường. May mắn Mẫn, em Cần làm thông dịch viên đổi về Cam ranh làm việc và có thời gian kèm cặp khuyên nhủ anh. Cần nghe lời em bỏ rượu dần cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Đất nước thống nhất, Cần về nhà xin việc mãi không được bởi lý lịch ngụy quân nên uống rượu tiếp để giải buồn. Buổi tối Cần uống một xị rượu mới ngủ được. Có đêm trằn trọc không ngủ, Cần ngồi dậy nắn tượng hay điêu khắc gỗ. Khuôn mặt tượng lúc nào cũng buồn rầu, khắc khổ. Nhà bên cạnh chặt bỏ cây mít già cỗi trong vườn, Cần sang xin cả thân gổ về phơi heo héo rồi bắt đầu điêu khắc. Hai tháng sau tượng một người ốm yếu một tay chống gậy một tay đưa lên cao, mặt ngẩng nhìn trời hoàn tất. Khuôn mặt tượng gỗ hao hao mặt của Cần và ai nhìn cũng thấy có thần.

Khi nhà văn hóa thị xã tổ chức triển lãm giới thiệu công trình thủ công mỹ nghệ, Cần mang tác phẩm của mình ra trưng bày. Hôm khai mạc có bốn ủy viên bộ chính trị đến dự. Công trình nào cũng được khen ngợi, khi vị tổng bí thư đến cuối phòng thấy tác phẩm điêu khắc gỗ mít của Cần ông ta chăm chú ngắm rất lâu tỏ vẻ thích thú sau đó quay sang hỏi Cần đang đứng cạnh tượng:

- Anh tạc tượng này ý nghĩa gì thế? Một thương bệnh binh chăng? Không đi được phải chống gậy?

Cần trả lời:

- Không phải thương bệnh binh mà một người ăn xin, thưa ngài.

Vị tổng bí thư nhíu mày nhìn thẳng vào mặt Cần hỏi lại:

- Anh điêu khắc một người ăn xin? Thực thế ư?

Cần cũng mạnh dạn trả lời:

- Đúng như vậy, thưa ngài.
- Anh mô tả ai thế này?
- Chính tôi, tôi là một kẻ ăn xin.

Lúc này người ủy viên thứ hai bước đến gần nhìn Cần rồi nhìn bức tượng như so sánh. Cần nói thêm:

- Tôi tạc tượng của chính tôi đấy, các ông nhìn thấy giống tôi không?

Cả ba người ủy viên lúc này bước đến gần Cần đều gật đầu. Vị tổng bí thư hỏi:

- Có giống khuôn mặt nhưng hình như anh có phải ăn xin đâu?
- Thưa ông tôi là kẻ ăn xin dĩ vãng. Tôi đang sống bằng đống rác quá khứ. Tôi moi móc nó để sống qua ngày không phải ăn xin là gì?

Cả bốn người đều trợn mắt nhìn Cần như kẻ điên khùng, một vị ủy viên lấy bút và một quyển sổ ra ghi chép. Tiếp theo vị tổng bí thư hỏi tiếp:

- Anh có thể giải thích cho tôi nghe thế nào anh là người ăn xin dĩ vãng ?
- Ông hiểu lầm rồi, không phải tôi mà cả ông nữa. Tất cả chúng ta đề là những kẻ ăn xin dĩ vãng.

Lần này những người bảo vệ vây lấy Cần và một người khóa tay anh lại như muốn bắt mang đi. Vị tổng bí thư xua tay nói:

- Thả anh ta đi.

Chỉ có thế, sau đó bốn vị ủy viên ra về. Hôm sau công an thị xã yêu cầu Cần trình diện và bị kết tội điêu khắc tuyên truyền bôi bác chế độ phải đi học tập cải tạo. Cái tượng gỗ mít người ăn xin dĩ vãng ấy làm cho Cần đi tù hai năm và khi trở về nhà thì Mẫn kể lại tuy chê bức tượng phản tuyên truyền nhưng nhà trưng bày thị xã vẫn thường mượn người ăn xin bằng gỗ này về triển lãm mỗi khi có phái đoàn khách nước ngoài đến xem.

Lần cuối cùng năm ngoái một người sưu tập tranh tượng nghệ thuật bên Châu Âu trả giá hai mươi nghìn Euro nhưng Cần không bán.

Nghe Cần kể xong, Nhân hỏi:

- Tượng điêu khắc gỗ của anh trị giá như thế tương đương các bức tượng của những điêu khắc gia danh tiếng trên thế giới, tại sao anh lại không bán?
- Một tác phẩm nghệ thuật khiến tác giả đi tù hai năm nên vô giá. Tao ngắm đủ đã đời rồi.
- Anh nói thật vô lý, với số tiền ấy, anh có thể thực hiện bao công trình khác mà anh thích. Anh không thể giữ một kho tàng trong khi mình thiếu thốn trăm bề!
- Mày hiểu gì đâu mà nói! Hai mươi ngàn euro không xóa được sự phẫn nộ trong lòng tao. Ngược lại tao thấy an ủi rất nhiều khi nhìn tác phẩm của mình, nó là sự thật cuộc đời mà sự thật cuộc đời có khác chi số mệnh? Phải không?

Nhân lại hỏi Cần:

- Em rất thích thú tác phẩm “Kẻ ăn xin dĩ vãng” của anh, như anh có thể cho em biết ý nghĩa sâu xa của nó vì ít ra anh có thể giải thích cho người thưởng ngoạn nếu họ yêu cầu.
- Tao có thể giải thích nhưng tao không thích. Mày hãy tự suy nghĩ vì chính mày cũng là một kẻ ăn xin dĩ vãng đấy thôi. Mày có thể hiểu ngay hoặc dần dần về sau sẽ hiểu. Nếu mày vẫn không hiểu, mày hãy nhớ đến bức tượng này đang miêu tả bản thân mày với đầy đủ cử chỉ thân xác lẫn tâm hồn mày sẽ hiểu.
Nhân lắc đầu không nói gì thêm rồi quay sang anh Mẫn hỏi, “hôm trước anh gọi điện cho biết phải tu sửa phần mộ ông bà nhưng em nhớ phần mộ ông bà mình ở ngoài bắc kia mà!”

- Đúng như thế tao nói mày có điều kiện ra bắc để xây mồ mã ông bà. Mẹ hay nhắc nhưng tao không biết sao mày chưa được nghe?
- Để ngày mai hỏi mẹ xem sao chứ em chưa từng nghe mẹ nói hay đề nghị.
- Mày tuy út nhưng như trưởng dòng họ, tao và thằng Mẫn coi như vứt đi!

Cần nói xen vào. Nhân hỏi:

- Tại sao?
- Vì tụi tao không vợ con, lỡ thời không làm gì ra hồn cả. Chưa kể hay be bét nói không ai nghe và cũng không chịu nghe ai khuyên bảo cả. Trong khi mày có gia đình và con cái xứng đáng nối dõi dòng tộc!
- Anh nói thế nghe được ư? Để xem ý kiến của mẹ thế nào?

Nhân lên nhà trên vừa suy nghĩ và cho rằng hai anh của mình trốn tránh trách nhiệm. Bước vào nhà thấy mẹ vẫn còn ngồi đọc kinh dưới ánh đèn dầu lạc, anh xuống bếp đun nước nấu gói mì ăn. Ăn xong Nhân đi nằm thì cơn mưa ập đến. Nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, Nhân nhớ đêm mất ngủ tháng trước bên Mỹ và cảm thấy mình như bị ngăn cách với mọi người. Lần này về VN, Nhân thấy mình xa hơn với gia đình ruột thịt. Nhìn mẹ anh thấy mình chỉ còn liên hệ với mẹ qua ánh mắt, mọi cử chỉ lời nói dường chỉ là những âm vọng quá khứ. Các anh Cần, Mẫn ngày hôm nay không còn chút thân tình như ngày còn đi học và ngày càng trôi dạt xa dần. Nhân tự hỏi phải chăng một ngày mẹ mất thì những âm vang còn lại ấy sẽ dứt hẳn? Nhớ đến chị Hội, Nhân lại thấy có chút gần gũi dù chị mới tiết lộ chẳng hề có liên hệ huyết thống với anh.

Hai tuần sau Nhân về lại Mỹ. Đêm trước khi rời VN, Nhân lại thăm chị Hội. Chị bảo:

- Nghe lời chị dặn, về bắc thăm quê nội xong về Nam Định thăm quê ngoại. Em sẽ hiểu chuyện. Có nhiều điểm mà chỉ có bên ngoại giải thích mới được.

Nhân hỏi thêm thì chị lắc đầu. Nhân về nhà nói chuyện với mẹ thì bà dặn dò anh:

- Con gắng về thăm làng Kim Liên, quê bố con. Mẹ hứa với bố sẽ khuyên các con về làng tu bổ mồ mã tổ tiên. Con về lần nữa chưa chắc mẹ còn khỏe mạnh như bây giờ hay đã về với bố con rồi!

Nhân hứa với mẹ rồi về Mỹ thì một năm sau mẹ mất. Tuy nhiên bởi công việc đòi hỏi, anh không về được chỉ gửi tiền cho hai anh lo việc ma chay. Tám tháng sau, Nhân mua vé máy bay về VN nhưng lần này anh đi Hà Nội. Đến phi trường Nội Bài chiều hai mươi lăm tháng chạp năm 1995. Chuyến máy bay từ Mỹ sang Paris đón một số khách mới bay về Hà Nội. Trên máy bay ngoài khách tây phương đi du lịch, khách VN chỉ có Nhân từ Mỹ còn lại khoảng mươi công nhân VN làm việc ở các nước Đông Âu về quê hương ăn tết. Ban đầu nói chuyện bình thường nhưng sau khi biết Nhân từ Mỹ về họ dè dặt hơn và chỉ trả lời nhát gừng.

Nhân về Hà nội như một thôi thúc từ những yêu cầu vừa rõ ràng vừa mơ hồ tổng hợp các dữ kiện xãy ra với cá nhân mình trong vòng hai năm. Việc trở về làng cũ theo yêu cầu của mẹ, chị Hội chỉ thứ yếu. Anh không lý giải tại sao nhưng cứ thích trở về trực tiếp Hà nội hơn là về Đà lạt rồi mới đi Hà nội dù nơi này anh chỉ nghe bố mẹ kể lúc còn bé. Nhân sinh tại Đà lạt năm 1952 sau khi gia đình từ miền Bắc vào định cư trên mảnh đất hoàng triều cương thổ này năm 1942. Tính ra Kim Liên là nguyên quán chứ không phải sinh quán của anh.

Nhân trả lời người công an phi trường hỏi lý do trở về trước khi đóng dấu chiếu khán, “Tôi về Kim Liên thăm lại dòng họ còn ở đấy và tu bổ mồ mã như yêu cầu của bố mẹ tôi trước khi mất.” Viên công an khá lớn tuổi trong khi săm soi sổ thông hành nghe anh nói như thế mới hỏi:

- Anh có biết ngày nay đâu còn làng Kim Liên thuộc trấn Nam mà là phường Phương liên thuộc huyện Đống đa Hà nội đấy?
- Thật sao? Tôi chỉ nghe bố mẹ kể. Tôi sinh ở Đà lạt, hoàn toàn không có ý niệm gì quê bố mẹ tôi.

Nghe Nhân trả lời ông ta cười hỏi thêm:

- Anh dự định về Kim Liên ngay hay sao?
- Vâng, nhưng tôi không biết phương tiện nào để về làng?

- Anh có thể mướn xe gắn máy kiểu xe ôm của miền Nam. Bảo người lái xe chở về huyện Đống Đa, không xa lắm đâu nếu anh ở ngay trung tâm Hà nội!

Tuy dự tính thế nhưng Nhân về Hà nội mướn khách sạn ở. Nhìn thành phố tấp nập trong cái lạnh rét cuối năm, những cành bích đào hé nụ bày bán dọc con phố nơi mình ở lòng Nhân thoáng chút bồi hồi sau đó lại rất lặng lẽ. Anh nhớ hình ảnh mông lung trên các trang sách tự lực văn đoàn những năm học trung học và âm thầm so sánh những hàng hóa tết dọc theo hè phố rồi tự kết luận, Hà nội ngày nay không khác ngày xưa bao nhiêu!

Tuy không hiểu biết tường tận nhưng Nhân hiểu điều duy nhất là thành phố này từng một thời chiến tranh. Hà nội đang xây dựng lại từng bước và lột xác. Nhiều báo chí tại đây viết như thế. Nhân dè dặt trong tiếp xúc vì biết mình chưa từng tiếp xúc với con người Việt nam xã hội chủ nghĩa bởi anh rời VN vào đêm 29 tháng 4 năm 1975. Tuy nhiên anh được nghe hay mô tả rất nhiều về người cộng sản từ những người đồng hương vượt biên hay chính thức ra đi theo diện sĩ quan, viên chức chế độ VNCH sau khi học tập cải tạo trong các trại tập trung trên ba năm.

Sáng hôm sau Nhân ra khỏi khách sạn mướn một chiếc xe ôm và nhờ chở đến cầu Long Biên. Khi đến chân cầu anh nhận ra chiếc cầu trong giấc mơ của mình. Những vòm sắt cao to làm thành cầu là nơi cha của Nhân bị treo. Nhân linh cảm lời mẹ nói là đúng. Ông Tập từng bị bắt và treo lên thành cầu này. Nhân tự bảo sẽ về làng hỏi chú Vân tất biết sự thật.

Hai mươi tám tết Nhân mướn xe về phường Phương liên vốn là làng Kim Liên ngày xưa sau khi hỏi thăm vị quản lý khách sạn anh đang ở. Anh bảo người lái xe ôm bỏ anh xuống đầu khu phố của phường. Nhìn quang cảnh xa lạ này Nhân lại thấy quen quen. Ghé vào quán nước đầu ngõ Nhân hỏi thăm.

- Anh hỏi nhà ông Vân? Thế anh có họ hàng gì với ông ta?
Bà cụ già bán nước hỏi vẻ dò xét. Nhân gật đầu trả lời:
- Vâng thưa cụ, ông ta là chú của cháu. Cháu từ trong Nam ra thăm.

Bà cụ vui vẻ chỉ đường và nói thêm, “trông anh không giống người ngoài này.” Nhân cám ơn rồi quày quả đi dọc theo con đường chính vào phường. Kim Liên ngày nay là khu phố với nhiều nhà cao tầng đang xây dựng, trấn Nam Kim Liên ngày xưa chỉ là ký ức xa xăm. Không khí tết bàng bạc khắp nơi, hình như nhà nào cũng dán giấy đỏ với các câu đối trên hai cột trước thềm nhà. Pháo nổ lác đác và trẻ con đùa giỡn trên sân nhà. Những người đi bộ trên con đường chính của phường hầu như đều liếc Nhân như tò mò. Đến đình anh rẽ trái bỏ đúng mười nhà bên phải bước vào ngõ ngôi nhà to mái ngói đỏ, cột gỗ lim đen bóng và có gác phía sau. Một đứa trẻ chừng mười tuổi đang ngồi trên ngạch cửa đọc sách ngẩng đầu lên hỏi, “Ông tìm ai thế?”

- Có phải nhà ông cụ Vân đây không cháu?
- Ông hỏi ông nội cháu, ông ơi?

Thằng bé quay về phía sau gọi to. Nhân đứng nhìn cháu bé cười chạy ra sân khiến anh nhớ lại một thời tuổi thơ của mình tại Đà lạt. Một ông cụ tầm thước tóc bạc trắng đang đi lên nhìn Nhân dò xét. Nhân thấy ông thật giống bố mình nên vội nhanh nhẹn giới thiệu:

- Cháu là Nhân con của bố Tập trong Nam ra thăm chú thiếm ạ.

Ông Vân chăm chú nhìn Nhân, vẻ mặt mừng rỡ sau đó gật đầu nói, “Cháu đúng là con anh Tập, vào nhà đi.” Vừa đi ông vừa hỏi, “Cháu là con thứ mấy, anh Tập có ba đứa trai mà?”

Nhân trả lời vừa nhìn lên vách tứ phía đầy những bằng tưởng lục và ban khen. Một bà cụ đằng sau bước lên tay còn lấm lem rau thái dỡ vừa nhìn Nhân vừa hỏi ông cụ, “con anh Tập phải không?”

Nhân ngồi uống nước trà nhìn ra sân. Hai đứa con ông Vân là Thạch và Quân ra riêng nhưng cùng ở trong phường, ông Vân cho biết, Thạch là thiếu tá công an còn Quân là thư ký một công ty liên doanh với nước ngoài ở Hà Nội. Ông Vân yêu cầu Nhân ở chơi ăn cơm trưa và chiều hãy về khách sạn. Nhân vui vẻ đồng ý và mở túi xách lấy ra hai ký lô lạp xưởng Mai quế lộ miền Nam mà anh mua tại Hà nội gửi chú thiếm Vân làm quà tết.

Những ngày cận tết Hà nội thật lạnh, hơn cả Đà lạt. Ông Vân mở chai rượu làng Vân rót ra ly mời Nhân. Nghe Nhân kể từ Mỹ trực tiếp về ông ngạc nhiên. Nghe Nhân nói lý do về thăm mộ tổ tiên ông Vân gật gù nói:

- Năm năm trước vào nam chú có nói với mẹ của cháu điều này.Từ từ chú sẽ kể cho cháu rõ giòng tộc chúng ta. Đáng lẽ thằng Cần phải có mặt mới đúng nhưng thời thế đổi thay, tuy con thứ nhưng cũng chính danh. Cháu hiểu chứ?
- Cháu hiểu và hai anh cháu cũng đồng ý cho cháu đại diện. Anh Cần và Mẫn lớn tuổi và sức khỏe kém lắm!

Uống cạn hai ly rượu ăn vài miếng giò thủ và một lát bánh chưng nhỏ, Nhân thấy ấm bụng và không khí vui vẻ thân mật dần lên. Ông Vân gốc gác cán bộ ngành thương nghiệp 74 tuổi đã về hưu hơn mười năm. Bây giờ trông coi nhà và cháu nội. Buổi sáng con dâu đưa con đến cho ông bà nội chăm sóc và chiều rước về. Thím Vân vợ ông 72 tuổi, ngoài việc chăm sóc cháu còn chăm sóc thêm hai con heo giống phía sau. Bà có khuôn mặt hiền từ của những bà cụ quê miền bắc, tuy khá lớn tuổi nhưng còn lanh lợi và vui vẻ.

Lúc Nhân kể về giấc mộng. Ông Vân chăm chú lắng nghe rồi bảo:

- Người bị treo trên cầu Long Biên chính là chú chứ không phải cha cháu đâu! Pháp treo chú làm mồi để nhử cả tổ cách mạng mà cha cháu là tổ trưởng ra bắt gọn, nhưng chúng nó thất bại. Chú lấy làm lạ là giấc mơ lại ứng vào cháu, một kẻ không hề liên hệ gì với những hoạt động chống Pháp ngày ấy?
- Thế ngày ấy trong tổ có ai bị bắt không?
- Tuy bị phòng nhì Pháp phát hiện nhưng không ai bị bắt cả.
- Có phải bị nội gián hay không?
- Cháu nói đúng , trong tổ hai mươi sáu người có một kẻ nội gián đã tố giác với người Pháp?
- Ai thế chú?
- Chú không muốn nhắc lại vì người ấy cũng đã chết sau đó năm năm.

Chú Vân đặt chất nổ tại cầu Long Biên nhưng thất bại và bị bắt. Pháp treo ông lên cầu ba ngày. Tổ của anh ông tức cha của Nhân tìm cách cứu nhưng sau đó lại được chính những người yêu nước làm việc trong sở mật thám Pháp thông báo cho biết nên hủy bỏ kế hoạch. Tổ trinh sát 18 của ông Tập rút về Nam Định quê mẹ của Nhân. Pháp ráo riết truy đuổi những người yêu nước và tổ phải họp cấp tốc thông báo kế hoạch tan hàng vào cuối tháng chín năm 1940.

***
Ông Tập cùng gia đình lên tàu lửa vào Thanh Hóa. Gia đình có năm người. Hai vợ chồng và ba con. Một gái hai trai. Vợ chồng ông thực ra chỉ có hai con. Hai năm trước khi vào Nam ông nhận được thêm đứa con gái. Bé Hội lúc bấy giờ mười tuổi vào gia đình ông thành chị cả của hai đứa còn lại. Không ai biết cha mẹ bé Hội là ai ngoại trừ ông bà Tập.

Ông Tập nhớ một buổi tối, người đồng chí cao gầy có đôi mắt sáng quắc nói với ông Tập, “Anh hãy chăm sóc giùm con tôi, hãy xem như nó là con anh chị. Tôi và mẹ nó không bao giờ quên ơn này. Mẹ nó đang công tác ở Tây Bắc và tương lai có thể sang Tàu trong khi Tụi Tây truy đuổi chi bộ chúng ta đến độ tan hàng thì kế hoạch mới di chuyển vào Nam của gia đình anh là tốt và an toàn hơn cả. “

Ba ngày sau vị đồng chí ấy lại đến gặp riêng ông Vân nói, “tôi sắp đi xa, trung ương phân công và tôi có lẽ lâu lắm mới trở về. Nhắn anh Tập nuôi dùm con tôi còn việc tương lai tôi sẽ cho anh hay trước khi tôi lên đường.”

Ông Vân sau đó đã kể cho anh mình nghe những gì người đồng chí đàn anh nhắn gửi dù ông Tập không muốn bỏ lại đồng chí của mình để tìm chổ an toàn rút lui. Chỉ khi nghe quyết định của cấp trên “nhiệm vụ của anh vào Nam không phải dễ dàng và khi đến nơi anh hãy chờ liên lạc ngoài này vào cho biết bước tiếp theo.” Ông Tập mới im lặng sắp xếp cùng gia đình vào mảnh đất hoàng triều cương thổ lập nghiệp.

Vùng đất Đà lạt là bản doanh của người Pháp. Sau năm 1950 Pháp trả Đà lạt cho chính phủ Bảo Đại với qui chế Hoàng triều cương thổ. Khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ Đà lạt không những là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi của thành phần cao cấp chế độ thuộc địa và dòng tộc nhà Nguyễn cuối cùng mà còn là điểm hấp dẫn của những người di cư. Khi chi bộ bàn cãi điểm an toàn rút lui thì một số cán bộ gợi ý không nơi nào an toàn cho bằng chính nơi hang ổ của địch. Gia đình ông Tập chọn Đà lạt, nơi lập nghiệp làm vùng an toàn và điểm tập kết cho tương lai nằm trong sự nhất trí của mặt trận yêu nước tại làng Kim Liên lúc bấy giờ còn là trấn Nam ngoại thành Hà Nội năm 1940.

Nhân nghe chú kể, tuy không rõ toàn bộ nhưng anh hiểu một cách tổng quát động cơ khiến gia đình anh ngày xưa phải di cư vào Đà lạt. Anh cũng hiểu phần nào xuất xứ của chị Hội như lời nhắn nhủ của chị hai năm trước. Chú Vân nói thêm, “cháu muốn biết một số vấn đề nữa phải về quê ngoại Nam định. Không thể để những thông tin lịch sử gia đình và đất nước mai một. Một thời gian nữa những người liên hệ sẽ chết đi và không còn ai biết tại sao có những chuyện mà cứ như trên trời rơi xuống…”

Chú Vân nói xong bước đến góc nhà rít một hơi thuốc lào từ chiếc điếu bát. Thím Vân lúc này đã dọn dẹp bát đĩa xuống bếp. Nhân đứng lên phụ dọn dẹp thì bà xua tay, “chuyện phụ nữ làm, cháu ngồi nói chuyện với chú đi, buồn ngủ thì vào buồng mà ngủ trưa.”

Buổi trưa những ngày giáp tết hanh lạnh. Tiếng pháo rãi rác khắp nơi và đầu ngõ tiếng xe gắn máy, người nói xôn xao làm Nhân nhớ những trang sách mô tả cảnh đón xuân tại quê nhà Nam Bắc. Tâm hồn anh vừa có chút xa lạ, có chút quen thuộc mơ hồ nhưng đậm đà thi vị. Sống tại Mỹ hai mươi năm không hề xóa nhòa những hình ảnh quê hương mà còn tác động mãnh liệt hơn những khi hồi tưởng ngay cả trong giấc ngủ của mình. Nằm trong căn nhà từ đường giòng họ mà hơn nửa thế kỷ trước cha anh đã sinh ra là điều trước kia Nhân chưa hề tưởng tượng ra được. Kiểm điểm trong trí, Nhân tự nghĩ mình đang đi ngược trở về một dòng sông, quay lại nơi xuất phát một ước muốn, một hoài bão của thế hệ cha ông. Dù ngày hôm nay đám con cháu rãi rác khắp nơi không chỉ trên mảnh đất quê hương mà còn nhiều nơi trên thế giới vẫn một mạch máu quê nhà liên tục chảy trong huyết quản từng người và không bao giờ gián đoạn.

Khi Nhân thức giấc đã bốn giờ chiều. Tiếng người nói ồn ào ngoài phòng khách. “Chào anh Nhân, em là Thạch con cả của bố Vân”. Nhân ra phòng khách bắt tay Thạch, người em họ khuôn mặt đỏ gay vì uống rượu. Anh ta có khuôn mặt xương, đôi mắt sáng lanh lợi. Thạch nói:

- Em biết anh rất rõ, từ Mỹ về và là kỹ sư điện tử của một công ty Nhật bản ở California.
- Công an mà không biết mới là lạ!

Nhân hóm hỉnh nói. Thạch tuy vai em theo dòng tộc nhưng lớn hơn Nhân bốn tuổi. Thạch có nụ cười nửa miệng, Nhân không hiểu nụ cười này bẩm sinh hay vào ngành công an mới có. Nhân cũng không khó hiểu khi thấy những cử chỉ, và thói quen của người em họ mình vốn là một thiếu tá ngành công an. Thạch nói:

- Em định một ngày cùng anh trở về nghĩa trang Thanh Tước tìm mộ ông bà nội để xây lại?
- Tại sao phải tìm? Mộ của ông bà chúng ta lạc mất hay sao?
- Đúng thế, bố đã nhiều lần đi tìm nhưng không tìm ra.

Thạch nói xong, ông Vân quay sang Nhân bảo:

- Cháu phải biết trong thời kỳ chiến tranh, nghĩa trang bị bỏ bom ít nhất ba lần. Ngày xưa mộ chỉ đắp đất rồi cắm bia. Bom đạn và thiên tai sạt lỡ hai phần ba. Suốt thời kỳ chiến tranh, người sống lo chưa xong thì nói chi người đã chết. May mắn khu mộ ông bà không bị bom nhưng lại bị mưa gió lũ lụt làm sạt lở mất bia. Chú đã tìm nhiều lần nhưng không hề có thứ gì có thể minh xác bốn ngôi mộ trong khu vực mộ nào là mộ của cha mẹ tức ông bà nội của cháu.
- Ngày mai con và anh Nhân sẽ đi bố ạ. Ít ra cho anh ấy biết một cách tổng quát tình hình mộ phần của ông bà nơi nào để anh ấy có ý kiến. Mọi việc khác dời sang sau tết. Anh Nhân cũng nên ăn một cái tết quê hương bù cho bao nhiêu năm phải tha hương đón xuân!

Nhân đồng ý dù anh không hề có ý niệm gì về mồ mã ông bà như hai cha con chú Vân nói. Anh nghĩ mình phải thực hiện ước muốn cha mẹ và nếu trước kia thường mong trở về cội nguồn thì không phải ngày hôm nay mình đang thực hiện hay sao?

Chiều Nhân trở về khách sạn dù chú thiếm Vân và Thạch yêu cầu Nhân dọn về nhà chú thiếm ở cho đến khi về Nam. Có lẽ do thói quen kiểu Mỹ, Nhân vẫn thấy thích sự tự do riêng tư. Buổi tối thả bộ dọc bờ hồ Hoàn kiếm, anh nghe thiên nhiên trời đất tràn ngập tâm tư mình. Đứng trước đền Ngọc Sơn những ngày cuối năm, Nhân ngẩm nghĩ đến lịch sử của dân tộc.

Ngồi dưới rặng liễu bờ hồ, Nhân ôn lại những gì đã xãy ra với anh hai năm gần đây có chút manh nha một bắt đầu và đang từng bước đi vào cuộc hành trình trở về một giấc mơ. Chị Hội chỉ là người con riêng của một đồng chí gửi cho bố anh nuôi vì tình hình lúc bấy giờ không cho phép ông ta chăm sóc con. Thế nhưng ngày hôm nay thống nhất đất nước số phận chị Hội như thế nào? Sao chị không muốn nhắc đến nguồn gốc cũng như tìm lại bố mẹ đẻ của mình?

Tám giờ tối, Nhân đứng lên đi về khách sạn thì gặp một người ăn xin đội chiếc nón rách đứng xin tiền người qua lại trên lề đường tại góc phố. Trời rét lắm, nhìn anh ta run rẩy với chiếc áo dạ rách bươm trên người, Nhân cho tiền tương đương hai mươi đô la khiến anh ngạc nhiên rồi cám ơn nhiều lần. Người ăn xin cho Nhân biết mình là cựu chiến sĩ pháo binh phục viên vì bị thương ở chân ở chiến trường biên giới phía bắc năm 1979. Vợ ly dị do không chịu sống tiếp với người chồng tàn tật. Lúc Nhân hỏi, “Anh dự tính thế nào cho tương lai chứ, không lẽ cứ đứng mãi trên lề đường xin tiền như thế này?” Anh ta nhún vai rồi đưa tay lên trời nói, “Không cần suy nghĩ cho mệt, mặc cho số mệnh!” Thấy cử chỉ của người cựu chiến binh ăn xin Nhân nhớ thật giống bức tượng “Người ăn mày quá khứ” của Cần và cảm giác anh mình nói không sai.

***
Từ Kim Liên đến nghĩa trang Thanh Tước khoảng cách chừng 15 cây số. Khi Nhân và Thạch đến nơi đã hơn mười giờ sáng. Nghĩa trang rộng đến 18 mẫu tây, còn ngổn ngang mồ mả dù chiến tranh đã chấm dứt từ hai mươi năm. Chừng nửa số mộ có bia gỗ cắm như cột mốc xác định chỗ hơn là mồ mả con người. Nhân theo Thạch đến cuối nghĩa trang phía nam và bằng vào trí nhớ, anh chỉ cho Nhân bốn ngôi mộ không hề có bia thẳng hàng nhưng nằm dưới bụi xương rồng hình nón bảo:

- Trong bốn ngôi mộ này có hai mộ ông bà và hai mộ vô danh nhưng cho đến hôm nay vẫn không biết hai ngôi mộ bên trái hay bên phải mới là của nhà ta?
- Thế không có ai đến nhận hai ngôi mộ kia trong bao nhiêu năm nay ư?

Nhân hỏi và Thạch lắc đầu. Nhân nhìn xa xa thấy rải rác vài ngôi mộ mới xây. Thật ít ỏi, trong khi đó lại không biết mộ nào để mà xây ? Nhân tự hỏi và suy nghĩ. Thạch đi lòng vòng và đến một lán nhỏ cuối nghĩa trang. Vài phút sau Thạch đi ra với một người đàn ông mặc bộ quần áo bộ đội cũ. Thạch nói:

- Chú Phúc giữ nghĩa trang. Đây là Nhân anh họ của tôi.

Nhân chào ông Phúc và những điều ông ta cho biết không hơn Thạch bao nhiêu. “Tôi giữ nghĩa trang đã hai mươi năm. Sơ đồ nghĩa trang vẫn còn nhưng lối đánh dấu ngày ấy thủ công không có tính khoa học khiến vị trí thực một số ngôi mộ không xác định vừa mơ hồ. Bốn ngôi mộ này trong số những ngôi mộ lẫn lộn người thân. Và không ít trường hợp như thế này xảy ra cho dù người ta có tiền nhưng nghĩa trang vẫn có một số mồ mả hỗn độn như trong thời kỳ chiến tranh.”

Nhân hiểu, anh đề nghị với Thạch:

- Chúng ta sẽ xây luôn bốn ngôi mộ. Việc này mang lại lợi ích cho tất cả liên quan vì chắc chắn có xương cốt ông bà chúng ta trong bốn ngôi mộ này hơn là lý do vì không biết nên không xây.
- Anh nghĩ thế mà hay, anh Thạch chắc là đồng ý. Chỉ cần anh gật đầu tôi sẽ kiếm người lo cho bốn ngôi mộ.

Ông Phúc đồng tình trong khi Nhân tin rằng mình nghĩ đúng vì không thấy cách nào khác hơn. Đứng trên một gò mối nhìn xuống nghĩa trang, Nhân ước tính trong đầu rồi nói với ông Phúc, “Anh sẽ sung túc hơn một khi chúng tôi xây xong bốn ngôi mộ này.”

- Tại sao?

Ông Phúc hỏi, Nhân vổ vai ông bảo:

- Từ đây về sau, anh phải khai thác cung cấp vật liệu để xây mộ cho tất cả mọi thân nhân nghĩa trang này. Và tùy sự lanh lẹ của anh, anh có thể thành công nhiều hay ít.

Về lại nhà, Nhân và Thạch trình bày cho ông Vân. Chú Vân của Nhân đồng ý ngay, dù sao đề nghị và nguyện vọng của Nhân không chỉ mặt tinh thần. Anh sẽ bỏ tiền để xây bốn ngôi mộ. Dù ban đầu ông Vân xin chịu phí tổn một nửa, Nhân vẫn xin ông lấy lý do cho trọn nghĩa cháu đích tôn lạc loài quá lâu. Nhân lấy bút vẽ kiểu Kim tự tháp cho bốn ngôi mộ. Anh nói với chú thiếm Vân:

- Kim tự tháp gốc Ai cập biểu tượng sự trường tồn và bất tử của những linh hồn.

Ông Vân vui với tinh thần và nghĩa cử của Nhân bằng cách nói với Thạch, “Anh Nhân xứng đáng con cháu tộc trưởng dòng, bác Tập con dù bên kia thế giới cũng vui!” Thạch không nói gì, đi lấy chai rượu Làng Vân rót cho mỗi người một ly rồi bảo:

- Chúng ta ai cũng có trách nhiệm. Con cùng anh Nhân mùng ba Tết sẽ bắt tay vào công việc xây mộ.

Nhân ăn một cái tết thú vị với chú Thím Vân sau bao nhiêu năm xa quê. Ba ngày Tết Thạch và Quân chở vợ con đến chúc Tết cha mẹ và vui chơi với Nhân. Quân xuề xòa hơn Thạch thăm hỏi mọi người trong Nam, trong khi Thạch không hề hỏi bất kỳ chi tiết nào về thân nhân của Nhân. Tác phong công an của Thạch làm Nhân thắc mắc. Chiều mùng hai lúc ngồi ngoài sân với Thạch, Nhân hỏi:

- Anh biết anh Cần và Mẫn chứ?
- Sao không biết, tôi còn biết anh Cần đi tù năm 1980 vì bức tượng gỗ bôi bác chế độ. Anh Mẫn từng cứu một cán bộ cách mạng năm 1974 thoát khỏi nhà tù của CIA Mỹ tại Cam Ranh và nhờ lý do này anh ấy khỏi phải đi học tập cải tạo.
- Thế còn tôi?
- Anh vẫn có tác phong của một cán bộ tình báo. Tuy ngày nay anh là công dân Mỹ, anh vẫn phải cẩn thận.
- Cẩn thận thế nào?
- Anh nên biết người miền Bắc luôn thành kiến với Mỹ!

Thạch không trả lời trực tiếp câu hỏi chỉ cười nửa miệng rồi nói như thế. Nhân dưng ớn lạnh. Điều anh tưởng mình quên lại có người còn nhớ. Còn nhớ rất rõ và người ấy là một sĩ quan công an cấp tá của Cộng sản. Nhân tự hỏi, “phải chăng Thạch bảo nên cân thận vì những người cộng sản không bao giờ quên kẻ thù còn thành kiến chỉ là cách nói!”

Từ hôm ấy Thạch không hề nhắc gì thêm quá khứ của người anh họ của mình. Nhân dè dặt trong cách ăn nói với Thạch. Dường như có một bức tường vô hình ngăn cách hai người, không cho thân mật hơn.

Thạch giới thiệu một người phụ trách công trình xây mộ. Chú Phát sáu mươi tám tuổi từng biết ông bà nội của Nhân. Chú Phát tuy nghèo nhưng vui vẻ, bặt thiệp. Nhân mua thuốc lá, nước ngọt và thức ăn sáng như xôi, bánh giò, bánh khúc cho chú và những người thợ xây. Chú Phát hứa sau khi xây xong sẽ bảo quản ngôi mộ trong ba năm, nếu có hư hại sẽ tự sự chữa.

Bốn ngôi mộ hoàn thành trong mười ngày nhưng vẫn chưa có bia. Sau khi chú Vân nghiệm thu công trình, Nhân chụp một số hình kỷ niệm rồi nói với chú anh đi Nam Định thăm quê ngoại. Đến Nam Định Nhân thuê xe về Nam An đến nhà ông bà ngoại thì gặp Bá vai em của Nhân đang sống với bố giữ nhà từ đường. Ông Tráng là bố của Bá, em của mẹ Nhân. Vợ mất từ thuở Bá sáu tuổi, ông Tráng vẫn ở vậy nuôi con mà không tục huyền. Lúc Nhân đến nhà từ đường, Bá cho biết bố anh đi chơi thị xã Nam Định bốn ngày vẫn chưa về.

Bá bằng tuổi Nhân là một thầy giáo dạy văn cấp ba của huyện, có vợ nhưng đã ly dị hai năm. Bá vui tính nhưng khi nghe Nhân nhắc đến Thạch lại tỏ ra khó chịu. Hôm sau lúc ăn cơm tối, Bá nói với Nhân:

- Em thật không thích ông Thạch. Lý do ông là công an. Anh Nhân phải biết ở ngoài này người ta thường sợ hoặc ghét công an. Ít ai có cảm tình. Trong khi ông Thạch lại là thứ công an nhà nghề.

Nghe Bá nói Nhân nhớ lại hôm trước trong buổi tiệc rượu cuối năm chú Vân kể chuyện cũ có nói “thằng Thạch từ bé chỉ thích đeo súng và bắt cướp… trong khi Quân em nó lại mê cờ bạc!”

Khi ông Tráng trở về nhà gặp Nhân, ông ôm anh khóc bảo, “Nhà chỉ có hai chị em, chị Mạnh bảo bọc cậu từ bé nhưng khi chị mất cậu không vào dự được đám tang. Cậu ân hận mãi!”

Chị Mạnh mà ông nhắc là mẹ của Nhân. Tiếp xúc với ông Tráng, Nhân nghĩ bên ngoại thật dễ gần gủi hơn bên nội. Hai cha con ông Tráng và Bá vừa nghệ sĩ tính vừa dung dị dễ hòa đồng . Những đêm nằm trằn trọc chưa ngủ, Nhân nghe tiếng đàn bầu của ông Tráng ngoài vườn. Tiếng đàn buồn bã khi như than thân trách phận, khi như tiếc nuối một hạnh phúc đã mất, lúc lại như nài nỉ van xin. Nhân rón rén ra cửa sau nhìn thấy bóng ông ngồi dưới chái nhà, cạnh chiếc thuyền nan con treo trên vách đang cắm cúi gẩy từng hạt âm thanh rã rời huyền hoặc dưới ánh sáng lờ nhờ của ngọn đèn bão treo trên cao. Ngoài vườn ánh trăng mười sáu trãi một màu vàng nhạt trên khắp cành cây bụi cỏ kéo đến tận chân trời mờ xa.

Nhân cho rằng anh Cần thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ phía mẹ mình. Sau này anh còn nghe Bá kể ông ngoại vốn là một người vẽ tranh thủy mạc có tiếng, tuy nhiên tranh của ông trong thời kỳ chiến tranh lúc tản cư mất không còn bức nào, nếu còn chỉ rải rác trong nhà người thưởng ngoạn. Còn anh không tự thấy mình giống ai trong dòng họ cả nội lẫn ngoại. Ngay cả Mẫn là anh thứ hai, Nhân cũng không thấy anh mình có cá tính gì nổi bật. Ngày trước Mẫn là thông dịch viên, sau khi miền Nam giải phóng anh có xin dạy Anh văn nhưng đụng phải hàng rào lý lịch chưa kể trường hợp của Mẫn trước kia thông dịch cho CIA. Anh văn trong vài năm sau ngày giải phóng dưới mắt một số người là thứ ngôn ngữ đế quốc nô dịch. Người ta quay sang học tiếng Nga, ngôn ngữ của người anh em Liên Xô vĩ đại.

Về sau Mẫn cũng bất mãn không kém gì Cần và chuyển sang nghề buôn bán. Ông Tập lúc thấy Mẫn xoay sở buôn bán lại khen “buôn bán cũng là lao động đấy, phi thương bất phú con ạ!” Dẫu gì gốc gác gia đình vốn buôn bán len đã ba mươi năm! Nhân tự cho rằng mình và Mẫn giống bố cho đến khi sang Mỹ những khi hồi tưởng lại, anh vẫn không xác định được bố mình có khả năng gì hơn ngoài việc buôn bán nhỏ. Mà buôn bán nhỏ theo anh ai cũng có thể làm được.

Lúc Nhân kể chuyện xây bốn ngôi mộ ông bà nội mà không biết mộ nào của ông bà mình vì bia đã mất trong thời kỳ chiến tranh thì ông Tráng cười nói, “dễ ợt, mướn một nhà ngoại cảm”. Nhân thắc mắc, sau khi nghe ông Tráng giải thích anh mới hiểu nhà ngoại cảm là cách gọi những kẻ lên đồng kiểu trong Nam. Anh lấy làm làm lạ là những con người xã hội chủ nghĩa mà còn mê tín đến như thế.

Kể chuyện gia đình khi Nhân nhắc đến chị Hội, ông Tráng giật mình. Đi ra phía trước nhìn trước sau rồi đóng cửa lại, ông Tráng nói nhỏ với Nhân , “chị Hội của cháu chính là con rơi của một đồng chí cấp cao trung ương.” Thấy Nhân tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Tráng ghé sát tai Nhân thì thầm. Nghe xong Nhân gật đầu bảo “thì ra thế!” và anh chợt hiểu những cử chỉ cũng như thái độ úp mở của chị Hội trước kia.

Ông Tráng im lặng rồi thở dài bảo:

- Tuy cha của Hội đã mất hơn ba mươi năm, hình như trung ương có đi tìm đứa trẻ ngày xưa vào những năm sau ngày miền Nam giải phóng. Họ có đến hỏi cậu, nhưng cậu trả lời không nhớ và không biết gì từ sau khi đất nước chia cắt 1954. Thế họ có vào thăm hỏi gia đình cháu hay không?
Nhân lắc đầu. Anh hoàn toàn không biết gì về quá khứ của chị Hội, ngay cả việc chị chỉ là con nuôi mà anh mới được chị tiết lộ gần đây. Nhìn vẻ nghiêm trọng của cậu mình, Nhân nghĩ có lẽ vấn đề không chỉ giản dị của một đứa trẻ lạc loài trong chiến tranh. Và điều này cũng lý giải cách nói bí ẩn của chị Hội đối với Nhân khi anh nhắc những chi tiết mơ hồ ngày xưa. Chị không tự nói ra nguồn gốc của mình vì phải chăng chị cũng hiểu cuộc đời của chị sẽ không được bình lặng như chị muốn nếu những người liên hệ không hề quên một vấn đề mà tùy hoàn cảnh nó có thể đánh giá từ tốt biến thành xấu hoặc ngược lại? Cuối cùng chị Hội chỉ muốn bình yên và Nhân nếu muốn biết cứ trở về quê mẹ, nơi ấy có những người liên hệ như ông Tráng có thể cho anh biết nếu anh muốn.

Nhân hình dung sự thiệt thòi và trớ trêu của chị Hội bằng nổi thương cảm tận đáy lòng, anh hỏi ông Tráng:

- Thời chiến tranh lộn xộn như thế, chị Hội được gửi cho bố cháu nuôi vào tận miền Nam nơi vốn là vùng đất thuộc địa thì cũng khá nhẫn tâm? Không phải có một chuẩn bị hay một âm mưu nào khác chứ?
- Cháu hỏi là thừa vì cháu không sống vào thời kỳ đấy. Đất nước hỗn mang, tầng lớp thanh niên sục sôi lòng yêu nước thì điều người ta nghĩ đến là hi sinh, được chết trong vinh quang hà chi phải bận tâm một chút mầm sống sau này! Nhưng bên cạnh đấy cháu có nhớ chữ lót Trung của tên bên ngoại hay không? Đấy là ký hiệu của chi bộ tương lai. Ngày hôm nay, những con người có mang chữ lót ấy trong trung ương đảng đa phần xuất phát từ chi bộ ban đầu ấy.

Chiều thứ bảy, Bá và Nhân ra chợ huyện mua một thùng bia Tiger, con gà luộc, xôi và nửa cân bê thui. Ba người vừa ăn vừa nói chuyện. Nhân trả lời những câu hỏi của ông Tráng và Bá về nước Mỹ sau đó kể chuyện trong Nam. Nghe đến chuyện Cần và Mẫn, Bá hỏi:

- Sao không thấy hai anh ấy ra bắc chơi. Đúng ra người xây mộ phải là anh Cần hoặc Mẫn mới phải?

Ông Tráng cũng gật đầu đồng tình nhìn Nhân như ý muốn hỏi. Nhân trả lời:

- Thực ra người đề nghị xây mộ là anh Mẫn, cháu chỉ là người thực hiện vì cháu đủ điều kiện hơn hai anh ấy. Hiện giờ sức khỏe hai anh cũng không được tốt. Nhưng dù gì sau khi xây xong hai anh ấy sẽ ra ngoài này thắp hương trước mộ và thăm lại bà con nội ngoại như mẹ cháu có nhắc nhở trước kia.

Ba người tiếp tục uống đến hơn nửa thùng bia, ông Tráng mới hỏi Nhân:

- Chị Hội cháu có ở gần mẹ hay không?

Nhân gật đầu sau đó nói với ông Tráng:

- Mẹ cháu rất ít khi gọi chị ấy tên Hội mà thường gọi là Khanh.

Ông Tráng cười, “Cậu hiểu, và có thể con cũng hiểu.” Nhân thực không biết anh có thể hiểu gì qua việc mà ông Tráng vừa nói. Uống hết sáu lon bia, ông Tráng mạnh bạo hơn khi phát biểu. Ông nói, “Mẹ con Hội là bạn của cậu, cô ta xinh xắn lắm và chính cậu đã giới thiệu cô ta với đồng chí trung ương kia. Ông ta từ trung ương về huấn luyện cho tổ mặt chính trị, tư tưởng. “ Ông Tráng nói xong, cúi xuống uống một ngụm bia rồi gắp một miếng bê thui cho vào miệng nhai nhưng khuôn mặt lại trầm ngâm như cố nhớ lại câu chuyện dĩ vãng.

- Ngày ấy rất vui và cũng rất oanh liệt. Tuổi trẻ bấy giờ chỉ biết lý tưởng. Các đồng chí trung ương rất thường về làng sinh hoạt văn nghệ. Chúng tôi sinh hoạt văn nghệ qua múa hát thật say mê!

Ông Tráng lại kể tiếp những chiến công oanh liệt của tổ ông khi phá hoại các kho hàng, đồn Tây cùng đặt chất nổ những điểm giao thông quan trọng. Ông nhắc đến chú Vân của Nhân bị treo trên cầu Long Biên. Ông không giải thích được tại sao Nhân lại có thể nằm chiêm bao thấy được công việc của cha chú mình hơn nửa thế kỷ trước. Sau đó ông lại bảo, “chỉ có những nhà ngoại cảm mới có thể giải thích mà thôi!” Khi Nhân cho là mê tín dị đoan, ông Tráng nghiêm mặt nói:

- Những nhà ngoại cảm đã tìm ra không biết bao nhiêu người chết mất xác trong thời kỳ chiến tranh. Họ tìm được lý lịch của những xương cốt trên dãy trường sơn để có thể đem về cải táng.

Nhân chỉ cười và hỏi lại:

- Ngày xưa tổ cách mạng sinh hoạt múa hát như thế nào hả cậu? Có giống như múa hát ngày nay hay không?
Ông Tráng lúc này đã lè nhè:

- Thì hát nhạc cách mạng của Trung quốc hoặc Liên xô rồi nhảy xon đố mì.

Bá không nói gì trong tiệc rượu. Anh chỉ thu dọn và đến bên cha muốn dìu ông về phòng ngủ. Ông Tráng xua tay lắc đầu bảo:

- Bố chưa có say đâu. Nhân cũng vậy. Con có biết son đố mì lợi hại lắm. Kết quả là rất nhiều bầu bì xãy ra. Con Hội cũng là thứ kết quả của một mùa cách mạng bội thu đấy!

Bá đến gần ông nói, “bố say và nói bậy, coi chừng có ngày ngồi tù đấy.” Bá dìu ông Tráng về phòng ngủ xong xuống bếp pha một bình trà mang lên uống với Nhân. Rót trà ra tách, Bá lấy bánh đậu xanh ra mời Nhân rồi chợt hỏi bâng quơ:

- Nắng bên Mỹ có vàng như quê mình không nhỉ?
- Cũng vậy thôi, thiên nhiên nơi nào cũng như nhau. Chỉ có con người là khác.
- Anh nói đúng, hai năm em sang Tiệp khắc học. Nhìn nắng vàng nhớ quê nhà kinh khủng! Còn bọn con gái Tiệp khắc thì đẹp nhưng vẫn khác biệt với các cô gái Việt chúng ta.

Sau đó Bá trịnh trọng nhắc đến phụ nữ như nhắc một khoảnh khắc quí giá trong đời. Đôi mắt anh sáng lên có chút tươi vui nhưng sau đó tối lại với chút buồn bã khi nhắc những kỷ niệm thời thanh niên. Nhân hiểu tâm trạng Bá cũng không khác tâm trạng anh về những ngày tuổi trẻ và những điều không hạnh phúc trong tình yêu. Nhân hỏi:

- Anh Bá không con cái, ly dị đã lâu sau không lập gia đình lần nữa?
- Em không thấy cần thiết! Có thể em chưa quên được nhà em.

Nghe Bá nói như thế, Nhân biết không hề có quên lãng trong tình yêu. Điều người ta cho rằng phôi pha chỉ là cái cớ để vực dậy những kỷ niệm đã biến thành phần máu thịt của mình. Và giấc mơ là thứ thế giới người ta được sống lại lần nữa những khoảnh khắc hạnh phúc hay đau khổ của thời đã qua.

Uống đến tách trà thứ ba, Nhân thấy mình tỉnh táo hơn trong khi Bá nhắc đến người vợ mà anh ly dị chính là người bạn cùng sang Tiệp Khắc học với anh. Khi Bá chua chát bảo, “tình yêu chưa đủ cho người ta có thể sống với nhau bạc đầu.” thì Nhân nhận ra một góc cạnh nào đó con người Việt nam dần thực tiễn hơn. Nhân nói:

- Đúng như thế, nếu anh thực sự hiểu tình yêu chỉ là một phần của cuộc sống, anh có thể sang Mỹ sống rồi đó. Còn để tình yêu chi phối cả cuộc đời mình thì mình cũng nên thay đổi quan niệm luyến ái. Chuyện ấy chỉ dành cho thời xa xưa hay chỉ còn trong tiểu thuyết. Người Mỹ rất thực dụng trong tình cảm. Với họ tình cảm và cuộc sống có liên hệ chặt chẽ với nhau và để cho tình yêu bền vững phải lo cuộc sống bền vững. Và khi cuộc sống hay tình yêu mất đi sự bổ sung cần thiết thì sự đổ vỡ tất nhiên sẽ đến và tùy theo tính khách quan hay chủ quan của hoàn cảnh mà cuộc ly dị vui vẻ hoặc buồn bã xãy ra.
- Họ máy móc và cá nhân đến thế hay sao?
- Không phải, họ thực dụng và chữ thực dụng này tích cực chứ không tiêu cực như những người nước ngoài đánh giá. Và anh chỉ hiểu được họ một khi anh có đủ thời gian sống với họ và trở thành như họ. Còn chuyện cá nhân thì hình như khi nhắc đến người Mỹ nhiều người cho rằng họ quá cá nhân chủ nghĩa. Họ không sai trong lời nói nhưng có thể họ sai trong trong đánh giá. Hành động người Mỹ tạo giá trị thực và ích lợi cho cả thế giới.
- Em không hiểu?
- Không thể giải thích vấn đề lớn trong vài lời nói được. Có dịp anh sẽ nói thêm hay Bá tìm hiểu thêm qua sách báo. Ngày mốt anh phải trở về Hà nội lấy vé máy bay về Nam thăm các anh chị trước khi về lại Mỹ.

Đêm hôm ấy Nhân lại mất ngủ. Lần này anh thấy dường như cả gia đình anh ai cũng bị mất ngủ và lý do này giải thích tại sao anh Cần và Mẫn đầu óc ít khi bình thường. Anh Mẫn hay cáu gắt vì những căng thẳng hằng ngày rất dễ bùng nổ sự giận dữ điên cuồng và anh Cần tiền sự y khoa rất đáng lo ngại những năm trước khi miền Nam giải phóng.

Hai ngày sau Nhân trở về Hà nội, lần này anh về nhà chú Vân ở tạm vài ngày trước khi về Nam. Đến nhà chú Vân ba giờ chiều. Vào phòng khách không thấy ai nhưng trên lầu có tiếng ồn ào. Hình như mọi người đang ăn uống. Có tiếng Thạch, Quân, ông Vân và vài người lạ. Thím Vân từ sau lên nhà nói với Nhân vào buồng nghỉ cất hành lý rồi ra phòng khách uống trà.

Khi Thạch xuống cầu thang thấy Nhân liền đi thẳng đến trước mặt bảo. “Anh Nhân dường như thù địch với tôi lắm nhỉ?” Khuôn mặt Thạch đỏ gay vì rượu nhưng đôi mắt nhìn Nhân gườm gườm như thách thức. Nhân cười lắc đầu không nói chỉ tiếp tục uống trà. Thạch ngồi xuống salon rồi lại hỏi:

- Vào Nam Định anh Bá có mắng tôi không?
- Sao anh lại nói như thế được! Anh Bá bình thường và là một thầy giáo hiền lành đạo đức.
- Anh sao hiểu được Bá bằng tôi! Bá lúc nào cũng là một thầy giáo nguy hiểm.
- Tại sao?
- Tôi nói thế vì tôi không muốn anh bị Bá tuyên truyền nói xấu chế độ!
- Thực thế sao? Bá không nói gì ngoài kể chuyện xưa về họ hàng.

Thạch lắc đầu không nói thêm tiếng nào rồi lên lầu tiếp tục ăn uống. Năm phút sau ông Vân xuống hỏi Nhân việc đi Nam Định. Nhân kể chuyện và nhắn lời ông Tráng:

- Cậu Tráng bảo chú tìm một nhà ngoại cảm thì có thể biết mộ nào là mộ ông bà nội để mà đặt bia.
- Chú đã làm rồi và bia đã đặt xong. Ngày mai cháu có thể đến thăm mộ và thấy bia của ông bà.
- Bên trái hay phải hở chú?
- Bên trái và xen kẻ. Mộ ông bên ngoài phía trái và cách một cái mới đến mộ bà.

Nhân ngạc nhiên. Chú thiếm Vân không nhớ rõ mà nhà ngoại cảm lại nhớ. Còn nhớ đến chi tiết. Anh hỏi chú Vân:

- Chú có chắc hay không? Cháu làm lạ là đến chú còn không nhớ mộ của ông bà xen kẻ và nhà ngoại cảm lại biết? Thế có thực để tin hay không?
- Chú tin, vì thứ nhất nhà ngoại cảm nhắc lại một chuyện mà chú đã quên là mộ ông bà nội hiện giờ là mộ cải táng năm chú năm mươi bốn tuổi. Khi cải táng có coi thầy địa lý bảo mộ ông bà phải chôn xa để rơi đúng vào thế rồng chầu. Con cháu mới phát sau này. Thế nên mộ ông rồi cách một mộ mới đến mộ bà.
- Thế sao chú biết được từ trái sang mà không phải là từ bên phải ?

Nhân tò mò hỏi, chú Vân cười trả lời ngay:

- Thì ông nội cháu về nói mà, chú nghe tiếng là nhớ đến bố ngay. Ngày trước bố nói ngọng chữ T nên nhà ngoại cảm vừa cất lên là chú biết ngay. Ông còn hỏi thăm thằng Thạch có bắt được thêm tên phản động nào không? Cháu có biết ông nội con gọi thằng Thạch là Tạch vì ngọng đấy! Ông nội thỉnh thoảng nói lắp đến tên thằng Thạch thành Tạch Tạch Tạch như bắn súng vậy.

Nghe chú Vân kể, Nhân vừa buồn cười vừa boăn khoăn trong dạ. Tự hỏi mình có đánh giá quá thấp những con người đang sống ở đây, hay còn có những điều mà thế giới khoa học chưa biết, chưa khám phá ra và đã vội kết luận là mê tín. Cuối cùng anh tự bảo có bia hơn là bốn ngôi mộ xem như vô chủ.

Hôm sau Nhân theo chú thiếm Vân đến Thanh Tước thăm mộ. Ông Phát đón ba người tại đầu nghĩa trang. Đi được nửa đường, từ xa Nhân đã thấy các chóp nhọn kiểu Kim tự tháp của bốn ngôi mộ. Nhìn quanh Nhân còn thấy có rất nhiều ngôi mộ đã chở gạch đá đến chuẩn bị xây. Không thấy ông Phúc, Nhân đoán chừng ông đang lo việc cung cấp vật liệu để xây mộ.

Chú Vân đứng chờ vợ mình lấy bó hương từ giỏ xách và sắp trái cây ra đĩa bày trên hai ngôi mộ xen kẻ nhau đã có bia đá đen chữ trắng. Nhân đốt hương và khấn vái từng ngôi mộ một. Thâm tâm anh chỉ mong ông bà vui vẻ chấp nhận mình như chấp nhận một nhánh sông con bấy lâu lạc loài được hội nhập trở lại dòng sông chính.

Ông Phát cũng đến thành khẩn dâng hương sau đó nói chuyện với Nhân:

- Ngày xưa tôi mang ơn ông bà cụ. Ngày hôm nay anh chị Vân và cậu Nhân khỏi phải lo về việc chăm sóc mồ mã vì tôi là thợ xây và còn được làm bảo vệ nghĩa trang thế nên tôi có bổn phận không để cho mồ mã ông bà cụ bị hư hỏng.

Nghe ông Phát thường nhắc chuyện mang ơn thực ra Nhân không biết ông bà nội mình ngày xưa đã giúp ông việc gì và ông ta cũng không buồn hay không muốn nhắc lại việc ấy rõ ràng. Không thấy ai hỏi Nhân lại cho rằng không ai muốn nhắc đến những kỷ niệm ngày cũ mà nay đã trở thành chướng ngại cho trật tự xã hội mới. Chú Vân có kể trước cách mạng tháng tám gia đình ông bà nội Nhân là điền chủ. Vợ chồng ông Phát là người cấy rẽ. Việc cha mẹ đã giúp gì cho vợ chồng ông Phát, anh em ông Tập, Vân không biết vì đã thoát ly gia đình rất sớm. Tuy nhiên cha mẹ của hai người may mắn thoát chết trong thời kỳ cải cách ruộng đất nhờ đã giao nộp tất cả đất đai cho ủy ban cải cách nông nghiệp trước năm 1945.

Trở về nhà buổi tối hôm ấy chú Vân và Nhân nói chuyện rất khuya vì ngày hôm sau Nhân lên máy bay về Sài gòn. Ban chiều Thạch trước khi về nhà có đến bắt tay Nhân và chúc anh lên đường bình an. Vẫn nụ cười nửa miệng, Thạch nói, “dù gì chăng nữa anh Nhân vẫn là người anh em của tôi”. Nhân tự nhủ mình vẫn thường nghe điều này trên phương tiện truyền thông ở đây. Ý niệm luôn đến trong đầu Nhân mỗi khi gặp Thạch là hòa giải sự đối nghịch vẫn tồn tại giữa hai phía họ hàng nội ngoại của mình.

***
Về đến Đà lạt năm giờ chiều thứ sáu. Không có ai trong nhà, Nhân ra phía sau. Cần và Mẫn vẫn ngồi bên nhau uống rượu dưới gốc cây mận già. Nắng chiều vàng sậm chiếu vào mặt hai người, óng ánh trên mái tóc bạc, nhuốm vàng từng sợi râu mép trắng xóa của cả hai. Dưới gốc hoa mận rụng trắng mặt đất. Dù thấy Nhân, hai người vẫn thản nhiên uống rượu. Nhân đưa tay lên chào rồi nhìn chung quanh. Hai năm ba tháng nhanh như cơn gió vừa thoáng qua trước mắt Nhân. Dấu vết quá khứ đè nặng tâm hồn anh khiến thực tại trước mắt có chút lạnh lùng, lãnh đạm. Bước vào nhà, căn phòng khách dường như rộng hơn sau khi mẹ mất. Chiếc ghế ngồi thường ngày của mẹ không còn nữa và được thay thế bằng bức tượng gỗ mít “Người ăn xin quá khứ” của anh Cần.

Nhân vào phòng cất va li rồi đi ra trước nhà đến quán ăn dưới dốc cầu đặt mua một số thức ăn. Khi thức ăn mang đến, Nhân chia sớt một số đĩa nhỏ đặt lên bàn thờ bố mẹ cúng. Cần và Mẫn vào nhà đốt hương trong khi Nhân lựa tấm hình chính diện bốn ngôi mộ chụp tại nghĩa trang Thanh Tước đặt cạnh hình bố mẹ rồi cả ba anh em khấn vái.

Hôm ấy đúng ngày cúp điện, trong khi ăn cơm tối dưới ngọn đèn dầu vàng úa Nhân kể cho hai anh nghe những ngày ở Hà nội cùng công việc xây mộ ông bà của mình. Anh cũng kể về Cậu Tráng và Bá cùng quê ngoại nơi mẹ đã sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên anh không nhắc đến chi tiết câu chuyện liên hệ đến gốc gác chị Hội. Lúc nghe Nhân bảo ngày mai đi thăm chị, Mẫn lắc đầu bảo:

- Chị Hội theo con gái lớn về Ban mê thuộc đã hơn ba tháng. Căn nhà hiện tại con gái thứ hai đang ở cùng chồng .
- Tại sao chị ấy không ở tại đây với vợ chồng đứa con gái thứ hai?
- Anh không rõ, nhưng nghe đâu vì công việc làm ăn của con gái lớn quá bận rộn mà chị phải về giúp chăm sóc hai đứa cháu nhỏ.

Nhân tuy không tin điều gì bất lợi xảy đến cho chị Hội nhưng quá khứ vẫn là kho tàng vô giá cho những kẻ nghèo đói trí tuệ nhưng tham lam chỉ muốn cướp bóc di sản người xưa mà không thèm đầu tư để sinh lợi lâu dài, làm cho thế giới nhân bản hơn và không còn phải biện minh cho những việc phi nhân từng xảy ra cho người vô tội.

Trước khi đi ngủ, Nhân bảo, “… cả chú Vân lẫn cậu Tráng nhắn hai anh ra Hà Nội một chuyến để thăm nhà từ đường nội ngoại và mọi người đều mong hai người cháu đích tôn về nguồn.” Cần và Mẫn nghe xong cười lớn khiến ánh sáng đèn dầu trên bàn ăn như chao đi làm bóng hai người trên vách lung linh mờ ảo. Nhân nghe Cần nói nhừa nhựa giọng say rượu, “tao chỉ là kẻ ăn xin quá khứ, thực tâm tao không muốn trở về một nơi mà dĩ vãng bị người ta nuốt chửng rồi nôn mửa ra bắt mọi người phải ăn vào và bảo rằng đấy là truyền thống, là niềm kiêu hãnh muôn đời…”

***
Khi Nhân về lại Mỹ, anh viết cho chị Hội lá thư cho chị biết rằng anh không còn thắc mắc điều gì sau chuyến đi Hà nội vừa qua và chúc chị vui những ngày còn lại với con cháu. Anh còn nhắc khéo cho đến ngày hôm nay quá khứ đối với chị hay bất kỳ ai chỉ là mảnh giấy trắng, không có gì để chị phải luyến tiếc hay lo lắng.

Tiếp theo thời gian ly thân đã quá đủ và không có lý do nào để có thể sống tiếp tục với nhau, hai vợ chồng Nhân ra tòa ly dị. Nhân chỉ được thăm con ba lần một tuần và chu cấp tiền bạc theo tòa qui định. Sáu tháng sau Nhân cũng nhận được tin vui phía hai người anh của mình. Bức tượng gỗ “Người ăn xin quá khứ” đã bán được giá cao cho người nước ngoài và dùng tiền đó Cần lập gia đình sau khi phân bua trên điện thoại với Nhân “tuy muộn nhưng có còn hơn không!” Anh Mẫn cũng lấy vợ một năm sau đó rồi dọn về quê vợ Bảo Lộc sinh sống.

Tin ngoài Hà Nội nhận được từ thư chú Vân là ông Phát, người xây mộ ông bà đã bị đá đè chết trong lúc vận chuyển vật liệu xây cất nghĩa trang. Hai ngôi mộ vô chủ vẫn chưa có người nhận. Riêng Thạch, chú Vân không hề nhắc tới trong thư mãi cho đến tháng ba năm 2009, lúc họp với phái đoàn kỹ thuật một công ty xuất nhập nhu liệu máy tính điện tử của Việt Nam tại tầng sáu khách sạn Hilton ở LA, Nhân thấy Thạch chễm chệ ngồi trong ban quản trị công ty trên hàng ghế đầu buổi họp.

Khi Nhân nhìn thấy Thạch, chưa kịp ngạc nhiên Thạch đã đưa ngón trỏ lên miệng ra dấu im lặng tiếp theo miệng nhếch lên với nửa nụ cười cố hữu trên môi …

 
 

Lê Lạc Giao