Hát

 
 
 

Trong bóng tối nhờ nhờ ảm đạm của căn tiền phòng lầu hai đóng kín cửa soi sáng nhờ chiếc bóng đèn neon bốn tấc đầu góc nhà, bóng dáng Thạnh, người bạn nhỏ thó năm xưa tóc dài xơ xác, chiếc kính cận gọng đen to, dày cộm xệ xuống mũi và dáng ngồi lom khom tay cầm micro hát karaoke trở nên đầy kịch tính. Dù Thạnh có nhiệt tình mấy đi nữa trong việc hát vẫn không xua đi được nét bi thảm của một sinh vật dường như bị bỏ rơi trên cõi đời này. Tiếng hát trầm buồn của hắn làm căn phòng cô đọng hơn nổi khốn khổ cùng ba khuôn mặt chảy dài của ba cô tiếp viên có lẽ thiếu ngủ và thường lợi dụng bóng tối nhờ nhờ mà ngoảnh mặt ngáp dài ngáp ngắn. Thạnh hát nhưng không quên đưa tay sờ mó trên đùi của cô tiếp viên thứ nhất đang tựa vào người hắn dáng mõi mệt bất cần đời như sẳn sàng đánh giấc ngủ trưa.

Cô tiếp viên thứ hai đang rù rì với Cung, ngồi đối diện với Thạnh trong bóng tối nhá nhem vừa lắng tai nghe hát vừa bóc đậu phọng bỏ vào mồm Cung trong khi hai tay hắn cũng không yên trên thân thể cô gái.

Hết bài hát, Thạnh định hát thêm thì cô gái giụt micro đưa cho tôi. Tôi lắc đầu nói:

- Anh không biết hát, nếu cố gắng chỉ làm các em giựt mình mất giấc ngủ trưa!

Cô gái phì cười và trả lại micro cho Thạnh. Hắn hớp một hơi bia rồi tiếp tục. Lần này bài nhạc Mỹ. Hắn hát tiếng Mỹ điêu luyện không kém nhạc Việt. Tôi thở dài nhớ đến những năm còn học đại học, bản nhạc này nổi tiếng lúc chúng tôi đang thụ huấn quân sự trong quân trường Thủ Đức vì lệnh tổng động viên. Viết thư cho người tình xong dán thư với nụ hôn. Ngày ấy là biểu tượng của tuổi trẻ còn bây giờ nhớ lại chuyện hơn ba mươi năm trong xác thân còm cõi tuổi già và bi đát hơn nữa trường hợp của Thạnh, tuổi già mất mát vì vợ bỏ. Nói lịch sự là cuộc ly dị. Có thể vì cô đơn buồn bã cấu xé làm cho hắn tìm đến giọng hò câu hát chăng? Hát nhuần nhuyễn điêu luyện dù là karaoke cũng không phải dễ dàng, tôi tự hỏi mắt nhìn bóng dáng say sưa của Thạnh trên nền ánh sáng chập chờn nửa sáng nữa tối như một thứ sân khấu kịch nghệ về khuya và bi thảm hơn sự cáo chung một cuộc đời. Hôm qua sau khi nghe tôi nói lời chia buồn Thạnh thong thả nói, “có gì mà buồn, đúng hơn buồn đã rồi, mất nhiều rồi, buồn và mất thêm một chút nữa đối với tao nghĩa lý gì!”

Ngồi nhìn Thạnh kể chuyện những năm tháng vắng mặt, tôi như thấy lại tất cả hình ảnh một thời đã qua. Thạnh già đi không nhiều trên khuôn mặt nhưng dáng đi và cử chỉ cho thấy một phần đời lạc quan hi vọng đã ra đi đằng sau cái biểu lộ tưởng dường như không thay đổi kia. Căn phòng hình như hai mươi năm rồi chưa hề quét vôi. Vách bốn phía loang lỗ, ám khói. Không thấy những bức tranh thêu, và sơn dầu trước kia. Chiếc bàn giữa nhà xiêu vẹo và bộ xa lông với những tấm nệm bẹp xuống như tờ bìa cứng mà tôi đoán chừng ít ra độ tuổi bốn mươi năm. Nền nhà gạch bông nứt nẻ hoang phế. Tôi tự hỏi tất cả cái quang cảnh này là kết quả của việc nào đây? Nó là nguyên nhân hay hậu quả của một cuộc ly dị sáu năm về trước?

Cung quả quyết cho là nguyên nhân sau khi than, tao là bạn nối khố còn không chịu nổi sự gàn dở, ương bướng lẫn lè phè của nó thì người đàn bà dẫu có đầu gối tay ấp đi nữa cũng phải có giới hạn của họ chứ! Phụ nữ nào có thể ôm ấp mãi một tên chồng cha căng chú kiết về mặt tài chính, dở dở ương ương về mặt tinh thần chưa kể những chuyện linh tinh khác như sức khỏe, thể chất, vệ sinh vân vân … và vân vân…. Tôi bật cười vì những ngôn từ hết sức tiêu cực ấy chỉ để miêu tả anh bạn đã từng là một khối màu trong tấm tranh đời của chúng tôi. Ngày ấy bức tranh còn đầy nét sặc sỡ, sinh động với cái hào nhoáng của tuổi trẻ làm nền với những gam màu rực rỡ trên không gian bao la của buổi bình minh cuộc đời. Hôm nay tấm tranh kia dường như chỉ còn là một tấm vải bố trần trụi rách nát nằm vắt trên hàng rào kẻm gai mà người liên quan nếu thấy cũng chỉ tự trào “sao lại thê thảm đến như thế !”

Thạnh hát sang bài hát Mỹ thứ hai trong khi tôi vẫn chưa dừng suy nghĩ về một đọan đường đời của chính hắn nhưng cũng không phải không có chút ngậm ngùi thân phận của chính mình. Cuộc đời Thạnh, Cung hay tôi ngày hôm nay có khác gì những vệt màu xám xịt bong lỡ trên tấm vải bố sờn rách ấy. Cái bóng của Thạnh trước mặt tôi vẫn là thứ hình ảnh nửa hư nửa thực và Cung đang đờ đẩn dưới bàn tay xoa nắn của cô gái hay tôi đang ngẩn ngơ hóa đá trong khi cô gái nửa ngồi nửa nằm bên cạnh đang chìm sâu trong giấc ngủ trưa là tổng hòa của những tội nghiệp quá khứ cùng những hệ quả của nó kéo dài trong hiện tại.

Chiến tranh là thủ phạm của những bi đát mà chúng tôi gánh chịu ngày hôm nay. Nó là tai họa có tính truyền thống khi mở trang sử dân tộc. Những năm học trung học tôi đã nhìn thấy số phận bi đát của những con người Việt nam trãi suốt thời kỳ hai nghìn năm và còn đang tiếp tục in đậm lên những trang sử kế tiếp. Lúc tham dự vào cuộc chiến tranh tôi đứng một phía mà gặm nhấm nỗi buồn đất nước. Đến khi tàn cuộc chiến có một quãng thời gian khá dài tôi chiêm nghiệm về tính khách quan lịch sử mới thấy sử chỉ là thứ bi kịch dấu mặt. Những vinh quang, tự hào dân tộc đến thế nào chăng nữa cũng không che dấu được núi xương sông máu đằng sau và nếu một khi mỗ xẽ sâu xa hơn thì phải chăng bên dưới dòng máu quật cường yêu nước kia nước mắt của một dân tộc mới là thứ luân lưu miên viễn trong dòng lịch sử vàng son ấy!

Trong khi chúng tôi trãi qua gần hết cuộc đời của mình thì hôm nay chúng tôi khóc hay ai đấy cười cũng chỉ là nạn nhân trò trớ trêu lịch sử. Mà trớ trêu là gì nếu không là thứ bi kịch mạn tính. Hai mươi năm tôi gặp lại Thạnh trên quê hương và Cung nơi xứ người không bao giờ trong chúng tôi mất cái sử tính bi kịch ấy. Dù muốn lãng quên nó vẫn là thứ ký ức biên niên trong tiềm thức mỗi người.

Chúng tôi ra khỏi tiệm karaoke trời đã về chiều. Cung rủ đi kiếm cái gì ăn. Ba người chúng tôi vào trong một tiệm ăn cạnh đường xe lửa. Chủ tiệm là một nhà văn nổi tiếng trong thành phố và tiệm là một căn lầu ba tầng hết sức chật hẹp. Tầng trệt và hai đầy khách. Chúng tôi phải lên lầu ba bằng cái cầu thang ốm thằng đứng như chiếc thang chữa lửa. Chỉ còn chiếc bàn duy nhất cạnh cầu thang. Trong lúc ăn tôi thầm nghĩ về những con người không chỉ hiếu khách mà còn hiếu danh rồi nói với Cung, nếu người ta nghĩ làm cơm giống như làm văn thì lầm to. Đĩa ra muống xào này dai hơn bất kỳ đĩa rau xào nào mà tao từng ăn trong hai mươi năm nay. Thạnh không nói gì chỉ cắm cúi ăn thỉnh thoảng ngẩng đầu cười với tôi và Cung. Tôi hỏi Thạnh:

- Mày về hưu rồi sao không thấy thong thả gì cả. Bộ còn làm kinh tế hả?

Thạnh lắc đầu rồi gật đầu. Nó nói:

- Tao đã về hưu nhưng không đủ tiền sống phải làm thêm.

Cung bật cười nheo mắt nhìn tôi như mỉa mai những điều Thạnh vừa nói.

- Mày làm cái gì để kiếm thêm tiền?

Cung hỏi tiếp, Thạnh trả lời:

-Tao hùn vốn cây xăng, kiếm thêm chút đỉnh tiền để tối đi hát karaoke đỡ buồn.

Cách nói của Thạnh không khác trước kia và chữ sống theo Thạnh là hát karaoke chứ không hề có nghĩa thiếu tiền. Tôi gọi thêm một đĩa chả giò và ba chai bia saigon nhãn đỏ. Chúng tôi uống với nhau như ba mươi lăm năm trước. Ngày xưa nói nhiều bây giờ chỉ nói nhát gừng. Nhìn nhau như thấy cả ba con đường quá khứ sau lưng mỗi người. Ba con đường này dài, quạnh hiu và ba đứa chúng tôi lầm lũi trên con đường vạn dặm ấy. Mỗi người một số phận nhưng chia xẽ một không gian chung. Nắng mưa gian khổ để rồi ngày hôm nay gặp lại nhau trong cái quán ăn chật ních người này. Tôi chợt nghĩ những người chung quanh tôi dường như cũng cùng chung một định mệnh ấy. Trong cái khuôn khổ cuộc đời vuông vắn như chiếc hộp chúng tôi dẫu xa lạ nhưng lại có chung một lịch sử và cùng sống qua một thời điêu linh. Năm năm trước tôi có gặp hai người bạn ngày xưa học chung trường. Chúng nó như tôi, thích văn nghệ và cả hai người bạn ấy cùng làm thơ. Như Cung, những nhà thơ ngày xưa và hôm nay bị nhấn chìm trong vũng lầy thời cuộc. Hôm ấy khuô n mặt tên nào cũng đỏ gay vì hai ba vại bia hơi trước mặt. Dũng nói:

- Mày nhìn chung quanh xem, văn nghệ tập thể là một hồ bơi. Tụi tao bơi trong ấy. Tao làm thơ, viết văn trong cái bể bơi này.

Nó vừa nói vừa đưa cái vại bia thủy tinh to tướng lên lắc. Tôi hiểu cái bể bơi của nó là cái vại bia này. Xã hội chủ nghĩa thời kỳ bao cấp người ta lợi dụng lẫn nhau. Càng thiếu thốn người ta càng cảm thấy giá trị của sự lươn lẹo, luồn lách và khi diễn tả thì bao giờ cũng nói đấu tranh để sinh tồn mà! Nhu cầu bản năng là một sự thật không thể biện bác được!

- Ừ bao giờ chả đấu tranh để sinh tồn! Kiêm nhíu mày nói rồi hạ giọng:

- Từ lúc tụi mày ra đi, tao thực sự sống trong cô đơn. Phải đấu tranh sinh tồn trong cô đơn vì lúc bấy giờ càng nhiều bạn bè càng cô độc. Bạn bè góc cạnh nào đấy còn có nghĩa kẻ thù. Chổ nào đông người là có cấu xé để kiếm cơm. Sáng tao đi dạy, chiều quay phim hay chụp hình, tối viết bài cho nhà văn hóa quận. Mọi hình thức sáng tác không hề dính líu đến cảm hứng mà liên hệ trực tiếp đến sự tồn tại. Phải nói sự tồn tại khởi đầu và chấm dứt.

Tôi hiểu chữ tồn tại mà Kiêm nói có nghĩa tất cả thứ gì có thể bỏ vào bụng của mình và vợ con rồi thấm thía và lặng lẽ uống hết hai vại bia như chia xẽ tâm sự với hai người bạn thân. Lúc chia tay, tôi nói:

- Nếu ở lại tao cũng như hai đứa mày, nhưng sống là hi vọng, ngay cả hi vọng bên bờ vực tuyệt vọng. Ở nước ngoài tao cũng phải đấu tranh để tồn tại, có khác là quá trình đấu tranh hợp lý hơn ở đây mà thôi! Còn bơi, tụi mày đừng bơi quá lâu trong hồ, có ngày vọp bẻ và chết đuối đấy. Không ai thèm cứu đâu!

Buổi tối hôm ấy tôi về khách sạn không ngủ được. Mở tv rồi tắt. Ra cửa sổ nhìn xuống sông Sài gòn nhớ bài vịnh “Bạch đầu ông” của Lưu hi Di. Con người không giống nhau như cây cỏ được. Người ta cố tìm một mẫu số chung để qua đó thỏa mãn tham vọng riêng tư của mình và phe nhóm. Người ta lợi dụng lẫn nhau trên cái nền lý tưởng cao cả ấy. Những người bạn của tôi sống cô đơn trong suy nghĩ hằng ngày là làm thế nào để sống. Chữ sống đơn giản mà sao ghê gớm như vậy. Dũng nói hôm chia tay trước câu lạc bộ bia hơi thành phố.

Thạnh không phức tạp như Dũng và Kiêm. Nó thực dụng từ những ngày còn đi học. Không bao giờ lý luận như lũ bạn văn nghệ gàn dỡ, Thạnh ươn bướng trong cách thức sống. Sáu tháng trước khi ra đi nước ngoài, tôi thường đến nhà Thạnh vào buổi tối uống café nghe nó đàn hát và kể về những cô gái mà nó có thể cưới làm vợ. Mẹ Thạnh mất vì bệnh tiểu đường để lại cho nó một căn nhà bốn tầng đồ sộ trên đường Trần quốc Toản. Thạnh tự do với cuộc sống vững chắc vì có việc làm trong một công ty xuất khẩu hải sản, tầng trệt căn nhà cho bác sĩ thuê làm phòng mạch và tiền đám anh chị em ở nước ngoài thỉnh thoảng gửi về cho. Tuy nhiên nếu ra đường không ai nghĩ rằng Thạnh là kẻ có của.

Thực ra Thạnh không phải là người keo kiệt nhưng với nó không làm chuyện vô bổ bề ngoài. Ăn mặc sang trọng, xe cộ tươm tất chỉ làm cho tụi cướp cạn để ý. Thạnh bảo như thế và nói thêm. Thực chất mới quan trọng. Tôi không hiểu ý nghĩa chữ thực chất của Thạnh là như thế nào nhưng đám bạn cũ gặp nó thường bảo, mày là tên triệu phú ăn mày! Nó tỉnh bơ trả lời, cái áo không làm nên thầy tu, thực chất mới quan trọng.

Có bốn năm cô gái trong tầm chọn lựa của Thạnh. Tôi có dịp gặp ba cô, những cô còn lại Thạnh cho tôi xem hình. Phải nói cô nào cũng xinh đẹp và tôi tự hỏi phải chăng những cô gái này thấy rõ “thực chất” của bạn tôi và trong thời điểm ngăn sông cấm chợ này làm vợ một gã có thực chất như Thạnh là chuyện trúng số độc đắc. Tôi ngồi cạnh cửa sổ lầu bốn nhấm nháp cà phê nhìn Thạnh đàn và hát. Nó bảo hát để tán gái, đàn để kiếm vợ.

Thạnh ngồi trên cái ghế khập khiểng như chỉ có ba chân rưỡi, mặc áo thun ba lổ rách ở cổ, quần sọt nhà binh cháo lòng ôm đàn dạo một khúc nhạc rồi nói với tôi:

- Tối nay nhậu với tao.

Nói xong nó tiếp tục đàn. Thạnh đang đàn và hát những bài không tên hết sức ướt át của Vũ thành An. Phải nói nó có giọng hát mượt mà dễ xúc động người nghe. Tôi nhìn và nghe nó đàn hát như thấy một quãng tuổi trẻ đã mất. Khi đang hát bài thứ năm có tiếng chuông reo. Thạnh ra dấu cho tôi xuống tầng trệt mở cửa. Cô Yến, một trong những cô gái mà Thạnh săm soi chọn lựa đến chơi. Yến đưa xe đạp vào nhà và lấy chiếc giỏ treo trên ghi đông xe xuống. Tôi xách thấy nặng. Yến bảo:

- Em làm giả cầy cho anh Thạnh và anh uống rượu.

Lúc lên lầu bốn, Thạnh vẫn quần cháo lòng áo thun rách dừng đàn thờ ơ chỉ cho Yến ngồi vào ghế xa lông. Tôi để chiếc giỏ nặng lên bàn thì Yến đến mở giỏ mang ra một chiếc xoong và một chai rượu trắng rồi đi xuống lầu lấy chén bát. Tôi hỏi:

- Một nồi giả cầy! Làm thế nào mà thịt thà dư dã như thế này nhỉ?

Thạnh chậm rãi giải thích:

- Tao đãi vì tuần sau mày đi Mỹ. Hết cả tháng lương dạy học của Yến đó!

Tôi im lặng có chút xúc động nhưng sau đó nghĩ đến tiền lương của Yến lòng thấy không yên. Thực chất của Thạnh như thế đó. Hai hôm sau tôi đến nói với nó, mày đừng làm kiểu “của người phúc ta” như vậy. Nó bảo:

- Tao xem Yến như vợ với điểm cao nhất. Hiền lành, tận tụy, hết lòng, bữa tiệc hôm trước coi như vợ chồng tao đãi sao có chuyện “của người phúc ta” được!

Nghe Thạnh nói tôi hết cách bắt bẻ chỉ ngồi uống cà phê và nghe nó đàn. Hôm nay Thạnh vẫn chiếc áo rách và chiếc quần cháo lòng nhưng nó chơi nhạc Trúc Phương. Bảy giờ tối lúc nó đang đàn hát bài “Mưa nửa đêm” thì Trang đến. Lần này trong chiếc túi cói của Trang trên xe honda có hai chiếc gà mên lớn và khi tôi theo Trang lên cầu thang cô ta nói:

- Em mang bê thui và cháo lòng cho anh Thạnh và anh nhậu tối nay.

Lúc bày chén đỉa lên bàn. Trang nói với Thạnh:

- Em mua bê thui và cháo lòng ở chợ chuồng Bò ngã bảy. Nghe nói ngon lắm! Hai anh ăn cháo lòng ngay kẻo nguội.

Thạnh lấy chai rượu nếp còn một nữa ra rót đấy hai cái ly đưa cho tôi rồi nói:

- Vợ chồng tao chúc mày tuần sau lên đường bình an.

Tôi thấy nét mặt Trang sung sướng lẫn hãnh diện khi nghe Thạnh nâng ly chúc mừng mà lòng có chút bất mãn. Kiểu nói của nó y hệt hai hôm trước với Yến nhưng cũng không kém phần kịch tính. Nó đóng kịch tài bài ba và vở kịch này có thể ngày mai còn tiếp tục vì Thạnh có tới năm cô gái ứng viên làm vợ kia mà! Trang có sạp vải trên chợ Đồng Khánh và khá giả nhất trong đám bạn gái của Thạnh. Uống vài tuần rượu Thạnh lại ôm đàn hát “chuyến tàu hoàng hôn”. Trong khi Trang đắm đuối nhìn và nghe Thạnh hát nhạc Trúc Phương, tôi ngồi góc bàn uống rượu nhìn ra cửa sổ. Trong men say ánh điện nê ông chiếu những chậu hoa tràn đầy rau càng cua chập chờn lấp lánh ngoài hiên nhà. Thạnh trồng càng cua để trộn dầu giấm ăn gỏi. Tôi thầm nghĩ ngày mai có thể một cô gái khác mang thịt bò đến để trộn dầu giấm với càng cua, tôi lại được nghe nó chúc và ăn một bữa tiệc tiễn đưa lần nữa.

Hai ngày trước khi ra đi, tôi rủ Thạnh đi uống bia hơi trong một quán photocopy trên đường Lý thái Tổ. Lúc uống bia Thạnh bảo có lẽ nó chọn Yến làm vợ. Hỏi lý do nó quả quyết nói, thứ nhất Yến đạt tiêu chuẩn một người vợ hiền đủ khả năng chia xẽ với chồng con những khi khó khăn nhất trong cuộc đời và thứ hai là Yến thích nhạc Vũ thành An như nó. Sáu tháng sau tại Mỹ tôi nhận tin qua bạn bè Thạnh làm đám cưới với Yến. Đêm ấy lúc đi ngủ tôi tự hỏi không biết hôm đám cưới Thạnh ăn mặc như thế nào?

Hai mươi năm gặp lại bạn cũ, Yến ly dị Thạnh và để cho nó nuôi hai đứa con trai. Lý do ly dị không được rõ ràng nhưng tôi thấy không cần thiết tìm hiểu làm gì. Mái tóc của Thạnh tuy xơ xác nhưng không thấy sợi bạc nào, tôi thắc mắc Thạnh bảo, tao nhuộm tóc. Tôi ngạc nhiên:

- Mày chỉ trọng thực chất kia mà. Nhuộm làm gì tốn tiền!

- Tao nhuộm từ khi ly dị Yến. Tao nhuộm lại cuộc đời mình mà!

Thạnh nói như than. Tôi hỏi:

- Mày còn thích những bài không tên của Vũ thành An?

Thạnh gật đầu vói tay lấy cây đàn treo trên vách, vẫn cây đàn cũ với thùng đàn bong lỡ, xám xịt. Tuy không còn chiếc ghế ba chân rưỡi nữa, Thạnh vẫn với chiếc áo thun rách, quần đùi cháo lòng, nửa nằm nữa ngồi trên ghế sa lông xiêu vẹo so dây nắn phím rồi bắt đầu hát, đời người như lá úa trong cơn mưa chiều… giọng hát sao buồn rầu, mõi mệt và tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra hiên nhà lòng ao ước nhìn thấy lại những chậu rau càng cua ngày cũ trong cái oi bức tháng chín Sài gòn. Nghe Thạnh đàn hát đến bài không tên cuối cùng, tôi như nghe kể lể cuộc tình và cuộc hôn nhân mười bốn năm qua của nó.

Nhìn đồng hồ, tôi nói với Thạnh:

- Chờ Cung đến tụi mình đi nhậu và sau đó đi hát karaoke.

 
 

Tháng 8-2010

Lê Lạc Giao