Nhật Ký Bốn Mươi Lăm Ngày

Lời mở đầu: Lịch sử là tập hợp những biến cố hay sự kiện xãy ra của loài người theo thứ tự thời gian và định mệnh lịch sử là kết quả những vinh quang hoặc nhục nhằn đã xãy ra cho từng cá nhân hay tập thể gắn liền với các biến cố lịch sử ấy. Thế nên có thể nó là niềm hạnh phúc của một số người và đồng thời lại là nỗi bất hạnh của những kẻ khác. Bên cạnh đó không loại trừ khả năng một bộ phận con người lại là nạn nhân của chính thời đại họ đang sống vì họ sống nhưng không hề đóng góp gì được cho đất nước tài năng sức lực họ có để rồi ước mơ một ngày tan rã theo cuộc đổi đời...
 
 
 

(tiếp theo)

Khi Thái thức giấc Cường con còn nằm ngủ trên sàn nhà. Trên bàn chai rượu cạn sạch. Nhìn đồng hồ treo tường hơn mười giờ sáng anh nghĩ ngay đến thực tại trong khi chiếc radio trên bàn đang lập đi lập lại lời tuyên bố của tổng thống Dương văn Minh. Anh không thấy Sơn nhưng nghe tiếng bạn nói chuyện ngoài balcon. Sau khi rửa mặt Thái thấy dễ chịu nhưng đói bụng. Bước ra ngoài bao lơn thấy anh, Sơn giới thiệu với một thanh niên khuôn mặt quen nhưng nhất thời Thái không nhận ra:

- Thái nhóm Nghiên cứu Triết học và Lâm ban nhân văn trước khi đi lính. Chúng ta đã từng gặp nhau khi đi quân sự học đường.

Thái nhớ ngay ra anh bạn sinh viên ngồi dưới tàng bã đậu mỗi chiều coi bói cho bạn bè trên trung tâm huấn luyện Quang Trung trong những ngày tham dự khóa quân sự học đường năm bảy mươi mốt. Sơn đập nhẹ lên vai Thái buồn rầu nói tiếp:

- Anh Điện tự tử chiều hôm qua. Lên nhà ban tối chỉ thấy tang gia bối rối mình cũng thấy lúng túng không biết nói gì hơn dù hiểu rằng anh Điện đã nói với chúng ta từ lâu về một sự lựa chọn khi người công sản vào Sài gòn. Không thấy anh Phùng, có lẽ anh ấy lên tàu di tản rồi.

Thái im lặng và chỉ có im lặng mới nói đủ thái độ của anh dù trong trí anh đang chạy ngược trở lại thời gian ngày đám thanh niên như anh đang tìm vạch con đường đi trong mê lộ của tuổi trẻ miền Nam. Anh Điện sáng chói với lập trường kiên quyết khẳng định mình chỉ chọn cái chết một khi miền Nam mất vào tay công sản. Bây giờ đã thành sự thật. Chiều hôm qua mình cũng có ý định ấy, bây giờ khác rồi chỉ thấy buồn buồn. Thái nghĩ một chốc và nói với Sơn:

- Đáng lẽ ra giờ này mày đã ở ngoài biển, thế hai bác cũng trở về hay sao?

- Tao không biết vì tao trốn về nhà ban tối. Suy nghĩ mãi không thấy lý do rõ rệt nào để ra đi cả. Mày có đói thì ăn đỡ mì gói ở dưới bếp.

Sơn tỉnh táo nói. Thái thầm nghĩ đến Phùng và bản thảo "Những Kẻ Đứng Bên Lề" của anh ta. Trước kia Phùng ủng hộ lập trường của anh Điện và nói rằng dù thua anh ta sẽ ở lại quê hương cùng anh Điện sống chết có nhau. Bây giờ thì anh Điện tự tử còn Phùng lặng lẽ ra đi, kẻ đứng bên lề là Sơn lại chấp nhận ở lại với lập luận thơ ngây nhuốm mùi Thiền đạo.

Ăn xong tô mì Thái ra ngoài ban công thấy Lâm ngồi trên thành bao lơn hút thuốc lá. Khuôn mặt đăm chiêu và rắn rõi. Không còn nét ẻo lã của cậu sinh viên văn khoa ngày trước. Thái hỏi:

- Bộ ông bỏ đơn vị hay sao?

- Không bỏ mà được cộng sản tha. Bị bắt hơn tháng trước ở Ninh Hòa trong một trận đánh nhỏ và sau khi học tập bốn tuần mới được thả hôm kia. Ra lộ tìm đường về nhà và bây giờ đang ngẩm nghỉ những lời cộng sản nói. Trước kia tôi vẫn nghĩ họ nói sai, chỉ giỏi tuyên truyền.

Lâm nói xong búng điếu thuốc xuống đường. Thái nhìn theo tàn thuốc lá nẩy tung lên một lần rồi im lặng giữa những bộ quần áo trây di đủ màu binh chủng ngổn ngang trên mặt đường. Anh tự hỏi không biết trong cái đống hổn độn ấy có bộ quần áo nào của bạn bè anh hay không?

- Các ông nên bình tĩnh. Người cộng sản thực sự không đáng sợ như chúng ta nghĩ đâu. Họ là kẻ chiến thắng và xứng đáng làm nên lịch sử. Trong hơn một tháng tiếp xúc và tìm hiểu đã làm tôi thay đổi hoàn toàn lập trường của mình.

Lâm nói tiếp với Thái và Sơn như thế. Anh ta thực sự tiếc nuối những lầm lạc đã qua của mình nhất là suốt thời gian học đại học. Anh đã cự tuyệt những mời gọi tham gia của đám bạn bè phản chiến và đã có những biểu hiện chống công triệt để. Lâm nói thêm:

- Tuổi trẻ chúng ta thích hợp với những đấu tranh của người cộng sản. Họ thực sự chiến đấu vì dân tộc và tự do. Nếu tuổi trẻ là đấu tranh thì chỉ có mãnh đất cách mạng xã hội chủ nghĩa mới làm tuổi trẻ trưởng thành được. Tôi tiếc mình đã có một thời gian phung phí tuổi trẻ cho một mục tiêu hoàn toàn bên ngoài mình và tách rời quần chúng. Trong khi đó chính vai trò quần chúng làm nên lịch sử vì cách mạng gắn liền với nhân dân và từ nhân dân mà ra. Lòng yêu nước trước kia của chúng ta chỉ là ngụy tạo của lòng ích kỷ cá nhân và bảo vệ giai cấp của mình. Tình cảm của chúng ta không bắt rễ từ quần chúng mà chỉ phát sinh từ lợi ích tư sản mà thôi các bạn ạ. Thế thì thay vì được ủng hộ chúng ta bị cô lập và dần dần đi đến kết cuộc bi thảm ngày hôm nay.

Thái nhìn Lâm ngạc nhiên, anh ta nói không những như các sinh viên phản chiến ngày xưa mà còn là một ủy viên chính trị cộng sản đang tuyên truyền. Thời gian sống ngắn ngủi với người cộng sản đã chinh phục người sĩ quan Việt Nam cộng hòa như thế ư? Anh tự hỏi Lâm có trở cờ trong giờ phút giao thời này như tiếng loa phóng thanh vang dậy từng góc phố ban tối anh đã nghe hay không?

Anh không tin như thế vì cách nói của Lâm chân thành lắm. Trong cái chân thật của Lâm còn có chút ngây thơ của người lần đầu tiên tin rằng mình thủ đắc chân lý qua thực tế cuộc đời. Thái thấy đầu óc mình còn váng vất vì cơn say ban tối tuy rằng hiện tại anh bình tĩnh trở lại trong cái hổn loạn toàn diện bên trong cũng như bên ngoài. Anh không còn thì giờ để có phán đoán đúng sai với Lâm mà chỉ cảm thấy mình như đã chết đi từ một cơn say và bước đi từ một giấc mộng dài sang một cơn mê khác. Không có gì cho thấy mình đang tồn tại vì tồn tại chỉ gắn liền với ước muốn và hành động trong khi đó bản thân anh không còn có chút cảm giác để tỏ ra còn sự liên hệ hoặc tương quan. Thái không khác một con rối bằng sáp đang bị nung chảy bởi biến cố lịch sử của ngày ba mươi tháng tư này. Nhưng chỉ có hình hài anh tan rã còn tinh thần thì vẫn còn đó với những gông cùm hệ lụy. Nghĩ sâu về bản thân, bạn bè, cuộc đời và đất nước Thái phân vân hỏi Sơn, "rồi khát vọng hoài bão một thời của chúng ta là cái gì đây?"

Sơn lắc đầu trả lời:

- Không là gì cả, chỉ cần bình tĩnh để nhận định tình hình. Nhận thức của chúng ta trước đây chỉ là thử thách lịch sử. Còn đúng hay sai chưa bao giờ có câu trả lời đúng đắn trong khi cơn lốc lịch sử đang xóa bỏ một bàn cờ và bày ra một cuộc cờ khác. Phải bình tĩnh trở lại để có một hướng đi vì trong tử lộ thiếu gì sinh lộ. Đường trở vào bị cản thì tìm đường trở ra.

Sơn nói vừa an ủi vừa khuyên nhủ. Thái nhìn đồng hồ đã hơn ba giờ chiều. Anh nghĩ đến gia đình và tự hỏi có thể về thăm nhà hay không? Nói với Sơn và Cường, hai người bảo phải chờ vài ngày. Tiếng loa ồn ào ngoài lộ réo gọi mọi người hãy chuẩn bị cho buổi mít ting ngày quốc tế lao động một tháng năm ngày mai. Sơn đi đun nước pha cà phê. Lâm đã về nhà và Cường ngồi ngoài ban công trầm ngâm hút thuốc lá nhìn xuống đường. Bên kia đường toán nhảy dù tử thủ buổi sáng biến đâu mất chỉ còn trơ trọi tầng lầu cao đóng cửa im ỉm với quần áo trây di vương vãi khắp nơi.

Thái cảm thấy cô đơn trong cái thành phố trước kia thân thuộc bao nhiêu thì giờ xa lạ và khó chịu bấy nhiêu. Cái không khí ngày hôm qua chỉ là hình tượng ký ức, còn nỗi lo âu nặng trĩu về một bước tới chứ không phải tương lai xa lại là hiện tại vô cùng. Nhìn Sơn đang đốt nhang trên bàn thờ Phật với dáng điệu thận trọng của một người già nua anh nhớ lại một biến đổi hoá thân. Con người và bản năng sinh vật của nó. Thích ứng và biến đổi theo môi trường. Giã từ quá khứ là một thao tác có tính lịch sữ của bản thân từng người và của xã hội. Trong giã từ này có vĩnh biệt, có phủ nhận tùy theo từng cá nhân. Lâm chọn con đường vĩnh biệt trong khi tại thành phố này có biết bao kẻ đang bắt đầu viết cho mình một tương lai bằng cách phủ nhận quá khứ. Họ vẫn chờ cơ hội để vươn lên vì lịch sử bao giờ cũng có kẻ hở cho họ. Lịch sử dành con đường thênh thang cho kẻ chiến thắng và bên bờ vực thắm là con đường mòn gian lao hiểm trở vô định đang chờ Thái và đám bạn bè một thời đốt nhiệt tình vào một canh bạc mà những người lãnh đạo chỉ là những kẻ đầu cơ trục lợi trên xương máu đồng bào miền Nam.

Đêm xuống thăm thẳm vô cùng. Thái, Cường con, Sơn ngồi im lặng lắng nghe tiếng pháo đốt mừng một giai đoạn mới đến với thành phố. "Có thể đây là một dịp may lịch sử." Sơn chậm rãi nói tiếp. "Thống nhất đất nước không phải là một tủi nhục hoặc xấu hổ. Chúng ta không từng mong mõi cái ngày ấy hay sao!"

Không thấy ai trả lời, Sơn nói thêm. "Tao hiểu hoàn cảnh của bạn bè, nhưng nỗi lo lắng không giải quyết được vấn đề. Trong khi Bắc Nam sum họp không phải là khát vọng của riêng ai mà là của cả một dân tộc. Nó biểu hiện đoàn kết chứ không thể là chia rẽ hận thù." Cái lô gích của Sơn đầy tính an ủi và bi tráng. Thái lắng nghe tiếng súng nổ chen trong tiếng pháo và tiếng loa kêu gọi mọi người đi biễu tình ngày quốc tế lao động 1-5. Anh thầm nghĩ Sơn có quyền phát biểu vì ước vọng của mình. Ước vọng này ngày nào cũng là ước vọng của anh và tất cả bạn bè thuộc nhóm Nghiên Cứu Triết Học đại học Văn Khoa Sàigòn thập niên bảy mươi. Tuổi trẻ miền Nam trong đó có anh đã lớn lên trong cuộc chiến tranh tàn khốc chia cắt đất nước mà viễn ảnh hoà bình là khát vọng còn thống nhất đất nước chỉ là ước mơ nằm sâu trong tiềm thức mỗi người chỉ được khơi lại khi ngồi với nhau nói về chiều dài lịch sử dân tộc. Ai cũng kiêu hãnh về tổ quốc Việt Nam và cũng đau đớn vì nỗi chia cắt tạm thời. Chiến tranh không che dấu sự thật nổi đau khổ của một dân tộc và cũng phơi bày cái tham vọng của cả hai bên tham chiến.

Mở trang sử ngày nào. Nạn qua phân không phải chưa hề xãy ra trên mãnh đất ốm o dài và hẹp này của dân tộc Việt Nam. Định mệnh lịch sử mang theo định mệnh con người là nỗi gắn bó không rời của kiêu hãnh và tham vọng và là điễm mấu chốt để một dân tộc lớn lên. Trịnh Nguyễn phân tranh không là một thí dụ cụ thể của một giai đoạn chia cắt thân thể dân tộc hay sao. Nhưng không một sử gia nào đá động đến hậu quả của cuộc chiến tranh mở rộng đất về phương nam của dòng tộc Nguyễn Hoàng khi biết rằng "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" vì cái mặc cảm là bành trướng bá quyền khu vực. Kiêu hãnh lịch sử không bao hàm xấu hỗ muôn đời là gì! Cái xấu hỗ ấy dấu đi và được phủ lên trên lớp mạ vàng lịch sữ dựng xây đất nước và cũng là cái khuôn thước muôn đời của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Không ai muốn đào bới đống tro tàn đã chôn vùi một dân tộc mà chỉ nói đến cái hãnh diện của một giống nòi chưa từng biết khuất phục ai bao giờ. Cho nên cái tủi nhục ngày hôm nay có thể đặt nó vào chỗ nào của dòng lịch sử hay cúi đầu cho qua một cuộc thăng trầm mà trong cuộc chiến này chỉ có huynh đệ tương tàn mà thôi?

Phải cố gắng lấy đại cuộc làm mục tiêu để quên đi nổi đau đớn hiện thời như lời nói của Huệ ngày họp cuối cùng tại đại học văn khoa. Thái nhớ lại và tự hỏi có đại cuộc thực sự cho anh và bạn bè hay không? Có bao nhiêu người đã chọn cái chết trong ngày lịch sữ sang trang. Anh Điện chọn cho mình con đường không thỏa hiệp dù tạm thời còn đám bạn bè bây giờ trôi nỗi khắp nơi. Cái đại cuộc mà mọi người nghĩ thật ra mơ hồ lắm. Có phải một khoảng thời gian khá dài chúng ta đã phung phí sức lực cho một mục tiêu hết sức mập mờ hay sao? Chiến tranh làm tuổi trẻ chúng mình bơ vơ hơn dù lý tưởng là phục vụ cho đất nước lúc nào cũng bùng cháy trong tim mỗi người. Bước vào cuộc chiến bằng những ngỡ ngàng thất vọng và đã không biết bao nhiêu bạn bè chúng ta không chịu nỗi sự phi lí khi phải đem sức lực tài trí phục vụ cho một tầng lớp tham nhũng và thối nát mà chạy qua phía bên kia.

Tự do của miền Nam không phải là chiếc chìa khóa vàng mở ra chân trời mênh mông đẹp đẽ cho tuổi trẻ nếu không được định hướng. Tuổi trẻ cần lý tưởng, khao khát một thiên đường mà chính họ ra sức đấu tranh giành giật được. Họ chịu hi sinh vì đại cuộc và cái đại cuộc này người cộng sản có thể mang đến cho họ bằng tuyên truyền và sự gian khổ của chính họ. Điều này không ai có thể phủ nhận được. Không cần biết người cộng sản bịp bợm đến mức nào nhưng rõ ràng họ hi sinh cho mục tiêu chiến thắng miền Nam và họ trường kỳ làm việc này. Nếu họ nghèo đói, thiếu thốn thì họ càng có lý do để hi sinh cho bằng được việc chiếm lấy phần miền Nam béo bở với bao hứa hẹn đẹp đẽ trên chính sách của họ. Họ không có một chiến lược lâu dài bền bĩ và hết sức hiệu quả là gì!

Trong khi đó những đêm không ngủ của tuổi trẻ miền Nam ngày nào là bằng chứng cho sự thất bại của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tuổi trẻ miền Nam chống cộng thực sự sao được khi mà thực tế và lý tưởng có một khoảng cách quá dài. Chính quyền đã không giúp gì được cho thế hệ trẻ vươn lên và dấn thân vào cuộc đấu tranh chính trị lẫn quân sự ngoài việc ru ngủ họ bằng những sản phẩm thời đại phát triển theo qui luật thời bình mang từ các nước phương tây đã quá lâu ngủ yên trên chiến thắng của cuộc chiến tranh thế giới lần hai. Trong khi nhu cầu đấu tranh của tuổi trẻ mang sâu đậm ý nghĩa giải phóng hơn là cuộc chiến tranh giữa thiện và ác như trong tuyên truyền. Ngành dân vận chiêu hồi không làm gì hơn được ngoài khả năng làm cho người dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng thù ghét cộng sản trong ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn là làm cho tuổi trẻ tách rời các tổ chức cộng sản dấu mặt hay tả khuynh. Chính vì thế mà thực tế bị hiểu sai đi và chiến tranh tâm lý mất đi nhiều khả năng tăng trưởng tính tích cực chiến đấu. Những hình mẫu chiến lược khu vực học tập được cũng mất hết hiệu năng chống cộng dù rằng ngay trên đất nước Đài Loan, Nam Hàn, Mã Lai, Phi Luật Tân họ không cần cập nhật hoá chút nào cả.

Tóm lại nếu có một thời Thái và bạn bè tìm cách thực hiện lý tưởng của mình thì cũng là những giây phút anh và họ đi gần con đường tả khuynh hơn bao giờ hết. Nhạc Trịnh Công Sơn hoặc làm cho tinh thần chiến đấu sa sút hoặc làm cho tuổi trẻ đặt vấn đề thực chất của cuộc chiến mà không hề có cách giải quyết. Sách vở báo chí mặt trái lại giúp không ít việc làm nổi bật vai trò của các anh Việt cộng đang gian khổ giải phóng miền Nam hơn là thực tế đặt mìn chất nổ nơi rạp hát, trên đường đi hay pháo kích thẳng tay vào trường học, chợ búa hoặc khu đông dân cư sinh sống. Phải nói thật sự chính quyền miền Nam đã đi quá sai lầm trong một cuộc chiến tranh mà đối thủ nếu phân tích lại có quá nhiều ưu thế về mặt chính trị lẫn tinh thần. Bên cạnh anh bạn đồng minh Hoa kỳ luôn luôn bám rễ vào tư tưởng chiến lược toàn cầu mà khu vực chỉ là những điểm nóng cần thiết hay không cần thiết mà thôi. Họ phủi tay vì bài toán họ tính có lợi nhiều mặt nếu họ rút ra khỏi một cuộc chiến mà mỗi ngày hình như mỗi bi thảm hơn nếu không muốn nói là họ dần dần bị phản tuyên truyền trên cái vùng đất mà một thời chính họ gọi là tiền đồn của thế giới tự do.

Đáng lẽ ra khu vực làm trung tâm quyền lực có ý nghĩa thì khu vực miền Nam Việt Nam không có sức hút. Sức hút này chính là sức mạnh chính quyền phối hợp chặt chẽ của toàn dân trong cuộc chiến đấu chung. Người dân miền Nam sống dưới chế độ tự do nhưng giá trị của tự do họ không cần biết như những khẩu hiệu tuyên truyền và họ cũng không so sánh hoặc hình dung được chính thể tự do khác biệt với cộng sản như thế nào. Họ chỉ mong yên ổn làm ăn và thù ghét chiến tranh. Quan niệm của họ đơn sơ giản dị và họ sẳn sàng ủng hộ chính quyền nếu chính quyền thực sự mang đến cho họ cơm no áo ấm. Cuộc chiến tranh kéo dài và tiêu hao xương máu lẫn tiền của không những của người dân miền Nam mà cả của Mỹ lẫn đồng minh (dù thực sự đó cũng là đồng đô la của Hoa Kỳ) càng ngày làm người dân không còn tin tưởng thật sự vào chính quyền miền Nam vì nhiều lý do nhưng nổi bật hơn hết là sự lãnh đạo kém cỏi của chính quyền. Họ chỉ tạo mâu thuẫn để cái ung nhọt bên trong là tình trạng nước đôi của những gia đình có người đi tập kết mong đợi thân nhân họ trở về hoặc những chi bộ đảng bấy lâu bị cô lập tưởng dường như tan rã có cơ hội chổi dậy hoạt động lại nhờ sự che đậy và bảo bọc của quần chúng thù ghét chính quyền sở tại. Tầng lớp lãnh đạo miền Nam càng lúc càng tỏ tính quân phiệt và mỗi ngày một thủ đoạn hơn trong việc cũng cố thế lực phe nhóm. Họ lại ngu xuẩn không biết đến việc đơn giản và sơ đẵng là thà độc tài trong thế vì dân vì nước hơn là mạnh ai nấy vì quyền lợi cá nhân của mình để miền Nam tan rã mau chóng hơn. Họ không biết hi sinh cho đại cuộc để được tồn tại bởi họ chỉ nghĩ đến việc duy nhất Mỹ còn viện trợ là còn tồn tại còn Mỹ bỏ là tan hàng. Họ nhìn nền đệ nhất cộng hòa như một cái gương về sự tự chủ và không hề có sáng kiến nào trong việc tranh thủ được lòng dân.

Nội bộ miền Nam càng ngày càng chia rẽ và dễ dàng bị cộng sản lũng đoạn hơn là đoàn kết toàn dân một khối để hướng về một mục tiêu là chiến thắng cộng sản. Thế cho nên nói đến chính nghĩa chúng ta có thực được toàn dân ủng hộ hay không? Trong khi đó cuộc chiến miền Nam chúng ta mỗi ngày càng làm cho những thế lực đồng minh tham dự càng lún sâu vào đống sình mà khó có thể rút chân ra được. Thay đổi chiến thuật không cứu vãn tình hình dầu sôi lửa bỏng của một vùng đất đang tan rã trên nhiều mặt trong khi chiến lược đã xoay chiều sang một hướng khác có lợi hơn cho Hoa Kỳ. Lịch sử muôn đời chứng minh sự sống còn của nước nhỏ phải phục tùng quyền lợi của nước lớn. Không đạt được điều này dù có bao văn kiện ràng buộc nước nhỏ bị hi sinh là việc tất nhiên. Bài diễn văn của Nguyễn văn Thiệu trước khi từ chức là nỗi nhục nhã phơi bày một chế độ chỉ biết sống ký sinh vào viện trợ nước ngoài và qua bài diễn văn ấy ai cũng hiểu được số phận miền Nam đi về đâu!

Thái ngồi trong góc phòng đăm chiêu nhớ lại một khúc thời gian vừa mới qua mà như một đoạn phim dĩ vãng nào xa xôi lắm. Khi quay trở lại thực tại lại là một mớ bòng bong rối nùi. Âm thanh gào thét đâu đó khiến anh nghĩ ngay đến biểu tình mít ting và đấu tố. Những bài học đông âu không từng làm cho những con người bên này bức màn sắt rùng mình ớn lạnh hay sao?

Ngoài cửa sổ nắng quái chiều hôm bảng lãng, âm thanh cuồng nộ bên ngoài dội ngược âm ỉ bên trong và Thái nghe như mình đang trôi nỗi ở một cõi xa xăm nào đó bên ngoài cuộc sống. Anh đến giường nằm nhắm mắt lại để thấy trong cái đen tối những khuôn mặt bềnh bồng của bạn bè và người thân như những oan hồn uẩn khúc của một đời người hệ lụy.

(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao