Nóng

 
 
 

Không thể tưởng tượng được cái nóng tháng hai đến sớm như thế! Thành phố trơ như một lò nướng bánh vào lúc ba giờ chiều ngày thứ bảy! Mồ hôi rịn từ kẽ tóc chân lông nhơm nhớp. Giá mà có một cơn gió thì đỡ biết bao! Hậu ao ước và bước nhanh ra khỏi bãi đậu xe đi về phía quán nước đầu phố nơi hẹn với các bạn chiều nay.

Quán Gió không có gió nhưng có cửa kính và máy lạnh. Hậu bước vào trong quán đi về phía cái bàn tận cùng góc bên trái vì thấy ở đó có một cô gái tóc dài mang mắt kính đen to trông quen quen như đang đưa tay vẫy anh. Khi đi ngang máy lạnh, hơi mát phả ra cuồn cuộn, Hậu đứng lại. Mát, mát thật… anh dừng ở đó và cảnh giác chính mình một tiếng chữi thề sắp sửa bật ra khỏi miệng.

Đến gần anh nhận ra cô gái là Hạnh Lý, biên tập viên của một tạp chí nổi tiếng trên net mà anh vinh hạnh gặp cô ta vài lần ở tòa soạn báo Văn nghệ Ngày nay. Cô ta hôm nay mặc váy ngắn hoa tím. Sau cái bình hoa lan lấp ló, thu lu một khuôn mặt. Hạnh Lý nói, họa sĩ Trung Dũng. Hậu bắt tay người họa sĩ có khuôn mặt hiền lành và bàn tay mềm ấm áp như tay con gái. Trung Dũng tóc dài và buộc lại kiểu đuôi ngựa phía sau bằng sợi dây thun, da anh ta trắng hơn cả Hạnh Lý ngồi bên cạnh. Hậu vừa ngồi xuống chưa kịp nói tiếng nào đã nghe tiếng Lạc gọi anh đằng sau tiếp theo tiếng chữi thề dòn dã, “đ. mẹ không chờ gì hết, tôi gọi ở bãi đậu xe mà giả điếc hả ông bạn?” Hạnh Lý lại đứng dậy giới thiệu với Trung Dũng ông bạn thi sĩ râu ria Đỗ Lạc của Hậu vừa ào vào như cơn gió lốc.

Hậu toan chữi thề nhưng khi nhìn Hạnh Lý lại dừng kịp thời. Anh lây cái tính chữi thề của Lạc không biết từ bao giờ. Hậu nói kiểu phân bua,“Nóng quá, mồ hôi chãy bít lỗ tai lại nên không nghe ông gọi!” Lạc cười rồi nói với mọi người, “Đ. mẹ trời nóng thiệt nhưng rất vui khi gặp các bạn hôm nay.” Hậu kéo ghế cho Lạc ngồi trong khi miệng nó tiếp tục tía lia với Hạnh Lý và Trung Dũng. Lạc nói nhanh đến nổi Hậu không biết nó nói cái gì ngoài những tiếng chữi thề xen vào từng hồi như dấu chấm phẩy của một câu văn.

Quay sang Hậu, Hạnh Lý chỉ cho anh một người đàn ông trung niên ngồi xa hơn hai tầm tay mang kính trắng đôi mắt xa xăm như đang nhìn ngắm mây bay ngoài cửa kính mà ban đầu Hậu cho rằng anh ta không liên hệ gì đến bàn cô đang ngồi cả. “Anh Biên Lĩnh, thi sĩ”. Hậu giật mình, thơ Biên Lĩnh hay lắm! Anh không ngờ một người trông ủ rũ, chán chường, cô độc như thế có thể làm những bài thơ tình tuyệt vời làm sao! Anh ta hình như ly dị vợ, có lần Lạc nói với Hậu khi thấy anh trầm trồ ngợi khen thơ của Biên Lĩnh.

Sau khi gọi ly café sữa đá, Lạc hỏi Hạnh Lý, “Sao không thấy bà Trần Ai?” Hạnh Lý trả lời, “Đến trễ, chị ấy có cuộc họp với ban biên tập nên khoảng bốn giờ rưởi mới đến.” Hậu nâng ly café đá mà người hầu bàn vừa mang đến uống một ngụm rồi kéo chiếc ghế ra xa lắng nghe các bạn nói chuyện. Bốn người ngồi trước mặt ngoài Lạc và Hạnh Lý anh chưa quen ai trong hai người còn lại. Trước kia thấy Hậu thường đắm chìm trong trạng thái mê hoặc đến xuất thần khi nghe bản nhạc hay, ngắm một bức tranh đẹp hay thưởng thức một bài thơ xuất sắc Lạc thường bảo, “đ. mẹ ông cũng văn nghệ ra phếch, hôm nào đến sinh họat văn nghệ với bọn này, đ. mẹ vui lắm!”

Hậu ngày ấy không tự khám phá mình có chút năng khiếu văn nghệ nào chăng mà phải nhờ đến Lạc. Nghe Hậu đề nghị, Lạc nói, “đ. mẹ, đến bây giờ tôi có thể nói rằng ông có tài thưởng thức văn nghệ còn khả năng thì chỉ trông vào việc ông có sáng tác được hay không? Đ. mẹ thử viết cái gì đi!”

Lạc là bạn văn nghệ của Cung, một người bạn học làm thơ ngày xưa của Hậu. Thời trẻ tuổi Hậu và Cung thân nhau lắm, hai người thường chia nhau điếu thuốc, ly café, ổ bánh mì trong một thành phố có nhiều cây xanh và nhiều tiếng nổ của bom đạn. Cả hai cùng đến trường và khi ra trường thì thành phố, tuổi trẻ, kỷ niệm cũng tan tác theo biến cố lịch sử. Lịch sử ở đấy là chất nổ, bom, đạn, gạch vụn, xác chết, người tàn phế … và định mệnh cho những người sống ở đấy là chiến thắng, tủi nhục và điêu linh. Khi thành phố có tên mới thì cả hai không còn ở đó nữa. Cung đi nước ngoài và Hậu lên núi ở chừng chục năm. Mười năm trong rừng núi dài đến độ Hậu quên mất từng phần quá khứ. Ngày hôm nay Hậu không nhớ rõ ràng gì hết về một thời anh và Cung đến trường vì đã hơn ba mươi năm trôi qua nhưng anh có nhớ một điều là trước khi lên núi anh không hề chữi thề.

Đến khi gặp lại Cung ở Mỹ, Cung giới thiệu thi sĩ Đỗ Lạc với Hậu thì trước đó qua báo chí và những website văn học, anh vẫn xem Lạc là một nhà thơ độc đáo từ ngoại hình râu tóc bờm xờm, quần áo khâu vá tạo dáng kiểu thời trang cho đến những bài thơ kiểu mới dù anh không biết diễn tả chữ mới ấy như thế nào. Thực ra anh không dám khen chê thơ của Lạc vì thơ anh ta mới quá, có nghĩa anh chưa gặp loại thơ ấy bao giờ. Anh cho rằng mình kém cỏi, lạc hậu hoặc quá thô sơ để có thề hiểu được lối thơ kiểu Đỗ Lạc.

Thơ tự do hay không vần điệu đã có từ lâu lắm rồi, thơ nghịch vần cũng đã xưa cũ, thơ Đỗ Lạc lên thác xuống ghềnh, dùng nhiều ký hiệu và đặc biệt câu thơ của anh thường không khác anh ta nói bao nhiêu, có rất nhiều tiếng chữi thề hoặc những chữ tục tĩu xen kẽ vào! Bài thơ Lạc có nhiều khoảng trống. Khi thì khoảng trống đều đặn, khi khoảng trống thụt lùi như những nấc thang hết sức ấn tượng. Nếu Hậu đã từng xem tranh siêu thực thì thơ của Đỗ Lạc vượt khỏi nghệ thuật vô thể của ngôn ngữ siêu thực. Bởi thơ vượt qua khỏi vô thể nó lại trở về hiện thực với cái vỏ siêu thực và anh tạm đặt thơ Đỗ Lạc là siêu- hiện- thực.

Thơ siêu-hiện-thực của Đỗ Lạc khăp nơi. Từ các tạp chí văn nghệ dưới đất cho đến những trang web văn học trên trời nào cũng hiện diện các bài thơ khấp khuỷu gập ghềnh của anh ta. Đặc biệt trang web Gió Bốn Phương của nữ sĩ Trần Ai với tiêu chí lâu đài văn học không cửa nên gió đi bốn phương bao giờ cũng tràn ngập những bài thơ kiểu siêu-hiện-thực này.

Hai năm trước, khi Cung giới thiệu với Hậu trang web của bà Trần Ai nó trịnh trọng nói, “mày vào mà xem, trang web Gió Bốn Phương mở và đóng bầu trời văn học…” Nói xong tháng sau Cung từ giã Hậu về Việt nam sống với lý do kiểu “lá rụng về cội” dù tuổi của hắn chưa đến sáu mươi và năm tiếp theo lại có tin đồn Cung đi chăn bò ở Bảo Lộc.

Biết Cung thân với Hậu, những nhà thơ, nhà văn bạn Cung nghe tin này có đến hỏi thăm thì anh chỉ biết lắc đầu và lúng túng biện minh cho bạn rằng “Bùi Giáng trước khi trở thành thi sĩ lớn đã từng chăn bò ở ngoài trung cả thập niên” khiến ai cũng cười. Những đêm các bạn văn thi sĩ đàm đạo, Hậu lắng tai nghe. Nhiều câu chuyện, giai thoại hết sức hấp dẫn cùng những ngôn từ độc đáo đôi khi khó hiểu. Lạc thường chữi thề và những tiếng chữi thề, nói tục của hắn văng ra trong bàn tiệc, bữa café có phong thái, sức hấp dẫn Hậu rồi dần dần khiến anh mỗi khi mở miệng thường kèm theo tiếng chữi thề phủ đầu kiểu của Lạc.

Thông thường tiếng chữi thề bật ra khi tán thán. Khen, chê, giận, hờn, bực tức người ta phát tiếng chữi thề hoặc cộc lốc, hoặc như mở đầu cho câu sắp nói. Lạc chữi thề không hề liên quan gì đến trạng huống của câu. Tiếng chữi thề thêm vào hoàn toàn vô can với câu nói. Nó là tiếng đệm, thứ vật thừa lềnh bềnh trên dòng nước ngôn ngữ. Tuy nhiên nói thừa nhưng không thừa vì nó rớt vừa vặn vào câu nói như các dấu chấm phẩy câu văn. Những tiếng chữi thề của Lạc trầm bổng lắm lúc uyển chuyển như cung bậc của một khúc hát nào đó nếu người nghe nữa lơ đễnh, nữa chú ý thì phải chăng một đọan âm thanh đặc sắc vừa thoáng qua tai của mình và chính điều này làm cho người mới quen anh ta không thấy bực mình khó chịu.

Hậu nhớ những ngày mới quen Lạc, cứ hai ba ngày gặp nhau đi uống café bao giờ cũng thấy Lạc nhìn anh chăm chú, đôi mắt mở to rồi lắc đầu như thắc mắc điều gì. Hỏi lý do, Lạc nói: “đ. mẹ, sao ông không chữi thề mà có thể sống được. Người như ông lại có thể là bạn của Cung hở trời! đ. mẹ khó tin quá đi!” Lúc bấy giờ thái độ của Lạc làm Hậu nhiều đêm tự hỏi “không chữi thề là bình thường hay mất bình thường?” rồi “là bạn của Cung phải có cái gì … hay sao?” Anh không lý giải được điều ấy và cuối cùng cho rằng bởi mình không làm văn nghệ nên không thể hiểu được những thi sĩ kiểu Lạc và Cung!”

Một hôm đi uống café với Khải, người bạn năm xưa cũng từng làm thơ lúc hai người còn học đại học. Khải tò mò hỏi, mày đi với tên nào sao ấn tượng quá. Biết Khải hỏi về Lạc, Hậu trả lời:
- Thi sĩ Đỗ Lạc, một người bạn thân sau này.

Khải nhăn mặt hỏi:
- Thi sĩ à, sao tao không biết. Có thể sau này tao ít đọc báo. Tao vẫn thích thơ như ngày xưa, mày đọc cho tao nghe một bài thơ nào hay của Đỗ Lạc?

Hậu lúng túng vì anh có thuộc bài thơ nào của Lạc đâu. Thực ra có bảo anh học chưa chắc anh có thể thuộc được cấu trúc khúc khuỷu của thơ Đỗ Lạc.

Thấy Hậu im lặng, Khải cười nói, dĩ nhiên tao hiểu mày chuộng văn nghệ theo kiểu thời thượng. Hậu hỏi, kiểu thời thượng là thế nào? Khải nói:
- Thời đại mới người ta có ấn tượng nhà thơ trước thơ của họ. Ngày xưa chúng ta biết thơ trước khi biết nhà thơ. Thơ hay khiến ai cũng thuộc. Tao thích những bài thơ hay và thuộc nó trước khi biết đến tác giả mặt mũi ra sao. Thơ ngày nay đa phần người ta đọc không hiêu tác giả muốn nói gì? Phải chăng đây là lý do người ta muốn biết tác giả. Ngày nay có rất nhiều thi sĩ nổi tiếng không phải thơ hay, mà là thơ kỳ dị …phải nói là quái dị vì dù người ta có cho nó tên như thơ tân hình thức, hậu hiện đại đi nữa nó vẫn là thứ sản phẩm thỏa mãn chính tác giả chứ độc giả không có chút cảm giác nào ngoài sự tò mò để rồi ngơ ngác tự hỏi, tác giả muốn gì đây?

Hậu hiểu bạn nói không sai, nhưng theo anh thời đại có dấu ấn của nó và anh nói điều này với Khải. Khải lại cười bảo:
- Dấu ấn thời đại là kiểu cách tân tự thỏa mãn mình theo kiểu sex toys chứ gì? Nghệ thuật bao giờ cũng hai chiều, nó hỗ tương, đồng cảm để có hòa âm. Thơ, văn, hội họa hay âm nhạc cũng thế. Do đó nếu mày quen nhà thơ Đỗ Lạc vì thơ của anh ta ít ra mày phải có một đồng cảm với tác giả chứ.

Hậu lại lúng túng vì suy nghĩ phải chăng mình đồng cảm với tiếng chữi thề của Lạc và thật sự tiếng này rất nhiều trong thơ của anh ta. Thấy Hậu không trả lời, Khải cười và không nói gì thêm rồi ra về.

Hậu không rõ mình bắt đầu chữi thề từ lúc nào nhưng anh cũng tự hiều mình ít nhiều bị ảnh hưởng Lạc. Tuy nhiên, nếu có ai hỏi chữi thề từ bao giờ anh trả lời, từ lúc xuống núi. Mười năm xa cách xã hội loài người đủ cho anh thay đổi một thói quen vốn là nhân sinh quan của một thời xưa cũ. Một người bạn học của Hậu hai mươi năm gặp lại nghe anh chữi thề, đôi mắt hắn mở to ngạc nhiên nhưng không phê bình gì, cuối cùng chỉ nói, “mày chữi thề giỏi lắm, thật sảng khoái!”

Chữi thề sảng khoái đã san bẳng khoảng cách dị biệt trong những cuộc nói chuyện ban đầu vốn còn e ấp ngại ngùng chưa quen. Tuy nhiên Hậu khó có thể chữi thề khi có phụ nữ hiện hiện. Trong lòng anh còn có cảm giác thất thố khi mở miệng phun ra tiếng chữi thề, ngược với Lạc. Những cuộc họp mặt đông đủ văn, thi sĩ nam và nữ hắn chửi thề tuốt luột. Có lần Hậu phê bình thói quen này, Lạc trả lời gọn gàng , “đ. mẹ văn nghệ không biên giới mà!” Chữi thề, nói tục không còn là việc cấm kỵ, phi văn hóa.

Vượt qua chủ nghĩa hiện thực, những chữ tục tĩu trước kia xem là cấm kỵ thì bây giờ được mang vào thơ văn thoải mái và dạo gần đây những bài thơ nổi cộm với cách dùng chữ tục lên xuống, tới lui khiến người đọc như đang nhào lộn trong một không gian chữ nghĩa là loại hình thức văn học mới, mới hơn cái mới, hiện đại hơn cái hiện đại được chểm chệ trên những trang văn học nghệ thuật trang trọng thành phố. Có một thi sĩ Hậu tò mò theo dõi hình như không bao giờ thiếu tiếng chữi thề, lời tục tĩu trong các bài thơ của ông ta. Nó biến thành thứ căn cước của thi sĩ, thiếu những tiếng này dường như thơ của ông ta kém hay đi cũng như không ai có thể xác định được bài thơ là của ông vậy!

Riêng Hậu, anh tự biện hộ tiếng chữi thề văng lốm đốm trên mặt giấy của các thi sĩ hiện đại như thứ định mệnh văn nghệ và thói quen văng tục của mình là sự cập nhật ngôn ngữ. Anh nghĩ “…thế kỷ hai mươi mốt, phải có cái gì mới mẻ chứ!” Lời chữi thề trong các bài thơ siêu-hiện-thực mang tính thời đại đậm nét trên cách xử dụng, ở một góc cạnh nào đó nó là thứ thời trang văn học dù khác phạm trù biểu hiện so sánh với thời trang ăn mặc thế nên tiếng chữi thề ngày hôm nay phổ biến hơn bao giờ, nhất là những nước đang phát triển kiểu Việt nam. Thế hệ trẻ Việt nam ngày hôm nay coi tiếng chữi thề là ngôn ngữ thường ngày thế nên từ chữi thề đối với họ dường như không còn tồn tại.

Lạc kéo Hậu quay trở lại bàn. Hạnh Lý đang rút điếu thuốc ra đốt. Đôi môi đỏ tím, chiếc áo, chiếc váy và cả màu da trên đôi chân cô cũng tím nốt. Anh thầm nghĩ dù bên ngoài nóng, cô ấy lạnh vì chiếc máy lạnh sau lưng cô đang chạy hết công suất, anh ước có chiếc áo jacket phủ lên chân cô ta nhưng sau lại lúng túng với ý nghĩ của mình. Lạc nói với Trung Dũng, “anh bạn tôi rất thích tranh, đ. mẹ hôm nào ông cho địa chỉ xưỡng vẽ để tôi và hắn tới xem.” Trung Dũng nhìn Hậu mĩm cười nói nhỏ nhẹ, “thoải mái, chiều nay các ông đến tòa sọan báo A, có hai bức tranh của tôi mới treo ở phòng tiếp khách.” Hậu gật đầu trong thâm tâm nghĩ mình chưa từng xem tranh Trung Dũng nhưng anh cho rằng ngồi ở chỗ ban biên tập website Mây Bốn Phương thì Trung Dũng không thể tầm thường được.

“Anh có viết gì không?” Hạnh Lý quay sang hỏi Hậu. Anh lắc đầu, khói thuốc từ đôi môi của Hạnh Lý thở ra thơm thoang thoảng. Mùi thuốc lá cũng là thứ lãng quên từng phần đã một thời gắn bó với Hậu. Dù đã nhạt nhòa nhưng nhớ về nó anh vẫn thấy nồng nàn một thời tuổi trẻ. Nó luôn gợi lên nỗi cô đơn những đêm cùng bạn bè ngồi nghe nhạc trong quán café trước viện Pasteur thành phố. Bên ngoài ánh sao đêm tràn trên không gian xanh đen thẫm. Tiếng nhạc bao giờ cũng vừa ve vuốt an ủi vừa nuôi nấng vỗ về nỗi cùng khốn thứ tuổi trẻ lạc loài thời chiến tranh.

“Tôi không có khiếu văn nghệ nhưng thích văn nghệ.” Hậu nói với Hạnh Lý. Cô tuy nhỏ tuổi hơn Hậu nhiều nhưng ngồi với cô, anh xem cô như cây cổ thụ. Anh nhớ những bài thơ ngắn bốn câu của Hạnh Lý bí hiểm không khác câu sấm truyền tiên tri về tình yêu và cuộc sống. Lúc Hậu nói với Lạc, Lạc nghiêm mặt nói, “đ. mẹ, cô ta vẫn thường được xem là Omar Khayam Việt nam kia mà!”

Thấy vẻ rụt rè của Hậu, Hạnh Lý nói, “người khác sẽ khám phá ra tài năng của anh thế nên anh thử viết xem sao! Anh chưa từng bao giờ viết hay sao?” Cô ta lại hỏi lần nữa. Hậu trầm ngâm rất lâu rồi chậm rãi nói:
- Có một thời tôi viết rất nhiều, nhiều đến độ bây giờ không tài nào nhớ được!

Hạnh Lý ngạc nhiên:
- Anh đã nói chưa viết bao giờ mà? Thế anh từng viết cái gì?
- Về một thời điêu linh.

Hậu trả lời với mảng bóng tối thoáng trong mắt và Hạnh Lý ngơ ngác hỏi lại:
- Cái gì? Anh viết ư?

Cô ta vừa kéo ghế đến gần Hậu và nói:
- Anh nói về một thời điêu linh của anh đi. Điêu linh là thế nào?

Hậu trầm ngâm một chốc rồi nói:
- Điêu linh là nỗi nhọc nhằn sinh tử sản sinh từ uất hận. Là sự lạnh lẽo tột cùng trong cái nóng kinh khủng của núi lửa… là cơn đói khát trong lòng sự thừa mứa thực phẩm. Nói chung điêu linh là sự trớ trêu của số mệnh.
- Tại sao?
- Vì có khi cả một dân tộc sống trên ngọn sóng điêu linh. Và mọi người dần dần không còn thấy số mệnh của mình vì số mệnh dân tộc và họ là một. Một ngày họ và con cháu đọc lịch sử thì tự hiểu đó là số mệnh của mình dù bất hạnh hay khốn cùng vốn là lý do tồn tại của một dân tộc.
- Anh còn giữ những gì anh viết hay không?
- Không nhưng những điều này không bao giờ mất dù lắm lúc tôi không nhớ!
- Tại sao?
- Vì nhớ hay không nỗi điêu linh vẫn tồn tại. Dù một nghìn năm sau trong tiềm thức của một dân tộc vẫn hiện hữu số mệnh của mình mà lúc bấy giờ người ta cho là huyền thoại hay sử mệnh. Với tôi, Lạc long Quân và bà Âu Cơ là thứ sử mệnh điêu linh.

Hạnh Lý nhìn Hậu chăm chú như dò xét một điều bí mật. Có thể cô ta không hiểu điều mình nói nhưng tại sao mình phải nói những điều mình muốn chôn chặt mãi mãi trong lòng. Hậu nghĩ và nói với Hạnh Lý:
- Trời hôm nay thật nóng!

Hạnh Lý nhìn về phía Đỗ Lạc đang hăng say nói chuyện với Trung Dũng và Biên Lĩnh rồi lơ đãng trả lời Hậu:
- Ừ hôm nay nóng nhưng chả thấm gì nơi tôi ở!
- Cô ở đâu?
- Tôi ở một nơi rất xa, nhà tôi cạnh một sòng bạc. Sòng bạc cạnh một núi lửa. Thế nên quanh năm nóng.
- Không cần ở cạnh núi lửa nhưng ở cạnh sòng bạc bao giờ cũng nóng. Dù sòng bạc này ở trên bắc cực. Tôi muốn nói chỗ nào có sát phạt chỗ ấy nóng bức. Mà sát phạt là bản chất của chúng ta, của dân tộc mình.
- Anh có phê phán quá đáng không?
- Điều tôi nói xuất phát từ kinh nghiệm xương máu. Tôi tin mình nói không sai. Và điểm mạnh của một dân tộc có thể làm dân tộc ấy điêu linh.
- Thực ư!
- Thế cô không thấy người ta đang ca ngợi chiến thắng hay sao? Khi họ nói nhiều đến chiến thắng thì mặt trái của nó là sự thất bại. Với tôi, không có từ chiến thắng trong thế kỷ hai mươi mốt này đối với thế giới nói chung và dân tộc ta nói riêng. Ngày nay chỉ có ưu thế, mà ưu thế vốn chỉ tạm thời vì ưu thế không phải là mục đích.
- Theo anh giải pháp thật sự của nó là gì? Trung dung chăng?
- Trung dung là một triết lý sống lý tưởng vì nhiều người hiểu nhưng không làm nổi bởi họ không thắng được chính mình. Tôi không nói đến vấn đề này mà chỉ nói sự khôn ngoan của một dân tộc dù sự khôn ngoan thuộc phạm trù trung dung. Và tôi cho rằng một dân tộc khôn ngoan gồm có những công dân khôn ngoan. Và dân tộc chúng ta không khôn ngoan lại thích nóng nên nếu không ở cạnh sòng bạc thì cũng phải ở gần núi lửa. Thế nên dân tộc điêu linh.
- Tôi hiểu ý anh nói. Chị Trần Ai đến rồi kìa!

Hạnh Lý đứng lên vừa lúc một phụ nữ lớn tuổi bước đến bàn. Dù nhiều lần thấy hình bà Trần Ai trên net và báo chí, Hậu thấy khác biệt hơn nhiều nếu gặp bà ở ngoài đường. Bà trông già dặn hơn, dĩ nhiên người ta đưa hình lên phải lựa tấm trẻ đẹp nhất chứ! Hậu tự bảo như thế và bắt tay bà sau khi Hạnh Lý giới thiệu. Tay bà mềm mại nhưng nóng. Khuôn mặt lạnh lẽo nhợt nhạt ấy nở một nụ cười gượng gạo:
- Chào anh!

Bà quay sang Đổ Lạc bắt tay vì hắn đã nhào lên miệng nhao nhao:
- Hôm nay sao chị đến trễ vậy, đ. mẹ tụi này chờ cả tiếng đồng hồ rồi đấy!
- Tôi kẹt cuộc họp, nhưng chúng ta hôm nay gặp nhau vui thôi, có gì quan trọng đâu?
- Chị ngồi xuống đi rồi gọi cái gì uống sau đó nói chuyện.

Hạnh Lý nói xong đưa tay vẫy người bồi bàn đằng xa. Hậu lại kéo ghế lùi ra đề mọi người có thể ngồi vừa một bàn. Biên Lĩnh và bà Trần Ai nói chuyện nho nhỏ với nhau khá lâu chỉ đến khi người bồi mang ly café sữa đá đến bà mới nói với mọi người rằng có lẽ tháng tới website Mây Bốn Phương sẽ thay đổi ban biên tập. Lạc càu nhàu với Hạnh Lý:
- Không hiểu chị Trần Ai còn điều hành trang web hay không? Đ. mẹ nếu chị ấy ra đi chắc tôi đói quá!
- Không sao đâu, còn quảng cáo là có tiền.
- Đ. mẹ, văn nghệ sống nhờ quảng cáo sao? Thật lạ lùng!
- Đến giờ này mà anh còn nói như thế mới lạ lùng. Anh có biết rằng chính Tổng thống cũng sống nhờ vào quảng cáo thì văn nghệ kiểu chúng ta nghĩa lý gì! Thời đại này là thời đại của quảng cáo. Họ quảng cáo cho sản phẩm đồng thời quảng cáo cho thơ văn chúng ta. Nếu họ không quảng cáo thơ văn chúng ta mãi mãi nằm chỗ này. Phải biết ơn họ anh Lạc ạ!

Hạnh Lý vừa nói vừa chỉ tay vào đầu rồi đốt thêm điếu thuốc khác trong khi Lạc lẩm bẩm chữi thề, đ. mẹ quảng cáo đi trước thơ văn đi sau! Hạnh Lý đốt thuốc liên tục. Bà Trần Ai cũng không kém, vừa hút thuốc vừa nói chuyện tương đắc với Biên Lĩnh. Trung Dũng im lặng nhìn mọi người, thỉnh thoảng lấy chiếc kính mát trong túi áo ra lau. Hậu nhìn ngang dọc như cố tìm một điểm chung để giải tỏa những bức rức trong lòng.

Mọi người im lặng nhưng sao nóng nảy trong cái mát của máy lạnh mở hết công suất! Ai cũng chờ nhưng không biết chờ cái gì. Hậu lại nhìn chung quanh. Anh khám phá ra mọi người mong được nói, nhưng chờ một người nói trước. Nói cho đúng nơi, đúng chỗ. Đừng chờ cái không đáng chờ, đừng nói chuyện không đáng nói, đừng bỏ đi khi không đáng bỏ đi. Nghĩ đến đấy Hậu giật mình vì bà Trần Ai lên tiếng sau khi rít một hơi thuốc rồi dụi vào chiếc gạt tàn:
- Chúng tôi có chuyện muốn nói.

Bà cười, tay trái lại rút thêm một điếu thuốc chuẩn bị đốt. Ai cũng thở phào dường như cái nóng tuôn theo tiếng thở vừa rồi. Dễ chịu hơn. Hậu nâng ly café của mình chỉ còn vài cục đá lên và lùa một viên đá nhỏ vào miệng nhai. Nụ cười bà Trần Ai tuy hiếm hoi nhưng tươi tắn trong khi Biên Lĩnh trịnh trọng nắm tay bà nói:
- Chúng tôi sẽ kết hôn vào cuối tuần này.

Lúc này mọi người đều cười và cái nóng như biến mất. Ai cũng hể hả, Hậu nghĩ như thế. Dường như ai cũng chờ đợi điều này trừ ta. Anh không biết rõ hai người ngoại trừ việc cả hai cùng ly dị theo lời kể của Lạc trước kia. Hạnh Lý lên tiếng:
- Chúc mừng hai người, tôi mời tất cả đi ăn cơm tối tại quán Hải Đăng ngoài bờ sông lúc sáu giờ. Hôm nay trời nóng quá!

Hậu nói theo như người bị liệu, hôm nay trời nóng quá! Nóng quá!

 
 

Lê Lạc Giao