NHÀ ĐỘC TÀI

 
 
 

Gã thức giấc mồ hôi còn đầm đìa trên cổ. Giấc mơ kinh hoàng. Mọi người hò hét đả đảo gã. Họ ném đá, cà chua, trứng thối vào mặt gã. Dù trong cơn mơ gã nhận ra mình tỉnh táo đến độ bình thản và lãnh đạm nhìn đám đông. Dường như máu chảy xuống mặt và những quả cà chua nát lẫn lòng đỏ trứng chui vào cổ, túi áo của gã rồi chảy dọc theo xương sống, xương sườn như những con rắn đang bò. Đứng trên bao lơn của tòa thị chính thành phố, gã leo lên trên những thanh gỗ to mặt trên của lan can nhìn xuống đám đông. Lòng lạnh lẽo, gã bước tới trước một bước vừa thét hai chữ “phản bội” thì hụt chân rơi xuống. Trong cơn mơ gã vẫn nhận rõ mình đang trong trạng thái rơi tự do và nghe mọi người hoan hô reo mừng. Khi nhìn xuống, thấy trên mặt đất nằm ngổn ngang những pho tượng bán thân của mình gãy nát, gã thét lên và giật mình thức giấc.

Bàng hoàng gã suy nghĩ. Có rất nhiều giấc mơ trong tháng. Sự phản bội của đám đông mà gã từng hi sinh cả cuộc đời mình đấu tranh cho họ: từ mảnh đất cắm dùi đến cái xã hội phồn vinh ngày hôm nay không làm cho gã ghê sợ bằng cái phản trắc của chân lý bấy lâu sừng sững trong tâm hồn như thứ tài sản không gì so sánh được. Giấc mơ kia đã thay thế bằng thứ sự thật nhầy nhụa là người ta gào thét trước dinh thự cơ ngơi của gã mỗi ngày: cút đi tên độc tài! hãy trả lại đất nước này cho thế hệ mới và thế giới mới mà người dân thực sự làm chủ. Không thể tiếp tục lừa dối bịp bợm hơn nữa!

Ngày ấy gã không chỉ đại biểu cho đức hạnh dân tộc mà còn là niềm tin của bao triệu người. Trong những thập niên trước gã được những phúc trình, báo cáo rằng đại đa số thanh thiếu niên mỗi khi thất bại hay đương đầu với khó khăn thường kêu tên gã để có thể vượt qua được hoàn cảnh trái ngang hay bi quan tiêu cực trước mắt. Lúc bấy giờ gã không chỉ là thần tượng mà còn là thần linh của mọi người!

Tuy nhiên hai năm gần đây những loại báo cáo như thế không còn nữa. Gã không dám hỏi trực tiếp người dưới quyền mà chỉ lặng lẽ theo dõi, tìm hiểu lý do tại sao như thế? Gã vẫn là con người lịch sử kia mà! Trên người gã dường như bao giờ cũng toát lên hai chữ hi sinh. Sau này sức khỏe yếu, gã vẫn ao ước được hi sinh như những năm còn đấu tranh chống quân xâm lược hay thời kỳ đất nước khó khăn sau chiến tranh.

Biểu tình! Hai chữ ấy được thuộc hạ báo cáo và in đậm trên báo lưu hành nội bộ như những nhát búa đập vào trí não gã. Gã ngồi bật dậy. Phản ứng nhanh không kém một thanh niên căm phẫn vì bị xúc phạm danh dự. Tuy nhiên khi đứng lên gã chóng mặt. Ngồi xuống gã nhớ những ngày tuổi trẻ mà thở dài. Bây giờ mỗi ngày sâm nhung, yến chưng đông trùng hạ thảo vẫn không làm gã khỏe chút nào. Những lúc “lực bất tòng tâm” gã vẫn thì thầm nói với chính mình: cố gắng lên, đất nước còn cần đến ta… ta phải sống vì đất nước không thể một ngày thiếu ta và không ai thay thế ta được!

Gã hỏi bộ trưởng công an Trần thế Thiên, có bắt được tên nào chống đối không? Thiên gật đầu, gã hỏi ngay:

- Chắc là đế quốc xúi dục. Có điều tra kỷ lưỡng hay chưa?

Câu hỏi của gã chắc nịch như đinh đóng cột. Đất nước này vừa thiêng liêng vừa giàu có. Rừng vàng biển bạc thì làm gì không có kẻ xấu lăm le bằng cách này hay cách kia phá hoại để trục lợi và ghê gớm hơn là làm suy yếu đất nước để thay đổi định mệnh dân tộc.

Gã và đảng cách mạng là định mệnh dân tộc. Có lần người đồng chí vĩ đại của đảng cách mạng đàn anh đã vổ vai gã nói như thế. Ngày ấy gã còn trẻ và đảng cách mạng còn sung sức. Câu khen của bậc đàn anh làm gã suýt khóc và nhớ suốt đời. Bổn phận gã phải duy trì cái hào quang chói ngời ấy và quyết không để ai thay đổi được.

Gã nghĩ Thiên sẽ gật đầu như mọi lần nhưng lần này Thiên lại lắc đầu làm gã kinh ngạc. Thấy nét mặt nhăn nhó của gã, người bộ trưởng công an đến gần nói nhỏ:

- Em đã nhốt chúng nó, có ba thằng thủ lĩnh xách động. Nhưng có lẽ phải đi gặp chúng nó may ra anh tìm ra manh mối chứ em chịu thua với ba tên này. Dù đã hù dọa nhiều cách chúng nó vẫn trơ trơ. Không phải chúng nó không nói, nhưng những điều chúng khai, em không hiểu. Tại sao? Vì nó giản dị đến độ khó hiểu, anh phải gặp chúng nó may ra … còn nếu anh không có ý kiến, em sẽ cho chúng nó nếm mùi cách mạng…

Thiên đã về từ lâu mà gã chưa ăn cơm tối được vì tâm hồn ngỗn ngang xáo trộn. Gã tự hứa đêm nay sẽ đến nhà tù tự tay thẩm vấn ba tên xách động biểu tình bốn ngày trong tuần lễ trước. Gã ra lệnh tuyệt đối không để chữ biểu tình xuất hiện trên báo. Với gã ngoài sợ sự thật, gã còn hy vọng đấy là ảo giác, mộng mị lừa bịp mọi người, trong đó có gã dù người bộ trưởng công an đã nói vào tai gã rằng đó là đám người biểu tình chống đối chế độ.

Biểu tình là thứ xáo trộn xã hội. Một xã hội có vấn đề mới có biểu tình. Đất nước của gã sao lại có vấn đề khi gã còn sống sờ sờ ra đó. Gã là biểu tượng và biểu hiện của ổn định cùng thịnh vượng. Đất nước dưới sự lãnh đạo của gã và đảng cách mạng chỉ có một đường tiến lên vững mạnh và vững chắc. Chỉ số tăng trưởng của đất nước hôm nay là niểm hãnh diện dân tộc khi so sánh với các nước phát triển trên thế giới.

***
Khi gã bước vào nhà tạm giam trung ương của thủ đô trời tối mịt. Người tài xế năm mươi tuổi âm thầm chở gã đi mà không có tiền hô hậu ủng như thường ngày. Gã thắc mắc và muốn gây bất ngờ. Việc này thực ra còn hàm ý bí mật. Gã không muốn mọi người biết mình đi đâu tối nay, chỉ một số ít người liên hệ biết việc vi hành của gã mà thôi. Gã ngụy trang mặc quần áo cũ, như một cán bộ công an già làm công việc hằng ngày. Càng ít người biết càng rõ sự thật. Việc này một lãnh tụ như gã thừa hiểu trong khi đó người tài xế có chút ngạc nhiên nhưng ông ta không buồn chú ý vì biết rõ con người muôn mặt của thượng cấp mình.

Vợ gã ban chiều có đi mua sắm với đám phu nhân của thuộc cấp lúc gã đi vẫn chưa về nhà. Gã nhớ đến đứa con trai duy nhất đang du học ở hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Năm tới nó tốt nghiệp đại học. Gã chuẩn bị cho Khoa, đứa con trai một sự nghiệp. Tuần rồi gã nói trên điện thoại với con:

- Cha sẽ dành một nơi cho con gầy dựng sự nghiệp vĩ đại.

Đứa con hỏi:

- Sự nghiệp vĩ đại như thế nào?
- Vĩ đại như cha đã làm cho đất nước chúng ta!

Gã trả lời và ngạc nhiên khi nghe con trai thở dài bảo:

- Cha không biết gì cả. Cái sự nghiệp của cha ở nước ngoài người ta lên án.
- Tại sao? Cha là một người yêu nước mà! Cha đấu tranh cho đất nước, công lao của cha người ta không bao giờ quên. Sự nghiệp của cha vĩ đại, và cha là cha già dân tộc. Tượng của cha khắp nơi trên đất nước này. Người ta lên án cha như thế nào?
- Trên thế giới người ta gọi cha là nhà độc tài!
- Cái gì, nhà độc tài?

Gã sửng sốt và con trai gã đã cúp điện thoại dù đường dây gã gọi là đường dây ưu tiên cho các chính khách trên thế giới nói chuyện. Gã buồn bực, ngờ vực những gì con gã nói và những sự việc xãy ra hai tuần lễ nay. Gã gọi điện cho bộ trưởng công an sắp xếp cuộc ra đi tối nay từ ban chiều và được biết mọi sự sẳn sàng. Trại tạm giam trung ương sẽ coi gã như một nhân viên thẩm vấn bình thường đi kiểm tra công việc hàng đêm.

Người tài xế bỏ gã xuống trại giam bằng chiếc xe quân sự con dành cho sĩ quan cấp dưới rồi nghe lời gã đi uống café, chỉ đến đón gã khi gã gọi điện cho biết xong việc.

Bước vào cổng gã đã thấy hai người công an gác chạy ra đón vào cổng thứ hai. Tại đây Thiên và người chỉ huy trại giam đưa gã vào văn phòng rồi rút lui . Gã lấy thuốc lá ra hút và theo một công an trẻ đi xuống trại tạm giam. Trước căn phòng lớn gã nhìn vào cửa sắt. Ba người đàn ông ngồi bó gối trong góc tối. Ánh sáng không soi rõ mặt cả ba. Gã ra dấu cho người công an trẻ gọi một trong ba người ra ngoài làm việc.

Gã lơ đãng ném ba hồ sơ của phạm nhân vào góc bàn. Gã không cần đọc vì gã chỉ muốn tận tay đặt một vài câu hỏi mà gã thắc mắc. Chuyện hồ sơ và xử án có người khác lo và chuyện này gã sẽ cho chỉ thị sau. Lấy kính đen ra mang gã kéo cao cổ áo khoác như muốn che mặt mình khi người thanh niên được một công an đưa vào. Gã chỉ chiếc ghế và mời người thanh niên ngồi. Chậm rãi gã quan sát, không nói gì trong khi người thanh niên nhìn chăm chăm vào mặt gã. Gã bắt đầu lên tiếng:

- Anh cho tôi biết tên tuổi và nghề nghiệp?

Người thanh niên mặc bộ quần áo xanh như công nhân hãng dệt, khoảng ba mươi tuổi, khuôn mặt hốc hác như bị mất ngủ thường xuyên nhìn gã chậm rãi trả lời:

- Tôi là Tuyên, Trần Tuyên, hai mươi chín tuổi làm nghề in. Tôi trông ông quen quen, dường như gặp đâu đấy.

Gã giật mình, cố nhăn mặt, nhíu mày như muốn che dấu bộ mặt thật và lý lịch lãnh tụ của mình. Thật nực cười, gã chưa điều tra ra người trước mặt thì đã vội dấu diếm bản thân mình. Gã hỏi:

- Anh thấy tôi quen như thế nào?
- Tôi chưa xác định rõ, nhưng khuôn mặt dầy dầy như thớt thế kia dường như tôi gặp ở đâu đấy! Thú thật ông giống với lãnh tụ của tôi. Nếu không có cái kính đen, ông giống đến cả tiếng nói.
- Người giống người là chuyện thường, nếu tôi giống được ngài lãnh tụ thì vinh hạnh biết bao!

Gã cố chân thành nói và xuống giọng cho bớt ấn tượng đối với Trần Tuyên nhưng ngay lúc ấy anh ta vụt đứng dậy to giọng giận dữ:

- Vinh hạnh gì, chỉ có xấu hổ và nhục nhã. Cái khuôn mặt dầy bì bì như thế ngày hôm nay không khác cái mo cau lót đít. Tôi không thể ngờ trong vòng mười năm gần đây ông ta tồi tệ như thế.
- Anh nói chuyện đàng hoàng, nói xấu lãnh tụ anh có thể ngồi tù rục xương đấy. Anh phải nói nguyên nhân anh xách động biểu tình. Nếu việc làm của anh có dính líu đến người nước ngoài anh sẽ bị xử tội gián điệp!

Trần Tuyên im bặt. Anh ta tròn xoe mắt như ngạc nhiên rồi sau đó như khám phá ra điều gì thích thú lắm anh cười to nói:

- Ông thẩm vấn tôi hôm nay phải không? Coi bộ ông không có chút khả năng của một thẩm vấn viên nhưng lại chụp mũ rặt theo kiểu thời chiến. Thời chiến tranh người ta phủ đầu, chụp mũ, thanh toán và trở thành thứ sách lược của đảng cách mạng. Sách lược này làm đảng cách mạng nổi tiếng và nó đã đóng góp không ít vào thắng lợi cuối cùng. Ông có biết tại sao tôi vào đây và ngày hôm nay xã hội chúng ta như thế nào không ?
- Hừ anh muốn thẩm vấn ngược lại tôi đấy à? Hãy cho tôi biết động cơ nào khiến anh biểu tình, xách động trong một xã hội vốn trật tự ổn định và thịnh vượng hôm nay? Tôi lấy làm ngạc nhiên khi anh có hành động dại dột như thế? Anh hỏi tôi xã hội như thế nào? Anh có thấy nhà cao chọc trời, xe cộ như nước, và con người tấp nập ở những trung tâm mua bán, sắm sửa không? Anh là một công nhân ngành in tất phải biết những quảng cáo mà anh in ra biểu hiện cái gì chứ? Chúng ta đang sống trong khu vực kinh tế tam đẳng đấy! Điều ấy chỉ là mơ ước của năm mươi năm trước. Ngày hôm nay chỉ số tăng trưởng của đất nước chúng ta nằm trong 10 nước phát triển nhất thế giới! Anh có hiểu như thế hay không?
- Tôi hiểu vì tôi có mắt, có tai và có cái đầu mà! Những gì ông nói tôi nhận thức được tuy nhiên tôi rất tiếc!
- Anh tiếc cái gì?
- Tôi tiếc là ba cơ quan tai, mắt đầu của vị lãnh tụ và cái đảng cách mạng của ông ta đã bị tàn phế bao nhiêu năm nay rồi! Họ mù, điếc và lẩn thẫn. Thêm nữa nếu họ biết họ già nua thì còn tha thứ được nhưng họ lại tưởng mình trường sinh bất tử kìa!
- Anh nói thế là ý gì đây?
- Tôi muốn nói đất nước ngày hôm nay được cai trị bởi những ông phổng đá. Và đất nước cũng muốn biến thành đất đá. Người dân chỉ muốn sống yên ổn với khu vực kinh tế nhất đẳng của họ trong khi nhà nước đuổi họ đi khỏi mãnh đất trồng trọt đã từng nuôi sống gia đình họ để xây những sân golf, sòng bạc phục vụ cho khu vực kinh tế tam đẳng mà ông vừa nói.
- Những thay đổi hôm nay là dành cho mai sau, cho con cháu chúng ta. Những người mất đất đều được đền bù xứng đáng. Tất cả đổi lại sự phát triển đất nước và chỉ số phát triển này giả dối hay sao? Còn người dân ngày hôm nay ăn ngon mặc đẹp thì như thế nào? Là sự thật hay quảng cáo? Anh có biết đòi hỏi của anh chỉ xuất phát từ một kẻ bị tâm thần hay không? Anh có từng bị thương tật trí não hay tiền sự liên quan đến trí não?

Trần Tuyên lại tròn xoe mắt rồi chăm chú nhìn gã thở dài nói:

- Nếu không có cặp kính đen tôi cứ nghĩ ông là lãnh tụ của tôi! Lối nói của ông không khác lời nói của một con vẹt người. Tôi có biểu tình thì cũng biểu thị sinh hoạt tiến bộ của xã hội. Biểu tình mà bị bắt cũng biểu lộ được chính sách của nhà nước. Biểu tình là thước đo dân chủ, tự do. Đất nước không có biểu tình chỉ có hai trường hợp xãy ra.
- Hai trường hợp nào?
- Một là tất cả người dân đang ở trong trại tập trung, hai là người dân đang sống trên thiên đường. Mà thiên đường chỉ có trong thánh kinh thế nên ông hiểu người dân chúng ta đang sống ở đâu chứ?
- Thì không phải mọi người đang sống với cuộc sống ổn định sung túc hay sao? Họ có hạnh phúc và tự do trong sự lựa chọn của họ trừ anh chỉ muốn xách động phá rối an ninh trật tự xã hội.
- Ông có biết hai trường hợp tôi vừa nói lại có nghĩa tuy hai nhưng mà một vì có khi họ đang ở trong trại tập trung nên không chọn lựa nào khác là bằng lòng vì họ không ra khỏi nhà tù được. Trường hợp này cũng là một thứ ổn định đấy! Thứ ổn định này không liên hệ gì đến tự do mà còn là thành quả của sự sợ hãi.

Gã xuống giọng nhìn người thanh niên chân thành nói:

- Anh nói sao? Không có tự do, mọi người không phải đang thoải mái làm giầu hay sao? Không có tự do làm sao có được nhà cao, cửa rộng thế kia?

Người thanh niên cũng xuống giọng hỏi:

- Ông có biết bao nhiêu người giầu đó là ai không? Và sự tự do mà ông nói sự thực như thế nào? Những người giàu có ấy có tự do còn những kẻ nghèo thì chưa bao giờ có tự do. Nếu người nghèo có tự do có lẽ là sự tự do được nghèo và không bao giờ khá lên được trong một xã hội mà những giá trị đáng lẽ thuộc về quyền lợi căn bản con người lại biến thành hiếm hoi đến độ chỉ là bánh vẽ và ảo ảnh. Tuy nhiên với tôi xứ sở này làm gì có tự do. Mà không có tự do thì làm sao có dân chủ được.

Gã tức giận đứng dậy đập bàn quát lên:

- Những phát biểu của anh hết sức phản động! Anh biết không?
- Đấy là minh chứng hùng hồn của tôi đấy, tôi không được quyền phát biểu ý kiến của mình và ông lại bảo tôi phản động. Ông lại chụp mũ tôi đấy!

Hai công an bên ngoài bước đến cửa dáng chờ đợi sau khi nghe tiếng quát của gã. Họ đợi lệnh và gã tự dưng nhớ đến những ngày chiến đấu gian khổ ngày xưa. Ngày ấy những kẻ mà gã gọi là phản động chỉ còn chờ ra sân nhận viên đạn vào đầu. Lòng phiền muộn, gã lắc đầu ra lệnh hai người công an mang người thanh niên công nhân nhà in về nhà giam.

Hút hết hai điếu thuốc lá, uống cạn tách trà sâm gã thấy người nhẹ nhàng hơn bèn ra lệnh mang tên xách động biểu tình thứ hai lên cho gã thẩm vấn.

Người thứ hai này còn rất trẻ, chỉ đáng đứa con đang du học nước ngoài của gã. Gã hỏi họ tên, nghề nghiệp.

- Tôi tên Vũ Đạt. Hai mươi bốn tuổi. Thanh niên yêu nước.
- Tôi hỏi nghề nghiệp của anh kia mà?
- Tôi tốt nghiệp đại học đã hai năm nhưng không tìm ra việc làm. Không công ty nào tuyển chọn tôi dù tôi là một kỹ sư điện tử. Tôi tự xét mình không có cái gì để có thể sống được ngoài cái bằng tốt nghiệp vô dụng bởi nó không giúp gì được cho tôi. Thế giới hôm nay phát triển từng ngày từng giờ mà tôi không ứng dụng tài năng và hiểu biết của mình hai năm nay có nghĩa cái bằng cấp của tôi vứt đi vì chưa hề cập nhật kịp khoa học kỹ thuật hiện đại. Cái duy nhất tôi còn là lòng yêu nước. Thứ này không quá hạn hoặc rỉ sét được.

Nghe Vũ Đạt nói gã thấy khôi hài và thương hại cậu tù nhân trẻ tuổi đang ngồi trước mặt. Gã hỏi:

- Tốt nghiệp đại học mà không có việc làm? Tôi thấy bao nhiêu công ty, xí nghiệp làm ăn như vũ bão kia mà. Đất nước tưng bừng phát triển sao anh lại không có việc làm? Phải có lý do nào đấy chứ?
- Dĩ nhiên, lý do duy nhất là tôi nghèo và cô thế. Không tiền, không quen biết thì ai cho tôi làm việc với chỉ tờ đơn và mãnh bằng tốt nghiệp dù tôi ra trường điểm cao.
- Cứ cho là hoàn cảnh của anh như thế, nhưng chả lẽ đó là động cơ khiến anh biểu tình?
- Tôi biểu tình vì lòng yêu nước?

Lần này gã trợn mắt vừa ngạc nhiên vừa khó chịu:

- Cái gì? Biểu tình vì yêu nước là sao? Anh có điên hay không?
- Hoàn toàn tỉnh táo. Vì đất nước này có một số người tự cho mình yêu nước và độc quyền yêu nước. Đó là lý do sâu xa việc không có việc làm của tôi. Độc quyền yêu nước chính là độc tài. Mà độc tài là đầu mối của sự phát triển què quặt ngày hôm nay.
- Anh có biết mình phản động hay không khi nói những lời nói thế này. Anh sẽ tù rục xương!
- À, thì ra ông cũng thuộc về tập đoàn độc tài như tôi vừa nói. Nếu ông không hiểu tôi vừa nói gì thì tối về trước khi ngủ nhớ và suy nghĩ lại. Cách thức của ông nói hàm chứa sự độc quyền mà tôi vừa trả lời ông. Tôi xin hỏi ông “lòng yêu nước là gì?”
- Anh có biết là anh là kẻ phạm pháp, đang bị tôi thẩm vấn hay không mà anh đặt câu hỏi với tôi?
- Ông là một thẩm vấn viên tồi? Thái độ của ông làm tôi suy nghĩ ông chưa từng được đi học khóa thẩm vấn nào cả? Và tôi cũng nghi ngờ sự học của ông! Lòng yêu nước là ý chí dân tộc đấy ông ạ! Thế nên biểu lộ lòng yêu nước chẳng qua biểu lộ ý chí dân tộc đấy thôi. Do đó khi tôi đi biểu tình vì lòng yêu nước của mình chính là tôi biểu dương ý chí, sức mạnh của dân tộc. Tôi chỉ muốn nói lên sự thật lòng yêu nước mà ai ai cũng có và không thể có thứ yêu nước độc quyền. Bởi độc quyền nên độc tài, do độc tài nên không có dân chủ. Có nghe dân nói đâu, tự xem mình là cha mẹ của dân nên sản sinh một tầng lớp phe đảng toa rập, bao che lẫn nhau đồng thời hà khắc nhũng lạm người dân thấp cổ bé miệng. Tôi xem chính phủ hiện giờ như một công ty làm ăn bất chính đấy ông ạ. Họ xem đất nước này như cục đất sét, tha hồ vo tròn bóp méo miễn có lợi cho họ và tập đoàn của họ. Thế nên một lần nữa tôi xin ông thu âm cuộc thẩm vấn hôm nay, tôi xác nhận tôi biểu tình vì lòng yêu nước của mình. Tôi chịu trách nhiệm tất cả những gì mình nói ra. Đừng hỏi gì thêm vì tôi không có gì để nói nữa. Tôi xin ông suy nghĩ lại và xa rời cái guồng máy dơ bẩn kia. Ông làm được có nghĩa ông biểu dương được sức mạnh dân tộc như tôi đấy.

Gã trừng trừng nhìn Vũ Đạt như một quái vật sau đó ra dấu cho viên công an vào mang anh ta về xà lim. Lúc bấy giờ gã tự hỏi tại sao mình không nói được lời nào với Vũ Đạt mà lại như nghiêm chỉnh lắng tai nghe hắn nói. Tức mình gã cho tay vào túi quần lấy gói thuốc lá ra để hút thì khám phá nó bẹp dí vì gã tức giận bóp nát trong khi Vũ Đạt nói.

Gã xin người công an một điếu thuốc để hút thì anh ta mang cho gã cả gói thuốc lạc đà vàng, thứ gã hút bấy lâu nay. Hình như viên công an nhận ra gã là lãnh tụ nên lí nhí nói:

- Ngài cứ giữ mà hút, em mua cho Ngài đấy mà!

Gã chỉ nói tiếng cám ơn rồi ngồi trầm ngâm hút thuốc. Lòng dưng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ, một tích tắc thoáng qua gã cảm giác mọi người đều bỏ gã ra đi. Gã nhớ lại lời Vũ Đạt vừa nói. Trong đời gã, lòng yêu nước bao la, vĩ đại quá khiến gã chưa bao giờ nghĩ đến lòng yêu nước của người khác. Từ lòng yêu nước ấy, gã đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và gặt hái thành quả to lớn ngày hôm nay. Điều ấy không đúng hay sao? Lòng hi sinh, tận tụy ấy lại bị ngộ nhận như tên Vũ Đạt vừa nói hay sao? Hút hết điếu thuốc nhìn đồng hồ tám giờ tối, gã ra lệnh viên công an mang người tù thứ ba.

Người đàn ông thứ ba nhỏ thó trông thật gầy yếu, có đôi mắt sáng quắc không đợi gã lãnh tụ hỏi mà ngồi ngay xuống ghế tự khai:

“Tôi tên Nguyễn Yên, 39 tuổi thầy giáo trung học.”

Thầy giáo mà đi biểu tình để rồi bị bắt là sao? Gã ngạc nhiên đến độ không tin. Lý do gì một người mô phạm với dáng vẻ trung hậu hiền lành trước mắt đã xuống đường làm công việc hoan hô, đả đảo? Tò mò gã hỏi:

“Anh dạy cái gì mà lại vào đây?”

“Tôi dạy Sử địa, nói nôm na là lịch sử và địa lý.”

“Nhưng lý do gì anh lại đi biểu tình phá rối trật tự xã hội?”

“Đơn giản thôi! Nhưng tôi không phải đi phá rối trật tự xã hội mà tôi đang cố cho mọi người biết trật tự xã hội đang bị phá rối đến nỗi đảo lộn!”

Người thầy giáo tên Nguyễn Yên cười gằn. Nụ cười hằn học trên khuôn mặt vốn hiền lành khiến nó méo mó, kỳ dị. Gã thấy khó chịu, “Anh nói đi!” vị lãnh tụ dưới vỏ bọc thẩm vấn viên ra lệnh. Nguyễn Yên ngẩng đầu nhìn gã chăm chú rồi lên tiếng:

“Tôi dạy Lich sử và Địa lý nước nhà. Lich sử vốn là môn học cao quí vì nó là chiếc chìa khóa mở ra một chân trời cho tất cả mọi công dân. Nhờ nó người công dân biết tự hào để có một hướng đi bên cạnh đó tôi cho học sinh biết được mảnh đất gọi là quê hương mà họ đang sống vốn hình dạng ra sao, và bản chất cụ thể của nó như thế nào khi dạy bộ môn địa lý. Tóm lại tôi dạy cho học trò hai môn học thuộc phạm trù vật chất lẫn tinh thần cốt trang bị, xây dựng một niềm tin để họ bước đi vững chãi trên đường đời.”

Nói đến đấy, Nguyễn Yên dừng lại nhìn gã như dò xét. Gã có chút sốt ruột và thắc mắc không hiểu bèn hỏi:

“Anh chỉ cường điệu! Ai cũng hiểu lịch sử và địa lý là gì kia mà, nhưng việc này có liên hệ gì đến việc anh biểu tình chống nhà nước?”

“Tôi nói chưa hết, ông lại chụp mũ tôi chống phá nhà nước. Không hiểu tại sao chính quyền thích chụp mũ bất kỳ ai tỏ lộ không bằng lòng chính sách của họ?”

“Thế anh không bằng lòng điều gì?”

Gã lãnh tụ lấy quyển sổ tay trên bàn mở ra trước mặt giả vờ như muốn ghi chép. Nguyễn Yên chợt cười một tiếng rồi bắt đầu hỏi lại gã lãnh tụ:

“Anh có biết chúng ta đang sống trong một chế độ độc tài hay không?”

Gã giật mình làm bắn tung cây bút trên tay xuống đất. Không hiểu sao lúc này nghe tiếng độc tài gã sợ. Từ lâu hai tiếng này đã có trong tiềm thức gã như thứ vật tổ húy kỵ. Đến khi Khoa, con trai gã cho hay trên thế giới người ta xem gã như một lãnh tụ độc tài, gã đã thất thần sợ hãi bởi gã biết những chế độ độc tài đều bị lên án, lật đổ. Tuy nhiên sau khi xem xét lại toàn bộ quá trình chế độ chính trị gã và đảng cách mạng đang cầm quyền lãnh đạo, gã yên chí và cho rằng người ta lầm lẫn hoặc ganh ghét. Điều này không ý nghĩa giá trị gì đối với một nước độc lập, chủ quyền và phát triển thịnh vượng như hiện tại. Do đó gã tức tối giận dữ khi nghe hai tiếng độc tài từ miệng của một thầy giáo như Nguyễn Yên đang ngồi trước mặt. Cúi xuống nhặt cây bút lên, gã lãnh tụ gằn giọng hỏi:

“Một chế độ độc tài ư? Anh định nói anh không có tự do phải không?”

“Đúng như thế, đất nước chẳng những không tự do và không hề có dân chủ. Vì tự do dân chủ sao có được trong một chế độ độc tài! Dân chủ, tự do ngày hôm nay chỉ là khẩu hiệu để che giấu, khỏa lấp một thực thể chính trị gần như bị loại trừ ra khỏi xã hội loài người từ lâu.”

“Anh có biết hết sức phản động khi phát biểu như thế hay không?”

“Tôi biết vì khi biểu tình, tôi chấp nhận mình đi tù kia mà!”

Lúc này gã nhớ đến hai tù nhân trước mà gã thẩm vấn. Chính trị và Kinh tế xã hội với gã thuộc hai phạm trù riêng biệt, nhưng cả ba tên tù nhân biểu tình này lại sáp nhập vào nhau khiến gã thấy mâu thuẫn. Xã hội phát triển, thịnh vượng không thể có được từ chế độ độc tài. Lúc nào gã cũng tâm niệm như vậy. Gã hỏi:

“Anh có đi bầu hay không? Có làm bổn phận công dân mỗi khi bầu những chức vụ dân cử?”

Nguyễn Yên lắc đầu. Gã hỏi, “anh không làm nhiệm vụ thế nên không hiểu dân chủ là gì?” Lúc này người tù giáo viên nhìn gã dõng dạc nói:

“Thực ra chính anh mới không hiểu dân chủ gì đâu mà nói. Giá chi anh là đại diên cho giai cấp lãnh đạo hiện tại tôi sẽ đối thoại với anh. Anh có vẻ giống vị lãnh tụ của tôi, nhưng anh không có đầu óc nên tôi không muốn giải thích cho anh hiểu.”

“Khó hiểu đến như thế hay sao?”

“Đúng vậy vì nó là lịch sử. Tôi đang dạy lịch sử cho nên tôi rõ!”

“Anh cứ nói tôi sẽ thu âm điều anh nói. Và anh nhớ tất cả những điều anh nói là bằng chứng để buộc tội anh đấy!”

“Tôi biết!”

Gã gọi viên công an đi lấy chiếc máy thu âm đặt trên bàn và gã lấy thuốc ra hút. Gã mời Nguyễn Yên, anh ta lắc đầu, “tôi không hút thuốc!” rồi nhìn gã lãnh tụ nói:

“Thực ra tôi ước ao được nói chuyện với ngài lãnh tụ chủ tịch nhà nước vì nói chuyện với anh vô ích. Anh chỉ là cấp dưới, sự hiểu biết có hạn và cũng là nạn nhân dù anh có được chút ít quyền lợi.”

“Anh cứ nói và tôi sẽ gửi tất cả những gì anh nói lên cấp trên quyết định.”

“Đúng ra đảng cách mạng và các lãnh tụ chính trị hôm nay mới là kẻ phản động.”

“Tại sao?”

“Vì họ đi ngược dòng lịch sử. Lich sử là một dòng sông nhưng không có bắt đầu và chấm dứt! Họ bắt lịch sử dừng lại và biến nó thành thứ tiếu tượng giống những con rùa, con hạc trong những ngôi miếu cổ. Anh có hiểu hay không?”

Gã lắc đầu và Nguyễn Yên lại im lặng khiến gã sốt ruột:

“Anh nói tiếp đi!”

Viên thầy giáo nhìn gã cười vẻ mỉa mai:

“Trong khi các biến cố lịch sử lại có bắt đầu và chấm dứt.”

“Anh nói thật khó hiểu, có thể giải thích hay không?”

“Tôi đang cố giải thích cho ông hiểu. Thực ra chỉ bởi sự lầm lẫn giữa biến cố lịch sử với dòng sông lịch sử. Đảng cách mạng và lãnh tụ các anh cố biến biến cố lịch sử ra dòng sông lịch sử. Khi đất nước cần thay đổi, một biến cố lịch sử ra đời. Đảng Cách mạng và các lãnh tụ năm ấy đấu tranh và giành thắng lợi. Đấy là biến cố lịch sử. Nó bắt đầu và phải chấm dứt khi công việc đã hoàn tất. Nhưng đảng cách mạng và đám lãnh tụ các ông lại không muốn chấm dứt trong khi thực sự nó đã chấm dứt. Nhân dân biết ơn các ông nếu các ông biết dừng lại. Đằng này các ông tiếp tục biến cuộc cách mạng trở thành cuộc thay đổi triều đại kiểu quân chủ, phong kiến ngày xưa. Tuy ngày hôm nay các ông có cố gắng cải cách thay đổi nhưng làm thế nào được khi bắt buộc một thực thể vốn cố định thay đổi. Đó chỉ là tô son trát phấn lên những tượng đất đá mà thôi. Dòng sông lịch sử luôn nối tiếp bởi những biến cố, có như thế mới có thay đổi và tiến bộ. Các ông muốn người dân tung hô vạn tuế các ông thì chính các ông đã bắt ép đất nước chịu đựng sự nô lệ mới. Các ông cứ tưởng đang đưa đất nước tiến bộ nhưng thực ra đang đẩy lùi đất nước về những thế kỷ trước. Bởi ‘trống đánh xuôi nhưng kèn thổi ngược’ vì khẩu hiệu ‘dân chủ, tự do, bình đẳng, hạnh phúc’ các ông tô vẽ cho hợp thời đại trong khi bản chất đã lỗi thời nên không hề và không bao giờ ăn khớp được với các khẩu hiệu. Thế nên đất nước ngày hôm nay bị bóc lột tệ hại hơn thời phong kiến. Rừng vàng biển bạc cũng chỉ có trong sách vở, trong khi tài nguyên bị vơ vét tận cùng.”

Gã đưa tay tắt máy thu âm. Lúc này thâm tâm gã chỉ muốn đập nát chiếc máy và cả con người đang nói trước mặt gã. Hoàn toàn là sự vu khống hết sức trắng trợn và thô bỉ. Gã lãnh tụ đứng dậy trừng trừng nhìn Nguyễn Yên như muốn nuốt sống anh ta. Cuộc cách mạng với hào quang lộng lẫy rực rỡ lúc nào cũng chói ngời trong tim gã. Nghĩ đến đấy, gã đã thấy chói ngời cái ngày dành độc lập nước nhà và đấy cũng là hóa thân của gã và các đồng chí ngày nào. Nó là biểu tượng bất tử thời đại: từ chiếc búa, cây gậy, gánh hàng rong … đã tham gia vào công cuộc cách mạng kia cũng đều bất tử. Gã hình dung bảo tàng cách mạng uy nghi sáng ngời dưới ánh mặt trời, và đám người đi tham quan đứng sắp hàng dài đến tận chân trời mỗi ngày mà rưng rưng muốn khóc. Năm mươi năm sau khí thế cách mạng như thế này thì làm thế nào nó tàn phai, biến mất được. Nhìn Nguyễn Yên, gã lắc đầu chua chát nói:

“Chính anh không hiểu chứ không phải tôi. Anh mù lòa, ngu dốt chứ không phải chúng tôi. Cuộc cách mạng đưa dân tộc chúng ta tiến bước. Tất cả chúng ta có được ngày hôm nay đều xuất phát từ cuộc cách mạng. Cách mạng đã làm nên lịch sử và nó bất tử. Anh có hiểu như thế hay không?”

“Cách mạng tự nó bất tử chứ không cần ai làm nó bất tử vì nó là một biến cố lịch sử như bao biến cố lịch sử khác. Nó hiện diện trong dòng lịch sử và không ai hủy diệt nó được vì nó vốn hình thành dòng lịch sử! Các ông chỉ lợi dụng và lạm dụng nó như một công cụ để các ông có lý do tồn tại và cứ như thế một nhóm người các ông khống chế đất nước, kềm hãm sự tiến bộ. Ngày hôm nay nhìn chung các ông xem đất nước, dân tộc này là của riêng nhóm người và ra sức bảo vệ tham vọng ác độc ấy. Hành động này có khác gì những thể chế của thời quân chủ chuyên chế ngày xưa. Nhưng ngày hôm nay các ông diễn tuồng đóng kịch tự do dân chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa khiến vở kịch của các ông trở thành trò hề lố bịch khó coi.”

“Đấy chỉ là ý kiến thêu dệt của riêng anh. Người dân mới chính là yếu tố quyết định. Anh có thấy dân chúng đang làm giàu và có thấy chính mình lố bịch hay không? Tuy nhiên tất cả những phát biểu của anh đủ cho anh ở tù rục xương.”

“Tôi chấp nhận tù tội một khi tôi tham gia biểu tình kia mà!”

Gã lãnh tụ ra lệnh mang phạm nhân về lại nhà giam. Gã hí hoáy viết tên ba phạm nhân lên tờ giấy vừa xé rời. Tên Nguyễn Yên gã khoanh tròn bằng mực đỏ. Gọi người chỉ huy trại giam, gã đưa tờ giấy và nhắn ngày mai phải trao cho bộ trưởng công an Trần thế Thiên. Gã tự nhủ, đọc tờ giấy Thiên sẽ biết mình phải làm gì với ba tù nhân biểu tình này! Nhìn đồng hồ gần mười một giờ đêm.

Tài xế đưa gã về tư dinh gần mười hai giờ khuya. Mọi người trong nhà đều đã ngủ trong khi chính gã lại không thấy buồn ngủ chút nào. Gã đi vào văn phòng riêng phía trước, viên quản gia pha cho gã ly trà sâm. Ngồi uống nước trà gã trầm ngâm nhìn ra trước sân. Ánh sáng đèn lờ mờ chiếu lên hai bức tượng đá cẩm thạch trắng đặt ngay cửa ra vào. Nhớ đến giấc mơ kinh khủng mấy hôm trước, gã đến gần hai bức tượng quan sát. Khuôn mặt hai bức tượng là mẫu của gã thời thanh niên nhưng hôm nay gã lại thấy dường như một người nào khác, hoàn toàn xa lạ với mình. Chợt những lời thầy giáo Nguyễn Yên vừa nói mấy giờ đồng hồ trước vang lên trong tai gã. Đưa tay chầm chậm, gã sờ lên mặt bức tượng mà cảm giác đang vuốt ve khuôn mặt con trai mình sau đó gã thở dài quay vào phòng.

Qua khỏi dãy bàn ghế làm việc, gã tiến vào khu thuyết trình tình hình. Trên bức tường chính diện là một bức điêu khắc nổi mô tả tượng trưng cuộc cách mạng năm xưa. Tất cả vật liệu của tác phẩm đều từ súng đạn tịch thu của kẻ thù. Trung tâm bức phù điêu là một ngọn lửa chìm bên trong, nhưng ánh sáng của nó lúc nào cũng lấp lánh biểu tượng sức mạnh vĩnh cửu của cuộc cách mạng. Gã chăm chú nhìn ngọn lửa rồi thong thả đến ngồi lên chiếc ghế bành duy nhất bằng gỗ cẩm lai phía dưới bức điêu khắc. Gã ngồi thẳng lưng, hai tay đặt lên hai tay ghế khéo léo tạc hình đầu rồng vươn cao hết sức sinh động. Nhà lãnh tụ chúng ta lúc này nhìn thẳng ra sân rồi lặng lẽ mỉm cười.

 
 

Lê Lạc Giao