Truyện Rất Ngắn

Cổ Tích Hai Không Mười...

Gửi chị, T.
 
 
 

Nàng quyết định vượt Đại Tây Dương tìm gặp ông. Hơn mười tám giờ bay mệt mỏi, cuối cùng nàng cũng đứng trước mặt ông. Sân bay Washington Dulles mênh mông sao nàng nhận ra ngay khuôn mặt hiền hậu của ông bồn chồn đứng bên sảnh đợi. Nàng chưa bao giờ trông thấy ông ngoại trừ qua cái webcam nhập nhòe. Hai năm email, điện thoại, tán gẫu trên mạng…; chỉ vậy thôi mà trái tim khô hạn, hoang hoải của nàng bỗng hồi sinh ngập đầy sức trẻ.

Họ dịu dàng ôm lấy nhau. Khuôn mặt nàng kề sát vào khuôn mặt ông đủ để trông thấy những đốm đồi mồi, những nếp nhăn sâu và mái tóc đã không còn mấy màu đen của ông nữa. Nàng chảy nước mắt. Trong mờ nhòe, nàng thấy hai dòng lấp lánh tuôn ra từ đôi mắt xô lệch kia. Thoang thoảng nàng nghe, mừng em đã đến, em thương yêu!

Năm ấy, nàng, sáu mươi tuổi, một mình băng qua mười tám ngàn km đường chim bay tìm đến với tình yêu. Nàng bảo lần đầu tiên trong đời nàng mới biết thế nào là một tình yêu sâu lắng và vô cùng dịu ngọt như thế.


Mật Đắng

 
 

Mười bảy tuổi, Lam bỏ học lên xe hoa theo chồng về Dung Quất. Một năm sau, nàng cũng rời bỏ cái thị xã nhỏ buồn hiu miền Trung vào Sài Gòn học đại học.

Năm hai mươi tuổi, đang học năm thứ hai thì bất ngờ nàng nhận thư Lam. Thư viết: Nhỏ ơi, hâm rồi, kiếm anh mô mà cưới đi, con gái học chi nhiều, hâm đi hâm lại rồi phải đổ bỏ đó nghe. Ta từ ngày “bỏ cuộc chơi” đi theo chàng, ba năm mật ngọt, tình yêu chàng trao vẫn ngọt ngào đầy ắp. Giờ ta đã là bà mẹ của hai con trai bụ bẫm, nhỏ nghe có thấy thèm không. Thèm thì nhanh chóng có chồng đi.

Rồi cơn bão thời cuộc đến cuốn phăng, cắt đứt sợi dây liên lạc mong manh giữa nàng và Lam. Nghe đâu Lam đã rời thị trấn có dải bờ biển đẹp tuyệt ấy cùng gia đình vào định cư ở một vùng đất mới Nam Trung Bộ BT. Nghe thì nghe vậy, nhưng nàng không thể bỏ một chút thời gian đi tìm Lam. Quay cuồng với công việc, quay cuồng với đời sống, với gia đình…

Thời gian cứ trôi, thỉnh thoảng nàng nhớ đến Lam, không biết cô bạn có nét đẹp liêu trai và giọng hát rất hay ấy giờ ra sao. Một đêm, cũng hơn hai mươi năm sau ngày họ chia tay, nàng mơ một giấc mơ rất lạ, nàng thấy Lam ở một mình trong một căn phòng chật hẹp tối tăm, buồn thảm và lặng lẽ, không có ai bên cạnh. Nàng hỏi chồng và các con Lam đâu rồi. Không thấy Lam trả lời, chỉ thấy đôi mắt buồn vời vợi ngước nhìn nàng. Giấc mơ ám ảnh nàng nhiều năm. Nàng vẫn tự hỏi, Lam giờ ra sao, nhưng vẫn không thể đi tìm cô bạn thân thời trung học mà nàng đã từng rất thương.

Một ngày, bất ngờ nàng nhận điện thoại của một người bạn cũ, người con trai bạn học ngày xưa, giờ đã là một người đàn ông luống tuổi. Sau những câu chào, hỏi thăm nhau, anh báo với nàng Lam đã mất nhiều năm rồi. Nghe đâu Lam đã tự kết liễu cuộc đời mình. Không rõ lý do, hình như là vì tình yêu. Anh bạn nói thêm, vì Lam là người Công Giáo, nên cái chết ấy đã không được họ đạo công nhận, gia đình đã phải chôn Lam ở một rìa đất bên ngoài. Lam không được an nghỉ trong đất Thánh, nghĩa trang của nhà thờ.

Xót xa lắm Lam à,
Mật ngọt là thế, sao Lam phải tự hủy cuộc đời của mình bỏ hết mà ra đi khi thanh xuân chưa tàn?


Thân Cò

 
 

Cuối năm sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa. Ba tuần mệt nhoài, cuối cùng cũng xong. Tàn dư của việc sơn sửa dọn dẹp là một đống xà bần trộn rác ú hụ. Mớ xà bần cộng rác đã được cho vào từng bao nhỏ cột lại cẩn thận nhưng xe rác vẫn từ chối nhận dù tôi đã đề nghị trả một số tiền khá hậu. Ðang nghĩ cách tống nhanh đống rác xà bần đi để còn lau rửa sân thì một cô mua ve chai gõ cửa gọi bằng chất giọng miền quê Hà Tây rặt của diễn viên hài Hiệp Gà, đề nghị được dọn đống xà bần với một giá hợp lý.
Ðó là một người phụ nữ trẻ, khoảng tầm trên dưới ba mươi, vóc vạc gầy nhỏ lam lũ. Cô cẩn thận khuân từng bao chất lên chiếc xe đạp cũ kỹ và đạp đi. Không biết người phụ nữ ấy đem chúng đổ ở đâu. Cô đạp lui đạp tới khoảng năm sáu chuyến gì đó thì xong công việc. Mồ hôi nhễ nhại, cô hỏi mua báo cũ. Một đống báo gần trăm ký được chị Tồ và các em đến chơi hì hục khiêng xuống phòng khách. Tôi rót cho cô một ly trà đá. Cũng như nhiều phụ nữ miền ngoài, Thủy, tên người phụ nữ trẻ khá rậm lời. Cô kể về bản thân, gia đình, chồng con. Giọng Hà Tây không pha của cô làm tôi nghe câu được câu không, nhưng đại khái cũng biết cô có chồng, một con. Chồng đi lính, đóng quân ở xa, cô ở nhà tranh thủ Nam tiến làm thêm để nuôi con và tích cóp cho tương lai. Cô khoe, do Hà Tây được tiến thẳng lên thủ đô, đất có giá, cô xén bớt mảnh vườn, bán đi một ít và năm rồi đã xây được một căn nhà đúc tấm rưởi. Tôi bảo, có nhà lầu giàu thế còn đi làm xa chi cực khổ vậy. Cô cười, bảo chồng lính, không tranh thủ đi làm lấy tiền đâu mà sống, cực mấy cũng cố gắng làm để có tiền cho con ăn học, lại còn lo cho cha mẹ già hai bên nữa…
Khi Thủy về tôi gom cho cô một bọc quần áo cũ. Cô mừng, nói sao hôm nay may mắn quá. Thủy hỏi tôi nếu cần dọn dẹp nhà cửa cô sẽ đến làm. Tôi hỏi làm sao để liên lạc với cô, Thủy đọc cho tôi một số điện thoại…
Nhìn Thủy oằn người trên chiếc xe đạp nát với đống báo cũ lặc lè, tôi không khỏi ái ngại cảm thương. Chợt nhớ đến những dòng thơ của Tế Xương năm xưa “lặn lội thân cò khi quãng vắng/ eo sèo mặt nước buổi đò đông/ một duyên hai nợ âu đành phận/ năm nắng mười mưa dám quản công” (Thương Vợ). Và tôi biết, chung quanh tôi vẫn còn nhiều, rất nhiều những thân cò lặn lội ngày đêm một lòng vì chồng vì con bên cạnh những se sua so đo ích kỷ của chốn phố thị phồn hoa nhộn nhịp và hỗn tạp này.


Thu Hát

 
 

Đi loanh quanh gần hết một vòng đời, anh trở lại phố cũ. Phố cũ giờ đã đổi tên, cũng như anh giờ không còn là một chàng trai dễ thương, hiền dịu, tinh tế hiếm thấy mà đã trở thành một người đàn ông có tuổi buồn rầu, cau có, thô nhám.

Nàng thương đến bần thần người đàn ông buồn rầu cau có thô nhám có tuổi kia. Những hệ lụy ác nghiệt nào đã làm biến đổi một con người đến như thế, nàng chịu không thể hiểu.

Có thể nào sự dịu dàng của nàng sẽ khiến trái tim cằn khô chai lạnh kia trở lại mượt mềm ấm nóng chăng?
Nàng, người đàn bà mãi triền miên trong giấc huyễn du. Một hôm chợt tỉnh, nàng biết đã mất thanh xuân nên sự dịu dàng bỗng trở thành vô nghĩa.


Bào Ảnh

 
 

Anh không thể kết hôn với bất cứ ai. Căn bệnh khiến anh không thể làm một người đàn ông bình thường là làm chồng và làm cha. Anh xin lỗi em. Em hãy quên anh đi.
Cô khóc tức tưởi, bảo với anh cô sẵn sàng chấp nhận tất cả để chỉ được có anh. Anh cũng khóc, nhưng nói rằng anh không thể ích kỷ để cuộc đời cô phải bất hạnh vì anh.
Họ nuốt nước mắt lìa nhau.

Một năm sau cô lấy chồng.
Đơn giản là để bước ra khỏi căn nhà chật hẹp tù túng không có tiếng cười hạnh phúc mà cô đã được sinh ra và sống hai mươi ba năm ở đó. Cô bỏ lại năm đứa em ngơ ngác và người mẹ héo hon cùng người cha cáu bẳn để về một căn nhà xa lạ khác, bất chấp căn nhà mới ấy có khá hơn hay không.
Đơn giản là để quên. Cô nghĩ, biết bao người trên thế gian này đã không kết hôn được với người mình yêu mà vẫn sống vui vẻ, yên ấm đó thôi.
Một năm sau ngày cô lấy chồng, anh cưới vợ. Cô vợ nhỏ hơn anh mười tuổi, du học về, là con gái rượu của sếp anh. Một năm sau nữa, khi cô còn đang tối tăm mặt mũi lao theo cuộc mưu sinh nên con cái nhà cửa vẫn còn là kế hoạch của năm năm mơ hồ xa lắc nào đó, thì anh đã là cha của một cậu bé năm tháng tuổi, sống trong một căn hộ sang trọng và thăng tiến rất nhanh trên đường quan lộc.

Lấy chồng đơn giản là để quên nhưng quên thì không đơn giản. Hình bóng anh vẫn ngập ngụa trong trái tim hoang liêu thảm đạm của cô từng ngày, từng tháng, từng năm… Cô không hề biết gì về anh từ cái ngày sinh ly ấy cho đến một chiều kia. Buổi chiều có cơn mưa lất phất trải những tấm lụa mềm mát bay qua thành phố. Cô lái chiếc Future cà tàng chậm rãi ngang một con phố, lơ đãng nhìn lên vệ đường, trước cửa một nhà hàng sang trọng, bất chợt cô nhìn thấy anh cùng vợ và các con đang nắm tay nhau bước ra. Trông anh thật mãn nguyện. Hình như anh đã đẫy ra. Người vợ thật xinh và trẻ. Bỗng nhiên cô thấy lao đao và mơ hồ nghe có những tiếng hét: ôi, làm sao mà chiếc xe bus lại lao vào cô ấy thế kia; ôi, không biết có sống nổi không, gọi cấp cứu ngay…

 
 

Nguyễn Kim Anh

(Những ngày mưa hai không mười ba)