Bình Rượu Quỷ


Chương 7:

Cái Bang

 
 
 

Khi Lưu Bằng lạy tạ ơn cứu tử của Nùng Chủ để về lại huyện Thiên Tường, Nùng Chủ nói:

– “Lão cũng phải cám ơn cậu cho tôi biết kẻ giết chết con gái lão, và lão phải làm gì để oan hồn của nó được yên nghỉ. Sau này cậu muốn gặp lão cứ đếán nhà Nùng Su, nó sẽ dẫn cậu đến gặp lão. Bây giờ hai anh em đi cho sớm.”

Sau khi từ biệt ông cậu, Nùng Su dẫn Lưu Bằng theo một con đường khác băng rừng. Khi ra khỏi khu rừng họ đến một bản người Tày. Nùng Su dẫn Lưu Bằng vào nhà mình nghỉ ngơi uống nước, nửa canh giờ sau Nùng Su đưa chàng đến bờ sông Mạ, cách bản Tày hơn mười dặm đường đi bộ. Đợi khi chàng xuống đò ngang đưa chàng qua huyện Thiên Tường trên bờ kia sông Mạ, Nùng Su mới quay về nhà mình.

Lưu Bằng bước xuống bến đò Thiên Tường vào đầu giờ mùi, chàng đi ngay đến chỗ Thanh Hạc bán hàng gần đấy. Không còn là cửa hàng bán than củi mà một hàng bán nước trà và bánh cuốn. Khi hỏi cô chủ cũ, thì chủ quán chỉ biết là cô chủ cũ sang lại cửa hàng này để về quê chồng. Chàng lo lắng toát cả mồ hôi vội cám ơn rồi đi qua một hàng bán trái cây gần đấy, gặp ngay Thu Liên. Thấy chàng nhếch nhác Thu Liên toan đuổi đi, nhưng khi Lưu Bằng hỏi thăm Thanh Hạc thì cô ta đon đả hỏi lại:

– “Anh là gì mà hỏi cô ấy?”

– “Tôi là anh họ cô ấy ở quê ra lâu nay không gặp, nhân tiện qua đây hỏi thăm cô ấy.” Lưu Bằng giữ vẻ từ tốn nói.

Thu Liên nhìn Lưu Bằng từ đầu đến chân thấy có vẻ như ở rừng mới ra nên yên tâm nói:

– “Chị ấy đã bị một nho sinh khốn nạn lừa gạt và bị hắn bỏ rơi nên đã đau khổ vô cùng, sau đó chị ấy chấp nhận làm vợ một người vùng cao. Nghe nói phải đến bến đò Thuận Mỹ rồi đi sâu vào trong làng cách bến đò gần hai mươi dặm đường.” Thu Liên nói với vẻ mặt nhăn nhó âu sầu rồi với vẻ căm hờn cô ta nói tiếp một lời nguyền rủa kẻ xấu xa mà cô cho là đã làm hại cô bạn gái Thanh Hạc ngoan hiền, “Tên nho sinh khốn nạn ấy rồi cũng bị trời tru, đất diệt”.

Lưu Bằng vội vã rút lui; từ chiều đến khi trời tối, chàng nhanh chân chạy đến nhà Thanh Hạc và nhà Phan Khắc Tứ. Cả hai nơi đều cửa đóng then cài. Riêng ở nhà Thanh Hạc, chàng vào được bên trong vì biết chỗ giấu chìa khóa. Trong nhà đồ đạc trống trơn, chỉ còn lại một cái giường tre nơi chàng và Thanh Hạc đã sống những đêm hạnh phúc. Bụi bám nhện giăng khắp nơi, bếp núc lạnh tanh bẩn thỉu. Căn nhà đã để không có lẽ hơn một tháng. Nhìn cảnh cũ nhưng không gặp lại người xưa, một cơn xúc động trào lên chàng ngồi xuống trong một góc nhà khóc nức nở.

Khi đứng trước căn nhà của Khắc Tứ, thấy cửa rào và cửa trong đều khoá kín, chàng hỏi một người hàng xóm, người này bảo thỉnh thoảng chị Út nấu bếp có về mua ít hàng hoá, tranh thủ quét dọn rồi đi ngay về chùa Phổ Minh nơi Khắc Tứ làm chủ chùa. Lưu Bằng muốn quay lại nhà Thanh Hạc ngủ qua đêm để sáng mai tìm lên chùa Phổ Minh gặp Khắc Tứ để hỏi thăm tung tích của Thanh Hạc, nhưng chàng nhớ lại gần đấy có một cái đình thần, vả lại lúc ấy trời đã tối rồi, nên mua mấy cái bánh đúc ăn tạm rồi xách tay nải, lững thững đi đến đình thần.

Lưu Bằng vừa tìm được một góc hành lang để nằm nghỉ, bỗng một nhóm người láo nháo đi vào sân đình. Họ là một nhóm ăn mày đi hành khất trong huyện, chọn địa điểm này để ngủ qua đêm sau khi đã xuống sông tắm giặt và ăn uống xong xuôi. Họ giống như một toán quân ngủ lại trên đường đi ra mặt trận. Họ gầy một đống lửa giữa sân đình để có ánh sáng và sưởi ấm.

Hình như Lưu Bằng đã chiếm chỗ của một chàng trai trẻ vì anh ta ghé mặt xuống nhìn chàng và kêu lên, “Ai đây! đâu phải người làng ta”. Sau đó anh chàng đi tìm một người ngoài năm mươi tuổi mà cả bọn gọi là Hiền Minh. Hiền Minh cầm một khúc nến thừa có sẵn trong đình đến soi mặt Lưu Bằng giả vờ như đang ngủ, rồi bảo chàng trai:

– “Mày đi tìm chỗ khác mà nằm hay chịu chật một tí ở đây cũng được càng ấm chứ sao”.

– “Chắc thằng cha này bị vợ đuổi khỏi nhà nên phải ra đình này ngủ”, chàng trai nói.

– “Mày chỉ đoán mò, nhưng hoàn cảnh thế này phải có nỗi khổ gì đây”, Hiền Minh đáp.

– “Vậy cháu có an ủi anh ta không?” Chàng trai hỏi.

– “Làm việc lành mà còn phải hỏi người khác sao, lương tâm mày đâu?”

– “Sao hôm trước Hiền Minh nói muốn học trung thành với nhà Lê, phải đi hỏi chúa Trịnh hay chúa Nguyễn”.

– “Đồ ngu, tao nói mỉa mai mà mày không biết à?” Nói xong Hiền Minh bỏ đi.

Chàng trai tên Tuấn không bỏ đi nhưng nằm xuống sát bên Lưu Bằng, quá sát nên chàng phải lấy tay đẩy hắn ra. Anh chàng kêu lên:

– “Thì ra hiền huynh vẫn chưa ngủ, em xin giới thiệu bọn em là dân ăn mày làng Trường Lỗ gần làng Phù Ủng huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, quê hương của Quan Hội hầu Phạm Ngũ Lão. Không phải chúng em nghèo phải đi ăn xin đâu nhưng vì thần hoàng chúng em ngày xưa là một người ăn xin trong chợ mà Phạm Ngũ Lão một danh tướng nhà Trần khi chưa ra giúp vua thường ra chợ ấy ngồi đan sọt và bán đồ nan. Khi tướng quân họ Phạm ra giúp vua có đem theo người ăn xin trong chợ. Sau đó người này lập nhiều công trạng cho vua nên khi qua đời được vua sắc phong làm thần hoàng. Các bô lão trong làng từ đó đặt ra lệ sau vụ hè thu thì cả làng mang bị gậy đi khắp nơi ăn xin”.

Lưu Bằng tò mò hỏi:

– “Sao các người không bắt chước người xưa cái hay mà lại làm theo cái không hay của họ? Sao không cầm gươm giáo đi phò cho Trịnh hay Nguyễn lập nên chiến công mà cứ phải đi ăn mày? Thế còn Hiền minh là ai?”

– “Hiền Minh dạy rằng Trịnh Nguyễn phân tranh là vì quyền lợi của dòng họ mình nên làng ta không giúp ai cả. Trước kia Nhà Trần chống quân Nguyên là chiến tranh có chính nghĩa, vì đáp lại nguyện vọng của lê dân bá tánh trong Hội nghị Diên Hồng. Bây giờ nếu muốn thì nên phò nhà Mạc. Còn Hiền Minh chính là người trưởng đoàn của chúng em. Ở quê ông ấy khá giả lắm, nhà ngói cây mít đấy nhưng ông ta vẫn thích đi ăn mày.”

– “Sao lại thích cái chuyện vớ vẩn này?” Lưu Bằng xẵng giọng hỏi.

– “Hiền Minh nói ông ấy thích đi xem thiên hạ sống cái đức của thần hoàng và tổ tiên của làng họ ra sao để còn học tập sự khôn ngoan ẩn tàng nơi các làng xã, đồng thời tìm hiểu phong tục các nơi. Vả lại Hiền Minh còn dặn chúng em đi ăn mày nhưng phải làm việc nghĩa như gặp tảng đá giữa đường phải bê đặt vào lề đường cho người đi sau không vấp ngã, chia bớt tiền xin được cho người nghèo hơn, và nhiều việc nghĩa khác nữa,” Thấy Lưu Bằng không hỏi vặn lại, thằng Tuấn nói tiếp “Vậy có phải ông anh bị vợ đuổi không để em còn biết cách mà an ủi?”

– “Không, tôi lỡ làm cháy túp lều khi nấu cơm nên phải ra đây ngủ.” Lưu Bằng nói cho qua chuyện.

– “Ông anh có biết chữ nho không? Hiền Minh nói ai dạy cho Hiền Minh ba chữ nho với đầy đủ nghĩa lý, Hiền Minh sẽ tôn làm thầy”, thằng Tuấn lại nói.

– “Nho với táo gì. Nếu biết thấu đáo ba chữ thôi, tôi không phải đi ngủ đình,” Rồi với vẻ không muốn nói chuyện tiếp, Lưu Bằng bảo “Làm ơn đừng nói nữa để yên tôi ngủ”.

Lưu Bằng làm sao ngủ được khi nỗi nhớ Thanh Hạc và cả Na-thả dày vò chàng không ngớt. Không biết Thanh Hạc bây giờ ra sao? Với Na-thả chàng còn có thể yên tâm vì cô gái mường còn có đủ gia đình và phương thế để sinh tồn. Trong khi Thanh Hạc cô đơn quá và hiền thục quá. Tự nhiên nước mắt chàng chảy dài xuống má. Một không gian tĩnh lặng nhưng đáng sợ đang bao vây chàng. Chàng ở đó giữa trời đất, thiên địa và bóng tối bên trong lẫn bên ngoài. Dù biết mình đang sống nhưng như một cây rụng hết lá mùa thu, dồn chút nhựa còn lại để nuôi một trái cây độc nhất, trái cây đau khổ. Sau cùng không thể trách ai, chàng chỉ còn biết trách mình. Chung quy cái thói đa tình đã làm chàng mang hoạ nhưng kẻ si tình này cũng là kẻ khát tình chưa thoả mà tình yêu bỗng chốc lìa tan. Chàng lại trào lệ cảm.

Trời lạnh dần khi đêm về sáng, thằng Tuấn quàng tay ôm chàng lúc đó đang nằm nghiêng, hai chân nó cử động nhẹ trong khi đang ngủ và áp sát vào người chàng, chàng cảm thấy như có một củ khoai nóng đè vào mông chàng và cựa quậy. Đó là dương quản của thằng Tuấn dính vào người chàng. Lưu Bằng nhẹ nhàng thoát khỏi vòng tay của nó bò ra ngoài, đến ngồi tựa lưng một cây cột đình nhìn đống than hồng đỏ rực ở giữa sân, lòng hoang mang khôn tả. Trước khi trời sáng chàng đã bỏ đi, đón đò đến Thuận Mỹ để từ đó lên chùa Phổ Minh tìm Khắc Tứ.

Gần đến trưa, Lưu Bằng đã tới cổng chùa và rất ngạc nhiên khi thấy Hiền Minh, thằng Tuấn và thằng Kiệt, một tên ăn mày khác cũng đã có mặt sau chàng ít phút. Ba người bọn họ đi quan sát một vòng quanh chùa nhưng không đến gặp chàng. Mặc xác họ. Chàng giật dây chuông và một chú tiểu chạy ra. Chàng xin được vào gặp Khắc Tứ, chú tiểu nói không có ai có tên họ như thế trong chùa, ngoài pháp danh của các sư. Chàng nói đó là tên của chủ chùa, đã đỗ tú tài, trước ở Thiên Tường. Chú tiểu trong hàng rào nói sẽ vào hỏi lại nhưng muốn biết danh tánh của khách đến thăm chùa. Lưu Bằng nói rõ tên tuổi và quan hệ với chủ chùa. Chưa tàn một cây nhang, chú tiểu ra nói tên trước đây của đại đức chưởng quản đúng là Khắc Tứ nhưng ngài đã về Thăng Long thăm chùa Trấn Quốc ba tháng sau mới về. Nói xong chú tiểu quay vội vào trong chùa. Chàng nhìn theo thấy cuối một sân rộng rợp bóng cây bồ đề, pho tượng Quan Âm trên bệ cao rạng ngời trong nắng sớm.

Chàng quay lại đường cái lòng vô cùng chán nản ngó quanh một lượt thấy phía chân đồi sau chùa có một xóm nhỏ rải rác những mái nhà tranh ẩn mình trong đám cây lá xanh tươi, định vào đấy kiếm gì ăn rồi về, thì ba người hành khất lại xuất hiện. Hiền Minh tiến lại nói nửa đùa, nửa thật, “Cậu có về cho chúng tôi theo với nhưng chúng ta phải tìm gốc cây nào ăn cơm rồi về cũng không muộn”. Rồi ba người họ kéo chàng đi theo về con đường cũ, xa dần cái xóm nhỏ trong đó có một căn nhà tranh xinh xắn mới cất không hiểu sao làm chàng rất thích. Lưu Bằng không biết linh tính đã báo cho chàng Thanh Hạc đang sống trong chính căn nhà ấy. Có lẽ phải nhiều năm sau chàng mới hiểu cảm xúc lạ lùng đã đến với chàng buổi sáng đau buồn ấy, khi nhìn căn nhà mới cất đó: sau khi hay tin Lưu Bằng mất tích trong rừng và cái thai trong bụng nàng ngày càng to ra – kỷ niệm tuyệt vời mà Lưu Bằng đã ban tặng cho mình – Thanh Hạc đã chấp nhận ngay lời cầu hôn của Khắc Tứ được lặp lại khi anh ta hoàn thành việc chở tượng Quan Âm từ Hà Trung lên chùa Phổ Minh và làm một lễ khánh thành rất trọng thể trong nhiều ngày. Phần Thanh Hạc, nàng không giấu việc nàng đã mang trong bụng mình đứa con của Lưu Bằng. Khắc Tứ hứa nhận làm cha nuôi nó thay cho người bạn tâm giao Lưu Bằng “yểu mệnh”. Nàng cũng đã biết việc anh nàng đã đi theo một cố đạo Tây dương và đã gởi gắm nàng cho Khắc Tứ. Thật ra việc gởi gắm này là do Khắc Tứ bịa ra. Khắc Tứ không nói lại với Thanh Hạc việc Thiên Phụng hứa sẽ quay về sớm để gặp lại em mình, cũng không đưa tiến công xá của Thiên Phụng cho Thanh Hạc.

Lưu Bằng, Hiền Minh và hai đàn em về lại huyện Thiên Tường lúc trời tối. Họ đến ngôi đình và thấy đoàn ăn xin đã quay về đầy đủ, kẻ nằm người ngồi như những hồn ma xung quanh đống lửa. Hiền Minh bảo Lưu Bằng ngồi kế bên ông và bảo thằng Tuấn và thằng Kiệt kể lại sự việc đột nhập vào chùa Phổ Minh sáng nay. Thằng Kiệt nói trước:

– “Lúc đầu theo lệnh của Hiền Minh chúng cháu định leo lên một cây to ngoài tường rồi từ một cành cao buông mình vào bên trong chùa. Nhưng cây cao cành to lại ở gần cổng chính nên sợ chú tiểu ra tiếp cậu Lưu nhìn thấy. Chưa biết làm sao thì thằng Tuấn tìm thấy một cái cửa nhỏ bằng ván dày khuất trong một đám dây leo. Cửa ấy không khoá chỉ cài chốt bên trong, chỉ cần một thanh tre mỏng luồn vào là mở được ngay. Khi thấy chú tiểu đi từ cổng vào hai đứa cháu núp theo dõi. Một ông sư từ trong phòng bước ra, sau khi nghe chú tiểu trình bày sự việc, liền nói với chú tiểu, ‘Thằng Lưu Bằng còn sống là Lưu Bằng giả, Lưu Bằng thật đã chết trong rừng rồi mà nó chết cũng đáng tội dâm ô với kỹ nữ. Ra bảo thầy đi thăm chùa Trấn Quốc ở Thăng Long. Nó có hỏi thêm gì nói không biết để đuổi nó đi, nhớ không?’ Chú tiểu vâng dạ rồi quay ra cổng, cháu lặng lẽ lén đi theo. Tuấn ở lại theo dõi ông sư ...” Kiệt ngừng lại bảo Tuấn , “Mày thấy được gì kể lại cho Hiền Minh đi.”

Tuấn tiếp lời Kiệt:

– “Qua cánh cửa hé mở lúc ông sư quay vào, cháu thấy có một phụ nữ mặc nguyên bộ đồ nâu, đầu vấn khăn trông như một tín nữ vào chùa tu thăm sư. Khi cánh cửa đóng lại, cháu thấy có tiếng nói chuyện và tiếng cười rúc rích, rồi những tiếng ái, à, ôi của người nữ. Cháu đoán là họ làm chuyện bậy bạ gì đó. Sau đó chúng cháu cùng theo cửa gỗ sau đám dây leo ra ngoài không ai hay biết.”

Hiền Minh bảo hai thằng Tuấn và Kiệt đi về chỗ ngủ của chúng, rồi với giọng đều đều từ tốn ông nói với Lưu Bằng trong lúc lòng chàng rối như tờ vò vì những lời thuật lại của Tuấn và Kiệt:

– “Tôi không biết trước đây ông sư ấy là bạn của cậu như thế nào. Nhưng dù gì thì ngày nay anh ta đã thay đổi quá nhiều rồi. Những lý do khiến anh ta thay đổi có cái chúng ta biết, có cái chúng ta không biết chung quy cũng chỉ trong mấy vấn đề tiền, quyền và tình. Trong ‘quyền’ tôi gom cả danh giá và sĩ diện. Như thế rõ ràng nói phi thiện phi ác theo kiểu nhà Phật là nói bừa, nói gạt. Trong trời đất này luôn luôn diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa Thiện và Aùc, giữa lành và dữ mà ranh giới có lúc thấy rõ nhưng thường thì không thấy rõ. Vì không thấy rõ nên sáng nay cậu bị anh ta làm nhục và đuổi đi. Trong phe ác có cái ác cùng cực, trong phe thiện có cái ‘chí thiện’ của Khổng tử, thế nhưng trong thực tế phần lớn chúng ta là thiện trung bình hay ác trung bình. Thỉnh thoảng chúng ta thấy cái cực-ác xuất hiện nhưng chí-thiện thì hầu như không thấy…”

Lưu Bằng biết đã đến giờ giảng bài của Hiền Minh nên tranh thủ hỏi:

– “Xin Hiền Minh cho biết một trường hợp cực-ác, và rồi sau cùng phe nào sẽ thắng, phe thiện hay phe ác?”

– “Còn trường hợp nào rõ hơn ba họ chết oan vì bị khép vào tội giết vua trong đó có cả trẻ con, người già vì lời vu cáo của kẻ nịnh thần, chắc hẳn cậu đã biết tôi đang nói về Nguyễn Trãi, phải không? Rồi sau “người ta” hối, người ta đặt ra chuyện ổ rắn mới sinh mà đám học trò giết chết khi dọn vệ sinh sân vườn cho thầy đồ họ Nguyễn và như thế người ta gián tiếp chỉ Rắn là quỷ vương, đúng không? Còn vua Lê Thái Tôn chết khi ở gần Thị Lộ là do bị thượng mã phong mà thôi, vì vua di hành đường xa mệt mỏi lại gặp lúc Thị Lộ dục lực tràn trề vì lâu ngày không được Nguyễn Trải hạ cố… Phải chi cậu biết chữ nho để thấy trong chữ sắc có bộ ‘đao’ nghĩa là con dao và hiểu được hào sáu quẻ Khôn khi âm dương giao chiến (Thằng Tuấn đã nói với Hiền Minh rằng Lưu Bằng không biết chữ)”.

Hiền Minh ngừng lại kéo một hơi thuốc lào rồi nói tiếp:

–“… Trong khi gương chí-thiện thì hầu như không có, thế mà Khổng tử và các nhà nho cứ tin rằng sau cùng thiện sẽ thắng ác.”

– “Trường hợp Lê Lai liều mình cứu chúa thì sao, hay bên Tàu có Quan Công phò nhị tẩu?” Lưu Bằng ngắt lời Hiền Minh.

– “Hiền Minh này chỉ cho như thế là đại-thiện tức là trên mức trung bình mấy bậc chứ chưa đạt tới chí-thiện, trong khi đạo Gia-tô của người Tây Dương từ lúc ban đầu đã đưa ra một tấm gương chí thiện mà không ai thay thế được: một thần nhân xuống thế làm người chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho cả thiên hạ mọi thời. Với sự chí thiện ấy thì sau cùng việc phe thiện thắng phe ác mới được bảo đảm và không còn là lời khoác lác của bọn nho gia.”

– “Vậy ra theo đạo Tây dương, tất cả chúng ta đều là người có tội cả sao?”

– “Đúng vậy, nhưng để hiểu điều này phải biết đạo ấy không xét đến từng hành vi mà chúng ta cho là đạo đức, mà chỉ xét đến bản chất hay hư hỏng của con người…” Lúc này Hiền Minh nói sang việc khác.

– “Vậy ngày mai cậu định sao?”

– “Tôi sẽ về quê lo việc gia đình vì đã rong chơi vô ích quá nhiều.” Lưu Bằng đáp lại và thay vì nói “lo việc học hành” chàng đã nói “lo việc gia đình” để khỏi phải bị hỏi han về chữ nghĩa.

– “Tôi đề nghị cậu đi với tôi đến huyện Thiên Thành một chuyến trong vài ba ngày rồi tôi sẽ giúp cậu tiền lộ phí về quê cả tiền quà cáp cho người thân. Từ Thiên Thành có đường đi về Thiên Lương quê cậu”. Hiền Minh nói xong lận lưng cho Lưu Bằng xem thấy mấy nén bạc to rồi nói tiếp “Ở Thiên Thành có một nữ thí chủ rất hào phóng của chúng tôi. Cậu sẽ thấy những người hay bố thí như bà ấy hiếm có.” Nghe Hiền Minh nói đến chuyện tiền bạc, Lưu Bằng giật mình vì chàng không còn một xu dính túi. Từ ngày gặp gỡ Tiên Hương chàng mới biết giá trị của đồng tiền và cũng từ đó chàng chỉ biết xài tiền mà không biết giữ tiền. Chàng cứ tưởng sẽ gặp được Khắc Tứ sẽ vay của anh ta ít tiền. Rốt cuộc sôi hỏng, bỏng cũng không. Chàng vội vàng đáp lại:

– “Vâng tôi xin theo và cám ơn sự giúp đỡ của Hiền Minh.” Sau đó chàng xin phép Hiền Minh được ngủ lại gần chỗ ông cho tiện. Hôm nay sự mệt mỏi đã sớm đưa chàng vào giấc ngủ trong lúc chàng lơ mơ thắc mắc sao lại có kẻ ăn mày nhiều tiền và hào phóng đến thế.

 Sáng sớm khi còn tối đất, đoàn quân cái bang bị gậy lên đường chừng một tá người. Trên đường họ tách ra rẽ vào các làng mạc để ăn xin nhưng hẹn nhau lúc chiều tối phải có mặt ở huyện Thiên Thành. Chỉ có Hiền Minh và Lưu Bằng đi thẳng đến Thiên Thành không qua các làng mạc. Dọc đường trong lúc nghỉ trưa ở một cái miếu hoang giữa một cánh đồng đầy lau lách gió thổi xào xạc, thỉnh thoảng vang lên giữa trưa một vài tiếng chim kêu lẻ loi. Hiền Minh kể lại cuộc phiêu lưu bốn ngày liền đầu năm nay của ông ta với một cố đạo để tìm hiểu đạo Tây Dương. Cố đạo đồng ý cho Hiền Minh đi theo với điều kiện ông ta phải hứa sau đó không được tiết lộ hành tung cha cố cho bất cứ ai. Rồi Hiền Minh kể thêm cho Lưu Bằng nghe giáo huấn của đạo Tây Dương theo cách hiểu rất tù mù của ông ta vì trong đạo có những từ ngữ mà ông ta không hiểu. Lưu Bằng lắng nghe sơ sài, bất chợt chàng hỏi:

– “Vậy ngoài Hiền Minh ra còn có ai đi theo cha cố đó không?”

– “Ngoài tôi còn có bốn người khác nữa, nhưng tôi đặc biệt chú ý hai người xem ra rất chân thành kính tín, một tên là Thiên Phụng và một tên là Lục Hổ.”

– “Tên gì cơ?” Lưu Bằng không tin vào tai mình hỏi lại.

– “Thiên Phụng và Lục Hổ …”

– “Hình dáng như thế nào?” Lưu Bằng vội hỏi.

– “Sao cậu hỏi kỹ thế, có phải người nhà hay người làng không?”

– “Không, chỉ là những người trước đây có dịp giao du thôi.”

Hiền Minh mô tả chỉ một vài nét, Lưu Bằng biết ngay đó là anh của Thanh Hạc và một người lính của thân phụ Tiên Hương. Chàng không khỏi bàng hoàng. Từ lâu rồi chàng đã thấy qua cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn có một cái gì đó không ổn trong giáo huấn của nho gia ngoài tham vọng bá vương của hai chúa, và phải có một cái gì mới mẻ đến làm đổi mới nhân tâm, nếu không những người rơi vào tuyệt vọng như Lục Hổ sẽ bỏ quá khứ ra đi, nhưng chưa bao giờ chàng cho rằng cái đó là một tôn giáo mới dù là từ bên Tàu hay bên Tây mang lại. Và trên đoạn đường còn lại đến Thiên Thành, chàng chỉ lẽo đẽo đi theo Hiền Minh không nói một lời nào.

Tối đó đúng như đã hẹn trước, cả đoàn cái bang gặp lại trong một cái sân của miếu Thổ thần. Sáng hôm sau mặt trời vừa ló dạng khỏi chân trời họ đã kéo nhau đến nhà quan tri huyện. Nhà quan tri huyện ở trong cùng một khuôn viên của công đường. Cổng công đường quay hướng Bắc, cổng nhà quan ở hướng Tây, ở hướng Nam có một cửa nhỏ là cổng hậu của nhà quan luôn luôn đóng kín. Ngày rằm và mùng một, của bố thí được phát ra từ cổng này.

Gần như đã thành thông lệ, từ sáng sớm khi tập trung trước cổng sau, những kẻ ăn mày đặt những cái nón mê, cái rổ, cái bị hay cái thau của họ thành một nửa vòng tròn xung quanh cổng, rồi lui ra xa hai con sào kẻ đứng người ngồi láo nháo chờ đợi. Đến đầu giờ thìn cánh cửa sau từ từ mở ra và một thiếu phụ xinh đẹp bước ra, đó là Kim Ngọc phu nhân của quan huyện, theo sau bà là một thị nữ đến bỏ vào mỗi đồ đựng của cái bang một đồng tiền kẽm, rồi một cô nương xinh đẹp khác, thân hình mảnh mai cùng một thị nữ khác theo sau bước ra, thị nữ này bưng một cái thúng gạo to, cô nương cầm một cái chén có sẵn trong thúng xúc đầy một chén gạo lần lượt đổ vào mỗi đồ đựng của cái bang lấp lên trên đồng tiền kẽm. Sau đó không nói một lời nào, bốn người phụ nữ ấy lặng lẽ lui vào bên trong và đóng cửa lại nhưng họ còn nghe tiếng các kẻ ăn mày đồng thanh sau lưng họ, “Cám ơn phu nhân nhân đức và các cô…, cám ơn, cám ơn…”, trong lúc họ thu hồi đồ đựng của mình về, không giành giật, không chen lấn.

Đứng từ xa cùng với Hiền Minh quan sát và chiêm quan sự việc, Lưu Bằng suýt kêu lên một tiếng khi cô nương xinh đẹp xuất hiện, nhưng chàng chỉ phản ứng lại bằng việc ngồi bệt xuống tại chỗ đầu gục xuống như giấu đi khuôn mặt của mình. Cô nương xinh đẹp ấy chính là Dương Liễu. Vẫn dáng người mảnh dẻ ấy, vẫn khuôn mặt trái soan, đôi môi hình trái tim và đôi mắt xanh đen lóng lánh nhưng giờ đây đôi mắt ấy, khuôn mặt ấy toả ra một nỗi buồn vời vợi. Liệu Lưu Bằng có biết chính chàng là nguyên nhân của nỗi buồn đó? Khi mọi kẻ ăn mày đã tản ra để đi vào huyện thị, Lưu Bằng vẫn còn ngồi đó. Rồi một bàn tay đặt lên vai chàng, Hiền Minh gọi chàng cùng đi thăm thú trong huyện, chàng khước từ nói:

– “Hôm nay tôi có chuyện riêng phải làm, tối nay mình sẽ gặp nhau tại ngôi miếu.”

– “Tối nay tôi sẽ gom tiền cái bang đưa cho cậu một ít làm lộ phí, từ ngày mai cậu có thể về Thiên Lương bất cứ lúc nào. Lần sau qua Thiên Lương tôi sẽ ghé nhà cậu, nhớ đấy!” Nói xong Hiền Minh bỏ đi.

Lưu Bằng ngồi lại thêm một lúc, không biết mình ngồi để làm gì và cũng không biết từ giờ ấy đến tối đi đâu và làm những gì. Bỗng chàng thấy cánh cổng sau hé mở và một thị nữ lúc nảy bưng thúng gạo, cầm một cái giỏ tre đi về hướng chợ. Như một cái máy Lưu Bằng chạy theo hỏi chuyện:

– “Cô ơi, cô ơi… làm ơn cho tôi hỏi thăm một việc.”

– “Hỏi gì thì nói nhanh lên, tôi vội lắm vì còn phải về sớm để làm cơm cho các phu nhân và quan huyện”. Thị nữ nhìn chàng nói xẵng giọng.

– “Xin mạo muội hỏi có phải quan huyện quý danh là Dương Lý?”

– “Phải, ông ấy tài giỏi lắm, nghe nói ông ấy sắp được thăng làm tán lý quân vụ để bình định bọn người theo đạo Tây Dương, chấn chỉnh vương pháp và mỹ tục.”

– “Hình như quan huyện có một cô em gái xinh đẹp?”

– “À cô nương Dương Liễu, ” rồi trợn mắt nhìn thẳng vào Lưu Bằng, thị nữ nói tiếp giọng khiêu khích và khinh miệt, “Bộ anh mê cô ấy rồi hả, đừng có mơ tưởng việc ‘đĩa đeo chân hạc’, có khối người sang trọng quý phái muốn kết duyên với cô ấy mà chưa được, anh đừng có nghèo mà còn ham hố”.

Nói xong thị nữ bỏ chàng đứng lại ở đầu chợ và đi vào giữa các sạp hàng. Lưu Bằng đứng thừ người một lúc thấy mình sao thừa thải quá. Sau đó chàng quay về đường cũ quyết tìm cách gặp lại Dương Lý và nhất là Dương Liễu. Chàng phải xin lỗi nàng vì đã làm cho nàng khổ sở, phải hứa với nàng chàng sẽ thi đậu và xin nàng đừng chờ đợi chàng mà phí cả tuổi thanh xuân khi có những người xứng đáng hơn chàng để được nàng nâng khăn sửa túi.

Đến cổng chính của huyện đường, chàng rụt rè đến gần một anh lính gác cổng, nói thật nhỏ nhẹ:

– “Nhờ chú vào trình cùng quan huyện cho tôi là Lưu Bằng, một người bạn cũ của quan được gặp”. Anh lính nhìn Lưu Bằng từ đầu đến chân đáp:

– “Anh mà cũng là bạn cũ của quan được sao, cút đi cho rảnh!”

Lưu Bằng nửa muốn năn nỉ, nửa muốn bỏ đi thì anh linh nói tiếp:

– “Thôi được, phải làm đơn xin gặp quan. Không biết chữ thì ra chợ thuê người viết. Còn biết chữ thì đây cho mượn giấy bút.”

Lưu Bằng xin giấy và mượn bút để làm đơn. Đơn viết như sau:

Kính trình quan trên,
Tôi Lưu Bằng, quê Thiên Lương trên đường từ trường thi ở thành Nam về quê giữa đường gặp nạn tưởng không còn gặp lại người thân, phải nằm dưỡng thương mấy tháng. Nay đến huyện này, nghĩ tình đồng song mạo muội xin được gặp quý nhân trước khi về lại quê hương để cũng được thơm lây sự thành đạt và địa vị cao quý của cố bằng hữu.
Kinh đơn: Lưu Bằng.

Chỉ trong một lúc thư đã viết xong, nét chữ chân phương thanh nhã. Anh lính cầm thư dù không biết chữ nho cũng không khỏi ngạc nhiên. Anh nói với Lưu Bằng:

– “Tôi sẽ đem đơn này trình thầy đề lại, sau đó thầy đề lại trình quan lớn. Sáng sớm mai anh đến đây gặp tôi để biết kết quả,” rồi người lính nói tiếp, “nhưng muốn gặp anh phải đến đâu tìm?”

– “Tôi hiện ở tạm trong miếu Thổ thần, cho tới ngày rời khỏi nơi đây.”

– “Vậy mai anh cứ lại,” anh lính dặn dò.

Lưu Bằng cám ơn anh lính, đứng ngẩn ngơ trước huyện đường một lát vì không hiểu tại sao việc thăm viếng một người bạn cũ phải có đơn từ. Chàng chua chát mỉm cười đi tìm một nơi có bóng mát trong huyện thị để nghĩ trưa và kiếm chút gì ăn qua loa. Sáng nay trước khi chia tay, Hiền Minh đã đưa cho chàng một đồng tiền kẽm.



Buổi trưa hôm đó, cầm trong tay tờ đơn xin gặp của Lưu Bằng mà Trương Đề Lại trình lên, Dương Lý rất đắc ý vì chàng nghĩ rằng đây là dịp tốt để mình trả món “nợ đời” cho nhà họ Lưu. Trước kia Lưu ông hạ cố với hai anh em chàng, bây giờ là lúc trên một vị trí cao hơn, chàng hạ cố nhìn xuống họ đồng thời trả lại món nợ ân nghĩa xưa kia. Dương Lý đã nghĩ đến kịch bản “Lưu Bình Dương Lễ” và không khỏi thán phục người xưa: chỉ có cái công danh mới tương xứng với công nuôi dưỡng như lời một danh nho “Không có công danh như cỏ cây bị đạp nát”; và chàng quyết sẽ giúp đỡ cho Lưu Bằng thành danh, như thế mới thoả tấm lòng tự mãn của mình.

Quơ tờ đơn một vòng trong không trung, Dương Lý hỏi Trương đề lại đang thảo công văn, người này trước kia còn kiêm luôn chức sư gia của quan huyện cũ:

– “Thầy Đề nghĩ sao nếu tôi giúp đỡ cho người bạn cũ thành danh trên hoạn lộ, dù gì thân phụ người ấy trước kia là ân nhân của tôi?”

– “Điều đó thật rất phải vì đạo bằng hữu là một trong ngũ luân. Tuy nhiên nếu quan huyện có chỗ ngờ, xin quan thử không dụng tâm viết ra một chữ để tôi bói chữ cho, sau đó yên tâm làm việc nghĩa…” Lúc đó sẵn giấy bút trên án thư, Dương Lý không suy nghĩ viết luôn một chữ rồi đưa cho Trương đề lại. Trương đề lại nói ngay:

– “Chữ này là chữ ‘HẬU’, có nghĩa là ‘dầy’ khác với chữ ‘hậu’ có nghĩa là ‘sau’. Một danh nho trong vùng này đã dùng chữ ‘hậu, dày’trong một câu đối. Tuy nhiên nếu kết hợp hai nghĩa của hai từ đồng âm lại thì rõ ràng đây là quẻ tốt vì nói sự phát triển ‘dày dặn’ ‘sau này’ của sự việc”.

– “Thế thì hay quá… Nhưng Thầy đề còn nhớ câu đối có chữ ‘hậu, dày’ không, đọc lại cho tôi cùng thưởng ngoạn.”

– “Câu đối như sau: ‘Xuân mãn xuân doanh, xuân tại ý / Phúc trường phúc hậu phúc do thiên’ tức là ‘Xuân đầy tràn là do ý/ Phúùc dài lâu, dầy dặn là do trời’”.

Dương Lý vốn không tin có trời mà chàng cho rằng đó là sản phẩm của những kẻ ngu muội. Có lần chàng hỏi Lưu Bằng:”Bạn có biết ông trời là ai không?” Lưu Bằng bị hỏi bất ngờ chưa trả lời kịp thì Dương Lý nói luôn: “Đó là một thằng cha vừa mù, vừa câm vừa điếc”. Chàng chỉ tin vào sự quyết chí quyết thắng của con người kể cả việc dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng, vì thế chàng tỏ vẻ khó chịu nói:

– “Thầy đề nhớ không lầm đấy chứ ; làm gì có ‘thiên’ ở đây. Phải nói lại câu sau cho đúng là ‘Phúc trường phúc hậu phúc do tâm’. Nhưng dù sao cũng phải cám ơn thầy đã đoán cho chữ ‘hậu’.”

Trương Đề lại giả vờ gật gù tán thành sự chỉnh sửa của Dương Lý, lẩm nhẩm lại câu sau với chữ “tâm” nhưng trong lòng vẫn thấy “ý-thiên” hay “thiên-ý” vẫn hay hơn “ý-tâm” hay “tâm-ý”, vì tâm ý dù sao cũng có cái gì đó hơi phàm tục. Rồi cả hai trở về bàn mình với chồng giấy tờ chỉ dụ, báo cáo và đơn từ. Lúc này Dương Lý đã lên sẵn trong đầu kế hoạch giúp Lưu Bằng. Châu Linh sẽ thay chàng nuôi Lưu Bằng ăn học, chàng còn chọn một thêm một người lính già trong huyện là Nguyễn Cát Dương tuổi ngoài bốn mươi cho theo hầu Lưu Bằng và theo dõi nhiệm vụ của Châu Linh để phân định ranh giới giữa họ ngõ hầu Lưu Bằng đạt được kết quả tốt trong việc học. Tối nay chàng sẽ trình bày câu chuyện này cho Châu Linh và thuyết phục nàng làm theo gương tốt của chuyện xưa “Lưu Bằng và Dương Lễ”.



Cả ngày hôm ấy, Châu Linh đi chùa đến chiều mới về nhà. Vợ cả của Dương Lý là Kim Ngọc thỉnh thoảng cũng đến cúng thần ở một cái am Lão giáo gần nhà và chỉ trong một buổi. Cảnh chồng chung làm phát sinh nhiều điều phức tạp. Dù hai người phụ nữ ấy vẫn rất nể trọng nhau, nhưng việc chồng chung không thể nào tương nhượng. Và càng nể trọng nhau, họ càng phải giành phần thắng về mình. Tiểu thư Kim Ngọc con quan Thượng Thư, tính tình ôn hoà, hiền thục, đoan trang đúng mực không đáng trọng sao? Châu Linh con một nhà nho thì xinh đẹp, duyên dáng, chuyên cần lại có con mắt tinh đời chọn đúng một nho sinh thành đạt cũng đáng trọng không kém. Khi bị thất thế vì việc gieo cầu quỷ quái đó, nàng phải xuống làm thiếp, nàng vẫn coi mình là người đến trước và trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và không tuyên bố ấy, nàng nghĩ rằng chính mình phải là người đầu tiên sinh một con trai nối dõi nho phong và con đường hoạn lộ cho Dương Lý. Vì thế hôm nay nàng đã đi chùa xa và nổi tiếng linh thiêng để được Phật bà ban cho một mụn con như ý. Dù sao cuộc chiến âm thầm nhưng không khoan nhượng ấy đã tới giai đoạn gay go khi cả hai huy động tới các thần linh trong tín ngưỡng.

Khi mới đính ước cùng Dương Lý, Châu Linh vẫn mơ ước có được một tình yêu đẹp và lãng mạn mà nàng đọc thấy trong Tình sử, như cảnh hẹn hò dưới trăng, cắt tóc tặng nhau, lá thắm đề thơ, cùng nhau đi dạo bên hồ xanh liễu rũ … và khi trao thân cho nhau phải là đêm trăng đình tạ, hay chí ít là gác trăng xế bóng, trước lúc trao thân phải đối ẩm, đối thơ hoặc nàng phải hát cho chàng hay dạo đàn một khúc nhạc như bài “Xuân dạ hoài lang” … Nhưng giờ đây đối đầu với một tình yêu-chiến cuộc như thế này, tâm hồn nàng hoàn toàn thất vọng. Dương Lý không hay biết gì về cuộc chiến đó vì thấy gia phong bề ngoài vẫn luôn đầm ấm, hạnh phúc, một hạnh phúc mà trước đây chàng chưa từng mơ tưởng. Và để xứng đáng là một nho quan chàng luôn tỏ ra oai phong trong chốn hoa dinh cẩm trận, và hành xử một cách công bằng không thiên vị. Nếu đêm nay chàng ghé phòng Kim Ngọc để vui vầy chăn gối thì ngay đêm sau chàng sẽ ghé qua phòng Châu Linh để tận hưởng cuộc giao hoan. Từ khi quan Tuần Vũ họ Phùng gởi tặng chàng toa thuốc bổ “Thắng dương bất tịnh” và một bình rượu ngâm toa thuốc ấy, đã có sự thay đổi nhiều trong cách chàng đến với họ. Một đêm chàng đến lần lượt với hai người sau đó còn đủ sức trở lại với người đầu tiên và lui về thư phòng ngủ lại đến sáng. Sau một thời gian Kim Ngọc nói với chồng nàng không thể một đêm đi biển hai lần vì lần sau nàng không còn cảm hứng. Từ đó Dương Lý thỉnh thoảng mới lui tới phòng Kim Ngọc và tập trung vui vầy với Châu Linh hoặc ở lại thư phòng khi việc công bề bộn và ngủ lại ở đó.

Đi chùa cầu con về, Châu Linh vộâi tắm rửa, dùng bữa một mình và vào giường sớm. Khi đi ngang phòng khách, nàng thấy Kim Ngọc đang dạy cho Dương Liễu học chữ nho. Dương Liễu lúc sau này gần gũi với Kim Ngọc nhiều hơn vì được chị dâu chăm sóc, dạy cho chữ nho, việc thủ công gia chánh và những việc mà một cô nương danh gia vọng tộc cần biết. Điều này làm Dương Liễu khuây khoả nỗi buồn. Nỗi buồn chán này luôn theo cô từ ngày cô rời huyện Thiên Lương. Cô đã để lại nơi ấy biết bao kỷ niệm đẹp tuổi hoa niên và một mối tình câm nín. Cô buồn chán đến nỗi đã xin anh cô về lại nhà họ Lưu để làm một cô thôn nữ vui với những việc của nhà nông nhưng anh cô không đồng ý.

Châu Linh vào giường và nghĩ mình cũng “buồn chán” không thua Dương Liễu. Nàng tự hỏi phải chăng việc nàng lao đầu vào cuộc tranh giành ưu thế với Kim Ngọc tình yêu của Dương Lý, cũng là cách nàng chạy trốn nỗi buồn chán. Nàng đã chán chường từ khi nào? Có lẽ từ lâu rồi ngay sau đêm tân hôn vì Dương Lý đã biến cái đêm âm-dương hoà hợp ấy thành âm-dương giao chiến. Mang tâm trạng buồn chán não nề ấy bởi sự quá nhạy cảm của nàng và khi tình yêu không còn đẹp như ngày nàng mới quen Dương Lý, nàng cũng trở thành người tìm kiếm tình dục để lấp đầy buồn chán. Ngày tháng trôi qua, nàng đã để chồng nàng biến nàng thành một phụ nữ của bản năng xác thịt cũng giống chồng nàng mãi mê tìm kiếm khoái cảm xác thịt với tâm trạng đắc thắng mà cứ ngỡ đó là tình yêu. Nhưng dường như tình dục không làm Châu Linh vơi đi buồn chán mà còn làm cho nó sâu đậm hơn. Việc nàng muốn có con cũng là cách để làm khuây khỏa nỗi buồn vì nàng nghĩ một khi đã có con, nàng sẽ bận rộn với trách nhiệm sinh con và chăm sóc cho con mọn. Tình mẫu tử khi đó sẽ là một sự bù trừ nào đó. Kim Ngọc không làm như thế sao khi luôn chăm sóc và dạy cho Dương liễu chữ nho và những điều tốt lành khác như một bà chị chăm lo cho em gái hay một bà mẹ lo cho con gái của bà? …

Đang miên man với những suy nghĩ ấy, Dương Lý đẩy nhẹ cửa bước vào, tay cầm tờ đơn mà Lưu Bằng đã viết sáng nay. Châu Linh ngồi dậy trên giường trong lúc Dương Lý đến ngồi bên cạnh nàng. Chàng bắt đầu nói đến việc phải trả ơn cho Lưu ông qua việc giúp Lưu Bằng thi đỗ, và chàng muốn Châu Linh thay chàng chăm lo cho bạn về vật chất cũng như động viên bạn về tinh thần, giữ đôi chân phiêu lãng của anh ta lại để tập trung vào việc học. Chàng nói:

– “Người xưa đã có tấm gương sáng “Lưu Bằng và Dương Lễ”, nay ta thực hiện gương sáng ấy của cổ nhân là một điều vinh dự. Và rồi em cũng sẽ được lưu danh cùng Châu Long là một vợ hiền ‘tiết hạnh sáng ngời’ của chánh giáo…”

Châu Linh cảm thấy bất ngờ với lời đề nghị của chồng mà nàng khó có thể chối từ và như thế ý định sinh con của nàng phải tạm hoãn. Nàng băn khoăn đáp lại:

– “Đúng là chàng quá tốt với người bạn cũ, nhưng liệu hắn có thật sự mong muốn quay đầu trở lại hay không và rồi nếu hắn vẫn quen thói ‘phá gia chi tử’, ham chơi bời hơn ham học thì không chỉ làm xấu mặt em mà còn làm hổ mặt chàng nữa.”

– “Việc đó thì em khỏi lo vì anh ta không tệ đến mức đó đâu, vả lại anh sẽ cho chú Cát Dương đi theo để chấn chỉnh mọi điều sai trái có thể xảy ra. Vậy em có đồng ý giúp anh không?”

– “Em đồng ý vì em luôn tin tưởng tài sắp xếp của anh,” rồi nàng tình tứ nói tiếp, “Có gì mà em lại không đồng ý với anh kể cả những điều quá quắc của anh từ ngày công danh anh thành đạt.”

Dương Lý rất hài lòng và phấn khởi, chàng bảo Châu Linh chờ chàng trở lại. Rồi quay về thư phòng, chàng đến giá sách cầm chai rượu Thắng dương, ngắm nghía hai đường vân màu hồng như hai ngọn lửa trên lớp men vàng. Mỗi lần chàng nhìn vào ngọn lửa, chàng thấy phấn chấn lạ lùng; chàng muốn mình trở nên ‘quá quắc’ như Châu Linh vừa nói. Chàng cho rằng hai ngọn lửa trên bình rượu là hình thái cực nở hoa thành lửa, lửa thái âm và lửa thái dương đang nung nấu cho nhau. Uống cạn hai chung, chàng nhẹ nhàng trở lại phòng Châu Linh.

Khi đi qua phòng khách, chàng thấy Kim Ngọc và Dương Liễu còn “vật lộn” với mấy chữ nho, và không thấy chàng trở lại cùng Châu Linh. Hôm nay Dương Liễu tập viết bài thơ Đường Hoài thủy biệt hữu mà trước kia Lưu Bằng đã viết tặng nàng: Dương tử giang đầu dương liễu xuân,/Dương hoa sầu sát độ giang nhân… Nàng cũng đem khoe với Kim Ngọc thủ bút của Lưu Bằng mà lúc nào nàng cũng mang theo. Kim Ngọc nhận xét:

– “Nhìn vào bài thơ và nét bút, chị phải nói rằng anh ta yêu em chân thật nhưng cũng là người làm em khổ tâm nhiều lắm vì “sầu sát” theo chị là rất sầu nhưng lòng em không cảm thấy chút gì ân hận”.

Dương Liễu mỉm cười không nói, anh nàng có lần cũng nhận xét xa xôi như thế .

Lúc đó Dương Lý đã vào phòng của Châu Linh và cài then lại. Trong chốc lát rượu quý phát huy tác dụng, và như một kẻ háu ăn, chàng vồ lấy Châu Linh, trút bỏ y phục của nàng rồi ngấu nghiến bộ ngực nhô cao và căng tròn và kéo nàng ra cạnh giường, gác đôi chân thon dài của nàng trên hai cánh tay đã nắm chặt hai cổ tay nàng rồi ấn dương quản nóng đỏ vào chỗ giao nhau của cặp đùi trắng trẻo mịn màng, hông chàng tấn vào mông nàng tròn trịa và họ bắt đầu cuộc hành lạc trong tiếng rên rỉ của Châu Linh.

Bên ngoài, Dương Liễu cũng vừa viết xong bài thơ và đưa cho Kim Ngọc xem lại. Kim Ngọc không tiếc lời khen ngợi nét bút của Dương Liễu tuy không bay bướm nhưng rất chân phương. Sau đó, chị dâu em chồng mỗi người ăn một chén chè hạt sen và ai về phòng nấy, khoảng giữa giờ hợi.

Dương Liễu về phòng lòng buồn vời vợi, nàng cuộn hai bài thơ của Lưu Bằng và của nàng lại với nhau cất vào tủ, nằm khóc một lúc vì thương nhớ người xưa. Không biết bây giờ chàng ở đâu, đã về lại Thiên Lương chưa hay đã quên nàng trong khi nàng vẫn ngày đêm mong đợi. Rồi nàng ngủ thiếp đi, nước mắt còn đọng trên đôi má trắng hồng. Chưa bao giờ nàng buồn và đẹp như lúc này, với thân thể cân đối và nở nang hơn. Chắc đêm nay nàng lại gặp chàng trong mộng. Phần Kim Ngọc thao thức không ngủ được vì chờ đợi khi Dương Lý có thể đến bất ngờ và nàng cũng không cài then cửa phòng mình. Sau cùng không thể đợi thêm, nàng thầm thì đọc lại kinh Bát Nhã để định tâm trước khi vào giường. Kinh này nàng thuộc lòng từ hồi còn nhỏ: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách… Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức phục diệc như thị….” Phải, chàng không đến cũng như có đến ! Sự tự kỷ ám thị ấy làm Kim Ngọc biến kinh kệ thành thuốc an thần và sau đó nàng đi vào giấc ngủ an lành. Đêm hôm đó, Dương Lý không đến với nàng: chàng ở lại vui vầy với Châu Linh.

Đến cuối giờ sửu ‘cái đó’ của Dương Lý vẫn giữ nguyên kích cỡ đáng sợ, như một cái dùi trống nóng đỏ, Châu Linh lúc đó như một cái mền cũ bèo nhèo, nằm sấp mình trên chiếc gối bông bất động, phần thân dưới từ eo đến mông nhô cao, tóc rối xổ tung trên lưng như bờm ngựa, trong khi Dương Lý không ngừng công kích từ phía sau, có lúc ghì chặt cái bờm. Lần này Châu Linh rên rỉ không chỉ vì khoái cảm mà còn vì cảm giác khó chịu và đau ê ẩm. Nhưng nàng vẫn hài lòng vì đêm nay Kim Ngọc đã bị loại khỏi cuộc chơi và nàng có hơn một cơ may để làm mẹ. Thật ra nàng không muốn nhìn vào tình cảnh gây ức chế cho nàng, vì thế nàng nhìn qua chỗ khác: nàng nhìn qua Kim Ngọc và ganh đua với vợ cả. Dù vậy khi còn một mình giữa đêm khuya, Châu Linh nằm nhìn bóng nàng trên vách và bất chợt lòng nàng thổn thức hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Từ lâu rồi, chồng nàng đã biến việc hành lạc giữa vợ chồng thành một việc cưỡng dâm. Phần Dương Lý sau cuộc chơi đã lui về thư phòng và chỉ trong một canh giờ nằm ngủ chàng lại khoẻ khoắn như không có gì xảy ra. Vậy rượu Thắng Dương là rượu thần hay rượu quỷ?! Sáng hôm sau chàng đủng đỉnh ra công đường, phong thái uy nghiêm của một nho quan, không ai biết chàng đã trải qua một đêm âm-dương giao chiến.

 
 

(Xem tiếp Chương 8)

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn