Bên Này Ước Vọng

 
 
 

Ngày ấy, người con gái tên Thục, hai mươi hai tuổi, đi dọc dòng sông thời gian ba mươi sáu năm, vượt qua ba giai đoạn khó khăn cuộc đời. Hôm nay là một thiếu phụ mái tóc đã điểm bạc quá nửa đang ngồi trước hí viện thành phố. Chiều xuống chầm chậm với chuỗi nắng vàng lướt thướt trên tàng sao xanh rồi rơi rớt trên mặt thềm đá hoa cương những vệt sáng chói mắt, không mấy chốc nhạt nhòa tan biến vào không khí nặng nề oi bức của buổi chiều tháng Tám. Thục nhìn chăm chú bức tượng cô gái khỏa thân cẩm thạch tay mang chiếc đàn Lyr biểu tượng kịch nghệ như thấy lại một quá khứ. Trong đầu cô đậm nét một dĩ vãng hàm chứa một số mệnh và số mệnh ấy cũng không ra ngoài vận mệnh đất nước. Người đàn bà nhìn đằng sau bức tượng trắng, thấy những cột tròn trước khi đi vào khung cửa vòm kiểu kiến trúc La Mã sâu thăm thẳm, làm phần nền một sân khấu bi kịch. Cô nhìn và nhớ lần cuối cùng rời thành phố Ban Mê Thuột chia tay chồng trong khi chiến tranh đang đi vào tàn cuộc.

Không có nước mắt hôm ấy. Chiến tranh kéo dài đến độ sự đau thương tạo nên cảm xúc những năm về sau không đủ sức làm nước mắt tràn ra ngoài tuyến lệ. Cả đất nước dường như chỉ có một thái độ sống lì lợm, chai cứng bởi chịu đựng triền miên! Còn Thục thầm cay đắng bởi tình yêu bấy giờ không đủ khả năng thay đổi số mệnh trong cuộc chiến tranh mà mọi người chỉ có hai lựa chọn: chấp nhận hoặc trốn chạy. Cả hai cách lựa chọn trái ngược này vẫn không thoát một đích điểm là cái chết, vì trong chiến tranh mọi ước muốn đều ảo tưởng!

Chiến tranh biểu hiện tham vọng, hận thù và để đạt được chiến thắng người ta có thể nói đến bao nhiêu điều đẹp đẽ khác, bằng thứ ngôn ngữ xảo biện vượt khỏi tính tuyên truyền mà ai cũng phải vin vào đó để ngụy tín. Ngày ấy, con người dù ở trong vị trí nào cũng chỉ là những con kiến bò trên vành chảo nóng. Sơ sẩy là rớt xuống lòng chảo cháy thành tro bụi. Chiến tranh nung chảy chiếc chảo và những con người kiến ấy, để rồi khi tàn cuộc chiến, chiến thắng hay chiến bại lúc bấy giờ chỉ có thể gói trọn trong xúc cảm mang ý nghĩa tồn tại, sống sót. Từ đó, người sống sót không dám nhìn về phía sau, nhưng dẫu có nhìn về phía trước thì quá khứ bao giờ cũng là thứ ám ảnh khôn nguôi dù ai ai cũng tin rằng, bóng ma chiến tranh thực sự đã lùi xa và tan biến mất.

Thục cũng thế, cô tự bảo, “Chiến tranh quả thực ra đi, vì đã thấy những kẻ chiến thắng đi lại trong cái thành phố hào nhoáng vì chiến tranh này.” Trước kia, ai cũng tự bảo mình chiến thắng và kẻ kia chiến bại, thế nên không biết thực sự ai thắng ai? Ngày hôm nay rõ ràng, phe chiến thắng từ rừng sâu trở về, còn phe trong thành phố biến mất. Họ trở thành những bóng ma dĩ vãng và chỉ trở về trong hồi tưởng hay trong giấc mơ của những người liên hệ. Cuộc chiến thực sự cáo chung. Thục tin như thế, vì hôm qua có người bảo cha cô đã trở về tìm người con gái mà ông bỏ lại hai mươi ba năm trước để đi theo tiếng gọi núi sông.

*
Hai Thắng từ đám ruộng cày trở về nhà sớm hơn mọi ngày sau khi nhận tin báo chi bộ họp khẩn vào buổi tối. Cuộc họp lúc tám giờ dưới ánh đèn dầu trong căn nhà của Ba Dương cuối xóm. Chó sủa vài tiếng rồi bị đập đầu. Không thể để ai chú ý vì trong làng này có rất nhiều việt gian! Chúng nó ngụy trang làm người câu cá, hay bẫy chim hiện diện khắp nơi. Ba Dương không nói rõ nhưng hầu như ai cũng ngầm hiểu bất trắc lúc nào cũng lởn vởn trên đầu những người trong chi bộ. Liên, vợ Hai Thắng đang ngồi họp bên cạnh chồng cau mặt bất bình vì con chó thường mừng vẩy đuôi kêu ăng ẳng mỗi khi cô bước vào sân bị giết dễ dàng như thế! Hai Thắng nói nhỏ vào tai cô, “Con chó chết hơn là chúng ta chết, em biết không?” Liên không nói, vội vàng đứng dậy vào buồng vì nghe tiếng con khóc. Đứa con gái tám tháng tuổi mở to mắt táp vào bầu vú mẹ, bú chùn chụt vì đói. Đã cơn đói sữa, con bé đưa đôi mắt đen láy nhìn mẹ cười. Liên nâng con lên hôn vào má. Phòng ngoài tiếng bàn thảo rì rầm. Chốc chốc người giao liên gác buổi họp chạy vào rồi chạy ra để báo cáo tình hình bên ngoài. Đêm tháng Chạp đen kịt, chỉ có tiếng gió bấc vi vút như tiếng than khóc của đất trời.

Lệnh của trung ương, tất cả những đảng viên nồng cốt chuẩn bị cho cấp ủy ra khu bốn tập kết để thực hiện quyết định trung ương 8. Thường thì đảng viên thời kỳ kháng chiến bốn mươi lăm là đối tượng lên đường trong khi Pháp đã đưa thêm nhiều tàu đổ bộ hai tiểu đoàn Lê Dương vào Phan Thiết để hỗ trợ cho chính quyền địa phương yếu kém miền Nam. Từ đó nhiều cuộc hành quân với mục đích lùng sục lực lượng Việt minh tỏa ra khắp nơi.

Hai Thắng đại biểu cho thế hệ hai mươi hóa thân vào cành cây ngọn cỏ này để sinh tồn. Anh bỏ học hành để trở về quê làm người cày ruộng và chỉ huy một tổ du kích mười người lâu lâu tổ chức trinh sát đồn Tây và thanh toán những tên việt gian theo Pháp. Anh cũng lập gia đình như mọi thanh niên bình thường khác dưới cái vỏ bọc nông dân chân chính chân lấm tay bùn. Quê vợ anh bên kia sông Vực gần thị xã. Cô nữ sinh ngày xưa cùng anh tổ chức xuống đường bãi khóa đòi độc lập dân tộc không chỉ chia xẻ với anh những nhục nhằn thân phận trên đất nước bị trị, thở hơi thở chung khát vọng độc lập tự do, mà còn chung lưng đấu cật một hướng đi trong tình cảm trai gái riêng tư. Đảng đứng ra kết hợp hai người để rồi hai năm sau, con bé Thục ra đời. Liên có mang Thục trong vùng quê nhưng đẻ con trong thành phố.

Bà ngoại Thục giàu có, là chỗ dựa của đám thanh niên học sinh yêu nước lúc bấy giờ. Tuy là tư sản nhưng bà Vân không hề là kẻ giàu kiểu trọc phú, gặt hái tiền trên xương máu của người khác. Chồng chết, bà Vân lúc bấy giờ ba mươi hai tuổi, đã buôn bán tảo tần những năm đầu góa bụa. Bà gửi Liên cho người chị họ lúc cô năm tuổi và theo dòng sông Vực buôn chuyến. Vào tận những làng xa xôi nằm dưới chân núi, bà bán những thứ nhu yếu cần dùng và mang trở về gỗ đóng thành bè bán lại cho các trại mộc trong thành phố. Trong năm năm, bà có số vốn lớn mở một cửa hàng kinh doanh đồ gỗ tại thị xã. Những bàn ghế giường tủ trong cửa hàng của bà cung cấp cho những kẻ giàu có, tai to mặt lớn trong tỉnh. Lợi dụng trong suốt thời kỳ buôn hàng chuyến, bà làm giao liên cho lực lượng Việt minh. Khôn ngoan và can đảm, bà Vân đã giúp cho lực lượng không những thành công những lần đánh úp đồn tây mà còn phát triển một mạng lưới đảng viên rộng khắp khu vực phía Nam của tỉnh đến tận chân núi Dài. Nhiều lần các đảng viên trung ương xâm nhập thành, đến ở nhà bà đã gợi ý để bà trở thành đảng viên cộng sản. Bà từ chối nói, “Không chỉ đảng viên cộng sản mới yêu nước, còn sống ngày nào tôi tận lực góp một tay vào công cuộc đấu tranh cho độc lập tự do.”

Khi Liên học trung học, bà Vân luôn nhắc nhở cô bổn phận của một công dân trên đất nước bảo hộ. Lúc bấy giờ miền trung sôi sục phong trào chống Pháp sau cái chết của cụ Phan Bội Châu. Các trường trung học bãi khóa liên miên. Liên là một trong những kẻ rải truyền đơn và hô hào xuống đường đòi tự do ngôn luận. Tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn luôn chủ đạo định hướng cho đám học sinh yêu nước lúc bấy giờ. Nổi bật trong phong trào học sinh đấu tranh nước nhà độc lập là Nghiêm, một học sinh quả cảm đi đầu trong phong trào. Thực ra Nghiêm với bí danh Hai Thắng đã là đội viên của đội thanh niên tiền phong, cơ sở chuẩn bị cho đảng viên cộng sản tương lai. Nghiêm và Liên là cặp bài trùng trong phong trào thanh niên bấy giờ. Tuy mật thám Pháp theo dõi và chú ý nhưng hai người thường được người cô của bà Vân có chồng người Pháp trong tòa Khâm sứ che chở.

Ba hôm sau Hai Thắng đưa vợ con về nhà bà Vân. Nhìn sắc mặt nghiêm trọng của hai người, bà gọi người nhà đóng cửa gian giữa sau khi đưa con gái và con rể ra nhà sau nói chuyện. Biết hai người sẽ ra đi, bà đề nghị:

“Sao không để con bé Thục ở lại cho mẹ nuôi, các con đi đây đó, nhất là rừng núi không tốt cho một con bé chỉ chín tháng tuổi?”
“Mẹ nuôi cũng được nhưng chỉ làm tụi mật thám nghi ngờ. Từ đó nó phăng ra cơ sở quan trọng để đánh phá, hơn nữa lúc ấy mẹ làm sao trở tay khi phải bận bịu thêm cháu. Những chi bộ chúng ta xây dựng đến hôm nay là bàn đạp cho cách mạng cả nước chứ không riêng gì miền Trung này.”

Hai Thắng quả quyết và Liên thêm vào:

“Chỉ qua khỏi tỉnh sẽ có các đồng chí khu bốn đưa xe đón, mẹ không phải lo.”

Bà Vân biết Liên không nỡ xa con đầu lòng, nhưng bà bắt đầu thấy như có khoảng trống trong lòng mình mỗi khi nghĩ tới đứa cháu ngoại đầu tiên. Tuy nhiên, bà vẫn dặn đi dặn lại hai vợ chồng những địa điểm liên lạc khi bất trắc.

Tuần lễ sau, hai vợ chồng Liên bế con theo đò dọc về quê chồng ăn giỗ. Đây cũng là một ngụy thức để che mắt mật thám Tây. Đến đầu làng, Hai Thắng đi đường vòng xa hơn để về nhà vì anh không muốn đi ngang nhà người chú thứ ba. Tuy ruột thịt với Nghiêm nhưng ông ba Trứ thích Tây hơn Việt Minh. Ông thường bày tỏ ý kiến ấy công khai với lập luận, trận chiến không cần gian khổ. Dù gian khổ nhưng không hề nhìn thấy chiến thắng thì gian khổ làm gì. Hai Thắng đã giải thích nhiều lần nhưng người chú bướng bỉnh này từng bước trở thành phản động nguy hiểm. Anh đau lòng khi phải nhất trí với chi bộ tìm mọi cách thanh toán người chú ruột của mình và chi bộ đã trấn an Hai Thắng, rằng dù gì đi nữa trước khi có bản án, các đồng chí trong chi bộ sẽ thuyết phục ông ta lần nữa.

Vợ chồng Thắng chỉ ở nhà bốn tiềng đồng hồ và khi đêm vừa xuống, hai người từ giã mẹ già bế con xuống ghe sang bên kia bờ có toán giao liên dẫn vào rừng đi lên làng Dá của người thiểu số, sau đó vượt núi dài qua sông Gianh để đến trạm Đồng Hới. Nơi này sẽ có xe đưa hai vợ chồng Thắng ra Bắc.

Trạm xe lửa số ba nằm heo hút trong rừng chồi. Con đường xe lửa xuyên Việt bấy giờ còn đang dang dở nhưng từ trạm số ba, xe có thể tiếp tục chạy về Huế. Chung quanh trạm chỉ có rừng gỗ dầu thưa phía Nam, ba phía còn lại là vạt tranh chen lẫn sim kéo dài đến tám cây số. Tại trạm ga, Hai Thắng nhận lệnh đi về chi bộ sông Gianh họp để chỉ huy đánh đồn Tây ở hạ lưu sông. Liên và con ở lại trạm tạm một ngày đêm, sau đó có tiểu đội dự bị huyện đưa đến Đồng Hới và sẽ gặp chồng sau khi hoàn thành công tác. Hai Thắng siết chặt con rồi đưa lại cho Liên, từ giã vợ ra đi với hai người du kích tỉnh. Anh nghe trong lòng có chút buồn bã và có cảm tưởng như Liên đang chảy nước mắt. Trong suy nghĩ, anh cố làm nhẹ cảm xúc vì ý nghĩ “ủy mị là sản phẩm của tiểu tư sản”. Chảy nước mắt nhẹ hơn khóc. Khóc là cảm xúc “tiểu tư sản” trong khi chảy nước mắt có thể biện minh được vì lý do khách quan nào đó…

Đêm tháng Sáu sâu thăm thẳm. Liên bế con ngồi trên chiếc chõng tre của trạm ga chờ đám người giao liên đưa đi . Ban chiều có máy bay đầm già của Pháp bay ngang. Liên suy nghĩ, dù cô đã được kết nạp vào đảng và trải nhiều khóa huấn luyện về nhiệm vụ của một đảng viên, nhưng khi nghĩ về chồng con cô vẫn thấy mình nao nao trong dạ. Trước kia không hề có trạng thái này nhưng từ khi sinh con bé Thục, cô thấy cõi lòng mình có lúc mềm yếu. Liên suy nghĩ, tại trạm Đồng Hới cô và con có thể gặp Hai Thắng chỉ với điều kiện chồng chiến thắng đồn Tây và an toàn trở về. Nếu không chiến thắng và không an toàn thì thế nào? Liên nhắm mắt không dám nghĩ tiếp. Một đảng viên trung kiên không thể yếu đuối như thế. Đấu tranh cho đất nước phải chịu nhiều hy sinh. Cô yên tâm bế con đứng lên, nghe đồng chí Hai Trung nói con đường tám cây số vượt rừng đêm nay.

Hai Trung là bạn của vợ chồng Hai Thắng từ thuở ba người trong đội thanh niên tiền phong. Vào đảng cùng năm nhưng công tác lại khác biệt. Hai Thắng sau về chỉ huy đặc công tỉnh nhờ vào trí thông minh, can đảm và lì lợm trong chiến đấu thì Hai Trung lại nằm trong đội tuyên truyền hoạt động cho quân khu. Hai Thắng hoạt động giới hạn trong tỉnh trong khi Hai Trung trôi nổi khắp nơi.

Hai Trung mô tả con đường mình đi nhiều lần như sau: không khó đi vì quá nhiều người đi, tuy nhiên đi đêm phải cẩn thận vì thú dữ nhưng cũng không lo khi nhiều người tập trung lại đi với nhau và có vũ khí. Thú dữ là cọp và báo. Báo chỉ săn ban ngày, cọp săn cả ngày lẫn đêm nên phải hết sức cảnh giác.

Liên địu con trước ngực, sau lưng mang súng ngắn K54. Cô đã kiểm tra súng ban chiều trước khi cài vào thắt lưng. Hai Trung và ba người du kích có bổn phận đưa hai mẹ con Liên đến bờ sông và tại đó có thuyền đưa sang bên kia sông. Một toán du kích khác sẽ đưa hai mẹ con đến trạm Đồng Hới.

Khi ba người du kích và Hai Trung đưa hai mẹ con rời khỏi trạm 3 xe lửa đã mười một giờ rưỡi đêm. Con bé Thục ngủ say sau khi bú no. Hai Trung có nói, phải ít nhất mất bốn giờ mới có thể đến bến sông nếu đi nhanh. Khoảng rừng này không sợ địch phục kích nhưng phải cẩn thận, không để lạc nhau vì nhiều thú dữ.

Trời đêm khá lạnh. Liên đi giữa hai người đầu và hai người cuối. Phía trước một ngọn đèn bão mắc trên chiếc cọc cao máng vào ba lô của Giới, cậu giao liên đi đầu. Hai Trung mang khẩu tiểu liên đi cách Giới sáu bước chân, một tay cầm đèn pin thỉnh thoảng soi hai bên rừng. Con đường mòn hẹp luồn lách trong rừng chồi. Một vài khúc quanh toán đi đầu phải chậm lại vì sợ phía sau mất dấu. Ngọn đèn bão chập chờn chỉ soi khoảng ba mét trước mặt, nhưng Giới và Hai Trung đã đi qua hai hôm trước nên có vẻ yên chí. Liên nghe Thục ngủ yên trong bọc mền đeo trước ngực, cũng theo bén gót hai người dẫn đường.

Đi được một giờ đồng hồ, năm người đổ xuống một con dốc. Họ đi chầm chậm đến hết dốc thì Hai Trung bảo dừng lại, đến bên Liên hỏi cần nghỉ hay không. Cô lắc đầu ra dấu đi tiếp. Tiếp tục đi nửa giờ sau, nghe có tiếng hổ gầm xa xa. Trung và ba người du kích lên đạn súng chỉa ra ngoài. Liên cũng lấy súng cầm tay. Đến con dốc kế tiếp khá đứng, mọi người phải dò từng bước thì Giới đi đầu vấp một rễ cây ngã xuống, ngọn đèn bão đập xuống đất tắt ngấm. Hai Trung soi đèn pin đỡ Giới dậy thì nghe tiếng la của cậu du kích phía sau “coi chừng hổ”, anh quay đèn soi ra sau chỉ thấy một vệt vàng vọt sang trái và tiếng thét của Liên. Hai Trung quay súng lên trời bắn một loạt và chạy ngược lên dốc thì nghe tiếng con bé Thục khóc trong bụi rậm xa. Hai cậu du kích run rẩy chạy theo Hai Trung đến bụi rậm, soi đèn thấy bé Thục nằm quấn trong chiếc mền trong bụi sim khóc ré, bên cạnh còn khẩu K54. Hai Trung nhận định: hổ vồ Liên kéo đi và cô đã quăng con bé Thục vào bụi, lúc quăng con đã văng luôn cây súng. Lúc này Giới đã đốt đèn bão lên, cùng ba người theo hướng hổ chạy tìm Liên. Hai Trung cột bé Thục vào ngực trong lúc nó vẫn nức nở khóc. Ba người dùng đèn bão và đèn pin soi từng ngọn cỏ, theo dấu máu trên những cành cây rừng gãy với hy vọng hổ nghe tiếng súng bỏ Liên lại. Lúc ấy Hai Trung tự hỏi tại sao hổ lại vồ người đi giữa mà không vồ người cuối cùng như thói quen?

Gần một giờ tìm kiếm không thấy Liên, bốn người tuyệt vọng tìm đường ra bến sông. Bé Thục sau khi khóc mệt nên đã ngủ thiếp đi. Tại bến sông Hai Trung liên lạc với chi bộ báo cáo tình trạng mất tích của Liên và xin ý kiến. Cấp ủy đảng nhanh chóng cho thêm trung đội bảo vệ đi xuống vùng rừng chồi với hy vọng tìm thấy chút gì của Liên còn lưu lại. Suốt ngày đầu tiên không tìm thấy gì ngoài vài mảnh áo quần rách của Liên vướng trên tàng cây. Ngày thứ hai trung đội vào tận chân núi thấy xác Liên chỉ còn đầu và xương trong một hang đá và đi sâu vào trong phát giác một bầy hổ bốn con. Hổ mẹ nghe tiếng động đã chạy mất nhưng đám hổ con bị trung đội bảo vệ tỉnh giết hết như để trả thù cho Liên. Hai Thắng trở về trạm Đồng Hới sau chiến thắng tiêu diệt đồn Tây đồng thời nhận tin sét đánh vợ chết vì hổ vồ. Ôm con trong tay, đứng trước nấm mộ của Liên chôn cạnh trạm xe lửa Đồng Hới, anh chảy nước mắt, lòng tan nát vì cái chết của vợ. Hai Thắng sau đó xin đảng ủy đưa con về lại cho bà ngoại nuôi và tiếp tục lên đường ra Bắc.

Bà Vân đau đớn mất con nhưng còn Thục, kỷ niệm duy nhất của Liên đối với bà là đứa cháu ngoại này. Thục sống trong tình thương yêu vô bờ của bà ngoại một năm rưỡi thì Pháp thua trận Điện Biên Phủ và tiếp theo đất nước chia đôi bởi hiệp định Genève. Trước khi hiệp định ký kết, bà Vân tìm cách liên lạc với cha của Thục nhưng lúc ấy anh đang công tác mặt trận Tây Bắc. Một buổi tối tháng Sáu, Hai Trung ghé thăm bà Vân, cho biết Nghiêm, tên thật của đồng chí Hai Thắng, nhắn cứ để Thục lại miền Nam, hai năm sau sẽ vào rước, vì đất nước lúc đó đã thống nhất sau khi tổng tuyển cử. Bà Vân vui vẻ và nhắn với Hai Thắng rằng năm tới Thục sẽ về ở với cha mẹ nuôi tại Huế. Mẹ nuôi là người cháu của bà Vân có chồng hoàng tộc, cô Ngọc Trân thương Thục như con ruột, hứa sẽ bảo bọc con bé cho đến khi nên người.

Hai Trung sau đó cũng lên đường ra bắc tập kết. Lúc bấy giờ bà Vân tin nước nhà độc lập là điều kiện tiên quyết để có hòa giải hòa hợp vì có quá nhiều phân hóa tư tưởng về một Việt Nam độc lập tương lai. Đảng cộng sản Việt Nam không còn chiếc áo Việt Minh nữa vì các đảng phái quốc gia đồng loạt tẩy chay và trở thành thù địch sau những cuộc thanh toán đẩm máu. Dù biện minh cho đảng cộng sản cách mấy đi nữa, bà Vân cũng thấy một kẽ hở trong việc giải thích với bà con bạn bè. Tuy nhiên, lòng yêu nước cuối cùng cũng thắng thế. Nó không chỉ là bóng cây to lớn mà còn là bầu trời bao la phủ trùm lên những dị biệt chủ nghĩa, đảng phái, và tính kỳ thị địa phương vốn là căn bệnh cố hữu của người dân Việt. Một buổi xế tháng Sáu, khi ông ba Trứ, chú của Nghiêm, đến nhà bà Vân với lý do thăm cháu thì ông chỉ còn một cánh tay trái. Cánh tay phải bị đám du kích phục kích khi ông đi ăn giỗ ở làng bên cạnh. Chỉ ống tay áo trống rỗng, ba Trứ nói với bà Vân:

“Chị thấy đó, thằng Nghiêm cháu tôi, con rể của chị đã ra lệnh giết tôi. Không có đám địa phương tiếp tế, tôi đã chết mất xác.”
“Sao anh biết nó ra lệnh giết anh?”
“Thì trước đình chiến sáu tháng, một trận hành quân của chủ lực tỉnh đã bắt được toàn bộ đám du kích trong làng. Lúc lấy cung, chúng nó khai.”

Bà Vân lo lắng trong lòng, không biết đám du kích có biết gì về liên hệ của bà với đám giao liên, nhất là nhà bà, nơi tiếp xúc của cấp ủy đảng khu bốn.

Trong lúc bà đang lo, vừa rót nước trà ra tách thì ông ba Trứ đứng lên đi lòng vòng quan sát trong nhà. Thái độ và cử chỉ không khác mật thám. Bà tức giận hỏi:

“Anh tìm gì vậy?”
“Thấy bộ bàn ghế đẹp tôi tò mò không biết làm bằng gỗ gì? Chị còn có bộ tủ thờ đẹp quá, nếu có tiền tôi ráng tậu một cái để thờ cúng ông bà.”
“Bộ anh không có bàn thờ ông bà hay sao?”
“Có chứ, nhưng đã cúng cho đảng năm 1945 rồi! Bây giờ tôi thờ tổ tiên ông bà bằng cái bàn ăn bằng gỗ tạp.”
“Cái gì? Anh nói gì thế?”
“Thì tôi kể chuyện bộ đồ thờ nhà tôi.”

Ông ba Trứ cay đắng nói tiếp:

“Tháng năm bốn mươi lăm, tôi lên núi. Cha thằng Nghiêm bị bệnh lao, mẹ nó phải bán hàng xén trên quận để kiếm tiền mua thuốc cho chồng. Tôi đúng ra là lao động chính trong nhà vì thằng Nghiêm bấy giờ chỉ lo bãi khóa, rải truyền đơn. Tôi theo tiếng gọi núi sông lên núi. Vào bưng chưa đến 3 tháng, nổ ra tuần lễ vàng, tuần lễ bạc. Tôi nói với đảng ủy xin miễn vì nhà neo đơn, khó khăn, nhưng cái thằng chăn bò trong làng cứ bảo nhà tôi có bộ bàn thờ gỗ trắc rất đáng tiền. Nó gợi ý nên cúng cho đảng để đảng bán lấy tiền mua súng đạn cho cuộc tổng khởi nghĩa.”
“Thế anh phải làm gì?”
“Thì phải quỳ xuống xin dâng, chứ mang tiếng tiểu địa chủ. Mà tiểu địa chủ một ngày sau có thể trở thành địa chủ nếu hạ thang điểm diện tích ruộng xuống. Gia đình tôi chỉ có ba công đất bằng bàn tay nhưng năm ấy được phong làm tiểu địa chủ!”

Bà Vân thở dài, biết ông ba Trứ nói sự thật. Việc này xảy ra không biết bao nhiêu lần! Những than vãn ban đầu dần dần biến thành oán hận. Thực tế này Nghiêm và Liên không hề biết vì hai người chỉ thấy mục tiêu đấu tranh cho nước nhà mà đảng cộng sản với lãnh tụ Hồ chí Minh thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong tim họ. Bằng mọi cách phải giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ ngoại bang, dù phải hy sinh bản thân và gia đình. Ngoài ra, họ không có thời gian để hiểu rằng con đường giải phóng nước nhà nào phải chỉ bằng nhiệt huyết mà còn bằng bao nhiêu nước mắt, không phải hy sinh nhưng còn từ oán hận do cuộc chiến tranh gây ra. Ông ba Trứ nói thêm:

“Cúng xong bộ tủ thờ, tôi chạy mặt cộng sản. Tôi thấy mình không thể đấu tranh cho nước nhà mà phải bán ông bà tổ tiên của mình. Tôi không theo Tây, nhưng từ đó đám đồng chí cộng sản cho tôi là Việt gian phản động. Tôi chưa chết là may lắm rồi!”

Bà Vân hỏi:

“Tôi nghĩ anh có hiến bộ đồ thờ cho cách mạng cũng phải có ý kiến của anh sui tôi, ảnh là chủ nhà có đồng ý mới được chứ!”
“Dĩ nhiên, lúc anh hai sắp chết, tôi hỏi ý kiến thì ảnh gật đầu, tuy nhiên nhìn mắt anh, tôi không bao giờ quên. Đôi mắt của một kẻ thua bạc, tuyệt vọng. Ba tháng sau anh chết, chị dâu tôi từ đó rất ít nói và từ thái độ câm lặng của chị, tôi khám phá ra cái người ta cho rằng đức tính hy sinh, nhẫn nại của các bà mẹ Việt Nam chỉ duy nhất mang ý nghĩa sự chịu đựng cùng cực, vì không còn chọn lựa nào khác cả! Mọi ý nghĩa thêm vào chỉ là gán ghép, loại suy vì nó không phản nghĩa mà thôi!”

Nghe ông ba Trứ nói, Bà Vân thầm hiểu lý do tại sao cách mạng lên án ông, sau đó bà an ủi ông bằng cách nói sẵn sàng tặng ông bộ tủ thờ trong tháng tới, nếu ông chuẩn bị được phương tiện chuyên chở. Bà làm chuyện này trong thâm tâm như cách đền bù cho hành động quá đáng mà các đồng chí của bà đã làm đối với ba Trứ. Tiếp theo bà kể chuyện con bé Thục được vào Huế sống với cha mẹ nuôi và sẽ học hành đàng hoàng. Bà cũng sẽ thường xuyên ra Huế thăm cháu, và trong tương lai sẽ về Huế sống với vợ chồng bà Ngọc Trân, tức cha mẹ nuôi của Thục, cho đến cuối đời. Ba Trứ gật gù ra vẻ thông cảm và đồng tình quyết định của bà, sau đó nói thêm:

“Tôi hiểu lòng thương cháu của chị. Đáng lẽ ra con bé Thục phải về bên nội để chúng tôi lo, nhưng ông bà nội đều mất cả, thì “cháu bà nội tội bà ngoại” vậy! Tôi không vợ con, chỉ còn một cánh tay, lo gì cho nó được. Điều tôi lo lắng nhất là cha nó về rước nó đi Bắc, rồi sau này thành một nữ đảng viên cộng sản, lúc ấy nói chi đến bà con ruột thịt, mồ mả ông bà. Bây giờ tôi yên tâm rồi, chỉ mong sau này chị ra Huế thăm cháu, cho tôi địa chỉ để có dịp tôi ra thăm.” Giọng ông ba Trứ vừa tình cảm vừa mỉa mai, cuối cùng lại nói thăm cháu như để kiểm chứng có thật nó ra Huế hay đã ra Bắc từ lâu rồi! Bà Vân không phải không hiểu, nhưng bà thận trọng và cảnh giác trường hợp vì căm hận cộng sản mà ba Trứ cộng tác với Pháp.

Ba tháng sau, khi ông ba Trứ chở bộ tủ thờ gỗ mun cẩn xà cừ về nhà, bà Vân chuyển ra Huế sống. Năm ấy bà sáu mươi tuổi, và ở với bé Thục cho đến khi nó lên trung học Đồng Khánh bà mới qua đời. Suốt thời gian này, ông ba Trứ có một lần duy nhất ra Huế thăm bé Thục, sau đó về quê và mất luôn liên lạc với đứa cháu gái duy nhất của mình.

*
Năm 1965, ông bà Ngọc Trân vì hai con lớn lên đại học và công việc làm ăn nên chuyển về Sài Gòn sinh sống. Thục vào trường Trưng Vương học lớp đệ ngũ. Cuộc sống sung túc cùng tình thương yêu của cha mẹ nuôi khiến ai cũng nghĩ Thục quên mất quá khứ trôi nổi của mình, chưa kể ông bà Ngọc Trân không hề nhắc đến những sự kiện liên hệ đến cô con gái nuôi mà hai người xem như con gái út ruột thịt của họ. Mãi đến tháng 12 năm 1967, một buổi tối Thục đang học bài trên lầu thì ông bà Ngọc Trân có người khách lạ đến thăm.

Ngồi trên ghế salon, người đàn ông khoảng 55 tuổi, ăn mặc sang trọng có khuôn mặt ốm, đôi mắt sáng, nói giọng Quảng Nam tự giới thiệu:

“Tôi là Hoàng, được một người bạn thân giới thiệu đến đây thăm ông bà.”

Ông Đình, chồng bà Ngọc Trân nhìn người khách dò xét hỏi:

“Liệu ông có nhầm nhà không? Chúng tôi hình như chưa từng biết ông?”

Người khách lạ từ tốn trả lời:

“Dĩ nhiên, nhưng ông có phải là Nguyễn Phúc Đình là cha của cô Trần Ngô Anh Thục không?”

Ông Đình gật đầu trong khi bà Ngọc Trân vợ ông rót nước trà mời khách. Đặt tách trà trước người khách lạ, bà hỏi:

“Xin ông cho biết bạn của ông là ai?”

Ông Hoàng xuống giọng nói nhỏ:

“Là cha ruột của cô Anh Thục. Anh Trần Nghiêm.”

Hai vợ chồng bà Ngọc Trân giật mình. Nhìn trước sau, bà Ngọc Trân hỏi giọng lo lắng:

“Anh Nghiêm bây giờ thế nào, có mạnh khỏe không?”

“Ông bà yên tâm, anh ấy vẫn ở ngoài Bắc, chỉ là tháng trước anh sang Pháp trong lúc tôi có công tác ngân hàng bên ấy nên gặp nhau. Anh Nghiêm nhờ tôi khi về nước tìm đến nhà ông bà để hỏi thăm con gái mười lăm năm không gặp ngày hôm nay thế nào mà thôi?”

Ông Hoàng cho biết ông đang làm việc cho ngân hàng Pháp Á, thỉnh thoảng sang Pháp họp nên có gặp những người miền Bắc sang công tác tại Pháp. Ông chỉ xin một tấm ảnh của Thục, và nếu có thể gặp được Thục càng tốt, để có thể kể lại với Nghiêm khi gặp anh ta. Ông Đình nghe người khách nói xong đầu đuôi câu chuyện mới hỏi:

“Anh thế nào mà quen với anh Nghiêm?”
“Tôi là bạn học từ trung học. Sau khi Nghiêm ra bắc, tôi sang Pháp du học sáu năm. Tuy nhiên, thời gian đó tôi không hề gặp Nghiêm, chỉ hai năm gần đây khi tôi lên làm giám đốc chi nhánh ngân hàng Pháp Á, anh ấy mới liên lạc được.”

Sau khi hiểu rõ ràng ông Hoàng, ba người bàn sẽ gọi Thục xuống để giới thiệu ông Hoàng như người bác họ xa. Còn việc cha ruột của Thục, ông bà tính sẽ từ từ nói sau. Thục xuống lầu khi nghe cha mẹ gọi. Cô được giới thiệu người đàn ông trước mặt là cháu của bà ngoại mình nên rất vui, chả là cô rất yêu thương bà ngoại. Nhắc đến bà, cô rơm rớm nước mắt nói:

“Bà rất thương cháu, ngày xưa bà không có kể về chú Hoàng nên cháu đâu có biết. Phải chi bà còn sống!”

Thục nhắc bà ngoại của mình trong khi ông Hoàng quan sát Thục. Thục giống mẹ hơn cha, nhưng khi nhớ đến hai vợ chồng bạn, ông Hoàng lại thấy hình bóng cả hai trên khuôn mặt Thục. Ông thoáng buồn nhớ đến hoàn cảnh éo le của Nghiêm và Thục. Đất nước này sao mà bi thương với hàng nghìn trường hợp như Thục thế này!

Hai hôm sau, một buổi tối Thục xuống nhà ăn cơm với bà Ngọc Trân trong khi ông Đình đi vắng, bà hỏi Thục có nhớ cha ruột của cô hay không? Thục nói:

“Con nhớ chứ, nhưng mỗi lần nghĩ đến, con không có câu trả lời! Con mang họ Trần mà, bao lần con định hỏi cha mẹ nhưng con lại sợ.”
“Con sợ cái gì?”
“Con sợ sự thật và nỗi thất vọng tiếp theo. Bởi con biết chắc là cha con theo cộng sản, mà cộng sản và chính quyền quốc gia đang đối đầu trong cuộc chiến tranh.”

Bà Ngọc Trân ngạc nhiên khi nghe Thục nói. Bà cứ nghĩ thời gian xóa nhòa dần quá khứ đau buồn của Thục và cô sẽ quên dĩ vãng đen tối ấy. Nhưng bây giờ bà biết mình lầm. Thục biết giữ những bí mật của cuộc đời mình, vì cô hiểu dần ra sự thật cuộc đời mình dính liền với một mảng lịch sử. Thế nên tìm hiểu một sự thật thường kết quả phũ phàng mà cô không hề muốn.

Bà Ngọc Trân lúc này mới nói về chú Hoàng của cô hôm trước và lý do chú đến thăm gia đình. Bà kết luận:

“Cha con hiện giờ là một đại tá quân đội miền Bắc. Tuy đất nước còn chia cắt, nhưng ông vẫn là người cha ruột thịt và có quyền tìm hiểu đứa con gái của mình hôm nay như thế nào?”

Nghe mẹ nói, Thục ứa nước mắt. Trong lòng cô bao giờ cũng tự biết dù có sống trong giàu có mấy chăng nữa, nhớ đến người cha ruột xa xôi, câu chuyện kinh khủng về người mẹ ruột mất trong khi ẳm cô trên đường ra Bắc theo lời kể của bà ngoại và cha mẹ nuôi, bao giờ Thục cũng thấy tận đáy lòng nỗi tủi thân và thương nhớ mơ hồ. Lúc này bà Ngọc Trân căn dặn Thục phải giữ bí mật, không tiết lộ việc này cho bất kỳ ai, dù là bạn thân nhất.

Tết Mậu thân, chiến tranh bùng nổ trong thành phố. Khu vực gia đình bà Ngọc Trân ở tuy không ảnh hưởng trực tiếp nhưng khu phố phía sau lại nằm trên con đường di chuyển bộ đội đặc công cộng sản. Đêm giao thừa, tiếng súng nổ dòn dã từ khu phố phía sau tưởng chừng như tiếng pháo xuân. Về sau, tiếng nổ của nhiều loại súng kéo dài hơn khiến ông Đình lo lắng nói với vợ. Bà Ngọc Trân mở radio, không có gì đặc biệt ngoài lời chúc tết của tổng thống lặp đi lặp lại. Không bình thường, ông bà đều nghĩ như thế. Sau chừng nửa giờ, tiếng xe GMC chạy ầm ỉ trước nhà. Thục và hai anh xuống lầu, nghe cha mẹ trấn an, khuyên không nên ra khỏi nhà dù bất kỳ lý do gì. Lúc ấy Tường, đứa con trai lớn đang học y khoa bảo:

“Việt cộng xâm nhập thủ đô rồi. Lệnh giới nghiêm và cấm đốt pháo thì tiếng nổ mà chúng ta nghe có thể là nơi đang giao tranh. Tiếng nổ nhiều hướng dinh Độc Lập. Nếu như thế cộng sản vào thành phố rồi còn gì?”
“Đất nước đang chiến tranh, việc gì cũng có thể xảy ra. Tốt hơn hết không ra khỏi nhà trong khi chờ tin tức trên đài phát thanh.”

Ông Đình nói với ba đứa con đang ngồi ở phòng khách, trong khi bà Ngọc Trân cố điều chỉnh chiếc radio với hy vọng nghe được tin tức về những tiếng nổ đáng sợ xa xa ấy. Bấy giờ Tường nói với Lãm và Thục trở lên lầu ngủ. Khi ba đứa con về phòng, ông Đình mở chiếc truyền hình mới mua tháng trước, nhưng đài không có phát hình. Nhìn vợ đang ngồi thở dài lo lắng ở salon, ông chán nản nói với bà:

“Chúng ta không hiểu thế nào, phải làm gì khi chiến tranh thực sự xảy ra?”
“Thì phải chấp nhận và tìm chỗ an toàn để sống.”
“Vào đến tận thủ đô thì còn chỗ nào an toàn nữa đây?”

Ông Đình vừa nói vừa lắc đầu như xua đi nỗi ám ảnh không còn nơi ẩn náu trên vùng đất miền Nam này. Ông nửa tin nửa ngờ chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Là người tây học, ông thừa hưởng mọi thành quả văn hóa tây phương, nền tảng của một chế độ chính trị dân chủ, tự do. Nhưng cuộc chiến tranh Nam Bắc làm đời sống chính trị không còn trong khuôn khổ tiêu chuẩn của nó. Người ta lợi dụng dân chủ tự do để bóp nghẹt chính nó. Điều này, với ông là thủ đoạn chính trị có thể biện minh vì tình hình chiến tranh phải làm như thế, để củng cố sức mạnh chính quyền hầu đủ sức đối đầu với cộng sản. Nhưng càng biện minh ông càng thất vọng, dường như bản thân ông toa rập với sự bất lực của chế độ lãnh đạo miền Nam. Là một thương gia, ông tiếp xúc đủ mọi thành phần xã hội. Càng đi sâu vào cơ cấu chính quyền, ông khám phá ra họ chỉ bảo vệ, củng cố quyền lực trong tay vì danh lợi, chứ không hề vì quốc gia dân tộc như họ đề cao trong những lần bầu cử. Miền Nam hiện diện hai thứ chiến trường: chiến trường đấu tranh với cộng sản và chiến trường đấu tranh vì quyền lợi phe nhóm trong chính giới.

Cái bóng đồng minh Mỹ to lớn đến nỗi họ cho rằng Mỹ không bao giờ để thua cuộc chiến tranh này vì danh dự, và cũng vì đất nước này là điểm nóng duy nhất trong cuộc chiến tranh lạnh. Nhìn họ càng thao túng quyền lực trong tay vì bản thân và phe nhóm, ông Đình càng sợ hãi. Ông có nghĩ đến tìm cách ra nước ngoài, nhưng khi đề cập đến việc này vợ ông, bà Ngọc Trân lắc đầu:

“Không thể được! Với tôi, cuộc chiến tranh này ví như anh em trong gia đình đánh nhau. Dù bên nào thắng thua cũng là anh em ruột thịt mà thôi. Mà anh em rất dễ giải quyết. Việc gì phải rời bỏ gia đình, quê cha đất tổ trong cuộc chiến tranh huynh đệ thế này!”

Nghe vợ nói, ông Đình chỉ thở dài. Ông không phủ nhận lý luận của vợ, nhưng ông biết chắc một điều là lý luận và thực tiễn cách nhau rất xa! Thế hệ ông không ai không từng tiếp giáp với kháng chiến. Không ít thì nhiều đều có lần hăng say tham gia chiến dịch chống Pháp trong chiến khu hay ngay trong thành phố. Ông không từng là đồng chí của Nghiêm, Liên, Hoàng hay sao? Và trong cuộc kháng chiến ấy tùy nhận thức, hoàn cảnh, điều kiện cá nhân để rồi cuối cùng chạy về phía này hay phía kia. Bà vợ ông có lẽ cũng hiểu như thế, nhưng bà chỉ biết so sánh theo cảm tính mà quên trong cuộc chiến tranh, người ta phải hy sinh tính mạng, để đổi lấy sự vinh quang dân tộc theo nghĩa cao cả nhất. Và vì sự nhân danh cao cả ấy mà núi xương sông máu trải dài dưới tượng đài chiến thắng, liệu ai có thể khoan hồng tha thứ cho nhau trên cái nền bi thảm kia? Nghĩ đến đấy, ông đến ngồi bên bà Ngọc Trân nói:

“Có lẽ sau khi Lãm vào đại học, chúng ta sắp xếp cho hai anh em chúng nó ở với cô Sáu ở ngã bảy, rồi chúng ta và con Thục về cao nguyên sinh sống. Tôi không chịu nổi không khí Sài Gòn nữa.”
“Ông định nói về Pleiku phải không?”

Ông Đình gật đầu trả lời:

“Pleiku bây giờ là nơi trú đóng bộ tư lệnh quân đoàn II. Chú ba trước kia làm việc trên ấy và bà con của chúng ta cũng sinh cơ lập nghiệp nơi này lâu rồi. Tôi có nguồn lợi cây gỗ ở Pleiku ba năm nay, và tôi chắc mình về Pleiku sẽ thoải mái hơn ở đây.”
“Con Thục học hành ra sao?”
“Nó sẽ vào trường công lập, không phải lo vì Pleiku ngày nay không thiếu thứ gì, bà không từng lên trên đó nhiều lần rồi sao?”

Bà Ngọc Trân gật đầu, ít chừng bà cũng không phản đối ý kiến của chồng. Pleiku khí hậu mát mẻ, mỗi lần lên trên ấy, chứng nhức nửa đầu của bà như biến mất. Bà nói:

“Để ra Giêng rồi tính. Tôi cũng thấy mình nên đổi không khí. Thủ đô bụi bặm, nóng nực không thích hợp với lứa tuổi chúng ta. Tuy vậy mình là người làm ăn, tính cho kỹ trước khi di chuyển về Pleiku. Tôi chỉ lo cho con Thục, phải thế nào cho nó học đến đại học để không phụ lòng chị Liên, bác Vân và anh Nghiêm.”

Ông Đình tính nói thêm với vợ thì chiếc radio phát tin tức nóng sốt, cộng quân tấn công Sài Gòn. Đã chiếm Hàng Xanh, Nhà Bè, xa cảng miền Tây, nhưng đã bị các lực lượng Nhảy Dù chận lại và từng bước đẩy lui địch quân ra ngoài thành phố. Âm mưu chiếm đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ của lực lương đặc công đã bị phá tan. Cộng quân sau khi rút lui để lại nhiều xác chết chung quanh tòa đại sứ Mỹ.

Trong lúc ông bà Ngọc Trân tính toán tương lai cho gia đình, Thục đang nằm trong giường cầu nguyện. Cô mong là cha cô vẫn còn trên đất Bắc, không vào Nam tham dự cuộc chiến tranh mà đối với cô, nó thật đáng ghét. Cô suy nghĩ, nếu cha cô có chỉ huy đánh vào Sài Gòn trong dịp tết, cô cầu nguyện cho cha cô không bị thương và không bị chết. Thế thôi, còn chuyện thắng thua cô không nghĩ đến. Sau đó Thục lại tự hỏi thầm bây giờ thực sự cha cô ở đâu, và cha cô hình dáng ra sao, vì cô chưa bao giờ được thấy cha cô ngoại trừ qua mô tả của mẹ nuôi, người từng gặp cha mẹ cô vài lần khi ba người còn hoạt động thời kỳ Việt Minh tại Huế.

Sáng mùng một Tết Mậu thân 1968, qua đài phát thanh mọi người mới biết cộng quân hầu như tấn công toàn diện các tỉnh miền Nam Việt Nam. Từ trên lầu, ba anh em Thục nhìn về phía Chợ Lớn, thấy những cột khói đen và máy bay trực thăng bay tới lui trên các khu vục giao tranh. Lệnh giới nghiêm ban hành luôn vào ban ngày. Tiếng súng lớn nhỏ nổ lác đác xa xa, thỉnh thoảng vài chiếc phản lực cơ gầm thét trên bầu trời Sài Gòn. Khu vực dinh Độc Lập và tòa đại sứ Mỹ được quân đội phong tỏa bảo vệ. Qua đài phát thanh, tin tức sơ khởi, cộng quân bị giết trên sáu mươi người. Không nghe tin thiệt hại của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Khi tin tức loan báo hơn trung đội đặc công bỏ xác trên đường Thống Nhất, bà Ngọc Trân nói với chồng:

“Hôm nọ anh Hoàng nói anh Nghiêm là đại tá bộ đội đặc công!”

Ông Đình không nói gì, ông không muốn tiết lộ cho vợ biết sở an ninh quân đội vùng ba đã phăng ra mối quan hệ của vợ chồng ông với Trần Nghiêm, đại tá chỉ huy lực lượng bộ đội đặc công cộng sản Bắc Việt. Hai tháng trước, ông được mời đến cục an ninh quân đội trên đường Nguyễn bỉnh Khiêm để tường tình mối quan hệ này. Ông từ chối, cả vợ chồng ông không hề biết Trần Nghiêm ở đâu, làm gì, từ khi đất nước chia đôi.

Những sĩ quan sở an ninh lịch sự với ông và đưa ông về nhà sau khi nhắn nhủ rằng, người cộng sản không bỏ qua bất kỳ quan hệ nào có lợi cho họ trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Nếu họ có cho người liên lạc, ông phải báo ngay cho lực lượng an ninh. Thái độ đàng hoàng của họ, ông Đình hiểu hoàn toàn nhờ người em thứ ba của mình, một sĩ quan cấp tướng đang làm tư lệnh phó quân đoàn III.

Ông Hoàng tháng trước ghé thăm và hôm nay chiến cuộc bùng nổ ngay trong thành phố. Ông Đình ngồi tổng hợp dữ kiện xảy ra, và nghĩ đám sĩ quan an ninh quân đội nói không sai, sẽ có ngày cộng sản cho người đến móc nối ông. Lúc ấy ông phải làm gì? Lòng ông không thích cả hai phía. Ông chỉ mong bình an. Đúng hơn, ông là kẻ cầu an, ông không muốn dấn thân vào thứ vũng lầy thời cuộc như thế này. Ông suy nghĩ nhiều đêm, vì ông là bạn của cả hai phe, một cách nào đó, bên nào cũng là bà con anh em của ông theo kiểu vợ ông nói. Nhưng có con đường nào khác để không phải dính vào đống sình này không? Và không phải mang tiếng phản bội. Âm vang chữ phản bội là đòn cân não của cả hai phía đối với ông.

Ông Đình phiền muộn nằm dài trên ghế salon. Bà Ngọc Trân đang xì sụp khấn vái tổ tiên, rằng dù chiến cuộc thế nào chăng nữa bà cũng không quên bày cỗ Tết để cúng ông bà.

Cúng xong hạ cỗ, cả nhà quây quần ăn uống. Tường, con trai lớn đang học y khoa nói, “Việt cộng chiếm trường y khoa rồi mẹ ạ, con nghe trên đài phát thanh.” Bà Ngọc Trân vừa cắt bánh chưng vừa trả lời:

“Chiến tranh mà chừa cái gì. Nếu xảy ra ngay khu này, chúng ta như thế nào? Con đừng lo, cộng sản sẽ bị đẩy vào rừng như trước kia.”

Bà nói nhưng trong lòng lại bảo: “Họ ở trong rừng bao năm nay, bây giờ vào tận thủ đô thì coi như ván bài muốn lật ngửa rồi!” Bà nhìn chồng. Ông Đình dường như cùng một cảm nhận với vợ, lắc đầu nói trống không:

“Làm ăn không ra làm sao cả!”

Thục đưa Lãm phần bánh chưng mẹ vừa chia, hỏi:

“Ba nói gì thế? Không biết trường Trưng Vương của con ở sở thú có an toàn không?”
“Con đừng lo, cứ theo dõi đài phát thanh sẽ biết mà.”

Ông Đình nói thêm:

“Cả nhà lưu ý, đang giới nghiêm và có lịnh thiết quân luật. Không được mở cửa dù bất kỳ ai gọi, nhất là vào ban đêm.”

Sau khi ăn xong, đám con lên lầu, ông Đình lại suy nghĩ về việc nếu có người gõ cửa thì thế nào đây, không may là Việt cộng thì phải làm gì? Ông lại lên balcon nhìn chung quanh khu vực ông ở. Nhà nào cũng đóng cửa cài then, con đường trước nhà vắng ngắt. Nhìn xa xa, vẫn còn những cột khói đen phía ngã Bảy và Chợ Lớn. Đúng lúc ấy một chiếc xe jeep chạy đến trước nhà ông dừng lại. Một người lính mặc đồ tác chiến xuống xe đến cổng bấm chuông. Ông nghe gọi:

“Chú Đình ơi mở cửa, Bảo đây chú.”

Ông mừng rỡ chạy xuống lầu ra mở cửa, đại úy Bảo là sĩ quan tùy viên của em ông, trung tướng Nguyễn Phúc Việt. Mở hai cửa cổng, chiếc jeep chạy hẳn vào sân. Trên xe còn ba người lính đội nón sắt mang súng bước xuống, vào ngồi trên hàng ghế trước hiên. Đại úy Bảo đi vào nhà nói:

“Trung tướng nhắn chú Đình yên tâm, khu vực chú ở an toàn. Nếu chú Đình cảm thấy lo sợ, trung tướng sẽ đưa xe đến rước cả nhà vào khu gia binh bộ tổng tham mưu ở tạm vài ngày. Khi chiến sự chấm dứt sẽ trở về nhà.” Ông Đình liền tự hỏi, nếu Tổng tham mưu bị tấn công, gia đình ông chạy đi đâu? Ông nói với đại úy Bảo, “Chúng tôi không cần đi, cậu nói lại với chú Việt, cám ơn và nếu cần chúng tôi sẽ gọi chú.” Ông Đình lấy bia cho bốn người uống. Sau khi uống xong, đại úy Bảo chúc tết và dặn dò những thủ tục an ninh cần thiết rồi lên xe ra về.

Ngay đêm hôm đó, cộng sản mở đợt tấn công lớn vào bộ tổng tham mưu. Sáng nghe tin, ông Đình nói với vợ, hú hồn! Ngày tiếp theo được tin cộng quân bị đẩy lui, thiệt hại gần đại đội. Vợ chồng ông Đình không vui, không buồn nhưng lòng chán nản. Thứ chán nản vì không bằng lòng cả hai phía và chính họ cũng không hiểu mình không bằng lòng điều gì?

Sáng mùng năm, tình hình an ninh trở lại bình thường. Hai anh trai đi lên trường Khoa học và Y khoa, trong khi cha mẹ đi thăm bà con, Thục ở nhà nằm trên lầu buồn bã, lúc nào cũng cầu mong cho cha ruột còn ở ngoài bắc.

Tháng ba 1968, vợ chồng bà Ngọc Trân, sau khi lo chỗ ăn ở cho hai con trai lớn xong, dọn về Pleiku sinh sống. Thục về trường công lập tỉnh học lớp đệ tam. Những khi rảnh rỗi Thục ra cửa hàng bán gỗ cách nhà ba khu phố phụ mẹ bán hàng. Pleiku là một thành phố lính. Đúng ra thị xã phát triển nhờ vào chiến tranh và cũng chính chiến tranh làm thành phố trở nên giàu có và nổi tiếng. Thục lúc này là một nữ sinh xinh đẹp, duyên dáng, có nhiều bạn trai hâm mộ nhưng cô bao giờ cũng lạnh lùng. Từ khi biết về bản thân mình, Thục ưu tư ít nói, thường suy nghĩ về số phận của chính mình và người cha ruột trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh ngày càng khốc liệt. Thục không có giải đáp về vấn đề không phải đơn giản cho một cô gái mới lớn như cô. Với cô lịch sử Việt Nam có những nan đề đến độ lắm khi cô thấy phi lý. Thí dụ người Việt có thể tự hào về việc chống ngoại xâm qua hằng bao thế kỷ, lại có thể tạo nên nhiều cuộc đổ máu giữa người Việt với nhau. Kiêu hãnh đủ biện minh cho sự xấu hổ đến thế sao? Tại sao cùng giống nòi không biết thương yêu bảo vệ lẫn nhau mà lại xâu xé vì những lý do đầy tính ngoại lai? Cô thường tự hỏi như thế.

Buổi sáng mùa đông Pleiku lạnh cắt da. Thục co ro đến trường, con đường dốc thoai thoải đầy bóng áo dài trắng và quần xanh áo trắng của đám học trò trường công lập Pleiku. Vài chiếc xe jeep của sĩ quan cao cấp chở con đến trường. Thục có lớp Pháp văn sáng nay. Vào lớp, cô ngơ ngẩn vì bao ý nghĩ trong đầu, khi thầy hỏi bài, cô lúng túng. Cô bạn học ngồi cạnh hỏi Thục có bệnh hay không? Cô lắc đầu. Đầu óc vẫn để đâu đâu.

Buổi trưa tan học, Thục xuống cửa hàng bán gỗ của mẹ. Bà Ngọc Trân ngạc nhiên thấy Thục không về nhà ăn cơm trưa bèn hỏi, Thục trả lời:

“Con không thấy khỏe, về nhà buồn nên xuống chơi với mẹ cho vui.”

Thục ra sau thay quần áo học sinh rồi lên tấm phản ngồi cạnh mẹ. Bà Ngọc Trân gọi gánh bún bò rong, mua một tô bún cho Thục. Cô bán bún còn trẻ, khuôn mặt khắc khổ, nói giọng Huế đặc. Bà Ngọc Trân nói với Thục:

“Chị Lâm người Huế nên nấu bún bò rất ngon, con ăn rồi đi ngủ, chiều phải lo học bài.”

Nhìn chị Lâm, Thục hỏi:

“Chị Lâm có gia đình chưa? Bán bún bò có đủ sống không chị?”
“Tôi có hai cháu, ba cháu là hạ sĩ quan Biệt Động Quân, tiền lương không đủ nên tôi phải làm thêm để có tiền cho cháu học hành. Nhờ gánh bún này cũng đỡ nhiều! Ba cháu đi hành quân liên miên nên tôi phải lo cho gia đình.”

Thục bùi ngùi nhìn chị Lâm. Cô không biết nói thế nào, chỉ lặng lẽ ăn bún. Sau khi ăn xong, chị Lâm gánh bún đi sang cửa hàng khác. Thục vừa uống nước vừa hỏi mẹ:

“Mẹ ơi, con không hiểu cha con khi xưa chọn miền Bắc là đúng hay sai?”

Bà Ngọc Trân giật mình, suy nghĩ và tự hỏi phải trả lời Thục thế nào bây giờ? Trong thâm tâm bà lúc nào cũng khâm phục Nghiêm, cha ruột của Thục. Không biết tương lai như thế nào, nhưng can đảm theo đuổi lý tưởng của mình như Nghiêm cũng đáng được kính trọng. Cả ông Đình chồng bà cũng thế. Không thấy mẹ trả lời, Thục hỏi tiếp:

“Sao ba và mẹ không đi ra Bắc mà lại vào Nam? Chú Việt lại làm trung tướng của Việt Nam Cộng Hòa, như thế cộng sản sai rồi? Cha con có lẽ chọn lựa không đúng, và bây giờ hai phe chiến tranh với nhau. Thật khó có thể gặp được cha và không biết chiến thắng rồi đây thuộc về bên nào?”

Thấy mẹ trầm ngâm mãi, Thục lại hỏi:

“Có phải người cộng sản tàn ác như trên báo chí, đài phát thanh nói hay không hở mẹ? Và tại sao không ai chấp nhận hai nước Việt Nam để khỏi phải chiến tranh?” Bà Ngọc Trân bấy giờ trả lời:

“Người Việt nào cũng muốn một nước Việt Nam thống nhất và đấy là một lý do của cuộc chiến tranh hôm nay.”
“Còn những lý do nào khác nữa không mẹ?”
“Điều này mẹ nghĩ con nên kiếm sách vở để tìm hiểu và có thể hỏi thầy dạy lịch sử của con ở trường. Mẹ thực không biết trả lời con như thế nào, có thể sau này con sẽ hiểu được.”

Thục thấy mẹ trả lời mông lung nửa vời, không giải thích được sự thắc mắc của mình, cô càng nghi ngờ cha mẹ dấu giếm sự thật và sự thật này liên hệ đến cả cuộc đời của mình. Thục hỏi mẹ:

“Mẹ nghĩ gì về người cộng sản?”

Bà Ngọc Trân nhìn Thục rồi chậm rãi trả lời:

“Trước kia bao giờ cha mẹ cũng dành một vị trí tốt đẹp cho người cộng sản, phía quốc gia cũng thế, vì tránh cho mình không công bình hoặc chủ quan. Điều này có cái logic của nó mà con suy luận sẽ thấy. Tuy nhiên sau tết Mậu Thân, đối với người Huế chúng ta, mồ chôn tập thể hơn ba nghìn thường dân Huế chết, chỉ vì người cộng sản kết tội có liên hệ đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa, là một vết thương lớn làm cho cha mẹ thực sự phải nhìn lại lập trường của mình, đồng thời tự hỏi phải chăng để chiến thắng, người cộng sản không từ một thủ đoạn nào, ngay cả việc làm phi nhân như thế? Liệu việc chém giết kiểu đó có là cuộc chiến huynh đệ hay không? Mẹ không muốn nói điều này với con, vì mẹ không muốn con có cái nhìn lệch lạc về cha ruột của mình. Mỗi khi nhớ đến cha ruột của con ngày xưa và cuộc chiến tranh hôm nay, mẹ có cảm giác không hề có sự liên hệ nào!”

“Con hiểu, vì con suy nghĩ phần nào giống mẹ, và bao giờ cũng an ủi theo cách nghĩ dễ dãi của mẹ. À, còn ba đi đâu mấy ngày hôm nay không thấy?”
“Ba con đi mua gỗ ở An Khê, đáng lẽ hôm nay về nhưng quốc lộ 19 bị đắp mô. Đang được giải tỏa, có thể ngày mai mới về được.”
“Việt cộng đắp mô hả mẹ?”
“Ừ!”

Lại chiến tranh, Thục nghĩ đến cộng sản mà lòng không an vui tí nào! Có lúc cô cho rằng cuộc chiến tranh này do cộng sản gây ra và cha ruột cô là nạn nhân! Nhưng lý luận này không ổn, Thục nghĩ phía sau cuộc đời mình có mảng bóng tối che mờ mịt số phận nên không giải đáp nổi bài toán. Thục cũng tin rằng có một ngày cô hiểu, và hy vọng khi hiểu Thục sẽ không thất vọng với tất cả những ràng buộc trong cuộc đời mình. Trong khi Thục đang rối rắm đầu óc vì những câu hỏi không có lời giải đáp, cha nuôi của cô, ông Đình cũng đang đối phó với một vấn đề gai góc không kém.

Khi chiếc xe Reo lấy gỗ của ông đưa lóng gỗ dầu cuối cùng lên xe thì ông cũng vừa nhận được yêu cầu của phe bên kia. Một người lính của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ trong rừng đi ra, đưa ông lá thư với nội dung có hai vấn đề mà ông phải thỏa mãn họ: Mỗi lần lấy gỗ trong rừng, ông phải đóng thuế cho mặt trận giải phóng số tiền tương đương ông đóng cho sở kiểm lâm địa phương, số tiền này dùng để mua thuốc tây mang vào trong rừng cho họ. Thuốc chỉ có hai loại: sốt rét và trụ sinh. Cuối thư, mặt trận không quên ơn ông và sẵn sàng tạo điều kiện tốt cho ông mỗi khi lấy gỗ trong rừng sâu. Điều quan trọng hơn cả là tên ông sẽ được ghi vào thành tích những người yêu nước, có công với cách mạng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Ông Đình nghe nhiều lần về việc này nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp. Vài lần mua gỗ trước, ông không lên rừng mà chỉ mua gỗ lại của người bạn quen. Họ tính giá cao nhưng không bao giờ nói sự thật vì không ai muốn rắc rối với cảnh sát hoặc an ninh quân đội. Bây giờ ông hiểu mình phải đóng thuế hai lần cho cả hai phe. Tiền bạc cuối cùng cũng không phải việc chính, vấn đề là mỗi lần vào rừng lấy gỗ, làm thế nào mang một số lượng lớn thuốc tây giao cho Việt cộng mà không ai biết hoặc nghi ngờ?

Thấy ông Đình tần ngần sau khi đọc xong lá thư, người lính bộ đội giải phóng đã vào rừng từ lâu, anh Tám, tài xế xe cần cẩu cười, bảo ông đốt lá thư, rồi nói:

“Ông đừng lo, việc này để tôi, tôi đã làm nhiều lần, chỉ có điều ông đừng nên có kẻ thù trên xứ Cao Châu gió lạnh mưa mùa này, vì họ có thể tố cáo ông, khiến cảnh sát hoặc an ninh quân đội có cớ xét xe, còn hiểu ngầm thì ai cũng biết. Bất cứ tài xế xe Reo đi lấy gỗ đều biết phải cất dấu thuốc tây chỗ nào, để có giao cho phe bên kia.”

Ông Đình yên tâm, hiểu luật bất thành văn của đám người “phá sơn lâm” này. Sau đó, chuyến xe chở gỗ ra khỏi rừng, chờ quốc lộ 19 được giải tỏa đắp mô. Hai ngày sau, xe gỗ về đến thành phố Pleiku.

Gỗ vào xưởng cưa xẻ thành phẩm, sau khi hoạch tính giá thành, một khối gỗ còn lời gấp mười lần. Ông Đình từ đó đầu tư sâu sát vào việc buôn bán gỗ. Ông dần dần tạo được chu trình khép kín từ lúc vào rừng lấy gỗ cho đến gỗ ra thành phẩm đều nằm trong tay ông. Ông làm chủ quy trình sản xuất và giàu mau chóng. Chuyện chính trị lúc này ông bỏ ngoài tai vì chính ông dính líu cả hai phe quốc gia và cộng sản. Nhắc đến gia đình ông Đình, ai cũng nhớ đến em ông, một vị tướng từng là tư lệnh quân đoàn. Còn đối với mặt trận giải phóng, đoàn xe cần cẩu tám chiếc của ông mỗi lần vào rừng đều cung cấp cho mặt trận giải phóng miền Nam số lượng thuốc tây tương đương một xe cam nhông nhỏ. Ông có công với cách mạng. Đám bộ đội giải phóng thỉnh thoảng gặp ông đều nói như thế. Khi về đến thành phố, nghĩ đến câu có công ông Đình rùng mình, ớn lạnh, nhưng nhớ đến em, ông yên tâm. “Phải theo dòng nước mà xuôi con thuyền chứ!” Ông tự biện hộ cho mình như thế.

*
Buổi trưa tháng Tám, Thục xuống cửa hàng của mẹ để được ăn tô bún bò chị Lâm bán, bà Ngọc Trân thở dài buồn bã nói với Thục:

“Chồng chị Lâm chết trong trận Dakto tháng rồi. Sau khi lãnh tiền tử tuất, chị Lâm đã đưa hai con về quê Đại Lộc rồi. Tội nghiệp chị ấy!”

Thục sững sờ, cô không ngờ việc ấy xảy ra cho chị Lâm nhanh như thế, dù tận đáy lòng cô thường hiển hiện hình ảnh chết chóc bi thảm do cuộc chiến gây ra. Báo chí, đài phát thanh và ngay cả trong những buổi đi học, cô vẫn thường nghe đọc các bản tin hay bài thơ ngâm, bản nhạc hát nói về cái chết, sự chia lìa bởi chiến tranh. Rồi những tiếng nổ của bom đạn chung quanh thủ phủ miền cao này ngày đêm, và đã có những người bạn học cùng lớp từ giã nhà trường và bạn bè tham gia cuộc chiến.

Nhà Thục gần chùa tỉnh hội, cô chứng kiến hằng ngày những buổi lễ cầu siêu cá nhân hoặc tập thể chết vì chiến cuộc. Những sự kiện ấy xoay vòng cuộc sống làm Thục dần dần dị ứng với chiến tranh, đồng thời cảm nhận cuộc đời mình cũng là một thứ nạn nhân của nó. Cha Thục bao giờ cũng là hình bóng canh cánh trong lòng cô. Đó là thứ nghịch lý vì bao giờ nghĩ về số phận mình, cô cũng thấy bơ vơ và vô vọng. Dù cha mẹ nuôi yêu thương, tâm hồn Thục dường bị lôi kéo bởi hai sức mạnh ngược chiều nhau về một sự thật. Đôi khi Thục còn cảm thấy tâm trạng cha mẹ nuôi không khác mình bao nhiêu. Họ không có ý kiến về một cuộc chiến tranh bởi vì chính họ không bằng lòng hay không xác định được mình đứng chỗ nào trong cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt ấy? Cuối cùng họ thỏa hiệp với cuộc chiến này vì không có chọn lựa nào khác và không phải mọi người trong thị xã sống được nhờ vào chiến tranh hay sao?

Ông Đình lái chiếc xe Peugeot 404 xuống cửa hàng gỗ để rước vợ đi ký một hợp đồng cung cấp gỗ cho một công ty xây dựng mới từ Sài Gòn ra thầu làm khu giải trí tại Trà Bá cho quân đoàn II. Thục thế mẹ bán hàng hai giờ đồng hồ rồi đóng cửa về. Hợp đồng trị giá gần 50 triệu đồng. Chính tướng Việt, em ông, đã viết giấy giới thiệu ông với công ty xây dựng Thịnh Đạt. Số tiền quá lớn nên cần cả hai vợ chồng ký.

Trong lúc uống trà chờ bà Ngọc Trân chuẩn bị giấy tờ, ông Đình nghe từ gian hàng bên cạnh có người lớn tiếng. Cửa hàng cạnh nhà ông bán vật liệu xây dựng, ông nghe rõ tiếng ông Ba Xuân, chủ cửa hàng quát:

“Cậu đi tìm người khác mà bán. Tôi không mua thứ hàng của cậu, ngay cả cậu cho tôi cũng không thèm! Toàn thứ vật liệu viện trợ quan trọng dùng để chống cộng sản. Làm thế nào mà thắng được cộng sản nếu chỉ moi móc, đục khoét tiền bạc viện trợ thế này?”
“Bác không mua thì thôi, đừng to tiếng như thế! Cháu đi đây.”

Ông Đình ló đầu ra cửa, thấy người lính đi về phía xe jeep, cạnh xe còn có hai người sĩ quan khác đang chờ dưới lề đường. Chiếc Jeep chạy đi, ông Đình bước sang, thấy ông Ba Xuân ngồi trên ghế tiếp khách, mặt bừng đỏ. Ông hỏi:

“Việc gì mà anh Ba tức giận như vậy?”
“Thì tụi công binh quân đoàn hỏi tôi có mua sắt, thép, kẽm gai, xi măng hay không, tụi nó bán giá rẻ mạt đấy mà!”
“Nó bán mình mua. Giá hời sao anh lại giận dữ?”
“Anh hiểu tôi, không bao giờ tôi mua đồ bất hợp pháp, nói trắng ra đồ ăn cắp. Ghê gớm hơn là đồ viện trợ. Người Mỹ giúp chúng ta đánh cộng sản. Bao nhiều tiền của đó, tụi nó ăn cắp bán lấy tiền bỏ túi thì thế nào mà thắng được Việt cộng? Rồi thằng Mỹ nó nghĩ sao về mình?”



Ông Đình nói giả lả:

“Lính tráng thiếu thốn, nó ăn cắp chút đỉnh lấy tiền chơi bời mà!”
“Anh biết chút đỉnh mà anh nói đó, là bao nhiêu không? Năm nghìn bao ciment, ba tấn cọc sắt, hai nghìn cuộn kẽm gai đấy. Thứ này để làm hàng rào phòng thủ, lô cốt chống pháo kích. Nó giao hàng lúc hai giờ sáng. Nghe qua tôi muốn rụng rời chân tay. Tình cảnh này tôi bi quan vô cùng, mình không mua nhưng không chắc người khác chê như tôi. Thấy rẻ, tham lam mua đồ ăn cắp là tự giết mình và tiếp tay cho cộng sản anh ạ!”

Ông Đình vừa lái xe chở vợ đi xuống công ty xây dựng vừa suy nghĩ những lời ông Ba Xuân vừa nói. Ông tự hỏi, phải chăng mình cũng tiếp tay cho cộng sản qua việc mua thuốc tây cho họ?! Những năm tháng ở Sài Gòn ông từng bi quan như ông Xuân bởi phe nhóm và tham nhũng từ thấp đến cao của đám lãnh đạo chính trị Sài Gòn. Không phải không có những nhân tố tích cực trong cuộc chiến với cộng sản, nhưng chỉ có tấm lòng chống cộng với cây súng trên tay, không đủ quyết định chiến thắng. Những kẻ nắm giềng mối đất nước một lòng một dạ như kẻ cầm súng thì làm gì có thể lung lay được thành trì miền Nam? Cái thế này còn hàm ý sự đồng tình ủng hộ của bạn bè năm châu bốn bể để tranh thủ chính nghĩa quốc gia. Cuộc chiến tranh mà lợi thế của phe quốc gia mất dần thì thế nào cũng đi đến thảm bại! Ông Đình lại cảm thấy mình phản bội người em đang mang cấp bậc trung tướng của mình. “Chú ấy chống cộng quyết liệt còn mình thì như ngựa giữa dòng…” nghĩ như thế rồi ông lại tự nhủ, thôi mình “cứ nương dòng nước mà xuôi con thuyền vậy!”

Khóa hai lần khóa cửa xong, Thục chuẩn bị ra về thì thấy ông Ba Xuân còn đứng trước cửa hàng nhìn đăm đăm phía chợ như suy nghĩ. Thục chào ông rồi hỏi:

“Bác hôm nay về trễ?”
“Ừ! Bác chờ bác gái.”

Thục nhớ ông quát nạt người lính một giờ đồng hồ trước, cô hỏi ông Ba Xuân:

“Thưa bác, liệu bác nghĩ chúng ta có thắng nổi cộng sản hay không?”
“Con làm gì mà hỏi như nhà báo vậy?”
“Thì con tò mò thôi, con nghĩ bác hình như hiểu người cộng sản lắm phải không?”
“Con hỏi làm gì?”

Ông Ba Xuân tò mò hỏi lại Thục, cô cười bảo:

“Tuổi con không hiểu cộng sản gì hết nên con thắc mắc, nhưng không ai giải thích cho con rõ ràng cả!”
“Phải rồi, không ai nói đúng sự thật, trừ những kẻ sinh ra và lớn lên từ khi manh nha cuộc chiến tranh này. Việc này không đơn giản mà phức tạp, rối rắm từ những ngày chống Pháp. Con có thể tự tìm hiểu qua sách vở may ra có chút khách quan.”
“Tại sao từ chống Pháp lại biến sang đánh lẫn nhau. Người Mỹ thật sự giúp chúng ta chống lại cộng sản hay không?”

Ông Ba Xuân trầm ngâm một chốc rồi nói:

“Thì cộng sản chống Pháp xong bây giờ chống Mỹ. Họ coi Mỹ như Pháp. Nhưng mấu chốt ở chỗ Mỹ nào phải là Pháp. Mỹ là đồng minh trong khi Pháp là thực dân. Chính bác có kể cho con biết cũng chưa chắc đúng sự thật khách quan lịch sử. Bác chỉ có thể nói về nỗi đau đớn, uất hận chủ quan của bác đối với người cộng sản. Bác thù ghét cộng sản vì bác có ân oán với họ. Còn con có khi lại khác.”
“Khác như thế nào hả bác?”
“Có những điều với người cộng sản thì đúng nhưng với chúng ta lại sai lầm.”

Thục nhớ ngay lời thầy dạy Pháp văn tuần rồi có nói, “Có những điều bên này rặng Pyrenée là chân lý nhưng bên kia lại sai lầm!” Cô hỏi tiếp:

“Nhưng nếu cộng sản thắng thì thế nào?”

Ông Ba Xuân thở dài nhìn Thục nói:

“Con có biết hiện tại con có rất nhiều thứ mà một khi cộng sản thắng, con sẽ không còn nữa.”
“Thí dụ như con sẽ mất cái gì?”
“Con sẽ mất tự do, con sẽ mất cái quyền thắc mắc mà con đang hỏi bác đây. Muốn sống với cộng sản, con phải có lý tưởng như họ. Trong xã hội cộng sản nếu không có thứ lý tưởng như họ, người dân chỉ là những bóng ma…”

Trước khi đi ra chợ đón vợ, ông Ba Xuân nói thêm với Thục:

“Một ngày kia con sẽ hiểu, và con chỉ hiểu đúng người cộng sản một khi con từng chết sống vì họ để rồi ghê sợ họ. Còn nếu bác có hiểu điều gì về họ để nói với con thì cũng bởi bác từng một thời là nạn nhân của họ!”

Ông Ba Xuân đi rồi mà Thục vẫn còn đứng thừ người trước cửa. Câu nói “Một ngày kia con sẽ hiểu” chấm dứt câu chuyện càng làm vấn đề bí hiểm hơn. Thục vừa đi vừa suy nghĩ vòng vo, cuối cùng cô kết luận: “Ta không muốn tin những điều trên báo chí, phim ảnh hay bài học hằng ngày mà thầy cô dạy là vì trong thâm tâm ta không muốn xem cha ruột ta như kẻ thù của mình. Ước vọng của ta là cha không sai khi lựa chọn cho mình một lý tưởng. Nhưng bên kia ước vọng, sự thật có thể khác, và điều ấy có phải là bi kịch của cuộc đời ta? Rủi ro mẹ mất sớm nên không ai có thể cho ta biết phải làm gì bây giờ với ước vọng thật mơ hồ của mình?” Thục lại nghĩ đến cha mẹ nuôi và cô kết luận, cha mẹ nuôi cô bây giờ tâm trạng cũng không khác chi cô!

*
Mùa xuân năm 1971 đến trong khi cuộc chiến tranh mỗi ngày mỗi tăng cường độ. Thục học lớp đệ nhị ban A vạn vật. Cô thích khoa học nhưng tình trạng tâm lý cá nhân làm đầu óc cô không được cân bằng để chú tâm vào việc học. Cô bị trầm cảm và mất ngủ thường xuyên. Mẹ cô hiểu và lo lắng, nhưng sau này vì bận rộn việc kinh doanh nên bà chỉ biết nói với Thục “con không học được thì hãy nghỉ dưỡng sức. Cố gắng học trong lúc tinh thần căng thẳng chỉ đưa đến bệnh tật. Năm này không học thì năm sau học, con gái đâu phải lo cầm súng. Cứ nghỉ ngơi nếu con thấy sức khỏe không khá và mẹ sẽ đưa con đi bác sĩ.”

Bà Ngọc Trân chỉ biết nói với Thục như thế, vì sản nghiệp của bà ngày hôm nay lớn dần qua việc buôn bán gỗ và các hợp đồng xây dựng ngon lành của quân đội mà người em chồng làm tướng mang đến. Bà không thường ở nhà mà phải đi các tỉnh cao nguyên để mở rộng việc kinh doanh.

Mùa hè năm 1971, sau khi đi Ban Mê Thuột về, hai tháng sau bà lại đưa Thục đi thăm cơ sở kinh doanh mới ở đó. Ban đầu Thục cũng nghĩ mình có dịp thay đổi không khí. Cô không ngờ nơi hai người đến là một xưởng xẻ gỗ sâu trong rừng phía Nam Ban Mê Thuột, tài xế phải lái xe từ quốc lộ 14 theo đường mòn mất gần hai giờ đồng hồ mới đến xưởng cưa tận rừng sâu. Hai người được người quản lý đưa vào một lán trại bằng ván sơ sài, có lẽ là nơi ở của những thợ cưa xẻ. Tuy nhiên không có người, cả xưởng cưa chỉ có người quản lý và tài xế. Bà Ngọc Trân giải thích với Thục, xưởng cưa mới mua chưa kịp tổ chức. Đám thợ cũ đã giải tán về thị xã, ít nhất hai tuần nữa mới tập họp lại làm việc với người chủ mới là ông Đình, và ông sẽ chuyển đoàn xe reo lấy gỗ ba chiếc về Ban Mê Thuột. Hai mẹ con phải ở trong một căn phòng thiếu tiện nghi. Trời lạnh và muỗi rừng nhiều. Buổi tối, lán trại sáng nhờ chạy chiếc máy điện nhỏ 200 kwatt.

Đêm ấy nằm trên giường, bà Ngọc Trân nói với Thục “Cha ruột con đã vào Nam và muốn gặp con! Mẹ hy vọng con có thể tiếp xúc với cha con ở đây.” Bà nói thêm, “Cha ruột con đã liên lạc nhiểu lần với mẹ, lần này chắc chắn có thể gặp được. Mẹ nhắc con điều này, cha con muốn đưa con ra Bắc để gia đình đoàn tụ, vậy con hãy suy nghĩ cho kỹ lưỡng trước khi quyết định, bởi cha con có nói với mẹ là tùy nơi con.”

Thục bất ngờ khi nghe mẹ nói như thế. Trước kia cô bao giờ cũng suy nghĩ về cha ruột và ước mong được gặp. Bây giờ sắp được đoàn tụ với cha, Thục vừa vui mừng lại vừa lo lắng. Niềm vui có thể tự nhiên nhưng nỗi lo có tính quyết định một vấn đề từ lâu canh cánh trong lòng cô. Tuy cô không rõ ràng mình lo sợ điều gì, nhưng cô mơ hồ hiểu cuộc đời mù mịt của mình sẽ sáng tỏ dần, và dường như định mệnh đó đi theo nỗi truân chuyên của đất nước. Vô hình chung, cô sinh ra và lớn lên theo chiều dài của cuộc chiến tương tàn huynh đệ. Trước kia, cô vẫn đồng ý với mẹ nuôi cô từng bảo: "Một cuộc chiến giữa những người anh em với nhau." Nhưng về sau, cô càng thấy nét hận thù dữ tợn không khoan nhượng nhau của hai phía, qua cường độ gia tăng các trận đánh cũng như số lượng người thương vong.

Hằng ngày, cô nhìn thấy bao thân nhân ruột thịt của các quân nhân tử trận khắp nơi đến Pleiku để nhận xác và lãnh tiền tử tuất. Chuỗi người ấy là cha mẹ già, vợ dại con thơ kiểu chị Lâm đầu chít khăn tang đứng trước trụ sở chung sự vụ, hay lang thang ở bến xe chợ mới, hầu tìm chỗ trọ trước khi trở về quê quán. Hình ảnh đau thương đó đủ mô tả cuộc chiến tranh phi lý của đám người cùng nòi giống, lịch sử, truyền thống kia. Cho đến bao giờ cuộc chiến dừng lại, hay chỉ có chiến thắng để một phía bị diệt vong, mới là câu trả lời duy nhất của một vấn đề?

“Bao giờ con có thể gặp được cha con? Liệu có an toàn khi gặp hay không?”
“Có thể vào ngày mai nhưng chưa biết lúc nào, tuy nhiên nơi này an toàn. Mẹ liên lạc với cha con rất thường. Hôm nay mẹ cũng cho con biết, mẹ và cha ruột của con là anh em con chú bác. Cha ruột con vai anh của mẹ, là con người bác thứ hai. Ông nội mẹ và ông nội cha ruột con là anh em. Mẹ là con gái người vợ lẻ của con trai duy nhất người anh. Đây là lý do mà phía bên nội con không ai biết mẹ trừ cha ruột con, nhờ những ngày học chung trường quốc học Huế. Mẹ rất khâm phục cha con từ thuở đi học, và càng kính trọng hơn khi cha con có lý tưởng đấu tranh cho độc lập nước nhà. Với mẹ, cha con không sai khi đeo đuổi lý tưởng của mình. Nhưng nếu vì lý tưởng mà gây nên cuộc chiến phi lý thì lý tưởng ấy chỉ là tham vọng đáng phải lên án.”
“Con không hiểu ý mẹ nói?”
“Nếu lý tưởng là độc lập tự do thì phải đấu tranh để có độc lập tự do. Còn nếu đã có độc lập tự do mà cứ phải bắn giết nhau thì phải chăng muốn đạt đến một tham vọng khác!”
“Chúng ta đang sống trên mảnh đất có độc lập tự do hay không?”
"Dĩ nhiên chúng ta đang độc lập tự do. Điều này là điều mẹ không giải thích được cho con hiểu lý do của một cuộc chiến tranh, vì chính mẹ cũng không hiểu nổi! Nhiều khi mẹ cho rằng miền Bắc muốn giải phóng miền Nam là bởi họ theo chủ nghĩa cộng sản. Họ muốn một nước Việt Nam cộng sản. Đó cũng là lý do mẹ cũng muốn gặp cha ruột của con để hỏi, hầu có câu trả lời thỏa đáng."
“Con không biết nói gì khi gặp cha con?”
“Con phải suy nghĩ. Mẹ biết cảm giác của một người chưa bao giờ thấy mặt cha mình sau khi sinh ra không phải đơn giản!”
Thục và mẹ cô đi vào giấc ngủ bằng những thắc mắc trong lòng của một vấn đề dường như không chỉ mang tính cá nhân mà còn là dấu hỏi chung của lịch sử.

Buổi sáng trời lạnh và sương mù dày đặc. Đến mười một giờ, chung quanh lán và xưởng cưa còn trắng xóa sương, cách xa hai mươi mét không rõ mặt nhau. Bà Ngọc Trân và Thục uống café, ăn bánh mì ngọt do người tài xế mua hôm trước ngoài thị xã. Hai người ngồi cạnh đống lửa đốt giữa lán. Những mẩu gỗ thừa tạo nên lò lửa than hồng hừng hực, tỏa ấm cả lán trại rộng mênh mông. Sau khi ăn sáng, người tài xế chở ông Bách, viên quản lý, vào bản làng người thượng gần đó mua thịt rừng để làm cơm. Bà Ngọc Trân và Thục ngồi sưởi vì bên ngoài trời quá lạnh.

Buổi cơm trưa lúc hai giờ chiều. Sương mù tản mác dần và ở đấy nếu không nhìn đồng hồ, không ai có thể nói chính xác thời gian. Năm giờ chiều, một chiếc xe lấy gỗ từ trong rừng ra ghé vào lán, một người đàn ông mặc bộ quần áo lính màu xanh nhảy xuống xe, đi thẳng vào lán, đưa cho bà Ngọc Trân một lá thư và nói, có thư của đồng chí Hai Thắng. Ông ấy có việc đột xuất nên không gặp được bà. Bà Ngọc Trân hỏi ngay:

“Bao giờ tôi mới có thể gặp được anh Thắng?”
“Tôi không biết, bà cứ đọc thư ngay đi.”

Bà Ngọc Trân mở thư ra đọc. Đọc xong đưa cho Thục đọc. Nội dung thư xin lỗi không gặp bà và con gái vì có công việc bất ngờ. Bức thư ngắn chỉ nói mơ hồ lý do không gặp và đoạn cuối viết vài chữ cho Thục: “Cha rất buồn không gặp được con và lúc nào cũng thương nhớ con. Chúng ta mấy mươi năm không gặp thì hôm nay có trễ thêm thời gian cũng không quan trọng lắm. Tuy vậy, cha sẽ cho con biết khi thuận tiện.”

Người đàn ông chờ đọc xong, bảo bà Ngọc Trân đốt lá thư. Chờ lá thư chỉ còn tàn tro, ông ta mới chào hai người và lên xe. Xe quay vào rừng và biến mất trong làn sương mù buổi chiều.

Nhìn khuôn mặt thất vọng của mẹ nuôi, Thục hỏi:

“Mẹ có biết khi nào cha con có thể gặp chúng ta?”

Bà Ngọc Trân lắc đầu nói nhỏ, "Ngày mai chúng ta về. Tình hình không nên ở lâu nơi này!" Đêm ấy, Thục ngủ ngon giấc, có lẽ vì đêm trước mất ngủ. Nhờ đống lửa đốt ngoài cửa làm phòng ngủ hai người ấm hơn. Buổi sáng uống vội ly café, bà Ngọc Trân và Thục lên xe để người tài xế chở ra thị xã Ban Mê Thuột. Xe chạy hơn một giờ đồng hồ, bà Ngọc Trân hỏi người tài xế:

“Lúc khuya nghe sấm sét hình như mưa to, sao sáng nay lại khô ráo và đường đầy bụi đỏ thế này?”

Anh tài xế cười nói:

“Máy bay dội bom ở xa chứ sấm sét gì. Hình như đang đánh lớn ở hạt Phước Tỉnh. Tôi nghe tiếng đại bác bắn cả giờ đồng hồ kìa!”

Bà Ngọc Trân suy nghĩ tự hỏi, không biết trận đánh có liên quan gì đến cuộc gặp của Hai Thắng với hai mẹ con bà, bà nghĩ mình khôn ngoan nên đi về thị xã hôm nay. Bà hỏi tiếp:

“Hạt Phước Tỉnh ở đâu?”
“Phía Nam xưởng cưa chừng ba mươi cây số hướng quận Đức Lập.”

Nghe tài xế nói, bà trầm ngâm. Thục ngủ gà ngủ gật bên cạnh. Chiếc xe Jeep lên dốc xuống đồi, cuối cùng mang hai mẹ con ra quốc lộ. Đường về thị xã êm hơn, Thục gục trên vai mẹ ngủ ngon lành, trong khi bà Ngọc Trân nghĩ mãi lý do Hai Thắng không gặp được hai người. Bà cho rằng có thể anh ta bị phục kích hay lực lượng bộ binh đang hành quân. Bà biết bộ tư lệnh sư đoàn 23 đóng ở Ban Mê Thuột, thế nên ít nhiều vùng trách nhiệm của sư đoàn mở rộng và thường xuyên có hành quân phối hợp. Bà thầm cầu mong cho Hai Thắng an toàn nếu thực sự có đụng độ giữa hai bên.

(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao