Bút ký

DALLAS, HOUSTON - MỘT CHUYẾN ĐI

 
 
 

Khi tôi và Khiêm đến phi trường Dallas đã mười giờ rưỡi tối. Chuyến bay từ phi trường LAX đến phi trường Dallas DFW mất hai giờ năm mươi lăm phút. Không sai chút nào với thời khóa biểu in trên thẻ lên tàu. Khiêm vui vẻ xốc chiếc xắc tay nặng lên vai hăng hái bước đi về phía cổng 43 trong khi tôi ì ạch kéo lê chiếc va li cùng cái laptop theo sau. Tôi tự hỏi không biết bên ngoài trời có nóng 91 độ F như dự báo thời tiết cho biết sáng hôm nay hay không?

Ra khỏi hành lang phi trường không khí hơi nóng nhưng gió mạnh nên dễ chịu. Đêm Dallas không khác Orange county, vẫn những thành phố Mỹ, đèn điện và sinh hoạt nối tiếp không ngơi nghỉ. Hiền và cô con gái đón chúng tôi ngay sau khi được tôi thông báo chỗ đứng của mình tại phi trường trên điện thoại cầm tay. Lên xe, chúng tôi nói chuyện không ngừng. Hàn huyên của những người bạn thân trên bốn mươi năm gặp lại nhau. Hiền vẫn gầy ốm, giọng nói miền trung không mảy may nhẹ bớt dù đã sống trên xứ người gần hai thập niên. Tôi chợt nhớ câu “tha hương ngộ cố tri” lòng dưng ngậm ngùi. Khiêm vừa trả lời Hiền vừa châm biếm, cô con gái Hiền đang học đại học năm thứ ba thỉnh thoảng nói xen lẫn vài chữ tiếng Anh vì không biết diễn tả ra sao bằng tiếng Việt. Tôi nghe Khiêm và Hiền nói chuyện vừa quan sát hai bên đường. Đất Dallas còn rộng lắm vì xe chúng tôi chạy mãi qua những rừng cây, khoảng trống không nhà cửa dưới ánh sáng lờ mờ của các trụ điện dọc đường. Dallas trong tôi vẫn âm hưởng thành phố cao-bồi lẫn cái chua chát cay đắng nơi một tổng thống bị giết bởi một tay bắn tỉa. Cuối cùng vụ án vẫn chưa kết thúc! Hiền chợt quay ra sau hỏi tôi, “mày có đói bụng không? Ráng chút nữa về nhà ăn!” Hiền nghĩ tôi im lặng vì đói, tức cười tôi nói, “tao không đói nhưng tao thật vui với một chuyến đi Dallas bằng máy bay không định trước…” Thực như thế, chúng tôi dự tính đi bằng xe hơi với Vĩnh Thi, một người bạn thích du lịch nhưng giờ chót hủy bỏ vì anh ta phải đón vợ từ Việt nam sang sớm hơn dự tính. Tôi chuyển sang đi máy bay và không hi vọng Khiêm cùng đi vì Khiêm thường kể mình không thích đi máy bay chút nào cả!

Con đường thu hẹp chỉ còn một lane vì đang xây dựng lại nên xe chạy chậm như đi trên con lộ miền quê Việt Nam và cuối cùng cũng đến nhà Hiền. Trời tối nhưng qua ánh đèn trước nhà tôi cũng thấy được mặt tiền nhà xây kiên cố. Dallas không có động đất như California và tôi chợt nhớ trận tornado hiếm hoi vừa qua tại đây với chiếc xe tải hai mươi bánh bị cơn lốc kéo lên trời như chiếc hộp giấy con. Hiền nói cơn lốc xa lắm rồi giới thiệu Arlington nằm cạnh Fort Worth và Dallas nên đi đâu cũng dễ dàng, tuy nhiên Arlington cũng không thiếu thứ gì mà Dallas có cho dân Việt. Chúng tôi vào nhà, chị Thu vợ Hiền dưới bếp lên chào. Chị đang nấu cháo, phở và gỏi gà cho chúng tôi kịp về ăn. Dễ chừng hơn ba mươi năm tôi mới gặp lại chị. Ngày xưa chị ốm, gầy yếu bây giờ lại đẫy đà to con. Hiền tuy có nói trước nhưng tôi thật ngạc nhiên và tự bảo nếu gặp ngoài đường chắc chắn không nhận ra chị. Tôi và Khiêm tắm rửa sơ, thay quần áo ngắn rồi theo Hiền đi ra sau vườn. Trong nhà do máy lạnh chạy thường trực nên mát mẻ, ngoài vườn lúc này gần 12 giờ khuya trời mát hơn nhưng vẫn mang âm hưởng oi bức của vùng đất nhiệt đới. Tôi ngã lưng vào chiếc ghế sa lon ngoài vườn thở phào nhẹ nhõm rồi nói với Hiền, “tao lúc này mới thấy đói!” Khiêm phụ họa với tôi và phụ mang chén bát ra sân. Ánh đèn vàng buồn bã soi một góc vườn, chiếu lên giàn nho lấp loáng những chùm nho nhỏ trái và hắt xuống đất các hình thù mơ hồ gợi nhớ một quá khứ xa xăm nào đó. Hiền khệ nệ đặt lên bàn hai chai rượu vang đỏ, ba chiếc ly rồi vào nhà. Nhìn theo chiếc bóng gầy ốm của nó bao giờ tôi cũng thấy phản ánh một sự chịu đựng vững chãi với thời gian. Chúng tôi là những người bạn bốn mươi năm. Lăn lộn trong dòng đời và cũng là dòng lịch sử; chúng tôi là chứng nhân vừa là nạn nhân và nói theo Hiền “lịch sử đến đâu chúng ta đến đó.” “Chúng ta khóc cười theo vận nước nổi trôi..." Hiền quả quyết và kết luận: “chúng ta mang phong vận lịch sử mà … vinh hạnh thay cho những người mang phong vận lịch sử!” Khi hỏi phong vận lịch sử là gì, Hiền bảo “mày tìm cụ Nguyễn Du mà hỏi” *

Tôi khui chai rượu rót ra ba cái ly. Chúng tôi nâng ly chúc mừng nhau. Hiền đặt ly xuống khà một tiếng rồi nói, càng lớn tuổi uống rượu càng có âm thanh. Tôi và Khiêm cười bắt đầu ăn cháo với gỏi gà vừa nói chuyện. Bao câu chuyện dài không bao giờ dứt về bạn bè của mình, những người tuy không có mặt trong các buổi hội ngộ nhưng dường như bàng bạc trong lòng mọi người. Những chiếc bóng ấy âm vang trong các bài thơ, bài văn, bản nhạc của nhau và theo dòng thời gian làm nên những kỷ niệm không bao giờ quên. Chúng tôi cũng bùi ngùi nhắc đến những người bạn đã vĩnh viễn ra đi như Khôi, Hiển, Phước…bao khoảng trống sừng sững trong lòng mình! Chai rượu thứ hai vừa cạn tôi nhìn đồng hồ đúng bốn giờ sáng Dallas. Ba đừa chúng tôi chuếnh choáng vào nhà ngủ sau khi nhắc nhở với nhau có cuộc hẹn với Cung nhật Thành trưa thứ bảy.

Tuy vào giường rất muộn nhưng tôi vẫn trằn trọc không ngủ ngay được trong khi Khiêm ngáy dòn dã bên cạnh. Tôi lấy ipod ra nghe nhạc. Những bản nhạc Jazz giúp tôi chìm vào giấc ngủ và khi thức giấc đã tám giờ sáng. Tôi chỉ ngủ có bốn giờ, nhìn đồng hồ đúng sáu giờ sáng California, Khiêm vẫn còn ngủ vùi. Ngồi dậy tôi đi đánh răng rửa mặt và tắm sáng. Không cảm thấy mỏi mệt chút nào, tôi tự nhủ có lẽ trời nóng đã làm cho rượu thoát theo mồ hôi hay sao? Hiền vẫn còn ngủ chỉ có chị Thu đang nấu bếp. Chị phải chuẩn bị thức ăn cho cả nhà trước khi đi làm. Mang cho tôi ly café chị chỉ cho tôi nồi phở đang sôi sùng sục trên bếp bảo, “các anh phải ăn phở gà tôi nấu đừng có ra đường ăn tốn tiền, tôi nấu không thua hàng quán đâu!” Tôi cười cám ơn chị rồi bưng ly café đi ra sau vườn.

Vừa uống café tôi vừa quan sát mãnh vườn sau nhà. Xơ xác với giàn nho lơ thơ vài chùm như nho dại. Đất vườn lồi lõm dấu chân chỉ có dọc bờ tường hông nhà hai rãnh rau thơm xanh tốt. Đến gần nhìn nào là húng lủi, húng quế, dấp cá, tía tô, vài dây bí, bầu xanh và ngay cửa sau ra vào hai cây bồ ngót xanh tốt. Lúc quay trở lại chổ ngồi tôi mới để ý cái sàn nhà phía tay phải có mái ở trên và nhớ Hiền nói hồi tối là sân khấu. Hiền làm sân khấu cho những buổi họp mặt văn nghệ tài tử của đám bạn bè Dallas. Hiền đi đến đâu đình đám đến đấy. Nhớ Khiêm hồi tối chỉ cái sân khấu vườn cười nói với Hiền “ông thật đủ mùi phong vận”!

Tôi lấy phone ra gọi cho Vinh và sau đó hẹn sẽ lên thăm vào chiều chủ nhật. Tôi đồng ý sau khi Vinh đề nghị ăn tối và ngủ lại nhà. Hiền và Khiêm đã dậy mang café ra sân cùng uống với tôi. Khiêm than ngủ không đẫy giấc, Hiền cười nói đùa, chỉ thiếu vợ ru ngủ phải không? Tôi nhắc với Hiền cuộc hẹn với Vinh ngày mai. Hiền mong có cuộc gặp mặt đủ bốn người Thành, Vinh và chúng tôi. Tôi nhắc bài thơ Hiền ngâm hồi tối trước khi đi ngủ, Hiền bảo, quên mất rồi. Chúng tôi cười và nhắc bài thơ bốn mươi năm trước tại câu lạc bộ Phấn Thông Vàng trên đường Nguyễn Thông của Dũng. Bài “Sinh Nhật” đánh dấu tuổi trẻ, tình yêu lẫn mơ ước đầu đời. Chúng tôi xuống bếp ăn mỗi người tô phở. Khiêm bảo, phở không kém tiệm. Hiền nhăn mặt nói, mày đừng nịnh! Chúng tôi lại ra sân. Hiền mang đàn ghi ta ra hát. Bài hát của Trần quang Lộc. Hết bài Khiêm lấy đàn tự đệm hát một bài khác, “Mộ Trăng”. Bản nhạc sáng mùa đông năm rồi Lộc hát tại nhà tôi. Tôi nói, tao thích nhạc thời trẻ tuổi của Lộc. Trong lúc Khiêm hát, Hiền vào nhà tìm rượu. Không còn chai nào, tôi nói với Hiền chúng ta đi chợ mua rượu.

Hiền vừa lái xe vừa giải thích những nơi chốn chúng tôi đi qua. Khi đến Costco tôi lựa mua một thùng bia và bốn chai rượu vang đỏ. Đến nhà khui một chai. Uống với nhau vừa hết chai rượu chúng tôi đi nằm vì có lẽ ai cũng ngủ không đủ giấc ban tối.

Thức dậy đã bốn giờ chiều. Ngồi ở salon, trong khi chúng tôi bàn tính chương trình buổi chiều thì Thành đến. Ít ra đã ba năm tôi mới gặp lại Thành ngoài ra chỉ liên lạc trên email. Những lần Thành sang Nam California đều vội vã. Gặp nhau uống ly café rồi sau đó chia tay. Khuôn mặt Thành già hơn tuổi nhưng đường bệ có lẽ do tác phong nghề nghiệp chăng? Chúng tôi mừng nhau, Thành bảo, “tối nay tất cả lên nhà tao ngủ.” Hiền đồng ý và chúng tôi đi ăn cơm chiều. Bốn người đến một nhà hàng trong khu buôn bán người Á châu. Hầu hết các tiệm buôn bán ở đây tùy theo gốc gác của người chủ mà trên bảng hiệu có ba thứ tiếng, Anh, Việt và Hoa. Chúng tôi vào một nhà hàng Tàu nhưng một đám cưới đang chuẩn bị nên dời sang một tiệm ăn VN cạnh đó. Thành gọi món bún bò chay rồi nói với chúng tôi, các bạn lựa món nào thích thì gọi. Khiêm đặt chai rượu vang đỏ Úc lên bàn và người bồi mang đến bốn cái ly tiếp theo giúp mở chai rượu. Chúng tôi cụng ly chúc mừng nhau sức khỏe. Trong khi chờ thức ăn Thành nói sẽ đưa tôi và Khiêm đi tham quan downtown Dallas vào ngày mai và buổi chiều sẽ trả Khiêm về cho Hiền riêng tôi sẽ được đưa đến nhà Vinh vì Thành và Vinh ở cùng một thành phố.

Thành hoạt động cho cộng đồng Viêt nam tại Dallas nên đi đâu cũng có người chào hỏi. Nó tận tụy công việc cho đồng hương khác hẳn một Thành văn nghệ trước kia. Nhìn tổng quát Hiền và Thành ở đây, thấy rõ dù mỗi cuộc đời luân lạc như chiếc lá trên dòng sông vẫn cố gắng trôi về một hướng. Có lẽ tôi, Khiêm hay bất kỳ người Việt lưu vong nào cũng thế, hướng đi hội nhập thiết yếu của một xã hội văn minh. Khi chúng tôi rót rượu lần hai hàn huyên vẫn tiếp tục về những người bạn thân ở Orange county, San Jose, Canada, Đức, Úc và Việt nam. Cái lẫu đồ biễn đã sôi và chúng tôi bắt đầu ăn. Thành vừa ăn vừa nhắc đến những ngày quân trường Thủ Đức trong năm tổng động viên 1972. Nhân vật được Thành nhắc nhiều lần là Cường con. Nghe đến tên một người bạn xa xôi có lẽ ai cũng trở về những hồi ức thân thiết xưa cũ. Đám bạn thân ngày xưa ngoài những người ở Việt nam, đa số sống tại Hoa Kỳ, Úc hoặc Canada trừ một mình Cường con lại lạc loài đến Hamburg, Đức quốc. Thế nên ít ra trong một thập niên xen kẻ người này gặp được người kia do những dịp hội ngộ ngắn ngủi, vội vã nhưng Cường con hình như chưa gặp lại ai từ năm nó vượt biên ra đi 1981.

Cường lưu ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn bè vì nhiệt tình trong cư xử và quả cảm trong cuộc sống. Sau ngày 30-4-1975, là sĩ quan biệt động quân nó trình diện cải tạo rồi sau đó trốn trại. Trở về Sài gòn Cường cùng đám bạn cũ tổ chức vượt biên. Cuối cùng nó cũng đến được Đức và định cư ở đấy cho đến hôm nay. “Hơn ba mươi năm trôi qua mà tao dường như mới ngày nào còn trong đại đội 52 quân trường Thủ Đức. Phải chi chúng ta có thể đi thăm Cường con!” Thành bùi ngùi nói như than. Nghe Thành, tôi tưởng dường như nổi khó khăn khi đi thăm tù những năm còn cải tạo ngoài miền Bắc Việt nam thế nên tôi đề nghị ngược lại, “Cường con đi thăm chúng ta” sau khi nói với bạn bè cú điện thoại mới đây Cường gọi cho tôi. Tôi có gợi ý cho nó tháng 9 này sang Mỹ để làm một chuyến hội ngộ vì Tuệ, Tân có việc đến Orange county đầu tháng 9 năm nay và nó đã hứa sẽ bàn với vợ và cho biết kết quả sau. Mọi người nhất trí ý kiến ấy sau đó Thành còn quả quyết, “nếu cần chúng ta mua vé máy bay bắt nó sang. “ Tiếp theo Thành và mọi người giao công việc ấy cho tôi, cũng vì Cường con là bạn của tôi thuở còn trung học trước khi đến với nhóm Nghiên cứu Triết học đại học Văn khoa Sài gòn.

Tuần rượu thứ tư đã gần cạn chai rượu một lít rưỡi. Chỉ có tôi, Khiêm và Hiền uống chứ Thành vỏn vẹn một ly vì nó phải lái xe. Có lẽ trời Dallas nóng quá nên uống rượu không say, tôi bảo với Hiền thì Khiêm cho rằng tôi mập hơn hai người nên uống nhiều hơn. Chúng tôi cười ra xe về nhà Thành. Đường khá xa, mất hơn nữa giờ chúng tôi mới đến một khu vực khá yên tĩnh với những mái nhà thấp thoáng trong lùm cây xanh. Plano là một thành phố mới. Thành bảo còn nhiều trại nuôi ngựa phía xa xa. Ngày mới về đây, buổi sáng lái xe vừa nhìn ngựa chạy trong trại. Ngày nay người ta đã di chuyển các trại nuôi ngựa ra xa hơn, và Plano đã trở thành một trong những thành phố sạch sẽ an toàn và giàu có nhất của Hoa Kỳ. Nhà cửa ở đây như các lâu đài nếu so sánh với nhà cửa ở Nam California. Kiến trúc đa phần kiểu Neo-Victorian, nghĩa là nhìn vào vừa thấy cổ điển vừa tân thời. Những vòm cong và mái nhọn hai đầu nhà kiểu xưa nhưng cửa chính và cửa sổ lắp đặt hết sức hiện đại.

Chúng tôi vào nhà Thành đã hơn bảy giờ rưỡi tối. Tuy nhiên vì mùa hè nên trời còn sáng bên ngoài. Chị Thành chào chúng tôi rồi giới thiệu hai cô con gái xinh đẹp. Cô chị là dược sĩ đang đi làm trong khi cô em út còn đang học đại học ngành truyền thông năm thứ ba ở Austin và vừa là hoa hậu của vùng Dallas. Sau khi Thành đưa chúng tôi lên lầu cất túi xách hành lý, chúng tôi tụ tập về phòng khách nơi làm việc của Thành. Khiêm không quên mang chai rượu vang theo và rót ra bốn chiếc ly con. Trong ánh sáng đèn vàng ấm áp, tôi thấy cây đàn ghi ta cô đơn trên bục giữa phòng. Chúng tôi nhấm nháp ly rượu vang đỏ còn sót lại rồi Thành mang đàn ra ngồi một góc và bắt đầu hát. Bài “Mùa thu cho em” của Ngô thụy Miên được Thành soạn lại hòa âm cho song ca. Khiêm và Thành cùng hát. Hiền và tôi yên lặng lắng nghe. Giọng hát bè của hai người đưa chúng tôi trở lại vùng bình yên tuổi trẻ xa xưa. Nhìn từng khuôn mặt bạn bè trong ánh đèn vàng mờ ảo tôi như thấy lại cả một đời người. Trên từng khuôn mặt già nua khắc khổ của Thành, Khiêm và Hiền mà mỗi nếp nhăn như in đậm từng nỗi ưu tư khắc khoải hay mái tóc bạc trắng hoặc điểm sương của chúng tôi là bao ghềnh thác, mưa lũ một thời. Khi chấm dứt bài hát, tôi nghe Hiền khen “hay quá, hay quá” và yêu cầu hát tiếp. Lúc này tôi nhớ bài hát “còn nắng trên đồi” năm 1970 mà chúng tôi hợp ca trong đêm văn nghệ quân sự học đường cũng do Thành soạn hòa âm và Trần Chúc tập hát. Hòa âm Thành viết để hát bè làm bài hát sâu lắng và buồn hơn. Điểm này cũng là điểm đặc biệt của Thành mà ít ai biết được. Thành bảo suốt thời gian làm việc ở đây có viết lại hòa âm rất nhiều bài nhạc cũ và Thành hi vọng sẽ hát trong đêm hội ngộ lại Cường con và các bạn trong nhóm vào tháng 9 này! Chúng tôi trở về phòng lúc 12 giờ khuya sau khi hát cho nhau nghe thêm một số nhạc cũ và uống hết chai rượu chardonay con 350ml mà Thành moi đâu được trên lầu sau khi bảo, “đây là chai rượu duy nhất trong nhà tao.”

Tôi ngủ trong phòng riêng trên lầu. Căn phòng này của đứa con trai lớn Thành đang làm việc xa. Nằm im trong ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ, tôi nhìn cửa sổ. Ánh sáng lờ nhờ bên ngoài như buổi sáng sớm. Nhớ lại lời yêu cầu của Thành tôi tự hỏi, không biết Cường con có sang được Mỹ trong năm nay hay không? Với tôi không khó khăn gì việc sang Mỹ du lịch trừ những trở ngại bất ngờ khác mà mình không liệu được mà thôi. Nghĩ vẫn vơ tôi ngủ lúc nào không hay và khi thức giấc đã sáu giờ rưỡi sáng. Chúng tôi ra khỏi nhà Thành lúc tám giờ để đi uống café và ăn sáng. Đến Arlington chúng tôi vào một quán ăn trong một cái Mall của người Việt trước kia bây giờ hầu như bỏ trống. Hàng quán của Mall đã dọn sang một nơi khác chỉ còn quán ăn này với hành lang bên ngoài bán café. Ngồi uống café ngoài hiên tôi có cảm giác mình đang ở Việt nam vì chung quanh chúng tôi rất đông người Việt ngồi. Chỉ có tiếng Việt, chửi thề, cải cọ tiếng to tiếng nhỏ như buổi sáng một góc phố chợ lớn trước kia. Uống xong ly café chúng tôi vào trong ăn sáng. Thành ăn chay ngồi riêng, chúng tôi ăn mì hoành thánh tôm mực khá ngon và rẻ. Ăn xong Thành chở chúng tôi về nhà Hiền vứt các xách tay hành lý ở đó trừ chiếc vali của tôi rồi lên xe đi downtown Dallas. Khi chúng tôi nhìn thấy trái cầu to xa xa màu xanh, Thành cho biết đó là một khách sạn, nhà hàng có thể xoay tròn. Ngồi trên đó phải trả tiền cao và được nhìn toàn cảnh Dallas. Có rất nhiều xa lộ dẫn vào downtown, dưới chân cầu xa lộ nào cũng mang dấu ngôi sao cô đơn logos của tiểu bang Texas. Nhìn dòng xe cộ ngược xuôi tôi chú ý không còn thấy nhiều xe truck như mọi người mô tả rằng người dân Texas xử dụng xe truck nhiều nhất nước Mỹ. Có lẽ ngày hôm nay sở thích ấy không còn nữa?

Chúng tôi vào thành phố rộng rãi khang trang và đến một block đường Thành chỉ cho nơi làm việc của nó rồi chúng tôi đậu xe đi bộ qua bên kia đường đến một building màu đỏ sậm Thành giới thiệu tòa nhà nơi mà tên bắn tỉa ngồi trên lầu cao chỉa súng xuống bắn tổng thống J F Kennedy. Tổng thống bị bắn hai lần và lần thứ nhì đã giết chết ông ta. Trên mặt đường còn đánh dấu chữ thập hai vị trí xe bị bắn. Chung quanh khu vực mà tổng thống Kennedy bị bắn có rất nhiều bia đá khắc chữ tường thuật chi tiết biến cố này. Qua sự trình bày về cái chết bí ẩn của vị tổng thống chúng ta mới biết đất nước này dân chủ tự do đến mức nào! Có một đài tưởng niệm tổng thống Kennedy lạ lùng là hai bức tường còn mở ở giữa và một chiếc bục khắc tên J. F. Kennedy nhưng trống trơn. Thành giải thích tất cả biểu hiện “chưa kết thúc” vì cho đến ngày hôm nay chưa tìm ra sự thật của vụ án. Có rất nhiều du khách đến xem. Như mọi người chúng tôi chụp rất nhiều hình kỷ niệm.

Thành như một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với chúng tôi những điểm nổi bật khác của thành phố. Chúng tôi đến tòa nhà thị sảnh lật úp, thư viện và đàn bò bằng đồng như biểu tượng của Dallas. Đàn bò 50 con đủ các tư thế được chăn bởi ba cowboys. Ba người này cũng ba tư thế cưỡi ngựa khác nhau. Nếu các bạn đọc sách hay coi phim cowboy Mỹ, các bạn sẽ thấy hết nét đặc trưng tuyệt vời toàn bộ tác phẩm điêu khắc này.

Khi chúng tôi trở về Arlington đã ba giờ chiều. Bỏ Khiêm và Hiền xuống nhà, Thành chở tôi lên nhà Vinh. Vinh có cho địa chỉ nên Thành tìm dễ dàng. Cùng ở thành phố Plano nhưng Thành ở Đông còn Vinh bạn tôi ở Tây, tuy nhiên cách nhau khoảng 15 phút lái xe. Đến nhà, tôi giới thiệu Thành với Vinh. Tuy cả hai là bạn thân của tôi nhưng chưa hề gặp mặt nhau. Thành biết Vinh qua các bài viết chính trị cũng như Vinh biết Thành qua sinh hoạt cộng đồng Việt nam Dallas. Hôm nay gặp nhau cùng với tôi từ xa đến thăm vừa đúng một vòng tròn bạn bè rộng mở. Sau khi cho Vinh địa chỉ email của mình Thành từ giã trở về nhà hẹn thứ bày tuần sau gặp mặt sau khi tôi đi Houston về.

Buổi chiều hôm ấy tôi ăn cơm với vợ chồng Vinh và sau khi ăn xong Vinh đưa tôi đến một khu rừng gần nhà đi tản bộ. Dallas nói chung cái gì cũng tuyệt trừ thời tiết nóng. Cuối tháng năm chưa nóng vào đâu, sang đến tháng tám mới biết đá biết vàng. Vinh nói với tôi, nhiệt độ có khi đến 110 độ F. Khu rừng rộng với các lối đi xi măng cho người đi bộ. Vòng lớn đi cả giờ đồng hổ mới trở về nơi xuất phát, vòng nhỏ chỉ còn một nửa. Thật là nơi lý tưởng để tập thể dục, xã hơi sau những giờ làm việc căng thẳng hoặc thời gian rãnh rổi cuối tuần có thể đến đây để cắm trại hay họp bạn với các căn nhà gỗ rãi rác bên trong rừng. Tôi nhớ phía đông nhà Thành cũng có một khu như thế này và còn một hồ nhỏ để câu cá ven rừng.

Có rất nhiều người đang tản bộ hay đi nhanh hoặc chạy tập thể dục. Tôi và Vinh vừa đi vừa nói chuyện. Chúng tôi là bạn đồng nghiệp với nhau ngày xưa. Vào trại cải tạo trong năm đầu tiên ở chung cùng nhà nên chia xẻ khá nhiều kỷ niệm. Sang Mỹ tuy không ở cùng tiểu bang nhưng liên lạc thường xuyên. Một giờ sau chúng tôi về nhà tắm rửa và ngồi vào PC kiểm thư từ. Chúng tôi đi ngủ lúc mười một giờ và tôi có được một đêm ngủ ngon giấc. Sáng hôm sau, Vinh đưa tôi về Arlington uống café, ăn sáng với Hiền và Khiêm rồi về nhà sau khi Hiền chở tôi và Khiêm đi Houston.

Dallas-Houston cách nhau bốn giờ lái xe, chúng tôi có ghé vào khu nghỉ gần Huntsville để uống nước và chụp hình tại một hồ nuôi rùa. Gần đến Huntsville có tượng Sam Houston màu trắng cao đến 20 mét, oai nghiêm đường bệ đứng bên đường. Đây là tượng của vị cha già Texas, người có công sáp nhập Texas vào liên bang Hoa Kỳ trước khi cuộc nội chiến bùng nổ. Chúng tôi đến Houston khoảng bốn giờ chiều và mướn phòng của lữ quán Scottis Inn. Tôi có nhiều bạn ở Houston, nhưng vì thời gian ngắn ngủi tại đây nên chỉ liên lạc hai người thân nhất là Bửu và Vinh. Chúng tôi năm người đi ăn cơm tối. Một quán ăn Việt Nam trên đường Bellair. Trời nóng 90 độ F, chúng tôi uống bia và ăn lẫu dê nói chuyện như những chiều Việt Nam năm xưa. Thức ăn ngon và trùng phùng bạn cũ có gì vui bằng. Sau buổi cơm tối chúng tôi đi uống café và ăn bánh ngọt beignets tại tiệm của một người Pháp mà người ở đây thường gọi là quán Ông Già? Trời mùa hè tám giờ tối vẫn còn sáng trưng và không khí mát mẻ hơn. Ba người chúng tôi về khách sạn đã 11 giờ đêm và ngủ ngon giấc.

Con đường Bellair của Houston giống như đường Bolsa của Orange county. Tập trung người Việt nam buôn bán sầm uất không thiếu thứ gì. So sánh với Bolsa, Bellair có vẻ rộng và mật độ tập trung đông hơn nhưng hình như chỉ có trên con đường ngày khác với địa bàn Orange county nam California, khu vực mua bán người Việt trãi rộng trên các thành phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana, Anaheim, Fountain Valley… Buổi sáng đầu tiên ở Houston, tôi và Khiêm liên lạc với thầy Quân sau khi Hiền phải trở về Dallas làm việc.

Tôi lái chiếc xe van do Vinh cho mượn cùng Khiêm đi khắp nơi. Buổi trưa được thầy Quân hẹn ăn trưa trong một nhà hàng đẹp kiểu Pháp. Thầy Quân tuy lớn tuổi nhưng tinh thần vẫn trẻ trung sung mãn. Chúng tôi vừa ăn cơm vừa nói chuyện văn nghệ vì thầy Quân sang Mỹ làm báo, viết văn, biên khảo và còn biên soạn một quyển tự điển Triết học tuy chưa hoàn tất nhưng hết sức bề thế. Sau khi ăn cơm xong chúng tôi đi uống café tại quán Ông Già lần nữa. Phải chăng quán café này điển hình theo kiểu café khu Latin Paris nên được khá nhiều người ưa chuộng? Thầy Quân và chúng tôi chụp hình kỷ niệm tôi nhớ phía sau chúng tôi có bức tranh Café de Nuit(bản in lại) của Van Gogh.

Buổi chiều chúng tôi có bửa cơm tối với vợ chồng Vinh con (phân biệt với Vinh lớn ở Dallas cũng là bạn thân). Vinh người bạn của thời cải tạo miền Bắc phải nói hôm nay thành đạt tại xứ người. Hết sức vất vả gầy dựng cơ ngơi đồ sộ hôm nay, Vinh khiêm tốn và bằng lòng với công việc. Chúng tôi chia vui cùng hai vợ chồng vừa nhắc khoảng thời gian khốn khó của hai người tại Việt nam sau khi cải tạo trở về gia đình. Vinh và tôi vừa vui vẻ vừa ngậm ngùi khi nhắc chuyện cũ và Vinh hứa cố gắng thu xếp công việc đa đoan để tháng 9 sang Orange county chơi vài ngày xã hơi. Sau khi ăn cơm xong tôi có hẹn Vinh chiều mai đến khách sạn uống rượu.

Sáng ngày kế tiếp, sau khi ăn sáng uống café chúng tôi lái xe đi Galveston xem biển Đại tây dương. Lần này có thêm Minh, một người bạn cũ cũng đã về hưu ngồi cạnh tôi để hướng dẫn đường đi Galveston. Xe chúng tôi chạy qua downtown Houston, thành phố rộng đẹp với chằng chịt xa lộ vào thành phố nhưng vẫn tràn ngập xe vào giờ cao điểm. Đâu cũng thế, nơi nào quen nơi ấy, Minh cho biết xa lộ ở đây không dày đặc bằng hệ thống xa lộ vào Los Angeles. Tuy nhiên tôi cũng thấy vành đai xa lộ của Houston được xây dựng khác với vành đai Los Angeles. Có vẻ khoa học dễ định hướng hơn Los Angeles bởi Houston dù sao cũng nhỏ hơn Los Angeles. Chúng tôi chạy qua Nasa, cơ quan không gian Hoa kỳ và Minh nhắc lúc trở về ghé thăm cho biết. Mất khoảng 45 phút chúng tôi đến bờ biển Galveston thuộc Đại tây dương. Bờ biển nước đục ngầu có lẽ do bão và không được đẹp như các bờ biển khác của Texas. Galveston là nơi đặt tòa giám mục tổng giáo khu Houston Dallas nên có rất nhiều tòa dinh thự Thiên chúa giáo đồ sộ. Những tòa nhà này kiên cố sơn trắng rất đẹp sáng chói trong ánh nắng trưa. Tôi và Khiêm chụp một số hình kỷ niệm rồi lên xe về lại Houston lúc ba giờ chiều. Lúc trở về chúng tôi không ghé Nasa vì sợ trễ giờ hẹn với Bửu và Vinh buổi chiều.

Về đến Houston, tôi và Khiêm ghé Costco mua ba chai rượu vang đỏ và ghé chợ người Hoa mua thức ăn. Gà quí phi Houston đặc biệt ăn lạnh rất ngon và đêm ấy bốn người chúng tôi uống với nhau hết ba chai rượu vừa kể chuyện cũ đến 12 giờ đêm mới chia tay. Tám giờ sáng hôm sau chúng tôi mới thức dậy vì cơn say ban tối. Khiêm và tôi đi ăn hủ tiếu và ra quán café Lee Sandwiches vì có hẹn với một người bạn cũ hơn mười năm chưa gặp. Phụng, giáo sư trung học Lương văn Can, đi cải tạo vì là ủy viên quận đảng Cấp tiến của giáo sư Nguyễn ngọc Huy. Phụng vào tù cùng trại trong Nam lẫn Bắc với tôi và được tha trước tôi một năm. Những năm tháng sau khi ra khỏi trại chúng tôi vẫn thường gặp nhau tại Sài gòn cho đến khi sang Mỹ thì tôi định cư ở California trong khi Phụng ở Texas. Phụng lớn hơn tôi nhiều tuổi nhưng còn khỏe và đã về hưu hai năm. Chúng tôi hàn huyên và hỏi thăm về những người cùng tổ ngày xưa trong trại cải tạo Vĩnh Phú miền Bắc. Phụng kể có rất nhiều bạn bè đã ra đi và tôi chỉ biết an ủi về một khoảng trống vô định vì hình như từ khi rời nước ra đi, không bao giờ tôi thấy một viễn ảnh bền vững nào trong suy nghĩ của mình về cuộc đời. Nhất là đối với bạn bè kiểu Phụng, nhà giáo với cuộc sống bình đạm và lòng tín mộ của một con chiên trước chúa Ki tô.

Chúng tôi chào nhau sau khi hẹn chiếu ngày mai có buổi cơm chiều chia tay với Bửu, vợ chồng Vinh vì sáng ngày kế tiếp tôi và Khiêm trở về Dallas. Chúng tôi chọn trở về bằng xe đò thay vì Hiền phải xuống đón vì đường quá xa. Khi tôi và Khiêm trở về lữ quán đã 11 giờ rưỡi trưa. Tôi có mời thầy Quân ăm bữa cơm chia tay. Chúng tôi hẹn thầy ngoài tiệm cơm bắc và ba người chúng tôi sau khi ăn xong hẹn với nhau một ngày trong tháng chín. Không rõ ràng ngày nào vì chúng tôi chỉ hi vọng cuộc hội ngộ liên lục địa nào đó như khơi lại ước mơ một thời tuổi trẻ! Chúng ta không còn cơ hội nhiều thầy Quân ạ! Thầy Quân hiểu chúng tôi muốn nói gì, thầy gật đầu nói. Tôi hi vọng và tôi có thể đi Dallas nay mai. Tôi mong rằng có thể nói chuyện với Hiền. Thầy Quây lấy số điện thoại của Hiền cẩn thận cho vào túi và chúng tôi từ giã nhau. Lúc lên xe trở về khách sạn, tôi tự bảo “cám ơn thầy Quân”.

Buổi chiều thứ năm chúng tôi ăn bữa cơm tối từ giã. Bửu, Phụng, vợ chồng Vinh với hai cháu cùng chúng tôi chụp tấm hình kỷ niệm trước tiệm ăn Sinhsinh của Houston. Chúng tôi trở về phòng đã hơn mười một giờ. Tôi kiểm điểm xem mình có thiếu sót gì trước khi về lại Dallas không trong khi Khiêm ngủ ngon lành.

Tám giờ sáng thứ sáu chúng tôi trả phòng rồi trả xe cho Vinh sau khi ăn sáng uống café xong, Vinh đưa tôi và Khiêm ra chổ hẹn xe đò trước Mall Hongkong 2. Đúng 9 giờ xe chạy. Chiếc xe van 12 chỗ ngồi nhưng chỉ có chúng tôi và một người đàn bà lớn tuổi. Người tài xế khoảng năm mươi tám, khuôn mặt buồn rầu, khắc khổ dứt khoát nói với chúng tôi sau khi Khiêm hỏi, không đủ khách liệu xe có chạy hay không? “tôi là tài xế theo lệnh của chủ, bao nhiêu khách cũng chạy. Dọc đường rước khách thêm!” Kiểu nói mô tả người chủ xe có chút khác thường là trừ phi không có khách chứ một người xe cũng chạy… Nghe Khiêm nói chuyện với anh ta một lúc, tôi hiểu lần này chúng tôi trở về trên một chuyến xe mà người tài xế thất tình. Năm năm trước anh từ California sang sau khi bị vợ li dị và đã hành nghề tài xế Houston – Dallas được bốn năm. Trên chuyến xe tôi và Khiêm được dịp nghe lại hầu như tất cả các bản nhạc Trúc Phương và chúng tôi có thì giờ thảo luận về tài năng âm nhạc của người nghệ sĩ bất hạnh này. Trúc Phương viết nhạc giản dị, phải nói là chân thật nhưng không kém mùi ướt át mê ly.

Tình ca Trúc Phương diễn tả tình cảm theo lối kể lể (ballad). Tiết tấu đơn giản, đa phần nhịp ¾ bolero nhưng kết hợp với ca từ rất tuyệt vời. Đặc biệt những bài nhạc chia ly, dang dỡ như Buồn Trong Kỷ Niệm, Mưa Nửa Đêm, Hai Lối Mộng, Con Đường Mang Tên Em... hết sức buồn bã đau thương mà tôi nghĩ chưa chắc nhạc sĩ nào có thể diễn tả được như Trúc Phương. Tình yêu trong nhạc ông một số lớn là tình yêu thời chiến tranh nhưng rất lãng mạn, đặc tính thiết yếu cốt lõi của tình cảm con người thế nên đánh động trực tiếp vào tâm tư người nghe. Nhạc Trúc Phương được người dân miền Nam trước kia ưa chuộng, trong đó một bộ phận liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc chiến tranh. Nhạc của ông mang dấu ấn đậm nét của cuộc chiến và không ai có thể phủ nhận điều đó. Với tôi nếu có thể tạm phân tích cấu trúc dòng nhạc Trịnh công Sơn mang tính chất “hình nhi thượng” của tình yêu thì nhạc Trúc Phương là cấu trúc phần “hình nhi hạ” vậy! Và nếu làm thống kê tôi chắc chắn số lượng người nghe phần “hình nhi hạ” này phải đông hơn người nghe phần “hình nhi thượng” kia. Và cũng không phải khi tôi nói điều này, một số người lại bảo “nhiều người nghe không thể xác định giá trị chân thực của một dòng nhạc!” vì đối với một số người nghe nhạc ông thấy sao “bình dân”, “thẳng thừng” hay “cải lương” quá! Phải chăng đối với họ tình yêu phải bóng bẫy, nhiều ẩn dụ hay biểu tượng mới hay nên không cảm trực tiếp được nhạc của ông. Đối với những người này, nhạc Trúc Phương có thể đến phía sau lưng họ, dường ai đó đang kể lễ về cuộc chia ly hay hội ngộ ngắn ngủi người mình yêu. Người yêu này cụ thể rõ ràng với tâm tình yêu thương, giận hờn, ghen tuông hay phụ rẫy… nhưng cuối cùng người đàn ông bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Có lẽ đó cũng là lý do mà anh tài xế cho chúng tôi nghe hầu như nhạc Trúc Phương gần bốn giờ đồng hồ đoạn đường Houston-Dallas.

Đến Arlington lúc xuống xe, Khiêm đến gần anh tài xế nói vài lời “chia buồn” sau khi nghe nhiều bản nhạc nói giùm tâm tư, tình cảm của anh ta. Anh tài xế cười méo mó nói, “không có gì, buồn riết cũng quen và còn thấy thích nữa”. Hiền đón chúng tôi ngay chợ Hongkong cũ của Arlington. Chúng tôi vào quán ăn phở rồi trở về nhà. Ba giờ chiều, nắng tháng sáu sao gay gắt và ngoài trời như một lò hấp! Sau khi đi tắm chúng tôi ba người ra ngồi salon uống bia. Bia Samuel Adams sao nặng mùi son phấn! Tôi than và tự hỏi không biết tại sao loại bia này được bầu beer of the year năm 2011. Ai cũng đồng ý mùi vanilla thêm vào khiến bia mất đi vị thơm đặc thù của men bia nguyên thủy. Tuy nhiên đến bốn giờ rưỡi chiều tôi và Hiền cũng uống hết mười chai bia. Khiêm đã đi nằm từ sớm trong khi Hiền và tôi vừa uống vừa nói chuyện. Vẫn những kỷ niệm kể hoài không hết. Thật lạ càng uống càng nhớ những chuyện xa xưa mà dường như lúc tỉnh không ai nhớ nổi cả. Hiền nhắc đêm uống rượu tại nhà tôi ở Hòa Hưng năm 1986. Hai đứa nằm trên sàn gạch ngủ sau khi uống hết can rượu thuốc. Rồi những buổi chiều Hiền từ Bảo Lộc về ngồi ngất ngưởng ở nhà Bà Hạt ăn lẫu đuôi bò, uống rượu thuốc của Chấn. Đến đám cưới của Hiền, những năm tháng dường như trong đám bạn bè không ai can đảm tỉnh cả trong khi từng người dần dần ra đi hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Tuổi trẻ chúng tôi cạn dần, điêu tàn và trơ như cặn rượu. Sống là đối phó để cố ra khỏi nơi sinh đẻ của mình. Bấy giờ chỉ buồn, say và cố quên những điều không thể nào quên. Quê hương là bóng tối trong khi chúng tôi cần ánh sáng, cần thoát khỏi quá khứ để tìm một đất sống và một tương lai. Giọng Hiều trĩu nặng muộn phiền khi nhắc lại chuyện cũ rồi ngâm bài Vịnh Bạch Đầu Ông của Lưu Hi Di. Sao buồn như thế, phải chăng chúng ta sẽ là những ông già đầu bạc cần được chăm sóc hay từ ngày ấy đến hôm nay đã là một đời dâu bể? Nghe tôi than, Hiền lắc đầu rồi đi ngủ. Tôi nằm xuống salon cũng đánh một giấc đến bảy giờ tối mới giật mình thức dậy thì Khiêm và Hiền còn ngủ. Tôi đi tắm rồi ngồi tần ngần ở salon. Lấy phone tôi gọi cho Vinh và Thành hẹn ăn cơm tối chia tay chiều ngày mai vì sáng ngày mốt tôi và Khiêm sẽ trở về Nam California.

Chín giờ tối, ba người chúng tôi không ăn cơm nhà tuy chị Thu lo không thiếu thứ gì trước khi rời nhà lúc 10 giờ sáng và đến 10 giờ tối mới trở về. Chúng tôi ra một nhà hàng Tàu ăn mì hoành thánh. Tôi nói ăn mì nước mau giã rượu và chúng tôi gọi ba tô mì lớn. Chỉ có Khiêm và tôi ăn hết trong khi Hiền chịu thua. Sau khi ăn xong chúng tôi trở về nhà thì thấy chị Thu đang nấu bếp. Ngày nào cũng thế, trong thời gian chị vắng mặt lũ trẻ tự điều hành công việc trong nhà, lớn phải lo cho nhỏ. Cơm nước học hành theo một trật tự sắp sẵn. Hiền mô tả gia đình nó như thế. Tôi hỏi, vậy mày làm gì trong nhà này? Hiền trả lời, “vui chơi” vì phương thức sinh hoạt này do tao đề ra và vợ con thi hành. Khi đã vào nền nếp thì tao chỉ vui chơi, trừ trường hợp bất ngờ tụi nó không giải quyết được thì tao mới xuất hiện. Cách nói của Hiền không phải đơn giản có thế, tôi hiểu ý của nó và lý do tại sao dường như nó đứng bên lề để “vui chơi” như vậy. Nó tập cho con cái tự lực giải quyết lấy công chuyện nhà nếu có những đột biến lớn lao trong gia đình. Với Hiền, qua tuổi sáu mươi cuộc đời “vô thường” lắm! Tuy nhiên tôi cũng bảo, “sao mày khôn như vậy!”

Sáng thứ bảy chúng tôi ngồi uống café rồi ăn mì quảng do chị Thu nấu. Tiêp theo tôi cố in thẻ lên tàu online nhưng không được. Còn hai chai bia, Hiền đưa cho tôi và Khiêm uống nhưng chúng tôi lắc đầu. Theo dự tính chúng tôi ăn cơm chiều tại nhà Hiền nhưng cuối cùng tôi đổi ý. Tất cả ra nhà hàng cho tiện, khỏi phải rửa chén bát và sắp xếp bàn ghế. Tôi để Hiền chọn và gọi điện thoại hẹn lại với Vinh và Thành. Tôi cũng gọi cho Lâm, một người bạn cũng ở gần Arlington mà đã hẹn hôm trước khi đi Houston. Buổi trưa trong khi Hiền và Khiêm đi ngủ, tôi ngồi ở salon suy nghĩ mình có thiếu sót điều gì trước khi về lại California hay không? Thực ra sang Dallas và Houston tôi thăm bạn bè là chính. Đã nhiều lần tôi hứa đi thăm những người bạn mà ít ra một lần họ đã đến Orange county thăm tôi. Có những người đã đến thăm tôi đôi ba lần như Hiền, Vinh, Bửu, Thành trong vòng sáu năm trong khi đó trừ công việc sở làm yêu cầu, tôi vẫn ù lì chưa ra khỏi tiểu bang California yêu dấu của mình để đi thăm bạn bè lần nào cả!

Chúng tôi hẹn nhau sáu giờ tại nhà hàng. Hiền cho rằng Thành năm giờ làm việc ra trở về nhà sửa soạn xong chưa chắc đến để đúng hẹn trong một giờ đồng hồ, tuy nhiên ai cũng biết địa chỉ nhà hàng này. Khi ba người chúng tôi đến vừa lúc gặp Vinh tại bãi đậu xe. Vinh mang chai vang trắng Chardonay một lít rưỡi. Chúng tôi vào nhà hàng sau khi ngồi được 5 phút thì Lâm cũng đến. Giới thiệu Lâm với Hiền và Khiêm chúng tôi gọi những món khai vị và nhờ nhà hàng mở chai rượu. Cụng ly chúc sức khỏe nhau, Khiêm nhờ người bồi bàn chụp vài tấm hình kỷ niệm. Chúng tôi nói chuyện cũ và Vinh có kể những ngày Lâm còn làm chủ tịch tổng hội sinh viên Sài gòn. Đến sáu giờ rưỡi vợ chồng Thành mới đến. Sau khi giới thiệu chúng tôi gọi thêm thức ăn và thức uống cho vợ chồng Thành. Thành gọi thức ăn chay và tôi có gọi một con cá hấp lớn cho sáu người ăn. Chị Thủy Tiên, vợ Thành rất bặt thiệp hỏi thăm Lâm về những sinh hoạt của tổng hội trước kia nhất là vụ án Lê khắc Sinh Nhựt trong thời kỳ Nhựt là phó chủ tịch của Lâm. Sau đó Vinh cũng nói về những ngày tháng sinh hoạt sinh viên cũ trong bối cảnh chiến tranh gay gắt để cuối cùng đưa đến ngày 30-4-1975 Sài gòn sụp đỗ. Tôi biết dù ngồi ở đâu và bất kỳ vị trí nào điều mà chúng tôi đề cập đến bao giờ cũng phản ánh thân phận của mình. Tôi dùng chữ thân phận cũng là cách nói bóng bẫy vì bao sự thực phũ phàng đã xãy ra cho chúng tôi mà từng cá nhân ít nhiều tham dự vào một cuộc chiến tranh nằm ngoài ước muốn quần chúng nếu không muốn nói là ước muốn lịch sử. Vì ước muốn lịch sử như thế nào thì thời gian đã trả lời cho chúng ta. Từ ngày 30-4-1975 cho đến nay đã hơn 37 năm so sánh bao sự kiện liên hệ đến cuộc chiến tranh Quốc Cộng của Việt Nam trước kia mới thấy rằng cái thiệt thòi bao giờ người dân Việt Nam cũng phải gánh chịu. Cuộc chiến tranh vừa vô nghĩa vừa ngu dốt! Nhìn vào thực tế một Việt Nam hôm nay chúng ta tự hỏi tại sao phải đổ máu một cách vô ích như thế vì phải chăng “quyền lực đi trước dân sinh” mà đấy cũng là lối mòn lịch sử cho con người tham vọng !

Để trả lời những phiền muộn thân phận ấy Hiền đọc cho mọi người nghe bài thơ “Ở Đây” mà nó làm trong những ngày tháng cải tạo. Bài thơ này đối với tôi mô tả đậm nét cái ngu dốt của cuộc chiến tranh mà quá nhiều người của hai miến Nam Bắc phải chết vô ích và vô nghĩa. Nghe bài thơ dường như ai cũng thấm thía và nghẹn ngào. Vinh thông báo bài viết mới của anh cho mọi người có dịp đọc trên internet. Bài viết của Vinh thường đính chính những điều mà anh gọi là sai lầm hay lệch lạc lịch sử vì một số cá nhân hoạt động chính trị đã làm trong quá khứ và anh muốn minh chứng sự thật qua các dữ kiện hay qua các chứng nhân thời kỳ đen tối nhất của cuộc chiến tranh. Tôi muốn viết sự thật vì cho đến ngày hôm nay có quá nhiều điều che dấu sự thật và bổn phận của tôi là trả lại sự thật có tính lịch sử ấy. Vinh cho biết như thế.

Khi chúng tôi tan tiệc đã gần mười giờ rưỡi khuya. Chụp hình, chia tay nhau và hẹn ngày gặp lại. Chúng tôi, những người bạn từ ba mươi đến bốn mươi năm, có nghĩa chúng tôi hiện tại qua tuổi sáu mươi. Đời người quay nhìn lại như vũng tối trước mắt, tuy vậy lòng tôi bao giờ cũng cầu mong bạn bè được sức khỏe và an vui trong tuổi xế chiều. Riêng Vinh tôi thường bảo, chúng ta cố gắng sống tiếp để làm chứng cho một sự thật lịch sử vậy!

Về đến nhà Hiền, Khiêm và tôi chia nhau nốt hai chai bia Samuel Adams còn sót lại mới đi ngủ. Lúc này không ai chê cả vì không phải chúng tôi say mà dường như chúng tôi buồn. Ai cũng buồn vì ngày mai phải chia tay.

Sáng chủ nhật dậy sớm, tôi và Khiêm thu dọn đồ đạc cho vào va li sau đó ba người uống café do chị Thu pha sẵn. Hiền chở tôi đi mua bánh mì thịt để ăn sáng trước khi ra phi trường. Chúng tôi và gia đình Hiền chụp nhiều tấm hình kỷ niệm trước nhà và phòng khách sau đó chị Thu chào từ giã để đi làm. Trên đường đi Hiền gửi lời thăm các bạn ở Orange county và hứa sẽ cùng Thành qua thăm vào dịp Cường con sang Mỹ.

Ngồi trên máy bay nhìn mây bay bên ngoài cửa sổ, tôi nói với Khiêm, chúng ta có một chuyến thăm bạn bè đáng ghi nhớ! Tôi lại mơ màng nghĩ đến chuyến hội ngộ trọn vẹn của các bạn trong nhóm như dự tính vào tháng 9 và ước ao sẽ không thiếu một ai.

 
 

6-24-2012

Lê Lạc Giao


______________________________________________
* Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư...
Nguyễn Du