TỔ QUỐC TRĂM NĂM

Lời mở đầu: Lịch sử là tập hợp những biến cố hay sự kiện xãy ra của loài người theo thứ tự thời gian và định mệnh lịch sử là kết quả những vinh quang hoặc nhục nhằn đã xãy ra cho từng cá nhân hay tập thể gắn liền với các biến cố lịch sử ấy. Thế nên có thể nó là niềm hạnh phúc của một số người và đồng thời lại là nỗi bất hạnh của những kẻ khác. Bên cạnh đó không loại trừ khả năng một bộ phận con người lại là nạn nhân của chính thời đại họ đang sống vì họ sống nhưng không hề đóng góp gì được cho đất nước tài năng sức lực họ có để rồi ước mơ một ngày tan rã theo cuộc đổi đời...
 
 
 

Chương Một

Ngày tháng sáu chia ly, đêm tháng sáu giã từ. Từng đoàn xe chở người âm thầm rời thành phố. Tất cả đều xãy ra trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến ba giờ sáng. Trang lịch sử lạnh lùng lật sang mang một không gian mới, thăm thẳm vô cùng tận. Một phần tư thế kỷ hai mươi còn lại bắt đầu từ cuối tháng tư. Và hôm nay đã hơn một tháng rưỡi miền Nam sống trong không gian mới ấy với cờ bay trăm ngọn cờ baytừ Bắc vô Nam nối liền nắm tay như bản nhạc Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh công Sơn từng diễn tả. Mọi người như đếm thời gian và lắng nghe nhịp thở của mình. Họ chú ý đến một cách đặc biệt bởi từ bây giờ con người mới hiểu cái sống thực sự, mới biết thân phận của mình và từ đó vỡ ra được có cái sống mà như đang chết và có cái chết không phải là chấm dứt mà cứ tiếp tục hiện hữu trong từng hơi thở mỗi người hằng ngày.

Đoàn xe chở Thái đi mãi mà vẫn chưa thấy dừng lại. Mọi người trên xe cũng như anh, trong lòng thắc thỏm lo âu. Họ quên giấc ngủ dở chừng tại trường Chu văn An để rồi ai cũng tỉnh như sáo. Tỉnh để nhận ra mình đang đi đến đâu và thân phận mình ra sao bây giờ? Trong một thoáng dường như ai cũng hồi tưởng những chuyến xe đêm trong đời mình. Thái nhớ đến chuyến xe khuya chuyển trại trong ngày đầu nhập ngũ, người nhớ chuyến xe du lịch về sáng, kẻ bồi hồi với chuyến xe tối về quê ăn Tết năm nào ... Nhưng chuyến xe đêm nay mọi người đi một mình, bỏ vợ con, bạn bè, thân quyến, thành phố đằng sau và không ai biết được mình được đưa đến nơi nào?

Xe vẫn bình thản chạy ra khỏi thành phố một thời mọi người đã sống với nó, dựa vào nó cũng như được nó che chở trong ánh hào quang lộng lẫy của đèn điện nê ông ban đêm, bằng cái sinh hoạt phồn thịnh ồn ào ban ngày và nhịp điệu trầm lắng khi thành phố đi vào giấc ngủ. Thành phố này một thời ru ngủ và đánh thức mọi người bắt họ lãng quên chính sự tồn tại của họ. Mãi đến ngày hôm nay Thái vẫn tự hỏi rằng thành phố này làm con người ngu muội, hay chính con người đã ngu muội si dại đến mức không biết cội nguồn. Không biết rằng trăm con suối tạo một giòng sông, trăm giòng sông tạo nên một đại dương rộng lớn. Từ biển cả mênh mông này lại bắt đầu cho một khởi điểm. Cứ thế mà con người lầm lạc cái chấm dứt bằng cái bắt đầu và ngược lại.

Xe vẫn chạy nhưng những người trên xe vẫn mong nó dừng. Bởi vì càng đi xa càng làm cho người ta sợ hãi, kiểm chứng những lời nói bên lề không sai, ra đi là không có ngày về. Bây giờ xe đang leo con dốc khá cao rồi đến khoảng đất bằng và từ từ dừng lại. Cây kim giờ trên tay chỉ đúng ba giờ sáng. Xe chạy mất hai giờ đồng hồ. Chạy khá lâu nhưng không ai biết nó mang đám người có nợ máu với nhân dân này đi đến đâu. Ở góc xe tối đen có tiếng nói như để trả lời cái thắc mắc câm lặng kia:“Chúng ta đang đi đến sân bắn.” Tiếng nói lọt thỏm vào yên lặng như mủi tên bắn vào khoảng không tối om. Không có tiếng vang hồi đáp.

Tất cả mười chiếc xe đều dừng lại. Tắt máy. Im lặng. Thái tách một khoảng trống lớn ghé mắt nhìn. Xe đang đậu trên một khoảng đất rộng. Xa xa là từng dãy nhà lờ mờ trong ánh đèn vàng mắc trên dãy cột gỗ xiêu vẹo. Đây là trường học chứ không phải trường bắn. Thái quay lại nói với những người trong xe.

—Chúng ta đi học tập cải tạo kia mà.

Có tiếng cười khẩy đâu đó.

—Tất cả mọi người ở trên xe, ngồi yên. Khi nào được lệnh hãy xuống.

Giọng nói miền Trung xứ Nghệ khó nghe, khô khốc khiến Thái hình dung cái khô cằn, quắt queo trừu tượng nào đó trong bức tranh trí nhớ. Đã hơn một tháng rưỡi, anh vẫn thường nhìn thấy bức tranh trừu tượng hoặc siêu thực này nhiều lần mà mỗi lần mỗi khác. Tuy nhiên dù màu sắc có khác đi, nội dung của nó vẫn không thay đổi. Trong cái hổn độn của một xã hội mới bắt đầu, dù có bao nhiêu màu sắc đẹp đẽ của Độc lập, Tự do, Thống nhất Bắc Nam hay nét lãng mạn xưa cũ của thời kháng chiến vẫn không che đậy được cái hiện thực thù nghịch hai phe mà một phe chiến thắng và một phe thất bại nhục nhã. Bốn mươi lăm ngày qua đã phần nào miêu tả được sự thật mà những người miền nam trước kia chỉ nghe thấy qua sách báo phim ảnh. Thái nhớ lời cha anh bảo, “đây chỉ mới bắt đầu ...”

Xách chiếc túi nhỏ, Thái nhảy xuống xe. Anh tự động bước vào hàng và chờ đợi đọc tên. Đứng phía trái trong ánh sáng lờ mờ là bóng một cán bộ Cộng sản dong dỏng cao, mặc quần áo bộ đội đang soi chiếc đèn pin điểm danh. Giọng miền nam pha chút âm miền bắc ở những dấu hỏi, ngã chứng tỏ là cán bộ tập kết trở về. Mọi người được đọc tên xong bước sang trái sắp thành một hàng dọc mới. Thái là người thứ tám được đọc tên. Anh cảm thấy mõi chân bèn ngồi bệt xuống trên chiếc xắc tay. Đằng sau chiếc xe chở anh có hơn chục chiếc khác đậu một hàng dài và cán bộ cũng đang đọc tên điểm danh và sắp từng hàng dọc. Trên ngọn đồi trọc, gió tháng sáu lồng lộng. Nhìn về phía tây nam, anh thoáng thấy ánh sáng nhập nhòe một vạt dài. Thái nghĩ đó là ánh sáng của Sài gòn và anh đang ở phía đông của thành phố.

—Các anh theo tôi và đi trong hàng. Không được tự ý bước ra khỏi hàng. Nếu có việc gì cần phải xin phép tôi hoặc cán bộ bảo vệ.

Bốn mươi học viên cải tạo, danh từ của một cán bộ chính trị Cộng sản thuyết trình từ ngày đầu tiên bước vào trường Chu văn An đặt cho lục tục túi xách, ba lô, tay nãi lầm lũi theo người cán bộ đi vào dãy nhà thứ hai còn cán bộ bảo vệ là hai bộ đội vác Ak thong thả theo sau mỗi hàng. Hình như nơi này chưa từng có người ở, tuy nhiên đã được quét dọn sạch sẽ. Đưa tất cả mọi người vào gian giữa, anh cán bộ vui vẻ bảo:

—Nơi đây tạm thời các anh sống trong thời gian học tập. Nếu có thiếu thốn phải cố gắng thích nghi. Tuy nhiên nhà nước cách mạng sẽ cố gắng lo đủ cho các anh. Tên tôi là Điệp, các anh cứ gọi Tư Điệp cho tiện, và từ đây về sau mọi việc các anh cần cứ cho tôi biết, việc tôi giải quyết được tôi giải quyết, việc quá khả năng tôi sẽ trình lên cấp trên. Bây giờ tạm thời, các anh trãi chiếu hoặc tăng ra nằm. Còn hai giờ nữa trời mới sáng. Nhớ không được tự ý đi đâu, phía đầu nhà là nhà tiểu và tôi phải đi lo thức ăn sáng cho các anh.

Nói xong Tư Điệp bước ra cửa và đi về hướng đầu nhà. Có tiếng thở dài nhẹ nhỏm và bắt đầu bằng tiếng nói của Ca:

—Anh cán bộ tốt thật! Hi vọng chúng ta sẽ gặp may mắn.

Ông Đường người lớn tuổi nhất lên tiếng:

—Chờ xem chú em ạ.

Mọi người lục tục trãi chiếu, Thái lấy tấm ni long trãi dựa vào góc nhà rồi lấy thuốc ra hút. Ánh đèn vàng từ hai chiếc bóng giữa nhà không đủ cho mọi người thấy rõ mặt nhau. Nhưng Thái quan sát thấy người nào cũng có vẻ trầm tư sau khi đặt lưng nằm xuống. Ai cũng mõi mệt vì chuyến xe nữa đêm. Anh nhớ lời ông Đường nói nhỏ vào tai anh lúc còn trên xe:“Người Cộng Sản thích đêm hơn ngày bởi tính chất trá ngụy của chủ nghĩa cộng sản và ban đêm họ giãi quyết được dễ dàng công việc của họ, nhất là giãi quyết những loại kẻ thù như chúng ta.”

Thái thiếp đi một lúc và khi tiếng động lục đục từ phía hai đầu nhà làm anh thức giấc. Nhìn đồng hồ thì anh chỉ ngủ có bảy phút. Lại có tiếng điểm danh và tiếng lịch bịch của túi xách vứt xuống sàn nhà. Thái nghĩ có lẽ thêm những chuyến xe khác chở người đến, nhưng anh nghĩ không biết có bạn bè cùng sở làm hay không. Mãi đến khi nghe tiếng của Tuệ hỏi nước uống từ đầu gian trước anh biết có lẽ cán bộ cộng sản sắp xếp cho những người cùng đơn vị ở chung với nhau.

Đúng như điều Thái nghĩ. Toàn bộ thành phần đầu não của cơ quan tình báo chiến lược gom vào ba dãy nhà ba gian vách gạch mái tole này. Nhưng buổi sáng bắt đầu khi ánh sáng màu đỏ ửng hiện lên ở chân trời thì tiếng ồn ào rầm rĩ vang ra từ những dãy nhà chung quanh gian Thái đang ở. Có nhiều người cùng thân phận như ta. Anh nghĩ và buồn rầu khi nhớ đến hai người em đang học hành dở dang vì biến cố tháng tư lịch sử. Chỉ mới có hơn tháng rưỡi mà Thái tưởng dường như đã lâu lắm rồi. Mọi sự thay đổi đều làm cho người ta lớn lên, nhưng những sự thay đổi do người Cộng sản mang đến làm người ta bé đi, đôi khi còn nhận ra mình ấu trĩ hơn một đứa bé. Điều làm cho Thái ngỡ ngàng nhiều nhất là chỉ khi nào tiếp xúc với người Cộng sản anh mới biết rằng à đây là Cộng sản bằng xương bằng thịt, chứ không phải Cộng sản mà anh cũng như những chiến hữu của anh chống lại từ hơn một tháng rưỡi trước.

Khi toàn bộ miền Nam mất vào tay Cộng sản, ai ai cũng cảm thấy mình mất đi tất cả những gì mình có trước kia. Đây là một sự thật không thể chối cãi được. Mọi người như đứng trước một khoảng trống vô hình. Khoảng không gian còn đó nhưng người ta hít thở để xác nhận sự tồn tại của mình chứ không còn ước mơ, và ai cũng cảm thấy sự mất mát điêu tàn nào đó hiện diện trong tâm khảm họ. Và phải chăng đây là cuộc đổi đời như những người Cộng sản nói từ những ngày đầu tiên họ bước chân vào thành phố Sàigòn này.

Từ một góc nhà, tiếng của Dương vang lên:

—Bắt đầu một thời để chết.

Thái bước ra sân. Ánh sáng chưa đủ thấy rõ mặt nhau, nhưng những bóng người lờ mờ tứ phía như các bóng ma. Phía sau hè là một citerne nước. Có người vổ nhẹ lên vai anh, quay lại là Dương, một người bạn mới quen từ những ngày đầu đi trình diện. Dương chỉ về phía trước, “Tất cả bộ máy đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị giam vào đây!” Thái gật đầu. Anh nhìn theo hướng Dương chỉ, từng đoàn người của các dãy nhà đang sắp hàng lãnh thức ăn sáng.

Dương và Thái múc mỗi người một bi dong nước sau khi rửa mặt đánh răng xong. Hai người vừa bước vào gian giữa thì cũng vừa nghe Ca nói lớn: “Mọi người ra sân lãnh cháo sáng.” Thái lấy chiếc bát nilon tráng sơ nước lạnh và là người cuối cùng nhận hai vá cháo từ tay Bửu múc cho. Cháo loãng như nước canh, trắng đục lờ nhờ. Đưa lên nếm thử. Cháo muối lờ lợ. Thái bước về phía Dương đang đứng cạnh cây bã đậu con đang múc từng muỗng cháo ăn một cách khó khăn. Anh nghe có tiếng la, “Đổ mất hết cháo rồi!” Ông Tường, cán bộ tình báo quốc ngoại, một kẻ tả khuynh vào giờ thứ hai mươi lăm và thường hay phát biểu lớn tiếng từ những ngày đầu tiên đi trình diện tại trường Chu văn An, “Thời này mới đúng là thời của tôi mà...” Ông Tường khốn khổ đang cắm đầu vào cái xô nilon to cao như chiếc vại nước mưa, vét chút cháo còn lại bằng chiếc gà mên nhôm. Lúc ngẩng đầu ra khỏi chiếc xô, tóc ông bê bết cháo. Khôi hài hơn nữa, chiếc kính cận dày cộm rớt vào đáy xô. Tay cầm chiếc gà mên, tay chiếc kính cận bê bết nước cháo, ông Tường mò mẫm từng bước đi về phía citerne nước. Thấy thế Dương chạy tới gần nắm tay ông Tường và nói lớn, “Để tôi dắt ông đi rửa kính, đừng lo, thời này là thời của ông mà!”

Hôm nay là mười tám tháng sáu năm một chín bảy mươi lăm. Thái nhẩm tính. Đúng ba ngày anh từ giã gia đình đi học tập cải tạo theo lệnh của Ủy ban Quân quản thành phố và cũng đúng một tháng mười tám ngày miền Nam Việt Nam sống dưới chế độ Cộng sản. Anh đã trãi qua một quãng thời gian xa lạ không có một chút gì liên hệ đến đời sống của chính anh. Chung quanh anh, khoảng không gian mơ hồ lộn xộn và trong đó tiếng hoan hô đả đảo không ngớt càng làm cho anh cảm giác đang sống trong một mớ bòng bong rối nùi. Lịch sử từ bao đời đằng sau anh. Nó kéo dài đến ngày ba mươi tháng tư rồi dừng lại. Thân phận con người và lịch sử gắn liền nhau. Nó gắn bó hổ tương và cùng tồn tại để tiến lên. Khi lịch sử tưởng dường như dừng lại, con người cũng không còn có thể bước tiến lên trong quá trình xây dựng sự tiến bộ cho chính bản thân mình. Lịch sử ở đây là thứ giòng sống muôn đời nghìn kiếp cho con người chứ không phải của riêng ai. Nhưng Thái nghĩ rằng anh đã không có thể bước đi được khi anh không còn xác định được hướng đi cho chính mình. Cả đám bạn bè anh cũng thế, họ dừng bước và hóa đá trong khi với người cộng sản lịch sử vẫn cuồn cuộn tiến lên theo bước chân của họ. Anh nhớ lại cha anh bảo từ những ngày đầu tiên sống dưới chế độ Cộng sản, “Chúng ta bắt đầu lại từ con số không, nhưng may mắn cho cha là bắt đầu vào cuối cuộc đời mình. Còn con bắt đầu từ nửa đời người là một bất hạnh lớn lao!”

Thái hoàn toàn không hiểu cha anh nói thế có ý nghĩa gì, nhưng anh tự nhận xét mình như đã chết một phần cuộc sống kể từ ngày đầu tiên xác nhận mình là thành phần ngụy quyền và phải lên phường trình diện hàng tuần. Cho đến hôm nay, đứng ở một nơi xa lạ này, Thái không xác định được chổ đứng của mình cả về mặt không gian lẫn thời gian. Dù có ngày, giờ hẳn hoi đi nữa, anh lúc nào cũng có cảm giác vô định và hình như có cả sự vô vọng trong nhận thức. Anh cũng biết đó là tâm trạng chung cho những người trẻ cùng một hoàn cảnh và điều kiện như anh. Khoảng thời gian này, anh cùng những người ấy sống trong sự an tâm giả tạo tận cùng. Lý do này không có gì là khó hiểu đối với anh những năm tháng về sau.

Làng cô nhi Long Thành bây giờ là trại cải tạo. Anh Ẩn bảo như thế. “Tôi đã đi theo đám nhân viên bộ Xã Hội lên đây nhiều lần để tặng quà. Lần cuối cùng cách đây hơn một năm...” Nghĩa ngắt lời, "Anh là cán bộ tình báo, lên đây để làm gì?” Ẩn cười đưa mắt nhìn chung quanh không thấy ai chú ý mới xuống giọng nói nhỏ,"Chỉ mới có hơn tháng mà các anh quên cả rồi sao? Làng cô nhi này này là hang ổ của đám ni sư Huỳnh Liên. Tôi lên đây là đi công tác dưới ngụy thức nhân viên bộ xã hội.” Thái chợt nhớ lại lần đọc báo cáo tình hình, Làng cô nhi Long Thành thường được xem là một trong nhiều điểm chuyển giao tài liệu tôn giáo vận, trí vận của Thành ủy Sàigòn Gia định. Một chút buồn bã thoảng qua trong trí anh. Ngày hôm nay anh lên đây là để kiểm chứng những tài liệu trước kia là sự thật. Thế nhưng hầu như không ai tin những văn bản, tài liệu do cơ quan tình báo cung cấp là có thật. Họ cho là chính quyền ngụy tạo, chụp mũ những chức sắc tôn giáo hoặc trí thức và là lá chắn của một chế độ độc tài tham nhũng thối nát. Dư luận không phải là sai, nhưng cũng không phải hoàn toàn sự thật. Điều này phản ánh tính chất hai mặt của chế độ cầm quyền miền Nam. Họ có chống Cộng nhưng đồng thời họ cũng giúp cho Cộng sản phát triển từng bước ngay trên vùng đất họ cai trị. Cách thức chống Cộng sản của chế độ Cộng hòa mang tính chiến thuật, hoàn toàn lệ thuộc vào chính sách đối ngoại của từng giai đoạn Tổng thống Mỹ cầm quyền. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa chống một kẻ thù cùng một màu da, chủng tộc, cùng một lịch sử bốn ngàn năm, chỉ khác có ý thức hệ bằng chiến lược, kế hoạch do nhóm người ở cách một nửa địa cầu vạch ra thì quả thật là chuyện khôi hài. Tuy nhiên, đó là sự thật hết sức phũ phàng mặc dù chính chính quyền miền Nam có thể làm điều khác đi mà họ muốn.

Nhiều lần chính quyền tuyên bố, “Chúng ta không thể tự quyết định lấy chính chúng ta, vì chúng ta lệ thuộc vào viện trợ Mỹ. Không có viện trợ, chúng ta chỉ có thể chiến đấu một thời gian ngắn mà thôi!” Trong thời gian làm việc ở đơn vị tình báo chiến lược, nhiều khi Thái suy nghĩ không hiểu tại sao những người cầm quyền miền Nam không vạch ra được một chiến lược cụ thể mà chiến lược này dựa lưng vào viện trợ Mỹ, nhưng có thể tự quyết được phương thức chiến đấu lâu dài với Cộng sản. Vì chính người Việt nam mới có thể hiểu được người Việt nam. Không một cuộc chiến đấu nào cho tự do dân chủ bằng chính sự liêm khiết đức độ của nhà cầm quyền lại là một cuộc chiến đấu cô đơn cả. Chúng ta chỉ có chính nghĩa trong ý niệm của từng người theo từng cách suy nghĩ của họ. Còn chính nghĩa thật để mọi người trên thế giới thấy thì thật là mơ hồ bởi nếu có quốc gia nào nhìn nhận Chính nghĩa của chế độ Việt Nam Cộng hòa là vì họ thấy cái chính nghĩa của Hoa kỳ khi giúp đỡ cho một chế độ có thể làm tiền đồn cho thế giới tự do trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao