CHUYỆN KỂ VỀ CAO TÂN


 
 
 

Tại Cao Tân cứ mỗi chiều, có rất nhiều người mang ghế ra sân nhà ngồi nhìn trời đất. Làm như họ ngắm hoàng hôn và hít thở không khí trong lành sau một ngày làm việc nhọc mệt. Hôm nay bầu trời mùa hè xanh biếc, thăm thẳm, thỉnh thoảng một gợn mây trắng bay qua như nhắc nhở đấy là bầu trời, vì nếu nhìn mãi người ta lại có ý nghĩ khác về khoảng không cao xanh hình tròn như chiếc nồi đang úp chụp trên đầu họ kia là thứ gì khác hơn! Trời chiều ánh sáng nhợt nhạt dần cho đến khi mặt trời biến mất sau rặng núi Tây, người dân ở đây mới lục tục đi vào nhà. Hiếm khi thấy ai ra sân nhìn trời vào ban đêm. Không hiểu tại sao, nhưng nhìn trời vào buổi chiều ý nghĩa gì khiến họ lại lục tục kéo nhau ra sân khi chiều xuống? Trên khuôn mặt họ, ai nấy dường như dấu một nỗi buồn. Không biết buồn gì nhưng chắc chắn họ rất an phận. Vì không ai nói với ai lời nào dù là lời than vãn.

Thị xã Cao Tân rộng chỉ vỏn vẹn bốn cây số vuông. Đất đai chiếm một nửa diện tích nhà ở gồm đường xá, cầu cống, mương rãnh, ao hồ… nếu người dân làm nông, trồng trọt phải ra ngoài thị xã chừng hai cây số. Ở đây là chân núi và muốn có đất họ phải phát quang rừng chồi mới được. Xã Cao Tân hình thành không quá ba thập niên. Không biết người dân từ đâu đến Cao Tân lập nghiệp, nhưng ban đầu không nhiều. Người di cư đa số phía Đông, phía Bắc đến. Có lẽ không khá giả gì nên đến đây không ai có khuôn mặt tươi vui sinh khí. Thay vào đó những khuôn mặt nhàu nát, dàu dàu buồn bã chen lẫn nét trầm trọng khó nhìn ... Ngay cả đứa trẻ cũng không hề thấy chạy nhảy vui đùa, tinh ý thấy chúng nó luôn lẩn quẩn bên chân cha mẹ, ông bà làm như sợ đi lạc hay bị bắt cóc… Người lớn làm việc gì cũng nhìn trước nhìn sau như sợ ai đấy rình mò bắt gặp.

Nhìn vào vị trí địa lý, Cao Tân ở cực cao, đến năm nghìn mét so với mực nước biển. Tuy là vùng đất cao nhưng lại trũng sâu. Trũng sâu trên cao thế nên cái tên Cao Tân không phải không ý nghĩa. Từ trên máy bay nhìn Cao Tân thực giống cái gáo múc nước gác trên núi. Do đó lên đến cái gáo này để sống ai đó phải có lý do không kém tàn nhẫn, khắc nghiệt mới có thể đưa gia đình đến tận trời cao để gầy dựng một tương lai! Nhưng không người nào nói ra vì sao, và làm thế nào mà họ đến đây! Thế nên tên Cao Tân là mẫu số chung để diễn tả tâm trạng ước muốn những người đến đây sinh sống. Họ không ngoảnh nhìn sau lưng mà chỉ cắm cúi bươn chãi đi về phía trước. Tuy nhiên điều này hình như có gì không đúng vì nếu thực sự con người ta nhìn phía trước để cố gắng phấn đấu cho một tương lai, họ không mãi buồn, ít nói như thế kia dù nhiều gia đình đã đến mảnh đất này cắm dùi đến hơn mười năm. Nhưng trước sau cũng vẫn một khuôn mặt, một thái độ.

Lý do của một cuôc di cư thật ra không khó hiểu nếu cho rằng con người ta chỉ có thể phải di chuyển đến một nơi ở mới nếu họ không còn lý do gì để sống, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần trên mảnh đất mà họ đã từng sống. Lịch sử Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ cho biết điều đó nếu bất kỳ ai có để đọc được dòng chữ dưới chân bức tượng Nữ Thần Tự Do. Tuy nhiên lịch sử của xứ Cao Tân không giống điều chúng ta nghĩ. Sau khi đến Cao Tân lập nghiệp, người dân ở đây ngơ ngác về quá khứ. Đúng ra là chuyện trước kia, không ai nghĩ ra tại sao họ lại đến một nơi xa xôi dịu vợi thế này. Xóm Đông có hơn ba mươi gia đình đến trước tiên. Khi xóm Tây hình thành với hai mươi tám gia đình đến sau ba tháng, ông Khang xóm Tây đi xuống xóm Đông hỏi ông Ninh ngay từ hôm đầu tiên nhận được một bao 20kg khoai lang cứu trợ:

“Thế anh đến đây lúc nào, và quê anh trước kia ở đâu?”

Ông Ninh ngơ ngác sau đó đưa tay lau mồ hôi đang vã xuống trán. Ông lắc đầu:

“Tôi không biết tại sao, còn nhắc đến quê hương, tôi cũng không nhớ. Nhưng anh nhắc tôi chảy mồ hôi đây, thôi đừng hỏi làm gì!”

Ông Khang lúc này nhìn kỹ ông Ninh. Ông nhận ra người đứng trước mặt có nét giống mình không phải trên khuôn mặt, mà cả con người. Ông Khang loại suy ngay nếu ai đó có nét giống mình tất nhiên phía sau họ có ít nhiều liên hệ. Không cần biết liên hệ như thế nào, nhưng tự dưng ông Khang nghĩ mảnh đất ông và ông Ninh đang đứng giống như một thứ thuốc chữa bệnh có khả năng hồi phục những đau đớn mà quá khứ họ đã gánh chịu. Đấy là cái chung khiến họ tìm đủ mọi cách để đến đây, chắc chắn như thế. Ông Khang đến gần ông Ninh nhận thêm nét hoang đường trên đôi mắt của người đàn ông, và phảng phất có cả chân dung của chính ông trong đáy mắt ông ta. Ông Khang nhẹ nhàng hỏi:

“Anh Ninh bao nhiêu tuổi nhỉ?”

Tuy hỏi người đàn ông trước mắt, ông Khang lại nghĩ ông đang hỏi chính mình. Tuổi tác là điều làm ông Khang khủng hoảng nhiều nhất bây giờ. Hai tháng trước khi người chủ tịch xã hỏi tuổi ông. Ông trả lời “hai mươi sáu tuổi!” Thảng, chủ tịch xã trừng mắt nhìn ông:

“Anh đùa với tôi chắc? Anh phải sáu mươi hai, và con anh mới hai mươi sáu tuổi, nhớ lầm phải không?”

Ông Khang lắc đầu suy nghĩ vài giây rồi nói, “Có thể tôi quên, nhưng chắc chắn không thể sáu mươi hai tuổi được. Cha tôi chết năm ngoái sáu mươi tám tuổi kia mà! Tôi chỉ có đứa con ba tuổi.” Chủ tịch xã Thảng đứng dậy đến bên ông Khang ôn tồn hỏi, “Bộ anh không có giấy khai sinh hay sao?” Ông Khang lắc đầu. Trong trí óc hai chữ khai sinh sao dưng xa lạ thế kia? Thoạt nghe thấy quen, nhưng lại không cho chút ý niệm nào. Ông Khang quay lại nói với chủ tịch xã Thảng:

“Tôi không có giấy khai sinh, hình như tôi không có giấy tờ gì ngoài tờ giấy khai tử. Giấy khai sinh là gì nhỉ?”

Thảng trừng mắt hỏi ngay, “Thế quê anh ở đâu, và giấy khai tử liên hệ gì đến anh?” Ông Khang nhắm mắt như cố hồi tưởng rồi nói:

“Quê tôi xã Nhơn Thành tỉnh Phan Rí miền Trung, nơi này không có giấy khai sinh mà chỉ toàn khai tử. Tôi từng bị khai tử kia mà!”

Chủ tịch xã nhìn ông Khang tỏ vẻ vừa thất vọng vừa nghi ngờ. Thảng thất vọng vì người trước mặt anh tuy khuôn mặt bình thường nhưng có dấu hiệu bất bình thường khi giải thích. Điều đáng ngờ là ông ta nghi ngờ chính mình, vì phần lớn những kẻ ở trong xã đều không có giấy khai sinh, nhưng họ lại rất nhạy cảm với khai tử trong khi ý niệm khai sinh không hề rõ ràng, vì họ biết họ sống nhưng không có giấy tờ chứng minh họ sinh ra lúc nào, ở đâu trong khi nói về cái chết, hầu như ai cũng nói “đã từng chết!” rồi mô tả nơi diễn ra. Mỗi người kể mỗi khác, nhưng chỗ họ bảo từng chết lại không làm họ chết, nhưng nơi ấy có máu, có dao, có súng nổ, đạn bay và có tiếng kêu gào, la hét. Điểm kinh khủng hơn nữa, ai cũng đầu hoa râm hay bạc trắng, mặt nhăn nheo như cụ già qua tuổi sáu mươi nhưng tất cả đều khai chưa ai đến bốn mươi. Nhưng điểm tích cực trong lời khai là con của họ đều rất nhỏ hợp với lời khai của cha mẹ trong khi thực tế lại như chuyện đùa. Thảng lắc đầu xua tay, “Thôi anh về đi, ngày mai tôi sẽ cho người mang thực phẩm cứu trợ đến cho anh!” Tần ngần ông Khang chưa đi ngay, ông quay lại đến bên chủ tịch xã đang loay hoay viết nói, “Anh cho tôi khai sinh nơi đây luôn đi!” Trừng mắt chủ tịch xã Thảng nói:

“Anh thật khùng nặng rồi. Khai sinh cho đứa trẻ mới sinh chứ sao lại cho một người lớn như anh? Anh có thể khai mất giấy khai sinh để rồi làm thứ giấy mới như Thế Vì Khai Sinh chẳng hạn.”

“Đúng ý tôi mà tôi nghĩ mãi không ra. Nhưng với tôi chỗ này giống như nơi khai sinh tôi và gia đình thành ra tôi có ý nghĩ như thế.”

Lúc này chủ tịch xã Thảng hình như hiểu ý nghĩ trong đầu ông Khang nên cười nói:

“Điều này anh không khác mọi người ở đây. Hãy về nhà và tôi sẽ làm tất cả giấy thế vì khai sinh mới cho mọi người.”

Thảng lại nói thêm, “Thêm gia đình anh có nghĩa tôi khai đến bốn trăm hai mươi hai tờ Thế Vì Khai Sinh rồi đấy.” Đêm ấy đã khuya, ông Khang đến nhà chủ tịch xã Thảng cho biết, “Vợ tôi bảo tôi bốn mươi mốt tuổi. Và đến cho ông hay để ghi vào tờ Thế Vì Khai Sinh.”

Nghĩ đến vợ mình, ông Khang mới nhìn ông Ninh lúc này đang trồng mấy cây rau mồng tơi trước cái giậu tre mới làm trước nhà. Ông đến bên ông Ninh nói:

“Anh hỏi vợ đi. Chị nhà sẽ cho anh biết tuổi nếu anh quên. Anh cần ghi tuổi đúng sự thật cho tờ giấy Thế Vì Khai Sinh.”

Lúc này ông Ninh nhìn ông Khang từ đầu đến chân, khuôn mặt đau khổ. Ông lắc đầu trả lời, “Tôi rất khủng hoảng về việc có người hỏi tuổi của mình. Hỏi tuổi tôi có nghĩa tôi phải chịu một nỗi bất hạnh nào đó!” Ngạc nhiên nhưng ông Khang hiểu ngay sự ngạc nhiên của mình. Đây là cái chung của mọi người, lý lịch là một vấn đề. Sao mình nghĩ không ra nhỉ? Nhưng không ai muốn đề cập đến cơn ác mộng của mình cả!” Ông Khang nói với ông Ninh, “Xin lỗi anh, đáng lẽ tôi không nên hỏi anh như thế! Anh cứ làm việc đi, tôi về đây.” Nói xong ông Khang quày quả về nhà.

Ông Ninh nhớ hai lần được chính quyền hỏi tuổi. Lần thứ nhất hỏi tuổi xong ông phải rời gia đình đi đến bốn năm mới về. Ông đi đánh giặc. Lúc ấy ông mười sáu tuổi. Hai mươi tuổi ông trở về khai tuổi lần nữa để lấy vợ. Người ta bảo rằng lập gia đình đúng tuổi, con cái mới khỏe mạnh đất nước mới hùng cường. Lấy vợ xong ông Ninh lại ra mặt trận phía tây vì mặt trận phía đông đã yên tĩnh. Đánh nhau không kể ngày đêm, lúc vãn hồi hòa bình về nhà mới hay vợ con chết vì pháo kích. Ông Ninh cùng cha mẹ đi tìm nơi ở mới vì cả ba người không thể sống trong nhà cũ mà mỗi ngày đều có người đến hỏi thăm.

Đi chừng hai trăm mét, đến đúng nhà bà Tư Thảo ngay cây rơm trước nhà, ông Khang thấy một con gà mái đang xòe cánh chạy chung quanh đám gà con. Điểm lạ lùng hơn trong đám gà con lại có một đứa bé hai tuổi đang nằm phục xuống đất giữa đàn gà. Ông Khang nhìn lên trời thấy một con kên kên to đang sãi cánh chầm chậm lượn, xem chừng chờ cơ hội sà xuống bắt đàn gà con. Ông lui về lùm cây núp quan sát. Không tới hai phút, con diều hâu vụt xuống đất thì con gà mái nhảy bung lên cao vừa kêu vừa đá con diều bằng đôi chân móng vuốt của mình. Con diều vụt bay lên cao rồi lượn để chờ cơ hội mới. Con gà mái lại chạy chung quanh đàn gà con và đứa bé như để bảo vệ. Ông Khang bước đến gần đàn gà ngẩm nghĩ lạ lùng là gà bảo vệ cả cho con người vốn là chủ của nó. Con gà sao lại phải bảo vệ đứa trẻ, có phải điểu ngẫu nhiên vì đứa trẻ ở ngay giữa đàn gà. Con gà mẹ bảo vệ đàn con vô tình bảo vệ đứa trẻ chứ đứa trẻ sao có thể là mục tiêu của con diều hâu được. Ông Khang nhìn lên trời con diều hâu đã bay đi mất có lẽ do nhìn thấy ông. Đến gần hơn ông thấy đứa bé đang ngủ ngon lành trên tấm thảm rơm dù đàn gà con kêu ầm ĩ chung quanh nó. Ông Khang nhìn vào nhà, không thấy người nào cả, bước qua cổng nhìn ra sau vườn thấy bóng bà Tư đang lui cui cuốc đất. Ông Khang đi về nhà vừa đi vừa thắc mắc vì chính ông thấy con gà xòe cánh như che chở cho đứa bé, cuối cùng ông chỉ có câu giải đáp là đứa bé ngủ, từ trên cao con diều hâu cho là xác chết nên lao xuống tấn công. Điều này ông đã từng thấy có rất nhiều xác chết và rất nhiều diều hâu trên một dãi đất mà một thời ông gọi là quê hương.

*

Thảng là chủ tịch xã Cao Tân, vùng đất như cái gáo múc nước giữa trời. Thảng sống ở đây hai mươi năm, năm nay anh bốn mươi lăm tuổi, không vợ con. Cha anh là chủ tịch đời trước, khi cha anh mất dân số Cao Tân ba trăm người lớn và hai mươi bốn đứa bé mà đứa lớn nhất chưa qua mười hai. Đám người lớn họp lại để bầu chủ tịch mới. Không ai tình nguyện đứng ra gánh vác việc công, cuối cùng phải đề cử thì gần như tất cả mọi người có mặt hôm ấy chọn Thảng vì anh là con chủ tịch xã vừa mất cùng tất cả tư cách lẫn nhân phẩm không có thể chê trách được. Mẹ của Thảng đứng trong đám đông ấy cũng đưa tay bầu con mình. Buổi tối Thảng trách mẹ, “Sao mẹ lại có thể bầu cho con, con vốn không thích làm cái công việc không công này giống cha được!” Mẹ Thảng nhìn lên bàn thờ lẩm bẩm như đang nói với chồng mình vô hình trong nhà:

“Chúng ta từng một thời không có lý lịch, xuất xứ thì con cũng phải can đảm giúp những con người không gốc gác, lẫn nơi nương tựa là bổn phận. Phải không ông?”

Nói xong mẹ Thảng bỏ xuống nhà dưới, ra sau chái lên võng nằm nhìn khoảng trời xanh thinh lặng cho đến chạng vạng tối mới trở vào nhà. Thảng ngồi trên phản trầm ngâm suy nghĩ câu nói của mẹ và ôn lại một ngày làm việc của mình. Tất cả đều không có lý lịch. Nếu có lý lịch ắt phải bắt đầu tại xã Cao Tân và anh nhớ chiến tranh đã qua hơn ba mươi năm kia mà. Chiến tranh chấm dứt khi anh mười lăm tuổi. Nếu chiến tranh kéo dài thêm hai năm, Thảng chắc chắn phải tham dự vào cuộc chiến tranh ấy vì lệnh tổng động viên toàn quốc cho tất cả mọi nam công dân mười bảy tuổi trở lên. Nhưng Thảng lại nhớ mấy ngày trước ông Ninh lại nói hồi xưa quê ông phía Bắc, mười lăm tuổi đã phải lên đường tham gia cuộc chiến tranh. Ông còn bảo trong làng cũ của ông có những đứa trẻ mười hai tình nguyện ra mặt trận. Thảng hỏi lý do vì ai cũng sợ chết kia mà! Ông Ninh bảo, vì yêu nước nên không ai sợ chết. Nói xong ông im lặng rất lâu. Thảng muốn hỏi thêm nhưng nhìn khuôn mặt trầm trọng của ông nên không dám hỏi. Chợt ông lại nói thêm, “Nhưng không phải tất cả những người chết trên mặt trận đều yêu nước.”

Lúc này Thảng chợt nhận ra chữ yêu nước rất kỳ lạ và anh suy nghĩ không hiểu yêu nước là gì? Chữ này vừa lạ vừa quen, nhưng ý nghĩa anh tự dưng thấy mù tịt. Buổi tối, Thảng hỏi mẹ. Bà lão cười rồi khóc không trả lời chỉ lau nước mắt. Thảng hỏi mãi mẹ bấy giờ mới nói, “Yêu nước là cười khóc đấy mà!” Lúc này Thảng cho rằng không cần phải tìm hiểu yêu nước là gì vì tại đây đâu có cần đến nó! Tuy nhiên anh ngầm cho rằng chữ yêu nước bí ẩn ấy gắn liền với cuộc chiến tranh. Lại cuộc chiến tranh và những người ở Cao Tân này ai cũng từng trải qua chiến tranh. Theo cách họ kể, Thảng thấy hình như chỉ có một cuộc chiến tranh, nhưng mỗi người kể mỗi cách khác nhau.

Từ khi thay cha làm công việc chủ tịch xã Cao Tân, Thảng cứ theo cách thức của cha anh mà làm giấy tờ cho mọi người tuy không ai đòi hỏi từ trên xuống vì ở đây cấp xã cao nhất. Trên không có huyện, dưới không có ấp. Thế nên hầu như không có cấp hành chánh liên hệ. Không ai thắc mắc do không người nào muốn nói chuyện quá năm câu và không bao giờ nói chuyện người khác trừ bất đắc dĩ. Nhưng muốn có lý lịch ai cũng phải khai quá khứ của mình mà hình như người người ở đây không ai muốn nhắc đến. Mỗi khi có chuyện dính líu đến quá khứ làm như ai cũng hoảng kinh kiểu như trốn chạy, làm việc phạm pháp. Điều này Thảng đôi khi lo lắng, nhưng anh không muốn nghĩ xa hơn vì chính gia đình anh đã trôi dạt đến đây từ khi anh mười hai tuổi. Lúc bấy giờ Thảng bị điếc, không phải do bẩm sinh nhưng theo cha anh kể trong thời kỳ chiến tranh nhà anh cạnh một tiểu đoàn pháo binh 105 ly diện địa. Khi sinh anh chiến tranh leo thang. Và tiểu đoàn pháo binh 105 ly gần nhà suốt ngày đêm phải bắn yểm trợ cho những mặt trận gần đó hoặc pháo kích hay phản pháo kích kẻ địch. Đa số dọn nhà đi ra khỏi khu vực sấm động ấy trừ gia đình ông Trữ cha của Thảng. Ông có nguồn lợi vỏ dạn 105 vì ông có khả năng từ những vỏ đạn 105 làm ra được bình hoa, lư hương đủ kiểu. Nhà ông sống nhờ số vỏ đạn thải ra và kết quả gia đình ông ai cũng lãng tai hoặc điếc dù mỗi khi nghe tiếng pháo, ai ai cũng thủ sẳn trong tay hai mẫu bịt tai. Đến khi hết chiến tranh, gia đình ông Trữ có thêm khả năng nhìn cử động miệng của người đối diện biết họ muốn hay đang nói cái gì.

Nhưng chỉ đến khi cả nhà di cư về xã Cao Tân, thính giác ba người phục hồi dần. Cao Tân tự nó biểu hiện một vùng đất phản chiến tranh nhờ vào những người dân xuất thân là nạn nhân của cuộc chiến tranh. Nếu chiến tranh ồn ào, ầm ĩ vì súng đạn, bom mìn với la hét, khóc lóc, kêu gào thì Cao Tân là một khung cảnh chỉ có trong những phim câm hay trên tạp chí tranh ảnh mà thôi. Phải nói một vùng đất rất yên tĩnh. Yên tĩnh như nghĩa trang có thể nói như vậy. Dân Cao Tân, người lớn cũng như con nít không ai muốn nói chuyện trừ cần thiết. Thảng sau này nhận ra cái cần thiết nói chuyện ấy hầu như ai cũng miễn cưỡng vì khi nói, họ nói đủ cho người nghe hiểu, còn có một vài kẻ vừa nói vừa ra dấu. Thế thôi bởi không ai muốn nói lại lần thứ hai những gì thuộc về cuộc đời kinh khiếp đã qua của họ.

Một hôm Thảng gặp cụ Thái, một di dân cao tuổi nhất mà anh biết. Mái tóc để dài bạc phơ, khuôn mặt như một quả táo tầu phơi nhiều nắng, cụ Thái bảy mươi tám tuổi, mới đến Cao Tân hơn một năm. Ngày đầu tiên gặp chủ tịch xã, khác với số đông người trôi dạt đến đây, cụ Thái khai rất rõ ràng minh bạch:

“Tôi có gia đình, nhưng vợ mất đã lâu. Con cái trôi dạt không biết về đâu từ khi hết giặc. Tôi sống một mình hơn 16 năm. Rất kính Chúa, và thường cầu nguyện. Một tháng trước Chúa báo mộng cho hay tôi phải về Cao Tân mà sống. Tôi hỏi tại sao vì tôi đang sống yên ổn với nhà cửa, ruộng nương của mình mà? Chúa bảo Cao Tân là cái bục để lên thiên đàng. Hôm sau tôi suy nghĩ nhận ra Chúa chỉ cho tôi chỗ để trèo lên gặp Chúa. Tuy nhiên, không ai biết Cao Tân ở đâu. Mãi đến hai tuần lễ sau, một người quen cho biết Cao Tân là cái gáo múc nước của Chúa trên núi nhưng cái gáo này ở đâu không ai biết. Có nghĩa có người biết tên một vùng đất tên là Cao Tân, là nơi người ta có thể bước lên thiên đàng để uống nước trời vậy.”

Thảng nghe kể anh cười buồn. Ông Thái nói chuyện hết giặc chứ không hề đá động đến chữ hòa bình, đôi khi ông lại bảo “hết giặc nhưng không hết chiến tranh” ám chỉ hòa bình không có và kẻ gây ra chiến tranh là giặc. Nhưng ông rất thích chữ Thiên Đàng và hay nhắc đến như chính nó là mục đích sống của ông. Thật sự nếu ai hỏi Thảng, Cao Tân có thể giúp người ta lên thiên đàng chăng, anh sẽ gật đầu. Bởi tất cả công dân ở đây đều bảo họ yên tâm, thoải mái sống trong sự êm ả tĩnh lặng và có thể ngủ yên với vợ con, ông bà. Họ có cầu xin còn không được. Ông Trãi giải thích, “Tôi từng giàu có tội lỗi, phung phí xa xỉ đau thương tới mức đêm cũng như ngày bao giờ cũng bị ám ảnh ác mộng. Chỉ khi đến đây tôi thực sự cho rằng chúa cho chiếc cầu để leo lên nước Trời.” Khi hỏi khi nào ông mới đến được nước Trời, ông bảo:

“Vai còn mang tội lỗi, khi nào cất đi gánh nặng này sẽ bước vào thiên đàng dễ dàng. Không phải Chúa bảo người mang vác tội lỗi bước vào thiên đường khó như con lạc đà chui qua lỗ kim hay sao?”

Ông Trãi nhìn lên trời xanh trên đầu chắp hai tay cầu nguyện:

“Xin Người cho con làm cái bục, cái ghế, cái thang cho mọi người leo lên cầu nguyện. Con tội lỗi ngập đầu, vì làm ác mà cứ cho là làm việc thiện.”

Ông im lặng lòng nặng nề khi nghĩ đến quá khứ. Ông lại xua nó đi, ông đứng lên đi lùi như đang ở trong phòng sám hối của cha sở ngày nào. Đêm đó, Thảng không ngủ được. Anh trằn trọc mãi.

*

Tôi thực sự hiểu những người dân ở đây, trong đó có cả tôi. Những điều họ không hiểu, và hầu như ai cũng không hiểu việc từng dính líu và ngơ ngác nếu tôi hay ai đó nói điều gì đó có liên quan đến cuộc sống của họ, họ lắc đầu. Tuy nhiên sau đó họ suy nghĩ rồi gượng gạo gật đầu. Cái không quả quyết của họ biểu hiện họ không hiểu hết chuyện, nhưng họ chỉ phần nào hiểu hay không muốn hiểu. Tuy nhiên, tôi chắc chắn hỏi thêm điều này điều nọ, họ lại lắc đầu.

Người dân quê tôi sống thời gian giật lùi. Đấy là điều có thể giải thích thái độ sống của họ. Người sống giật lùi cho dẫu thời gian vẫn từng bước chầm chậm tiến lên, thì mỗi hành động của họ có ý thức đi nữa vẫn bị dữ kiện quá khứ ảnh hưởng trực tiếp kéo lùi, không cho họ chút yên ổn để sống bình thường theo ý nghĩa quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi một con người. Tôi nói lên điều này bởi vì tôi là một trong số những người họ. Tôi hằng ngày làm việc với họ, cũng như tôi khám phá ra thái độ sống giật lùi của họ khi tôi cảm thấy vô vọng. Thái độ vô vọng là thái độ mà con người chỉ biết yêu chính họ trên nhu cầu sống, hay tồn tại. Vì nếu họ yêu ai khác hơn họ, sự vô vọng biến mất. Nhưng họ không muốn mất sự vô vọng vì vô vọng là mặt trái của thực tế vun đắp gầy dựng lên từ một phá sản tinh thần. Tuy nhiên, ai cũng có gia đình, vợ con ông bà cháu nội ngoại nhưng họ sống giật lùi và căn cứ vào cái cũ mà sống. Thế nên ai ai cũng bảo họ không có giấy khai sinh mà chỉ có giấy khai tử.

Nếu thời gian định hình con người cái chết lúc nào ở đâu thì phải chăng những con người đang sống ở Cao Tân luôn sống với cái lúc họ tưởng đã chết. Thế nên một cách tổng quát ai cũng từng bị khai tử. Không tin hỏi bất kỳ kẻ trưởng thành nào ở đây, họ đều bảo từng chết. Cái chết thời quá khứ là thứ cột mốc thời gian xác định cho cái sống hiện tại của họ ở Cao Tân. Nó tạo dựng giá trị cuộc sống ở đây nhưng hình như nó cho bất kỳ ai từng cho rằng mình đã chết không được lựa chọn điều khác hơn. Tuy nhiên nó lại không cho ai sự phấn khích, tin tưởng vào tương lai mà chỉ làm cho họ tìm kiếm thứ hạnh phúc xưa cũ nào đó như thứ thuốc chữa bệnh cho cái ám ảnh không nguôi về một thời họ đã chết. Có kẻ nói với tôi, “Cái chết là điều chúng tôi không lựa chọn được! Nó không là hậu quả mà là biểu tượng tất yếu của cuộc chiến tranh không thứ gì thay thế được. Không có nó, không có chiến tranh. Không có nó không có định nghĩa chiến tranh. Anh biết không?”

Trước khi đến Cao Tân sinh sống, mọi người đều đã từng chết với giải thích “Chết là điều mà bất kỳ ai không thể không ám ảnh.” Những con người ở đây khi tôi hỏi tuổi, gia cảnh tôi thấy rất rõ từ đáy mắt của họ, ý niệm chết hiện lên rồi biến mất. Nhưng không vĩnh viễn, sau đó nếu tôi hỏi thêm về quá khứ của họ, ý niệm chết lại xuất hiện. Giống như một đóm lửa sáng rồi tắt như ma trơi.

Ông Trãi kể với tôi, “Tôi tê liệt, mọi giác quan đều mất hoàn toàn chức năng… Tôi ngồi nhìn thiên hạ trước mắt như trong cuộn phim câm!” Ông cho biết chỉ thấy nhưng không nghe. Tôi hỏi ông bị điếc chăng? Ông Trãi cho biết có nghe trong đầu nhưng hai lỗ tai lại điếc đặc. Tôi hỏi thêm, “Lý do gì?” Nhớ chuyện cũ, ông Trãi bảo “Đã hết giặc!” mẹ ông ta cho biết khi xem báo. Ông Trãi nói, “Mẹ đưa cho tôi tờ báo, tôi xem và tin rằng hòa bình đã vãn hồi. Em tôi bị thương còn nằm trong quân y viện thành phố, nó trong phe thua.” Ông Trãi bắt đầu kể và thái độ của ông khác với thường ngày. Ông trở về ký ức, sống với nó. Ông buồn vui, khóc kể. Ông không tê liệt như diễn tả. Ông đang đi giật lùi thời gian và đang sống với từng bước chân lui. Trước khi về nhà, ông nói với tôi rằng hằng đêm ông sống với cái lúc tê liệt chết người ấy. Thấy tôi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu, ông lại lắc đầu bảo, “Tôi tê liệt, các chức năng giác quan làm việc trái ngược.” Ông thí dụ, nhìn quả núi xa xa ông chỉ nghĩ đến trốn tránh trong núi. Trái núi cho ông hình ảnh che đậy, bảo vệ. Thấy cái cây, ông bảo trước tiên chỉ thấy người ta treo cổ trên cây. Thấy con suối, ông bảo chỉ thấy xác chết đuối. Trong đó có cha ông bị thương và chìm trong suối nước. “Khi người ta kéo đến cứu cha tôi, một quả súng cối lại rơi xuống cái khiêng chở cha tôi. Kết quả tất cả đều bị chết trong lòng suối. Suối máu.” Nói xong ông trầm ngâm rồi đứng lên đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài.

Khi tôi hỏi ông khả năng quên vì hình như với tôi quên có thể là liều tiên dược cho hầu hết những người đến sống tại Cao Tân. Ông Trãi trầm ngâm rồi bảo:

“Tôi từng nghĩ và nhiều người từng nghĩ rằng cái quên cứu rỗi họ thì chính họ lại không bao giờ quên. Lúc bấy giờ ý niệm cứu rỗi trở thành khái niệm khổ đau hạnh phúc. Kinh nghiệm khổ đau được cho là hạnh phúc vì họ không quên được một thời họ sống nhưng không khác chết và ước muốn được chết nhưng rồi họ không chết và đến đây hồi tưởng lại. Cuộc sống Cao Tân chính là điểm cao của một mức độ liên hệ thời gian tách biệt. Hoàn toàn khác với những nơi khác.”

Ông Trãi chính đang nói đến thái độ sống giật lùi thời gian ở đây và ông nói không sai. Chỉ có ở đây thời gian sống được nâng lên tách biệt. Quá khứ ở đây là nền tảng của một tương lai giật lùi do đó thực tại đang diễn ra là là thứ quá khứ kép vì chủ thể sống đang lập lại quá khứ trên nền thực tại với nhiều mức độ khác nhau. Tôi nhận ra những bế tắc đời sống, những thái độ kỳ quặc của người dân trong thị xã mà tôi làm chủ tịch hết sức dễ dàng và sẳn sàng giúp họ giải quyết từng bước, vì chính tôi đã trải qua thời gian khó khăn không khác họ khi di cư đến vùng đất trũng trên trời này. Năm năm đầu tiên tôi không ngớt suy nghĩ về một quãng quá khứ tại khoảng không gian lõm như chiếc ao to này. Tôi bơi trong ao và ước mơ ra biển. Từng đêm tôi nằm giữa sân nhìn trời cao luôn tưởng mình đang bơi ra biển rồi vuột thoát khỏi bóng tối đen đúa phía sau lưng sau khi chìm vào giấc ngủ.

Cuộc sống của tôi ngày ấy ở vùng đất mới này là sự đấu tranh sống còn giữa quá khứ u buồn chết chóc và hiện tại tĩnh lặng cứu chuộc ràng buộc. Tôi nói ràng buộc vì tôi nhận ra mình có bổn phận với cuộc đấu tranh đó. Tôi không muốn chết, nhưng cái chết đã từng cho tôi một bề dày trải nghiệm đau đớn. Dần dà tôi thấy vui hơn khi giúp đỡ ai đó bước ra khỏi cái bóng tối trĩu nặng áp bức mà tôi từng trải qua. Thời gian mà ai cũng bảo không lùi được thì tại Cao Tân nó thuần lý, trong khi tâm thức mọi người sống bằng bước lùi thời gian trước khi đặt nó vào tầng quan niệm thời gian tiến lên. Cái duy nhất mà tôi đấu tranh giúp đỡ mọi người tại Cao Tân là niềm vui và nụ cười. Tôi thiết tha với công việc nên tôi viết nhật ký để động viên mình. Mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi đọc lại nhật ký rồi viết tiếp sau đó mới có thể ngủ yên được. Chiều nay tôi vui vì nhận ra một nụ cười trên môi bà Tư Thảo với ruộng khoai được mùa, và ông Khang lần đầu nói với tôi, “Tôi yêu Cao Tân từ khi nhìn thấy cụ Thái chết với nụ cười. Cụ thực sự bước lên cái bục để leo vào nước Chúa.”

*

Một trận động đất đến chín độ rich te ba mươi tám năm trước đã di dời đi mất một ngọn núi, chôn vùi cái gáo, cái bục lên thiên đường Cao Tân và xóa sổ vĩnh viễn một vùng đất kỳ lạ ít người biết trên trái đất lắm chuyện này. Chuyện kể về Cao Tân do một kẻ may mắn thoát chết từ một trận lũ hai năm trước. Ông ta mắc kẹt vào một kẻ đá mà phía trong là một hang động. Khi đi luồn sâu tìm kiếm thức ăn trong hang, ông ta tìm thấy một chiếc thang gỗ, một chiếc bàn bằng đá, và một chiếc hộp kim loại chứa quyển nhật ký bìa da của Thảng, chủ tịch xã Cao Tân. Sau đó ông ta kể lại đời sống của những người tại Cao Tân từ quyển nhật ký mà ông đọc được, và tin rằng vùng đất này là nơi cư ngụ của một nhóm người, nạn nhân cuộc nội chiến nồi da xáo thịt từng có trong lịch sử của thế kỷ trước.

 
 

Lê Lạc Giao