MỘT MÙA MÃI VÕ

 
 
 

Hai mươi hai tháng chạp thật buồn. Khang đi bộ và lang thang mãi ở ngã Bảy. Xe chạy lặng lờ chung quanh và hầu như anh không nghe tiếng động nào, làm như dòng xe cộ kia trôi nổi bên ngoài ý thức của một kẻ đang sống với cơn mộng ảo, trên dòng nước vô tình của con sông nhân gian. Khi Khang đến giữa bùng binh, anh đi theo vòng tròn chu vi bồn hoa rất nhiều lần vì không biết mình ước muốn gì để khai thông dòng suy nghĩ đang bế tắc. Nhìn mặt trời xế bóng, Khang vội nhảy xuống tam cấp tìm đường tắt về nhà Lĩnh. Anh đoán đã năm giờ chiều. Ánh nắng ngày cuối năm hoi hóp bên kia dãy nhà cao tầng. Khang dừng chân nhìn rạp chiếu bóng trước mặt đang quảng cáo một cuổn phim đấu tranh cách mạng. Có rất nhiều nắm tay đưa lên trời và phía sau một màu đỏ nhức mắt. Khang dùng tay lau mồ hôi trên trán rồi tiếp tục đi theo con đường tắt phía sau lộ chính. Chừng mười lăm phút sau, Khang đến nhà Lĩnh. Anh tần ngần trước cửa nhưng không bấm chuông, bên tai vang tiếng ê a của lũ trẻ đang tập đọc bài học vỡ lòng từ trường mẫu giáo phía trước nhà Lĩnh. Có rất nhiều xe gắn máy đang chở quà tết chạy qua trước mặt anh. Dưa hấu, bánh tét, bánh chưng treo lủng lẳng trên ghi đông xe. Khang bấm chuông.

Lĩnh mở cửa. Chinh và Trân, hai đứa con trai lớn của Lĩnh đang ngồi trên hàng hiên đứng lên cúi chào khi thấy Khang bước vào. Lĩnh khoác vai Khang đi vào nhà. “Hôm nay ông đến muộn, tôi muốn cho ông xem cái này.” Lĩnh nói với Khang rồi bước ra sau nhà, và khệ nệ trở lên với một chiếc bình sành to trên đôi tay. Khang cười hỏi:

“Rượu phải không? Để uống ngày tết?”

Lĩnh lắc đầu nói như than:

“Ông chóng quên thật, tháng rồi cứ nhắc thang thuốc võ. Tôi bổ thuốc tận ngoài Trung, mới đủ hai mươi tám vị ngâm năm lít như ông yêu cầu đấy!”

Khang nhớ ra chuyện tháng trước hỏi:

“Tôi nhắc hai thang, còn thang thứ hai, chỉ có mười tám vị mà ông lo không xong hay sao?”
“Ông chỉ nghĩ đến uống rượu, thầy võ sao mà bê tha?”
“Không như ông nghĩ, tôi luyện túy quyền kia mà!”

Khang vừa nói vừa cười trong khi Lĩnh đứng lên vào trong phòng ngủ mang ra một bình rượu thứ hai nhỏ hơn màu cánh gián. Đưa bình rượu trước mặt Khang, anh chụp lấy mở nắp sành rồi đưa lên mũi ngửi. Lĩnh nhăn mặt ngao ngán khi thấy Khang đưa cả chiếc bình lên miệng uống một hớp dài. Lúc này ngoài sân vang tiếng chân di chuyển của hai đứa học trò đang luyện quyền, Khang nhìn ra sân gật gù nói:

“Thang thuốc bổ! Ông tài thật vừa đúng cuối năm.”

Lĩnh không nói gì chỉ ngồi nhìn Khang. Bên ngoài nắng chiều vàng sẫm và một cơn gió đi lạc qua khiến chùm hoa giấy đỏ lung linh. Khang liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường rồi đứng lên đi ra sân. Anh nhớ bổn phận dạy võ cho hai đứa con của Lĩnh.

Trân và Chinh là hai con trai người vợ trước của Lĩnh đã mất vì bệnh nan y lúc anh ta còn đang trong trại cải tạo. Tuy nhiên Lĩnh đã ly dị vợ khi còn đi làm, và như Lĩnh kể, bốn đứa con hai gái, hai trai rất hận cha mình. Nhưng thời thế thay đổi, sau tám năm tù cải tạo trở về nhà, bốn đứa con tuy có nhà riêng, mỗi tuần đều ghé thăm cha và sự uất hận trước kia dường phai nhạt dần.

Thời thế giúp xóa đi ranh giới hận thù giữa cha con Lĩnh, thì Khang cũng có phần đóng góp việc hàn gắn này, khi anh đến nhà Lĩnh vào một buổi chiều mùa hè năm trước. Lĩnh sống với người vợ sau và có hai con. Đứa con gái lớn 12 tuổi trong khi con trai thứ hai mới sinh được ba tuần lúc Khang đến thăm Lĩnh.

Khang thường nghĩ mình đói về mặt tinh thần còn thể chất có chút khá hơn, vì được người chị nuôi hai bữa cơm. Người yêu của Khang đã ra nước ngoài sau khi anh vào tù cải tạo hai năm. Chuyện này giờ với anh không mang một ý nghĩa nào, và đôi khi anh xem như chuyện cổ tích nếu có người thắc mắc. Thực ra Khang không quên tình yêu, nhưng anh đặt nó vào một góc tối cốt lãng quên. Cuộc đời anh, trên ranh giới ý thức, đang chiến đấu một mất một còn với sự chấp nhận hay phủ nhận bao điều tồn tại mà anh không thể lựa chọn. Tuy Khang vẫn cố chấp cho rằng mình có thể tự do quyết định tất cả trong khi cuộc đời hiện tại, anh không hề có chút tự do. Thế nên anh rất cô đơn và nhiều khi tự gán cho mình vĩnh viễn cô đơn.

Khang còn nói thêm mình đói vì cô đơn có nghĩa thèm được nói chuyện, tâm sự bởi anh không có công ăn việc làm. Buổi sáng dậy sớm, Khang đạp xe xuống công viên thành phố tập thể dục, vừa tìm người cùng cảnh ngộ nói chuyện, hoặc uống café. Câu chuyện ngày càng nhạt nhẽo vì cứ nói đi nói lại nhiều lần, khiến Khang cảm tưởng mình giống bản tự khai trong tù. Rồi thời gian làm những cựu tù cải tạo quên dần đi bao trải nghiệm lầm than, đau khổ một thời. Nếu không quên cũng phải quên vì không ai muốn lưu giữ nó lại làm gì. Nghĩ đến đó lúc đưa hai tay lên trời, thay vì cho nó chìm xuống chậm rãi, Khang lại để nó rơi tự do trong động tác “thái cực hoàn nguyên” rồi chợt nhớ đến Lĩnh, và nghĩ mình đi tìm Lĩnh nói chuyện võ vì Lĩnh mê thái cực quyền lúc hai người còn trong trại.

Khi Lĩnh mở cửa thấy Khang mừng lắm, hai tay chụp vai bạn hỏi liên hồi, “Sao ông biết địa chỉ nhà tôi! Trông ông như có bệnh, nghiêm trọng không nào, vào nhà nói chuyện?” Khang không trả lời mà đi thẳng vào hàng hiên ngồi xuống chiếc ghế mây nói với Lĩnh:

“Có café cho tôi một tách. Địa chỉ nhà ông lúc ở trong trại, tôi ghi rõ lên túi xách tay.”

Nói xong, Khang đưa mắt quan sát nhà Lĩnh vừa hỏi tiếp, “Gia đình ông thế nào, có hanh thông vui vẻ hay bị đì như tôi?” Phải nói nhà Lĩnh là biệt thự mới đúng, kiến trúc kiểu Pháp cho các công chức cao cấp ngày xưa. Nhà đúc một tầng nhưng sườn nhà toàn bằng gỗ quí nhẵn thín, bóng loáng. Phía sân trước, tường cao ba mặt phủ kín hoa giấy đỏ, rộng đủ chổ cho bốn năm chiếc xe hơi đậu. Lĩnh trả lời Khang rồi đi vào nhà sau:

“Vợ chồng tôi cũng tạm ổn, lại vừa có thêm thằng cu ba tuần tuổi. Tôi xuống nhà mang café lên cho ông ngay.”

Lúc vào bếp nhìn thấy gói mì trên bàn, Lĩnh suy nghĩ rồi bỏ mì vào tô chế nước sôi xong, liền pha một tách café sữa cho Khang. Anh nghe tiếng vợ ru con trong phòng ngủ bèn bỏ ý định gọi vợ ra giới thiệu với bạn.

Trong lúc nhắp ngụm café, Khang chỉ khoảng sân rộng nói, “Chỗ này tập võ tốt lắm!”, Lĩnh cười gật đầu:

“Mỗi sáng tôi tập thái cực quyền trên sân nhà khỏi phải đi đâu cho xa!”
“À ông tập rồi!”

Nghe Khang nói giọng như tiếc rẻ không được dạy thái cực quyền cho mình, Lĩnh nói:

“Tôi xuống sân Phan đình Phùng học Thái cực Đường Lang ba tháng trước, nhưng tôi sẵn sàng học Thái cực do ông chỉ dạy nếu nó không phải là thái cực Đường Lang.”

Không đợi Khang trả lời, Lĩnh nói tiếp:

“Tôi có hai thằng con trai lớn, thích võ lắm. Nghe kể chuyện ông, liền nói với tôi xin ông dạy cho hai anh em nó. Nhưng ông có rảnh hay không cái đã.”
“Tôi đang thất nghiệp, ăn nhờ ở đậu bà chị. Mỗi tuần trình diện báo cáo phường. Đi đâu cũng phải xin phép, và đến đâu xin việc cũng không ai cho làm. Tôi đang đói đây.”

Lĩnh lẳng lặng ra sau bếp, bưng tô mì ăn liền cho Khang. Khang mở nắp ăn một mạch hết tô mới ngửng đầu thấy Lĩnh nhìn mình như xót thương, cảm thông. Lúc này vợ Lĩnh mới lên chào Khang rồi mang cái tô không ra sau.

Khang và Lĩnh ra sân đứng nhìn trời. Cả hai như đang nhớ lại những ngày lao động gian khổ trên vùng trung du bắc Việt. Đâu đấy lác đác vài tiếng pháo, Khang thở dài nói:

“Chúng ta về nhà đã ba năm mà tôi cứ nghĩ mình mới ra khỏi trại. Vài ngày nữa lại Tết, không khí cuối năm sao mà buồn thảm!”

Khang kể vừa rồi mình đạp xe lẩn quẩn ở ngã sáu, ngã bảy cả giờ đồng hồ. Lĩnh gật đầu hiểu bạn, anh nói với Khang:

“Tôi có thêm đứa con trai mới thấy sự khác biệt chứ trước kia tâm trạng cũng không khác ông. Xuống phố nhiều khi lẩn thẩn không nhận ra mình đang ở đâu và làm cái gì.”

Có tiếng bấm chuông, Lĩnh mở cửa và hai con trai lớn đưa xe đạp vào nhà. Trân, Chinh tuổi mười sáu và mười tám. Lĩnh giới thiệu với Khang như hai đứa học trò tương lai. Hai anh em Chinh sáng đi học, chiều bán chợ trời phụ với hai chị lớn. Buổi chiều trước khi về nhà ở Đa Kao thường ghé thăm cha. Khang đồng ý dạy võ cho Trân và Chinh ba ngày trong tuần. Ngồi hàng hiên nửa đùa nửa thật, Khang nói với ba cha con Lĩnh:

“Tôi nghiệp văn chứ không phải võ. Thời thế đổi thay, tôi chuyển qua võ để giải sầu chứ không phải mưu sinh. Ông nhớ câu thơ hà dĩ giải ưu/duy hữu Đỗ Khang hay không? Khang chính là tôi trong câu thơ của Tào Mạnh Đức đó.”

Nghe Khang nói, Lĩnh phì cười:

“Hóa ra ông mong có rượu giải sầu. Võ là cái cớ. Lúc này chỉ có rượu đế, ông đồng ý thì tôi xuống lò rượu để mua rượu tốt mà uống.”

“Tôi sẽ cho ông hai cái toa thuốc ngâm rượu. Toa thứ nhất trật đả và toa thứ hai cường thân kiện thể. Ông đi Chợ lớn kiếm thuốc tốt để bổ càng sớm càng tốt.”

Lĩnh gật đầu rồi hỏi Khang:

“Ông dạy chúng nó võ Tâu hay võ ta, còn tôi học Thái cực quyền Trần gia như ông kể lúc còn trong trại phải không?”

“Đúng rồi, tôi sẽ dạy ông Thái cực Trần gia câu của Dương trừng Phủ. Hai con ông tôi sẽ dạy Hồng quyền nam thiếu lâm.”

*
Ba tháng trôi qua nhanh với ba ngày trong tuần dạy võ vào buổi chiều. Tuần lễ đầu Lĩnh còn siêng năng tập thái cực. Tuần lễ thứ hai anh nói với Khang, “Tôi lười học thêm, thôi tôi quay về thái cực Đường Lang cho khỏe.” Thực tế, Lĩnh bỏ tập đều đặn, chỉ giỏi cuối giờ khi Trân và Chinh ra về, hai người uống rượu “ngắm hoàng hôn” theo kiểu nói của Lĩnh cho đến tám giờ tối, Khang mới đạp xe về nhà.

Từ khi hai thang thuốc rượu dùng được, cứ giữa buổi tập đến giờ giải lao, từ trên hành lang Lĩnh trịnh trọng bước xuống ba bậc tam cấp, hai tay bưng chiếc mâm sứ trên có ba chiếc ly con rượu thuốc cường thân kiện thể cho sư phụ Khang và hai con trai uống. Cứ như thế, cử rượu võ giữa giờ và cử “rượu ngắm hoàng hôn” làm tửu lượng của Khang ngày càng cao, trong khi Trân và Chinh luyện Hồng quyền chuyên cần, cả hai vạm vỡ trông thấy. Lĩnh hài lòng lắm, thỉnh thoảng lại lên chợ ông Tạ mua về hai lạng bê thui để hai người uống rượu vào buổi tối. Có hôm không có bê thui, Lĩnh thay vào thịt chó luộc. Một hôm uống chừng hai tuần rượu, Lĩnh nói với Khang:

“Rượu của ông tốt thật. Tôi uống mỗi ngày vài chung mà thể chất cũng cải thiện rõ rệt. Nhất là gân cốt, rượu gia truyền phải không?”

Nghe chữ vài chung, Khang bật cười gật đầu, “Toa thuốc của ông nội tôi, vốn là học trò của một vị võ cử nhân nhà Nguyễn. Ông tôi truyền cho bác tôi, và bác tôi truyền lại cho tôi…” Nghe đến đấy Lĩnh ngắt lời:

“Thế bố ông đâu rồi không thấy nhắc tới.”
“Bố tôi đặc biệt ghét võ, chỉ mê tiền và đàn bà trong khi bác tôi mê luyện võ đến quên ăn quên ngủ.”

Nghe Khang nói, Lĩnh cười xòa:

“Sao sở thích tôi giống bố ông như thế! Còn ông thì như thế nào?”

Khang đáp gọn:

“Tôi sở thích giống cả bác lẫn bố.”

Lúc này dòng nước cay nồng rót vào trong thân thể, nâng ước mơ những con người bất hạnh kiểu Khang và Lĩnh tìm thấy lại cảm giác êm đềm hạnh phúc một thời bình an xưa cũ. Khang như thấy lại ông bà mẹ cha, và những người thân yêu quen thuộc trong gia đình mà khi tỉnh táo anh không dám nghĩ đến vì mặc cảm thương tâm bị bỏ rơi, hay bị xua đuổi ra khỏi chiếc vòng tròn đời sống xã hội quen thuộc hàng ngày. Trong khi đó Lĩnh dường như tâm hồn an ổn hơn, mỗi chiều nhìn hai con trai khỏe mạnh vui vẻ tập võ, đã xóa dần đi mặc cảm một thời phụ rẫy năm mẹ con, chỉ vì người vợ hiện tại vốn là hoa khôi của trường đại học dược khoa mà Lĩnh bấy giờ say mê đeo đuổi.

Chiều nay khi Lĩnh nghe Khang khen hai đứa con trai có năng khiếu và chuyên cần tập luyện võ thuật, khuôn mặt Lĩnh như sáng lên, anh kéo ghế đến gần Khang nói như tâm sự:

“Tôi biết ơn ông rất nhiều, hai đứa con tôi từ lúc học võ đến giờ tính tình nhu hòa và hiếu thuận hơn. Tôi thật sự trông cậy vào ông, nhất là mặt hạnh kiểm. Chỉ mong ông truyền cho chúng nó tinh thần võ đạo…”

Nói đến đấy, Lĩnh dừng lại rót rượu vào ly Khang rồi hay tay nâng lên tỏ vẻ khẩn cầu làm Khang tức cười. Anh hiểu, Chinh con trai trưởng của Lĩnh tuy bề ngoài hiền lành nhưng thỉnh thoảng thấy mắt nó ánh lên vẻ căm hận khi nhìn người mẹ kế, trong khi Trân là em lại tỏ ra hiền lành rất mực. Lĩnh cũng nhận ra điều này nên lo ngại. Khang thỉnh thoảng gọi riêng Chinh nói với nó ý nghĩa sự thù hận và yêu thương của võ học. “Trong nghệ thuật chiến đấu, cùng một chiêu thức nhưng với lòng thù hận nung nấu và tâm hồn dung dị yêu thương diễn ra khác biệt. Con có biết như thế nào hay không?” Chinh lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.

“Chiêu thức có thể biến thành vũ khí giết người và cũng có khi trở thành vũ khí chinh phục đối thủ chẳng qua xuất phát từ tấm lòng con người.”

Lúc này Chinh tỏ vẻ hiểu và thỉnh thoảng hỏi Khang cách xử dụng hữu hiệu các đòn chiến đấu, rồi luyện tập các chiêu thức của bài võ triệt để hơn. Thái độ của Chinh khiến Khang nghi vấn trong lòng, và anh mỗi lần chiết chiêu đều bắt hai anh em tập với nhau. Khang hi vọng thái độ vô tâm của Trân giúp Chinh vận dụng chiêu thức thoải mái chứ không cưỡng bức như khi tập một mình.

Tết năm nay không khí se lạnh khác thường, tuy nhiên ngồi co ro trong sân uống rượu phải mặc áo dày hơn làm Khang và Lĩnh nhớ đến những cái tết trong tù và cái lạnh cắt da xẻ thịt miền trung du bắc Việt vào tháng chạp. Năm 1979, rét kinh khủng. Điều làm ai cũng sợ hãi là cơn gió bấc trong cái lạnh cắt da. Khang thấm thía nhất lúc mình bước xuống ruộng lúa để cấy hoặc nhổ mạ. Giải lao bước lên bờ ruộng ngồi uống ly trà nóng, hút điếu thuốc lào thì cơn gió thổi qua. Ống quần xắn cao, chân còn ướt tiếp xúc cơn gió không đến năm giây nghe hai chân rát buốt, Khang nhìn xuống thấy chi chít dấu cắt chữ thập trên da chân ứa máu. Lúc ấy anh hiểu được chữ “gió lạnh cắt da” diễn tả sự thật chứ không hề trừu tượng chút nào. Hôm nay ngồi uống rượu cuối năm giữa sân nhà Lĩnh, Khang lại nhìn quanh mãi miết như để xác minh tình trạng hiện tại của mình. Lĩnh cười hỏi:

“Ông nhìn cái gì, có phải chưa quên được một thời điêu linh?”

Khang gật đầu cúi xuống nâng ly rượu lẩm bẩm, “bỏ ta đi, là ngày hôm qua không giữ lại được/làm loạn lòng ta, là ngày hôm nay chồng chất bao ưu phiền(1) sao cứ mãi ám ảnh khôn nguôi ông Lĩnh ạ!" Lĩnh nghe thở dài, nâng ly rượu mình cụng với ly của bạn như cùng chia sẻ một phiền muộn cuộc đời mà hai người một thời không muốn tham dự, nhưng lại khốn khó gắn bó không thể tách rời với nó. Hai người uống cạn, Khang nhìn Lĩnh nói:

“Qua Tết tôi phải đi xa!”
“Sao, không phải ông dự tính vượt biên đấy chứ?”

Lĩnh nhìn Khang hỏi như muốn xác định một sự thật. Khang hiểu nên nói ngay, “Không phải, tôi lên rừng Biên Hòa lấy gỗ. Một người cháu muốn tôi áp tải gỗ từ một lâm trường trên Long Khánh về Hốc Môn. Tôi muốn vượt biên lắm, nhưng hình như chưa có cơ hội.” Lĩnh rót thêm rượu vào ly Khang rồi chậm rãi hỏi:

“Tôi bao lần đề nghị trả tiền cho ông việc dạy võ cho hai đứa con, nhưng ông nằng nặc bảo không bao giờ mãi võ để sống. Bây giờ có phải quá khó khăn nên ông muốn lên rừng làm việc?”

Khang lắc đầu xua tay:

“Đừng hiểu lầm ông Lĩnh ạ! Tôi từng là học trò của bao sự phụ mãi võ, nhưng tôi có quan điểm riêng tư của mình về võ thuật. Có lẽ triết lý về võ đúng hơn, đôi khi gàn dở nhưng luôn cho là nó cố hữu như thế. Còn tôi nghĩ mình theo nghiệp văn chỉ vì cái sở thích đọc sách, làm thơ từ thuở bắt đầu biết chữ. Khi ông nội tôi bắt tập võ, tôi lấy làm khó chịu nhưng phải vâng lời chỉ vì tôi bị suyễn từ năm ba tuổi. Nhưng về sau hết suyễn càng tập võ tôi càng thích, đồng thời lại rất cảnh giác với hai chữ võ biền, võ phu. Lúc bắt đầu trưởng thành ai hỏi tôi tại sao bản thân thích văn thơ lại còn đam mê dùi mài võ học. Tôi trả lời Võ học nôm na là thứ hạnh kiểm văn học, thế nên không thể lấy hạnh hiểm văn học ra làm phương tiện kiếm tiền là phương châm của tôi. Ông thông cảm khi nghe tôi giải thích chứ!

Lĩnh nghe Khang nói chỉ cười rồi gật đầu tỏ vẻ thông cảm. Uống cạn ly rượu, Khang từ tốn bảo, “Tôi sẽ tạm dừng dạy võ cho hai đứa con ông những khi tôi rời thành phố. Sau mỗi chuyến chở gỗ trở về, tôi nhắn hai đứa đến nhà ông tập tiếp. Làm như vậy để chúng nó không lười biếng vì văn ôn võ luyện mà!”

Sau Tết nguyên đán, cuối tháng giêng có chuyến vận tải gỗ đầu tiên nên mùng tám, Khang hẹn Lĩnh gọi hai con đến nhà học bài Thạch Sư quyền đang tập dở dang. Thế là năm chiều trong tuần Khang đều đến nhà Lĩnh hướng dẫn cho hết bài quyền. Tính ra Chinh và Trân học võ được một năm rưỡi. Thời gian không dài nhưng vì năng khiếu và chuyên cần nên tổng hợp những gì mỗi người học được, Khang cho rằng tương đương với một người bình thường tập võ trong ba năm. Hôm ấy sau buổi giải lao, Chinh đến gần Khang hỏi kỹ thuật điểm huyệt trong võ học có thật hay không. Khang lắc đầu nói:

“Chú không biết có thật hay không, nhưng chú tin một phần trong kỹ thuật chiến đấu đánh bằng cách điểm vào huyệt Nhâm thần.”

Sau đó Khang giải thích những điểm yếu di động trên thân thể con người gọi là huyệt Nhâm thần. Điểm trúng vào Nhâm thần có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Lĩnh ngồi trên hàng hiên lắng nghe liền nói với Khang:

“Kỹ thuật nguy hiểm như thế rất dễ rủi ro, ông đừng dạy cho hai cháu.”
“Tôi giảng giải nguyên tắc chứ có xác định vị trí cúa Nhâm thần đâu mà ông lo!”

Khang trả lời đồng thời hiểu Lĩnh lo ngại hai đứa con học võ rồi đi đánh nhau, nhưng Khang tin chúng nó không tệ vì hai đứa con Lĩnh nhân phẩm tốt, đặc biệt hiền lành siêng năng luyện võ như tập thể dục thể thao. Khi học bài Thạch Sư quyền, tất cả chiêu thức đều đánh bằng khớp ngón trỏ nên Chinh thắc mắc. Khang vui miệng kể thêm cho hai học trò nghe Đề Cốt Cao Quan Huyệt, huyệt đạo bình thường nhưng ngày Nhâm thần huyệt chạy đến, chỉ điểm trúng dù nhẹ đối thủ bước quá bảy bước sẽ ngã xuống bất tỉnh và một ngày sau sẽ chết vì không có thuốc chữa. Chinh hỏi ngay:

“Thực thế ư? Hoàn toàn không cứu được?”
“Cứu được, với điều kiện không đi quá bảy bước. Phải ngồi xuống và có bài thuốc đặc biệt chữa trị khi bị đánh vào huyệt đạo Nhâm thần này.”
“Thế chú có biết Đề Cốt Cao Quan Huyệt ở đâu trên cơ thể hay không?”

Khang lắc đầu, “Chú chỉ nghe một sư phụ ngày xưa nói, nay kể lại cho hai đứa nghe cho vui! Tuy nhiên mình phải cảnh giác sự nguy hiểm của những điểm yếu trên cơ thể. Chú nói thế vì chú cho rằng Nhâm thần chẳng qua là những điểm yếu trên cơ thể mà thôi.”

Hôm sau, Khang lên đường đi Biên Hòa áp tải gỗ. Lần này anh đi đến một tháng mới trở về nhà.

Thằng bé Nam con trai của Lĩnh được hơn tuổi rưỡi nhưng bước đi yếu ớt, xương cốt không được cứng cáp nên tập đi rất chậm. Khang khuyên Lĩnh mua thêm thức ăn giàu chất đạm và calcium cho đứa bé vì Lĩnh đủ điều kiện lo cho nó. Lĩnh than với Khang, “Đứa con này là sản phẩm của một người gần chín năm tù khổ sai biệt xứ. Làm thế nào nó khỏe được khi cha nó bị đói triển miên!” Nghe bạn nói, Khang chỉ cười bảo, “Ông nói đúng phần nào nhưng đứa trẻ sinh ra, trước tiên dựa vào tiên thiên cha mẹ, đó là di truyền bẩm sinh.”

Hôm nay nhân đám giỗ mẹ, Lĩnh làm bữa cơm cúng sau đó tất cả ngồi vào bàn ăn trưa. Bốn đứa con lớn đều có mặt. Trong bữa cơm Lĩnh nhắc Khang và hỏi hai đứa con trai lớn có tập võ đều đặn, cũng như việc buôn bán của hai con gái lớn có thuận lợi hay không. Lĩnh lại bảo, “Chiều nay chú Khang về sẽ ghé nhà uống với bố ly rượu đám giỗ.” Xong bữa cơm, hai con gái lớn Lĩnh phụ mẹ kế rửa chén bát ở bếp, Lĩnh ngồi uống rượu tiếp với hai con trai ở phòng khách, trong khi đứa con út đang tập đi với chị ngoài sân.

Hôm nay cả ba cha con Lĩnh đều uống rượu. Chinh uống nhiều nhưng Trân chỉ uống hai ly con. Rượu vào ngà ngà say, Lĩnh nói với hai con:

“Các con nên nhớ câu ‘cha sinh mẹ dưỡng’ nhé. Ngày hôm nay thời thế đổi thay, chúng ta là một gia đình cho nên yêu thương lẫn nhau và đoàn kết là điều bố mong muốn nhất bây giờ!”

Nghe cha nói, Chinh có chút suy nghĩ rồi hỏi ngay:

Mẹ sinh mới đúng, bố giải thích đi thế nào mà ‘cha sinh’ con không hiểu?”

“Bố thật không rõ nhưng ông bà dạy như thế có thể chỉ để đề cao vai trò của người cha quan trọng như thế nào đấy mà!”

“Con không chấp nhận, chỉ có mẹ sinhmẹ dưỡng. Đúng hơn nữa trường hợp chị em con.”

Nghe Chinh nói, Lĩnh hiểu. Anh bắt qua chuyện khác để quên một sự thật mô tả bao sai lầm một thời của anh. Lúc này Chinh trong đầu như đang quay trở lại hình ảnh dĩ vãng. Những năm tháng sau khi ly dị, mẹ phải tần tảo lo cho bốn chị em dù lúc bấy giờ Lĩnh vẫn giúp đỡ tiền bạc. Càng nghĩ đến mẹ, Chinh càng tức giận, dần dần nóng mặt bèn nói nói với cha:

“Bố bỏ chị em con như thế nào mà còn bảo ‘cha sinh mẹ dưỡng’? Không phải mùa đông năm con sáu tuổi cả ba chị em đều bị đậu mùa và không đủ tiền mua thuốc. Trừ thằng Trân về ở với bà ngoại nên không bị lây. Lúc ấy bố ở đâu?”

Chinh nói xong đứng lên nhìn cha, khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ. Trân nhìn anh lo lắng nói, “Anh ngồi xuống đi, đừng làm bố giận.” Nghe em nói, Chinh càng nổi nóng:

“Giận cái gì, bố bỏ vợ con chỉ vì ham mê sắc đẹp. Mẹ chết vì quá khổ cực tinh thần nên mới mang trọng bệnh. Chỉ vì người đàn bà kia!”

Chinh hằn học chỉ tay vào tấm hình người mẹ kế treo trên vách. Lĩnh lúc này nhận ra Chinh quá đà vì rượu nên mất khôn ngoan. Anh từ tốn nói với Chinh:

“Con im đi, ngồi xuống uống trà. Việc xưa cũ nhắc làm gì, mẹ con đã mất, bố có phần trách nhiệm. Tuy nhiên mẹ con sẽ buồn nếu con có thái độ như thế này.”

Lúc ngày người vợ sau và hai chị gái của Chinh nghe to tiếng vội chạy lên thì Lĩnh xua tay ra dấu không nên lên nhà trên, trong khi Chinh tức tối bỏ đi ra sân, vừa đi vừa lẩm bẩm, “Bố nhẫn tâm, bố ác độc có biết không!” Ngay lúc ấy thằng bé Nam vuột tay chị lẩm đẩm chạy đến trước mặt Chinh vừa bi bô kêu, “anh, anh!” Không hiểu sao, Chinh chộp tay thằng bé nhấc bổng nó lên rồi nhảy lên bờ tường phía trong vừa quát to:

“Chỉ tại mẹ mày, thật đáng chết!”

Lĩnh tái mặt, trong khi Khuê là chị của Nam vừa khóc vừa kêu, “Anh Chinh bỏ em Nam xuống đi!” Trân hoảng hốt đứng dưới chân tường đưa hai tay lên năn nỉ, “Anh Chinh đưa bé Nam cho em, nguy hiểm lắm nếu anh té xuống.” Trong khi Lĩnh im lặng bất lực, lo sợ đứng nhìn thì Chinh như say cơn giận dữ hét lớn:

“Im đi, tao ném thằng bé xuống đường bây giờ!”

Bé Nam sợ hãi òa lên khóc và một số người láng giềng chạy đến trước nhà ngẩng đầu kinh hoảng nín thở khi nhìn thấy Chinh nâng thằng bé lên khỏi đầu như muốn ném nó xuống đường.

Khang về nhà sớm hơn nửa ngày, nhớ đến lời mời đám giỗ của Lĩnh nên vội đạp xe đến đầu đường nhà bạn đã thấy nhiều người ùa chạy về phía trước. Khang không hiểu việc gì xảy ra tại nhà Lĩnh nên vội dắt xe len vào đám đông mới thấy Chinh mặt đỏ gay đứng trên đầu tường bên trong, muốn quăng đứa bé trên tay ra bên ngoài hàng rào. Khang vội đập cửa hét to, “Chinh ơi ra mở cửa!”

Cả Trân và Chinh đều nghe rõ. Trân mừng rỡ chạy ra mở cửa trong khi khuôn mặt Chinh dịu xuống. Qua khỏi cửa ném chiếc xe đạp cho Trân, Khang đến trước Chinh đưa hai tay lên cao nói, “Con đưa em cho chú, rồi vào nhà uống với chú ly rượu.” Chinh ngoan ngoãn cúi xuống đưa bé Nam đang khóc cho Khang.

Bồng bé Nam vào nhà trao cho Lĩnh, Khang quay ra ngoài vẩy tay gọi Chinh. Cúi xuống Khang rót rượu vào ba chiếc ly rồi quay sang Chinh vừa ngồi xuống hỏi:

“Có việc gì thế, tại sao con phải làm như vậy?”

Lúng túng Chinh không nói lời nào trong khi Lĩnh xua tay, “Không có gì! Chỉ hiểu lầm.” Lúc này người chị cả của Chinh mang lên bình trà. Lĩnh rót trà ra tách đưa cho Chinh ôn tồn nói, “Con uống đi cho giã rượu.” Chinh cầm tách trà uống hết rồi quay sang Khang nói như khóc:

“Con thắc mắc câu nói của bố ‘cha sinh mẹ dưỡng’ mà bố không giải thích thỏa đáng khiến con làm việc không đâu. Con xin lỗi chú.”

Lĩnh nhìn Chinh lắc đầu, trong khi Khang như hiểu chuyện bảo:

“Chú nói với con nhiều lần về võ đạo, có nghĩa đạo đức của võ chứ không phải con đường của võ như một số người hiểu. Đạo đức của võ là tấm lòng. Nếu con tự hào mình là người tập võ tất phải nhớ võ căn bản là tấm lòng. Nếu nói võ là sức mạnh thì phải hiểu đó là sức mạnh của tấm lòng. Mà không ai dùng sức mạnh tấm lòng để giết người cả. Con hiểu không?”

Khang nhìn thấy Lĩnh như đang chú ý nghe mình nói, bèn nói tiếp với Chinh:

“Còn nói cha sinh mẹ dưỡng cũng không sai, vì câu nói hàm nghĩa vai trò người cha trong việc sinh con. Điều này khi con lập gia đình sẽ rõ. Không có cha sẽ không có con, thế nên cha sinh ý nghĩa bóng bẩy như thế, không có cha làm thế nào người mẹ sinh ra con được. Hiểu không? Điều đáng nói và đáng lên án là ngoài xã hội có một số người lại phủ nhận vai trò làm cha của mình . . .”

Ba tháng sau, Khang vượt biên. May mắn đến được đảo Bidon Nam Dương. Suốt tám tháng trên đảo, chiều chiều ra biển ngồi trên kè đá, Khang nhớ Lĩnh và hai học trò của mình. Lúc này tâm trạng Khang khác hẳn trước kia. Anh nhận ra mình cô đơn nhưng không đói vì cô đơn như một thời bị lưu đày trên chính quê hương mình. Khang cũng nhận ra cái tự do mà anh tự hào có được, chỉ là lòng tự ái đối với sự phá sản từng phần, từng hồi đang diễn ra của đất nước. Khang cho rằng sau mỗi một cuộc chiến tranh hay một biến cố mang tính lịch sử, đất nước chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thay vì hàn gắn và triệt để xây dựng cốt thay đổi số phận dân tộc trên kinh nghiệm đau thương đã trải qua, những con người có trách nhiệm lại tận dụng mọi phương tiện, quyền lực trong tay để bóc lột, vơ vét phần quê hương còn lại như chiến lợi phẩm, xem như đền bù công sức đã bỏ ra. Do đó những trang sử mới nếu có, cũng chỉ là bổn cũ soạn lại từ những trang giấy nhòe máu, nước mắt của bao con người nạn nhân một thời đất nước điêu linh!

Chiều nay, Khang ngồi bờ đá lắng nghe sóng vỗ lần cuối vì ngày mai anh sẽ ra đi đến nước thứ ba. Khang đang nghe tiếng vọng bao kỷ niệm từ ngày bước vào mê lộ lịch sử, mang tuổi trẻ đi mãi miết mà không tìm thấy lối ra trên chính quê hương mình. Khang nhớ ánh nắng chiều thoi thóp quê nhà luôn cho anh ý niệm dở dang, muộn màng số phận cho đến ngày gặp Lĩnh cùng hai đứa học trò trên chiếc sân nhà. Nơi ấy một thời chứa chấp một con người mà linh hồn đã chết nhưng cố bám víu trần gian, tận tụy mãi võ để kéo dài sự sống cho dù mỗi ngày xiêu vẹo, nghiêng ngả trên chính chiếc bóng của mình.

 
 

12/2021

Lê Lạc Giao


____________________________________________________________
(1) Khí ngã khứ giả, tạc nhật chi nhật bất khả lưu/Loạn ngã tâm giả, kim nhật chi nhật đa phiền ưu... Lý Bạch