Mùa Săn

 
 
 

Sáu Vồng giật mình thức giấc vì tiếng tù và cất lên đột ngột giữa đêm. Lão chồm giậy với tay lấy chiếc đồng hồ quả quít trên đầu giường. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn bão lão thấy cây kim giờ chỉ đúng ba giờ sáng. Có lẽ hai anh em thằng Đại chuẩn bị lên đường. Lão nhớ tới điểm hẹn cuối nghĩa trang, mãnh đất vuông vắn bằng ba sào là công điền của làng nhưng không được xử dụng từ cuối thế kỷ mười chín đến giờ vì làng Phú Minh này dư thừa đất đai nhưng lại thiếu người canh tác. Không biết mãnh đất này biến thành điểm hẹn của phường săn trong làng từ bao giờ nhưng khi Sáu Vồng lên năm đã thường theo mẹ lên mãnh sân đất này chia thịt mỗi lần đám thợ săn trở về. Những ngày ấy vui như ngày hội lớn và đã làm chú bé mồ côi cha mơ ước được trở thành tay săn thú như nhiều thanh niên trong làng bấy giờ.

Sáu Vồng thở dài nghĩ ngợi mông lung khi tiếng tù và nổi lên lần thứ hai kéo dài như nhắc nhở cả một quá khứ vừa mới gợi lại đã vụt tắt theo tiếng gọi của đám con cháu lão ngoài sân nhà. Lão lấy chiếc áo khoác rồi mở cửa bước ra sân. “Ông nội chuẩn bị xong chưa?”. Thằng cháu lớn vừa hỏi vừa đưa tay với lấy chiếc dao quắm cán dài treo trên vách. Sáu Vồng không trả lời, lão đi thẳng đến bờ giếng thả dây kéo một gàu nước, súc miệng rồi uống một ngụm. Trời còn tối mịt, chỉ nhờ vào bốn ngọn đuốc bã mía cắm ngoài sân mà lão mới thấy được đám con cháu phường săn đang bận rộn tíu tít ngoài cổng. Tụi này thuộc thế hệ thứ ba. Lão nghĩ chúng nó chẳng làm nên chuyện gì, chỉ giỏi đi ve vãn đám con gái trong làng, còn mỗi mùa săn ngoài tiếng tù và, đám chó săn bảy con còi cọc ốm yếu cùng chiếc xe ngựa đã chở lão và đám con cháu hơn bốn mươi năm ra tất cả chỉ là một gánh hát rong vào mùa mưa lũ. Gánh hát này đúng ra đã phải giải tán từ lâu vì đâu có thể mưu sinh trong một môi trường không còn gì để ăn, để có thể dung nạp mà tác động qua lại còn có thể xác định vai trò tồn tại của nó.

Nghĩ sao lão lắc đầu, “ông không đi.” Thằng Đại vai mang ba lô trĩu nặng bước đến bên lão lo lắng hỏi, “ông nội không sao chứ?”. “Không, không sao cả. Lần này ông không cảm thấy thích thú gì, không hiểu tại sao. Nhưng nhớ lời ông dặn, còn hai tháng nữa là động rừng. Lúc ấy không còn gì để săn. Đừng nên về tay không như lần trước. Đối với ông thỏ, chồn, cheo không phải là con thịt. Năm ông mười tám tuổi đã...” Thằng Đại xua tay,"con biết rồi.” Nó kéo thằng Lượng ra phía xe ngựa như không muốn nghe lần thứ một nghìn ông nội nó nhắc là đã giết được con gấu ngựa năm mười tám tuổi. Ngày hôm nay anh em nó đi săn là bổn phận, là truyền thống gia đình chứ anh em nó có thiết tha gì với cái nghề săn thú lỗi thời này. Một năm nó phải đi săn tám tháng, cứ một tháng một lần như làm nghĩa vụ, còn kết quả anh em nó không cần biết đến. Từ lúc cha nó đi tù vì giết người. Nó phải thay thế vai trò chủ chốt của đám phường săn làng Phú Minh hạ này khi nó vừa được mười tám tuổi. Nhưng ông nội, cha nó vào nghề tích cực bao nh iêu thì anh em nó xem phường săn là nơi đày đọa tuổi trẻ vì nó cho rằng đã hết thời oanh liệt, chiến tranh đã sát hại không biết bao nhiêu thú rừng, số còn lại dồn về những khu rừng sâu thẳm hay những ngọn núi cao. Anh em thằng Đại lại không có tay sát thú. Mỗi lần đi rồi về chỉ với dăm ba con cầy, cáo. Gia đình nó chán nãn nhưng mẹ nó giỏi buôn bán bương chãi cũng đủ chi tiêu gia đình. Chỉ vì muốn làm vừa lòng ông nội mà nó phải ráng trang bị nai nịt lên đường sáng nay. Anh em nó thích săn gái, lũ gái tơ mơn mỡn trong làng hơn là cái lũ thú rừng tìm kiếm đến rã chân tay mà không gặp con nào.

Nó nhớ đến cái hẹn tháng sau với con Hoa da thịt trắng nỏn nà mà cảm thấy bừng bừng như lên cơn sốt. Chả là nó quen cô ta khi đi tắm ngựa ban đêm. Khi nó xuống sông, ánh trăng mùng tám lờ nhờ càng làm nổi bật cái trắng nhễ nhại của người con gái. Con Hoa vụt chạy lên bờ quơ quần áo rồi chui vào đám sậy ven sông. Thằng Đại la lên, “Đừng sợ, tôi đi tắm ngựa mà.” Nó chỉ biết nói có thế rồi tần ngần đứng trên bờ, con ngựa đứng bên cạnh dẫm chân liên hồi mà thằng Đại vẫn còn ngẫn ngơ nhìn đăm đăm vào đám lau sậy. Cho đến khi con Hoa la lên, “Sao không dắt ngựa xuống tắm đi, để cho người ta đi chứ!” thằng Đại mới vụt tỉnh trí dắt ngựa xuống sông. Thường ngày nó đã chú ý đến con Hoa từ lâu nhưng chưa có dịp làm quen. Bây giờ đúng vào dịp tốt thì nó lại không thốt ra lời. Nó cũng không ngờ con Hoa lại xuống bến sông này tắm. Trên xóm cũng có một bến sông kia mà. Tuy nhiên, cái cơ hội nào cũng tiền định cả. Mà con gái con trai có chú ý đến nhau để gặp được nhau thì cũng là duyên nợ, mẹ nó thường bảo như thế. Cho nên thằng Đại càng tin vào cái dịp may như cái đêm hôm đó. Thế là hôm sau nó lên tận nhà con Hoa giả vờ mua bánh tráng làm quen. Bây giờ thì con Hoa hẹn nó sau kỳ săn này hai đứa sang chợ quận xem hát.

Sáu Vồng ngồi trên hàng hiên nhìn đám con cháu lũ lượt lên đường. Như một gánh hát. Lão nghĩ như thế. Tiếng lũ chó săn gầm gừ, tiếng bánh xe ngựa nghiến trên mặt đường, rồi tiếng tù và cất lên lần thứ ba. Vẫn là cái âm thanh quen thuộc của một thời oanh liệt. Nó thường đánh thức trong tâm hồn lão cái cảm giác thèm khát được ngữi mùi máu nai, mùi khét lẹt của lông heo rừng bị thui trên lữa ngọn. Lão nhớ mùi vị ngọt ngào của miếng thịt bò rừng đầu mùa săn. Tảng thịt căng phồng ứa máu quay tròn trên lửa. Tuổi trẻ của lão được nuôi bằng máu thịt thú rừng, và rừng núi đã hun đúc nên nhân cách của lão. Thứ nhân cách man dã của người tiền sử chỉ biết kính trọng chiến công, cúi chào rừng núi, khinh khi thú dữ và ngẩng cao đầu cười với gió mưa sấm sét. Sức khoẻ của lão vô hạn, con trâu điên năm nào húc đỗ ruột hơn mười người trong làng phải quị xuống vì cặp sừng bị khóa chặt trong đôi tay như thép nguội của lão. Lão thét lên một tiếng vặn mạnh cánh tay, chỉ nghe một tiếng rắc nguyên thân mình con trâu cổ hơn ba tạ quay ngang rồi đổ ầm xuống trước đám dân làng đang nín lặng sợ hãi đứng xem. Lão là biểu tượng của sức mạnh rừng rú, là loài báo đốm tinh khôn trong rừng thẳm. Những năm tháng miệt mài trong rừng sâu săn thú đã dạy cho lão biết bao nhiêu sở trường, sở đoản của từng lọai thú và lão cứ thế từ một gia đình vô danh nghèo khổ gia nhập phường săn bằng đôi tay trắng đã vươn lên đứng đầu phường săn bằng vào số lượng thú rừng hạ được mỗi mùa.

Sáu Vồng ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn tám bát cơm đối với lão chỉ là bắt đầu. Thời gian vào mùa săn, lão lấy thịt thú rừng làm thức ăn chính. Lão ăn cả một đùi nai nướng to tướng mà bốn thanh niên mới có thể ăn hết được. Ăn khoẻ lão làm việc bằng cả chục người. Đám thanh niên phường săn theo lão hụt hơi mỗi khi truy đuổi con mồi. Mang trong tay chỉ vỏn vẹn một con dao quắm cán dài, lão lao theo con hưu bị thương như con gấu ngựa đói mật. Hơn nữa giờ băng rừng vượt suối săn đuổi, con hưu cùng đường quị xuống trong đám gai rừng, đôi mắt nhìn lão vừa tuyệt vọng vừa như khâm phục. Lão nhớ mãi ánh mắt của từng loại thú trước khi chết dưới đôi tay của lão. Đôi mắt nào cũng ngầu đỏ một màu máu, một thoáng tối rồi bừng sáng như tia lửa ngạo nghễ khi lão vung con dao quắm lên khỏi đầu. Những ánh mắt ấy đã không ngừng thiêu đốt nổi háo hức của con thú dữ trong tâm hồn lão khi vào mùa săn. Và con thú dữ ấy đã từng lồng lộn sục sạo khắp một vạt rừng trãi dài suốt ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận trong hơn bốn mươi năm.

*
Tháng tám năm bốn mươi hai. Trời vào thu hơn hai tuần lễ. Gió heo may về đến bãi sông thì đám phường săn làng Phú Minh cũng bắt đầu lên đường. Gió nhè nhẹ, gây gây mơn man da thịt, mát mẻ và thật dễ chịu. Trời cao xanh, thỉnh thoảng một gợn mây trắng vắt ngang đầu núi rồi biến mất. Rừng Cây Cầy vào thu nhuốm một màu vàng úa trước khi ngọn gió bấc tháng mười đến để rồi rừng chỉ còn là một rừng cây khô trơ trọi. Thú rừng tháng tám chịu khó ra trảng kiếm ăn, hứng gió thu trong hai tháng rồi rút lui vào rừng sâu tìm hang ổ trốn tránh những cơn mưa dầm hàng tuần lễ của ba tháng đông rét mướt. Qua khỏi đường nhíp, đám phường săn chia làm hai toán. Sáu Vồng cùng ba thanh niên và mười chó săn theo đường mòn đi theo hướng nam đến hồ Cát, từ đó theo hình nan quạt luồn theo cây rừng săn nai mễn cho đến trảng lớn. Toán thứ hai do Hai Bình con trai lão cùng sáu thanh niên và mười chó săn đi về phía đông dọc đường xe lửa đến trạm suối Dầu và bắt đầu săn ngược lên hướng đông nam. Vạt rừng chồi này rộng đến cả nghìn mẫ u, dự tính săn xong mất khoảng tuần lễ và hai toán sẽ gặp nhau tại trảng lớn. Từ hai đầu trảng, hai toán sẽ giáp công lùa đám thú rừng còn lại vào giữa trảng và tha hồ mà săn.

Kế hoạch do Sáu Vồng đặt ra theo thói quen và kinh nghiệm chứ lão không hề suy nghĩ sâu xa gì. Cái đầu của lão không hề chứa một chữ nào ngoài tên của đám thú rừng mà lão đã săn và gặp được. Năm lão mười sáu tuổi, làng Phú Minh theo chính sách xóa nạn mù chữ mở hai lớp bình dân học vụ. Mẹ Sáu Vồng khuyên con nên đi học cho biết đọc viết như người ta. Sáu Vồng sợ hãi như gặp ma quỉ, mãi đến khi cô Tám, con thầy giáo Hai xuống tận nhà khuyên cậu Vồng thì cậu mới chịu khó mỗi tuần ba đêm lên sân đình ê a vỡ lòng chữ i chữ tờ. Cậu học được hơn chín tháng, bắt đầu đọc được trang báo thì cậu cho là đủ vốn liếng để người trong làng không khi dễ mình rồi và cậu cũng nghĩ rằng ở đời không ai luận anh hùng bằng chữ nghĩa cả. Rừng núi bao giờ cũng hấp dẫn hơn chữ nghĩa. Và vì cái cái suy nghĩ truyền thống độc đáo ấy mà đám con cháu của Sáu Vồng sau này không đứa nào học hết cấp tiểu học.

Cúi xuống nhìn dấu chân chi chít trên mặt đất bùn se mặt cạnh con suối nhỏ, Sáu Vồng nói:“Đám nai này vừa mới đi qua không hơn bốn giờ, bây giờ có thể nó đang ở đầu trãng tranh.” Quay sang nói với Hai Tòng,"Mày thủng thẳng theo chó mà đi, tuyệt đối đừng thả chó ra và không nên dùng súng. Nhớ đấy.” Sáu Vồng trao mười sợi giây xích chó cho hai anh em Hai Tòng, rồi nói thêm “Tao đi bên trái của mày, có gì lạ tao sẽ cho hay, gió đang thổi ngược đám nai không thể đánh hơi được đâu.”

Nói xong như một con cheo. Sáu Vồng biến mất trong đám sim rừng. Hai Tòng cùng hai em chầm chậm theo đám chó đang rà mủi đánh hơi trên dấu chân nai luồn sâu trong đám rừng chồi. Mùa săn trước cũng vì dùng súng mà đám nai chạy toán loạn, chỉ hạ được hai con trong khi cả một bầy nai đầu mùa hơn hai mươi con. Sáu Vồng khinh thường những kẻ dùng súng đi săn. Lão cho rằng, súng săn chỉ dùng cho những kẻ tài tử. Đi săn chuyên nghiệp như lão, súng là một biểu hiện thất bại và non tay nghề. Từ khi đám anh em Hai Tòng mua hai khẩu súng trường, Sáu Vồng mất ăn mất ngủ vì khó chịu. Rồi đến mùa săn năm trước, số lượng con thịt giảm xuống lão mới có cớ mà nói về cái vô tích sự của hai khẩu súng săn. Tuy nhiên, hình như thời đại luôn luôn có những dấu ấn giá trị xác định sự hiện hữu cần thiết mà súng đạn là biểu hiện thời đại nên dù Sáu Vồng ghét cay ghét đắng hai khẩu súng săn, nó vẫn tồn tại như một phương tiện hữu hiệu để bảo vệ ba anh em Hai Tòng khi gặp thú dữ.

Ban đầu cái lập luận dùng súng để săn thú không thuyết phục được Sáu Vồng năm ấy bốn mươi hai tuổi làm chủ phường săn của làng hơn mười năm thì hai tháng sau một người trong phường săn bị hổ vồ mất tích trong một buổi săn đêm. Lúc bấy giờ hai khẩu súng trường tạm có ý nghĩa. Nhưng mỗi khi có ai nhắc đến thú dữ, Sáu Vồng đưa tay sờ lên các vết sẹo chi chít trên thân thể và khinh bỉ nói:“Cuộc đời của một kẻ săn thú mà trơn tru, lành lặn là một ô nhục. Đối diện với thú dữ là một may mắn vì lúc bấy giờ mới có thể hiểu được mình có xứng đáng đứng trong phường săn hay không, còn cây súng có chăng là một chỗ dựa cho những kẻ hèn nhát.” Mới nghe qua ai cũng thấy Sáu Vồng quá đáng, nhưng nghĩ lại không phải hắn nói sai. Cái nhân cách đặc biệt của đám phường săn không gì trung thực hơn sự can đảm và lì lợm trước hiểm nguy. Mà hai điều này có thừa nơi Sáu Vồng. Cho nên với hắn, sinh nghề tử nghiệp là chuyện không nên thắc mắc làm gì. Sáu Vồng lúc nào cũng muốn mình là cây cổ thụ với cái tán khổng lồ che chở và bảo vệ đám phường săn hơn là để cho họ tìm chổ dựa vào hai cây súng trường mà lão cho là không xứng đáng cho bất kỳ một tay săn thú chuyên nghiệp nào của làng Phú Minh này.

Qua khỏi khu rừng chồi đám Hai Tòng đến đầu trảng lớn. Gió tháng sáu thổi dọc theo hai bờ thung lũng lồng lộng. Đám chó săn vừa đánh hơi vừa kêu ăng ẳng. Thấp thoáng đằng trước bóng Sáu Vồng trong đám tranh vàng úa. Hắn chợt dừng lại, đứng thẳng người đưa tay ra dấu cho ba anh em Hai Tòng đi vòng cánh phải và bọc hậu từ cuối trảng. Trảng lớn khá rộng, nếu đi vòng phải mất ít nhất nửa giờ, nhưng đám Hai Tòng hiểu chắc chắn rằng Sáu Vồng đã phát hiện có con mồi nên ba anh em thận trọng từng bước theo hướng đông nam đi vòng ngược ra đằng sau trảng. Len lỏi trong đám tranh cao quá đầu người, Sáu Vồng chuyển con dao quắm sang tay trái, quì xuống nhìn những thân tranh ngã nghiêng mà ước lượng con thú nào đã đi qua. Cỏ dại chằng chịt không để vết chân, nhưng hắn đánh hơi và như hiểu được dấu hiệu có ít nhất một con báo đốm đi theo đàn nai đêm qua. Hắn với tay ra sau lưng lấy chiếc tù và bằng sừng sơn dương đưa lên miệng thổi. Ba lần thổi ngắn là dấu hiệu báo có thú dữ. Tiếng tù và u u trong gió không những đến tai ba anh em Hai Tòng mà Hai Bình con trai Sáu Vồng lúc ấy đang ngồi nghỉ bên bờ suối cạn cũng nghe được. Hai Bình chồm dậy quay lại nói với đám phường săn đang ngồi rải rác trên các tảng đá lớn."Có thú dữ, các anh ngồi đây chờ. Tôi và anh Tám chạy lên trảng lớn. Không chừng giúp được cha tôi.” Không đợi trả lời, Hai Bình quơ con dao quắm ra hiệu cho Tám Kiên theo mình.

Hai Bình không khác cha bao nhiêu, hình như bao nhiêu kinh nghiệm gặt hái được trong nghề, Sáu Vồng đã truyền hết cho cậu con trai hai mươi mốt tuổi. Hai Bình uống máu nai, ăn thịt thú rừng từ những năm thơ ấu. Theo cha săn thú năm mười sáu tuổi cho đến hôm ấy Hai Bình đã có một bề dầy quá khứ đủ cho hắn khi nghe tiếng tù và ba hồi một đánh thức nổi thèm khát được đối diện với thú dữ một lần trong đời đi săn của mình. Tám Kiên theo sát Hai Bình len lỏi trong đám sim rừng dày đặc hướng về trảng lớn thì đàn chó của đám anh em Hai Tòng bắt đầu lớn tiếng sủa và chồm về phía trước. Mười con chó ngao lôi anh em Hai Tòng chạy một mạch về phía giữa trảng. Hai Tòng định thả chó, nhưng nhớ lời Sáu Vồng nhắc nhở chỉ thả chó lúc gặp con mồi, nên hắn tay giữ súng tay nắm mười sợi dây da chạy theo đàn chó một cách khó khăn.

Chạy hơn hai trăm mét, đàn chó chợt dừng lại và không tiến kên bước nào nữa. Cả mười con hướng về phía đám tranh um tùm giữa trảng sủa liên hồi. Ba anh em Hai Tòng thận trọng dừng lại, lên đạn hướng nòng súng về phía trước. Vẫn không có động tịnh gì ngoài tiếng chó sủa và tiếng tranh xào xạc trong gió. Tuy có súng nhưng ba anh em Hai Tòng tim đập liên hồi, đám chó săn không dám tiến lên chắc chắn là có thú dữ nhưng họ không biết loại thú nào đang chờ họ phía trước. Không nói ra nhưng họ mong không phải là hổ. Giết một con hổ không phải là chuyện dễ dàng như Sáu Vồng và những người đi săn kinh nghiệm thường bảo. Đang tấn thoái lưỡng nan, thì Hai Bình và Tám Kiên cũng vừa đến nơi. Hai Bình nói:“Không biết cha tôi ở đâu, nhưng các theo tôi và chuẩn bị. Nếu gặp thú dữ, khi tôi ra hiệu các anh thả chó ra, nhưng cẩn thận và chắc ăn mới bắn.” Nói xong Hai Bình vung con dao quắm cán dài về phía trước và hạ thấp người lom khom từng bước vạch tranh tiến lên. Hai Tòng đưa hết mười sợi dây da xích chó cho người em út và ba anh em cùng Tám Kiên dàng hàng ngang theo Hai Bình bén gót.

Đàn chó vẫn tiếp tục sủa trì kéo lại không chịu tiến lên. Hai Bình đi được hơn năm mươi bước thì đến khoảng đất trống. Đúng ra là khoảng tranh rộng hơn sáu chiếc chiếu rạp xuống vì bị giẫm nát. Ở giữa đám tranh một con báo đốm hoa cà khổng lồ đang phục xuống, lưng quay về phía Hai Bình đầu hướng về phía Sáu Vồng đang đứng bất động lăm lăm cây dao quắm trên tay. Người và thú hình như đang đợi sự sơ hở của nhau. Hai Bình cũng nín thở, lặng người trước quang cảnh đang diễn ra. Không quay đầu lại, nhưng con thú hình như biết đằng sau có thêm địch thủ nên cái đuôi dài như sợi thừng lớn ve vẩy liên hồi. Hiện tượng này theo kinh nghiệm Sáu Vồng biết bất kỳ tấn công hướng nào, con thú cũng có thể vung mình lên mà chụp kẻ tấn công. Điều này Hai Bình cũng biết qua lời cha kể. Nhưng hắn đang chờ dấu hiệu tấn công của người cha.

Đám anh em Hai Tòng, Tám Kiên đằng sau lưng Hai Bình đứng chết lặng. Sáu con chó lùi ra sau kêu ăng ẳng như bị nghẹt thở. Hai Bình ước lượng con thú ít ra cũng hơn một tạ, không kém một con hổ bao xa. Hắn tỉnh táo, không hề lo sợ và chờ đợi dấu hiệu của cha. Hơn năm phút trôi qua, người và thú trong tư thế chờ đợi tấn công lẫn nhau. Sáu Vồng biết báo đốm tinh khôn và nhanh nhẹn hơn hổ rất nhiều. Báo có thể thoắt quay đầu ra sau tung người lên như con mèo chụp hậu trong khi hổ không làm được điều này. Nhưng báo có thói quen luôn quay sang trái, tương kế tựu kế Sáu Vồng nghĩ ngay ra cách hạ con mồi. Hắn nới tay phải, chuồi dần xuống cuối cán dao và ước lượng khoảng cách. Đôi mắt con thú trừng trừng ửng một màu máu càng kích thích Sáu Vồng. Người và thú cách nhau hai tầm dao. Hắn quyết định và đưa mắt ra hiệu cho con. Hai Bình hiểu ý cha cho mình tấn công trước tạo đòn dứ. Hắn chồm mình tới trước vung con quắm phạt ngang đuôi báo. Nghe động đằng sau con báo đốm tung người lên quay đầu sang trái và chân phả i phiá trước tát ngược về phía hậu. Đúng lúc ấy Sáu Vồng cũng lạng người sang phải tung người ra phía trước hoành con dao quắm đánh ngược lên tam tinh con thú. Chỉ nghe tiếng bộp như hòn gạch vỡ và con thú hực lên một tiếng rồi đổ ầm xuống. Người và thú lăn tròn trên mặt đất đến hơn mười vòng mới dừng lại. Con thú chết ngay vì cú phạt chính xác của Sáu Vồng. Mủi dao quắm bén nhọn cắm sâu vào giữa tam tinh con thú, dính chặt đến nổi ba người mới có thể kéo ra được.

Con báo đốm màu tím hoa cà săn được năm ấy đã thay đổi cả cuộc đời Sáu Vồng về sau. Màu lông tím điểm những đốm đen phải nói là con thú rừng nghìn năm một thuở vì có những tay săn thú cả đời chỉ mong được gặp một lần nói chi đến hạ được nó. Hôm đem nó về mãnh đất đầu làng chật cứng vì không còn chỗ đứng. Dân bốn làng bên kia sông nghe tiếng cũng chèo thuyền qua xem như ngày hội lớn. Sáu Vồng và con báo đốm hoa cà đi vào huyền thoại của phường săn làng Phú Minh và bao nhiêu chuyện thêu dệt sau này. Bộ da thú quí báu hiếm hoi ấy lọt vào tay Chánh Mật thám Tây tỉnh Khánh Hòa và sau đó được đưa về Pháp. Số tiền bán được Sáu vồng dựng lại nhà và sau đó cưới vợ cho con.

*
Đến nay thoắt mà đã hơn ba mươi năm. Sáu Vồng ngồi trên hàng hiên nhìn trời bắt đầu rựng sáng. Đâu đó trong tâm hồn lão, bén dậy nỗi chán chường thất vọng. Đám con cháu lão không làm nên tích sự gì. Cái cơ nghiệp mà lão xây dựng không thêm thắt gì hơn được mà lại đổ nát thêm mỗi khi mùa lũ đến. Hai Bình thằng con trai duy nhất của lão đã đạp lão xuống vũng bùn nhơ tai tiếng. Lão hận nó đến tận xương. Giá không nghĩ đến nó là núm ruột của mình, Sáu Vồng đã giết nó từ lâu. Nó đã thừa kế nơi lão tất cả những gì lão có ngoài tính lương thiện. Hôm được tin nó giết người, sau đó được đọc trên báo bản tường trình về cái chết thảm khốc của người công nhân xây dựng. Lão đóng cửa không ăn uống, và tưởng chừng như mình đã chết ngay từ hôm ấy. Mà Sáu Vồng nghĩ cũng đúng, lão sống làm sao được khi mà niềm tin tưởng, nỗi hi vọng ngày nào không còn nữa. Ở vào tuổi lão, người trong làng sống yên ổn với con cháu có đâu như lão phải đau đớn vì con cháu như thế này.

Hai Bình rời bỏ phường săn năm hai mươi tám tuổi, nghĩa là sau bảy năm từ ngày hai cha con hạ con báo đốm hoa cà. Bao nhiêu hào quang lộng lẫy lẫn tăm tiếng ngày nào Hai Bình đều bỏ lại sau lưng. Chả là vì hắn thực tế hơn người cha. Đối với Sáu Vồng thì ngược lại, lảo cho rằng Hai Bình tham lam. Thú rừng tuy mỗi năm mỗi ít đi, lợi tức có phần kém so với những năm trước nhưng vẫn sống được. Vả lại vào mùa động rừng, phường săn có thể thuộc da,làm ruộng mà sống. Rời bỏ phường săn đang vào lứa tuổi sung sức và thành đạt như Hai Bình là nhục nhã. Không những bản thân Hai Bình, mà Sáu Vồng cũng cảm thấy mình mất danh dự vì lão mong rằng từ đời lão trở xuống nghề săn phải cha truyền con nối. Đùng một cái, Hai Bình bỏ lão và vợ con chuyển nghề, theo đám nhà thầu lên cao nguyên làm công nhân xây cất. Tám tháng sau, hắn còn giáng cho Sáu Vồng thêm một đòn chí tử nữa. Hai Bình cải đạo. Viết thư về nhà cho Sáu Vồng và vợ con, hắn bảo đã tìm ra lẽ sống. Từ khi là con chiên của Chúa, hắn thấy lòng thanh thản và ân h ận là trước kia nếu biết sớm có một nước Trời hắn đã đi đạo từ lâu rồi. Chúa đã ban phước cho hắn và hắn đã gặp nhiều may mắn. Giáo xứ La Sơn, nơi hắn đang làm việc đã cho hắn một căn nhà mà có lẽ hắn săn thú cả đời cũng không mua nổi. Hắn mong cuối năm công việc sắp xếp xong sẽ đem vợ con lên ở. Cuối thư như để xác quyết việc cải đạo của mình là đúng, hắn gửi về cho vợ con ba nghìn và Sáu Vồng một nghìn đồng để ăn tiêu.

Làng Phú Minh này vốn có thành kiến với đạo Thiên Chúa không biết bao nhiêu đời rồi, nhưng từ khi Sáu Vồng còn bé hắn đã theo cái truyền thống nhìn về xóm Đạo cuối làng như một cái cù lao lẻ loi chứa chấp những kẻ không có ông bà tổ tiên trôi sông lạc chợ. Người làng thường bảo dân xóm đạo ăn thịt chó, thịt trâu chứ không ăn gà vịt như người dân lương. Đặc biệt họ không thờ ông bà mà thờ Thiên chúa mơ hồ đâu đó. Họ không biết cúng bái mà chỉ đi lễ nhà Thờ. Những buổi sáng Chủ Nhật thức dậy sớm nhìn về xóm Đạo, Sáu Vồng nhìn những bóng người đi lễ lờ mờ như những bóng ma. Rồi khi lớn lên có dịp tiếp xúc với họ, nghe họ kêu lên “Chúa ôi” Sáu Vồng nghe thật chói tai. Có lẽ cái duy nhất mà Sáu Vồng không cảm thấy chói tai từ cái cù lao xóm đạo là tiếng chuông nhà Thờ. Mỗi chiều xuống, tiếng chuông từng hồi ngân vang khiến lão dường như cảm thấy vui tai dễ chịu.

Cái nền nếp trong làng, trong nhà và trong lòng Sáu Vồng không cho phép lão xem việc cải đạo của con là việc bình thường. Lão cho rằng con lão đã phản bội tổ tiên và gia đình. Tuy nhiên không muốn con dâu buồn phiền lão không phản đối ra mặt cũng như dấu nhẹm việc Hai Bình đi đạo với người trong làng. Và từ hôm ấy Sáu Vồng ít nói, ít cười cho đến ba tháng sau được tin Hai Bình giết người vì tham ba nghìn đồng bạc, lão đóng cửa không nói chuyện với ai ngay cả con cháu trong nhà. Lão đọc kỹ ba số báo liên tiếp tường trình về tội ác của Hai Bình.

Sau khi lãnh lương xong, Hai Bình rủ bạn đi săn, vào rừng lừa lúc bạn không chú ý đã giết bạn rồi vùi xác bên bờ suối để lấy ba nghìn đồng. Hắn giết người bằng cú hoành đao mà Sáu Vồng đã giết con báo đốm hoa cà năm xưa. Nạn nhân trán vỡ nát vì mủi dao quắm. Đáng lẻ ra Hai Bình đã thoát lưới pháp luật, nhưng vì những buổi xưng tội bất thường của hắn đã làm cho cảnh sát chú ý và phăng dần ra đầu mối. Hai Bình thú nhận tội ác của mình và hai tháng sau ra tòa. Cũng may mắn là giáo xứ La Sơn tận tình thuê mướn luật sư bào chữa nên đã chyển từ án tử hình xuống tù chung thân. Sáu Vồng cấm con dâu không được đi thăm chồng và lão chính thức tuyên bố từ con với người trong làng. Kể từ hôm ấy Hai Bình coi như đã chết hẳn trong lòng lão. Mùa săn năm ấy Sáu Vồng bắt đầu cho hai đứa cháu nội lên đường theo lão đi săn dù mẹ chúng nó không thích thú gì. Rồi những mùa săn đi qua, hai đứa cháu càng ngày càng tỏ ra không có năng khiếu nghề nghiệp. Nhưng Sáu Vồng vẫn không nản chí. Lão dạy cho cháu tất cả những kinh nghiệm mà lão gặt hái được trong cuộc đời săn thú của mình. Rồi đâu cũng vào đấy, những điều lão dạy hình như không ăn nhập gì đến chúng nó cả. Lão có cảm giác những lời lão nói như nhắc tuồng và hai đứa cháu lão nai nịt lên đường không khác chi chuẩn bị lên sân khấu. Phường săn giờ chỉ là phường hát rong hết thời dù lão có cố gắng tạo thêm tuồng tích mới cũng không còn hấp dẫn người xem được nữa. Thời đại mới vùi lấp tất cả những vàng son quá khứ và những thành quả hiển hách của phường săn ngày nào giờ chỉ còn là chuyện cổ tích làm vui tai cho thế hệ con cháu dân làng.

Nắng đã lên cao mà Sáu Vồng vẫn còn ngồi bất động trên hàng hiên nhà. Đôi mắt lão đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Trong tâm hồn lão những xung động không ngớt. Quá khứ và hiện tại quyện lẫn vào nhau như mớ bòng bong. Có những điều lão không muốn nghĩ đến nhưng nó vẫn sừng sững trong lòng lão và có những hình ảnh lão muốn lưu giữ lại nó lại bay biến đâu mất. Đứa con trai mà lão từ bỏ vẫn không rời lão. Lão đã chửi mắng xua đuổi nó đi, nhưng nó vẫn đứng trong trái tim lão. Nó đứng đó, lão nhìn thấy rõ ràng nó vung con dao quắm cán dài mà chính lão đã rèn cho nó, lạng người sang phải như lão nhắc nhở nó nhiều lần, đánh thẳng vào tim lão. Lão đau đớn lắm, nhưng lão vẫn không chết được dù lão mong muốn được chết cho rảnh nợ đời. Tuy nhiên có một điều Sáu Vồng không biết được là đối với người dân trong làng Phú Minh này, lão cũng như phường săn đã chết từ hơn hai mươi năm mặc dù lão vẫn sống với tiếng tù và nỗi ám ảnh khôn nguôi mỗi khi mùa săn trở lại.

 
 

Lê Lạc Giao