Ngày Ấy Bây Giờ

 
 
 

Khi Quân trở lại thành phố biển, chỉ còn trong ký ức những buổi sáng mùa đông trời rét nhưng không ngăn được đôi chân sáo thời trẻ dại chạy dài trên doi cát về hướng cầu đá, mắt dõi theo những đợt sóng cao cuồng bạo cuộn vào bờ bắn tung bụi nước mù mịt làm ướt cả mặt. Quân cũng mơ hồ nhận ra mùi muối biển nhạt nhòa trong không gian tràn ngập nắng. Thời gian tính theo mùa đến trường và lúc bấy giờ tình yêu quê mẹ và tình yêu trai gái chưa hề có biên giới rõ rệt. Quân ngồi bó gối trên thềm gạch xây của bờ cát mắt nhìn vào khoảng không bao la trước mắt. Biển mênh mông vô cùng và hồn anh tựa như có cánh lượn trên bầu trời xanh, cảm nhận nỗi khoan khoái vô bờ. Lúc ấy tâm hồn anh và ước mơ là một. Những khao khát úa tràn trong không khí đẫm mùi muối biển, mây trời và anh như hòa tan vào nhau. Quân là mây, mây là ước mơ, ước mơ là gió và gió tràn ngập không gian mang giấc mơ thời trẻ rong chơi khắp thành phố biển này. Gió mang Quân lang thang trên dãi cát vàng bờ biển, chạy theo chiếc xe bán sữa đậu nành lạnh, đáp xuống vĩa bánh dừa vàng óng mật cùng những chiếc bánh mì sừng bò bọc thỏi lạp xưởng béo ngậy nằm xếp lớp trên thành xe. Năm ấy Quân mười hai tuổi, học lớp đệ thất trường Đăng Khoa của thầy Vũ Lai Chương. Thầy ở tận Sài Gòn ra thành phố biển này mở trường dạy học. Ngày đầu khai trường, thầy Chương đi khắp các lớp nói chuyện với học trò. Lúc bấy giờ đối với Quân thầy già lắm, hình ảnh một cụ già tóc bạc mặc côm lê trịnh trọng đọc diễn văn khiến anh nhớ đến những nhân vật trong sách Tâm Hồn Cao Thượng. Ôi tháng ngày cũ ấy là vùng hào quang chói ngời tuổi thơ!

Con đường Quân đi không còn tên cũ và biểu tượng chỉ là trí nhớ trên nền thực tại với những khuôn thước thời đại rõ ràng đậm nét qua từng khối vật chất trong thành phố biển này. Biển vẫn như ngày đó, là ước mơ của tuổi thanh niên và những gì còn lại trên thành phố anh thấy giống như những thành phố khác trên thế giới mà anh có dịp đi qua. Anh nghĩ đến toàn cầu hóa, ừ nhỉ, thời đại có dấu ấn của nó! Quân lang thang trong ánh nắng hồn nhiên tuổi thơ và sự ngây ngất của tâm hồn ngày cũ.

Phố biển tháng sáu. Đứng trên bờ cầu đá xóm Bóng, Quân nhìn những con thuyền đến và đi. Mùi cá và muối đậm đặc ở đây trong tiếng ruồi bay inh ỏi. Âm thanh quá khứ vang vọng. Sóng biển trong cầu tàu sóng sánh ánh nắng sáng. Quân nhớ lần bơi thi của trường bốn mươi hai năm trước, anh đã vứt xuống biển những viên phấn trắng và nhìn theo nó chìm dần xuống đáy. Tuổi trẻ của Quân cũng từng chôn ở đây vài kỷ niệm. Khi mơ hồ lúc rõ ràng quen thuộc nhưng không thế nào quên. Ánh mắt long lanh của người con gái. Nụ cười buồn của mùa hè và hàng phượng vĩ trong sân. Nhìn hoa phượng đỏ ối từng vạt xa anh thấy thiếu vắng tiếng ve sầu ngày hạ. Thiếu một đoạn đời đẹp trong góc phố của một thị trấn nhỏ nhắn ven sông Cái, đường phố chật hẹp nhưng đẹp như một bức tranh ấn tượng do màu ố vàng vẽ lên.

Màu vàng ố là màu của bâng khuâng và luyến tiếc, nhạc thỉnh thoảng cũng có màu ố vàng. Quân nhớ những bản nhạc Trịnh công Sơn ố vàng đưa anh về cố quận, nơi màu vàng của đất, của ánh nắng chiều chiếu dọi lên những ô cửa cũ kỹ bụi bặm của khu phố cổ ven sông hắt vào trí nhớ sự rung cảm đến gai ốc những ngày tháng tư ở lớp về muộn. Mỗi chiều từ trường về sau khi xuống xe đò, Quân ghé vào nhà người quen trong con hẻm nhỏ nhẹ nhàng mở khóa chiếc xe đạp sterling xanh da trời dựng dưới tàng cây vú sữa và đưa tay chào cụ già ngồi hút thuốc trên hàng hiên. Quân chậm rãi đạp xe qua dãy phố cũ, đến mũi nhọn cuối phố, nhìn bâng quơ lên tầng cao của tiệm cơm tàu thấy con gà gỗ trắng trên mái chầm chậm xoay trong gió chiều. Về lại thị trấn hôm qua, Quân nhìn lên tầng cao của tiệm cơm tàu. Không còn tiệm cơm, không còn con gà gỗ trắng! Không có gì! Chỉ có những viên ngói vỡ và những con lương rong rêu rạn nứt. Quân tự hỏi tâm hồn mình có còn nguyên vẹn chăng, khi những kết hợp mong manh không đủ hàn gắn những chia lìa vạn đại trong cuộc đời mình?

Ngày ấy Quân dừng xe đứng ngắm những bức tranh sơn dầu ố vàng cũ kỹ trong phòng tranh cuối phố bên kia sông trước khi về nhà. Cậu bé say mê ngắm cây cổ thụ trơ trụi lá trong ánh nắng chiều còn sót lại từ chân trời. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo mất hút trong lũy tre xanh. Người họa sĩ già Duy Ký của khu phố cũ chỉ vẽ những bức tranh sơn dầu ố vàng kỷ niệm. Ấn tượng bao hình ảnh đầy màu sắc ấy theo Quân đi khắp nơi và những cơn mơ cũng ố vàng như cuộc đời anh một lần đánh mất tuổi trẻ trong biến động chính trị. Những giấc mơ ấy dài buồn bã. Cô gái ngực trần trong khu phố cũ, đã để màu nắng vàng lên đôi vú nhọn và Quân giã từ tuổi thơ đi về vùng núi đồi miền cao tìm lại chút hạnh phúc mong manh với người con gái da ngăm đen cười đôi mắt lúng liến nắm chặt tay anh ngày ấy nói: “T. đi nhưng nhớ mãi, T. về Bạc Liêu sẽ không bao giờ quên…” Mà làm thế nào quên ánh mắt nồng ấm trong thành phố sương mù giá rét ấy nhỉ? Đến ngày hôm nay dù thời gian trôi qua nhanh hay chậm, quá khứ cô đọng lại những giấc mơ ố vàng vừa êm dịu lại vừa ám ảnh khôn nguôi trong phần đời còn lại và Quân nhận ra mình còn đứng mãi trong những tấm tranh sơn dầu của người họa sĩ già ngày xưa.

Mùa thu năm sáu mươi hai, bóng mây thời gian đi qua thị trấn già nua cũ kỹ này. Chiếc xe thổ mộ bánh gỗ lăn lóc cóc như vọng tiếng mõ treo trên cổ những con trâu già chiều về làng. Bên kia sông, tiếng guồng xe nước trầm trầm buồn buồn trong không gian tĩnh tại cuối ngày. Con đường về chùa Làng, những cô gái gánh lúa khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi ngồi quạt dưới tàng bồ quân. Chiều mùa thu ấy, làng Quân thiếu mất hai người chăn trâu mướn. Hai cậu thanh niên bỏ làng lên núi. “Vào khu theo bên kia!” Có người kháo như thế! Quân cũng không hiểu bên kia là gì vì không ai nhắc đến nữa bởi hai cậu ấy mồ côi. Đêm trong làng từ ngày ấy dài, buồn và bí hiểm. Rồi tiếng mõ râm rang đầu làng cuối xóm bắt trộm. Vườn mía trước nhà xào xạc tiếng chân người. Những bó đuốc bã mía lập lòe trên những chân ruộng khô. Quân thiếp đi trong cái âm thanh khốn khổ của những xáo trộn chính tri bắt đầu. Tiếng súng nổ xa xa và những xác người trôi sông với mãnh giấy nhòe máu đính trên lưng. Tiếp theo tiếng chuông mồ côi và tiếng mõ rầu rầu trong đám tang bà nội dội vào lòng Quân thành cơn đau âm ỉ tuổi thơ. Quân bắt đầu nhận biết cái đau của sự chia lìa qua cái chết của bà nội. Bà quạt cho Quân ngủ trong những đêm hè dài oi bức và sau khi bà chết, Quân tưởng còn nghe tiếng quạt đều đặn của bà nữa đêm. Những khi giật mình thức giấc nhìn sang ngọn đèn hột vịt tỏa ánh sáng leo lét trên bàn thờ bà nội, Quân không thấy sợ, chỉ thấy lẻ loi và tủi thân. Ông nội Quân trầm ngâm mỗi chiều bên tách trà nguội đã cùng Quân chia xẽ nỗi cô đơn của mình bằng cách nhìn đăm đắm rặng núi hình voi nằm trước nhà như thấy bà đâu đó ở thế giới bên kia. Chiều xuống Quân đi theo ông một vòng sân ngắm những khóm cúc ủ rũ, đóa thược dược héo úa vì không người tưới nước. Ông nội xoa đầu Quân rồi ra giếng kéo nước đổ đầy bình và Quân cặm cụi đi tưới hoa. Sau khi tưới xong ông nội nói với Quân, “ngày mai hoa sẽ tươi, ngày sẽ đẹp nhưng người chết rồi không bao giờ gặp lại được!”

Khi những cây bàng trong sân trường rụng hết lá, trơ cành khẳng khiu trong cơn bấc trở về từ bên kia rặng núi, Quân nhìn sang bên kia sông. Không còn màu đỏ rực lửa của vạt hoa phượng trong sân trường quận nữa, thay vào đó một vệt dài sẫm tái trên nền trời xám xịt. Hè đi, thu qua và mùa đông trở lại. Thời gian như guồng xe nước ven sông chạy chậm rãi đều đặn nhưng bất cần những vui buồn do mình mang đến hay đi về đâu? Dậu trúc đào cuối thu còn sót vài đóa hoa lạc lõng trước sân trường. Quân đạp xe theo dọc bờ sông trở về nhà. Qua những khoảng trống của bờ tre Quân thấy lòng nhẹ nhàng khi nhìn mặt nước sông ánh vàng trong nắng chiều. Tiếng rái cá chép miệng và văng vẵng tiếng bánh xe bò lóc cóc về làng. Đến đầu xóm Quân dừng xe vì đám đông đứng tràn ra đường. “Một cô gái tự tử”. “Uống thuốc giết chuột. Đang chờ xe chở đi nhà thương quận để rửa ruột”. Quân không thấy nạn nhân dù cố gắng nhìn. Buổi tối Quân nghe người hàng xóm nói với mẹ, “con nhỏ chữa hoang đầu làng tự tử. Nghe nói đã chết trước khi đến nhà thương!” Vẫn có những cái chết đối với Quân khó hiểu và bất công. Từ khi bà nội mất, Quân thấy mọi cái chết đều bất công, đầy tính cưỡng bách, áp chế! Không hề có nhượng bộ nào qua sự đau buồn thương tiếc của người sống. Quân không nhận biết tính qui luật của cái chết thế nên ngày ấy cái chết chỉ làm Quân thấy vô vọng trước sự đã rồi. Dù là bà nội Quân, cô gái chữa hoang hay những người bị giết thả trôi sông đều như nhau. Sự thúc thủ trước số mệnh!

Buổi sáng chủ nhật mẹ đeo cho Quân sợi dây chuyền vàng và nói rằng bà nội trước khi chết để lại. Quân nhìn về phía cuối làng nơi có nấm mộ của bà cảm thấy những ngày êm ả trước kia dường xa lắm dù bà mới mất ba tháng trước. Sau khi mẹ lên chợ, ông nội ra sau bờ tre đan rỗ, căn nhà rộng mênh mang. Quân sang nhà Trãi rũ bạn đi câu cá.

Trãi lớn hơn Quân một tuổi và học trên anh một lớp. Trãi bương chãi giỏi vì nhà nghèo và chỉ bảo cho Quân bao điều thực tiễn khi anh bắt đầu hiểu biết. Những buổi sáng mùa hè từ chợ về sang nhà Trãi, Quân luôn thấy bạn ăn cơm nguội với nước mắm ớt trong khi cha mẹ phải ra đồng làm ruộng từ lúc tinh mơ. Trãi làm cho Quân cái bẫy chim chữ A bằng căm xe đạp, chiếc ná cao su và chiếc cần câu trúc với cái phao bằng ngọn bắp khô để câu cá rô, cá bóng. Trãi ra sau vườn đào trùn đỏ hay chọc tổ kiến vàng tìm trứng kiến để làm mồi đi câu.

Hai người đi ngang cây dừa lão trong vườn, Trãi chỉ lên tàng dừa cao. Quân thấy con chim dòng dọc xanh đang tha cỏ làm tổ. Trãi nói với Quân rằng loài chim dòng dọc chuẩn bị một tháng trước khi mùa đông đến một tổ ấm cho chim mái đẻ và ấp trứng. Nhẫn nại từ đầu thu, chiếc tổ chim hình chiếc giày ống dài phất phơ trong ánh nắng sáng được con chim trống khéo léo tỉ mỉ như người thợ thủ công đan gần xong. Từ dưới nhìn lên Quân còn thấy những thanh rơm bện ngang để chim đứng và nhiều ngăn để tránh mưa gió mùa lạnh. Nữa đùa nữa thật Trãi nói, khi chim lớn bỏ tổ Trãi sẽ leo lên cây dừa lấy tổ chim làm giầy mang mùa đông.

Trước khi sang bàu gáo câu cá, Quân và Trãi phải đi qua nghĩa địa làng. Nắng sáng chờn vờn trên những nấm mộ nhấp nhô và những khóm dứa dại um tùm dọc đường. Bàu nằm sau rặng tre dày, mát rượi dưới tàng cây gáo. Có rất nhiều quạ đậu trên cao và dưới chân cây gáo phân quạ trắng xóa. Trãi dùng cần câu xua khoảng lục bình dày trên mặt bàu để có chổ trống thả dây câu. Hai người im lặng câu cá, thình thoảng một vài tiếng quạ kêu Quân nghe buồn lắm. Đến trưa Trãi câu được chục con cá rô nhỏ trong khi Quân chỉ được ba con. Trãi xâu tất cả cá lại bằng cọng cỏ dài và bảo về nhà làm gỏi bưởi ăn rồi chiều đi câu cá bống ngoài sông.

Buổi chiều Trãi sang nhà Quân nói không ra sông được vì người trong làng đang tìm một em bé chết đuối. Trãi đưa cho Quân mượn quyển ba Tây Du Ký có hình “hai hành giả làm mờ trời đất” và Quân đưa choTrãi mượn tập truyện tranh. Ngày hè không đi câu cá, đá banh hoặc tắm sông Quân và Trãi thường vùi đầu đọc sách. Khi những bộ truyện Tàu Tín Đức thư xã nhà Trãi đã đọc hết sạch, Quân rủ Trãi qua chợ quận mướn sách. Sang bên kia sông, Quân mua trần bì, xí muội trong tiệm thuốc bắc và chia cho Trãi. Hai người vừa đi vừa ăn đến trường trung học quận gần bờ sông. Trường ngày hè yên ắng trong tiếng ve sầu rền rĩ, Trãi chỉ cho Quân lớp mình đang học trong khi Quân quan sát những cây phượng già cỗi với tàng hoa đỏ ối trong sân trường. Quân nói với Trãi giúp mình leo lên cây. Trãi leo lên trước và kéo Quân dần lên, cuối cùng hai người đứng trên cành phượng cao nhìn sang bên kia sông. Quân chỉ cho Trãi thấy ngôi trường quét vôi trắng mình đang học thấp thoáng sau rặng cây bàng. Từ ngôi trường ấy hàng năm khi thấy màu đỏ của những cây phượng trường quận này Quân biết ngày hè sắp trở lại. Buổi trưa Trãi và Quân khệ nệ ôm sách mướn ghé phòng tranh cuối phố trước khi trở về nhà. Trãi không thích tranh lắm nhưng chìu bạn đứng chờ ngoài cửa trong khi Quân say mê ngắm nghía các bức tranh sơn dầu mới và cũ của họa sĩ già Duy Ký.

Thường chiều Quân lên chợ làng đón mẹ. Mẹ có vỉa hàng tạp hóa trong chợ làng. Ngồi phía sau quầy Quân nhìn những cô gái áo dài trắng từ trường quận trở về. Cậu bé nhìn không chán các cô gái đi xe đạp hoặc đi bộ ngang trước mặt mình với tà áo dài phất phơ đi về cuối đường và chỉ còn những điểm trắng nhạt nhòa trong nắng chiều. Quân biết cảm xúc của mình. Tự đáy lòng, niềm rung cảm cái đẹp của người con gái và cái đẹp quê nhà hòa lẫn vào nhau gắn chặt vào ký ức biến nó thành thứ số mệnh. Những tà áo trắng ngày thơ, hàng phượng đỏ rực trong tiếng ve ngâm ngày hạ, rặng núi sừng sững thinh lặng trước nhà hay dòng sông hiền hòa sau lưng nhà chỉ là chi tiết của bức tranh đời và anh cũng không ở bên ngoài bức tranh ấy. Đến khi Quân lên học trung học, sang thị trấn bên kia sông để gửi chiếc xe đạp ở nhà người quen và lên xe đò đi học trường tỉnh thì người họa sĩ già trong khu phố cổ cho thêm màu ố vàng buồn bã vào bức tranh đời anh và càng đậm nét hơn nữa những lần anh ra đi rồi lại trở về.

Trời sắp sang thu. Quân còn nhớ hôm ấy bên hông nhà phía nam vượt qua vườn cây ăn trái, đàn bướm thiên di về núi suốt buổi sáng. Những cánh bướm muôn màu rực rỡ cuồn cuộn về hướng tây bắc, nhìn theo như một dãi lụa dài bất tận lượn trong nắng và giãi lụa hôm ấy cũng đã mang tất cả những ngày thơ ấu của Quân ra đi. Tháng chín Quân theo cha đi cao nguyên. Năm sau ông nội cũng rời làng cũ. Mẹ Quân ở lại giữ nhà từ đường. Nhà Quân từ ngày ấy biến thành ngôi miếu cổ và mẹ là người thủ từ có bổn phận bảo vệ những cay nghiệt bao đời tổ tiên để lại. Làng Quân, thị trấn bên kia sông và thành phố biển dần dần cổ tích qua những lần nhớ lại.

Mùa đông năm sáu mươi chín, từ Sài gòn Quân trở về làng thăm mẹ. Xuống phi trường phố biển Quân đón xe đò về thị trấn rồi lên cầu mới sang sông. Thời gian có thể làm người ta trưởng thành nhưng đồng thời cũng làm người ta nhỏ bé đi sau khi thấy cái bao la của trời đất bên ngoài nơi chôn nhau cắt rún. Khi bước chân lên chiếc cầu đúc bề thế, nhìn làng cũ dưới chân cầu Quân thấy được bóng thời gian đi qua tuổi thơ của mình. Cầu ván đầu làng vẫn còn nhưng đã thành di tích vì dân làng bây giờ sang sông bằng chiếc cầu đúc mới này. Từ xa dáng cầu xiêu vẹo giữa nắng trưa như bóng một quãng đời tàn tật và khi Quân bước vào căn nhà nơi anh đã sinh ra, lớn lên thấy mẹ ngồi trên ngạch cửa với chiếc nón lá đang chằm dở dang như hình bóng một kiếp vọng phu thời đại lòng Quân dâng lên nỗi chua xót trong cái quạnh hiu của một không gian bị bỏ quên. Mẹ Quân đứng lên nắm vai anh nói giọng sũng nước mắt. “Con lớn và cao như thế này!”. Quân không khóc nhưng lòng buồn và nặng nề như dãy núi cô đơn trước nhà. Nhìn những vết nhăn trên khuôn mặt mẹ Quân cảm nhận được cả nỗi đau buồn chia lìa cắt xẻ trong lòng mẹ những ngày tháng cô đơn quạnh quẽ đã qua.

Trong lúc mẹ loay hoay lo cơm trưa, Quân sang nhà Trãi. ChaTrãi mất bốn năm trước, Trãi vào Hải quân sau khi đỗ tú tài hai và đang thụ huấn quân sự ở Nha Trang. Mẹ Trãi cho biết Trãi có người yêu là cô nữ sinh ở đầu làng và hai người hi vọng lấy nhau sau khi Trãi ra trường. Trãi thường nhắc đến Quân và ước mong có dịp gặp lại. Lúc trở về nhà, con đường trong vườn ngắn, quang đãng hơn và Quân vừa đi vừa nhớ lại cái tổ chim dòng dọc trên cây dừa lão ngày trước. Chốn cũ vừa xa vừa gần. Mấy người quen kẻ còn người mất. Người con gái ven sông nhỏ hơn Quân một tuổi đã đi lấy chồng năm trước. Cô gái thôn Bạch Hoa ngày xưa quen biết đã góa bụa trước khi con ra đời. Thửa ruộng mía trước sân giờ là sân chơi của một trường tiểu học. Mặt đường mới bên hông nhà cao hơn mái ngói. Từ sân nhà tầm nhìn không còn xa vì những kiến trúc mới che chắn. Thời gian đã làm cái mới cũ đi và cái cũ trước kia càng lùi xa hơn nữa.

Quân ngồi trên tấm phản mun vừa ăn cơm vừa lắng nghe mẹ kể những chuyện bể dâu trong làng. Quê hương vàng son ngày ấy là bóng mây thời gian trôi qua cửa sổ. Chiến tranh làm con người dường vội vã hơn và làng Quân bây giờ đông dân vào buổi tối vì phải chứa thêm một số người của bốn làng trong chân núi không cảm thấy an toàn về đêm phải ra làng Quân ngủ nhờ. Đêm không còn yên tĩnh như ngày cũ, tiếng đại bác ầm ĩ đã xua tiếng chuông chùa êm ả trước kia vào dĩ vãng và tiếng vọng của nó trong đêm như nhắc nhở một thực tế bi đát mà ai cũng phải đương đầu.

Hôm sau Quân từ giã mẹ về cao nguyên. Mẹ không nói gì vì hình như với mẹ mọi thứ đều đã được sắp đặt sẵn trong căn nhà cũ kỷ này. Mẹ chỉ có bổn phận tuân theo, chịu đựng mọi nghịch cảnh hay đúng hơn mẹ cũng chính là căn nhà từ đường. Mẹ đã hóa thân vào những cột kèo, mái ngói rêu phong để có thể kiêu hãnh với nắng mưa bão táp trong sự bất hạnh của riêng mình. Khi bước ra cổng Quân cố tạo cho mình cảm tường sẽ trở về thăm mẹ một ngày rất gần đồng thời không dám quay lại nhìn vì sợ thấy cõi lòng tan nát với hình ảnh mẹ hóa đá trên ngạch cửa trong dáng ngóng đợi con trở về. Lúc máy bay lượn vòng trên thành phố biển Quân nhắm mắt lại thấy cả khung trời cũ và năm tháng ố vàng đã qua đời mình.

Tháng năm năm bảy mươi ba, Quân trở lại phố biển rồi về thị trấn và sang sông. Chiến tranh hiện diện khắp nơi. Tiếng đạn bom thay cho tiếng ve sầu ngày hạ. Cái chết phục vụ chiến tranh tận tình và hoang phí. Cầu làng cũ sập nhiều lần nhưng dân làng vẫn bền bĩ xây dựng lại dù những lần về sau nó biến dần thành cầu khỉ đơn sơ vắt vẻo ngang sông như nụ cười mỉa mai thế cuộc. Làng Quân thình thoảng thành bãi chiến trường và người ta giành giật nhau từng tấc đất bằng súng đạn với khẩu hiệu “lấn đất, giành dân”. Mùa hè thơ mộng xưa giờ là “mùa hè đỏ lửa”. Hàng phượng vĩ trường quận vẫn ra hoa, nhưng màu đỏ ấy sao nhiều liên tưởng đến chết chóc thương vong như thế! Làng cũ thay đổi nhiều hơn qua mất mát nhà cửa và con người. Những công trình mới phục vụ chiến tranh làm quê hương yêu dấu này nhiều nét đổi thay cẩu thả. Cái mới ấy càng đẩy mau lẹ hình ảnh cũ vào quá khứ. Nét trầm lắng một thời an ổn ngày trước hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên dù thế sự đổi thay mẹ và căn nhà từ đường vẫn thế. Ngồi trong căn nhà của mẹ, Quân chìm đắm trong sự lãng quên hiện tại và thấy mình bé nhỏ bình yên trong nổi cảm hoài sâu lắng xa xăm. Nhìn rặng núi phía trước nhà Quân nghe mẹ nói.

Trãi đã chết vì tai nạn sáu tháng trước. Trên đường từ Cam Ranh về nhà cuối tuần, trong cơn mưa tầm tã chiếc xe chỡ Trãi qua khúc quanh bị lật nhào. Cửa xe mở tung hắt Trãi ra ngoài và cả chiếc xe GMC đè lên người anh. Khi kéo được Trãi ra, anh đã chết vì vỡ lồng ngực. Cô gái người yêu của Trãi đã để tang và xuống nhà Trãi ở đủ trăm ngày mới trở về nhà. Buổi chiều Quân ra nghĩa trang làng. Nấm mộ Trãi không xa mộ bà nội. Nhìn tấm bia còn mới với tên tuổi cấp bậc sĩ quan hải quân, Quân nhớ lần ghé thăm vội vã của Trãi năm ngoái tại Sài gòn. Hai người uống với nhau ly café mười năm hội ngộ. Lúc chia tay Trãi nói, khi nào Quân về Nha Trang chúng ta đi đảo Bích Đầm câu cá biển để nhớ những con cá rô cá bóng thời thơ ấu. Hôm ấy Trãi mặc bộ quân phục sĩ quan hải quân màu trắng. Bây giờ Trãi nằm đây và những hình ảnh của anh trong trí tưởng của Quân vụt biến thành chiếc bóng. Chiếc bóng ấy chìm trong khoảng không quá khứ mờ ảo biểu tượng của bao mất mát chia lìa.

Thành phố biển, thị trấn ven sông và làng cũ xa xôi hơn nữa khi mẹ cuối cùng cũng giã từ nhà từ đường vào Sàigòn sống với con cháu. Dù mẹ đi đi về về mỗi sáu tháng, căn nhà từ đường chìm trong sự lãng quên của thế hệ con cháu về sau, nhưng với Quân nó vẫn thấp thoáng trong bức tranh đời với những lần ra đi và trở về phố biển. Những năm sau này thời thế đổi thay đem theo trật tự đảo lộn. Có những điều không bao giờ người ta nghĩ đến nó xãy ra nhưng nó vẫn xãy ra và ngược lại. Và dù giá trị đảo hoán, con người ai cũng có một quê hương và một bức tranh đời. Quân cứ mãi tô điểm thêm bức tranh ố vàng của mình sắc màu u ám từ nét vẽ đầu tiên một thời có hạnh phúc, có niềm vui êm đềm và một thời đánh mất nó vì những nhân duyên tan hợp bản thân hay những thăng trầm thế sự.

Lần này về thăm phố biển, Quân trở về làng cũ chỉ có thể đứng nhìn mãnh đất trống bên nhà Trãi và rặng núi bạc màu hình voi phục trước nhà bởi căn nhà từ đường mẹ đã bán năm năm trước và người chủ đã san bằng để chuẩn bị xây cất một công trình mới. Đứng ở mái hiên nhà Trãi bây giờ là tiệm uốn tóc, Quân vừa nhìn mãnh đất trống vừa nghe người chị họ của Trãi nói. Nghe đâu người ta sẽ xây một khách sạn để đón khách từ cái bến xe mênh mông bên kia đường trên mãnh đất của nghĩa địa ngày trước. Mộ Trãi và những mồ mã trong làng đã được dời lên núi. Nhúm cốt bà nội Quân sau khi thiêu được đưa vào chùa ở Sài Gòn đặt cạnh hủ cốt ông nội. Hôm Quân ra đi mẹ có nói, làng cũ mình thay đổi và phát triển nhanh nhờ người chủ tịch tỉnh vốn trước kia là một trong hai cậu bé chăn trâu bỏ làng lên núi mùa thu năm sáu mươi hai.

Buổi sáng hôm sau trước khi trở về Sài Gòn, Quân ngồi trên bờ đá nhìn sóng biển ngày hè êm ả nhớ một thời đã qua đời người. Khoảng không gian vẫn thế nhưng khoảng thời gian bốn mươi năm mang đến quá nhiều đổi thay. Biển tuy còn đó nhưng tuổi thơ đã ra đi và biển nếu có cho Quân ước mơ cũng chỉ là hoài vọng những gì một thời đã mất.

 
 

Lê Lạc Giao