Bình Rượu Quỷ


Chương 2:

Kẻ Si Tình

 
 
 

Hai ngày trước đó khi xuống bến đò huyện Thiên Tường, Lưu Bằng đến nghỉ ngơi tại nhà trọ của Trần Bá Cương, một người buôn thịt trâu bò lậu từ trung du cung cấp cho các đồn binh và mua muối đem lên vùng cao buôn bán. Chiều hôm đó chàng qua nhà tú tài Phan khắc Tứ trao đổi dăm ba câu chuyện văn chương và Phật pháp vì Tứ rất sùng đạo Phật.

Khắc Tứ lúc đó đang tiếp một người khách lạ, thấy Lưu Bằng bước vào thì nhanh nhẩu chạy ra mời vào cùng đàm đạo. Khi mọi người yên vị, người khách lạ còn trẻ nhưng trang nghiêm trong bộ y phục trông giống một đạo sĩ, xin được tiếp tục câu chuyện dở dang. Khách lạ nói:

 – Tôi có cảm tưởng Phật giáo không giải quyết rốt ráo cái ác và cái khổ do cái ác gây ra. Vì khi dùng câu “Vạn pháp giai không” nhà Phật chỉ muốn biến sự khổ và sự ác thành hư không. Vả lại nhà Phật còn đặt nặng sự khổ hơn sự ác. Và vì tất cả đều là ảo giác cho nên cần phải tỉnh mộng. Về một phương diện nào đó nhà Phật không giải quyết vấn đề sự ác vì thật ra theo nhà Phật không có vấn đề. Do đó nhà Phật cũng không giải quyết vấn đề sự khổ vì con người chỉ mắc bệnh tưởng, nên ngày nào con người chưa tỉnh ngộ thì cái khổ vẫn còn và con người còn phải triền miên trong cảnh luân hồi sinh tử. Tôn huynh thử nghĩ mà xem, cái khổ của lê dân là do cái ác độc của chiến tranh, của sự tranh giành Trịnh Nguyễn với bao cảnh máu chảy xương rơi đâu thể nói là một trò ảo hóa được. Cũng không thể lấy cái ‘không không’ mà giải quyết được.”

Tú tài Phan Khắc Tứ làm thinh không nói, vì khó mà bác bẻ lập luận đó. Lưu Bằng dù không hiểu rõ câu chuyện luận bàn Phật pháp ấy, nhưng trong lòng, chàng vẫn cho rằng khách lạ có lý.

Thấy ngồi lâu không lãnh hội được gì, cũng không có ý kiến nào khác nên Lưu Bằng xin cáo lui. Ra đến cổng, Khắc Tứ hẹn với chàng tối hôm đó đến nhà Bùi Phụng Thiên uống rượu. Lưu Bằng mỉm cười, hứa sẽ đến đúng hẹn. Phụng Thiên, một người trong nhóm bạn ở huyện này làm nghề bốc vác kiêm tài công lái thuyền chở hàng cho các thương gia trong huyện. Nhà Phụng Thiên luôn là điểm hẹn của họ để đánh chén. Một lý do rất đơn giản là Phụng Thiên có một cô em gái biết làm món nhắm và cũng dễ sai vặt. Cô này tên Bùi Thanh Hạc, bán than và củi ở bến đò.

Chiều tối lúc mặt trăng vừa xuất hiện, bốn người bạn tri âm đã có mặt : Lưu Bằng, Khắc Tứ, Bá Cương và Phụng Thiên. Cuộc chè chén rất hào hứng: nhiều món ngon trong đó có cả thịt chó nấu rượu mận, câu chuyện lại giòn giả, đủ mọi đề tài từ chuyện Trịnh Nguyễn phân tranh đến chuyện ni cô mất lược, trong đó Khắc Tứ uyên bác nhất còn Phụng Thiên ít học nhất. Mỗi ngày anh chàng này còn nhờ bạn bè chỉ vẽ ít chữ thánh hiền để học thêm. Đến khuya, Lưu Bằng lại theo Bá Cương về nhà trọ của Cương để ngủ.

Sáng hôm sau chàng đến nhà ca kỷ Tiên Hương hẹn cuộc đi chơi đêm trăng, ăn cơm trưa với nàng xong chàng chạy đến nơi cờ bạc. Trần Bá Cương đã đến đó trước chàng. Nhìn qua nét mặt bạn, Lưu Bằng biết Bá Cương đang ăn bạc. Chàng mừng khấp khởi vì đó là tín hiệu tốt lành. Lưu Bằng ở lại đánh bạc đến chiều tối mới rời chiếu để đi đón Tiên Hương ở cổng sau lầu Ngân Bích.



Dưới ánh trăng mờ ảo, chàng đã đứng ở cổng sau sốt ruột chờ nàng từ đầu giờ hợi đến đầu giờ tý nàng mới xong buổi diễn. Tiên Hương có một nhan sắc hiếm thấy, đặc biệt đôi mắt nàng xa xăm và buồn man mác như một buổi hoàng hôn lãng đãng sương mù. Nàng lại có tài ngâm vịnh hát ca. Trước kia Tiên Hưong là một tiểu thư vùng Kinh Bắc con gái Phạm Đề Đốc trong quân đội của chúa Trịnh. Trong trận đánh giữa quân Trịnh Căn và quân chúa Nguyễn ở lũy Động Hải, ông và nhiều tướng lãnh khác bị phục binh của Nguyễn Hữu Dật, một danh tướng của chúa Nguyễn đánh cho tan tác. Nhiều binh tướng bị giết chết, Phạm đề đốc bị thương và theo báo cáo gởi về chúa Trịnh, ông bị bắt làm tù binh sau đó bị lưu đày vào đất Bình Định. Ít năm sau mẹ nàng cũng qua đời. Lý ma ma thương tình cảnh mồ côi lại có tài ca hát nên gọi nàng đến lầu xanh làm ca kỹ. Ôi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Nhất là trong buổi thời thế nhiễu nhương loạn lạc. Một năm sau, nghề ca hát càng thêm điêu luyện, nhưng không biết vì lý do gì nàng trẩy xuống phương Nam, dừng lại ở huyện này.

Tài sắc của nàng làm Lưu Bằng say đắm, ngay lần đầu tiên cùng Bá Cương và Phụng Thiên đến lầu xanh nghe hát ca trù. Đêm hôm ấy khi hai người kia đã say khướt ra về, chàng còn một mình lân la trong đêm tối trước cổng lầu xanh để được làm quen với nàng ca kỹ. Ba đêm liền chàng mặc áo tơi đứng dưới mưa, rồi lẽo đẽo theo nàng về đến nhà trọ, dùng những lời khéo léo để tỏ mối tình si. Sau đó lại tiếp tục đứng dưới mưa đêm bên ngoài nhà trọ, đến gần sáng chàng mới bỏ về. Đêm thứ tư nàng mới chịu cho kẻ ái mộ nàng vào nhà để trách móc sự quấy rầy của chàng và hỏi qua một vài câu chuyện. Từ đó họ coi nhau như bạn và tiến đến tình yêu. Xa nàng chàng cảm thấy nhớ nhung và rất khổ sở nên cứ một vài tuần trăng chàng tìm cách đến cùng nàng bỏ cả việc học. Gặp khi không thể đến được lòng dạ chàng rối bời, bất an. Đến nay họ đã quen nhau trên nửa năm rồi với biết bao kỷ niệm.

Dưới mặt trăng rằm đã lên cao lơ lửng trên không như một cái đĩa bạc, xung quanh ánh trăng lan toả một màu lụa mới, Lưu Bằng đưa Tiên Hương về nhà theo con đường đi dọc bờ sông Mạ một đoạn. Thấy nàng có vẻ mệt mỏi sau buổi diễn, Lưu Bằng đề nghị đến bờ sông ngồi nghỉ một lúc. Mặt sông mờ sương ngậm ánh trăng vàng lênh đênh một con thuyền nhỏ. Lưu Bằng nhận ra ngay đó là con thuyền mà tuần trăng trước chàng đã thuê của ông lái đò già để cùng nàng đi chơi trên sông trăng và tận hưởng lạc thú tình yêu giữa cảnh nước trời huyền ảo. Riêng nàng, nàng mơ màng nhớ đến một mùa trăng đã xa, khi phó tướng của cha nàng là Nguyễn Long về dưỡng quân ở nhà nàng. Trai tài gái sắc gặp nhau, tình yêu như sét đánh, nàng đã cùng Nguyễn Long nhiều đêm hẹn hò đính ước. Năm ngày trước khi cha nàng và Nguyễn Long trở lại chiến trường, nàng đã hiến thân cho Nguyễn Long dưới mái tây hiên một đêm trăng sáng. Năm ấy nàng mới mười bảy tuổi. Sau trận đánh với quân chúa Nguyễn ở lũy Động Hải, không ai biết Nguyễn phó tướng ra sao. Bây giờ ngồi cạnh dòng sông với Lưu Bằng cũng một đêm trăng sáng, nàng thấy cuộc đời nàng biến chuyển quá nhanh làm nàng chóng mặt. Nàng nói một câu bâng quơ, “Ánh trăng luôn làm em xao xuyến.” Rồi nàng nghiêng đầu tựa vào vai chàng âu yếm. Sau đó hai người đến chợ đêm ăn canh bún và chè trôi nước rồi về nhà trọ. Họ bước vào nhà trọ khi trăng đã lên giữa bầu trời.

Về đến nhà trọ, Tiên Hương cứ để nguyên quần áo lúc đi hát vào giường ngay. Nàng cần một giấc ngủ sau những giờ giúp vui ở thanh lâu. Trời tháng giêng se lạnh. Lưu Bằng tìm một ly trà ấm trong bình tích rồi cũng vào giường. Tiên Hương đã ngủ, hơi thở nhẹ và đều. Chàng muốn ôm nàng vào lòng nhưng lại thôi, sợ làm nàng không yên giấc. Chàng nhìn lên trần nhà nơi mấy con thằn lằn đuổi nhau, lòng miên man nghĩ ngợi. Hai người quen nhau đã lâu, sống như vợ chồng nhưng Tiên Hương đối với chàng luôn là một ẩn số. Tại sao nàng bỏ Kinh Bắc để về đây? Có hỏi nàng chỉ cộc lốc đáp , “Vì ở đây em có người anh họ hứa tìm phương kế cho em sinh sống để không phải làm ca kỹ nữa”. Lưu Bằng đã gặp người anh họ mấy lần ở phố và họ chỉ chào nhau lấy lệ, không hỏi han được gì. Hai anh em nàng trao đổi nhau một vài câu chuyện riêng rồi đi. Đôi mắt hắn láu liên, hành tung thì bí mật. Có lúc hắn còn quay lại như chế giễu chàng. Điều lạ lùng và khó chịu nhất đối với chàng là lúc nào nàng cũng cần tiền. Lưu Bằng thắc mắc về việc này vì trong nhà trọ nàng không có đồ vật gì là đáng giá. Lúc đầu nàng nói phải giúp anh họ nàng trả nợ. Sau nàng lại nói nàng góp vốn mua bán gì đó. Đôi lúc nàng nói nàng không đòi được nợ khách hàng nhưng phải trả nợ bên chủ hàng. Nếu hỏi thêm thì nàng xẵng giọng đáp, “Anh đừng hỏi thêm gì nữa, em đã rất lo lắng về mấy việc lôi thôi ấy rồi.” Sau đó nàng dịu giọng nói tiếp, “Em yêu anh nhiều không đủ cho anh sao?” Lưu Bằng rất muốn tin điều đó nên chàng phải đau khổ. Càng đau khổ thì lòng si mê Tiên Hương của chàng càng mãnh liệt, lấn át lý trí và lương tâm chàng. Để đáp ứng đòi hỏi của nàng, Lưu Bằng lao vào cuộc đỏ đen và phá tán tài sản mà cha chàng để lại. Mấy lần, chàng yêu cầu quản gia Vũ Bính bán đi những đám ruộng tốt nhất. Mỗi lần như thế chàng và ông cãi nhau, nhưng sau đó ông cũng làm theo như phải tuân phục một mệnh lệnh thiêng liêng mà phú ông Lưu Hiển, chủ ông đã trối lại. Hiện nay gia sản họ Lưu chỉ còn lại căn nhà, đất thổ cư có phần mộ của ông bà Lưu và khu vườn nhỏ chăn nuôi. Riêng khoản này thì Vũ Bính rất cương quyết. Cái lý lẽ sau cùng để làm Lưu Bằng không cãi được là phú ông Lưu Hiển đã cho ông phần tài sản ấy để sớm hôm hương khói cho hai ông bà. Vả lại Vũ Bính cũng đáng được hưởng vì suốt bốn mươi năm gia đình ông đã phục vụ cho nhà họ Lưu không quản lao nhọc. Khi vợ ông mất để lại cho ông một đứa con gái tên Thu Đán mới mười hai tuổi. Ông không tục huyền, tự mình nuôi con đến khi Thu Đán lớn lên và cô đương nhiên trở thành gia nhân của nhà họ Lưu. Thiết tưởng nếu Lưu Hiển cho ông và con gái chút tài sản kế thừa thì không có gì là quá đáng.

Lưu Bình bất chợt ngồi dậy, chàng lặng lẽ ngắm nhìn Tiên Hương trong giấc ngủ say. Hai hàng mi cong khép lại trên đôi mắt lá răm luôn phảng phất một nỗi buồn vời vợi, cánh mũi phập phồng dười sống mũi cao thanh tú, đôi môi hồng thư giản nhưng không bớt gợi cảm. Nàng trả lại mọi ưu phiền ban ngày cho bóng tối. Chỉ có sự sống nhẹ nhàng chuyển động trong thân xác nàng mà dưới mắt chàng là sự phối hợp hài hòa của những đường cong hấp dẫn. Đôi tay nàng chắp lại dưới đôi gò nhũ đầy đặn xinh xắn, hai chân nàng duỗi thẳng. Chính giây phút này đây, khi sự tỉnh thức với những góc tối như mê cung rời bỏ thân xác ấy, những góc tối mà chàng không bao giờ hiểu được, chàng mới thật sự sở hữu và làm chủ thân nàng trọn vẹn. Chàng thở dài với ý nghĩ đó, nằm lại và một lúc sau chàng cũng đi vào giấc ngủ.

Bỗng một âm thanh thổn thức làm chàng giật mình tỉnh dậy. Tiên Hương đang ngồi cuối giường khóc tỉ tê. Ánh trăng tà chiếu chếch vào phòng qua khung cửa sổ mà nàng đã mở ra tạo thành một vệt sáng bóng trên đầu, mặt nàng úp vào đôi bàn tay thanh mảnh. Thỉnh thoảng nàng vẫn hay khóc một mình như thế khi nghĩ về gia thế suy vi và thương nhớ người cha đi đày ở phương nam mù mịt. Lưu Bằng trỗi dậy và hỏi, “Em làm sao thế… Cứ buồn tủi mãi làm sao sống được.” Nàng nức nở, “Em buồn đến chết được!” Chàng nói, “Có anh san sẻ với em, em không vui lên được sao ?…” Rồi Lưu Bằng dịu dàng an ủi người yêu. Khi Tiên Hương đã nguôi ngoai, Lưu Bằng đỡ vai cho nàng nằm xuống giường, Lưu Bằng nằm kế bên, quàng tay qua cái eo nhỏ nhắn của nàng. Họ tiếp tục trò chuyện thì thầm. Căn phòng đã trở nên huyền hoặc bởi ánh trăng từ cửa sổ tạo thành một khoảng sáng ở chỗ hai người đang nằm. Nhớ đến câu nói tối nay của nàng, “Ánh trăng luôn làm em xao xuyến!” Lưu Bằng ngồi dậy lặng lẽ cởi dãi thắt lưng của nàng, chàng cuộn tròn y phục của nàng ném vào góc tối. Nàng phô bày tấm thân cẩm thạch trắng dưới trăng như đêm hôm nào trong con thuyền lững lờ trên sông Mạ. Một tay chàng đặt vào vùng gò giữa háng, một tay chàng cởi bâu áo của mình. Nàng cảm thấy một cơn rúng động. Nàng ôm lấy cổ chàng kéo chàng vào ánh trăng . Sau đó chàng len hai chân chàng vào giữa hai chân thon dài của nàng, trong lúc nàng vuốt ve lưng chàng và lấy đôi chân quặp chặt trên người chàng. Nàng tê dại tưởng mình sắp tan chảy trong ánh trăng. Phải chăng là ánh trăng năm cũ dưới mái tây hiên? Còn gì là đáng kể với nàng khi Lưu Bình như con sóng dồn dập đập vào vách đá bờ biển. Rồi cả hai bắt đầu thở dồn dập rồi cùng rên rỉ với tiếng côn trùng trong đêm khuya. Lúc hai người rời nhau, Tiên Hương mau chóng tìm lại giấc ngủ, đầu nàng kê trên tay chàng. Nhìn lên trần nhà, lúc này không còn những con thạch sùng đuổi nhau, có lẽ chúng cũng đang âu yếm nơi nào đó. Một nỗi sầu muộn lại len lén đến với chàng: những ngóc ngách tối tăm của tâm hồn nàng vẫn ở ngoài tầm với của chàng.



Sáng hôm sau như đã hẹn trước, Lưu Bằng đi với tú tài Phan Khắc Tứ đến nhà ông Quản Huấn để chơi trò thả thơ cùng mấy văn nhân trong vùng. Nghe nói ông Huấn có gọi một ả đào dến giúp vui lúc chủ và khách thả thơ. Trò thả thơ là một thú vui tao nhã, gồm nhà cái và những khách thơ. Bao giờ ông Huấn cũng làm nhà cái bởi ông có sẵn một cái túi gấm trong đựng hàng trăm câu thơ viết trên giấy tầu bạch rọc thành từng mảnh dài bằng chiếc đủa và ngang to bằng hai ngón tay. Trên mỗi tờ giấy, ông viết bằng chữ thảo một câu thơ lấy trong thơ Đường hay thơ Tống, ngũ ngôn hoặc thất ngôn, nhưng viết thiếu một chữ trong câu để đánh dố. Ở chỗ chữ thiếu, ông khoanh một vòng tròn. Khi nhà cái đọc đến chỗ đó thì xướng là “vòng”. Cuối mảnh giấy ghi lại bốn năm chữ dùng để điền vào chỗ khoanh vòng. Trong những chữ ấy chỉ có một chữ đúng với nguyên bản, khách nào chọn ra chữ đúng sẽ thắng, cứ một tiền ăn ba tiền. Ví dụ như câu thơ của Lý Bạch: Đê đầu (vòng) cố hương có những chữ để chọn là niệm, hoài, tư, ức đều là tình cảm nhớ nhung nghĩ ngợi, nhưng chữ đúng là “tư”.Thế nhưng có những câu khó hơn vì khó đoán được cách dùng từ kỳ diệu của nhà thơ. Ví dụ như câu thơ của Từ Dạ trong bài “Toạ Phóng Hạc Đình”: (vòng) thượng, mai khai, xuân hựu lão, với những chữ đề xuất là tái, sơn, đình, mộ, Văn – Văn là tên con sông. Ít ai ngờ nổi là Từ Dạ dùng chữ mộ có nghia là ngôi mộ: Trên mộ hoa nở, xuân lại già thêm. Thật là tuyệt.

Đến gần nhà ông Huấn, Khắc Tứ đưa cho Lưu Bằng ít đồng tiền kẽm. Vừa bước vào cổng nhà họ được báo tin ả đào bị bệnh không tới được. Tuy nhiên mọi người vẫn vào cuộc. Được chừng bảy, tám câu thơ, cử Nhiên kêu, “Chán quá, không có ả đào ngâm nga mất cả thi hứng, nghỉ thôi hôm nào lại gặp.” Theo thông lệ cứ sau bốn năm lần thả thơ thì ả đào sẽ ca trù một bài trong đó có một câu thơ vừa thả. Vả lại ngoài túi đựng những câu thơ để thả, ông Huấn còn có một chồng các bài thơ soạn sẵn và ghi số cho dễ tìm. Ông Huấn nói, “Đã bảo rồi cô Nụ bị ốm không đến được.” Một ông tú khác nói đùa, “Ốm thật hay ốm nghén đấy, ốm nghén thì mất cả thi vị!” Ông Huấn đáp, “Bảo đảm là ốm thật!” Ông cử Nhiên liền bắt ngay, “Ông giỏi thật, việc đó của cô Nụ mà ông cũng bảo đảm được.” Ông Huấn bất ngờ bởi câu nói ấy thì Khắc Tứ đỡ lời luôn, “Ấy, ông Huấn chỉ muốn nói câu nhà nho thường nói, ‘Vũ trụ giai ngô phận sự ‘( Việc trong vũ trụ là phận sự của tôi). Sao các ông cứ làm khó ông Huấn.” Mọi người đều cười to, đắc ý. Ông Huấn liền nói, “Thôi quyết định thế này nhé, hôm nay tới đây là nghỉ chừng dăm hôm cô nụ hết bệnh, tôi sẽ gọi lại các ông.” Mọi người đều đồng ý và vui vẻ ra về.

Khắc Tứ theo cử Nhiên về nhà để thưởng thức hương trà mà ông cử mới mua của một khách trú. Lưu Bằng muốn quay về nhà Tiên Hương, nhưng thấy còn sớm chàng thong thả đi đến chỗ em gái Bùi Phụng Thiên bán than và củi cho khách đi đò. Từ chỗ cầu ván khách đi đò dùng để lên xuống đò, đi ngược lên độ năm mươi bước chân thì đến. Lúc đó Thanh Hạc đang cân hàng cho một bà mua than nên khi Lưu Bằng đến gần tới sau lưng, Thanh Hạc mới thấy chàng. Cô mừng rỡ đón tiếp người bạn của anh mình. Cô lấy một cái giỏ cói mới lót trên một bục cao để Lưu Bằng ngồi, còn cô ngồi dưới đất trên một ghế thấp.

Cô hỏi Lưu Bằng: “Anh đi đâu về mà ghé chỗ em?”

Lưu Bằng kể lại việc chàng và Khắc Tứ đến nhà ông Quản Huấn để thả thơ. Bỗng có tiếng gọi của chị bán chè rong, “Cô Hạc ơi, ăn chè đi, hôm nay có chè kê ngon lắm!” Cô nói với Lưu Bằng, “Em mời anh ăn chè nhé,” rồi cô nói với chị bán chè, “Chị cho hai chén đi.” Chị bán chè bưng đến hai chén. Khi Lưu Bằng ăn thìa đầu tiên, mùi kê cùng chất ngọt thanh của đường bất chợt làm hiện về một quá khứ xa xưa. Đây là thứ chè mà mẹ chàng khi còn sống hay nấu cho cả nhà ăn. Bầu khí gia đình chàng lúc ấy sao mà hạnh phúc thế dù thời cuộc đã tràn ngập mùi phân tranh Trịnh Nguyễn. Cái thế giới nhỏ bé ấy với hình bóng thân thương của mẹ chàng giặt gịa trong ánh nắng thu, hay bận rộn chuyện bếp núc như một sức mạnh bình an mà từ lâu chàng đã đánh mất. Hình như sự bình an ấy lúc này đang trở lại khi chàng ngồi cạnh Thanh Hạc. Chàng vừa ăn vừa nhìn thiếu nữ. Cô có thân hình đầy đặn, mặt tròn cằm thanh tú, mũi thẳng, mắt đen láy, môi trên hơi hớt chỗ nhân trung nên khi cô cười, người ta thấy được những cái răng cửa đều đăn, hai má cô lại lún đồng tiền. Cô có nước da ngăm đen, màu da tạo thành đường viền như một sợi chỉ nâu nhạt quanh đôi môi hồng. Với những ai có mỹ cảm về những gam màu tối và đậm thì Thanh Hạc là vẻ đẹp của đêm, của bóng mát và bóng tối. Vâng, da em đen nhưng nhan sắc mặn mà … Xin đừng để ý đến da em rám nắng. Biết mình bị nhìn, Thanh Hạc đỏ mặt quay đi, múc chậm rãi từng thìa chè đưa vào miệng. Cô nói một câu cho đỡ ngượng:

 – “Sáng sớm hôm nay, ở đây người ta bàn tán chuyện gần chục người bị cọp vồ khi băng rừng leo núi chạy vào Nam với chúa Nguyễn.”

Lưu Bằng cũng thường nghe nói những chuyện như thế vì dân rỉ tai nhau – có khi là do gián điệp – rằng chúa Nguyễn thương dân, cấp ruộng cho dân làm và không lấy thuế. Chàng lơ đãng đáp lại:  – “Thế à, Đức Khổng tử đã chẳng nói chính trị cường bạo khác nào hổ dữ (Hà chính mãnh ư hổ) là gì ?”

Im lặng một lúc, cô nói tiếp:

 – “Khi nào thì anh đi thi?”

 – “Có lẽ mùa thu này, còn lâu mà, nhưng sao em lại muốn biết?”

 – “Vì em sẽ lên chùa Huyền Không cầu Phật cho anh thi đỗ.” Thanh Hạc dịu dàng đáp.

 – “Vậy em cầu Phật cho anh từ bây giờ là vừa đừng đợi đến ngày đó.” Lưu Bằng mỉm cười đáp lại dù trong thâm tâm chàng lại nghĩ, “Cầu Phật chùa Huyền Không thì cũng ‘như không.’” Vì chàng dùng chữ ‘không’ để chơi chữ. Thanh Hạc nói tiếp:

 – “Từ nay đến ngày đi thi, chắc anh còn về đây thăm chị Tiên Hương chứ?

 – “Sao em lại biết Tiên Hương ?” Lưu Bình giật mình, ngạc nhiên hỏi.  – “Biết anh say mê chị ấy nữa. Mà cũng đáng, chị Tiên Hương xinh đẹp lại có tài ca hát. Hôm anh dẫn anh Phụng Thiên đi xem chị ấy hát, về nhà anh Thiên khen nức nở. Nhất là khi chị ấy hát bài Chiêu quân cống Hồ hay bài Huyền Trân giả biệt cố tri gì đó làm em tiếc không được nghe chị ấy hát. Nếu em nghe chị ấy hát những bài buồn như thế chắc là em khóc mất.”

Nói đến đây, Thanh Hạc vội đứng lên vì có một bà cụ ghé vào mua than. Lưu Bằng nhìn theo tấm lưng ong trong chiếc áo nâu đã bạc màu. Cái váy đũi đen của cô cũng bạc màu có một miếng vá to nhưng rất khéo. Chàng thấy mình cảm động. Hai anh em nàng từ vùng giao chiến về đây. Ngày ấy, như lời Phụng Thiên hay kể lại, một trái đạn thần công đã giết chết cha mẹ họ. Lúc đó một cây xà của căn nhà gỗ đang bốc cháy đập vào đầu cô bé Thanh Hạc mới mưòi hai tuổi, làm cô bé ngất đi, Phụng Thiên bế em gái chạy vào rừng lánh nạn. Đến khi chiến sự đi qua. Hai anh em trở về chôn cất cha mẹ, gom góp ít đồ đạc còn sót lại đến huyện Thiên Tường này sinh sống. Họ không còn ai là người thân nên rất quý bạn bè kể cả những thói xấu của bạn. Khi Thanh Hạc quay lại, Lưu Bằng nói:

 – “Bây giờ anh về nhưng em cứ yên tâm hễ anh đến nơi này, anh sẽ ghé nhà em.” Lưu Bằng tươi cười nói tiếp, “Dại gì không đến ăn những món ngon em làm!”

Thanh Hạc đứng lên tiễn Lưu Bình và nói:

– “Hôm nào anh về lại Thiên Lương, nhớ đến đây cho em gởi tí quà nhé.” Rồi cô nhìn theo chàng khuất bóng sau một khúc quanh.



Về gần đến nhà trọ của Tiên Hương, Lưu Bằng thấy Mã Diện, anh họ nàng cùng một thanh niên thấp và vạm vỡ tên Lục Hổ mới từ nhà nàng đi ra. Khi đi ngang mặt chàng, cả hai giả vờ như không thấy chàng và không thèm chào hỏi,. Chàng rất bực tức trong lòng, định sẽ đem sự vô lễ ấy để trách mắng Tiên Hương. Nhưng khi vào phòng thấy Tiên Hương mặt mày tái xanh, ngồi thẫn thờ giữa giường, chàng lại thôi. Chàng lo lắng hỏi nàng:

 – “Có việc gì mà mặt mày em xanh xao thế? Phải chăng em ốm ?”

Nàng chỉ im lặng lắc đầu. Lưu Bằng nhẵn nại hỏi thêm:

 – “Lúc nảy, anh họ em nói gì làm em hoảng hốt phải không?” Rồi với giọng bực tức chàng nói tiếp, “Khi gần đến nhà, tôi gặp anh ấy và Lục Hổ, nhưng cả hai đều vờ như không thấy.”

 – “Vâng, tại vì em không muốn làm anh lo.” Tiên Hương liền vội nói, “Vừa rồi anh ấy có nói với em một chuyện không vui. Hai con nợ của anh ấy bỏ trốn vào Nam, giữa đường bị cọp vồ chết. Nghĩ đến cảnh người bị cọp xé xác ăn thịt khiến em chua xót bàng hoàng. Muốn giấu anh chuyện ấy nhưng không giấu được.”

Sau đó, Tiên Hương ngồi bệch xuống đất nắm lấy tay Lưu Bằng. Nàng xin lỗi chàng việc nàng không trung thực, và cả việc anh nàng vô tâm thành ra thiếu lễ độ. Lưu Bằng gượng cười để tỏ lòng thông cảm và quảng đại nhưng có lúc chàng tự hỏi phải chăng chính sự si mê của chàng làm cho đức tính ấy của chàng trở thành nhu nhược. Chàng cũng nói với nàng vài câu an ủi, kéo nàng đứng dậy để dọn bữa ăn trưa mà nàng đã chuẩn bị từ sáng. Chàng nhìn tấm lưng trần và nơ con bướm của dây yếm thắt vòng sau cái cổ cao của nàng. Nước da nàng mịn màng, trắng trẻo. Nàng yểu điệu qua lại cuối căn phòng khi bày bàn ăn như một con rắn đang bơi giữa đầm nước. Trong lúc ngồi ăn nàng nói chuyện vui vẻ như không có chuyện gì đã xảy ra. Nàng kể những câu chuyện mà nàng nói là “buồn cười” trong những đêm nàng đi hát. Những kẻ trồng cây si nàng với bộ mặt đau khổ. Nhưng nàng nhìn họ lạnh lùng như một bà chị nhìn đám bạn nghịch ngợm và ngớ ngẩn của một em trai. Lúc nàng dọn chén bát để rửa, chàng uống nước rồi vào giường, mắt nhắm lại nhưng đầu óc nghĩ ngợi lung tung. Chung quy những điều chàng nghĩ đều dẫn đến một kết luận là hạnh phúc nào cũng phải trả giá, nhất là hạnh phúc mê muội như dại, như điên mà chàng không thể nào cưỡng lại được. Chàng thấy mình đang bị kéo xuống từ trên một con dốc đứng.

Mãi suy nghĩ, chàng không biết nàng đến bên giường lúc nào. Nàng ngồi quay ra cửa sổ; bên ngoài là vườn cây im ắng, rậm rạp che khuất những căn nhà trong xóm. Nàng cầm chiếc gương đồng có khung bằng gỗ mun bóng, lặng lẽ ngồi trang điểm chuẩn bị cho buổi hát tối nay. Nàng lấy đồ trang điểm từ trong một cái tráp bằng gỗ lim. Lưu Bằng bất chợt mở mắt ra nhìn nàng, chàng muốn đùa vui với nàng một tí. Giật lấy cái gương chàng chạy ra khỏi giường và nói:

 – “Hôm nay em không được đi hát.” Chàng giơ cao cái gương về phía nàng, nói tiếp, “Muốn lấy thì lại dây.”

Tiên Hương đóng cái tráp lại vừa đuổi theo, vừa nói: “Trả lại em, không em giận đấy!” Chạy hết một vòng quanh giường và một vòng quanh phòng, Lưu Bằng giả vờ ngã ngữa ra trên sàn nhà. Nàng trờ tới cũng ngã sấp vào người chàng. Chàng buông cáí gương ra đỡ lấy nàng rồi một tay luồn xuống giữa hai chân, một tay quàng qua cổ tháo tung cái dây buộc hình con bướm . Tiên Hương nũng nịu nói:

 – “Để đến đêm đi anh … anh làm hư việc trang điểm của em rồi…” Nhưng nàng không thể nói thêm gì vì cảm thấy người mình tê dại. Lưu Bằng âu yếm nói, “Bây giờ khác, đêm khác.” Cái yếm lục rơi xuống giải phóng đôi vú với những đầu vú ửng hồng như hai trái nho chín mọng. Chàng ngóc đầu lên hớp lấy như một đứa trẻ bú mớm. Nàng kêu ú ớ trong miệng. Sau đó chàng nghiêng người lật nàng nằm ngửa ra. Trong một khoảng khăc nhanh hơn cái chớp mắt, nàng nhớ đến phó tướng Nguyễn Long và nàng trước kia trên nền gạch hoa của đình tạ trong vườn nhà nàng, chàng cũng đã làm như thế … Cái váy lĩnh của nàng cũng đã rơi ra. Hai chân nàng co lại và nàng sẵn sàng buông mình cho việc trao ban và tận hưởng rất mãnh liệt làm cho những thớ thịt trong người nàng rung lên như những sợi dây đàn được kéo căng. Nàng khép mắt lại rên rỉ đôi lúc kêu lên ú ớ. Có một lúc, Lưu Bằng kề vào tai nàng nói nhỏ, “Hết giận chưa em … em sao rồi…” Lớp phấn son trang điểm trên khuôn mặt và trên môi nàng giờ đây đã trở nên nhoè nhoẹt.

Ngày thứ ba, sau một đêm thức trắng với chăn xô, gối lệch, một đêm mà Tiên Hương tưởng mình đã chết trong khoái lạc dưới tay chàng, Lưu Bằng khăn gói ra bến đò về lại huyện Thiên Tường. Chàng sắp sửa xuống thuyền thì một cụ già xách một giỏ than va nhẹ vào chàng, chàng chợt nhớ lời dặn của Thanh Hạc. Chàng vội vàng đi ngược lên chỗ Thanh Hạc bán than, lúc đó hừng đông vừa ló dạng. Thanh Hạc vừa bày hàng xong, khuôn mặt nàng rạng rỡ khi gặp lại Lưu Bằng. Chàng nói, “Hôm nay anh về huyện Thiên Tường nên ghé lại chào em.” Nàng vâng dạ rồi rót cho chàng một ly trà nóng nàng mang theo để uống trong ngày. Hơi nóng trong chung trà bốc khói toả hương thơm nhè nhẹ của trà xanh. Chàng ngồi uống từng ngụm để hơi nóng từ miệng lan khắp cơ thể rã rời. Chàng thấy mình trở nên sảng khoái nhẹ nhàng. Thanh Hạc vừa lấy ra một gói quà bọc trong lá chuối khô cột bằng dây lạt vừa nói:

 – “Em biếu anh một ký trái hồng khô để những đêm thức khuya với đèn sách anh dùng cho đỡ buồn”.

 – “Em chỉ hay bày vẽ” Lưu Bằng nói, “Cám ơn em …”. Chàng xúc động vì sự đơn sơ của cô: lòng cô không hề có một uẩn khúc nào như Tiên Hương mà chàng chưa dò thấu, chàng nói tiếp.

 – “Chắc anh không ngồi lâu được kẻo muộn …”

 – “Vâng anh về sớm cho mát nhưng em có cái này cho anh,” Nàng lấy từ trong túi áo cánh một sợi dây ngũ sắc có may một túi lụa nhỏ màu đỏ khâu kín một vật bên trong làm túi vải phồng lên, thẹn thùng nói, “Em chuộc cho anh một lá bùa bình an để khi anh đeo hay giữ trong người sẽ được ơn trên phù hộ. Anh cầm lấy đi.” Lưu Bằng cầm lấy, cảm động không biết nói gì. Một lúc sau chàng ngập ngừng nói:

 – “Sao em không giữ lá bùa ấy cho em.”

 – “Không, anh yên chí em đã có cái khác” Nói đến đây, bất chợt cô nghĩ mình phải chuộc một cái bùa yêu.

Chàng đứng dậy và đi xuống bến, lúc nhìn lại còn thấy cái bóng mờ của Thanh Hạc trong bầu trời rạng sáng nhìn theo.

Ngồi trên sàn thuyền, chàng nhìn dòng nước trôi xuôi, cây cối hai bên bờ lùi lại phía sau, những cành lá trên các ngọn cau đã sáng lên trong nắng sớm. Thỉnh thoảng một vài căn nhà tranh xiêu vẹo đứng cô quạnh, ở đó vang lên tiếng đàn gà ríu rít, tiếng lợn ủn ỉn và cả tiếng bò kêu. Cảnh thanh bình ấy chí ít trong lúc này không hay biết đến thế sự nhiễu nhương, những nỗi lo toan, lo lắng của con người.

Tối hôm kia, tại nhà tú tài Phan Khắc Tứ, chàng cùng các bạn uống trà bên cạnh mấy chậu hoa lan. Hương hoa quyện với hương trà thật tuyệt. Trong một lúc cao hứng, Khắc Tứ ngâm nga bài thơ Đằng Vương Các của Vương Bột và bài dịch nôm của mình:

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu,
Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu?
Nam Phố mây bay quanh nóc vẽ;
Tây Sơn mưa tối cuộn rèm châu.
Mây trôi đầm nước cùng năm tháng.
Vật đổi sao dời đã mấy thu
Vương tử gác Đằng giờ đâu tá?
Ngoài hiên sông lớn chảy mịt mù.

Sau đó Khắc Tứ cho biết cuối thu này chàng sẽ về ở ẩn trong ngôi chùa mà cha chàng đã bỏ tài sản xây cho một hoà thượng gọi ông bằng bác. Bá Cương cũng nói rằng chàng sẽ không dự kỳ thi tới. Cuối năm, chàng sẽ lên bản Mường lấy con gái của một thổ quan cũng là một tộc trưởng danh giá trong vùng. Rồi đây mỗi khi đến huyện Thiên Tường này, Lưu Bằng chỉ còn có hai anh em Phụng Thiên và Thanh Hạc là chỗ thân quen. Chàng cảm thấy bùi ngùi khi Phụng Thiên nói, “Thế là hai anh em tôi lại rơi vào cảnh cô độc không bạn, không bè.” Bất giác Lưu Bằng nhớ lại câu thơ Vật đổi sao dời đã mấy thu.. Lúc đó thuyền đã từ từ cặp vào bến đò Thiên Lương và mặt trời cũng vừa đứng bóng.

 
 

(Xem tiếp Chương 3)

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn