Một Kiếp Người

 
 
 

Ông Tiến có khuôn mặt sáp. Hệt như sáp nặn vì qua cái màu da vàng như sáp ong, những đường nét lồi lõm trên khuôn mặt không hề có tí gì là biểu cảm cả! Không có nụ cười để bờ môi nhếch lên, đôi mắt nhíu lại, hay nỗi ngạc nhiên để đôi mắt mở to thêm hoặc một tiếng thở dài để khuôn mặt nặng lì lì ấy nhẹ bớt nỗi oan khiên cuộc đời! Cả con người ông Tiến từ chiếc nón màu cứt ngựa đội trên cái đầu bằng sáp, đến bộ quần áo trây di màu đen vì đến cả năm không giặt là một bộ khung hay nói nôm na là cái giá áo biết đi vì có lẽ hơn hai mươi năm rồi không một ai trong làng này thấy ông mở miệng, hé môi thốt lên một tiếng dù là tiếng thở dài...Khuôn mặt ông không hề diễn tả tình cảm. Nó chỉ là chiếc mặt nạ bằng sáp và Ông Tiến chỉ mở miệng để ăn, để đưa bao nhiêu món ngon vật lạ từ những buổi tiệc, cúng giỗ trong làng vào túi cơm là cái bao tử để từ đó nó xay, nghiền qua bao nhiêu qui trình chế biến cuối cùng biến thành máu thịt nuôi sống ông, giúp ông tồn tại trên cõi đời ô trọc và khó hiểu này.

Ngoài ăn để sống, thời gian còn lại của cuộc đời ông Tiến là những chuỗi ngày lầm lì im lặng. Không biết trong đầu ông suy nghĩ gì, nhưng bảo rằng ông Tiến là cái giá áo, cái túi cơm biết đi quả không oan uổng chút nào. Cái đầu của ông dù làm việc gấp trăm lần người bình thường đi nữa, với người dân trong làng ông vẫn là một lão Tiến muôn đời lười biếng. Có người trong làng mỉa mai rằng ông Tiến không lười biếng chút nào như những người trong làng thường bảo. Bởi ông làm việc quá nhiều bằng trí não, bằng tinh thần nên cái thể xác nó cùn nhụt đi để cuối cùng ngày hôm nay sau hơn hai mươi năm suy nghĩ nó chỉ là cái hình nhân bằng sáp biết đi và hiện diện không thiếu buổi tiệc nào trong làng.

Không biết từ bao giờ ông Tiến đã trở thành một biểu tượng cần thiết trong làng vì người ta thường bảo: "Lười như lão Tiến", "Dơ không kém ông Tiến làng ta!" hoặc "Lì như lão Tiến là cùng." Nhưng người ta nói gì thì mặc, mỗi ngày hai bữa, ông vẫn là một thực khách cần thiết trưa chiều của hai gia đình trong làng An Thủy này. Đôi khi chủ nhà thấy rằng sự hiện diện của ông không đến nỗi phiền hà gì hay bữa cổ quá thừa mứa họ có thể mời ông tiếp tục bữa cơm chiều. Thế là hôm ấy ông biến thành một thứ bà con thân thuộc của gia đình nọ vì chỉ có bà con mới có thể ăn cổ cả sáng lẫn chiều. Thực ra nói nôm na có thể bảo ông Tiến là bà con của cả cái làng này đã hai mươi năm, nghĩa là ông đã ăn chực từ khi ông bắt đầu vào tuổi ba mươi. Cái đầu của ông không biết tính toán như thế nào mà trên hai ngàn hộ trong làng này chia ra cho ba trăm sáu mươi lăm ngày, không ngày nào là không có giỗ chạp chưa tính đến những cuộc vui bất thường của gia đình như đám cưới, đám hỏi, thôi nôi, đầy tháng... hể có đãi đằng tiệc tùng trên mười người là phải có thêm một phần ăn cho ông. Ông tính toán chính xác không kém cái máy tính điện tử của ngày hôm nay bao nhiêu. Từ cái chòi nằm giữa vườn bồ quân ông xuất phát ra đi đến nhà nào thì phải biết cái nhà ấy đang chuẩn bị mời khách vào tiệc. Không sai bao giờ! Và có lẽ chủ nhà cũng sẽ thắc mắc tự hỏi "Quái sao hôm nay tiệc tùng linh đình như thế mà đến giờ này chưa thấy lão Tiến, hôm nay lão bệnh rồi chứ dễ gì mà lão không đến..." Tự động người trong làng quan tâm đến ông những khi ông đau ốm và ông Tiến biến thành một thứ siêu thực khách dù ông cũng đồng thời chịu bao lời ong tiếng ve trong làng.

*
Ngày mười tám tháng ba năm một ngàn chín trăm hai mươi là ngày ông Tiến ra đời theo ông Tám Hương, gia đình ba đời làm Chánh lục bộ kể lại. Cái ngày ấy không thể nào quên được bởi nó trùng với ngày vía Thành hoàng làng và đặc biệt hơn nữa khi Cả Bạc, cha của ông Tiến bây giờ đi khai tên cho con lại đặt tên là Tiền, trùng tên với Nguyễn Tiền, vị khai lập nên cái làng An Thủy này vào thế kỷ trước sau khi chết đi được dân làng nhớ ơn lập đền thờ và vua Tự Đức sắc phong Thành hoàng. Ông Tám Hương năn nỉ hết lời vẫn không làm Cả Bạc thay đổi ý kiến đặt tên lại cho con. Cha tên Bạc thì con tên Tiền là điều thiết nghĩ không gì là khó hiểu cả. Tên con nói lên được khát vọng của cha và tên cha bổ sung ý nghĩa cho con, thật là đủ ý đủ lời. Cả Bạc nằng nặc bắt phải ghi vào sổ lục bộ tên Tiền cho con trai đầu lòng của mình mãi đến khi Tám Hương phải đe dọa là Thành hoàng làng linh thiêng lắm, đừng làm ngài phải nổi giận thì Cả Bạc mới chịu đổi tên con từ Tiền ra Tiến. Nghĩ cho cùng thì Tiến cũng không đến nổi không liên quan đến tiền bạc, có tiến mới có tiền chứ lùi chỉ có sạt nghiệp.

Cả Bạc cầm tờ giấy khai sanh con vừa đi vừa suy nghĩ, hắn bực bội không hiểu tại sao Thành hoàng làng lại dành cái tên thật vừa ý làm cho hắn không có quyền đặt tên ấy cho con trai. Chuyện linh thiêng thì chỉ nghe nói, chứ hắn chưa bao giờ thấy Thành hoàng làng này vật ai chết bao giờ. Lúc còn bé hắn từng nghe mẹ kể Thành hoàng làng rất tốt bụng, người nào cầu điều gì ba lần thường được như ý. Người đi đánh cá cầu được cá, kẻ thương mại cầu mua may bán đắt và đặc biệt những cô gái, chàng trai đến tuổi gả vợ lấy chồng cũng thường đến khấn vái với mong ước được ý trung nhân. Nói chung Thành hoàng làng nhân từ độ lượng chứ không khắc khe như lão Tám Hương đe dọa vừa rồi. Tuy nhiên bút sa gà chết, dù sao cũng đã chọn rồi không thể lấy lý do mà không thể chứng minh được như mình nghĩ, Cả Bạc tức tối cầm tờ giấy khai sinh con đi về nhà.

Cậu bé Tiến lớn lên thông minh đỉnh ngộ là điều làm Cả Bạc tự hào và quên hẳn đi cái ngày nào kỳ kèo đặt tên con trên Hội đồng hương chính với lão chánh lục bộ. Năm con lên sáu tuổi, vào dịp lễ vía Bà Cửu Thiên Huyền nữ, cả Bạc dắt con theo đoàn múa lân hằng năm đi vào trong chân núi thăm nơi Bà Thiên Y A na sinh ra. Đứng trước ngôi đền khói hương nghi ngút, cậu bé Tiến chỉ tay lên lá phướn có bốn chữ Thượng thiên Phi mã và bảo: "Kìa là ngựa bay trên trời". Cả Bạc giật mình hỏi con: "Sao con nói như vậy?" Cậu con trả lời:"Vì con thấy nó giống ngựa bay, cha không thấy lá cờ kia giống con cá đang lội dưới nước hay sao." Cả Bạc nhìn lá phướng bên cạnh, quả nhiên có bốn chữ Thủy để ngư tranh. Hắn đưa con vào đền chỉ vào những câu đối khác, thì cậu bé chịu không trả lời được nhưng thâm tâm hắn nghĩ con của mình thông minh sáng dạ. Hai tháng sau, chọn được ngày tốt cả Bạc rước Ông Tú Hợi ấp Thượng về nuôi ăn ở trong nhà để dạy học cho con.

Phải nói là Cả Bạc đoán đúng, Cậu bé Tiến thông minh khác thường. Trong ba tháng đầu tiên cậu đã thuộc làu tam thiên tự, chẳng những đọc nhớ mặt chữ, cậu còn viết ra được mà nét chữ đẹp không kém thầy dạy mình. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là mồm miệng của cậu bé, nó biểu hiện tính lanh lợi hơn người. Người đầu tiên khám phá cái miệng vàng ngọc ấy là sư phụ của cậu, Ông Tú Hợi, người tài hoa nhưng thất chí vì thi mãi mà không đỗ được cái cử nhân ở bốn khoa thi cuối cùng của triều đình Huế tổ chức.

Ông sinh năm hợi, tên của ông cũng là Hợi. Qua hai lần khoa thi tổ chức vào năm hợi thi hỏng thì đầu ông cũng bắt đầu điểm hoa râm. Đến lần thứ tư, Ông Tú Hợi cho rằng sao Hóa Khoa trong cung mệnh của mình bị triệt thì dù tài ba đến đâu chăng nữa cũng không thể vào chốn quan trường. Ông quyết tâm không thèm đi thi lần nữa và mở lớp dạy học như truyền thống của các nhà nho thất chí bi phẫn công danh.

Ông Tú Hợi cũng khá xui xẻo là mở lớp dạy chữ Nho vào lúc mà mọi người bắt đầu cho con theo học quốc ngữ và chữ Nho chỉ còn tồn tại trong các đền thờ, chùa chiền, miếu mạo... Không ai đưa con đến cho ông Tú dạy cả! Đã thất chí ông lại càng bi phẫn hơn, cuối cùng ông quay trở lại dạy chữ nho cho con gái mình và lấy đó làm niềm an ủi cuộc đời còn lại. Cô Tâm, con gái ông Tú năm ấy mười sáu tuổi mới được cha mình dạy vỡ lòng cho nét sổ, nét phẩy, nét mác. Nhưng cô Tâm không mặn mòi với việc học hành chút nào, chả là cha cô dạy cho cô học quá muộn màng. Đáng lẽ ra ông Tú phải dạy cho cô lúc cô còn bé mới phải, nhưng lúc ấy ông quá bận bịu với khoa cử, nhà thì nghèo bà Tú phải bương chãi suốt ngày với gánh hàng xén trên chợ quận, và Cô Tâm theo mẹ rất sớm để đỡ đần công việc gia đình cho cha rãnh thì giờ theo đuổi nghiệp bút nghiên.

Cô Tâm học dốt nhưng trời phú cho cô sắc đẹp. Thực ra cô không dốt như người ta nghĩ. Chỉ vì cô cho rằng chữ nghĩa không cần thiết cho người con gái, nhất là người có nhan sắc như cô. Cô Tâm nghĩ rằng mình Công, Dung, Ngôn, Hạnh có thua kém ai vì mẹ cô đã dạy dỗ cho cô hiểu rằng sắc đẹp là trời ban nhưng tài ba quán xuyến gia đình lại do chính mình. Điều này cô tự tin qua những năm bán buôn tảo tần, tiếp xúc không biết bao nhiêu hạng người để cô có thể đánh giá chính xác ý trung nhân mà cô có thể trao thân gửi phận sau này.

Đúng năm cô Tâm mười bảy tuổi thì cha cô được Cả Bạc, ấp Hạ mời xuống làm gia sư cho con. Đêm trước khi ông Tú Hợi xuống ấp dưới dạy học, bà Tú làm một mâm rượu thịt như để vừa ăn mừng vừa tiễn chồng. Qua hai lần rót rượu mà ông Tú không hề hé môi tiếng nào, đôi mắt đăm chiêu nhìn qua khung cửa sổ. Bà Tú lên tiếng:"Ông thật lạ, đi dạy học lẽ ra phải mừng sao ông lại có vẻ lo lắng như vậy?" Không trả lời vợ, ông vẫn đắm chìm ý nghĩ trong cái đen kịt của đêm tối tháng mười bên ngoài. Đến ly rượu thứ ba, ông Tú mới lên tiếng: "Tôi nghĩ không ra tại sao Cả Bạc lại cho con đi học chữ Nho trong khi cả làng An Thủy này người ta đều cho con học quốc ngữ?" Bà Tú trả lời: "Ông lo những việc không đâu, người ta mời mình dạy thì mình cứ dạy. Ông nên biết rằng Cả Bạc giàu có hạng nhất nhì làng này. Biết bao nhiêu người muốn làm gia sư mà không được đấy." Ông Tú Hợi hình như không thèm để ý đến câu nói của vợ. Trong đầu ông luôn lỡn vỡn những ý niệm mơ hồ về gia đình Cả Bạc dù rằng Cả Bạc thì không mấy ai lạ gì trong cái làng này. Ông đứng lên nhắc bà Tú: "Mỗi tuần bảo con Tâm mang xuống cho tôi những thứ cần thiết, đến tháng thứ hai tôi mới có thể về thăm nhà."

Từ ấp Thượng xuống ấp Hạ ông Tú Hợi phải đi mất nửa buổi. Lẽ ra ông không phải đi bộ vì Cả Bạc có đề nghị đưa xe ngựa lên đón ông nhưng ông từ chối. Lý do đơn giản là sáng hôm nay trên đường đi ông sẽ ghé thăm Hương cả Thân có chút việc riêng nên không muốn người đánh xe phải chờ mình. Khi đi qua khỏi miếu Củ Chi, ông Tú dừng lại ven đường quay đầu nhìn mái nhà ngói xanh rêu và cái chái tranh của mình thấp thoáng trên bờ dậu tre sau hàng cau thưa mà lòng có chút bùi ngùi. Cả cuộc đời ông chỉ có thể diễn tả bằng hai chữ bất lực. Bên cạnh hai chữ này ông còn nghĩ thêm vô số chữ bất khác như bất tài, bất hạnh, bất công... nhưng rồi sau đó ông nghĩ lại lực bất tòng tâm, không gì qua mệnh số. Cả đời ông lận đận là tại số mệnh ông không suông sẽ trơn tru, ông có muốn cải mệnh cũng không được. Vả lại mệnh của vợ ông bao trùm lấy mệnh của ông, nên cái mái tranh mục nát sắp sửa đổ xuống vợ ông đã đứng ra chống nó lại, lợp ngói hẳn hoi, chỉ còn cái chái tranh bà Tú để lại vì ông Tú yêu cầu giữ nó như giữ một kỷ niệm. Trong thâm tâm ông cái chái tranh là bản mệnh của mình, giữ nó lại có nghĩa ông còn tồn tại trong cái nhà của mình, dù ông khiêm tốn đứng khép nép dưới sự che chở của vợ.

Ông Tú Hợi thở dài xốc lại tay nải rồi tiếp tục đi. Con đường ven sông vắng ngắt. Tiếng ong bầu hút nhụy trầm trầm hai bên vệ đường khiến khung cảnh buổi sáng miền quê càng lắng đọng. Đến Bến Trâu ông Tú rẽ trái vào Đình làng. Trước cổng đình hai câu đối ngày trước ông viết vẫn thi gan cùng tuế nguyệt: Nghĩa, Nhân, Đạo, Đức, nhất gia phú quí vĩnh phong lưu./ Lễ, Nhạc, Thi, Thư, bách thế điền viên thành sự nghiệp. Năm ông Tú bốn mươi tuổi, ông làm đôi câu đối này khi ban hương quản đến nhà xin đôi liễn cho đình làng vừa mới trùng tu lại. Họ nằn nì xin ông diễn tả sao cho người đọc hiểu ngay An Thủy là cái làng có học thức, có chữ nghĩa hẳn hoi và nó luôn luôn biểu hiện được phong thái người dân trong làng qua đôi câu đối. Khi ông Tú trình làng, ban Hương Chính tấm tắc ngợi khen nức nở. Ông Lang Trung, 75 tuổi trước là ngự y cho vua Khải Định, giờ về hưu làm Tiên chỉ đến vổ vai ông Tú Hợi bảo:" Chú làm đôi câu đối này đủ để đời rồi, tuy chú không may mắn về đường khoa cử, nhưng chú phải biết có kẻ hữu danh mà vô thực. Làng ta vô cùng hãnh diện có chú cùng đôi câu liễn này." Ông Lang Trung có lý, từ khi đôi câu đối được khắc lên cặp cột gỗ mun sơn son thếp vàng khổng lồ trước đình, ông Tú Hợi trở nên hữu danh hữu thực và mỗi năm hai lần cúng đình, mâm trên cho hội đồng hương chính có thêm một chỗ ngồi cho ông Tú Hợi.

Ông Tú Hợi đưa tay sờ lên hai chữ Phong Lưu khắc sâu trên cột. Ông nghĩ mình đã gởi gấm tâm sự vào đôi câu đối này hơn là cho đình làng như mọi người nghĩ. Nét chữ thảo bay lượn từ đôi bàn tay tài hoa nhưng bất lực này! Cuộc đời ông quả thật phong lưu vì vợ con ông đã lo cho ông trước khi ông lo, còn sự nghiệp của ông là điền viên vì ông chưa bao giờ thi thố được sở học của mình ngoài đôi câu đối mà ông viết mười lăm năm trước. Ông đã mơ ước nhiều nhưng mơ ước của ông không bao giờ vượt quá hai mươi ngàn dặm vuông của làng An Thủy này và nó cũng chưa bao giờ hiện thực cả. Giấc mộng thành đạt như nước sông Cái chảy qua cầu, có đó rồi trôi đi mất theo tuổi đời của ông. Nhiều khi ông mong nó dừng lại dù chỉ một giây phút ngắn ngủi, nhưng bàn tay ông không nắm giữ nó lại được. Bao nhiêu áo mão cân đai, vinh quang thành đạt là nổi ám ảnh lẫn xót xa mà trong cuộc đời thật hay mộng ông không hề thủ đắc được.

Hương Cả Thân vừa rót trà vừa trả lời ông Tú Hợi, "Thật ra Cả Bạc cho con học chữ Nho không có gì là khó hiểu. Cả Bạc là người bảo thủ có tiếng mà chữ quốc ngữ đã làm cho hắn phiền phức quá nhiều. Khi hai người cháu học quốc ngữ sáu năm trước bây giờ làm thầy ký ở Tỉnh lỵ về thăm bảo hắn rằng thuê mướn nông dân trả lúa theo sản lượng thu hoạch với tỉ lệ bốn một là bất nhân, bóc lột công sức lao động. Thu mua ruộng đất bắt chẹt người nghèo là hành động phi pháp và cường hào ác bá. Hai người cháu của hắn còn mang mấy tờ báo quốc ngữ đọc cho hắn nghe những vụ cải cách ruộng đất trong Nam và phương cách thu thuế mới. Nghe nói với biểu thuế mới này mỗi năm cả Bạc có thể mất đi năm bảy tấn lúa. Hai người cháu đánh đúng vào yếu điểm của cả Bạc. Hắn đã lồng lộn lên, chửi mắng hai đứa cháu con người chị lớn là vô ơn, công hắn nuôi ăn học từ nhỏ bây giờ trở về dạy khôn và còn coi hắn như kẻ thù. Cả Bạc thề không bao giờ cho con học quốc ngữ cũng như xem chữ quốc ngữ là thứ tai họa cho gia đình."

Ông Tú Hợi hỏi tiếp:"Thế hai người cháu của Cả Bạc phản ứng như thế nào?" Hương cả Thân cười:"Chúng nó bỏ đi về Tỉnh, nhưng trước khi rời làng hai đứa đi suốt ấp Hạ lên án thái độ bất nhân của ông cậu mà từ trước đến giờ ai ai cũng cho là nhân từ, độ lượng." Thấy ông Tú Hợi trầm ngâm, Hương cả Thân nói: "Bác Tú có gì phải lo âu, cả Bạc rất trọng nhà Nho với truyền thống gia đình nhiều đời sính nho học. Và thằng Tiến con trai hắn nghe nói rất hiền lành thông minh sáng dạ." Uống cạn hai tách trà, ông Tú Hợi từ giã Hương cả Thân lên đường.

Qua khỏi cầu Phú Lộc là đến Văn Miếu, buổi sáng ai nấy đều ra đồng nên con đường làng vắng ngắt. Tiếng trẻ con ê a quốc ngữ đâu đấy lẫn tiếng xe thổ mộ lóc cóc tạo nên cái âm thanh vang vọng trong tâm hồn ông Tú Hợi một nỗi buồn khó tả. Tiếp cây nhang trong tay người thủ từ, ông Tú đưa lên khỏi đầu khấn vái. Ông cầu cho ông lúc nào cũng quang minh chính đại dù là một hàn nho và may mắn gặp được người học trò xứng đáng hấp thụ chữ nghĩa thánh hiền. Ra khỏi Văn Miếu ông đi một mạch đến ấp Hạ và bước vào cái cổng bằng gạch trên lợp ngói đỏ của nhà cả Bạc thì mặt trời vừa đứng bóng.

Gia đình cả Bạc đón tiếp ông Tú Hợi hết sức nồng hậu, bữa tiệc ra mắt ngoài gà vịt còn có cả cá chép làm gỏi, thứ cá mà chỉ có nhà giàu có trong làng mới dám ăn. Sau hai lần mời rượu, cả Bạc gọi cậu Tiến lên chào thầy. Thằng bé Tiến có khuôn mặt thông minh đỉnh ngộ làm ông Tú Hợi cũng mừng thầm. Ông đứng lên nắm tay nó hỏi:"Con mấy tuổi?" Bé Tiến trả lời không chút suy nghĩ:"Con sáu tuổi, tám tháng mười hai ngày. Con tuổi con rắn ngủ ngày." Ông Tú Hợi cười hỏi tiếp:"Ai dạy cho con như vậy?" Bé Tiến trả lời:"Cha con dạy, thế ông có phải là thầy của con hay không?" Cả Bạc kéo con vào lòng và bảo:"Đây là thầy của con, bắt đầu từ ngày mai Thầy sẽ dạy cho con học, bây giờ con xuống nhà dưới chơi cho thầy ăn cơm." Ông Tú thấy vui vui vì vẻ linh lợi của chú bé. Ông ăn ngon miệng và không từ chối những ly rượu nếp than màu tím sậm mà cả Bạc mời.

Ông Tú Hợi dạy được nửa tháng mới lựa được ngày tốt cúng khai tâm cho cậu học trò. Lúc hạ mâm, ông bẻ cái đùi gà luộc đưa cho cậu. Cậu bé lắc đầu đòi ăn chân gà. Ông bảo:"Không được ăn chân gà, ăn nó con viết chữ như gà bới." Cậu bé Tiến hỏi:"Thế mấy hôm nay thầy bảo con viết chữ đẹp kia mà. Chân gà là chân gà mà chữ đẹp là chữ đẹp. Con thích ăn chân gà hơn." Ông Tú lắc đầu chịu thua đành đưa hai chân gà cho cậu học trò mình gặm. Ông tiếp tục dạy học được ba tháng thì cậu bé Tiến một hôm hỏi ông:"Thầy ơi, sao lúc dạy học thầy không cười? Còn lúc không dạy học thì thầy cười. Phải chăng lúc dạy học thầy không vui?" Ông Tú bảo:" Dạy học phải nghiêm vì lúc dạy mà vui đùa thì không thể nào học được cái hay của Thánh hiền cả." Cậu bé Tiến tiếp ngay: "À, Giáo bất nghiêm, sư chi đọa. Nhưng nghiêm là không cười còn đọa là gì hở thầy?" Ông Tú Hợi mĩm cười bảo:" Đọa là không đứng lên được." Cậu bé tiếp lời:" Không đứng lên được thì phải ngồi, vậy là tọa với nọa giống nhau phải không thầy?" Ông Tú lắc đầu:" Có giống mà cũng có khác, học vài tháng nữa thì con sẽ biết." Cậu bé Tiến thông minh khác thường. Với những câu hỏi mà cậu đặt ra nhiều lúc ông Tú phải suy nghĩ đắn đo mới trả lời được. Hôm cô Tâm mang xuống cho ông một giỏ mảng cầu đầu mùa. Cậu bé Tiến hỏi ông Tú:"Thầy ơi, chị Tâm là một người đẹp phải không thầy?" Ông Tú hỏi lại:"Sao con biết là đẹp?" Cậu bé trả lời:"Vì đẹp là không xấu, nhưng tại sao người ta đặt đẹp xấu để làm gì? Có phải đẹp để được khen mà xấu để ai cũng chê cười? Cái xấu có trước hay cái đẹp có trước mà tại sao không đặt xấu là đẹp mà đẹp là xấu thì có phải đổi ngược được sự chê khen không?" Cứ những câu hỏi hằng ngày liên tục của cậu bé lắm lúc ông Tú tưởng dường như mình gặp Hạng Thác tái sinh.

Một buổi chiều ông Tú dắt cậu bé Tiến đi chơi dạo mát ở bờ sông. Ngồi trên bến sông ông trầm ngâm nhớ đến hai ngày nữa ông về nhà làm đám giỗ mẹ. Trong hai ngày ông sẽ đi thăm người cô bị bệnh ở làng An Xá trong chân núi Bà. Cậu bé Tiến đang chơi đánh đáo đằng xa chợt chạy đến hỏi. "Thầy ơi tại sao những căn nhà ở bờ sông này lại có cái am nhỏ phía sau nhà?" Ông Tú trả lời:"Con còn bé không thể hiểu được việc này đâu. Khi nào lớn lên thầy sẽ nói cho con biết." Cậu bé lẩm bẩm:"Bé không hiểu, lớn thì hiểu. Vậy lớn bé khác nhau ở chổ hiểu và không hiểu, nhưng lớn cũng có thể không hiểu bé. Điều này thầy cũng không làm sao hiểu được." Nói xong cậu quay lưng vừa chạy vừa la: "Chim chích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm."

Làm gia sư cho nhà cả Bạc được hai năm. Cuộc sống ông Tú Hợi khá ổn định. Quần áo vật dụng cần thiết gia đình cả Bạc lo cho ông đầy đủ. Ông Tú một tháng về thăm nhà hai lần. Thỉnh thoảng có những việc bất ngờ cô Tâm xuống thăm và thông báo cho ông rõ. Mỗi khi có cô Tâm xuống, thấy bé Tiến quyến luyến cô thường cho nó một món đồ chơi, khi thì con vụ, khi thì con gà trống bằng đất sét hoặc chiếc trống rung. Lâu không thấy cô Tâm xuống thăm ông Tú, bé Tiến thường hay hỏi:" Chị Tâm sao không thấy xuống thăm thầy, có phải chị đi lấy chồng rồi phải không?" Khi nghe bé Tiến hỏi, ông Tú chợt thấy buồn vì cô Tâm năm ấy mười chín tuổi tuy nhiều nơi ngấm nghé nhưng cô không bằng lòng. Lý do duy nhất là cô không muốn lấy chồng khi cha mẹ còn cần sự giúp đỡ của cô. Ông Tú xoa đầu thằng bé bảo: "Chị Tâm chưa lấy chồng đâu, khi nào lấy chồng con sẽ được ăn cỗ." Cậu bé nghiêm sắc mặt:"Con không thích chị Tâm lấy chồng mà con cũng không bao giờ thích ăn cỗ cả." Hai hôm sau cô Tâm bất ngờ xuống thăm và lần này cô mang cho cậu bé Tiến chiếc ná cao su và một túi kẹo me. Bé Tiến đeo chiếc ná cao su vào cổ rồi rủ cô Tâm đi ra bờ sông chơi.

Đứng trên bờ cậu bé Tiến chỉ xuống dòng nước đang chảy:"Đố chị Tâm sông này sâu hay cạn." Cô Tâm lắc đầu:"Chị không biết nhưng chắc là sâu vì năm nào cũng có người chết đuối." Bé Tiến cười hỏi tiếp:"Có người chết là có ma, thế khúc sông này linh thiêng lắm phải không chị?" Cô Tâm trả lời:"Có lẽ là như vậy, nhưng em hỏi chuyện ấy làm gì ghê lắm mình đi lên phía trên chợ chơi." Nói xong cô Tâm nắm tay bé Tiến lôi đi về hướng chợ. Thằng bé vừa đi vừa đọc to:"Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh, thủy bất tại thâm hữu long tắc linh." Cô Tâm cười bảo:"À em đang đọc Vân sơn ngoại sử phải không?" Bé Tiến gật đầu và hỏi:"Vậy chắc chị cũng học nhiều lắm phải không?" Cô Tâm trả lời:"Chị học ít lắm vì con gái không cần học nhiều."

Cô Tâm và bé Tiến đi qua khỏi con dốc thì tới miếu Thành Hoàng. Bé Tiến rủ cô Tâm vào miếu chơi. Thằng bé chạy trước leo lên con rùa đá ngồi. Cô Tâm đến gần nói:"Em đừng có la lớn và đừng nói bậy vì Thành hoàng làng rất linh thiêng." Nói xong cô ngồi xuống nhìn vào cửa miếu. Hai cánh cửa đóng im ỉm. Một người giữ đền đang làm cỏ phía hông miếu khiến cô cảm thấy bớt sợ bởi khung cảnh tĩnh lặng chung quanh. Phía sau miếu là một am nhỏ vuông vắn như một cái hộp. Bé Tiến chỉ cái am nhỏ rồi hỏi:"Chị Tâm có biết tại sao lại có cái am nhỏ đằng sau miếu không, làng mình dãy nhà ở bờ sông nhà nào cũng có cái am nhỏ này." Cô Tâm suỵt ra dấu cho bé Tiến đừng la lớn và bảo:"Cái am nhỏ là để thờ." Bé Tiến thắc mắc hỏi thêm:"Nhưng thờ ở trong nhà hay trong miếu sao lại thờ đằng sau? Để em chạy ra sau coi cái am đó thờ ai nhé." Không đợi cô Tâm trả lời, nó chạy một mạch ra sau miếu đến thẳng cái am nhỏ mở cửa rồi thò đầu vào trong nhìn chăm chú. Sau khi nhìn xong nó chạy ngược trở lại đến bên cô Tâm và nói:"Không có gì chị ạ, ở trong am chẳng có gì cả ngoài cái bàn nhỏ. Chị có biết tại sao không?" Cô Tâm ra dấu bảo thằng bé theo cô đi đến gốc cây sung cổ thụ ở phía trái miếu gần hàng rào. Cây sung dễ chừng đã hơn trăm năm, rễ lồi trêm mặt đất như những con rắn lớn uốn lượn tạo nên những hốc sâu mát mẻ. Cô Tâm và bé Tiến chui vào một hốc lớn rễ phủ trên đầu như mái nhà. Cô Tâm lấy túi kẹo me tách một viên đưa cho bé Tiến, rồi cô cũng lấy một viên ra ăn. Cô Tâm bảo:"Để chị kể cho em nghe sự tích của cái am sau nhà mà em thấy nơi một số nhà trong làng mình." Thằng bé gật đầu ra vẻ thích thú và ngồi dựa lưng vào thành rễ cây lắng tai nghe.

Khoảng chừng hai trăm năm trước làng An Thủy có khoảng một ngàn dân. Dân ở đây đa số có ba họ Nguyễn, Trần, Lê và chỉ có mười gia đình là họ Lý. Mọi người dân trong làng đều sống bằng nghề nông vì ruộng nương ở đây rất màu mỡ. Họ rất cần cù chăm chỉ và cuộc sống của họ tương đối đầy đủ. Tuy nhiên có ba năm hạn hán liên tiếp, mùa màng thất bát dân trong làng lâm vào cảnh đói khổ. Bao nhiêu thóc lúa dự trữ ăn dần cũng hết mà trời cũng chưa có hạt mưa. Người dân trong làng phải bỏ ruộng đồng xoay sang làm nghề khác. Họ đốn củi, đốt than đem xuống chợ huyện và tỉnh để bán. Một số bỏ làng đi xuống tỉnh làm thuê, đi ở để kiếm sống. Nhưng riêng mười gia đình họ Lý vốn rất đoàn kết vì họ có họ hàng với nhau họp lại và quyết định lên rừng tìm trầm về để bán. Bởi trầm là loại dược liệu rất quí giá cao. Nếu người tìm trầm may mắn gặp được kỳ nam một thứ trầm thượng hạng mà chỉ có vua chúa mới mua được vì nó quí giá không kém vàng ngọc thì người đó giàu có ngay. Do đó mười gia đình họ Lý quyết định tìm trầm và ba thanh niên họ Lý lên rừng với hi vọng tìm được trầm về bán trong khi chờ đợi trời mưa trở lại. Nhưng tìm trầm không phải là chuyện dễ dàng. Lúc bấy giờ cũng có một số người chọn cái nghề nguy hiểm này, nhưng mười người đi thì chỉ có năm người về, năm người bị hổ vồ, trăn quấn hay bị bệnh tật hoặc mất tích vì họ phải lên tận núi cao, vào tận những khu rừng sau thẳm không có vết chân người mới hi vọng tìm được kỳ nam quí giá. Một chuyến đi thường mất ít nhất nửa năm trời, tuy nhiên thường sau một chuyến đi, kẻ may mắn trở về đều khá giả nhờ vào số trầm kiếm được.

Ba thanh niên họ Lý quyết định lên đường tìm trầm vì lương thực dự trữ chỉ đủ dùng cho con nít, đàn bà và người già trong sáu tháng mà trời thì biết bao giờ mới mưa trở lại. Bởi sự may ít rủi nhiều trong việc tìm trầm nên ba người họ Lý lên làng người Rhadé là một sắc dân thiểu số để mua một loại ngãi ngậm vào miệng lúc đi tìm trầm. Loại ngãi này là một loại củ như củ nghệ sau khi được những tay phù thủy người Rhadé cúng bảy ngày bảy đêm biến thành một thứ bùa có khả năng giúp người ngậm nó đi trên rừng sâu chịu đựng được đói khát trong ba tháng, tránh khỏi bệnh tật và thú dữ. Tuy nhiên, loại ngãi này lại có tính độc hại là nếu ngậm nó quá thời hạn ba tháng người ngậm sẽ quên đường về và mãi mãi ở trong rừng sâu như loài dã thú. Do đó, chỉ khi nào hết lương thực mà chưa tìm được trầm người ta mới dùng đến nó.

Ba chàng thanh niên đều có ngãi trong người, nhưng họ không xử dụng ngay. Lên rừng trong sáu tháng đầu họ đi chung với nhau nhưng vì không có kinh nghiệm nên không ai tìm được trầm. Lương thực mang theo cạn dần. Đến tháng thứ bảy họ quyết định tách ra mỗi người đi một hướng và hẹn nhau dù có được trầm hay không đến ngày cuối tháng thứ mười trở về hội họp ở bìa rừng nơi họ xuất phát. Thế là mỗi người đi mỗi ngã và vì lương thực không còn nên họ bắt đầu lấy ngãi ra ngậm. Lần này may mắn là trong thời gian mười ngày đầu tiên hai người trong số họ đã tìm được hai bọng trầm rất lớn. Sau khi gom lại một bao lớn họ vác lên vai và tìm đường xuống núi. Tại điểm hẹn hai thanh niên họ Lý gặp nhau và đồng ý chờ người thứ ba mới cùng nhau trở về làng. Tuy nhiên, một tháng trôi qua vẫn không thấy người thanh niên thứ ba trở lại. Hai thanh niên họ Lý chặt cây trong rừng làm một cái chòi cao để ở, đi săn thú rừng để ăn và tiếp tục chờ đợi. Mãi đến tháng thứ ba mà người thanh niên còn lại trong rừng vẫn bặt tăm. Hai thanh niên họ Lý ngoài bìa rừng vẫn kiên trì chờ đợi cho đến ngày cuối cùng của tháng. Qua thời hạn hai ngày rồi vẫn không thấy, họ quyết định ở thêm ba ngày nữa rồi sau đó buồn bã trở về làng mang tin người thanh niên thứ ba chắc chắn là đã chết trong rừng sâu.

Chín gia đình họ Lý còn lại đến chia buồn cùng gia đình nạn nhân và sau đó đồng ý chia đều số trầm kiếm được ra cho cả mười gia đình. Sau lần đi tìm trầm ấy trời bắt đầu mưa trở lại và mọi người trong làng quay về với ruộng nương. Riêng đám gia đình họ Lý từ đó thề không bao giờ trở lại nghề lên rừng tìm trầm nguy hiểm ấy nữa. Mỗi năm cứ đến tháng ba đúng ngày mười lăm là ngày ba thanh niên ra đi tìm trầm, mười gia đình họ Lý làm lễ cúng rất lớn cho người thanh niên đã chết. Hai năm trôi qua, mùa xuân năm thứ ba kế tiếp cả làng An Thủy được mùa bội thu nên dân trong làng ăn Tết rất lớn. Đêm trừ tịch tiếng pháo tre đì đùng vui tai, mọi người quây quần làm lễ cúng rước ông bà. Gia đình họ Lý có người thanh niên chết lúc đi tìm trầm ba năm trước làm lễ cúng rất lớn. Ngoài mâm cổ cúng ông bà tổ tiên họ còn làm một mâm riêng cúng người thanh niên mất tích. Họ mang mâm cúng ra giữa sân, thắp hương và hướng về rừng sâu vái lạy. Sau khi cúng bái xong họ vào nhà uống trà ăn mứt và chờ hạ cỗ. Trong lúc họ quây quần với nhau thì có tiếng chó sủa lớn, người trong nhà mở cửa nhìn ra sân nhưng trời tối mịt không thấy gì nên họ lại vào nhà. Tiếng chó sủa vẫn dai dẵng sau đó lại gầm gừ. Người trong gia đình nghĩ rằng có thể có trộm nên người chủ nhà lấy thanh mác bén rồi đốt cây đuốc lớn bước ra sân.

Con chó theo bén gót chủ đi về phía sau nhà. Đưa cây đuốc lên cao người chủ nhà đi vòng cây rơm cao thì thoáng thấy một bóng đen vụt bỏ chạy. Cái bóng người mà người chủ thoáng thấy người không ra người, thú không ra thú. Vốn là người can đảm và có võ nghệ, người chủ nhà đuổi theo cái bóng đen kỳ dị ấy đến tận hàng rào sau nhà. Không có cửa sau, cái bóng ấy phải dừng lại và quay mặt về phía người chủ nhà, trong cổ họng phát ra tiếng ú ớ như người câm. Dưới ánh sáng chập chờn đó là một con vật người tuy lông lá bao phủ từ mặt tới chân nhưng trên thân có một số mãnh vải rách bươm dấu hiệu đó là quần áo. Con vật nửa người nửa thú ấy chợt quì xuống lạy người chủ nhà và trên đôi mắt nước mắt chảy ràn rụa. Người chủ nhà sững sờ ngạc nhiên trước sự bất ngờ ấy và ngay khi vừa quỳ lạy xong con vật người ấy vụt quay lưng bỏ chạy ra đầu ngõ, con chó chạy theo sủa liên hồi.

Người chủ vào nhà cho người đi mời các gia đình họ Lý còn lại đến và kể lại câu chuyện vừa xãy ra. Một ông lão lớn tuổi sau khi nghe trầm ngâm một chốc rồi lên tiếng:"Có lẽ thằng cháu chưa chết mà vì ngậm ngãi quá lâu nên không biết đường về và sau đó biến thành xà niên." Một người lên tiếng hỏi:"Xà niên là gì?" Ông lão trả lời:"Xà niên là một loại thú nửa người nữa dã nhân sống trên núi cao. Nó đi đứng như người nhưng không nói được tiếng, ăn uống trái cây như khỉ nhưng không phải loài khỉ và đến bây giờ chỉ nghe những người dân tộc thiểu số miền cao kể chứ chưa ai thấy bao giờ. Trường hợp xãy ra vừa rồi tôi nghĩ đến chín phần mười là thằng cháu đã biến thành một thứ xà niên rồi!" Người chủ nhà hỏi:" Nhưng nếu là xà niên do ngãi độc biến ra sao nó lại biết mà về tới làng được?" Ông lão trả lời:"Có lẽ vì nó là người nên còn linh tánh. Biết đâu do nghe pháo nổ khiến nó nhớ đến Tết mà về." Nghe ông lão nói như thế bà chủ nhà òa lên khóc. Ông lão lại nói:"Đừng lo để một mâm cơm ngoài sân cho đến sáng mai xem sao?"

Đêm hôm ấy có tiếng chó sủa nhiều lần, nhưng mọi người đều ở trong nhà. Sáng hôm sau quả nhiên như ông lão dự đoán, cái mâm cơm hết sạch chứng tỏ con xà niên trở lại ăn cơm. Từ hôm đó trở đi, suốt bảy ngày Tết các gia đình họ Lý đều đến nhà có người thanh niên biến thành xà niên ngủ lại để đến khuya từ kẻ hở khung cửa, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn bão treo trước mái hiên, họ quan sát con xà niên đến hướng vào nhà lạy một lạy rồi ăn hết mâm cơm. Nó ăn bằng đủa như người và hôm gia đình người chủ dọn cho nó món ăn mà người thanh niên trước kia vẫn thích, thì nó tỏ vẻ cảm kích quay mặt về phía cửa lớn vái nhiều lần. Sau khi ăn xong con xà niên uống nước và hướng về cửa nhà lạy một lạy rồi mới đi mất. Chuyện con xà niên về nhà đám gia đình họ Lý giữ hoàn toàn bí mật, không tiết lộ ra vì sợ người dân trong làng dị nghị. Tuy nhiên đến ngày mùng tám Tết không thấy con xà niên đến nữa, ông lão họ Lý cho rằng sau khi ăn Tết nó đã trở về rừng.

Tuy con xà niên không trở lại nhưng với gia đình họ Lý, họ chắc chắn rằng con vật nửa người nửa thú ấy là con cháu mình. Do đó không thấy nó đến họ lại có ý trông ngóng và lo lắng. Họ mong nó trở lại để được chăm sóc như một người trong nhà. Nhưng sau những ngày Tết nó vẫn bặt tăm. Mãi đến tháng năm khi các gia đình họ Lý họp lại nhà của ông lão lớn tuổi nhất coi như nhà thờ họ để cúng tổ tiên giòng họ thì đêm ấy nó lại trở về. Lần này nó lại đến ngay ngôi nhà thờ họ khiến tất cả những người họ Lý càng xác quyết chắc chắn nó là người cháu mất tích của họ vì chỉ những người trong giòng họ mới biết được ngày giỗ lớn này. Đêm hôm ấy trời lại mưa lớn, khi con xà niên đến đêm đã khuya, tiếng chó sủa liên hồi và khi mở cửa mọi người đều nhìn thấy con xà niên đứng trong mưa từ đầu tới chân ướt sũng nước. Ông lão họ Lý ra dấu cho nó bước vào hàng hiên. Nó lắc đầu rồi quì xuống hướng vào nhà lạy bảy lạy như truyền thống cúng bái tổ tiên của giòng họ Lý. Sau khi lạy xong nó chạy đi mất. Từ đó mỗi khi trong giòng họ Lý có cúng giỗ nó đều trở về. Sau khi ăn xong mâm cơm nó lại trở về rừng núi.

Năm thứ hai kể từ khi con xà niên trở về làng, mười gia đình họ Lý họp lại với nhau và quyết định xây đằng sau mỗi nhà một cái nhà nhỏ như một cái hộp vừa đủ một người ngồi ăn để mỗi khi có giỗ chạp hay Tết đến có chỗ cho con xà niên ngồi ăn và tránh mưa. Người trong làng tò mò có hỏi thì đám người họ Lý trả lời rằng họ xây cái miếu để thờ thần đất theo truyền thống của họ Lý từ xa xưa. Phần con xà niên sau đó vì thường về làng nên càng hồi phục dần trở lại tính người tuy nó vẫn không nói được, và nó sống thêm một thời gian khoảng mười năm rồi chết. Nó chết vì bệnh. Đêm biết mình sắp chết nó trở về nhà và chết trong cái am nhỏ mà giòng họ xây cho nó. Sáng hôm sau, lúc phát giác ra nó đã chết, giòng họ Lý âm thầm tống táng nó như một con người. Họ chôn nó trong vườn cạnh cái nhà nhỏ mà nó thường về ban đêm để ăn cơm. Cái nhà nhỏ ấy từ đó biến thành nơi thờ cúng con xà niên giòng họ Lý, mỗi lần ngày giỗ đến họ mang vào đó cúng một mâm cơm, một đôi đủa như những khi con xà niên còn sống. Do đó tuy là nơi thờ cúng mà chỉ có cái bục để mâm cơm mà thôi, ngoài ra không hề có bát hương như bục thờ trong các am miếu khác. Đó là sự tích về cái am nhỏ đằng sau nhà của các gia đình họ Lý bây giờ.

Kể vừa dứt câu chuyện, cô Tâm hỏi cậu bé Tiến:"Em còn thắc mắc về cái am nhỏ phía sau nhà không?" Cậu bé ngẩm nghĩ một lát rồi hỏi:"Vậy Thành Hoàng làng mình cũng họ Lý phải không vì em thấy có cái am nhỏ đằng sau miếu?" Cô Tâm trả lời:"Thành Hoàng làng mình họ Nguyễn, nhưng hai mươi năm trở lại đây một số người trong làng còn sống bằng nghề tìm trầm nên họ lập cái am thờ người thanh niên đã biến thành xà niên và coi đó như ông tổ của nghề tìm trầm. Nghe nói từ lúc lập am đến giờ, nhiều người trước khi lên rừng đã đến cúng và cầu xin gặp may mắn. Sau đó họ thường gặp được trầm và an ổn trở về. Am có tiếng là linh thiêng em ạ." Cậu bé Tiến nói:"Em thấy con xà niên thật đáng tội nghiệp." Cô Tâm hỏi:"Thế nghe kể em có sợ hay không?" Cậu bé trả lời:"Em không thấy sợ mà em lại thích nữa, con xà niên cũng là con người như mình mà." Cô Tâm chỉ đám mây đem đang cuồn cuộn dâng lên ở một góc trời và bảo:"Trời sắp mưa, mình về nhanh lên kẻo không kịp." Nói xong cô đứng dậy kéo tay bé Tiến chạy trong khi tiếng mưa bắt đầu lộp độp trên tàng cây sung.

Cô Tâm và bé Tiến về đến nhà thì trời ập mưa lớn. Gió thổi mạnh và mưa như trút nước. Ông Tú Hợi xuống bếp nấu một ấm nước pha một bình trà trong khi vợ Cả Bạc la giục đám người ở chuẩn bị dọn cơm chiều. Cô Tâm đến bên cha lo lắng nói:"Mưa thế này sao con về nhà được." Ông Tú bảo:"Mưa tháng tám là mưa nguồn, tuy mưa lớn nhưng mau tạnh. Tạnh xong thì về, con không có gì phải lo." Nói như vậy nhưng cơm chiều dọn ra rồi mà cơn mưa vẫn chưa có dấu hiệu gì ngớt cả. Gió vẫn từng đợt quất vào cửa ầm ầm. Trời sẫm tối mà Cả Bạc vẫn chưa về. Vợ cả Bạc giục mọi người vào bàn ăn và bảo người ở để dành cơm cho hắn ăn sau. Cơm chiều xong, cô Tâm phụ dọn chén bát xuống nhưng vợ cả Bạc không cho. Thằng bé Tiến lôi cô Tâm lên ghế trường kỷ ngồi và khoe những bài văn mà nó viết. Tuy nó còn bé mà nét chữ của nó rất cứng cáp. Những nét xóc, mác sắc bén không kém thầy mình. Nó lôi ra hàng chục quyển vở mà nó đã viết từ những bài văn trong Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung Dung. Cô Tâm khen ngợi nó và hứa tháng sau sẽ mang xuống cho nó một con diều.

Cả Bạc về đến nhà thì cơn mưa đã nhẹ hạt dần. Đã tám giờ tối, bên ngoài trời tối mịt. Vất chiếc áo tơi lên bàn, cả Bạc quay lại thấy cô Tâm đang đùa với bé Tiến hắn bảo: "Sẵn xe ngựa, để chú đưa con về nhà. Từ đây lên ấp Thượng khá xa. Phải đi ngay kẻo mẹ con ở nhà trông." Ông Tú Hợi lấy chiếc áo tơi của mình đưa cho con gái và quay lại cám ơn Cả Bạc. Vợ hắn từ nhà sau đi lên bảo:"Hay mình ở nhà ăn cơm để thằng Tám đưa cô Tâm về cũng được." Cả Bạc lắc đầu:"Tôi đã ăn cơm trên nhà lão Quản Dinh, đường lên ấp Thượng ven sông ban tối rất khó đi, thằng Tám không khéo đưa cả xe lẫn người xuống sông. Tôi đi rồi về ngay." Cả Bạc với tay lấy chiếc đèn bão và chiếc áo tơi trên bàn rồi mở cửa bước ra sân. Ông Tú Hợi theo con ra đến tận cổng, đỡ con lên xe đến khi cả Bạc ra roi thét ngựa chạy được một quãng khá xa ông mới vào nhà. Lúc bấy giờ cơn mưa đã tạnh hẳn.

Hai ngày sau bữa tối Cả Bạc đưa cô Tâm về nhà trên ấp Thượng có người xuống nhắn ông Tú về gấp vì cô Tâm ốm nặng. Ông Tú vội vàng thu xếp về nhà không kịp từ giã cả Bạc lúc ấy còn ở ngoài đồng và vợ cả Bạc đang đi chợ quận. Ông nhắn với hai người làm trong nhà và nói với bé Tiến:"Chị Tâm bị bệnh, thầy phải về gấp. Con về nói với cha con khi nào Chị Tâm khoẻ thầy xuống ngay." Bé Tiến lo lắng nói:"Chị Tâm bệnh gì thầy có biết không? Khi nào chị Tâm hết bệnh xuống chơi với con nhé." Ông Tú gật đầu không trả lời rồi tay nãi tất tả đi lên chợ ấp nơi ông hi vọng có xe ngựa để quá giang về nhà.

Ông Tú khéo lo, sau khi rước ông Lang Trung đến nhà chẩn mạch. Cô Tâm chỉ bị cảm mưa. Tuy nhiên thương con và cũng vì lâu ngày mới về được ở lâu trong nhà với gia đình ông cho người nhắn với cả Bạc khi nào con khỏi hẳn bệnh ông mới xuống. Cả Bạc cũng cho người nhà lên nhắn ông cứ ở nhà săn sóc con và hắn gửi lên mấy thang thuốc bổ, bé Tiến gửi cho cô Tâm một chục cam đường. Có cái lạ là tuy cảm mưa mà bệnh cô Tâm kéo dài hơn tháng nhưng vẫn dứt. Vì không ăn uống được, nước da cô xanh xao, người gầy guộc như bộ xương. Đặc biệt cô ít nói, chỉ trả lời nhát gừng những câu hỏi của cha mẹ. Nét tươi vui bặt thiệp ngày nào biến mất, trên giường bệnh chỉ còn là một hình nhân bệnh tật lặng lẽ. Hai vợ chồng ông Tú suốt ngày quanh quẫn bên giường bệnh. Cố làm cho con vui nhưng vẫn không thấy con hé miệng cười. Một buổi tối, cô Tâm rời giường bệnh bước chuệng choạng đến bên cửa sổ nhìn đăm đăm ra ngoài sân. Bà Tú đến bên cô nói:"Con không nên đứng ở đây, coi chừng bị cảm gió." Không trả lời, cô Tâm vẫn đứng đó cho đến khi ông Tú đến bên đở cô vào giường thì cô ngã vật xuống bất tỉnh. Ông Tú hốt hoảng chạy đi mời ông Lang Trung còn bà Tú thì cạy miệng con đổ nước gừng. Khi ông Lang đến nhà thì cô Tâm đã tỉnh lại. Sau khi bắt mạch xong, ông Lang Trung bảo:"Mạch của cháu rất yếu, nhưng không có dấu hiệu bệnh tật gì. Tôi nghĩ đây có thể là tâm bệnh."

Đưa ông Lang về nhà bổ hai thang thuốc, trước khi ông Tú ra về, ông Lang ghé tai nói nhỏ. Ông Tú Hợi gật đầu và về đến nhà thì đã nữa đêm. Hôm sau bà Tú theo lời chồng tự tay chăm sóc con và những lúc chỉ có hai mẹ con, bà Tú nhỏ nhẹ hỏi:"Có phải con có tâm sự mà không nói ra được, con cứ nói ra có khi mẹ giúp con được. Chứ con giữ trong lòng thì làm thế nào mà con hết bệnh được." Không trả lời, cô Tâm đăm đăm nhìn vào mặt bà Tú một chốc rồi cô quay mặt vào tường. Bà Tú thở dài bước lên nhà trên đến bên ông Tú đang đọc sách lắc đầu ra dấu thất vọng. Cứ như thế đến tháng thứ hai bệnh cô Tâm không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn. Ông Tú Hợi nhắn Cả Bạc rằng ông không thể tiếp tục làm gia sư được nữa vì tình trạng đau ốm của con. Tuy nhiên cả Bạc vẫn cho người mang lên nhà ông Tú hai giạ nếp và hai giạ gạo thơm như đền ơn ông.

Ông Lang Trung đến nhà chẩn bệnh lần thứ tư thì cô Tâm chỉ còn là bộ xương khô. Tuy là ngự y cho vua nhưng trường hợp cô Tâm ông Lang Trung cũng đành bất lực. Ông chỉ cho uống thêm thuốc bổ và luôn luôn khuyên ông bà Tú an ủi người bệnh cũng như ráng tìm ra nguyên nhân gây ra căn bệnh của cô Tâm. Nhưng đâu cũng vào đấy, cô Tâm không hề hé ra một lời và tình trạng mỗi ngày một tồi tệ hơn. Dân trong làng An Thủy bắt đầu bàn tán. Kẻ thì bảo cô Tâm thất tình sinh bệnh, người thì cho rằng cô bị ma ám chỉ có rước thầy pháp mới có thể chữa khỏi. Tuy nhiên cũng có kẻ cho rằng cô bị cưỡng bức nên uất hận mà mang bệnh. Tất cả dư luận ấy đều được vợ chồng ông Tú ghi nhận nhưng khi mang ra xem xét kỹ lưỡng đều không có bằng chứng nào chứng tỏ đó là sự thật. Dù được nhiều người theo đuổi và xin dạm hỏi nhưng cô Tâm chưa để mắt xanh vào ai cả thì làm gì có chuyện thất tình. Cô Tâm là người hiền lành ngoan ngoãn lại rất kính tín và không bao giờ đi vào rừng sâu hoặc những nơi có mồ mã thì làm gì mà ma quỉ ám được. Còn trường hợp thứ ba thì cô có đi đêm hôm khuya khoắc nơi chỗ vắng người đâu mà xãy ra chuyện cưỡng bức. Trừ một trường hợp, nghĩ đến việc này ông Tú gọi vợ xuống bếp nói nhỏ trường hợp cả Bạc đưa cô Tâm về hôm mưa lớn. Sau đó bà Tú đến bên cô Tâm hỏi trường hợp bán tín bán nghi kể trên thì cô Tâm đột nhiên trợn trắng đôi mắt và tắt thở.

Thế là rõ ràng rồi. Cả Bạc đã làm cái chuyện đồi bại ấy. Ông Tú đau đớn trước cái chết uất hận của con rồi nghĩ đến thân phận nhà nho nghèo như mình ông lại càng thêm căm phẫn. Sau khi chôn con ở chân núi Bà, ông lên nhà Hương cả Thân kể lại tất cả câu chuyện. Nghe xong Hương cả Thân lắc đầu tỏ vẻ tức giận nhưng sau đó lại bảo:"Cả Bạc giàu có nhất nhì trong làng, ai có chức phận ở đây cũng đều ăn lộc của hắn cả. Còn chuyện cưỡng bức lại không có bằng chứng thì lấy gì mà kiện hắn đây?" Ông Tú thất vọng về nhà. Nhìn nhà cửa hiu quạnh, bà Tú nằm trên giường ràn rụa nước mắt, và bài vị con trên bàn thờ lờ mờ sau đám khói hương càng khiến cõi lòng ông tan nát. Buổi chiều ông Lang Trung lại chia buồn, nghe xong câu chuyện kể, ông Lang chỉ nói:"Chỉ có súc vật mới làm như thế, nhưng bác Tú bớt buồn kẻo lại mang bệnh, ông trời lúc nào cũng có mắt. Thiện ác đáo đầu mà."

Nguyên nhân cái chết của cô Tâm dân trong làng dần dần rồi ai cũng biết, riêng cả Bạc thì vẫn giả ngơ giả điếc. Hôm làm lễ cúng thất bốn chín ngày, hắn còn cho người mang gà vịt lên nhà ông Tú nhưng ông Tú đã ném tất cả lễ vật ra sân. Thằng đánh xe nhặt tất cả mang về. Từ đó hai bên coi như cắt đứt mọi quan hệ. Với ông Tú, cả Bạc là kẻ thù không đội trời chung còn cả Bạc thì xem ông Tú như người mình chưa hề quen biết. Chỉ riêng có bé Tiến, từ khi biết được cô Tâm đã chết. Nó hỏi cha mẹ nó nhiều lần, nhưng lần nào cũng bị la mắng. Nó buồn bã và cũng bắt đầu từ đó nó không bao giờ thèm đụng tới sách vỡ chữ nghĩa nữa.

Năm năm sau, cậu bé Tiến mười lăm tuổi, trong dịp lên núi Bà nhân ngày vía. Nó tìm đến mộ cô Tâm, đứng lặng lẽ, rồi nó khóc âm thầm. Trước khi về nhà nó móc trong túi chiếc ná cao su, con gà trống bằng đất sét và chiếc trống rung ngày xưa cô đã cho nó đặt lên mộ. Không biết nó có biết gì về cái chết của cô Tâm hay không nhưng càng lớn nó càng ít nói, ít cười. Trả lời ai hỏi cũng nhát gừng khác hẳn với cậu bé Tiến ngày xưa thông minh mau mắn.

Tháng tám năm một chín bốn mươi, Tây bất ngờ mở một trận càn vào làng An Thủy. Không biết có phải là ông trời có mắt hay không như ông Lang Trung bảo mười năm trước. Một thằng cháu của cả Bạc theo Tây dắt đám lê dương gạch mặt đi từng nhà vừa đốt vừa vơ vét. Nó đốt cái cơ ngơi của người cậu không thương tiếc. Cả Bạc ngoài đồng được tin chạy về bị bắn chết trên bờ ruộng đang cấy dỡ. Vợ cả Bạc tiếc của không chịu chạy theo đám người ở vào chân núi nên bị đám tây đen gạch mặt bắt và hãm hiếp sau đó ném vào lửa. May mắn cho cậu Tiến ngày hôm ấy lại vào thăm mộ cô Tâm ở chân núi Bà. Khi đám khói đen từ làng An Thủy bốc lên nghịt trời thì đám dân làng chạy giặc cũng vừa đến chân núi. Họ giữ cậu Tiến trở lại vì không muốn cậu phải chết vô ích như những người dân tiếc của khác dù cậu nằng nặc muốn chạy về.

Đám lính Tây đốt xong ấp Hạ rồi tiến đến ấp Trung tiếp tục càn quét. Tự vệ làng theo đám hương quản bỏ chạy lên núi từ sáng sớm. Đốt hết ấp Trung chuẩn bị đốt đến ấp Thượng thì có lẽ đã mõi mệt thằng chỉ huy ra lệnh rút đi. Hai ấp của làng An Thủy chỉ còn là một đống tro than. Cái lẫm lúa của cả Bạc cháy đến ba ngày sau mới tắt. Sau trận càn, khi lực lượng Việt Minh từ núi Hòn Ngang kéo về làng thì người dân mới biết tụi Tây trả thù trận đánh úp đồn Suối Cạn ba hôm trước. Lực lượng cũng đã tính đến chuyện này nhưng tụi Tây ma mãnh dương đông mà lại kích tây, nó không càn làng gần mà cho lực lựơng lê dương từ tỉnh đi ngược lên càn làng An Thủy bên kia sông. Tuy nhiên cũng may mắn ấp Thượng còn nguyên vẹn sau trận càn quét đó.

Cậu Tiến sau khi chôn cất cha mẹ xong cùng đám thanh niên trong làng lên núi gia nhập lực lượng Việt Minh. Từ căn cứ núi Bà, thỉnh thoảng có dịp xuống núi cậu đều ghé thăm mộ cô Tâm. Một đêm theo tiểu đội tuyên truyền về ấp Thượng, cậu Tiến đến nhà ông Tú Hợi nhưng không dám vào nhà. Cậu đứng trước cổng rất lâu nhìn qua cửa sổ trong cái ánh đèn dầu lạc lờ mờ cậu tưởng dường như thấy bóng ông Tú ngày nào nắm tay cậu dạy vỡ lòng nét sổ nét mác của chữ nhân ngày trước. Rồi bóng cô Tâm ngồi kể cho cậu nghe câu chuyện xà niên dưới gốc cây sung trong miếu Thành Hoàng. Cậu Tiến đứng mãi trước cửa nhà thầy mình cho đến khi người bạn đồng đội đến kéo đi thì trời đã gần sáng.

Ba năm sau, không hiểu lý do tại sao cậu Tiến rời bỏ Việt Minh về làng làm một cái chòi ở chân núi Bà cạnh mộ cô Tâm và sống ở đó bằng nghề đốn củi. Theo những thanh niên Việt Minh nói thì cậu Tiến đã bị điên nên lực lượng cho cậu về nhà. Thực tế nói cậu điên cũng phải vì từ lúc cậu về sống trong cái chòi ở chân núi, không ai thấy cậu nói một tiếng nào. Ai hỏi cậu cũng lắc đầu rồi bỏ đi. Người bác dưới tỉnh lỵ lên rước cậu nhiều lần về nuôi, nhưng cậu lại trốn về cái chòi ở chân núi. Một năm sau hai vợ chồng ông Tú Hợi cũng lần lượt qua đời. Mộ hai người cũng được chôn cạnh mộ cô Tâm. Cả ba ngôi mộ đều được cậu Tiến chăm sóc. Người trong làng bảo cậu Tiến đang trả cái nợ mà cha cậu đã gây ra mười lăm năm trước. Tuy nhiên bẳng đi một thời gian người ta không thấy cậu Tiến nữa. Cậu đi đâu mất mà ba ngôi mộ cỏ mọc um tùm vì người cô già duy nhất của ông Tú ở làng An Xá chăm sóc mộ cũng đã qua đời hai năm sau đó.

* * *
Năm một nghìn chín trăm năm mươi, đúng năm ba mươi tuổi cậu Tiến trở về làng. Phải nói là ông Tiến mới phải vì không ai còn nhận ra cậu Tiến ngày trước. Đầu đội chiếc nón màu xanh cứt ngựa, tóc dài phủ vai, khuôn mặt vàng như sáp và bộ quần áo trây di xanh ông Tiến ngày hôm ấy là một người hoàn toàn xa lạ đối với người dân trong làng An Thủy này. Ông vẫn không cười không nói một lời nào với ai. Đi thẳng đến miếng đất vườn nhà cả Bạc ngày xưa bây giờ là vườn trồng bồ quân mà đứa con cả Quản Dinh mua của Uỷ ban cải cách ruộng đất năm bốn lăm. Ông Tiến đưa hai trăm đồng ra dấu xin mua lại. Phải nói với hai trăm đồng lúc bấy giờ người ta có thể mua bốn miếng đất như thế. Đứa con của Quản Dinh đồng ý và mãi đến khi làm giấy tờ ở Hội đồng xã người ta mới biết cái con người không nói như câm kia là cậu Tiến con Cả Bạc ngày xưa.

Sau khi có miếng đất trong tay, ông Tiến làm lấy một cái chòi vuông vức vừa cho ông nằm mà từ xa người ta tưởng dường như đó là cái chuồng bồ câu. Sau đó ông vào tận chân núi Bà tự tay bốc mộ cô Tâm và vợ chồng ông Tú đem thiêu ngay tại chân núi rồi bỏ tất cả tro vào một cái hộp sắt đem về chòi cất dưới mái tranh. Ông Tiến không thờ cúng gì cả và cũng từ hôm đem cái hộp cốt về ông bắt đầu cuộc đời đi ăn chực.

Ban đầu mỗi trưa khoảng giờ cơm ông đến một nhà trong làng mang theo một cái chén, một đôi đủa và ngồi trước hàng hiên như một khất sĩ. Người trong nhà thấy ông hiểu ý xới cho ông một chén cơm trên để một khúc cá hay một miếng thịt. Ông không hề cám ơn chỉ bưng chén cơm lên ăn ngay tại chỗ. Sau khi ăn hết chén, chưa thấy no ông lại đặt cái chén trước mặt và ngồi chờ. Nếu người trong nhà thấy khó chịu không thèm xới thêm, ông Tiến sẽ ngồi lì mãi cho đến khi nào người trong nhà chịu xới mới thôi. Ăn xong ông Tiến mang chén ra sông rửa và về chòi nằm. Đến chiều khoảng giờ cơm ông lại đến một nhà khác và lập lại hành động xin cơm như ban trưa. Không bao giờ trong một ngày ông đến cùng một nhà hai bữa trừ khi nào chủ nhà ngỏ lời mời. Đó là phép lịch sự đặc biệt của ông Tiến.

Một năm đầu tiên người trong làng rất khó chịu với cách xin ăn của ông Tiến. Một số người nổi nóng chửi thẳng vào mặt ông nhưng ông vẫn im lặng từ tốn đặt chiếc chén trên thềm nhà và chờ đợi xới cơm. Nếu chủ nhà bất bình đóng cửa không cho thì ông vẫn ngồi lì ở đó cho đến bữa cơm chiều dọn ra. Bấy giờ không ai nỡ để ông phải chịu đói mà tự động xới cơm cho ông và bù cho bữa trưa thiếu, họ xới cho ông nhiều hơn và hôm ấy tuy là ăn một bữa nhưng ông vẫn thấy no nê. Cái im lặng của ông Tiến không là vàng bạc nhưng nuôi sống ông và không biết trong cái im lặng ấy ông tính toán như thế nào mà đến năm thứ hai ông đã thuộc lòng tất cả ngày giỗ chạp chưa kể đến những tiệc tùng khoản đãi bất ngờ trong ngày.

Những năm về sau ông Tiến hòa vào nhịp sống quen thuộc của cái làng An Thủy này đến độ không ai còn thắc mắc đến bữa cơm chực của ông nữa. Vả lại sau này bữa cơm ông đến là bữa cơm vui, rượu thịt ê hề nên không còn mấy ai quan tâm đến cái chén và đôi đủa của ông cả. Cái quá khứ của ông cũng không còn ai nhắc đến trừ những người già trong lúc trà dư tửu hậu. Tuy nhiên đối với trẻ con trong làng, ông Tiến với râu tóc xồm xoàm khuôn mặt vàng như sáp lầm lì trong bộ quần áo nhà binh ghét bẩn rộng thùng thình là một thứ xà niên thời đại mới được dùng để dọa những khi chúng khóc mà không chịu nín. Và ông có lẽ cũng tự biết mình đã biến thành thứ xà niên trăm họ từ sau cái chết của cô Tâm và cha mẹ ông. Cuộc đời cha ông là thứ ngãi đắng tuy ông không ngậm nó nhưng nó lúc nào cũng tồn tại trong lòng và cái dư vị độc hại của nó đã giết dần mòn ông, biến ông thành con người câm điếc ngay từ khi bắt đầu trưởng thành. Ông cũng đã lạc lối về quê cũ nhưng phải chăng hình ảnh trong sáng của cô Tâm, tình thầy trò sâu đậm với ông Tú Hợi đã réo gọi ông trở về. Bây giờ ông xem dân trong làng là họ hàng của mình và tự họ có bổn phận phụng dưỡng ông. Mỗi mái hiên nhà trong làng An thủy như là cái am nhỏ của dòng họ Lý xưa kia mà mỗi khi có tiệc tùng cúng giỗ phải đặt vào đó một phần ăn cho con xà niên bất hạnh.

Mùa đông năm một chín bảy mươi, một cơn mưa tầm tã kéo dài ba ngày. Qua ngày thứ ba nước bắt đầu dâng lên cao. Cơn lũ lụt chưa từng xãy ra trong hơn sáu mươi năm tại làng An Thủy này kéo dài hai ngày hai đêm. Hai phần ba nhà cửa trong làng bị ngập và lũ cuốn đi, người chết và mất tích vô số kể. Cái chòi của ông Tiến không tránh khỏi được trận thiên tai kinh khủng ấy. Tuy nhiên khi nước rút hẳn, xác ông Tiến còn nằm kẹt trong đám gai bồ quân. Ông chết nhưng hai tay nắm và ghì chặc hộp tro cốt cô Tâm và vợ chồng ông Tú Hợi trước ngực và người trong làng chôn ông cùng chiếc hộp cốt ngay trên nền chiếc chòi ấy. Những năm về sau vườn bồ quân là một vườn hoang và ngôi mộ của ông chìm mất trong đám cỏ dại cao ngập đầu người. Từ bến đò Cây gạo người dân về làng đi ngang mãnh vườn hoang ấy những đêm tối trời thường bảo thấy bóng bốn người chập chờn như nhảy múa trong vườn. Và đâu đó mỗi lần có ai nhắc lại chuyện cũ, người trong nhà thường nhìn ra hàng hiên tưởng dường như thấy bóng dáng ông Tiến đang ngồi chờ bát cơm khất thực.

 
 

Lê Lạc Giao

Tháng 4-1995