Khoảnh Khắc Vĩnh Viễn

 
 
 

1.
Khoảnh khắc cái tôi giả định của Kundera nhìn thấy người phụ nữ sáu mươi tuổi bên bể bơi, vẫy tay và cười nụ cười của cô gái hai mươi tuổi đầy duyên dáng và mỹ lệ với chàng huấn luyện viên trai trẻ, phải chăng cũng chính là khoảnh khắc sự bất tử chợt lóe mong manh và tràn đầy đau đớn.

Trong góc khuất sâu kín ảm đạm của cõi người, thời gian không hề trôi để hôm nay tôi không là Kundera cũng bỗng nhiên nhìn thấy thật rõ một chàng trai hai mươi tuổi đang “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”. Cái dáng đứng ngẩn có dung lượng ba mươi năm cuộc đời. Chàng trai đứng nguyên chỗ không hề biết, hay không muốn biết áo tiểu thư đã xa khuất, hút mất, mù biệt từ lâu lắm rồi. Bên này dòng sông đời, mê mải chàng trai vô vọng ngồi soi bóng. Bên kia dòng sông đời, áo tiểu thư ngậm ngùi ghi nhớ buổi chia tay. Người ta vẫn mãi đứng ngẩn nhìn, vẫn mãi đi lướt qua nhau để rồi quay quắt nhớ tìm bóng ảnh. Và nếu bóng ảnh tượng trưng cho mãi mãi, cho vĩnh cửu, cho bất tử thì thất lạc mới chính là cội nguồn của hạnh phúc chăng?

Nhưng sao lại chỉ có thể nhớ tìm bóng ảnh mà không thể nhớ tìm con người? Nhưng sao lại phải uống chén thất lạc thì mới vọng tồn mãi mãi? Và như thế thì có thể tính một lần là xong không nhỉ? Chắc chắn là không rồi.

Người sẽ lại lầm lủi đi trên độc đạo của chính mình, ngẩn ngơ, nhớ tiếc nhìn bao nhiêu nước cứ thế lặng lờ trôi.

(tháng 4)

2.
Mênh Mang Phù Vân

Ngọn lửa mới leo lét làm sao! Bao nhiêu cố gắng vẫn không thể cháy bùng lên một lần. Giống như ngày tháng của tàn thu bây giờ. Câm nín trôi lặng lẽ, vậy mà chớp mắt đáng sợ. Mới hôm qua đây còn rộn ràng sắc xuân. Còn bâng khuâng rạo rực đón chờ trong tàn phai bóng dáng thanh tân kỷ niệm ngỡ sẽ quay về. Giấc mơ xa xôi khôn khuây ám ảnh là minh chứng tàn nhẫn về sự mất đi vĩnh viễn, không bao giờ có nữa cái gọi là tuổi trẻ trong mỗi một đời người.

Đâu đó trong thành phố này, đâu đó trên trái đất này, độ rày người bạn thường thả lên trước tấm màn hình vô tri những con chữ não nuột như tiếng kêu khàn lạc tuyệt vọng của chú chim sâu ngoài sân tôi vẫn hằng nghe mỗi sáng. Người ta phải bước những bước cùng quẫn lắm mới đủ can đảm tự phơi trải bản thân trước đám đông thân quen nhưng xa lạ(!), cố với tìm một tiếng nói tri âm bất khả. Ước muốn được sẻ chia, được an ủi rồi ra cũng chỉ là hành động rọi đèn qua gương. Bên trong khung gương kia không thấy ai, chỉ thấy chiếc bóng lẻ loi ưu uất xô lệch của chính mình. Tôi thương bạn đến tím tái hồn xác nhưng cũng đành vô vọng đứng nhìn. Bất lực. Như chúng tôi đã bất lực dửng dưng đi qua đời nhau, gần hết một kiếp người.

Bạn ơi, sao bạn không thể lớn hơn cái tuổi mười chín ngắn ngủi một lần từng đến và đã ra đi từ rất lâu rồi?

Lẽ nào suốt cuộc sống này bạn cứ mải mê đắm đuối hình ảnh người anh trai tài hoa khuất mù tàn lụi ở phương trời xa? Và căn phòng nhỏ im bên hội quán trống trải với những khuôn mặt ai đó khắc ghi đã trở thành những vết hằn ám không thể xóa lấp? Lẽ nào chỉ chừng ấy là tất cả cuộc đời của bạn để khi mất đi thì cũng là lúc bạn đã không còn có thể tiếp tục bước tới?

Mưa đã bắt đầu ngày càng nhiều hơn trong những buổi chiều tháng Sáu. Tháng Sáu trời mưa. Biết bao nhiêu người đã không còn được nhìn thấy và nghe tiếng mưa cuồng nộ, rả rích của Sài Gòn tháng Sáu. Tôi nhìn mưa. Trong cơn mưa nhớ da diết mưa Sài Gòn, như nhớ giùm ai một vùng đất trời giờ chỉ còn là ký ức dần dà phai nhạt, lạ xa. Tiếng mưa như tiếng rung của những thanh âm hòa nhịp nở bùng đau đớn. Tôi vừa nghe ngân vang đâu đó một hòa khúc tuyệt vời lời của tâm hồn. Bạn tôi cũng nghĩ vậy và lại đắm chìm trong giấc mơ hoang huyễn, một liệu pháp tích cực thúc đẩy bạn cố gắng bước nốt qua con dốc mù đang cận kề trước mặt. Không biết có lầm lẫn không nhưng mơ thì có bao giờ là thật đâu nhỉ? Vả chăng, nếu có thì cũng chẳng hề gì so với biết bao những lầm lẫn đã từng trải nghiệm.

(tháng 6)

 
 

Nguyễn Kim Anh