Khoảng Trống Còn Lại

 
 
 

Chốt hai cánh cửa đầu, Bảo chỉ đễ mở cánh cuối cùng vừa cho một người đi vào xong anh quay lại nói với bạn rằng tuy còn sớm nhưng nhìn cánh cửa mở khách có thể hiểu là quán còn bán hàng. Hiển ngồi xuống chiếc ghế thấp kiểu ghế của các quán cóc trong thành phố nói bâng quơ,“chiều bắt đầu như thế này.” Bảo cười tiếp lời,"bắt đầu từ hơn hai mươi năm.”

Ngồi vói tay lục trong chiếc túi xách treo trên ghi đông xe, Hiển lấy ra một gói ni lon bảo bạn."Tôi có mua một lạng bê thui, hôm nay chúng ta uống thỏa thích.”

Đổ thịt bê thui ửng đỏ ra đỉa, Hiển từ tốn lấy gói thính từ túi áo kaki ra rắc đều lên mặt đỉa trong khi Bảo đong một xị rượu trắng Hốc Môn và hai chiếc ly con trịnh trọng đặt lên bàn.

Tương bắc pha thêm tí bột ngọt trộn lẫn gừng bốc lên mùi thơm quen thuộc một buổi chiều nhàn rỗi của hai người bạn ba tháng gặp nhau một lần và lần nào cũng thế. Không hề thay đổi như mười năm trước lúc hai người còn học đại học.

—Chúng ta hay nói đến hai mươi năm. Thời gian này có liên hệ gì đến chúng ta nhỉ? Bảo hỏi bạn.

Hiển lắc đầu:

—Ông chóng quên thật. Chúng ta làm bạn không hai mươi năm là gì. Còn hơn thế nữa, sắp sang năm thứ hai mươi mốt rồi.

Bảo đưa chiếc ly rượu con cho bạn và ra dấu mời cụng ly.

Rượu bắt đầu vào bằng cái cay đắng xé lưỡi rồi lưu dư vị ngòn ngọt ở cuống họng. Miếng thịt bê thui cũng không kém. Vị ngọt cay mặn của thịt, gừng, tương không những làm thỏa mãn vị giác mà còn réo gọi cái cảm tính có tính quen thuộc tâm lý của hai người bạn cũ khi gặp nhau.

—Lúc này ông còn làm thơ không?

—Có chứ. Tôi mà không làm thơ thì sống làm gì nữa. Nó là đời sống mà đời sống thì khi thế này khi thế khác. Không giống nhau như thơ khi hay khi dở. Khi thấm thía, khi ngậm ngùi và có khi nhạt nhẻo vô vị lắm lúc vô duyên.

Hiển nói xong nâng ly rượu lên uống một hơi rồi đặt xuống bàn sau khi khà một tiếng dài. Bảo nhìn ra cửa thấy buổi chiều xuống qua màu nhạt của ánh sáng. Anh quay lại nói với bạn:

—Chúng ta cứ uống rượu vào buổi chiều. Mỗi lần uống là mỗi lần không thấy gì vui.

—Đó là cái lẩn quẩn thường hằng của cuộc đời. Có cái bắt đầu bằng vui rồi chấm dứt bằng nổi buồn và ngược lại. Tuy nhiên vui buồn cũng thế mà thôi. Lưu ý đến làm gì. Chỉ biết gặp nhau vài tháng một lần là thú vị. Nó chan hòa tất cả tạo thành cái hỗn hợp của cuộc sống. Tôi vừa thu hoạch đợt cà phê đầu tiên nhưng chưa có bán được. Ngày mai tôi phải lên Chợ Lớn khảo giá.

Hiển lúc nào cũng thế. Hay triết lý và lãng mạn. Mấy chục năm rồi không có tí gì thay đổi dù qua bao nhiêu chế độ chính trị ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của hắn. Bảo nghĩ đến bạn rồi nghĩ đến mình. Cũng không có gì khác. Hơn chín năm tù tội. Quãng thời gian lúc thấy dài, lúc thấy thoảng qua như một buổi chiều. Bao nhiêu tiếc nuối, ân hận rồi buồn chán trong tâm hồn anh va chạm với cái thực tế xã hội cũng rập khuôn như mình đôi khi anh lại thấy có chút an ủi và tự bảo ai ai cũng như ta.

—Tôi làm cái nhà bằng gổ dựa lưng vào vách núi. Nền móng nhà là đá tảng. Phía bên phải có con suối nhỏ nước trong vắt chảy róc rách. Đằng sau nhà tôi đào một ao con nuôi cá. Đứng trước sân nhìn xuống thung lũng là một vạt rừng bạt ngàn. Mỗi buổi tối nghe cả tiếng suối reo lẩn tiếng thú rừng gầm thét. Hôm nào ông lên trên tôi chơi một chuyến cho biết.

Hiển nói xong uống cạn ly rượu rồi gắp một miếng mồi cho vào miệng nhai. Bảo trầm ngâm không trả lời nhưng anh biết mình thích thú cái cơ ngơi ấy dù Hiển đã nói đi nói lại nhiều lần. Mỗi lần gặp nhau là cái nhà sàn lưng chừng núi lại có thêm chi tiết. Lần này thêm chiếc ao cá. Có lẽ có cá để thêm cho đủ cái phong lưu rừng núi. Bảo thầm nghĩ như thế nên anh nói với bạn:

—Khi nào cá trong ao của ông lớn tôi sẽ lên để nướng cá uống với rượu cần.

Một người khách vào mua rượu. Bảo đứng lên đi vào nhà trong đong hai xị rượu thuốc. Lúc đi ra ngoài thì Chân đến cửa. Tựa chiếc xe đạp nặng trĩu vào vách vì hai can rượu bốn mươi lít chở phía sau xe hắn lên tiếng:

—Ông Bảo có còn rượu bán không? Có thiếu rượu uống thì nói cho tôi biết. Hiếm hoi khi nào đến đây mà thấy ông ngồi không. Chắc ông sợ đắng miệng phải không?

Chân bắt tay Hiển rồi ngồi xuống chiếc ghế của Bảo tay quơ tờ báo để trên chiếc két nước ngọt quạt lia lịa. Hôm nay vui đây. Bảo nghĩ như thế và ra sau nhà lấy thêm đủa chén ly cho bạn.

Chân uống ly rượu thứ ba thì đĩa bê thui hết sạch. Bảo sang bên kia đường gọi một cái lẫu đuôi bò ở quán cóc nằm ngay chân cầu thang chung cư. Lúc bước trở về thì anh thấy thi sĩ Bùi Giáng đang đứng đái ở giữa đường. Đám con nít bu quanh chỉ trỏ. Đái xong, có vẻ hả hê ông ta ngất ngưỡng đi về phía chợ Bà Hạt kéo theo sau một đám trẻ con.

Ngồi trong hàng hiên vói đầu nhìn theo Hiển nói:

—Ngày nào ông ta ăn khoai cả vỏ ở đại học Vạn Hạnh làm thơ viết sách. Bây giờ như thế kia không hiểu làm sao là làm sao!

Chân trả lời:

—Không làm sao cả nhưng tôi phục Bùi Giáng sát đất. Ông ta đứng ngoài mọi chế độ chính trị. Ngày xưa ăn khoai lang bây giờ ăn khoai mì. Lúc trước là thiền sư hôm nay làm hành giả. Bốn phương là nhà. Thích gì làm nấy, chổ nào cũng có thể là giường ngủ cầu tiêu. Muốn đái thì đái, muốn ngủ thì ngủ. Bùi Giáng số một trên đời.

Hiển tiếp lời Chân:

—Hôm trước tôi có lên thăm một người bạn làm nghề điêu khắc. Hắn khác người lắm, chỉ tạc tượng những kỳ nhân dị sĩ. Một trong những bức tượng nổi tiếng của hắn là tượng thi sĩ Bùi Giáng các ông ạ. Hắn kể cho tôi nghe loại đá tạc tượng quái nhân Bùi Giáng hắn xin được của đám phu bốc mộ lò thiêu Gò Vấp. Cái tảng đá ấy nằm ở đáy mộ của một cô gái chết oan. Nghe đâu cô ta tự tử vì tình phụ. Khối đá vuông vức sáu tấc vô tình nằm bên dưới chiếc hòm chứ không phải được chôn chung...

Hiển chợt im lặng và đưa tay chỉ ra phía cửa. Bảo nhìn theo thấy Phụng đang dựng chiếc xe gắn máy của hắn trước sân. Bước vào trong cửa hắn nói:

—Hôm nay anh hùng tương ngộ đây. Cứ việc nói chuyện tiếp đi. Tôi đi lấy ghế.

Phụng vào trong nhà lấy chiếc ghế ra thì cái lẫu đuôi bò cũng vừa mang sang. Trong lò than hồng nổ lách tách. Chiếc bàn nhỏ không đủ chỗ cho bốn người, Chân lấy hai chiếc két bia trống chồng lên nhau để trước mặt hắn và nhấc trong chiếc túi xách trước ghi đông xe lấy ra một can rượu thuốc bốn lít đặt lên bàn. Hắn nghiêng chiếc can khéo léo rót ra bốn chiếc ly con và nói:

—Không uống hết, không về nhé các ông. Ông Hiển kễ tiếp cái khối đá tạc tượng Bùi Giáng đi.

Bảo ra dấu cho Phụng cụng ly. Mọi người nâng ly rượu thuốc của Chân lên uống. Đặt ly xuống, Hiển quay sang Chân hỏi:

—Thuốc gì đây mà uống vào đắng xuống cổ lại ngọt hở ông thầy thuốc bắc?

—Mật rắn pha với ngũ gia bì thêm chút hà thủ ô cho cường kiện thân thể. Còn cái vị ngọt là thục địa để bổ chân âm. Qua bốn mươi người nào chân âm cũng cạn kiệt cả. Bổ chân âm chính là làm quân bình âm dương và âm dương cân đối chúng ta mới bày binh bố trận một mất một còn được. Yên tâm đi, rượu này chỉ làm riêng cho bạn bè. Ủ và ngâm sáu tháng mới uống được. Không phải là loại dễ tìm đâu!

Chân dứt lời lấy đủa vớt một lá cải xanh trong nồi đang bốc khói thổi lia lịa rồi bỏ vào mồm. Hắn gật gù tỏ vẻ thích thú trong khi Hiển vừa nhúng thêm cải vừa nói:

—Các ông có biết không cái khối đá tạc tượng Bùi Giáng rất đặt biệt. Khi nhà điêu khắc gia của chúng ta hoàn tất. Phải nói là rất sinh động. Tuy tạc theo trí nhớ, nhưng cái khuôn mặt của Bùi Giáng như có thần. Lạ lùng hơn nữa sau khi tạc xong, ba ngày sau cái mũi bằng đá tự dưng ửng đỏ. Y hệt như cái mũi thật của ông ta...

Phụng ngắt lời:

—Ông có thấy tận mắt không hay chỉ nghe nói?

Hiển nghiêm sắc mặt:

—Một trăm phần trăm. Tôi nhìn kỹ nhiều lần cái tượng bán thân ấy. Ban đầu tôi cho là kỹ xảo của hắn. Có thể hắn nhuộm cái mũi cho giống, nhưng tôi đã lấy khăn ướt lau. Thậm chí có hôm không có hắn ở nhà tôi đem bức tượng ngâm vào nước. Vô ích. Khi quan sát kỹ, tôi còn thấy cả những sớ chỉ màu đỏ chìm trong đá như là gân máu trên mũi con người. Cái bức tượng hoàn toàn bằng đá trắng ngoại trừ cái mũi. Từ xa nhìn biết ngay là quái nhân Bùi Giáng. Hôm nào rảnh các ông đi với tôi lên xem cho biết.

Nói xong Hiển cầm ly rượu lên uống một hơi. Thấy mọi người có vẻ trầm ngâm hắn phá lên cười:

—Có thấy thích thú và kỳ lạ không? Tôi nghĩ rằng Bùi Giáng không phải là phàm nhân.

Phụng lắc đầu:

—Mới có dăm ly mà ông đã say rồi. Cái mũi bằng đá của Bùi Giáng màu đỏ chỉ là ngẫu nhiên, ông lại thần bí câu chuyện mà thôi.

Hiển quay sang Bảo nói:

—Ông Phụng không hiểu ý tôi, thời đại này chúng ta không còn là phàm nhân kể chi Bùi Giáng. Chúng ta đứng giữa súc vật và con người. Cá tính biến mất chỉ còn lại bản năng. Làm việc thời này là thỏa mãn bản năng hơn là đấu tranh cho con người nên người. Phía sau chúng ta là quá khứ nơi đó có thể có chút quê hương mà nhiều người trong chúng ta thường lấy ra gặm nhấm rồi tự thỏa mãn. Hiện tại là một hình tròn vô định. Ai nấy quay cuồng như lũ súc vật bị nhốt trong cái lồng vô hình. Có kẻ muốn thoát ra nhưng thực tế không thể nào vượt ra được. Cơm áo hay nhu cầu cá nhân thay thế cho mục tiêu lý tưởng. Cứ như thế sự đấu tranh giữa quá khứ và hiện tại làm cho chúng ta trở thành một Bùi Giáng trong từng phút giây đời người. Mà đời người hôm nay khác hơn chi đời súc vật và không phải chúng ta cũng từng có hành động như Bùi Giáng đôi khi còn hơn thế nữa hay sao?

Bảo gật đầu thừa nhận ý kiến bạn trong khi Chân xua tay:

—Tôi không đồng ý. Ông Hiển chỉ trừu tượng hay siêu hình hóa vấn đề. Tổ tiên, ông bà chúng ta không phải là không trãi qua giai đoạn lịch sử như chúng ta bây giờ nhưng đâu có nghĩa họ phải sống những thời gian không phải là con người. Thái độ sống phản ánh thời đại họ đang sống. Dù Bùi Giáng ỉa đái ngoài đường, hay chúng ta lơ láo trong cái vòng tròn lẩn quẩn nó cũng chỉ phản ánh trung thực hơn thời đại chúng ta sống mà thôi. Lịch sử không dừng lại mà cuồn cuộn đi về phía trước. Chỉ có chúng ta dừng lại và hóa đá. Đời sống chúng ta biến thành thứ đá mặc cho người ta đẽo gọt. Người ta muốn tròn nó tròn, muốn méo nó méo, có cưỡng lại cũng không được. Cần chi cái mũi đá màu đỏ mà nói nó giống Bùi Giáng. Nhìn góc cạnh nào chúng ta cũng được nhận ra là một lũ người nạn nhân của một giai đoạn lịch sử. Cả dân tộc chúng ta cũng đang bị đẽo gọt kia kìa. Chiều hôm nay ngồi uống rượu với nhau chỉ có nghĩa minh chứng cái vòng tròn là sự thật còn nói rằng là con vật người chỉ bi thảm thêm vấn đề mà thôi.

Bảo vớt từng khúc xương đuôi cho từng người. Thỉnh thoảng anh rót rượu và thầm nghĩ mình đang chuốc rượu cho bạn đây. Không ai nói thêm lời nào. Nhìn sang bên kia đường quán lẫu đuôi bò nhộn nhịp ồn ào. Đa số là dân lao động mỗi chiều đều dừng chân lại đấy và tiêu hao sức lực còn lại vào ly rượu miếng mồi. Bên này đường quán rượu của Bảo im ắng và chìm đắm trong một nổi quạnh hiu dù anh và các bạn cũng đang ăn uống như mọi người. Nhìn đồng hồ, lúc này đã sáu giờ. Chân ra dấu cho mọi người cụng ly rượu vừa mới rót. Chiếc can bốn lít đã vơi quá nửa. Trong đôi mắt mỗi người đã thấy những tia gân máu màu đỏ và trên khuôn mặt ai nấy đều tái màu vô cảm. Chợt Hiển cất lời, “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu”. Mọi người lại nâng ly. Phụng uống cạn xong đặt ly xuống đọc tiếp, “Tây xuất Dương quan vô cố nhân”. Chân lại tỉ mỉ vừa rót rượu vừa đọc trại câu thơ của Vương Duy, “Sài thành triêu vũ ấp khinh trần”. Bảo cảm thấy lòng mình tê dại đi khi ngồi với bạn mỗi chiều. Quán rượu của anh chỉ hầu rượu cho bạn bè. Là nơi bên ngoài thế giới nhưng lại là chổ tiếp giáp giữa hiện tại và tương lai. Bảo nói:

—Thế các ông có biết tương lai là gì không?

Chân trả lời:

—Những kẻ có cùng chung quá khứ tất tương lai giống nhau. Ông Hiển bảo tương lai phía trước, nhưng tôi nói tương lai chúng ta lại ở phía sau. Thực ra thời đại chúng ta có cái kỳ lạ là quá khứ đằng trước và tương lai ngược lại. Tôi không chơi chữ đâu nhé. Khi muốn nghĩ phải làm gì không ai trong chúng ta không thấy cả cái quá khứ đằng trước là gì. Quá khứ đi trước nên khi tư duy như dòng sông chảy ngược về Tây.

Hiển xen vào:

—Dù chãy về Tây rốt cuộc cũng chuyển dòng về đông mà ra biển ông Chân ạ. Ông có say không và ông có nhớ bài nhạc của thằng Ẩn không."Những giòng sông đã lâu, không ra được biển rộng là những giòng sông lạc loài muộn phiền quanh vách núi như gương không người soi.” Hãy quên cái dòng sông phiền não ấy đi là quên cái quá khứ chết tiệt kia đi các ông ạ. Tôi vã quá rồi!

—Làm thế nào mà chối bỏ quá khứ được. Nói nghe qua thì dễ nhưng làm điều đó có nghĩa phủ nhận sự tồn tại của mình. Ai bảo quên được quá khứ là nói dối hay là họ đã chấp nhận khoác lên mình một nhân cách mới, nói đúng hơn là họ viết lại tiểu sử đời mình. Tuy nhiên, quá khứ vẫn là chiếc bóng bên cạnh họ. Người bị vong kiện hoàn toàn quên hết lý lịch bản thân vì một biến cố lớn lao mà thường là chấn thương trí não. Nhưng kẽ vong kiện có thể hồi phục trí nhớ nhờ những ngẫu nhiên hay vô tình bị chấn thương lần nữa. Chúng ta bị những chấn thương trí mạng và lập đi lập lại nhiều lần nhưng không hề vong kiện, ngược lại quá khứ cứ sừng sững trước mặt tra tấn hành hạ dù chúng ta thiết tha được quên!

Bảo nhớ ngay bản nhạc làm Ẩn nổi tiếng, thứ nổi tiếng ngoài ý muốn và anh hiểu sự ví von của bạn. Mỗi người không hơn gì một ốc đảo, không khác gì vũng nước ao tù và nếu có ai đó muốn vượt ra thì cũng lẩn quẩn bên bờ vách núi không lối thoát. Do đó thực tế thì mọi người bị lưu đày trên chính quê hương mình và quê hương thực sự mà mọi người chọn lựa lại ở tận đâu đâu xa lơ xa lắc.

Một người vào mua rượu cắt ngang dòng suy nghĩ của Bảo. Lúc bước ra cửa anh thấy Ngọc viên công an khu vực đang đi về phía anh. Ngọc mặt thường phục. Bắt tay Ngọc anh hỏi hắn cần gì. Liếc vào trong bàn rượu Ngọc nghiêm sắc mặt nói:

—Lại nhậu phải không? Các anh thừa thì giờ nhỉ?

—Tôi bán rượu và phục vụ khách. Khách này quen nên uống với họ vài ly cho vui. Anh Ngọc có cần chi không? Bảo trả lời và nhắc lại.

—Thứ bảy tuần này nhà tôi có tổ chức thôi nôi cho con. Anh chở cho tôi hai két nước ngọt và hai két bia Sài gòn. Tôi sẽ tính tiền sau. Nhớ là trước thứ bảy nhé.

Nói xong không đợi trả lời Ngọc đi thẳng về phía chợ Bà Hạt. Lúc nào cũng thế, Bảo nghĩ các viên chức cán bộ cộng sản giống nhau. Rất tự nhiên và hàm ý. Anh kể cho các bạn nghe và nói:

—Bia và nước ngọt ở đây chỉ bán cho cán bộ. Người dân đa số không đủ khả năng uống thứ nước giải khát cao cấp này. Họ và chúng ta uống rượu thuốc là đủ thấy cuộc đời mình rồi. Và cứ như vậy quán rượu của tôi thu hẹp dần. Sáu tháng nữa có lẽ quán chỉ còn bán rượu thuốc của ông Chân mà thôi.

Chân cười:

—Tôi đã có nói với ông từ trước. Phải như tôi bán rượu lưu động không sợ ai quấy rầy. Còn rượu tại quán này cứ dăm ngày tôi để riêng một can rượu thuốc bốn lít miễn phí cho bạn bè. Có uống thì uống thứ rượu này, không phải sợ cụt vốn. Khi nào chán ngồi một chỗ thì xuống đường lưu động với tôi. Một xe đạp với hai can bốn mươi lít nếu có mối đi hai chuyến một ngày cũng đủ sống khỏi phải lo nghĩ ông Bảo ạ.

Bảo không nói dùng đủa quơ đáy lẫu vét những cọng cải xanh cuối cùng cho vào chén trong khi Phụng đứng lên sang bên đường gọi thêm một tô thịt và khi hắn trở về trời tối hẳn.

Bảo vào trong nhà bật đèn và mang ra một gói thuốc lá. Mọi người đốt điếu thuốc đầu tiên trong lúc chờ than hồng trở lại. Chân nhìn đồng hồ rồi đứng lên nói:

—Đến giờ tôi phải đi. Giao xong bốn mươi lít rượu là về nhà ngủ một giấc. Sáng mai tiếp tục kéo cày. Hẹn hôm khác uống tiếp.

Đưa tay bắt từng người, đến Bảo thấy bàn tay Chân run run anh nói:

—Có say không, liệu về không được thì Phụng chở về giùm, để hai can rượu lại đây ngày mai hãy đi giao.

—Không hề gì, mới mười hai ly chưa đến ba xị. Tiêu chuẩn của tôi ba mươi ly mới say. Đạp xe một lúc mồ hôi toát ra là giã rượu ngay. À, ngày mai ông Bảo có rảnh sang quán lẩu đuôi bò bên kia đường hỏi có lấy rượu thuốc thì tôi giao luôn cho tiện.

Nói xong Chân đi ra cửa. Phụng đi theo giúp bạn đẩy xe xuống lề đường trong khi Hiển lắc đầu nói như than:

—Giao rượu bên kia xong rồi về bên này ngồi uống cũng hết vốn liếng như thường!

—Chúng ta thực ra đã phá sản từ hơn mười năm nay. Hôm nay ai cũng trắng tay cả. Cái mãnh đất hơn một mẫu cà phê của ông ở Bảo Lộc thực ra nào phải của ông. Cái nhà sàn lưng chừng núi cũng thế. Ông đang làm thuê và trí óc hiện tại của ông cũng là thứ vay mượn. Vốn liếng của chúng ta cạn sạch trong một canh bạc lịch sử. Cái kết quả ấy vượt quá sự ước muốn của chúng ta mà thời đại lại lạnh lùng nhẫn tâm như câu nói của người xưa “thiên địa vô tâm dĩ vạn vật như sô cẩu”.

Bảo nói xong đốt một điếu thuốc. Bàn rượu im lặng. Tiếng nước sôi trong lẩu đều đều một âm thanh nhàm chán. Ba người đều nhìn ra cửa hút thuốc. Bên ngoài một vạt tối vắt ngang hai đầu vách nhà và bên kia đường quán nhậu cũng bắt đầu thưa khách. Phụng chợt hỏi:

—Gần đây có chùa phải không? Tôi hình như nghe có tiếng chuông.

—Chùa Từ Nghiêm ở ngả tư Nguyễn Tri Phương Bà Hạt.

Trả lời bạn xong, Bảo nghiêng can rượu rót tiếp vào ba chiếc ly rồi đẩy về phía hai người. Hiển nâng ly uống cạn và lẩm bẩm đọc, “Em đâu biết thế nào là hạnh phúc, hãy trả tôi về địa ngục những ngày xưa.” Địa ngục kia kìa. Hắn chỉ tay ra cửa rồi cười đắc ý.

Phụng nhìn theo tay của bạn không thấy gì cả. Hiển lại lè nhè tiếp:

—Khi đọc Kiều đến câu “Biết đâu địa ngục thiên đàng là đâu” tôi tâm đắc vô cùng các ông ạ! Bởi thế nên tôi lại mong được trở về địa ngục ngày xưa vì chỉ có địa ngục ấy tôi mới có cơ hội đánh giá được cái thiên đàng hôm nay chúng ta đang sống khách quan hơn bây giờ.

Bảo lặng thinh nghe bạn nói. Phụng cũng thế. Nếu có Chân chắc nó sẽ đưa ra một lời bình luận. Vì bản tính Chân không thích vòng vo hay sáo rỗng. Hiển tự tay rót thêm ly rượu mới rồi gắp mồi. Những động tác bây giờ trở nên máy móc. Những chiếc vòng ánh sáng chập chờn trước mắt ba người.

Rượu uống vào không còn thấy ngọt hay đắng nữa mà vô vị. Bảo đốt thêm điếu thuốc nhưng không hút. Anh nhìn đóm lửa đỏ thấy heo hút như tự đâu đâu. Đưa điếu thuốc cháy dở cho Hiển anh nói:

—Hút đi rồi giải tán. Có lẽ chúng ta đều say cả rồi. Ngày mai ông còn phải đi Chợ Lớn, Phụng phải về bên kia cầu chữ Y.

Phụng cầm bình rượu đưa lên ánh đèn xem xét. Hắn nói nhỏ:

—Cũng chỉ còn ba ly. Uống xong rồi về.

Ba ly rượu cuối cùng cũng chạy xuống cuống họng dể dãi như một giòng nước lạnh. Hiển thổi phù phù miếng nước lẫu cuối cùng. Phụng khỏe rượu đề nghị chở Hiển về bỏ chiếc xe đạp lại ngày mai hắn sẽ ghé lấy.

Bảo đở Hiển lên xe. Anh cẩn thận nâng chân bạn đặt lên bàn đạp. Hiển say thật sự. Hắn ôm Phụng đầu ngoẻo sang một bên, miệng lẩm bẩm, “hãy trả tôi về địa ngục những ngày xưa.” Phụng đạp máy xe và từ từ cho xe xuống lòng đường. Bóng hai người khuất ở ngả ba Bảo mới trở vào nhà đóng cửa. Đã hơn mười giờ rưỡi. Anh vào nhà trong đốt một cây nhang trầm cắm lên bàn thờ rồi ngồi xuống ghế sa lông. Mùi hương trầm dịu dàng làm anh như tỉnh rượu. Lúc này anh nghe có tiếng chuông từ chùa vẵng lại. Thật kỳ lạ, tiếng chuông lạc lõng như réo gọi từ đâu trong bóng tối mà cái bóng tối đen này rổng tuếch vô hình. Bảo ngồi im lặng như tượng đá mãi đến khi em anh trở về kêu cửa anh mới giật mình tỉnh táo và lên xe đạp về nhà.

Con đường đi về Cầu Muối đêm se se lạnh. Thành phố và những cơn say như thế này khiến Bảo nhớ lại thân phận của anh cùng bạn bè. Anh lại nhớ đến quá khứ đằng trước và tương lai phía sau như Chân bảo trong bàn rượu. Tương lai của anh và bạn bè là một khoảng trống còn lại đằng sau mỗi người. Nó cũng trĩu nặng không khác chi quá khứ mà mọi người phải ì ạch cưu mang. Dù có bao ước muốn hay vẽ vời, tương lai rỗng trống ấy tự thân mang tính bội phản. Cái phản bội ắt có và đủ như một điều kiện toán học, và nếu đem chứng minh cái kết quả tìm thấy, nó không thực sự mang đến hạnh phúc cho Bảo và bạn bè.

Tương lai và quá khứ bây giờ không còn phân ranh giới rõ rệt mà hòa quyện vào nhau trong môi trường quê hương. Bảo đôi lúc thấy có đủ cả hận thù, thương xót, thất vọng trong quá khứ, khi lại cảm nhận sự độ lượng, buồn rầu, chán nản lúc có chút ý niệm về tương lai. Cứ như vậy như bánh xe xoay vần nghiến trên mặt đường đêm, cái khoảng không còn lại bọc kín anh lại không lối thoát. Chiếc xe đạp lao tới đằng trước nhưng anh vẫn thấy nó đứng yên tại chổ trong khi mọi cố gắng của người lái xe chỉ biểu hiện cái tuyệt vọng nhục nhằn.

Đêm ấy Bảo nằm mơ. Cơn mơ là một giòng thời gian không đầu không cuối, nhưng dù trong giấc ngủ anh vẫn hiểu cơn mơ là quá khứ vì chỉ có quá khứ mới là quê nhà chung cho con người. Trong quá khứ ấy có cả lịch sử của dân tộc gắn liền với cội nguồn bản thân anh và bạn bè. Cho nên anh nhìn thấy rõ cả những con đường hầm anh đào chung quanh trại cải tạo để chống quân xâm lược Trung Quốc mùa xuân năm bảy chín. Mồ hôi anh đổ xuống con giao thông hào ngoằn ngoèo sỏi đá, và anh đã cùng bạn bè đứng đó chua chát chỉ tay lên đồi nơi cây thượng liên ngụy trang dưới gốc cây sấu già hướng về phía trại. Lúc ấy anh thấy quê hương là nghi kỵ và bội phản. Khi tiếng nổ của đại bác inh tai, anh ngồi trong hố cá nhân trên đỉnh đồi reo hò nhìn đạn pháo rót hình trôn ốc đẩy lui hai đại đội xung phong của Trung quốc ở Lạng sơn anh lại thấy quê hương là nổi kiêu hãnh lớn lao. Rồi con đường Bắc Nam trên tàu Thống Nhất ngày nào đi qua những thôn xóm tiêu điều xơ xác, những em bé ở tuổi đến trường áo rách chân đất lội rừng đốn củi hầm than ở Hàm Tân Thuận Hải thì chua xót biết bao cho một quá khứ vàng son. Bảo lại thấy cha anh trong giòng thời gian nghiệt ngã ấy chỉ tay vào trán anh nói, con phải nhớ, cha đã sống hai năm không phải con người. Người ta không giam cha, không kết án hay giết cha nhưng người ta làm cha có cảm giác mình đang sống trong địa ngục. Trong cái nhà mà cha đổ mồ hôi hơn hai mươi năm xây dựng lúc nào cũng có người. Kẻ cầm bút, người cầm sổ tính toán cộng trừ nhân chia để tìm ra đáp số là cha, một kẻ đúng tiêu chuẩn họ đang cần. Lúc lôi cha ra trưng cầu ý kiến trong buổi họp toàn khu phố họ cũng thất vọng khi thấy ngay đến những kẻ cùng khổ nhất ai ai cũng đều bảo, trong lúc mọi người đi ngủ hoặc đi chơi cha phải còng lưng cật lực đổ mồ hôi làm việc thì làm thế nào mà không giàu có được. Không còn cách nào khác cuối cùng họ bàn với nhau, trong buổi tiệc không có trâu bò thì phải giết heo, nếu không có heo thì phải tìm cho ra gà vịt. Con phải nhớ, từ hôm ấy cha của con đã trở thành gà vịt cho cuộc vui đang bắt đầu trở thành chiến dịch. Trong cơn mơ, Bảo thấy mình rưng rưng nước mắt, và quê hương trong anh là nổi hận thù chất chứa không nguôi.

Cuối cùng thì cơn mơ và đời thực không khác chi mấy. Những khát vọng được cơn mơ đốt lên ngọn lữa làm sôi sục ý chí tàn lụi ban ngày, và trong cái khoảng không trống rỗng còn lại ấy đã nhận chìm biết bao con người thế hệ bốn mươi như Bảo và đám bạn bè anh trong một thành phố mà một thời bị lãng quên.

 
 

Lê Lạc Giao

Tháng Sáu-1997