TỔ QUỐC TRĂM NĂM

 
 
 

(Tiếp theo)

Chương Bốn

Tiếng reo hò ầm ĩ từ xa vọng lại làm cả tổ ngưng đọc báo và chạy ra cửa sổ nhìn. Không có gì khác lạ trong buổi đọc báo thường ngày ngoại trừ vài cán bộ chính trị xách túi đi về phía hội trường. Nhượng tổ hai đầu nhà đi cầu về cho biết tin sốt dẻo:

—Khối một đang lăn tay trên hội trường. Có cả một chiếc com măn ca chở người từ Sài gòn lên làm thủ tục cho chúng ta.

Các tổ trở về vị trí đọc báo bình thường nhưng hình như ai nấy cảm thấy xúc động trước cái tin hành lang của Nhượng, nhưng tin hành lang sao được vì chỉ trong mười phút tiếp theo Ba Kiên xuất hiện và thông báo theo lịch trình khối ba sẽ tập họp lên hội trường làm thủ tục giấy tờ cuối khóa học vào lúc hai giờ chiều.

Mọi người không còn đầu óc đâu mà nghe đọc báo nữa dù Thái đọc cái tin sốt dẻo trên tờ Sài gòn Giải phóng: “Gia đình nào có thân nhân đi học tập cải tạo nếu tình nguyện đi vùng kinh tế mới thì chồng con sẽ được cho về đoàn tụ sớm hơn qui định” mặc dù không ai hiểu qui định ấy là bao nhiêu lâu?

Tin tức nào hấp dẫn cho bằng sự thật trước mắt và trí tưởng tượng dồi dào vì khát vọng trở về. Buổi đọc báo chấm dứt với những bàn tán xì xào. Nhưng dù sao chăng nữa cái dè dặt thông thường của con người khi cảm thấy có gì khác thường trong sự suy luận một chiều của mình làm cho một số người không bày tỏ thái độ hoặc ý kiến công khai. Đa số những người cho rằng mình hiểu rõ cộng sản lắm im lặng trước sự kiện đang xãy ra nhưng với Thái dù gì chăng nữa anh cho rằng họ tương đối có chút hiểu biết để tự vệ trước những thủ đoạn bí hiểm của người cọng sản.

Ông Đường không nói gì ngoài việc rít thuốc lào liên tục. Đầu nhà ông Địch nằm ngửa trên tấm chiếu nilon nhìn lên trần nhà như đang đọc những dòng chữ vô hình trong không gian. Không hiểu ông ta nghĩ gì nhưng Thạc nằm bên cạnh Thái đang nhịp chân hát khe khẽ bài hát cách mạng mới của Vũ thành An. Thấy Thái chăm chú đọc báo Thạc nói nhỏ:

—Không thấy hồ hỡi phấn khởi hay sao?

—Bao giờ cho về mới chắc ăn. Chuyện gì cũng có thể xãy ra ngược lại với niềm tin vào sự kiện trước mắt. Tôi tin ông Đường vì ông ta nói ra ít khi sai sự thật. Còn ông nghĩ gì?

Nghe Thái hỏi lại Thạc cười:

—Tôi còn độc thân như ông và đặc biệt chưa có người yêu nên tương lai trong thời buổi nhập nhằng này tôi không quan tâm cho lắm. Miền Nam giải phóng hơn hai tháng và mình phải vào đây nên không hiểu những biến chuyển ngoài xã hội để có một ý hướng cho tương lai nhưng dù sao nếu ai hỏi tôi làm gì khi trở về tôi chọn về Phan Rang quê tôi ông ạ!

Thạc biểu tượng con người thật thà chất phát hiếm thấy nơi những người miền Trung có bằng cấp. Đặc biệt hơn nữa không thấy biểu hiện chống Cộng trong con người Thiên Chúa giáo của anh ta. Hôm làm bản thu hoạch cuối khóa học chính trị anh ta nói giản dị với Thái về cuộc đời mình:

—Tôi vào làm việc cho cơ quan tình báo để trốn quân dịch. Với bằng cử nhân luật, phủ đặc ủy trung ương tình báo giúp tôi đắc cử chủ tịch ban chấp hành sinh viên luật khoa, một chỗ khá nhàn rỗi để tôi có thể tiếp tục học cao học và tiến sĩ sau này. Tôi đeo đuổi mục tiêu vì lời hứa với cha mẹ và hoàn toàn không có ý thức chính trị gì cả. Tôi không hề đặt vấn đề chống cộng trong mục tiêu cuộc đời. Cái mà tôi cho là tạm bợ ấy bây giờ quyết định số phận tôi nhưng dù gì chăng nữa tôi tin là tôi sẽ trở về với gia đình nay mai vì quá trình hoạt động của tôi chỉ có thế. Có lý do gì mà giam giữ một người mà bản tự khai không quá bốn trang giấy.

Thạc nói thật lô gíc nhưng chính trị làm gì có lô gíc. Lô gíc giúp sáng tỏ chân lý như triết học Hy Lạp quan niệm nhưng lô gíc được người cộng sản xử dụng làm công cụ cho thủ đoạn chính trị của họ cho nên dù bản tự khai nửa trang giấy hoặc không có bản tự khai đi nữa con người vẫn có thể rục xương trong nhà tù cộng sản như thường.

Thái không muốn làm mất niềm lạc quan hiếm có trong tù nơi Thạc nên anh chỉ nói thêm:

—Tôi hi vọng là ông nói không sai.

Hôm nay Thạc càng tự tin hơn với cái lập luận thô sơ của mình và đắm chìm trong ước mơ trở về quê nhà cùng hai người em trồng thuốc lá mưu sinh. Thạc có đồng minh là Ba cám đầu nhà. Mấy hôm trước hai người thường ngồi tâm sự có vẻ tương đắc lắm. Cùng quê Phan Rang nên họ hay nói về quê hương và thời thơ ấu của mình. Những lúc ấy Thái cũng thường xen vào góp ý vì Nha Trang là nơi anh ra đời không xa Phan Rang mấy và anh cũng là học sinh Trung học Võ Tánh như Ba Cám dù anh học sau anh ta sáu năm.

Sau buổi cơm trưa thấy Ba cám ngồi trầm ngâm ngoài hàng hiên Thái hỏi:

—Đang suy nghĩ gì ông anh?

—Tôi đang lo mấy luống khoai lang đầu nhà nếu tôi trở về thì ai chăm sóc và thu hoạch đây!

Ba cám nghiêm sắc mặt trả lời. Nghe anh ta phát biểu hoàn toàn mâu thuẫn với hôm gửi tiền đi mua hạt giống cho kế hoạch lâu dài, Thái hỏi nhỏ:

—Hôm trước anh không tin tưởng gì vào ngày về sớm sao hôm nay lại phát biểu một cách bất nhất như vậy.

—Không hiểu tại sao tôi linh cảm mình được trở về lần này. Cái linh cảm loại này ít khi sai và mấy luống khoai lang này tôi lo vì đã đầu tư vào khá nhiều công sức.

Thấy Ba cám thành thật trả lời như thế Thái cười nói:

—Thì tôi chăm sóc và thu hoạch chứ ai vào đây. Tối nay chịu khó đi thông báo cho người trong các tổ biết tôi thừa hưởng di sản của ông.

Ba cám trợn mắt:

—Ông còn trẻ sao mà bi quan như vậy. Bộ không tin rằng mình trở về hay sao?

Thấy Thái đăm chiêu không trả lời Ba cám nói tiếp:

—Tôi hoạt động cho cục tình báo quốc ngoại hơn sáu năm nhưng bản tự khai cũng không quá ba trang vì không biết gì ngoài đánh máy bản tin tức nổi. Tôi nghĩ ông làm gì hơn được tôi. Dù ông có hoạt động ngoại vi đi nữa môi trường sinh viên có gì quan trọng.

Thái không hiểu Ba cám nói thật tình hay chỉ an ủi anh vì nếu có một mủi dùi trực tiếp chống cộng sản tại Sàigòn có lực lượng nào quan trọng hơn hàng ngũ sinh viên dưới sự trực tiếp chỉ huy của toán đặc nhiệm trong ban của Thái. Liên tiếp trong vòng ba năm ban của anh đã đối đầu với hàng ngũ trí vận nội thành cũng như lực lượng thanh niên xung kích của trung ương cục miền Nam. Dù nguy hiểm và đổ máu, ban của anh đã dành lại được tất cả ban chấp hành sinh viên các phân khoa thuộc viện đại học Sàigòn. Thắng lợi to lớn đó ai nào không biết và ngày hôm nay tàn cuộc tính hơn thua thì cái ban của Thái không phải cộng sản không biết đánh giá sự nguy hiểm và món nợ máu đối với họ.

Có thể Ba cám lạc quan tếu nhưng hãy vui và quên đi lo lắng về một tương lai đen tối có thể xãy ra, Thái tự nhủ như thế và tìm anh Tấn để uống nước trà. Sau khi rót trà ra hai cái chén, anh Tấn nói:

—Hãy phớt tỉnh ăng lê và chờ xem.

Hai người uống trà nhìn đám sĩ quan cảnh sát đang tụ tập từng nhóm ngồi nói chuyện giữa sân. Không khí có vẻ thoải mái dù đêm rồi có thêm hai xe molotova chở người đi đêm màu hồng. Tính theo tỉ lệ khối cảnh sát người ra đi cao nhất, kế đến là khối ba tình báo của Thái. Hai khối một hành chánh và hai đảng phái số lượng người lên đường nửa khuya không đáng kể.

Khi số người được đọc tên vác hành lý lên xe, những người còn lại sống trong căng thẳng vì không biết mình có tên trong bản phong thần hay không? Đến tuần lễ thứ ba hầu như không còn cấp giám đốc trong khối ba. Họ lần lượt đi đêm màu hồng và trong tuần lễ thứ tư nhiều người tiên đoán cấp bậc kế tiếp sẽ lên đường. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Những người có nhiều ân oán với cọng sản như trường hợp các nhân viên thẩm vấn cũng được an ninh nội chính thành ủy chiếu cố đặc biệt. Không biết có phải luật vay trả trả vay hay không nhưng ngày hôm nay có một số thẩm vấn viên bị ngay những người tù binh ngày xưa họ đã từng hỏi cung thẩm vấn ngược lại. Sau đó cũng chính những cán bộ cộng sản này xuống tận chỗ nằm của họ và đưa họ đi đêm màu hồng tuy cấp bậc họ không cao. Việc làm của những người cộng sản không phải không lý giải được nhưng ở vào giai đoạn giao thời này cũng không phải là dễ hiểu đối với đa số.

Khối ba tập họp lúc hai giờ dưới cái nắng gay gắt còn sót lại của mùa hè năm một chín bảy lăm. Ai cũng hăm hở lắm, ít ra cái lạc quan cũng dễ chịu hơn cái bi quan. Khi bước chân vào hội trường và an tọa trên thanh gỗ cứng anh Tấn lấy chiếc nón lưỡi trai xuống quạt lia lịa trong khi Thái nhìn đám cán bộ thành ũy quần kaki học trò xanh dương, áo sơ mi trắng đang lúi húi sắp xếp giấy tờ lên bàn. Trong góc hội trường bên phải là một phó nhòm cộng sản đang lay hoay chêm chiếc giá chụp hình ba chân cho vững.

Toàn bộ trại viên trại cải tạo Long Thành đang làm danh chỉ bản theo cách nói của người cộng sản. Từng người lần lượt bước lên lăn tay đóng dấu và cầm tờ danh chỉ bản sang phía phó nhòm để chụp hình. Trước ngực mỗi người là một tấm bản viết tám số bằng phấn trắng. Thủ tục không khác chụp hình tù binh trước kia bao nhiêu. Chỉ có thiếu không có còng tay hoặc xiềng chân mà thôi. Lý do buổi làm danh chỉ bản rõ ràng không khác đám khối một buổi sáng đã nói, thông tin cần thiết của một công dân trong tương lai. Trước sau gì cũng phải làm và ai ai cũng thế. Câu nói hàm ý người dân bên ngoài cũng thế mà thôi.

Người cộng sản không nói dối. Thống nhất bắc nam đang từng bước thống nhất tất cả cách sinh hoạt của công dân mà ban đầu hết sức khác biệt. Dù trong trại cải tạo hay bên ngoài xã hội cũng như nhau. Ông Đường quả quyết như thế. Thái chụp hình xong lui về sau với anh Tấn và Tuệ đang ngồi rít thuốc lào trên hàng ghế sau cùng. Không ai thèm nói chuyện làm danh chỉ bản nữa. Cương ngồi ở dãy trước mặt đang nói chuyện đàn bà và Thạc ngồi cạnh đang chăm chú lắng nghe. Cương hứa sẽ giới thiệu em vợ cho Thạc tuần trước nên Thạc có vẻ tin tưởng. Thái thấy cùng một cô em vợ Cương đã giới thiệu đến ba người. Tấm hình chụp cô em ở bên Pháp mặc soọc đứng trước một chiếc xe thể thao màu đỏ thật hấp dẫn đối với mọi người chứ không riêng gì những anh chàng trại viên độc thân. Tấm hình của Cương gợi nhớ lại cả một thế giới đã mất.

Tuần trước Tánh cầm tấm hình nhìn ngang nhìn dọc thật lâu rồi thở dài bỏ về chỗ nằm. Tấm hình được chuyền cho mọi người như một cách giải trí. Cương nói:

—Cô em vợ của tôi đang sống bên Pháp, nó theo chủ nghĩa hiện sinh của Sagan nên rất phóng túng. Hôm tháng mười năm rồi nó về thăm nhà suốt cả tháng chỉ đi nhảy đầm và ăn nhậu. Không biết có phải chán cuộc vui thâu đêm suốt sáng hay không mà bây giờ qua thư của vợ tôi đòi giới thiệu cho một người độc thân có bằng cấp để có thể tính chuyện tương lai.

Thạc được Cương đồng ý chọn mặt gửi vàng sau khi hai người ăn chung một lon guigoz nấu hai gói mì tôm vụn với rau dền của Ba Cám hôm sinh nhật của Cương. Ba ngày sau, Thái thấy hai ứng cử viên nữa lọt vào mắt xanh của Cương. Thuần cùng ban nghiên cứu và Thanh cục tình báo quốc nội. Ba ứng cử viên thuận thảo lắm lấy việc tìm bạn bốn phương làm niềm vui trong những ngày tháng buồn thảm này. Họ thường nói với nhau, ai ra khỏi trại trước người ấy có cơ may chiếm được quả tim người đẹp. Ba người còn độc thân và vui tính khiến mọi người cùng nhà vui lây với họ. Thạc và Thanh cùng là quản ca nên thường hay giúp vui những buổi tối tẻ nhạt bằng những lời ca dí dỏm nhưng không kém biểu lộ tinh thần cách mạng để qua mắt cán bộ giáo dục trại.

Buổi tối đêm nay sao mà khí thế với tiếng hát hùng dũng của hơn một trăm người vang lên như buổi văn nghệ lửa trại sinh hoạt hướng đạo ngày xưa. Thái nhìn chung quanh anh. Ai ai cũng hi vọng. Niềm tin trở về gia đình là hạnh phúc thật sự cho những kẻ chiến bại lạc loài này. Đâu còn nữa những gì bi tráng ngày xưa. Ước mơ nhỏ nhoi là tổ ấm gia đình và đêm nay Thái có cái cảm giác bùi ngùi của một kẻ đang đi một mình trên con đường vạn dặm. Dù đa số trại viên thức khuya để nói chuyện, Thái đi nằm sớm và chìm ngay vào giấc ngủ nhọc mệt rã rời.

Hai ngày tiếp theo không hề có dấu hiệu gì mới ngoại trừ đọc báo và tập thể dục. Tập thể dục là món giải trí tương đối có ích và phù hợp với thực tế. Sau tập thể dục là lao động tự nguyện. Cuốc đất cho vạt rau muống hay luống khoai đỡ phải boăn khoăn vì những chuyện ngoài tầm tay. Ba Kiên xuống đưa thư và an ủi, cố gắng ngày đoàn tụ không xa đâu. Vẫn là những câu nói thuộc lòng máy móc. Trại viên im lặng coi như không việc gì xãy ra. Vài người theo yêu cầu ban lãnh đạo trại ra làm việc với cán bộ an ninh từ Sàigòn xuống. Lần này Dương không tránh khỏi. Thái lên thư viện mượn vài quyển sách để đọc lúc về tổ thấy Nghĩa Trần đang loay hoay đếm tiền. Thái nghĩ ngay đến việc bán chiếc đồng hồ omega của anh cho căn tin.

Thạc đi bán giùm vì Thái thấy mình không quen với việc mua bán hay mặc cả. Lúc Thạc về đưa cho Thái hai mươi tám ngàn đồng. Anh cầm tiền cùng Tuệ xuống căn tin mua thêm thức ăn. Buổi trưa lúc đang phơi mười lăm hủ chao ngoài nắng thì Dương đi làm việc ngoài chùa Siêu hình trở về. Dương chưa vội bước vào nhà và đến gần Thái nói nhỏ:

—Cậu lo xa như thế là phải. Cán bộ thành ủy nói với tôi rằng sắp có chính sách đối với chúng ta. Hắn không úp mỡ, sẽ kêu án và người nào ít tội lỗi cách mạng cứu xét cho về trước. Yếu tố lập công chuộc tội là hàng đầu. Nói trắng ra là khuyến khích làm ăn ten. Đừng hi vọng hão huyền như mấy lão già khối một.

Dương nói xong bước vào nhà. Thái nhìn theo thấy lòng chút ít buồn bã. Điều Dương nói hình như Thái đã chuẩn bị nghe từ lâu. Anh vào nhà và đi gặp Tuệ. Tuệ không ngạc nhiên khi nghe Thái nói, hắn cười và nói lại câu nói của Nietzsche «Chúng ta lúc nào cũng ở trong tư thế sắp ra đi.”

Hai người qua gian cuối gặp Kỳ và Tân. Bốn người ra đầu nhà uống trà buổi trưa. Thấy Kỳ và Tân trầm ngâm Thái nói:

—Có lẽ sau khi kêu án, chúng ta sẽ bị tách ra riêng.

—Dĩ nhiên, giai đoạn này chỉ tạm thời mà thôi. Ai mà tin được vào lũ cộng sản. Chúng nó nói một đường làm một nẻo.

Kỳ nói xong, Tân tiếp theo:

—Khi cá lọt vào lưới hết mới bắt đầu phân loại. Nếu biết tình trạng thế này chúng ta tìm đường xuống vùng bốn và vượt biển tốt hơn phải không?

Không phải giải pháp này chưa được đề nghị nhưng niềm hi vọng manh nha trong khi cái loa tuyên truyền của cộng sản trong giai đoạn giao thời làm ai ai cũng nghĩ rằng tất cả đều tốt đẹp một khi hòa bình và thống nhất đất nước trở lại.

Tuệ có bà con làm lớn trong Mặt Trận Giải Phóng miền Nam. Cô Sáu Thơ là thành ủy viên đến nhà khuyên Tuệ nên trình diện đi học tập cải tạo một thời gian ngắn sẽ trở về nhà. Khi hỏi thời gian ngắn ấy là bao lâu, cô Sáu không nói cụ thể chỉ ôn tồn bảo Tuệ ”Cháu phải tin tưởng vào cách mạng. Bây giờ thống nhất đất nước rồi, có lý do gì mà giam giữ người chế độ cũ lâu gây thêm hận thù và chia rẽ dân tộc.”

Lời cô Sáu nói được Tuệ nói lại với bạn bè và mọi người kết luận rằng lên đường đi học tập cải tạo là giải pháp tốt nhất. Bây giờ Thái nhớ lại những lập luận căn cứ vào lý do mà suy luận ra giải pháp thật là ấu trĩ. Niềm tin tưởng vào cách mạng khoan hồng xuất phát từ nỗi sợ hãi trong tiềm thức của những viên chức chế độ cũ và sự biện minh cho nỗi sợ hãi này lại ăn khớp vào sự ước đoán tâm lý của cộng sản. Quên quá khứ chỉ nghĩ đến tương lai không những là ước mơ của đám người có nợ máu với cộng sản mà còn là nổi khát khao của cả dân tộc.

Nhưng ước mơ và thực tế nào có đi đôi với nhau được. Cái bề dầy của quá khứ làm cuộc chiến thắng của người cộng sản vĩ đại hơn cũng như khiến họ cảm thấy quyền uy hơn là độ lượng đối với đám người chiến bại này. Lịch sử nào cũng được viết từng giai đoạn và được đánh giá khách quan qua đám người hậu duệ. Chúng ta đang đi từng bước trên quá trình chuyển đổi lịch sử của tổ quốc trăm năm. Hạn định một thế kỷ là trọn vẹn cho một đời người gắn liền với tổ quốc của họ. Điều này vừa phải cho bất kỳ ai có lòng đối với quốc gia dân tộc trong khi không phải có một số người tính toán tổ quốc dân tộc từng tháng từng ngày hay sao? Đối với họ đất nước chỉ là phương tiện để họ thực thi việc bán buôn mặc cả hay là mãnh đất để họ cấy trồng hạt giống ngoại lai phi nhân. Họ không những lừa bịp đồng bào mà còn dối trá với chính họ trong việc đem tổ quốc tiền nhân ra làm công cụ tuyên truyền. Con đường họ đi được viết bằng máu và nước mắt của anh em ruột thịt. Công lao của họ đâu nặng bằng tội lỗi mà họ đã làm dù họ cũng phải gian khổ để đạt được mục đích.

Tổ quốc của người cộng sản không phải trăm năm mà nghìn năm như họ hằng ngày vẫn nói trên đài phát thanh, báo chí. Tham vọng biến họ thành con buôn tổ quốc và thành đạt họ có được là sự độc quyền sở hữu ý niệm yêu nước trong đó tổ quốc được họ trưng bày hằng ngày như món hàng mua bán đổi chác. Thái buồn bực nói với các bạn:

—Chúng ta một sớm một chiều thành kẻ bán nước. Hãy để tổ quốc trăm năm phán xét chúng ta.

—Dĩ nhiên. Không ai có quyền nhân danh lịch sử và tổ quốc để kết án trong cuộc chiến tranh huynh đệ. Điều chúng ta mong đợi không xãy ra trong khi đó sự thật vẫn là sự khó khăn chồng chất trước mắt. Phải chăng bất kỳ chế độ chính trị nào chúng ta cũng sống với ảo tưởng cả!

Nghe Tân bi quan phát biểu, Tuệ trấn an:

—Phải chờ thêm thời gian nữa xem sao?

Thái hiểu câu nói của Tuệ. Chờ hay không chờ cũng thế thôi. Tổ quốc của anh và bạn bè là trăm năm tổ quốc chứ nào một ngày một buổi nhưng tuổi trẻ của anh và họ mới là điều đáng nói. Thế hệ của anh đã đi qua một phần tư thế kỷ như thế đấy. Buồn bã và vô ích. Bây giờ anh và họ đang đếm thời gian và chờ cái không đáng để chờ.
(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao