NHỮNG CỘT MỐC THỜI GIAN

 
 
 

Tin anh Du Tử Lê ra đi tôi nhận được sáng hôm nay qua text của Tô Đăng Khoa trên điện thoại. Tuy không đợi một tin buồn như thế, tôi đã chuẩn bị tinh thần trước vì những tháng gần đây sức khỏe của anh Du Tử Lê không ổn định, thêm nữa anh hút thuốc lá thoải mái chứ không hạn chế như những tháng trước và làm những bài thơ kiểu linh cảm. Bài mới nhất (30/9/2019) Chiều rớt/xanh/lưỡi dao phản ảnh bóng một người chờ ra đi, và anh đã ra đi thật vào lúc 8 giờ 6 phút đêm thứ hai ngày 7 tháng 10 năm 2019 (theo tin của con gái cho biết trên báo Người Việt). Được tin tôi lặng lẽ ra ngồi phòng khách, bên ngoài nắng sáng đang lên trên tàng trắc bá và một chiếc lá vừa rơi trên mặt bàn ngoài sân trước mắt tôi. Một ngày bắt đầu như thế, và trong tôi hôm nay có một khoảng trống. Tôi hình dung chiếc bàn tại quán café Hạt Ngò có một chiếc ghế trống: Chỗ ngồi thường ngày của anh Du Tử Lê. Từ hôm nay, ghế sẽ trống mãi miết, nhạt nhòa rồi cuối cùng biến mất vì ký ức cũng chỉ là một chỗ ngồi và không ai ngồi mãi bao giờ! Bài thơ cuối cùng của anh có bốn câu:

đợi nắng về bầu bạn
cuối đời / tôi ngồi đây /
bằng hữu như sẹo cây:
bị xóa dần dấu vết.

Nắng cũng có hợp tan, bằng hữu nào khác trong cuộc đời mỗi người! Bài thơ mô tả tâm trạng hết sức cô đơn của anh và anh đang đợi ra đi. Nhớ đến anh Du Tử Lê, có lẽ bốn câu thơ của Trần Kiêu Bạc trong bài thơ Những Chiếc Ghế Còn Bỏ Trống diễn tả trung thực tâm trạng:

Chỉ thương chiếc ghế còn bỏ trống
Bạn không về nữa biết ai ngồi
Biết đến khi nao mà hò hẹn
Hay là tay trắng sẽ buông xuôi?

Sống trong đời, bằng hữu là những cột mốc thời gian. Tôi quan niệm như vậy vì một khi nhớ đến ai đó trong đám bạn bè, trước tiên gợi trong tôi bóng thời gian liên hệ với bản thân mình sau đó mới đến trạng huống của sự hồi tưởng. Như anh Du tử Lê luôn cho tôi hình ảnh một trung úy chiến tranh chính trị năm 1968, và tôi một học sinh trung học đang hành trang chuẩn bị thi vào cao đẳng mỹ thuật Gia Định. Gia đình tôi năm ấy sống ở Pleiku. Chị tôi, Lê Phương Châu là bạn làm thơ của anh Du Tử Lê đã nhờ anh giúp tôi những ngày chân ướt chân ráo vào Sài gòn trọ học. Lúc bấy giờ tôi chưa có xe và anh đã chở tôi bằng chiếc vespa cũ đến trường Mỹ Thuật xin đơn và thủ tục để thi. Thường sau mỗi lần đi như thế anh và tôi đi ăn phở, uống café. Có những hôm anh rảnh rỗi đến nhà trọ chở tôi đi La Pagode uống café máy lạnh. Tại đấy, qua anh tôi bắt đầu quen biết một số các khuôn mặt văn nghệ sĩ cầm bút tại Sài gòn.

Năm 1973 tập Thơ Du Tử Lê được giải văn chương toàn quốc, lúc bấy giờ tôi bị tổng động viên và đang tập huấn quân sự khóa 5/72 Thủ Đức (Khóa này kéo dài thêm 4 tháng sang 1973 vì tham gia chiến dịch hiệp định Hòa bình Paris về VN). Về phép ghé chúc mừng anh vào buổi trưa, anh chở tôi đến một kho hàng bên bờ sông Sài gòn. Kho hàng cửa mở nhưng bên trong tối đen, tôi và chiếc xe vespa của anh dựng bên ngoài chờ trong khi anh vào kho tìm sách để tặng tôi. Anh đi khá lâu mới trở ra cùng vài tập thơ trên tay. Tôi cảm động xiết bao khi anh đặt tập thơ lên yên xe vespa và cúi xuống cặm cụi viết: Với tất cả tình riêng tặng Lê Lạc Giao. Đưa sách cho tôi, anh giải thích “thùng sách nhà xuất bản bỏ trong kho lẫn lộn với bao nhiêu hàng hóa, anh tìm muốn chết mới ra!” Sau đó anh chở tôi ra Thanh Thế ăn bít tết rồi chúng tôi đi uống café. Đặc biệt anh bao giờ cũng trả tiền, khi tôi ngỏ ý muốn trả anh bảo, “Khi nào em đi làm hãy hay. Giữ tiền mà xài.”

Lê Lạc Giao, Du Tử Lê, Lê Phương Châu 25/5/2013

Trong những năm 1970, tôi thường uống café la Pagode, Hân và Duyên Anh với anh. Thỉnh thoảng lại đi ăn phở và đặc biệt có một lần anh chở tôi trên chiếc Vespa cũ mèm đi ăn phở Hoàn Kiếm trên đường Hai bà Trưng, anh khen: Phở Hoàn Kiếm mang hương vị Hà Nội! Khi tôi được biệt phái trở về học tiếp đại học Văn Khoa, năm 1973 có làm tờ bán nguyệt san Tự Thức khổ lớn như báo Khởi Hành, anh giới thiệu họa sĩ Lê Vĩnh Ngọc vẽ bìa tờ báo và anh gửi truyện ngắn “Bước Qua Tháng Mười Một” cho số báo khổ lớn đầu tiên. Tôi nhớ tờ báo Tự Thức số cuối cùng đầu tháng 4 năm 1975, anh Du tử Lê nhờ anh Kim Tuấn mang về Pleiku phát hành 100 tờ. Những năm tháng ấy anh Du tử Lê lúc nào cũng xem tôi như người em văn nghệ cần được giúp đỡ.

Tháng Tư năm 1975, anh di tản sang Mỹ. Tôi kẹt ở lại đi tù vì là viên chức chế độ cũ. Thời gian này thông tin rất khó khăn nhưng sau khi ra khỏi trại cải tạo, tôi vui khi biết tin anh Du Tử Lê đang sống tại Mỹ. Bài thơ “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển” lúc này nổi tiếng ở trong nước, minh chứng anh Du Tử Lê vẫn tiếp tục làm thơ trái với tin đồn anh chết trên xa lộ trong những ngày hỗn loạn cuối tháng Tư năm 1975. Đến tháng ba năm 1993, tôi sang Mỹ trong chương trình HO. Hai tháng sau qua Phan Tấn Hải, anh hẹn tôi tại một quán café cạnh ngã tư Brookhurst và Hazard, tôi nhớ quán café có cả lò làm bánh mì. Gặp nhau vui mừng thăm hỏi, rồi anh bảo vừa thoát chết vì bệnh bướu cổ. Sau mười tám năm gặp lại, anh Du Tử Lê vẫn gầy ốm và luôn nói chuyện với nụ cười như ngày xưa. Hôm gặp lại anh có cả Lê Giang Trần. Anh giới thiệu tôi như một người đang hoạt động văn nghệ trong khi chính tôi đã gần hai mươi năm không cầm bút. Lúc chia tay anh lại trả tiền café sau khi nhắn nhủ tôi ổn định cuộc sống và viết lại truyện ngắn. Lúc này tôi đã lập gia đình, và sang xứ người phải ráng hết sức vừa học vừa làm việc nên tôi cũng không có cảm hứng sáng tác, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với anh trên điện thoại. Bao giờ anh cũng an ủi tôi và nói chuyện văn chương khiến có lúc tôi cảm giác mình không còn khả năng viết lách. Bẵng đi chừng sáu năm, tôi không liên lạc với anh vì dọn nhà nhiều lần và lo toan công việc gia đình trừ một lần đi bác sĩ gặp anh đưa chị đi khám bệnh. Qua lần gặp ấy tôi mới biết anh Du Tử Lê lập gia đình lần nữa. Tuy vậy tôi không liên lạc với anh thường vì quá bận công việc. Sau khi nhà tôi mất, tôi bắt đầu viết trở lại và tập truyện “Một Thời Điêu Linh” chính anh Du Tử Lê giới thiệu trong buổi ra mắt sách ngày 28 tháng 9 năm 2013. Từ đó tôi thường đi uống café với anh và chúng tôi hay nhắc chuyện cũ rồi cười với nhau. Có lần tôi bảo, “Mỗi lần uống café nói chuyện cũ, ngày hôm sau em cứ nghĩ hôm trước chúng ta đã khóc chứ không phải cười!” Nghe tôi nói anh gật đầu bảo, “Em nói không sai vì hình như chúng ta tưởng niệm một thời chứ không phải kể chuyện một thời!”

Nhắc đến một thời là cách diễn tả cột mốc thời gian và cũng chỉ cách đó thời gian mới dừng lại để rồi người trong cuộc cười khóc với nhau. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, tình bạn chân thành giữa anh Du Tử Lê và tôi không hề thay đổi và chúng tôi đã cười khóc với nhau bao lần? Tập thơ “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” (tháng 4/2019) của anh là những lời tâm sự cuối cùng của một cột mốc thời gian vì một con người muốn xin lại tuổi thơ có nghĩa thâm tâm mong thực tại dừng lại để trở về. Lúc này ý nghĩa chân thật đời người rõ nét “ở đâu đến thì hãy trở về!”

Anh Du Tử Lê là một thi sĩ bình dị, hòa đồng, giỏi kham nhẫn. Tuy anh mất nhưng anh đã để lại một di sản thi ca to lớn cho nền văn học Việt Nam mai sau. Là bạn của anh, tôi rất vinh hạnh và luôn yêu quí anh. Mong anh miên viễn bình an nơi thế giới bên kia, anh Du Tử Lê!

 
 

Lê Lạc Giao