TỔ QUỐC TRĂM NĂM

 
 
 

(Tiếp theo)

Chương Ba

Tuần lễ cuối cùng bắt đầu bằng những ngày tương đối nhàn hạ. Bửa ăn sáng vẫn là cháo trắng với củ cải muối nhưng hai bữa trưa chiều có thêm chút thịt hoặc cá. Thu hoạch cuối khóa học đã chấm dứt và thời khóa biểu sinh hoạt chính là hai buổi đọc báo. Trong tuần xen kẽ vài buổi lao động phụ như đi dọn đất khu vực trồng tỉa khoảng năm sào cạnh nhà một hay tu bổ cầu tiêu nhà tắm khối nữ do cán bộ trực trại yêu cầu và chỉ có những nhà nào trực mới đi làm mà thôi.

Tổ văn hóa đã giải tán sau bốn lần họp. Thu hoạch của những lần họp chỉ là sự nhai đi nhai lại quan điểm văn hóa thực dân mới của Mỹ và tay sai trên tờ Nhân dân nên Hai Bào có lẽ cũng thấy nhàm chán. Chỉ có ban hợp ca là còn ăn khách. Sáng tác gửi cho ban lãnh đạo trại nườm nượp. Sau khi sàng lọc, những bản nhạc mà họ cho là có giá trị được chuyển cho Vũ Thành An, trưởng tổ văn hóa trại viên, phổ biến xuống cho quản ca từng nhà tập hát mỗi đêm. Các sáng tác của Đèo Chính Mun, Trần Thiện Ân, Vũ thành An được một số trại viên trình độ nhạc lý cao viết lại hòa âm và cho hợp xướng. Tổ ca nhạc lên gần một trăm người với hai phần ba khối nữ tham gia. Tiếng hát của họ cùng tiếng đánh bóng chuyền bình bịch của tổ thể thao các nhà mỗi chiều phần nào làm đa số trại viên quên đi cái thân phận hiện tại của họ.

Thái cùng anh Tấn ra giữa sân ngồi ăn cơm chiều. Vét miếng chao nát cuối cùng trong hũ Thái nói:

—Hết tiền rồi, hai mươi nghìn mang theo tiêu vào đám chao này. Tôi nghe nói ỡ căn tin họ chịu cầm đồng hồ và giây chuyền. Hết tháng mà không có biến chuyển tôi phải đi cầm đồng hồ lấy tiền mua thêm thức ăn. Nếu không có thức ăn thêm chúng ta sẽ thiếu dinh dưỡng và dễ dàng mắc bệnh lắm.

Anh Tấn gật đầu nói:

—Chỉ có chúng ta nghèo chứ đám khối một và bốn trung bình mỗi người đi học tập mang theo một triệu. Họ là triệu phú ngoài đời và cả trong tù.

Thái nhớ đến ông Bích khối bốn. Mỗi sáng sau khi tập thể dục xong đi tắm đầu nhà anh đều gặp ông. Trên cổ ông ta mang một sợi dây chuyền vàng làm thô sơ hình dạng dây lòi tói. Theo ông nói, mỗi mắt xích là một chỉ và ông mang trên cổ ông năm lượng vàng ròng.

—Ai cũng phòng xa cả. Nén bạc đánh xoạc tờ giấy. Ông Bích là chồng của cô ca sĩ Hà Thanh dạy ở trường Luật đấy. Nghe đâu ông ta là một trong những thủ lãnh đảng Cách Mạng gì đấy.

Anh Tấn nói như than sau khi nghe Thái nói đến sợi dây chuyền vàng của ông Bích. Thái cười:

—Trong tù cộng sãn tiền bạc nhiều cũng có chỗ chi dụng. Thôi ngày mai tôi đi cầm cái đồng hồ này lấy tiền mua thêm thức ăn.

Không biết tương lai ra sao nhưng bây giờ có tiền cũng dễ chịu lắm vì có chổ để tiêu. Nay mai đây chính sách thay đổi không chừng có núi bạc cũng chết đói cả đấy. Ông Địch tổ năm đầu nhà nói khe khẽ cho đám cải tạo viên trẻ tuổi đang quây quần chung quanh ông nghe ông nói chuyện cộng sản năm năm mươi tư lúc cả nhà ông đang ở vùng giải phóng tìm đủ mọi cách để di cư vào nam.

Trong trại không thiếu những người di cư năm năm mươi tư như ông Địch. Với họ kinh nghiệm sống với cộng sản kể ra có lẽ không bao giờ hết. Thái nói nhỏ với ông Đường:

—Thật là đau lòng cho những con người kinh nghiệm xương máu. Hơn một triệu dân miền Bắc di cư bây giờ có dịp kể lại kinh nghiệm cộng sản. Những điều họ biết và họ muốn bây giờ nếu thực hiện được trong hai mươi năm trước thì làm gì có chuyện ngồi kể chuyện xương máu như chuyện đời xưa nhĩ?

Ông Đường im lặng không trả lời. Khuôn mặt ông đăm chiêu và buồn bã. Hôm trước lúc họp liên tổ nghe Hoàng A Sam tổ tám kể chuyện đời ông ta qua hình thức kiểm thảo bản thân. Lúc Hoàng A Sam cúi đầu đóng kịch ăn năn hối cải vì đã huấn luyện biệt kích nhãy xuống miền Bắc sau khi hắn thoáng thấy bóng cán bộ đứng ngoài cửa sổ lắng nghe, ông Đường nhổ nước miếng khinh bỉ ra mặt. Cuộc đời ông là cả những chuỗi ngày dài đau khổ vì chống cộng. Ông chống cho đến lúc thua. Ông nói, tôi thua nhưng không hèn như Hoàng A Sam. Đến lúc này tôi hiểu dần dần ra rằng tại sao miền nam dù có nhiều ưu điểm hơn miền Bắc mà lại thua một cách nhục nhã. Cái núi kinh nghiệm mà một triệu dân miền bắc di cư chỉ để nói chuyện lúc trà dư tữu hậu mà thôi. Nói làm gì thêm đau lòng. Cuộc đời đáng sống là cuộc đời biết nhục nhã.

Câu cuối cùng ông Đường nhắc lại nhiều lần và trở thành điệp khúc quen thuộc cho những năm tháng cải tạo về sau này. Thái ngẩm nghĩ câu nói của ông và thấy thích thú đặc biệt vì thấm thía thân phận của những người tù cải tạo miền nam.

Buổi tối ông Đường vẫn thường đọc kinh trước khi ngủ. Bóng ông ngồi trong mùng tay lần tràng hạt là một hình ảnh thật khó quên trong những năm tháng cải tạo. Mà không phải chỉ có ông Đường, những bóng cải tạo viên ngồi như những tượng đá trong mùng đọc kinh trước khi đi ngủ là một chuỗi hình ảnh nặng nề trong cái môi trường lúc nào cũng đầy vẽ bí hiểm và đe dọa.

Đêm màu hồng là cách nói lóng những chuyến ra đi bất chợt vào giữa khuya sau khi tên được đọc dưới ánh đèn pin lạnh lẽo trên cái danh sách không ai biết từ đâu đến nhưng hàm ý cuộc ra đi không mấy bình yên với gần một tiểu đội bộ đội hoặc công an lăm lăm súng AK trên tay bao quanh như sắp sửa đưa đi hành quyết. Mà nói cũng không phải ngoa, đa số những người ra đi không phải không có chút tiếng tăm hoặc có ân oán ít nhiều với cộng sản. Nhà của Thái đã ra đi hơn tám người và chính Hoàng A Sam đi Đêm Màu Hồng chuyến đầu tiên dù hắn có mang băng đỏ trên tay ngay ngày mùng một tháng năm trước vọng gác của sở để làm danh sách nhân viên tình báo đăng ký học tập cải tạo. Làm ra vẻ thông suốt đường lối cách mạng và hăng hái lập công chuộc tội không phải là khôn ngoan mà chỉ biểu lộ sự hèn nhát của mình mà thôi. Thái lắc đầu mỗi khi nghe những lời phát biểu chối tai của bạn bè cùng đơn vị trong trại.

Giải thích những chuyến đi đêm màu hồng, Hai Bào và Hai Côn nói vừa nhẹ nhàng vừa quyết liệt:

—Họ là những người có nợ máu với nhân dân và cách mạng. Tách họ riêng để cách mạng dễ làm việc và cũng dễ dàng tạo cơ hội cho họ mau chóng tiến bộ, lập công chuộc tội sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Các anh không nên suy đoán sai lệch mà ảnh hưởng đến việc học tập cải tạo của mình.

Theo cách nói của hai cán bộ chính trị cao cấp đám người còn ở lại thuộc thành phần nhẹ nhàng hơn và được đám cải tạo viên lạc quan tếu bình luận:

—Có lẽ họ chuẩn bị cho chúng ta trở về. Nghe đâu chúng ta nay mai gì sẽ được lăn tay trên tờ chứng nhận học tập cải tạo.

—Tôi nghe đám nhân viên nhà bếp nói sắp sửa hạ ba con heo trung mới mua và khi hỏi lý do thì họ bảo không biết.

Nghe Thạnh nói mọi người có phần tin tưởng vì đám nhà bếp đa số là giao liên trước kia và số còn lại là thành phần cách mạng cả. Thạnh lại có bà con xa với một cô gái nấu cơm và hắn thường được cô gái chuyển tin tức của hắn về cho gia đình.

Ước mơ trở về gia đình của đám cải tạo viên trại Long Thành lớn đến độ biến họ trở thành trẻ con trong suy nghĩ và suy luận. Những ngày cuối cùng của tháng bảy các sự kiện xãy ra đều được họ liên kết với việc trở về đoàn tụ gia đình. Tuy rằng có một số người lớn tuổi không tin tưởng gì mấy.

Dương và Thái thường đi bộ vào buổi chiều sau khi ăn cơm xong. Ánh nắng cuối cùng như sáng chói hơn và tiếng nói lao xao không ngớt của đám trại viên cải tạo là hình ảnh trái ngược với hoàn cảnh thực mà đám người chế độ cũ đang cưu mang trong lòng. Dương chỉ đám gạch đá mới đổ từng đống dọc theo hàng rào trại nói:

—Có những sự kiện bi quan hơn nhưng không một ai thèm nói cả. Đám gạch đá này nay mai sẽ dựng lên bức tường cao của trại tù. Và đám cải tạo viên cũng biến thành tù nhân trong cái vòng tường thành này. Rồi một ngày nào đó mọi người sẽ nghe bãn án của mình, cậu có nghĩ như thế hay không?

—Tôi không phải không thấy những sự thật trái ngược nhưng không dám nghĩ đến anh Dương ạ. Khao khát trở về mái ấm gia đình là một ước mơ tự nhiên nhưng trong bối cảnh lịch sữ nó trở thành nhỏ bé quá. Suốt cuộc chiến tranh hơn hai mươi năm không biết bao nhiêu triệu người đã chết và bao nhiêu gia đình của hai miền nam bắc liên hệ đến. Khi tàn cuộc, toàn bộ phe chiến bại chui vào tù hơn một tháng rồi trở về đoàn tụ gia đình coi bộ có gì không ổn anh ạ. Tôi muốn nói đa số những người ở đây không dám nhìn thẳng sự thật lịch sử mà chỉ len lén nhìn. Sự hèn nhát làm ước mơ to lớn lên mãi nhưng đồng thời làm đầu óc họ bé đi. Có điều họ có đáng tha thứ hay không mà thôi đối với lịch sử?

Dương im lặng không bình luận thêm. Hai người chầm chậm đi về phía khối hai đảng phái. Trời tối dần. Phương tây sao hôm đã lấp lánh trong cái nhạt nhòa của buổi hoàng hôn tháng bảy. Từng nhóm trại viên đi bách bộ như những người nhàn tản. Vài người đưa tay chào hai người. Khi đến hội trường Thái và Dương leo lên lan can gổ đầu nhà ngồi nhìn xuống con dốc ra trại. Tấm bản chùa Siêu Hình phía trên nóc tháp canh đầu cổng trại lấp lánh sáng chói với tia nắng cuối cùng trong ngày. Dương nói:

—Cậu phải biết trong suốt dòng lịch sử cộng sản hơn sáu mươi năm qua chưa hề có một đảng cộng sản nào nhân từ cả. Mà nói đến cộng sản phải nghĩ ngay đến chuyên chính. Không phải hằng ngày chúng ta đọc được trên báo Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng bốn chữ chuyên chính vô sản là gì! Họ không hề dấu diếm Chuyên chính vô sản là công cụ của cách mạng và hai chữ này đủ nói lên được người cọng sản có thể làm bất cứ chuyện gì có lợi cho họ. Số phận chúng ta bây giờ trong tay của họ và luôn luôn phải chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể xãy ra.

Thái thở dài nói:

—Thì cũng “Cầm bằng cho gió cuốn đi” mà thôi. Anh có đọc mấy quyển sách ban lãnh đạo trại mới đem về cho cái thư viện nhỏ cạnh khối nữ chưa? Đa số là tiểu thuyết của Nga.

—Có gì mà phải đọc. Ngày xưa tôi đọc quá nhiều tại thư viện của sở. Tiểu thuyết Nga bắt đầu bằng công trường và chấm dứt bằng công trường. Đa số tiểu thuyết của các nước xã hội chủ nghĩa cùng rập khuôn như nhau. Tình yêu được chỉ đạo bằng quan điểm chính trị. Không có gì hấp dẫn cả và trái ngược với dòng văn học đồ sộ trước thời Sa hoàng với những cổ thụ như Tolstoi, Dostoiewsky, Turguenev hay trong thời kỳ cách mạng như Maiakovsky, Gorky, Solokhov...

Cái thế giới cộng sản thực sự quá mới mẻ với Thái dù rằng anh đã nghiên cứu khá nhiều về người cọng sản trong thời gian còn đang làm việc. Ngày hôm nay Thái đã phần nào sáng hơn trong việc thấu hiểu người cọng sản bằng xương bằng thịt và anh nghĩ Dương cũng thế mà thôi. Đã có một khoảng cách quá dài trong thực tế và tuyên truyền cũng như sự hiểu biết của những người quốc gia chống cọng. Hôm trước nói đến điều này đám cải tạo viên lão thành giẩy nẫy:

—Chúng tôi thừa hiểu biết về cọng sản chỉ có Mỹ bỏ chạy mình mới thua mà thôi.

Chánh cười khẩy nói lại câu nói của Hai Bào:

—Lúc này còn tâm trạng khâm phục Mỹ phải không? Hiểu biết cộng sản quá nhiều nên không thể thắng được cộng sản? Còn Mỹ đánh thật mà mình đánh thuê chứ gì? Các ông suy nghĩ lại cách lý luận của các ông đi. Lập luận gì cứ như trẻ con.

Ông Địch nghiến răn ken két khi nghe Chánh nói móc. Tuy nhiên nhìn trước nhìn sau thấy ai cũng nhìn mình ông ta nuốt hận bỏ đi.

Phản ứng của ông cũng là phản ứng của đa số những người có ít nhiều ân oán với cộng sản. Thực ra tự ái làm họ khó chịu khi phải bắt buộc chấp nhận một sự thật không thể phủ nhận được, nhưng làm gì khác được khi mà canh bạc cuộc đời ai cũng cho rằng mình thực sự đầu tư tim óc vào đó dù rằng đa số ngụy tín. Có điều đáng nói là trách nhiệm lịch sử thường không ai chịu nhận cả dù đã thua cuộc. Thái nhận thấy không có sự liên đới trách nhiệm nơi những người một thời vang bóng chung quanh anh và anh cũng không hiểu tại sao họ có thái độ như vậy trong khi họ thường chứng tỏ sự ăn năn hối cải của mình trong những lần thảo luận học tập hay trong các bài thu hoạch nếu cần đọc trước đám đông. Dù biết họ đóng kịch trước mặt cán bộ nhưng Thái luôn cảm thấy họ thiếu sự tự trọng cần thiết của những người một thời nắm giữ vận mệnh quốc gia.

Thắng trong một cuộc chiến tranh không thể bằng vào lực lượng quân sự được. Hôm nay tàn cuộc Thái có thì giờ ôn lại quá trình cuộc chiến và sự thắng bại của hai bên. Khách quan đánh giá, miền Nam dù thắng và anh dũng trong việc bảo vệ mãnh đất của mình vẫn luôn luôn thua sút cộng sản Bắc Việt trên mặt trận chính trị mà mặt trận này thực sự tham dự vào sự quyết định chiến thắng cuối cùng.

Thái và Dương về dãy nhà của mình đúng bảy giờ và các tổ đã bắt đầu chuẩn bị buổi tập hát hằng đêm. Quản ca Thạc đi đi lại lại nhắc nhở:

—Tối nay chúng ta phải hát cho thật khí thế nhé! Nhất là bản nhạc mới của Vũ thành An.

Chánh phì cười quay lại hỏi Thái: — Ông thấy bản nhạc mới như thế nào?

—Không kém bài không tên cuối cùng!

Thái trả lời trong khi Thạc bắt đầu tập hát câu đầu tiên. Vũ thành An cố gắng rất nhiều trong tiết tấu và dù ép các nốt nhạc thế nào chăng nữa cũng không dấu được cái buồn thảm ũy mị trong nhạc của anh ta. Thực tại chính trị không che dấu được cái khao khát bình thường con người. Nhạc vàng dù núp đằng sau nhạc đỏ cách mạng nó vẫn có cái khí thế muôn đời của nó. Và đối với đám người chiến bại này nó vẫn thường được trân trọng khi lén lút hát lên.

Những bản nhạc mới do trại viên làm ra thường dễ hát và ít nhiều nhẹ nhàng êm ả. Thứ nhạc này được mọi người cho là nhạc nửa vàng nửa đỏ. Cán bộ giáo dục trại không biết có phải lâu năm không được nghe nhạc êm dịu hay không nên thường thông qua các bản nhạc nhợt nhạt này. Ban hợp ca của trại lên đến gần một trăm người dưới sự điều khiển của Trần thiện Ân khối một và Bữu Uy khối ba đôi lúc làm người nghe tưởng dường như đang dự một buổi hòa nhạc cung đình. Đám trại viên nữ hơn năm mươi người trong ban hợp ca và sự tài ba của hai con chiên đầu đàn vì Trần thiện Ân và Bửu Uy đều xuất thân từ chủng viện làm đám cán bộ giáo dục trại ngẩn ngơ khi nghe những bản nhạc cách mạng như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” “Mùa xuân trên thành phố Hồ chí Minh” mà thường ngày hát không lột hết cái hay của nó.

Hôm đi nghe hát ở hội trường khối hai, lúc đưa đám trại viên khối ba về các nhà xong vừa quấn điếu thuốc rê vàng Ba Kiên vừa tỉ tê tâm sự, các anh tài thật. Tôi thấy không có gì các anh không biết. Đế quốc Mỹ dày công đào tạo các anh. Nhưng đào tạo càng lâu các anh càng không thể một sớm một chiều cải tạo được.

Không biết có phải Ba Kiên ngầm tỏ cho mọi người biết con đường dài chông gai phía trước hay không nhưng anh ta thường tránh các câu hỏi trực tiếp của các trại viên về một ngày đoàn tụ với gia đình. Ba Kiên trả lời chung chung và cuối cùng giao hết trách nhiệm cho nhà nước.

—Nhà nước sẽ lo tất cho các anh và đánh giá được mức độ cải tạo từng người để có thể cho về đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi chỉ thực thi chính sách mà thôi.

(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao