TUỔI TRẺ CÔ ĐƠN

*Viết cho tuổi trẻ của tôi
 
 
 

Chương Một

Hảo thức giấc lúc bốn giờ rưỡi sáng. Giấc ngủ chỉ hơn bốn tiếng đồng hồ làm mắt anh cay cay, đầu váng nhưng anh vẫn không thể ngủ lại được. Các câu chuyện rôm rã với bạn bè đêm qua còn lắng trong hồn anh như những trang nhật ký mùa hè năm cũ. Hảo ngồi dậy nhìn sang chiếc giường cá nhân bên cạnh thấy Hùng đang ngủ say. Nhìn đồng hồ còn hơn ba giờ nữa mới ra phi trường, Hảo chợt thèm ly café nóng của quán Dinh Điền và anh nhẹ nhàng bước ra khỏi giường đến đầu nhà mở cửa. Khu gia binh quân cụ bên cạnh tòa hòa giải rộng quyền im lặng trong bóng đêm tháng tám năm 1968 nhìn ra khu chợ mới.

Ánh điện khu chợ mới Pleiku mờ mờ trong sương gợi nhớ một khung cảnh nào đó dường xa xôi lắm. Anh vào nhà lấy máy ảnh và bấm một lúc hơn năm tấm. Hảo không muốn mất những thực tại sẽ chóng vánh thành kỷ niệm khi vài giờ nữa anh rời thành phố cao nguyên này để đến một không gian khác với nhiều hứa hẹn cho tương lai tuổi trẻ hơn. Hảo lại nhớ đêm thứ bảy tuần trước ngủ tại căn nhà thuê của thầy Jim Bigelow gần tòa án mới. Tiếng các thầy trong buổi tiệc tiễn đưa vị thầy giáo người Mỹ này về nước tuy vui nhưng không che dấu những lưu luyến xúc động khi gợi lại kỷ niệm với ông ta suốt năm năm dạy Anh văn tại trường trung học công lập Pleiku. Hảo như còn nghe tiếng chép miệng của thầy Đàm với thầy Trung trên giường trước khi đi vào giấc ngủ, “không biết thằng Jim khi trở về Mỹ còn nhớ chúng ta hay không?”

Ừ, tất cả những âm thanh và hình ảnh ấy sẽ theo thời gian mà phai nhòa! Đêm làm báo xuân Mậu Thân Hùng viết: “Có một thời chúng ta vui vẻ….” Thực ra khi viết những dòng ấy Hùng trĩu buồn và Hảo cũng thế. Anh thường hình dung mình và đám bạn bè là lũ trẻ đang chơi đùa, rượt đuổi nhau trên một bãi mìn mênh mông. Không gian tuy rộng lớn nhưng rủi ro lúc nào cũng bám sát từng người và ai ai cũng sẵn sàng ra đi. Có kẻ đi rồi trở về nhưng cũng có kẻ ra đi mãi mãi. Những dấu chân trên cánh đồng mênh mông ấy hằn sâu trong lòng Hảo cũng như bạn bè anh bao vết thương không bao giờ lành nổi. Tuổi trẻ thời chiến tranh làm thế nào thực sự có hạnh phúc khi mà chia lìa luôn luôn đến trước những ước mơ!

Vài tiếng đại bác xa xa vẵng lại. Hảo cố xua đi những nhàm chán tiêu cực của thực tế và anh ráng nhớ một đôi mắt long lanh nào đó. Có rất nhiều đôi mắt ngây thơ long lanh chung quanh Hảo, cô học trò người Huế hát hay cùng lớp, cô gái bắc cùng tên, người con gái Bạc liêu da ngăm đen nhưng duyên dáng nhờ anh vẽ khung cảnh buổi hoàng hôn trên núi với lần bịn rịn chia tay trước lớp học mùa hè năm trước... Nghĩ về họ Hảo thấy lòng mình gợn nhẹ một niềm vui nhưng cô đơn hơn với chút tiếc nuối lặng lẽ như tia nắng cuối ngày lấp lánh trước khi chui vào lòng đất. Hảo vào nhà đánh thức Hùng dậy đi uống café trước khi lên đường. Lúc lấy khăn đi rửa mặt Hảo thấy trong ngăn đựng vật dụng cá nhân chiếc va li mà chị anh sắp xếp hôm trước có quyển Aimez-vous Brahm? của F. Sagan, Hảo lấy bút nguyên tử viết lên góc trái trang đầu tiên: Ngày 2-08-1968 xa PK.

***
Sau gần một giờ bay, chiếc C130 hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Suốt thời gian trên máy bay thầy Jim Bigelow ngủ trong khi Hảo và Hùng ngồi nói chuyện. Hùng nhắc những ngày Tết vừa qua và mối tình đầu của mình với cô bạn gái cùng lớp mang tên một dòng sông lịch sử miền Trung. Thật thơ mộng, Hảo thầm nghĩ như thế rồi anh tự hỏi, không biết mối tình đầu của mình như thế nào? Anh thật sự không biết nếu có một mối tình đầu tiên với ai đó, nó sẽ xãy ra như thế nào? Dù anh đọc rất nhiều sách, tiểu thuyết ca ngợi mối tình đầu tiên của người thanh niên trên trái đất này, anh vẫn không hình dung ra được bối cảnh lãng mạn chủ quan với chính mình?

Hảo và Hùng xách va li theo thầy Jim vào trung tâm thanh niên chí nguyện tại ngã tư Bảy Hiền. Sàigòn tháng tám nóng lắm. Đường phố bụi bặm, ồn ào nhộn nhịp và quang cảnh tấp nập ấy làm Hảo có cảm giác từ một rừng núi tĩnh lặng lạnh lẽo anh bị ném vào một lò lữa tràn ngập âm thanh gào thét. Thầy Jim nhận chìa khóa rồi đi đến dãy nhà thứ nhất mở cửa căn đầu tiên, thầy nói:

- Chúng ta tạm ở đây, phòng này có hai chiếc giường. Các em ngủ trên chiếc giường thứ hai. Sau khi rữa mặt làm vệ sinh, chúng ta đi ăn cơm.
- Có lẽ tụi em sẽ về Bàn cờ chiều nay, nếu có thể thứ bảy này tụi em đi ăn cơm trưa với thầy lần cuối cùng.

Nghe Hùng nói, thầy Jim cười:

- Dĩ nhiên vì thầy còn bảy ngày ở Việt nam, các em hãy đi tắm rữa rồi đi ăn.

Sau khi làm vệ sinh ba người đi bộ ra trước trung tâm sang bên kia đường và vào một tiệm cơm bình dân. Không khí Sài gòn oi bức, ngồi dưới chiếc quạt trần quay vù vù mà Hảo không thấy mát mẻ chút nào. Anh thoáng nhớ cái hanh lạnh buổi trưa trong nhà của mùa hè Pleiku và lòng cảm thấy mất mát một quãng kỷ niệm ngắn ngủi mơ hồ. Hùng đang nói chuyện với thầy Jim về món ăn Việt nam mà nó gọi nhưng thầy Jim không xa lạ gì với dĩa cơm sườn heo với tô súp bắp cải. Sau khi ăn xong, uống ly trà đá ba người trở về phòng. Trong lúc thầy Jim ngủ, Hảo và Hùng ra hành lang nói chuyện. Vẫn những thắc mắc về những ngày sắp đến cùng chổ ở để tiếp tục học ở Sài gòn. Hùng nói với Hảo:

- Có thể tao đi chơi vài tuần chứ chưa chắc đến đây học. Cha mẹ tao không đủ tiền để trang trải cho tao trọ học vài năm ở Sài gòn.

Hảo hiểu hoàn cảnh và tâm trạng của bạn nhưng anh an ủi:
- Mày thử nói với chú Mãn xem sao? May ra chú thiếm có thể giúp được phần nào chi phí vì mày ở chính trong nhà chú thiếm của mình mà?

Chú Mãn là em thứ ba của ba Hùng. Chú dạy học tại trường kỹ thuật Cao thắng và hai vợ chồng chú đang sống tại Bàn cờ, nơi mà Hùng và Hảo sẽ đến chiều nay.

- Không được vì chính chú Mãn cũng đang ở trong nhà của mẹ vợ. Tao không muốn làm chú thấy khó xử. Lần này vào là để thăm chú vì đã hơn mười năm chưa gặp chú theo yêu cầu của ba mẹ tao.

Hùng nhẹ nhàng giải thích và nói thêm:

- Tuy nhiên mùa hè này đi chơi thỏa thích. Biết đâu năm tới tao hay mày vào lính và chúng ta it khi có dịp gặp nhau. Sau đó có thể chết vì chiến trận. Bao bạn bè của mình đã ra đi và cũng không phải có đứa chết, đứa thương tật hay sao!

Hùng miêu tả một viễn ảnh không mấy sáng sủa, điều này cũng không xa lạ gì với Hảo và đám thanh niên thế hệ của anh. Còn một năm nữa hoàn tất trung học nhưng học hành ngày hôm nay với Hảo không phải những thách đố của tuổi học trò mà mang đậm nét vẻ đối phó định mệnh. Học để hoãn dịch và ráng học để được tiếp tục hoãn dịch. Quãng đời học sinh hôm nay là cuộc leo núi không ngơi nghỉ. Chậm chân hoặc bỏ cuộc đồng nghĩa chọn một ngõ cụt có thể hủy diệt chính mình. Cuộc chiến tranh hung tàn kia không hề mang một ý nghĩa chân chính trung thực nào cho thế hệ thanh niên hôm nay. Lòng yêu nước chỉ có thể bắt đầu từ bước chân đầu tiên bước vào quân trường sau khi chọn cho mình một lý tưởng phát sinh từ nghịch cảnh. Hảo nghĩ như thế và anh đi ra phía trước nhà thẩn thờ nhìn quang cảnh chung quanh.

Người xe qua lại như mắc cửi. Một cô gái áo dài trắng đi xe gắn máy vụt qua. Hình như cuối dãy phố là trường học. Có rất nhiều tà áo trắng đi về hướng ấy. Hùng đứng cạnh đang hát nho nhỏ một bài nhạc Y Vân phổ thơ Kim Tuấn. Bản nhạc này hôm cuối niên học Hùng và Hảo hợp ca trong đêm lửa trại. Nhớ những bài thơ năm chữ của Kim Tuấn, Hảo bâng khuâng. Trạng thái này từng bừng dậy trong hồn Hảo những ngày mới lớn. Mười lăm tuổi, Hảo đắm chìm trong nhạc và thơ. Anh không làm thơ hay viết lên những cung bậc diễn tả trạng thái tâm hồn mình nhưng tự đáy lòng anh bao giờ cũng có sự thương cảm trong cái tịch mịch đáng sợ tâm hồn. Nỗi cô đơn dường như mỗi ngày một đậm nét theo tuổi trưởng thành và lớn dần cùng nỗi điêu linh đất nước. Thế hệ Hảo bước đi trên những gập ghềnh nhọc nhằn lịch sử này và tùy cá nhân mỗi người, thân phận mình và lịch sử luôn có một khoảng cách. Thông thường con người và lịch sử có cùng một định mệnh nhưng sao Hảo lúc nào cũng thấy bơ vơ trong cái mịt mùng phía trước và khủng hoảng khi nhìn lại lối mòn mình đã đi qua. Quan sát bạn bè chung quanh Hảo khám phá dù cùng đứng trên một mãnh đất quê hương nhưng mỗi người đi mỗi nẻo. Không có sự thống nhất trong suy nghĩ vì thực tại đã xé nát những ước mơ cũng như đánh mất niềm tin ban đầu.

Hùng ngồi hút thuốc nhìn xa xăm như cố tìm đâu đó một niềm vui. Hùng cười. Hảo cười theo dù không hiểu tại sao mình cười. Hùng nheo mắt hỏi:

- Mày có yêu ai bao giờ hay chưa?
- Nếu yêu là thích thì yêu rất nhiều, còn yêu không có nghĩa là thích hình như chưa có!

Hảo trả lời, Hùng lặng im và cũng khá ngạc nhiên khi nghe bạn trả lời như thế. Lãng mạn cở Hảo mà chưa bao giờ yêu ai kể cũng thật hiếm hoi. Thấy bạn trầm ngâm, Hảo nói:

- Thực ra theo tao giữa thích và yêu khoảng cách không xa. Chỉ có điều mình vẫn còn lang thang trên khỏang cách ấy. Biết đâu được khoảng cách một ngày biến mất và mình chỉ có yêu đương. Lúc ấy tha hồ mà làm thơ…

Hùng phì cười hỏi:

- Mày thích ai cho tao biết đi. Dù là bạn thân tao chưa bao giờ nghe mày nói về một người con gái?

Hảo lắc đầu nói:

- Tao không biết nhưng đôi mắt của Tiên, giọng hát của Chi hay cái mũi của Bình… chưa có một khuôn mặt nào hoàn chỉnh cả…

Anh kể tên những cô gái cùng lớp, cùng ban của trường và cũng khá nổi tiếng vì dáng vẻ. Hảo thấy mình phải giải thích thêm cho Hùng hiểu:

- Tao thích vẽ tranh, người con gái thực sự hoàn hảo rất hiếm hoi. Có lẽ hiện giờ trong tâm hồn mình, người con gái tao yêu chỉ là hình tượng nghệ thuật. Còn tình yêu phải chờ tiếng sét ái tình?
- Có thể, hi vọng mày sớm có người yêu.

Hảo bâng khuâng nhin vạt nắng hắt vào phòng qua ngã cửa sổ. Nắng chiều thủ đô là đây. Những bản nhạc nói về vẻ hoang vắng trong cái ồn ào thành phố. Nỗi cô đơn của người lính chiến trong nhạc Trúc Phương, niềm hạnh phúc bất chợt là những chủ đề đối nghịch mâu thuẫn như không gian tĩnh tại cao nguyên và nỗi buồn phố thị Sài gòn. Thực tại thật bi đát. Hảo nghĩ vẫn vơ, có một nỗi buồn mình muốn vượt qua nhưng không vượt được vì nỗi buồn ấy phải chăng là nổi buồn đất nước? Đất nước này bao giờ cũng buồn, bơ vơ và nhòe nước mắt chia ly. Suốt những năm tháng miền cao Hảo là chứng nhân bao chia lìa của chính bạn bè và người thân. Thời gian và con người lại lặng lẽ đi qua để lại những vết chân chim trên mặt đất khô bỏng một thời nhòe máu anh em… và nhạc Trịnh công Sơn ra đời như những lời kinh cầu thời đại.

Chiều Hùng và Hảo đón xe tắc xi về Bàn cờ. Thầy Jim đưa hai đứa học trò của mình tận lề đường và hẹn thứ bảy ăn trưa tại một nhà hàng ở phố Lê Lợi. Hảo nhìn thầy Jim nhỏ dần ở cuối phố rồi nói với Hùng, “Thầy Jim trẻ quá! Lắm khi tao có cảm giác thầy như chúng mình. Không biết thầy bao nhiêu tuổi nhỉ?” Hùng trả lời, “thầy là thanh niên chí nguyện Mỹ sang Việt nam dạy học lúc 20 tuổi, năm nay thầy mới hai mươi lăm.”

***
Nhà chú Mãn không to lớn như Hảo tưởng tượng. Nằm trong con hẻm nhỏ đường Cao Thắng sau chùa Kỳ Viên ba tầng chật hẹp như gói thuốc lá. Tầng ba thụt sâu vỏn vẹn như một cái gác nhỏ dù đúc bằng xi măng. Hai vợ chông chú Mãn ở trên cái gác ấy và hôm Hùng và Hảo đến chú thím cho nằm trong cái phòng ấy cách vợ chồng chú một tấm ri đô. Thật là kiếp học trò ở trọ. Hảo thầm nghĩ sau khi khép nép ngồi xuống cái giuờng ọp ẹp của hai đứa trong khi Hùng oang oang khoe rằng Hảo sẽ vẽ tranh và triển lãm sau khi có chổ ở nhất định. Hảo xấu hổ muốn chui ngay xuống gầm giường dù đã đá vào chân Hùng nhiều lần.

- Cháu chỉ muốn vào trường cao đẳng mỹ thuật mà thôi. Hùng nói quá, cháu đã vẽ được bức tranh nào đâu mà triển lãm, chưa kể liệu mình có đủ sức vào trường hay không?

Hảo lúng túng nói với chú Mãn, vốn là giáo sư Việt văn trường kỷ thuật Cao thắng. Chú Mãn khuôn mặt hiền lành, nói nặng giọng Huế:

- Hai đứa cứ sắp xếp chổ ngủ tạm, việc ăn ở bàn tính sau. Chú còn phải nói chuyện với bà cụ.

Bà cụ mà chú nói là mẹ của thiếm Mãn. Bà trắng trèo, phương phi hồng hào mang nét phúc hậu của người đàn bà miền Nam. Bà có bốn người con: hai trai hai gái. Người con trai cả là sĩ quan thiết giáp đã chết trong trận chiến Mậu thân và người vợ để ba đứa con ở lại với bà nội rồi sang Cao miên làm ăn. Người con gái thứ nhì là vợ chú Mãn và cô con gái thứ ba là kịch sĩ Túy Hồng vợ của nhạc sĩ Lam Phương còn người con trai út có vợ đang ở chung nhà với bà.

Cái nhà ba tầng chật hẹp này chứa vừa già vừa trẻ tám người tiếp nhận thêm Hảo và Hùng vừa đủ chục. Đi lên đi xuống cầu thang Hảo phải thật khéo léo để không phải va chạm người hoặc bàn ghế trong nhà. Buổi trưa trời nóng mọi người dồn về hết tầng hai nằm ngổn ngang la liệt để hưởng chút mát mẻ. Những tháng về sau Hảo bỏ thói quen rụt rè mà tham gia vào đội ngủ trốn nóng buổi trưa ấy không thiếu buổi nào.

Chiều xuống khu phố nhỏ Bàn cờ. Hảo và Hùng ngồi trên gác lầu hai nhìn xuống con hẻm nhỏ quan sát người qua lại. Mượn cây đàn của chú út, Hùng đàn và Hảo hát nho nhỏ. Bản nhạc Đường Chiều của Hồng Duyệt làm Hảo nhớ Pleiku da diết. Thời gian này đang trong mùa hè nên Hảo và Hùng còn lang thang trong thành phố. Sàigòn cái gì cũng mới, cũng lạ đối với hai gã thanh niên tỉnh lẻ. Những con đường sao mà dài và lúc nào cũng đầy người. Xe cộ, người đi như trẫy hội. Con người cũng nhiều màu sắc đối với Hảo. Nét mặt thị thành có khác với con người tỉnh lẽ. Sự lanh lợi, nhanh nhẹn và bặt thiệp của thế hệ thanh niên thủ đô. Nét quyến rũ riêng biệt trên từng cô nữ sinh thành phố là bức tranh muôn màu muôn vẻ của chốn phồn hoa đô hội này.

Hảo và Hùng bước xuống taxi ngay góc đường Hồng thập Tự và Nguyễn thiện Thuật đi về phía tiệm bán dụng cụ âm nhạc Trường Thành để mua một cây đàn guitar thì cơn mưa rào ập xuống. Hai đứa chạy vội vào hiên của góc phố thì một cô gái nhỏ nhắn mặc váy trắng, tóc ngắn đang cố vội đưa chiếc xe cady vào tránh mưa. Hảo lùi sâu và sững sờ khi nhìn sâu đôi mắt cô bé chỉ chừng mười lăm tuổi trước mặt. Mái tóc ướt đôi mắt hồn nhiên long lanh nhìn Hảo như mỉm cười. Từ đôi mắt biết cười ấy Hảo thấy lại hết một thời thơ dại và trưởng thành của mình trên dòng sông quê mẹ Nha trang, đồi thông mùa hè và những cơn mưa phùn tháng chạp rét mướt trên con phố lầy lội đất đỏ Pleiku.

Sao đắm đuối mắt hồn nhiên tiền kiếp.
Mộng hoang đường thơ dại tuổi mười lăm


Hảo viết trong nhật ký ngày thứ tám ở Sài gòn. Nếu gặp nhau lần nữa là yêu. Tình yêu sao mạnh mẽ hồn nhiên như thế! Tâm hồn mình có còn là tia nắng sáng rụt rè trên đồi thông Pleiku hay không nhỉ? Viết vài dòng vụng dại Hảo một mình thả bộ ra đường Phan đình Phùng thì bất chợt thấy Tùng chạy xe vào đường Bàn cờ về hướng Phan thanh Giản.

Ba ngày sau qua Cường, môt người bạn cũ đang nội trú trường Don Bosco Thủ Đức, Hảo liên lạc được với Tùng mới biết nhà nó ở góc đường Cao Thắng và Phan thanh Giản. Chỉ cách chổ ở của Hảo và Hùng một khu phố. Hai đứa đi bộ theo đường Bàn cờ là có thể sang nhà Tùng. Trước khi đến Phan thanh Giản, Hảo đi ngang qua một quán café lề đường rất đông thanh niên ngồi uống và nghe nhạc. Tình ca Trịnh công Sơn dìu dặt khiến Hảo nhớ đến quán café Dinh Điền Pleiku, quán Bình Minh đường Bàn cờ từ đấy là một trong những địa chỉ của tuổi trẻ Hảo tại Sài gòn.

Quán Bình Minh chật hẹp chỉ vừa bốn cái bàn thấp trong nhà và bốn cái ngoài hiên. Cà phê sánh đặc, thơm phức ngon không kém cà phê Dinh Điền Pleiku. Khách trong quán hầu như sinh viên và học sinh. Lũ bò hoang bơ vơ. Hảo vẫn thường ví von đám người trẻ trầm ngâm trước tách cà phê phin đen sánh, nghe nhạc Trịnh công Sơn nhưng đầu óc thì lang thang đâu đó trên đất nước điêu linh này như thế. Không bơ vơ sao được khi mà thái độ sống biểu hiện nhân sinh quan thời chiến phản ánh rõ rệt trên dòng âm thanh ma quái cào cấu tận tâm khảm từng người thanh niên thế kia. Tuổi trẻ Sài gòn hóa đá trong những quán cà phê và thân phận là lũ bò hoang tìm mãi quê nhà nhưng không bao giờ gặp để rồi chết đói khát trên bước đường lang thang của mình.

Những lúc rãnh rổi Hảo, Hùng, Tùng thường đến quán Bình Minh uống café nghe nhạc cũng từ đó về sau có bạn bè mới lại rũ nhau đến quán Bình Minh. Gia đình Tùng từ Pleiku về Sàigòn được một năm và Tùng vẫn còn lưu luyến những ngày Pleiku ngày trước. Nó thường nhắc những buổi chiều mưa mùa hè hai đứa ra sân vân động vừa tắm mưa vừa đá banh làm Hảo bâng khuâng. Nhà Tùng là một căn phố bốn tầng cao nhất góc phố. Bố Tùng về Saigòn không còn kinh doanh thuốc tây mà xuất nhập cảng xe gắn máy. Tùng đi chiếc xe honda đời mới nhất và đầy vẻ công tử con nhà giàu. Mỗi chiều Tùng thường sơmi trắng bỏ trong quần, giầy da bóng chạy xe đến nhà chú Mãn gọi Hảo đi uống café hoặc ra đầu hẻm uống sinh tố Ngọc Lan.

Xe sinh tố Ngọc Lan của một gia đình công chức ở góc bên phải trong ngã tư đường Bàn cờ và hẻm 51. Nhà này có hai cô con gái Ngọc Lan và Thu Cúc là học sinh đệ nhị và đệ tamTrương Vương. Cô chị tầm thước dáng vẻ nghiêm trang còn cô em người dong dỏng cao có nụ cười mĩm hay phụ mẹ xay sinh tố bán. Tùng thích Thu Cúc và không dấu diếm sự say mê của mình. Có những hôm trời tối mịt Hảo đi công việc về thấy Tùng còn ngồi lặng lẽ uống nước chanh trong khi Thu Cúc ngồi ôn bài dưới bóng đèn neon sáu tấc của xe sinh tố. Hảo để ý không thấy hai người nói với nhau lời nào. Hùng thường lắc đầu bảo, không hiểu tại sao Tùng có thể ưa thích một cô gái cao hơn nó gần một cái đầu?

Chiều thứ bảy Hảo thuê taxi đến nhà anh Tám trong cư xá Kiến thiết trên đường Trương minh Giảng để gặp chị anh từ Pleiku xuống ở tạm đó vài ngày mua hàng cho gia đình. Lúc gặp chị Châu, Hảo nghe chị kể chuyện gia đình. Chị căn dặn không cần lo tiền bạc và phải ráng thi vào cao đẳng Mỹ thuật. Nếu vào được thì học cho đến khi ra trường. Một họa sĩ vào lính sẽ đi ngành Chiến tranh Chính trị mà không phải ra chiến trường. Và anh Phách, bạn chị sẽ lo cho việc thi vào trường. Hảo biết chị Châu lo cho mình như lo cho thế hệ thanh niên từng diễn tả trong những bài thơ của chị.

Nhà anh Tám chật hẹp không kém nhà chú Mãn. Hảo có cảm giác thành phố Sài gòn dù hoa lệ vẫn chật hẹp tù túng với những con người làm việc ngày đêm kiểu anh chị Tám để mưu sinh. Trên tầng lầu hai ba người đàn bà quần quật đơm những cánh hoa trên những chiếc nơ cài đầu. Góc phòng chiếc máy hát cũ kỹ đang hát nhạc bản Còn tuổi nào cho em của Trịnh công Sơn. Thấy Hảo chăm chú lắng nghe, anh Tám ôn tồn nói. “Anh tâm đắc câu tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ” . Hảo nhìn mái tóc bạc của anh như đồng cảm với câu nói lòng lại có chút bùi ngùi khi nhớ một khoảng không gian hui hút tuổi trẻ bỏ lại trên cao nguyên. Lúc ấy Hảo tự hỏi sao mình không yêu ai trên vùng đất kỷ niệm ấy nhỉ?

Hảo nhớ đến Chi, cô bạn học cùng lớp hát hay như ca sĩ chuyên nghiệp. Chi đẹp dịu dàng, giọng Huế ngọt ngào như chim hót. Nhìn và nghe Chi hát trong những đêm văn nghệ trường, Hảo tưởng như mình được bọc trong một chiếc kén rực rỡ âm thanh hạnh phúc. Giọng hát của Chi ngày ấy là lời tự tình tuổi trẻ, là mơ ước thiên đường trong cái địa ngục thời chiến tranh. Hảo say mê, ngưỡng mộ Chi từ con người cho đến giọng hát như thứ hào quang lộng lẫy, thứ mật ngọt làm dịu nỗi cô đơn khắc nghiệt tâm hồn. Dẫu gần hay xa, đam mê hay ưa thích Hảo không nghĩ mình yêu Chi như những bạn bè cùng trường. Hảo biết mình nhút nhát nhưng thái độ rụt rè của anh không hề làm mất đi tình cảm nồng nhiệt anh dành cho Chi. Khác với Hảo, Hùng thân mật với Chi và tự nhiên như người cùng phái tính và Hùng thường nói với Hảo rằng sự hòa đồng có thể làm Hảo dạn dĩ hơn trong giao tiếp với những cô gái cùng trường. Những lần nghe Hùng nói, Hảo cười như thừa nhận sự yếu kém của mình. Hảo dừng suy nghĩ, nhìn chăm chú chiếc nơ hình đóa hoa lan trắng trên tay anh Tám chợt ao ước chiếc nơ này được cài trên mái tóc dài óng ả của Chi.

Chiều xuống bên ngoài cửa sổ lầu hai, Hảo ngắm những mái ngói rong rêu, mái tôn đen xạm vì mưa nắng của một vạt thành phố. Nắng còn hắt những vệt vàng ươm dưới tàng giây điện và đám quần áo sặc sỡ phất phơ trên giây phơi trong gió chiều. Tâm hồn Hảo tự dưng trống rỗng hoang vu. Anh ngờ mình lạc loài tận đâu đó. Những đoạn đời ngắn ngủi, gãy đổ và cô lập như những mãng màu trong bức tranh trừu tựơng làm quay quắt tâm hồn.

Hảo quay xuống lầu một để ăn cơm. Mọi người ngồi vào chiếc bàn tròn. Thắng và Tạo, hai người em của của anh Tám từ trung tâm huấn luyện Quang trung về nhà đang nói chuyện về tình hình quân sự ngoại ô Sàigòn. Thắng nói:

- Sắp sửa có lệnh đôn quân, tình hình chiến sự càng ngày càng gia tăng. Mười tám tuổi phải đi lính trừ những trường hợp đặc biệt. Trung tâm huấn luyện Quang Trung ngày càng mở rộng để có đủ sức chứa thêm quân.

Anh Tám thở dài không nói. Dù gì nhà có ba anh em, anh Tám giải ngũ vì bị thương chân trái, hai em còn lại cũng đã vào lính. Không biết tương lai như thế nào đối với hai người em. Thắng tương đối yên ổn vì đang phục vụ cho trung tâm huấn luyện Quang Trung, chỉ có Tạo mới đáng lo. Tạo đang được huấn luyện ở trại huấn luyện biệt kích Long Bình. Hoàn cảnh Tạo đặc biệt hơn, đang là huấn luyện viên nhu đạo Quang Trung, Tạo tình nguyện đi lính biệt kích. Anh Tám hỏi lý do Tạo không trả lời. Cuộc sống hiện tại của Tạo không thiếu thốn và có điều kiện hoãn dịch. Có những lý do riêng mà Tạo không nói ra nhưng với anh Tám, Tạo làm cho gia đình phiền muộn lo lắng.

Sau bữa cơm, Hảo ra hàng hiên nói chuyện với Tạo. Anh hỏi thăm về đạo đường nhu đạo Quang Trung của Thượng tọa Thích Tâm Giác. Tạo vui tính, cỡi mở nói chuyện rôm rã về một thời đi học như muốn giới thiệu với Hảo sinh họat học đường Sài gòn. Khi biết Hảo thích nhu đạo, Tạo bảo:

- Cậu phải lo học cho xong tú tài, khi nào thật rảnh mới có thể ghi tên đi học nhu đạo. Thực ra cũng là một cách tập thể dục cho những kẻ thích tự vệ. Còn muốn có một thắt lưng đen như anh ít ra phải học ròng rã bốn năm.

Hảo thở dài nhớ đến những buổi tối tập té và vật nhau trên nệm tập Bạch đằng của trưởng Tôn thất Hy thời kỳ tham gia phong trào hướng đạo tại Pleiku. Cái sàn tập của ty thanh niên trên đồi cao những buổi tối cúp điện chỉ nghe gió hú ngoài khung cửa thật rùng rợn. Tiếng vật té huỳnh huỵch và những ngọn đuốc dầu thông lùng bùng trong những đêm thi lên đai như một họat cảnh thời xa xăm nào đó.

Hảo hút thuốc lá nhìn ra cửa sổ nghe Tạo nói về cuộc sống thanh niên học sinh Sài gòn. Có chút lạ lẫm, chút lãng mạn và chút sống sượng của một nơi bị chi phối giữa chiến tranh và hòa bình, giữa niềm tin và bơ vơ, giữa giận dữ và bình thản… Hảo nghĩ tất cả phản ánh tậm trạng hiện tại của Tạo. Tuy nhiên với Hảo, Tạo phần nào là một thanh niên thời đại. Có cá tính chứ không hề mất định hướng như đa số thanh niên mà Hảo gặp, anh còn chút ngưỡng mộ sự can đảm của Tạo dù rằng với tính ngang tàng ấy nó không giúp giải quyết chút nào nổi bế tắt tận phần sâu kín tâm hồn của thế hệ thanh niên. Có thể nó đốt cháy thêm đống lửa để khơi chút ánh sáng trong khi bóng đen cứ bủa vây chung quanh lăm le đàn áp nổi hi vọng từ những thanh củi lẻ loi ấy.

Hảo và Tạo ngồi hút thuốc lá dưới một tàng ngọc lan trong một quán café kiểu biệt thư sau lưng trường nữ trung học Gia Long. Ly café đá như giải tỏa cơn nóng tháng tám và tiếng hát Lệ Thu làm mát một khoảng không gian tù túng trong tâm hồn Hảo. Tạo uống trà lipton chanh đường và nói về người tình của mình đang học trường Lê bảo Tịnh.

- Nếu không có Khanh những buổi chiều cuối tuần về phép sẽ vô nghĩa xiết bao! Đời lính chỉ có thể trọn vẹn khi có đủ ba yếu tố : tình yêu, lòng tự trọng và sự hi sinh.

Nghe Tạo nói Hảo thông cảm tuy nhiên anh không hiểu lòng tự trọng ý nghĩa thế nào trong đời lính chiến. Đốt thuốc, anh lơ đãng nhìn lên bầu trời đầy sao. Không gian bao la nơi nào cũng thế. Cũng làm ta phiền muộn, cô đơn. Hảo nghe hồn mình bơ vơ lẫn cảm giác nhàm chán vì tuổi trẻ như cành mai mới nhú những nụ đã phải nở hoa vì gốc bị thui cháy bởi bão lữa chiến tranh. Hoa phải nở sớm để rồi tàn lụi mau hơn vì không có chọn lựa nào khác! Không ai muốn chết trong cuộc đời thường nhưng sao những mãnh đời này điêu tàn nhanh chóng như thế? Hảo từng đêm lắng nghe hồn mình chết dần mòn trong bóng đêm tịch mịch của một đời sống mà chính anh nửa muốn hòa mình vào nữa muốn trốn chạy.
(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao