NHỮNG VIÊN GẠCH LÓT ĐƯỜNG

Lịch sử thật là lịch sử của những tâm hồn
(La vraie histoire, c'est l'histoire des âmes)
Charles Péguy


1.

Thành Nam

 
 
 

Như đã thành một thói quen, sáng nào Minh Nhật cũng ăn mặc chỉnh tề, đi bộ từ nhà trọ của chàng đến quán cà phê Ngân Thanh nằm trên một con đường chính của thị xã. Chàng thong thả bước đi trên một vĩa hè khá rộng dưới những hàng cây me tây tán lá rộng với những cành cao chồm ra mặt đường. Trời đã vào thu thỉnh thoảng có những cơn mưa đêm và buổi sáng khi chàng đi qua một vài giọt nước trên cây bị gió lay rơi xuống người chàng; cái cảm giác lạnh lạnh của nước làm chàng càng cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn trong lòng mình giữa một thành phố còn xa lạ. Hôm ấy vĩa hè được cơn mưa đêm lau sạch và lần đầu tiên chàng nhận thấy vừa qua những viên gạch lót đường đã được thay mới. Con đường này, một trong những con đường chính của thị xã Nam Định khiến chàng cảm thấy ngày một thân quen, gần gũi: những viên gạch lót đường, những cây me tây xanh lá, những cây cột đèn ốm yếu mỗi tối chiếu ánh sáng vàng vọt, những căn nhà phố nhìn nhau qua con đường tráng nhựa, những hàng ăn nhếch nhác bán thức ăn điểm tâm ở đầu mỗi con hẻm … Nhưng cùng với cảm giác thân quen ấy là một cảm giác lạc loài, xao xuyến giữa một khung cảnh thờ ơ không biết có chàng.
Chàng đã về đây được sáu tháng, làm nhân viên kế toán cho một hãng đại lý bán các máy nổ và phụ tùng chủ yếu là máy ô tô. Người chủ hãng là một người chú họ xa đã kêu chàng về phụ giúp ông ngay sau khi chàng đỗ bằng thành chung. Việc ghi chép sổ sách vốn là một công việc buồn tẻ và nhàm chán vì thế trong những lúc rỗi việc chàng thường lấy một vài cuốn sách đem theo để đọc. Chàng tìm được trong một hiệu sách cũ những cuốn sách của các nhà văn lãng mạn mà chủ hiệu sách giấu kín chỉ khi được hỏi đến, ông ta mới đưa ra với giá khá cao. Kể từ khi Việt Minh cướp chính quyền từ tay quân phiệt Nhật đến nay đúng bốn năm đã trôi qua, và dù không công khai tuyên bố, nhưng những sách báo của các nhà văn Tự lực văn đoàn đã bị coi là sách phản động; chỉ có một thứ lãng mạn được chính sách văn hoá của Việt Minh khuyến khích là lãng mạn cách mạng. Thứ lãng mạn này đào mồ chôn những thứ lãng mạn khác. Vả lại các nhà văn trong Văn Đoàn ấy mà còn tham gia Quốc Dân đảng có nói gì hoặc làm gì thì cũng là phản động.
Minh Nhật chưa bao giờ tự hỏi vì sao chàng say mê văn chương lãng mạn. Có một lý do xa xôi mà chàng không để ý là chính tâm hồn sùng đạo Thiên Chúa của chàng. Hình ảnh những cô thiếu nữ diễm kiều, mơ màng trong sương khói mà các chàng hiệp sĩ thời trung cổ châu Âu yêu mến tôn sùng với một tình yêu lý tưởng thoát tục, với một khoảng cách linh thiêng không được phép vượt qua chẳng phải là những hoá thân trong đời thường của Đức Mẹ Maria mà các tín đồ sùng kính hay sao? Hoá ra văn chương lãng mạn đã vô tình đụng chạm đến chỗ sâu thẳm của tâm hồn chàng và có nền tảng là thần bí thuyết tôn giáo mà chàng không hay biết … Nhưng chủ nghĩa lãng mạn ở Việt Nam không có thần bí thuyết ấy và có lẽ chỉ có … trong tiểu thuyết.
Minh Nhật bước vào cửa quán Ngân Thanh qua một hàng rào có những dây hoa ti-gôn nở rộ. Chàng tìm đến một cái bàn trong góc dưới gốc cây, kêu một ly cà phê đen, nhìn qua cô chủ tuổi vừa đôi chín thường mặc áo hoa, tay phồng, cổ lá sen, rồi chàng đốt một điếu thuốc Gaulois, mở tờ báo ra đọc ngay những tin tức trong ngày. Sau đó chàng không còn để ý điều gì khác, kể cả việc người bưng cà phê đến cho chàng là “cô bé” Ngân hay là bố cô ta, một người trung niên thường mặc quần dài và áo sơ mi không ủi.
Bên Trung quốc, Cuộc chiến tranh giữa đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng đã bước vào năm thứ ba, và trong năm 1949 này chắn chắn Cộng Sản Trung Quốc sẽ tiến chiếm toàn thể đại lục. Còn tại Việt Nam, sau chiến dịch Việt Bắc 1947, Việt Minh đang củng cố chiến khu miền Tây Bắc chuẩn bị cho những chiến dịch lớn sau này mà mục tiêu trước mắt là tiến về Hà Nội và giải phóng toàn thể Miền Bắc. Những tin tức trên báo ấy làm chàng phải thở dài: liệu cơn đại hồng thủy chính trị và quân sự lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa có dừng lại ở biên giới Việt-Hoa hay sẽ tiếp tục tràn xuống Việt Nam và đất nước này có tránh được số phận làm bãi chiến trường, hay vũ đài ý thức hệ cho cuộc đọ sức giữa hai lực lượng tư bản và cộng sản mà lực lượng Việt Minh là một đạo quân tiền phong ở phương Nam của châu lục này trong phe Cộng Sản?
Tiếng thở dài chưa dứt và câu hỏi còn bỏ lửng lơ chưa có lời giải đáp thì trước mắt Minh Nhật một chàng thanh niên kéo ghế đến ngồi đối diện với chàng và nói:

“Làm gì mà thở dài não nuột thế Minh Nhật?”
Minh Nhật vô cùng ngạc nhiên vì có người gọi đích danh chàng, chàng rời mắt khỏi tờ báo, ngước nhìn lên. Trước mặt chàng là Duy Lực, một người bạn học cu ở trường Thăng Long mà từ khi rời trường chàng không gặp lại, chàng kêu lên:
“A, Duy Lực phải không? Sao bạn lại có mặt ở đây? Nghe nói bạn làm giám th? cho một trường Tây ở Hà Nội, dạy con cái mấy quan chức người Pháp ở xứ này…” “Đúng thế, và cậu quên là đang kỳ nghỉ hè của các trường sao?”
“Mình quên mất việc nghỉ hè…”
“Thế còn cậu, cậu làm gì ở đây ?”
“Từ khi ra khỏi trường, mình về đây gi? sổ sách kế toán cho một ông chú họ buôn bán hàng cơ khí. Thế cậu đã có vợ con gì chưa?”
“Hỏi hay đấy, nhờ làm giám thị trường Tây mà mình lấy được vợ đầm. Số là trong trường có một cô giáo người Pháp còn son ở trọ gần trường. Chúng tớ quen nhau rồi yêu nhau, thỉnh thoảng lại ngủ với nhau và sau cùng chúng tớ đã kết hôn. Năm nay là niên khoá cuối cùng của cô ấy tại Việt Nam sau đó hai chúng tớ sẽ qua Pháp. Bố mẹ cô ấy đã chuẩn bị sẵn việc làm cho tớ, cả chỗ ăn chỗ ở nữa. Sang năm là từ biệt Việt Nam…” “Thế thì tốt quá, phần mình thì vẫn như ngày nào, chưa tìm được một người bạn đời ưng ý…”
Bất chợt cả hai đều im lặng, có lẽ Duy Lực cho rằng khoe chuyện hôn nhân với một người còn cô đơn là điều không thích hợp. Phần Minh Nhật, chàng nghĩ bạn mình may mắn vì sắp thoát khỏi một đất nước đang lâm vào một cuộc chiến lâu dài khi cả hai người đều chơ vơ giữa hai chiến tuyến.
Hồi ở trường Thăng Long, phong trào vận động cách mạng của CS trong giới học sinh tuy sôi sục ngấm ngầm nhưng có lần Duy Lực nhận xét cùng Minh Nhật, “Mấy tay Mác-xít không kêu gọi tớ với cậu tham dự cuộc vận động của họ, cậu có biết tại sao không? Dù bố tớ là một ông quan tri huyện của Nam triều, ‘cốt tinh’ là nho và Phật, nhưng họ biết tớ chủ trương Pháp-Việt đề huề nếu không nói tớ thích Tây, còn ngạo mạn xưng mình là người đi theo đường lối của cụ Phan Châu Trinh. Phần cậu thì đáng sợ hơn vì là một người sùng đạo Chúa mà hữu thần của cậu không cùng một phả hệ với họ nhưng thuộc một phả hệ khác…” Lúc đó Minh Nhật đã bẻ lại, “Thế tại sao họ đã cho Đỗ Thành Luân và Mạc Xuân An, những trí thức thân công giáo tham gia.” Duy Lực đáp lại, “Vấn đề là bạn có chấp nhận vô thần Mác-xít như một nhân sinh quan và vũ trụ quan tiếp nối với tư tưởng truyền thống Nho-Phật, đúng hơn tư tưởng Nho-Phật-làm-bề-tôi (và làm quan) để biến hợp thể của các triết học ấy thành một vũ khí tư tưởng và chính trị phù hợp với nếp nghĩ lâu đời của dân chúng chịu sự giáo hoá cằn cỗi của Nho-Phật, nghĩa là sau cùng vẫn là vấn đề phả hệ như Nietzsche đã nói.” Lúc ấy, Minh Nhật không tranh cãi nữa vì chàng chưa đọc triết gia Nietzsche và không biết ông ấy bàn gì về phả hệ trong triết học của ông ta. Một lúc sau, Duy Lực nói:
“Mỗi lần cậu đọc báo rồi thở dài như lúc nãy cũng vô ích thôi. Rồi đây cơn đại hồng thủy Mác-xít ấy sẽ từ phương Bắc vượt qua biên giới tràn xuống nơi này và sau đó xuống tận Mũi Cà Mau. Cậu liệu mà giữ lấy thân…”
“Quan điểm ấy là của cậu ?”
“Không phải của tớ” Duy Lực đáp lại ngay.
“Vậy của ai mà cậu tin chắc như thế?”
“Của Nhà Tiên Tri”
“Nhà tiên tri nào?”
“Tớ không được phép tiết lộ,” rồi Duy Lực nói luôn, “Nhưng thôi hãy nói chuyện hiện tại. Tại sao tớ về đây, tớ có một bà chị sống ở thành Nam, chồng làm ty địa chính và bốn người con đã lớn gọi tớ bằng “cậu nhỏ”, một cô cả cựu học sinh trường Quốc Học Huế, hiện là sinh viên trường y Hà Nội. Cô thứ hai năm nay vừa xong trung học, một cậu áp út và một cô gái út. Nếu cậu không ngại tớ sẽ giới thiệu cậu cho con bé thứ hai của chị tớ. Biết đâu sau này tớ được cậu gọi bằng “cậu nhỏ” cũng nên. “Nhưng mà…”
“Không ‘nhưng’ gì cả, cuối tuần này, tớ sẽ dẫn cậu đến nhà chị tớ. Tý nữa cậu phải cho tớ biết nơi ở của cậu tớ sẽ lấy xe đạp hoặc thuê xe kéo đến đón…”
Hai người bạn sau đó còn nói thêm một vài câu chuyện của họ, nhắc lại một vài kỷ niệm lúc còn học chung trường. Rồi họ chia tay: Minh Nhật về hãng buôn của người chú họ, Duy Lực đi đến nhà một cô nhân tình mà anh chàng đã mồi chài được trong kỳ nghĩ hè năm ngoái và giờ đây muốn gặp lại lần cuối bởi còn tiếc rẻ trước khi phải lặng lẽ chia tay qua Pháp lấy vợ đầm.

Sáng chủ nhật, Duy Lực kêu xe kéo đến nhà trọ của Minh Nhật để đưa bạn đến nhà chị mình. Lúc đó Minh Nhật đã ăn mặc chỉnh tề vì mới trở về từ một nhà thờ gần đó sau giờ thánh lễ. Minh Nhật thấy Duy Lực vẫn như mọi khi tóc chải bóng lộn với dầu bóng, quần áo có vẻ hơi nhàu, và khuôn mặt có vẻ đờ đẫn như người mất ngủ. Hai người bạn cùng ngồi trên một chiếc xe kéo đến nhà ông bà Lại Cửu. Trong lúc xe chạy, Duy Lực nói với bạn, “Đêm hôm qua tớ ở lại nhà cô tình nhân, một cô ả làm trong xưởng dệt nên có ngủ nghê được đâu … ả đòi tớ phải hứa cưới ả mới cho tớ tận hưởng…” Minh Nhật không nói gì vì đã biết rõ tính trăng hoa của bạn. Một lúc thì xe đã đến nơi. Khi bước vào phòng khách, hai người thấy hai ông bà Lại Cửu như đang chuẩn bị đi ra ngoài. Bà Lại Cửu nói với cậu em:
“Chao ôi, cậu đi chơi với bạn bè nào mà đi cả đêm thế?”
“Tối qua em ăn nhà hàng với một vài người bạn, rồi đi chơi loanh quanh. Đến khi muốn về nhà chị, thấy muộn quá nên thôi đành phải ngủ lang ở nhà một nhà người bạn.” Rồi Duy Lực nói tiếp, “Em xin giới thiệu với anh chị đây là Minh Nhật bạn học cũ ở trường Thăng Long, nay đang làm cho hãng cơ khí tại thị xã này, bạn em muốn đến chào anh chị, biết đâu sau này phải nhờ anh chị mai mối cho một nơi…”
“Thế tối hôm qua, cậu có đi chơi chung với Duy Lực không?” Bà Lại Cửu hỏi Minh Nhật.
Minh Nhật chưa kịp trả lời thì Duy Lực đã đáp thay:
“Không chị ạ, bạn này thì hiền như cục bột chẳng biết ăn chơi vì thế mới cần mai mối.” Nói xong Duy Lực cười hể hả. Sau đó chàng hỏi lại chị:
“Có Lãm Trang ở nhà sáng nay không chị?”
“Không, nó đi thăm một người bạn ở bệnh viện, chắc trưa mới về. Cậu hỏi nó có việc gì?”
“Không có gì, em chỉ muốn mượn mấy cuốn truyện để đọc … mà anh chị sắp đi đâu thế ?”
“À, tí nữa anh chị đi ăn giỗ ở Phủ Lý. Ở nhà chỉ có thằng Phước và con Ly, trưa nay em ăn cơm với hai đứa nó. Bây giờ em đưa bạn lên gác chơi với thằng Phước đi. Anh chị còn chuẩn bị đi kẻo muộn.”
Minh Nhật nhận thấy trong lúc bà Lại Cửu nói chuyện với người em, ông Lại Cửu nhìn chằm chằm vào chàng để quan sát.
Duy Lực dẫn Minh Nhật đi qua phòng khách đến cầu thang. Trên lầu có một gian trống dành cho thằng Phước, con trai duy nhất của gia chủ, hai phòng ở hai bên hành lang, một của con Ly, một của Lãm Trang. Lúc đến đầu cầu thang, thấy thằng Phước đang đứng chào, Duy Lực hỏi nó: “Chị Trang cháu nhiều bạn trai không?”
“Cháu không biết?” nó đáp.
Sau đó Duy Lực đẩy cửa phòng Lãm Trang dẫn chàng vào và nói:
“Phòng này của ‘đối tượng’ đấy. Mỗi lần tớ về đây Lãm Trang phải sang ngủ nhờ phòng con Ly để nhường phòng cho ‘cậu nhỏ’ ”.
Trong lúc Minh Nhật đứng ngơ ngác ở giữa phòng thì Duy Lực tiến lại khung cửa sổ nhìn sang khu vườn sau nhà bên cạnh râm mát với những cây dừa và cây bưởi. Rồi chàng quay lại chiếc giường sắt có tấm nệm dày đủ để hai người nằm, ngả lưng vào một đầu giường và nói: “Cậu tìm sách trên kệ mà đọc chờ Lãm Trang về để tớ giới thiệu hai người với nhau. Bây giờ tớ phải ngủ một tí: đêm qua ‘âm dương giao chiến’ với cô ả đến rã rời.” Nói xong Duy Lực nhắm đôi mắt lại chờ giấc ngủ ngày.
Minh Nhật nhìn kỹ khuôn mặt bạn, chụp lấy hình ảnh ấy vào ký ức chàng. Sau này nhớ lại chàng thường tự nhủ: “Hắn đẹp trai như một tài tử Mỹ”.
Rồi chàng nhìn qua một lượt khuê phòng của một thiếu nữ tuổi vừa mười chín. Một bức màn màu vàng nâu cột lại bằng một nơ vải hồng nơi cửa sổ, hai bức tranh phong cảnh và một chân dung của Valentino, trong khăn áo của một Hồi vương, cắt từ báo Pháp, một kệ treo đựng sách gần cái bàn học trên có bình hoa, một cái ghế dựa. Chàng đến gần bàn học chợt nhận thấy trên mặt bàn có ghi bằng mực nét chữ đã mờ bằng tiếng Pháp: J’aime Qui? (tôi yêu Ai? Hoặc tôi có yêu anh Qui không?) Nét dấu hỏi viết to còn nhìn rõ. Không có ý kiến gì về câu viết ấy nhưng chàng cũng mỉm cười, quay nhìn kệ sách lấy một cuốn tuyển tập thơ tiếng Pháp của nhà xuất bản Hachette. Rồi chàng đến ngả lưng vào đầu giường bên kia hai chân ngược chiều và song song với đôi chân dài của bạn.
Minh Nhật đọc từ những trang đầu, từ thơ của Villon đến Ronsard, nhưng được bảy tám bài chàng cảm thấy mắt mình lim dim. Cơn gió mát ban mai từ cửa sổ thổi vào làm chàng thiu thiu ngủ. Những ngày chủ nhật ở nhà trọ sau khi đi nhà thờ về, dọn dẹp căn phòng và ăn sáng xong chàng cũng hay nằm đọc sách và nghỉ ngơi. Chàng gọi đó là một ngày rỗi việc của một anh chàng lười biếng. Nhưng trang sách không còn được bàn tay giữ lại đã được gió lật nhanh và dừng lại ở bài son-nê của Arvers, rơi úp xuống nệm giường.
Khi chị Tám giúp việc lên gọi ‘cậu nhỏ’ xuống dùng cơm, hai người bạn giật mình thức dậy, lúc ấy Lãm Trang vẫn chưa về. Duy Lực sửa sang lại quần áo và nói với bạn:
“Cậu cứ ở lại ăn cơm rồi lên lại phòng này chờ Lãm Trang về, tớ có việc phải đi gấp: tối hôm qua tớ có hẹn với cô ả đến nhà máy dệt đưa cô ả đi ăn trưa. An xong cô ả vào làm tiếp ca chiều, tớ sẽ quay lại với cậu.” “Có lẽ mình cũng về luôn thôi, việc gặp cháu gái cậu để hôm khác. Mình ở đây một mình bất tiện lắm.” “Không sao đâu. Để tớ nói với chị Tám giúp việc cậu ở lại chờ tớ. Chị mình đi ăn giỗ ở Phủ Lý chắc chiều tối mới về.”
Minh Nhật chưa kịp phản đối thì Duy Lực đã chạy như bay ra khỏi nhà. Chàng miễn cưỡng xuống nhà dưới dùng bữa với con Ly và thằng Phước, nói với chúng một vài câu chuyện về trường học. Khi uống nước trà chàng nói chuyện với chị Tám trong lúc chị đang loay hoay dọn dẹp. Chàng thấy chị Tám rất quý Duy Lực vì lần nào về thăm bà Lại Cửu, Duy Lực đều cho chị ít tiền ăn quà.
Nửa giờ sau chàng lại lên phòng Lãm Trang, nằm vào chỗ cũ, lấy cuốn sách lên đọc tiếp, lòng băn khoăn tự hỏi, “Cô bé này đi những đâu mà giờ này vẫn chưa thấy về…” Nhưng những câu thơ của Arvers đã đưa chàng đi vào một thế giới khác của thi ca và mơ mộng. Chàng đang định đọc lại bài thơ lần thứ ba để chất thơ ngấm vào người chàng, thì một tiếng con gái trong trẻo từ cửa ra vào phía sau đầu chàng vang lên:
“Cháu chào cậu ạ…”
Minh Nhật giật mình ngồi dậy. Trước mặt chàng là một thiếu nữ xinh đẹp mặc quần tây đen và áo kiểu màu xanh rêu đang thẹn thùng vì sự nhầm lẫn của mình, nàng nói:
“Cháu xin lỗi, cháu cứ tưởng là cậu Lực cháu.”
“Cậu ấy có việc phải ra ngoài, chốc nữa sẽ quay lại. Vậy em là Lãm Trang cháu của cậu Lực?”
“Vâng thế còn chú …”
“Gọi bằng ‘anh’ thôi. Tôi là Minh Nhật bạn học cũ của Duy Lực.”
Lãm Trang tự nhủ, “Thì ra đây là anh chàng mà cậu Lực đã muốn giới thiệu với mình. Thế mà hôm nay mình quên mất, bắt hai người phải đợi. Sau một khoảng im lặng để cả hai điều chỉnh tâm lý, Lãm Trang nói tiếp:
“ Trang xin lỗi vì để anh Nhật phải đợi. Sáng nay Trang đến bệnh viện thăm một người bạn bị xuất huyết bao tử đang nằm điều trị và ở lại chơi với cô ấy cho đến khi người nhà cô ấy vào mới về.”
Minh Nhật nghĩ bụng, “Ôi chao, cũng có lòng thương người,” rồi chàng nói tiếp:
“Không sao đâu… trong lúc chờ đợi tôi được nằm nghỉ và đọc lại thơ Tây… mà sao Trang cứ đứng thế, ngồi xuống ghế đi chứ.” Đó là cái ghế duy nhất ở bàn học; về phần mình, Minh Nhật vẫn ngồi yên trên giường.
Lãm Trang dịu dàng bước tới ngồi xuống ghế, hai đùi khép lại kín đáo, nàng cởi cái kẹp nhôm để mái tóc ngang lưng xổ ra, một nửa mái tóc chạy dài xuống lưng, nửa kia ở phía trước một bờ vai . Động tác ấy của nàng như một điệu múa nhẹ nhàng làm cho Minh Nhật xúc động vì nó làm nổi rõ vẻ duyên dáng và đường nét gợi cảm của nàng. Vừa yên vị trên ghế, nàng nói tiếp:
“Tuyển tập ấy là của cậu Lực cho Trang. Trang thích lắm và đã đọc đi đọc lại nhiều lần… Anh thích nhất bài thơ nào?”
“Khó trả lời quá nhưng bài đang đọc thì quá tuyệt…”
“Bài gì vậy ?”
“Bài son-nê của Félix Arvers.”
“Trang cũng thích bài ấy nhưng không hiểu sao anh chàng trong thơ nhút nhát quá…”
“Không phải nhút nhát đâu, theo tôi nghĩ anh chàng ấy có một tình yêu say đắm và đơn phương với một thiếu phụ đã có chồng nên không thể bày tỏ tình yêu một cách nào khác bằng một bài thơ kín đáo xa xôi…”
“Quá kín đáo đến nỗi thiếu phụ trong thơ không biết bài thơ nói về mình…” Lãm Trang tiếp lời.
“Đúng đấy, chính sự vô tâm của cô nàng càng làm cho tình đơn phương của anh chàng thêm tha thiết mãnh liệt nhưng cũng rất vô vọng, nên có một tác giả Việt Nam dịch bài thơ ấy dưới nhan đề Tình tuyệt vọng.” “Anh Nhật đọc cho em nghe bài dịch ấy đi?”
“Trang nghe nhé:

Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Lặng câm lòng nặng sầu tư,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Hỡi ơi, người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân.
Dù ta đi trọn đường trần,
Tình thơ đâu dám một lần hé môi.

Nàng luôn hiền thục tính trời,
Thờ ơ đâu nghĩ có người si mê.
Đoan trang đúng mực đi về,
Không nghe thỏ thẻ lời quê tỏ tình.

Thơ này riêng tặng giai nhân,
Thế nhưng nàng lại vô tâm hững hờ.
Hỏi rằng người đẹp trong thơ,
Là ai thế nhỉ?…Đâu ngờ là ai.

Đọc xong bài thơ dịch, Minh Nhật nói tiếp:
“Hôm nào tôi sẽ chép lại bài dịch ấy cho Trang.”
“Vâng nhờ anh chép lại giùm, em sẽ đến lấy ở nhà anh…”
Lãm Trang nói và trong lòng nàng tự nhủ, “Anh chàng này thú vị đấy chứ, đôi mắt dịu dàng như phụ nữ còn nụ cười… lại có tâm hồn nữa.” Rồi một cảm xúc nhẹ nhàng như sương khói len lỏi vào lòng nàng, từ lúc đó câu chuyện của hai người trở nên tự nhiên, thoải mái. Sau đó Lãm Trang nhờ chàng giải một ô chữ trên báo Paris Match mà có hai cột nàng không sao điền cho đầy đủ. Lúc ấy nàng phải cầm tờ tạp chí đến ngồi trên nệm giường bên cạnh Minh Nhật cách một khoảng chừng hơn một gang tay. Cơn gió nhẹ từ cửa sổ thổi vào và Minh Nhật cảm nhận một mùi hương nhè nhẹ từ tóc và người nàng toả ra. Chàng thấy mình hồi hộp khi nhìn ngang khuôn mặt của nàng với sóng mũi thẳng cao, môi đậm nét và hàng mi cong. Chàng không mất nhiều thời gian để giải xong ô chữ. Lãm Trang vô cùng thích thú trước ô chữ đã được giải xong. Rồi một cách thật tình cờ, chàng lật sang một trang báo khác với ảnh một khu vườn có lẽ là vườn Tuileries ở đó năm đứa trẻ chạy đuổi nhau, chàng liền nói với Lãm Trang:
“Trang xem, trong năm đứa trẻ này có hai đứa là anh em ruột, đố Trang là hai đứa nào?”
Nàng cầm lại tờ Paris Match, nhìn kỹ bức hình trong trang báo, suy nghĩ nhưng thật ra trong lòng xao xuyến không thể tập trung để tìm được lời giải: “Trang chịu thua chưa?” Mấy phút sau, Minh Nhật nói đồng thời chàng nghe thấy tiếng Duy Lực đã về nhưng còn lẩn quẩn ở dưới nhà như để cho chàng và Lãm Trang được thoải mái tiếp tục câu chuyện của lần đầu gặp gỡ. “Trang chịu thôi…” nàng đáp bẽn lẽn và bực dọc với chính mình.
"Này nhé trong năm đứa bé đang chơi chung với nhau khuôn mặt và áo quần khác nhau, chỉ có hai đứa chạy ở giữa một lớn, một nhỏ khuôn mặt hơi giống nhau lại mặc quần áo kiểu giống nhau và cùng màu, chắc chắn là hai anh em ruột.”
“Anh nói có lý.” Lãm Trang ngạc nhiên nói.
Lúc đó Minh Nhật nhìn thẳng vào nàng và nói:
“Anh muốn làm bạn với Trang hoặc coi Trang như em gái, Trang nghĩ thế nào.”
“Trang cũng muốn có một người anh như anh…” giọng nàng run run vì tâm hồn nàng đã bắt đầu rung động.
“Thế thì thỉnh thoảng mình phải gặp nhau em nhé.”
“Vâng, nhưng em cũng phải nói với anh trước bố mẹ em rất khó…”
“Anh biết nhưng em cứ yên tâm vì anh sẽ luôn tôn trọng em và giữ đúng cương vị của mình.”
Họ ngồi yên lặng nhìn nhau một lúc trong khi Duy Lực vào phòng kết thúc lần gặp nhau đầu tiên. Hai cậu cháu trao đổi một vài câu về gia đình. Rồi Duy Lực đưa bạn về nhà trọ. Lúc ấy mặt trời bắt đầu xế bóng.
Suốt buổi tối hôm ấy đến tận giữa khuya khi nàng ngủ thiếp, một xúc động hoan hỉ nhẹ nhàng giống như một nỗi bâng khuâng tràn ngập tâm hồn Lãm Trang. Nàng nhớ lại đôi mắt đẹp như của phụ nữ trên khuôn mặt đẹp trai của Minh Nhật. Đó là đôi mắt của một tâm hồn đa cảm phảng phất vẻ đam mê. Và một nụ cười tươi của chàng phảng phất một nỗi sầu muộn.
Ba ngày trôi qua, Minh Nhật cảm thấy chàng đang mong đợi. Lãm Trang ư ? Đúng thế, nhưng tại sao và để làm gì? Vì một điều mơ hồ nào đó nhưng không thiếu sự mãnh liệt. Ngày thứ tư, vừa ăn cơm chiều xong, định kéo ghế ra lan can ngồi hóng mát, chàng nghe thấy tiếng người bước lên cầu thang chung của nhà trọ. Hôm ấy là ngày thứ bảy, những công nhân thuê các phòng bên cạnh đã quay về nhà ở các huyện xa, khu nhà trọ trở nên khá vắng vẻ. Lãm Trang bước vào phòng với quần sa đen và áo kiểu màu vàng nhạt. Sau khi ngồi xuống ghế đối diện với Minh Nhật qua một cái bàn con, nàng nói:
“Em đi học may trên đường về ghé anh để lấy bài thơ dịch, anh đã chép lại cho em chưa?”
“Rồi, … nhưng em cũng phải đi học may sao?”
“Em thích nghề may với lại bố mẹ định lên Hà Nội lập một xưởng may nhỏ để may đồng phục cho các cơ quan trường học.”
Rồi bất chợt nhìn lên bức vách, Lãm Trang nhìn thấy một bức ảnh Chúa với một ngón tay chỉ vào trái tim, một khuôn mặt hiền hậu như đang mỉm cười với nàng. Bên trên treo một bóng đèn điện nhỏ như trái ớt màu đỏ, nàng hỏi:
“Anh là tín đồ Thiên Chúa hở ?”
“Phải, nhưng em có vẻ ngạc nhiên …”
“Không… chỉ vì cậu Lực không nói với em điều này bao giờ.”
“Cậu Lực em không thấy điều này có gì là nghiêm trọng cả,” Rồi Minh Nhật nói tiếp, “có lẽ vì điều này làm anh và cậu Lực em rất dễ thông cảm nhau và bị các phong trào gạt bỏ. Khi còn học trong trường Thăng Long, anh và cậu Lực gần như bị mọi phong trào yêu nước xa lánh. Có lần một bạn học chung trường, con trai quan tuần vũ Khánh Hoà người Hà Tĩnh còn nói vào thẳng vào mặt anh và cậu Lực, ‘Việc yêu nước và giành độc lập không phải việc của các anh, những kẻ theo Tây và theo đạo Tây’. Lúc đó cậu Lực vốn nóng tính đã đáp lại, ‘Việc ấy từ cội rễ cũng không phải của các anh vì liệu các anh có yêu nước bằng nông dân không, chẳng qua mệnh trời hay sử mệnh đang sử dụng các anh mà thôi.’ Sau đó cậu Lực kéo anh đi nơi khác để giải thích câu đáp lại của cậu…”
“Cậu em giải thích như thế nào?”
“Cậu em đã nói với anh, ‘Có những người nghĩ rằng mình làm chủ được lịch sử, là những người anh hùng có thể tạo nên thời thế, nhưng thật ra chính thời thế tạo ra những anh hùng phục vụ cho nó. Nguyên lý của lịch sử là một Ý-Chí ở trên ý muốn của mỗi cá nhân và Ý-chí-thần-thánh ấy sử dụng những ý tưởng, những học thuyết, lý trí, tình cảm, dục vọng và cả lòng yêu nước của con người (nếu có), cả khát vọng khiến con người đi tìm sự giải thoát trong tôn giáo để thực hiện ý định và mục tiêu của Nó.’Nhưng khi anh hỏi cậu Lực, ‘Mục tiêu ấy là gì ?’ Có lúc cậu em nói theo nho giáo là sự chiến thắng sau cùng của cái thiện trên cái ác để loài người được sống hoà bình và yêu thương nhau, tứ hải giai huynh đệ, người trong bốn bể đều là anh em; có lúc cậu em nói đó là bí mật không thể biết trước được. Và cậu em còn nói cuộc chiến sau cùng là giữa Đông và Tây, từ ngoại biên vào trung tâm thế giới nên trước mắt sử mệnh ưu tiên hình thành một đế quốc phương Đông, và có lẽ là Trung Hoa lục địa…”
“Cậu Lực cũng có nói với em những dự đoán xa xôi ấy. Nhưng cậu còn nói đó đó không phải là kiến giải riêng của cậu mà của nhà tiên tri nào đó.”
Lãm Trang ngừng lại một giây, rồi nghĩ mình cần phải bày tỏ quan điểm của nàng về đạo giáo để giải toả sự căng thẳng mà nàng không muốn có. Nàng nói tiếp:
“Để em kể cho anh nghe chuyện này. Khi còn bé em thường về thăm ông ngoại, có lần em được ngồi bên cậu Lực để nghe ông kể lại cuộc đời làm quan thanh liêm chính trực của ông như một bài học đạo đức để lại cho con cháu. Thời đó ông ngoại em là một tri huyện của Nam triều theo phái ôn hoà có một người bạn đồng liêu rất thân họ Nguyễn người xứ Nghệ làm tri huyện ở Bình Định. Một hôm lính lệ của ông tri huyện họ Nguyễn này bắt được một giáo dân ăn trộm mía. Ông ta ra lệnh lính lệ đánh đập tàn nhẫn tội phạm để như ông nói ‘răn đe cho kẻ tham lam và lười biếng’ đến nỗi phạm nhân ngất đi mấy lần, máu me đầm đìa cả người mà ông chẳng xót thương. Sau cùng ông tri huyện ấy sai một anh lính ghé vào tai phạm nhân hỏi, ‘Ai là đồng mưu của mày?’ Phạm nhân đâu còn tỉnh táo vì quá đau đớn chỉ thều thào, ‘Đồng mưu nghĩa là gì? Đồng mưu hả? Chúa ơi, Chúa ơi, con chết mất!’ Nguyễn tri huyện hét to, ‘Tao biết mà, Chúa của mày đồng mưu chứ còn ai…’ Rồi ông ra lệnh lính đánh tiếp mạnh hơn, tàn bạo hơn, trước khi cho người nhà khiêng phạm nhân về nhà. Một canh giờ sau, phạm nhân chết bởi một tội không đáng chết. Quan công sứ biết chuyện liền gởi thư cho Nam triều buộc phải ngưng chức Nguyễn tri huyện và truy tố ông ta tội cố sát. Triều đình cho gọi ông ta về, nhưng có ý bao che vì ông ta có những bạn đồng song làm quan trong triều và một người con trai học trường Quốc Học hay vào trong cung giao du với các hoàng tử và công chúa của vua. Chắc hẳn triều đình chờ cho vụ việc nguôi dần, bởi gia đình người chết không dám thưa kiện vì bị đe doạ, rồi sẽ tìm cách bổ nhiệm ông ta đi làm quan nơi khác. Thế nhưng Quan Thanh tra của toà khâm sứ nói rằng nếu không truy tố thì chí ít phải đuổi cổ ông ta ra khỏi quan giai về làm dân giả để làm gương cho các quan lại khác. Lần này triều đình không thể thoái thác buộc phải cách chức, đuổi việc ông ta. Nguyễn tri huyện một mặt xấu hổ với quê hương bản quán vì bị cách chức, mặt khác sợ còn nhiều hậu quả của việc ác mình làm nên đã chạy vào Long Xuyên. Vả lại ở quê ông người ta đồn rằng mặc dù ông là con chính thức của phú hộ họ Nguyễn nhưng thực ra ông là con của một gia sư họ Hồ, người Quỳnh Lưu đến nhà phú hộ dạy học và đã thông dâm với thứ thiếp của ông phú hộ. Trong hành trang ít ỏi mang theo, ông ta sắm cho mình một cái la-bàn, một tấm bản đồ địa hình và ông tự nhủ, “Tớ không thèm làm quan cho mấy thằng vua Nguyễn ươn hèn nữa nhưng tớ quyết tìm ra long mạch để dòng họ Nguyễn-Sinh này phát đế vương và một trong hai đứa con trai của tớ phải làm vua, giết hết mấy thằng Tây cùng mấy đứa theo tả đạo và đái lên đầu các vua nhà Nguyễn…” rồi ông ta thở dài nói tiếp với chính mình, “Nhưng trước mắt, Chúa của bọn dân ngu đang ‘kiếm chuyện’ để làm khó tớ. Đồ chết tiệt!”….
“Thế ông ngoại em có phản ứng gì về vụ việc đó ?”
“Ông ngoại em biết được vụ đó đã viết thư trách móc người bạn đồng liêu đã phá hoại chính giáo, vì theo ông ngoại quan lại phải trung với vua nhưng còn phải thương dân như con đẻ, phải lấy câu ‘dân vi quý’ của Mạnh tử làm quy tắc hành động, không để thành kiến làm mê mờ lương tâm và sau cùng với tính tình khí khái, ông ngoại đã đoạn tuyệt tình bằng hữu với Nguyễn tri huyện từ đó.”
“Ông ngoại em nói thật chí lý và theo đúng chính giáo, nhưng trong thực tế đa số kẻ làm quan không làm theo Mạnh tử mà theo sự ‘ngu trung’ của Tống nho. Quan lại ‘ngu trung’ với vua như trong câu ‘Quân xử thần tử thần bất tử bất trung’ còn lê dân thì ‘ngu trung’ với quan lại. Quan lại bảo phải giết đạo Tây thì dân cứ giết.” Ngừng lại một giây Minh Nhật nói tiếp, “Cậu Lực đã thừa hưởng tính ngay thẳng khí khái của ngoại em.”
“Cả em nữa chứ bộ…” Lãm Trang mỉm cười, nũng nịu nói.
“Ừ anh quên … em cũng thừa hưởng sự thẳng thắn và khí khái ấy” Minh Nhật nói nịnh.
Sau đó hai người nói về các nhà văn lãng mạn trong Tự lực văn đoàn. Hôm đó chàng cho nàng mượn mấy cuốn sách của Nhất Linh và Khái Hưng. Minh Nhật đã đưa nàng về một đoạn đường dọc theo sông Cái. Có những lần họ cùng nhau đi dạo bên bờ hồ Vị Xuyên hay ở một công viên gần đó. Sau khi chia tay Lãm Trang đi theo đường tắt về nhà. Tình yêu giữa hai người như một hạt mầm lớn nhanh nhô lên khỏi mảnh đất của tâm hồn họ khoe những lá non đầu tiên dưới ánh sáng trời. Họ thường có những lúc im lặng nắm tay nhau sánh bước để cảm nhận thuỷ triều của tình yêu ấy. Và trước khi chia tay, nàng để yên cho chàng nắm hai bàn tay nàng trong một phút khi nói lời tạm biệt. Anh mắt họ trao nhau cái nhìn âu yếm khó tả sáng lên dưới ánh đèn đường vàng vọt. Đêm hôm ấy trong giường ngủ nàng tự nhủ, ‘Nguy rồi Trang ơi, mi đã gặp một tình-yêu-sét-đánh thường thấy trong tiểu thuyết lãng mạn nhưng hiếm có giữa đời thường. Lạ thật, mi vừa vui mừng vừa mơ hồ lo lắng trước tình yêu ấy. Thôi đi, còn băn khoăn gì mà không giữ lấy tình yêu, mi hãy nghe theo lời con tim mách bảo dù mi chưa hiểu hết những lý lẽ của nó, còn sau này thế nào mi hãy để số phận an bài. Bây giờ chưa phải lúc mi trở thành người phụ nữ kiều diễm và thờ ơ trong bài son-nê của Félix Arvers được.’ Nghĩ đến đây nàng ngồi dậy khỏi giường lấy cây bút viết lên mặt bàn, bên dưới dòng chữ J’aime qui? Một chữ bằng tiếng Pháp le Soleil. Chữ này có nghĩa là ‘mặt trời’ mà chữ nho là ‘minh nhật’. Sau đó trở lại giường nàng nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Hôm Duy Lực về lại Hà Nội, Minh Nhật đưa bạn chàng ra bến xe và đến ch? làm muộn. Chàng gặp Lãm Trang ra tiễn ‘cậu nhỏ’ nhưng chỉ nói riêng với nàng một câu khen cái áo đầm đẹp của nàng vì hai cậu cháu nói chuyện với nhau hơi nhiều. Lúc lên xe, Duy Lực ghé vào tai bạn nói nhỏ, “Tớ gởi cháu gái tớ cho cậu, cố làm cho nó mến mộ cậu đấy,” rồi cười và vẫy tay chào. Lúc ấy chuyến xe bắt đầu lăn bánh. Từ đó Lãm Trang vẫn đều đặn ghé nhà trọ Minh Nhật bất cứ lúc nào nàng có thể. Đơn giản: nàng yêu, nàng hạnh phúc và nàng chờ đợi. Một tối nọ, chàng đưa nàng về và cùng nàng đi vào công viên một lúc. Đến một gốc cây to chàng dừng lại nắm tay nàng và nói:
“Anh có một việc muốn nói với em từ lâu, có lẽ từ lúc mới gặp em…”
“Việc gì mà có vẻ quan trọng thế ?”
“Phải, rất quan trọng: Anh muốn nói anh yêu em, rất yêu em.”
Lãm Trang cúi đầu không nói, nhưng vẫn để cho Minh Nhật nắm tay nàng. Minh Nhật hồi hộp nói tiếp:
“Trang có yêu anh không?”
“Em cũng yêu anh, nhưng thật tình em chưa nghĩ đến việc này.” Nàng đáp lại bằng một câu khó hiểu, rồi nói tiếp, “Vì bố mẹ muốn định cho em một chỗ.”
“Nhưng em vẫn muốn yêu anh chứ ?”
“Vâng, với tất cả tình yêu…” nàng nói trong lúc nhìn chàng âu yếm và lùi lại tựa mình vào thân cây.
Minh Nhật tiến theo và trong sự hứng khởi của tình yêu, đôi môi chàng áp sát và gắn vào đôi môi của Lãm Trang, mút lấy vị ngọt ngào của vành môi hồng mềm mại. Một cảm giác ngây ngất tràn ngập Lãm Trang. Họ ôm chặt nhau, hôn nhau say đắm như đôi tình nhân trong phim, nụ hôn mà nàng chờ đợi. Rồi nụ hôn của chàng xuôi theo chiếc cổ thon cao của nàng. Chàng hít thở một mùi hương thơm nồng từ tóc nàng toả ra. Sau đó họ đi vào một con đường vắng trong công viên, xa ánh đèn đường chỉ có ánh trăng mười bốn mở ra một không gian huyền hoặc. Đến một vũng nước, chàng bế xốc nàng qua rồi họ lại bước bên nhau đến ngồi trên một ghế đá dài tựa đầu vào nhau nhìn ánh trăng chiếu qua những khoảng trống lá cây lung linh và chỉ đủ sáng cho hai người. Chàng nói với nàng nỗi nhớ nhung dày vò chàng sau những lần nàng đến rồi về, làm cho tâm hồn chàng bất an như đi lạc vào khoảng không rời xa thực tại, hình ảnh nàng luôn quấn quyện bên chàng và tràn ngập xung quanh chàng và chàng chỉ mong sớm gặp lại nàng. Nàng im lặng không nói vì bối rối không biết diễn tả cảm xúc mình ra sao, nhưng sự im lặng ấy là sự đồng cảm thâm sâu nhất của nàng.
Sau đó, Lãm Trang nói:
“Em cũng không ngờ em đã yêu anh và em phải nghĩ em gặp một tình yêu sét đánh. Trước đây có những bạn cùng trường và con của nhũng người bạn bố em theo đuổi nhưng em không hề nghĩ đến một ai trong bọn họ và cắt đứt ngay, nhưng không hiểu sao với anh em lại không cưỡng được sức cuốn hút của tình yêu.”
“Em cuốn hút anh còn nhiều hơn thế.” Minh Nhật nói và hôn lên tóc nàng, bàn tay dịu dàng vuốt nhẹ tấm lưng thon thả của nàng.
Họ cùng hứa hẹn một tình yêu thủy chung và sau một nụ hôn dài, Lãm Trang nói:
“Thôi anh để em về kẻo muộn và bố mẹ em lại mắng cho.” Nói xong nàng ngồi thẳng dậy, đứng lên nắm tay chàng kéo ra khỏi công viên, trong lúc Minh Nhật nói: “Em thật quyến rũ và tuyệt vời. Em có biết anh yêu em từ dáng đứng, cách đi, giọng nói, tiếng cười không?” Lãm Trang đáp, “Em cũng yêu anh tha thiết”. Rồi họ im lặng đi dưới ánh trăng mà tưởng như bơi giữa cảnh vật ngập trăng. Đến cuối công viên, họbịn rịn chia tay mãn nguyện và hạnh phúc. Họ biết mình sẽ tiến vào cõi tình trước mắt và không chút ưu tư về những khó khăn hoặc trở ngại nào.


Việc ông bà Lại Cửu định cho con gái mình một nơi xuất giá là có thật. Sáng hôm ấy họ đến gặp ông bà Quý Trọng, một người bạn thân của ông Lại Cửu, chủ một nhà máy dệt ở Nam Đ?nh, như đã hẹn. Họ thống nhất hai gia đình sẽ tổ chức lễ hỏi và sau đó tiến hành lễ cưới trước cuối năm ấy cho Lãm Trang và Quý Dương, con trai ông bà Quý Trọng, hiện đang làm việc ở Hải Phòng. Sau đó ông bà Lại Cửu ở lại vui vẻ dùng cơm trưa với ông bà Quý Trọng rồi về.
Về đến nhà, lúc bà Lại Cửu định vào giường nằm nghỉ trưa một lát, con Ly đến gần mẹ và nói, “Mẹ ơi, con thấy chị Trang đi dạo trong công viên với anh Nhật bạn học của cậu Lực. Hai người nắm tay nhau có vẻ thân mật lắm.” Nghe xong bà nổi giận sao Lãm Trang của bà lại lẳng lơ đến thế. Rồi bà chợt nhớ lại gần đây bà thấy nó có gì hơi lạ và luôn tránh gặp mặt bà nhưng bà nghĩ phải bàn bạc việc này với chồng ngay trước khi hành động. Ông Lại Cửu quyết định phải gặp Minh Nhật để ngăn chặn mối quan hệ này trước khi nó đi quá xa. Vả lại gần đây ông biết được ‘một chuyện động trời’: Minh Nhật là một tín đồ đạo Chúa. Nghĩ đến đây ông cay cú nói một mình, ‘đồ chết tiệt’.
Sáng hôm ấy, Minh Nhật đang làm sổ sách trong phòng chàng, người bảo vệ vào báo chàng có khách. Vị khách ngồi đợi chàng ở phòng khách của hãng chính là ông Lại Cửu. Khi Minh Nhật bước vào, ông ra dấu cho chàng ngồi xuống ghế đối diện và nói luôn: “Tôi nghe nhà tôi nói thời gian vừa qua cậu và con Lãm Trang chúng tôi có hẹn hò quan hệ với nhau và chắc hẳn đã nảy sinh sự yêu đương luyến ái vì thế tôi muốn đến gặp cậu để cho cậu một lời khuyên.” “Bác cho một lời khuyên?” Minh Nhật lo lắng hỏi. “Phải, cậu đã không đủ tỉnh táo rồi… Lẽ ra cậu phải biết gia đình tôi quan niệm như thế nào về hôn nhân của con cái. Cậu phải biết gia đình tôi không chấp nhận sự tự do luyến ái và càng không chấp nhận con tôi lấy một người có đạo Chúa.” “Nhưng người theo đạo Chúa có tội gì mà bác lại có thành kiến và ác ý với họ.” “Tôi không cần biết điều đó. Cứ theo truyền thống từ xưa, vua quan triều đình nói họ có tội, phải gạt bỏ họ thì lê dân trăm họ phải nghe theo giống như chuyện một ông quan cỡi ngựa bị một con chó giữ nhà rượt đuổi làm con ngựa quẫn chân. Vị quan ấy bèn hô to, ‘chó dại, chó dại’. Lập tức người ở hai bên hàng phố trong đó có cả chủ nó cầm gậy đuổi theo đập chết con chó. Không phải hết thảy đều nghĩ nó là chó dại, nhưng họ phải tuân phục và hy sinh cho vua quan có địa vị làm cha mẹ họ, thế thôi…” “Cháu đã nghe kể câu chuyện ngụ ngôn ấy rồi.” Minh Nhật ngắt lời với giọng mỉa mai với một nỗi tức giận đã tràn ngập lòng chàng, “Thậm chí chủ con chó ấy không dám ăn thịt con chó đã chết của mình vì sợ trách nhiệm ‘nuôi chó dại hại quan’. Sau cùng những thằng vô gia cư đầu đường xó chợ ‘xử lý’ hơn bốn ký thịt chó và được một bữa nhậu hả hê… và bác không thấy thế là vô lý hay sao?” Ông Lại Cửu vẫn thản nhiên nói tiếp: “Chỉ có thằng điên như cậu mới sống theo sự hợp lý. Cậu phải biết ông nội tôi là một tri huyện, bố tôi là một cai tổng của triều đình, bố vợ tôi cũng là bố của Duy Lực bạn cậu là một tri huyện, nghĩa là chúng tôi đều xuất thân từ các Văn thân, làm sao tôi có thể nhận một người theo đạo Chúa làm con rể. Nếu tôi làm thế thì gia tộc tôi sẽ từ bỏ tôi và con gái tôi, sau đó đến lượt xã hội cũng sẽ coi chúng tôi không ra gì. Bạn cậu Duy Lực tuy là em vợ tôi nhưng nó ‘Tây quá’, nó không thấy những cái khó xử trong gia đình. Nó bị tiêm nhiễm tư tưởng của các nhà văn nhân bản và các triết gia Tây phương, nó không hiểu nội tình của hai gia tộc. Tôi quý nó nhưng không thể phóng khoáng như nó được.” Minh Nhật không muốn tranh luận vì chàng đã đọc được câu nói của Einstein, ‘phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ nhân của một nguyên tử ’. Vả lại, thành kiến ấy là một tri-kiến-vô-thức của lịch sử. Chàng cố gắng nói một câu vì thấy ngực chàng nặng trĩu và hơi thở khó khăn: “Vậy bác nói cho cháu biết ý bác khi đến gặp cháu hôm nay?” “Tôi chỉ xin cậu một điều đừng làm cho con Trang phải bị gia tộc ghét bỏ và tâm hồn nó sẽ bị dằn vặt lâu dài. Nói cách khác tôi xin cậu cắt đứt mối quan hệ với con gái tôi. Chúng tôi đã chọn cho nó một nơi xứng hợp, gia thế giàu có phong lưu, có thừa khả năng đem lại hạnh phúc cho nó. Tôi mong cậu giúp tôi và đừng làm khó cho gia đình chúng tôi” “Vâng cháu sẽ làm theo ý bác, bác yên tâm. Cháu phải trở lại công việc đây.” Minh Nhật nói to với tất cả lòng tự trọng, rồi chàng đứng dậy. Ông Lại Cửu đứng lên theo và lặng lẽ rút lui. Minh Nhật không vào ngay phòng làm việc được vì chàng thấy khó thở như người bị suyễn, chân tay run rẩy. Chàng tựa lưng vào một cây cột ở hành lang, cảm thấy hai chân lạnh giá, cố hít thở những hơi dài. Bỗng chàng thấy cảnh vật bên ngoài nhoà nhạt. Chàng chợt biết mình khóc không thành tiếng. Ngày hôm sau đến lượt bà Lại Cửu lên phòng Lãm Trang lúc nàng đang nằm đọc một cuốn truyện của Khái Hưng. Thỉnh thoảng một cảm xúc nhẹ nhàng sảng khoái làm nàng ngưng đọc nghĩ đến Minh Nhật. Thấy mẹ vào, nàng ngồi dậy trên giừơng đặt cuốn truyện xuống và nói: “Mẹ có điều gì dạy bảo con…” “Mẹ có một việc quan trọng để báo con biết,” Bà Lại Cửu nói luôn để trấn át sự bồn chồn trong lòng bà, “đầu tháng tới muộn lắm là cuối tháng, bố mẹ và ông bà Quý Trọng sẽ tổ chức lễ hỏi cho con và Quý Dương con trai ông Quý Trọng mà con đã quen biết khi gia đình mình đến đó ăn cỗ, không lâu sau đó hai nhà sẽ tổ chức lễ cưới trước cuối năm nay, nên từ hôm nay mẹ không cho con đi học may nữa, rủi có gì bất trắc mẹ không biết ăn nói thế nào với người ta. Vả lại con học cho biết nghề như thế cũng đủ rồi. Sau này áo quần của con phải do thợ may giỏi may cho con như mẹ bây giờ vậy.”
“Nhưng thưa mẹ, con chưa muốn lấy chồng đâu, con chưa muốn xa bố mẹ và các em. Con đợi khi nào chị cả lập gia đình trước, sau đó mới đến lượt con.” “Thì ra lời mẹ nghe kể lại là hoàn toàn đúng.” Bà Lại Cửu xẵng giọng ngắt ngang. “Mẹ nghe kể lại việc gì?” “Con còn hỏi mẹ sao? Người ta nói con hẹn hò với thằng Minh Nhật, thấy con đi chơi với nó trong công viên và trời ơi, ai mà biết còn những việc gì nữa sẽ xảy ra,” Rồi bà Lại Cửu sụt sùi khóc trong lúc Lãm Trang ngỡ ngàng vì quá bất ngờ trước câu nói và thái độ của mẹ mình. “Mẹ không thể chấp nhận con mẹ như thế: Như thế là không đoan chính chút nào cả.” “Nhưng mẹ ơi, chúng con yêu nhau chân thành và chưa làm điều gì trái với lễ giáo. Anh Minh Nhật là bạn học của cậu Duy Lực và đúng như cậu giới thiệu, anh ấy hiền lành và thật thà, lại có nghề nghiệp ổn định. Xin mẹ thương con mà từ chối việc Quý Dương muốn đính hôn với con đi mẹ. Con van mẹ đấy…” “Con bảo mẹ phải từ chối một đám tương xứng với nhà mình để gã con cho một thằng theo đạo kiết xác ấy sao? Bố con đã từng tuyên bố với bạn bè ‘nhà họ Lại này không bao giờ làm thông gia với người theo đạo Chúa’. Con không biết đấy thôi.”
Lãm Trang tê tái trong lòng và im lặng, dù không khóc nhưng hai dòng lệ đã chảy dài trên đôi má của nàng. Một thành kiến chết người. Bà Lại Cửu xuống giọng nói luôn:
“Con thử nghĩ lại xem, thằng Quý Dương cũng là đứa có học, và luôn có chí tiến thủ lại biết lễ nghĩa gia phong lại là con dòng cháu giống. Sau này nó sẽ nối tiếp sự nghiệp của ông Quý Trọng mà sự nghiệp ấy còn to tát hơn nữa. Dễ gì kiếm được một người chồng như nó, được làm vợ nó là cái phúc lớn của con đấy.”
“Nhưng con không yêu anh ấy. Sáu tháng trước Quý Dương đã ngỏ lời với con nhưng con từ khước. Bây giờ nếu con chấp nhận cuộc hôn nhân này có lẽ người ta sẽ khinh con mẹ ạ. Còn hiện nay con đã gặp đúng người con mong ước và con đã yêu Minh Nhật rồi mẹ ơi…”
“Con nói đến tình yêu lãng mạn phải không? … Trong cái xã hội Á Đông đã thấm nhuần tư duy Nho giáo và Phật giáo này sao? Hàng ngàn năm nay người ta lấy nhau, làm vợ chánh, vợ thứ, lấy nhà nông, lấy thương gia, lấy quan, lấy vua, lấy chúa Trịnh, chúa Nguyễn, sung sướng có, khổ đau có, tuẫn tiết có nhưng người ta chẳng cần biết có hai chữ lãng mạn của người Tây đem qua. Đất lề quê thói . Mẹ cấm con đấy, con hãy nghĩ lại mà nghe theo mẹ, hoặc là con lấy Quý Dương làm chồng, hoặc là con đừng bao giờ nhìn mặt mẹ nữa…”
Nói xong bà Lại Cửu bỏ đi, trong lúc lòng Lãm Trang tan nát như bị rạn vỡ ra từng mảnh, mọi ý nghĩ lại rối như tơ vò. Một lát sau, nàng nằm úp mặt xuống giường khóc nức nở cho một tình yêu mà nàng khó lòng bảo vệ. Nàng biết rõ tính cha nàng: một nghiêm phụ không dễ mà thuyết phục nổi.
Nàng khóc mãi cho đến khi thiếp đi. Khi chị Tám lên phòng gọi nàng xuống dùng bữa trưa, thấy nàng đang ngủ đôi mắt như sưng lên, chị không gọi chỉ lặng lẽ đi xuống nhưng trong lòng băn khoăn tự hỏi, “Cô ba bị bệnh sao mà hôm nay lại ngủ trưa như vậy.” Trong bàn ăn, không ai thắc mắc về chuyện bất thường ấy.
Đến xế chiều, Lãm Trang giật mình thức dậy và lại khóc. Sau đó nàng đi tắm, và khi những dòng nước chảy trên thân thể nàng, nàng biết mình không thể vượt qua số phận với những ràng buộc, quy định của xã hội cùng những giá trị văn hoá đã khô cứng như vật hoá thạch, những khuôn khổ cứng ngắc. Và một tình yêu lớn thường bị những khuôn khổ ấy bóp nghẹt. Thế nhưng cõi lòng nàng vẫn luôn là một chân trời bao la mà không ai chiếm hữu được nếu nàng không thuận. Bây giờ dù không muốn, nàng phải cúi đầu đi theo số phận. Nàng sẽ không gặp Minh Nhật nữa, điều này làm nàng vô cùng đau đớn. Nhưng chàng sẽ luôn ở lại trong sâu thẳm của lòng nàng. Kỷ niệm của chàng sẽ không bao giờ phai mờ trong lòng nàng mặc cho năm tháng trôi qua.
Lãm Trang trải qua một tuần trong buồn đau trống vắng tuyệt vọng, nỗi nhớ nhung Minh Nhật dày vò nàng. Cuối tuần Quý Dương từ Hải Phòng đã về lại thành Nam sau hai tháng rưỡi công tác ở đó. Chàng đến chào ông bà Lại Cửu, với những quà cáp mua từ Hải Phòng. Ông bà Lại Cửu cho phép chàng lên phòng Lãm Trang trò chuyện, nhân dịp này chàng hẹn cùng nàng cuộc đi chơi chùa Long Vân để thăm lại người bác ruột của chàng trụ trì chùa ấy. Quý Dương không ngạc nhiên khi thấy Lãm Trang đọc những tiểu thuyết của các nhà văn lãng mạn. Chàng không bỏ qua cơ hội đem những tư tưởng ‘tiến bộ’ khuyên nàng, chàng nói:
“Những nhà văn lãng mạn viết một thứ văn chương mượt mà, trau chuốt hơn các nhà văn hiện thực, họ còn mô tả những mối tình bay bổng như sương như khói nhưng không cho chúng ta thấy những mâu thuẩn sâu sắc trong xã hội và cuộc đấu tranh gay gắt giữa các giai cấp, mặt khác họ còn ru ngủ thanh niên, làm thanh niên quên đi những nhiệm vụ mà tổ quốc đang mong đợi …”
“Dĩ nhiên là anh nói đúng, nhưng em đâu có đọc truyện để trở thành một nhà cách mạng,” nàng bực dọc đáp lại trong khi nhận thấy Quý Dương đã nói trơn tru như học trò nhỏ trả bài, “khi nào em trở thành nhà cách mạng em sẽ đốt hết những sách này…”
Quý Dương ngạc nhiên vì phản ứng mạnh mẽ của nàng. Lúc ấy chàng đến chống tay vào bàn học nghĩ bụng, “Đúng là quan điểm của giai cấp tiểu tư sản,” Bỗng chàng nhìn thấy những dòng chữ viết bằng mực tím trên bàn, chàng vừa đọc vừa hỏi:
“J’aime Soleil” (tôi yêu Mặt trời): Soleil là ai vậy?”
“Dĩ nhiên Soleil là ‘mặt trời’ rồi… ” Lãm Trang đáp ngay.
“Chao ôi, em yêu thiên nhiên, yêu mặt trời…” Quý Dương mỉa mai nói, nhưng thời gian chàng nói đủ để loé lên trong trí óc Lãm Trang một câu ứng phó, nàng nói:
“Vậy theo anh, em phải dịch chữ “Thái Dương” – trong đó có chữ Dương tên anh – ra tiếng Pháp bằng chữ gì?”
“À ra thế… em của anh đáo để thật.”
Nói xong, chàng đến bên nàng kéo nàng vào lòng, nói chàng vẫn luôn yêu nàng từ lần tỏ tình đầu tiên cách nay sáu tháng. Chàng vẫn luôn hy vọng và chờ đợi và hy vọng đã không uổng công. Lần đó nàng đã từ chối và chỉ muốn có quan hệ bạn bè với chàng. Lần này Lãm Trang phải miễn cưỡng và thụ động đón nhận lời tỏ tình lập lại. Nàng còn biết làm gì khác được trước sự ngăn cấm của cha mẹ mình. Lúc ấy bà Lại Cửu cố ý đi ngang căn phòng, qua cánh cửa hé mở, bà nhìn thấy ‘đôi trẻ’ ngồi sát bên nhau, bà vui mừng tự nhủ, “Không ngờ mọi việc lại ổn thoả mau chóng như thế này. Con mình sau cùng cũng còn biết lẽ khôn ngoan”. Rồi bà nhẹ nhàng xuống nhà dưới để ‘đôi trẻ’ được tự do.
Tuy vậy tối hôm đó khi vào giường, quay mặt vào vách, Lãm Trang lại khóc một lúc khi nghĩ đến Minh Nhật.
Từ hôm đó Quý Dương thường xuyên đến gặp Lãm Trang để trò chuyện và tính trước việc tương lai sau ngày hai người chính thức lấy nhau.
Một hôm trong lúc Quý Dương ngồi đọc báo chờ Lãm Trang đi chợ về, con Ly đi ngang qua phòng khách chào anh rể tương lai ngồi một mình nó liền nói:
“Anh Dương nhớ chiều chuộng và giữ chặt chị Trang em đấy.”
“Sao Ly lại nói thế, em không thấy anh ‘si mê’ chị Trang em thế nào sao?”
“Em biết, nhưng trước đây có một anh chàng đạo Chúa theo đuổi ráo riết chị Trang em, nhưng bố mẹ em không cho và đã tống khứ anh ta.” Con Ly giọng xách mé nói.
“Cám ơn em, anh biết mình phải làm gì rồi…”
Quý Dương cười nói trong lúc con Ly đã biến nhanh ra khỏi nhà. Chàng cho rằng sáu tháng trước đây, vì cái anh chàng đạo Chúa ấy mà Lãm Trang đã từ khước tình yêu của chàng.
Sáng ngày hẹn đi chùa, khi mặt trời chưa nhô hẳn trên đường chân trời, Quý Dương và Lãm Trang đã lên đường đến chùa Long Vân thăm sư bác, gọi là sư bác vì nhà sư Tịnh Chiếu trụ trì chùa này là bác ruột của Quý Dương. Lúc ấy nhà sư đang dùng một cái bình tích cũ để tưới những gốc mai chiếu thuỷ, nguyệt quế, mẫu đơn. Thấy đôi nam nữ, chào hỏi xong ông cười giải thích:
“Sáng nào sư bác cũng phải cho các chậu hoa ‘uống nước’…”
“Sư bác chăm chút hoa kỹ quá. Và hoa ở đây cũng siêu thoát lạ thường…” Quý Dương nói.
Ba người chủ khách cùng cười, rồi họ vào phòng khách uống nước trà mới pha. Ba cái tách sứ bốc hơi như khói trong cái lạnh buổi sáng toả một mùi hương sen thoang thoảng. Một chú tiểu bưng một đĩa xôi vò với ba cái chén, ba cái muỗng bước vào mời ba người ăn sáng rồi cúi đầu chào và đi lui ra. Mùi nếp mới, đậu mới làm sôi chùa ngon đặc biệt. An xong sư Tịnh Chiếu kéo Quý Dương vào phòng ông để trao đổi chuyện riêng. Lãm Trang một mình ở lại phòng khách ngắm nghía những bài thơ thiền bằng chữ nho viết thảo treo trên vách, sau đó nàng đứng dậy ra sân, ngắm mấy chậu hoa tươi nở trong ánh nắng ban mai làm không khí quanh nàng tràn ngập hương thơm. Nàng nhặt mấy cái hoa rơi bỏ vào túi áo để được ‘lây’ mùi hương ngọt ngào ấy.
Trong phòng, sư Tịnh Chiếu và Quý Dương ngồi xuống trước một cái bàn nhỏ mà sư thường dùng để viết lách. Quý Dương báo cáo ngắn gọn sự thành công của chàng trong việc tổ chức và giáo dục cách mạng cơ sở công nhân ở bến cảng Hải Phòng. Nhà sư vui mừng nói: “Cháu đã không phụ lòng bác tin tưởng giới thiệu với Đảng và trao nhiệm vụ cho cháu. Sắp tới cuộc đấu tranh giữa ta và địch sẽ đi vào giai đoạn quyết liệt vì ta vừa có một hậu phương lớn là nước Trung Hoa của Đảng Cộng Sản Trung quốc. Với ưu thế đó, ta có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà và chắc chắn sẽ đánh bại quân Pháp và những kẻ theo chân nó là bọn tay sai và bọn giáo gian. Chính đảng ta trong thời đại này sẽ hoàn thành ước mơ bình Tây sát tả mà các sĩ phu và văn thân hoài bảo trong suốt bao nhiêu năm nay.”
“Sư bác nói thật chí lý.” Quý Dương phấn khởi nói.
“Nhưng bác phải nhắc lại cháu rằng ông nội bác là một Văn thân đã bị bọn đạo Gia-tô sát hại khi ông kéo người lương đến làng công giáo đốt phá và tiêu diệt chúng. Dòng tộc mình sẽ nhân vận nước đã đến hôm nay để trả mối cựu thù ấy. Cháu phải ghi nhớ trong lòng.”
“Vâng, cháu sẽ luôn ghi nhớ.” Quý Dương đáp.
“Còn một việc này là trong thời gian chờ đợi những sự kiện vĩ đại ấy, cháu nên sớm thu xếp việc hôn nhân để vợ cháu giúp vào việc kinh tài cho Đảng. Cháu nhớ đấy.”
“Vâng cháu xin vâng theo lời sư bác. Và hôm nay cháu dẫn cô ấy đến cho bác xem mặt và cho ý kiến của bác về cô ấy.”
“Bác nhận thấy cô này xinh gái nhưng vẻ đẹp thuần hậu không hào nhóang. Khuôn mặt và tướng người phúc hậu của một mệnh phụ. Bác nghĩ cô này có thể làm cháu thăng tiến công danh vì có phong cách vượng phu ích tử. Bác mừng cho cháu nhưng cháu phải xúc tiến hôn nhân cho sớm vì giờ quyết chiến đã gần kề…”
“Vâng hai gia đình đang xúc tiến hôn sự,” ngừng lại một lúc Quý Dương nói tiếp, “Sư bác chính là ‘phúc thần’ của cháu.”
Hai người còn bàn nhau những việc sắp tới phải làm theo chỉ đạo của Đảng. Sau câu chuyện riêng về việc nước, họ trở lại phòng khách, thấy Lãm Trang đang ngắm những đoá mẫu đơn mới nở. Nàng cũng rực rỡ trong nắng sớm như một đoá hoa với cái áo lụa Hà Đông màu xanh may theo kiểu áo tàu với hàng nút tàu cài thành một hàng bên trái và quần sa đen, tóc cột băng đô màu tím. Họ cùng ngắm mấy chậu hoa một lúc rồi đôi trai gái chào nhà sư nắm tay nhau vào rừng sau chùa đi dạo. Lúc hai người bước xuống tam cấp, nhà sư nói theo:
“Lát nữa đi ngang qua cốc của sư bác, cháu đem về cho bác cái gối mây; dạo này trời oi bức, bác nằm gối bông thấy nóng nực lắm.”
“Vâng cháu nhớ.”
Quý Dương đáp lại, đồng thời chàng hiểu ra một vài việc về sư bác. Có lần ông đã xé vụn rồi chà đạp dưới chân một cuốn sách đạo Gia-tô mà tình cờ ông tìm thấy trong chùa có lẽ do một Phật tử vô tình (hay cố ý?) để quên. Khi có việc ra ngoài ông không đi theo những con đường chạy ngang một nhà thờ Gia-tô dù phải dùng một con đường vòng xa hơn. Ông sợ nhìn vào cây thập tự mà ông cho đó là một sự sỉ nhục, điên rồ. Và khi nói đến bọn ngu dân tả đạo, mặt ông hằn lên một nét nhăn nheo khó tả. Rồi Quý Dương tự nhủ chàng sẽ không bao giờ để mất Lãm Trang vào đôi tay nhớp nhúa của một tên theo đạo Tây nào đó.
Quý Dương vẫn luôn nắm tay kéo Lãm Trang đi theo chàng vào khu rừng thưa. Trong rừng bạch đàn chim hót líu lo, chúng nào biết tâm trạng miễn cưỡng và sầu muộn của nàng. Nàng không ghét Quý Dương và vẫn luôn coi chàng là bạn tốt cả sau khi nàng từ chối lời đề nghị tình yêu của chàng. Nhưng khi bị gia đình ép uổng việc hôn nhân, nàng nảy sinh một mối hoài nghi mơ hồ nào đó về chàng. Đi theo đường mòn ngập lá úa giữa rừng cây không gió đứng im như trầm mặc và thờ ơ, nàng chua xót nghĩ rằng thiên nhiên cũng đang chống lại nàng và Minh Nhật. Thỉnh thoảng Quý Dương kéo nàng dừng lại dưới một gốc cây; chàng nói với nàng những lời âu yếm rồi chàng hôn nàng khi đôi môi hồng của nàng. Những nụ hôn nàng không sẵn sàng đón nhận nhưng đối với Quý Dương quá ngọt ngào khiến chàng thêm hứng khởi. Chừng hơn một khắc sau, họ đi qua một tảng đá bàn, rẽ trái chừng hơn mười thước là cái cốc của sư bác, cửa bằng phên tre khép lại và cột dây kẽm sơ sài. Quý Dương cởi dây và đẩy cửa vào: từ ngày giác ngộ cách mạng nhờ những bài của sư Thiện Chiếu đăng trên báo Đuốc Tuệ và tham gia chính trị, sư bác không còn nhập cốc để ngồi thiền nữa. Sự dấn thân chính trị không dành chỗ cho sự chiêm niệm mơ hồ.
Không gian trong cốc mờ tối. Trên một cái bàn nhỏ và thấp chàng thấy một hộp diêm đặt cạnh một cái đèn dầu hột vịt, chàng đánh diêm quẹt đốt đèn. Một ánh sáng vàng vọt tràn ngập cái cốc chật hẹp. Bấy giờ Lãm Trang thấy rõ mọi vật. Trên bàn và tựa vào vách gỗ quét vôi là ảnh Đức Phật thiền định dưới gốc bồ đề. Trước ảnh Phật là một bình hương bằng sứ. Kế bàn là một cái phản thấp chỉ bằng một tấm gỗ đánh vẹc-ni cho một người nằm. Cái gối mây đặt ở một đầu phản. Dưới đất trải một cái chiếu trơn không vẽ hoa văn, trên chiếu có một bồ đoàn là cái gối mỏng hình tròn dẹp to bằng cái nia màu đỏ rượu vang dùng để kê mông khi ngồi thiền.
Sau khi đốt đèn, Quý Dương đẩy cái cửa sổ chống lên, lấy cái chổi lông gà có sẵn để quét bụi, chàng bảo Lãm Trang ra ngoài một lát rồi hãy vào. Trong lúc làm vệ sinh trong cốc, Quý Dương nhớ lại câu chàng đã nói với con Ly, “Anh biết anh phải làm gì rồi.”Chàng cảm thấy trong người máu chảy mạnh hơn, như đang sôi sục một ý chí chinh phục và chiếm hữu Lãm Trang, lại còn được kích thích bởi ý nghĩ một anh chàng nào đó (mà con Ly cũng chẳng ưa) lăm le muốn cướp lấy nàng khỏi tay chàng. Mười phút sau, khi nàng vào lại tịnh cốc, bên trong đã được dọn dẹp tinh tươm. Trên bàn thờ có mấy cây nhang đang toả ra những làn khói thơm ngát. Chàng và nàng ngồi xuống phản để trò chuyện. Chàng kể cho nàng nghe một vài công việc mà chàng cùng các đồng nghiệp (đúng ra chàng phải nói là ‘đồng chí’) lớn tuổi chăm lo cho công nhân bến cảng, giáo dục họ biết về thời cuộc (chàng không nói là giáo dục họ chính trị và tư tưởng Mác-Lê). Chàng cho biết ông Quý Trọng, cha chàng, đã cho biết kế hoạch của hai gia đình sau đám cưới của họ: nàng sẽ đứng đầu quản lý một xưởng may ở Hà Nội do hai gia đình hùn vốn (chàng không nói nó sẽ là một cơ sở kinh tài cho đảng CS). Chàng sẽ xuống lại Hải Phòng một thời gian rồi đi Quảng Ninh, sau đó sẽ trở về Hà Nội làm biên tập cho một tờ báo Pháp-Việt (chàng không nói đồng thời để cung cấp tin tình báo cho đảng CS).
Nàng im lặng ra vẻ lắng nghe nhưng tâm trạng nàng rối bời và chán nản. Chàng tiếp tục nói về nỗi nhớ nhung nàng lúc nào cũng canh cánh trong lòng chàng trong suốt thời gian chàng ở Hải Phòng. Sau đó chàng choàng tay qua vai nàng, nói nhỏ vào tai; “Hôm nay em phải làm cho anh vơi đi nỗi buồn nhớ ấy bằng sự xác nhận rằng em cũng yêu anh…”. Lãm Trang đáp: “Vâng, như lời anh nói.” Quý Dương chỉ chờ có thế và chàng kéo nàng nằm xuống tấm phản để nàng phải chứng minh một cách cụ thể tình yêu nàng dành cho chàng, bù lại những ngày chàng chờ đợi trong nỗi ngờ vực. Vả lại những thành công của chàng cho ‘đại sự’ vừa qua ở Hải Phòng làm cho tâm trạng chàng sáng nay rất thú vị và hưng phấn. Nhưng nàng đã gỡ tay chàng ra, xin chàng chờ đến ngày hôn lễ cũng đã đến gần, rồi nàng chạy đến ngồi lên bồ đoàn trong tư thế ngồi thiền, mắt nhắm lại và nói: “Anh nằm nghỉ ở phản đi, em phải tập ngồi thiền một lúc.” Nàng nghĩ đó là cách khéo léo để nàng tránh né sự âu yếm lả lơi của một người đàn ông nàng chưa thật sự yêu, hay chỉ yêu miễn cưỡng. Nói khác đi, nàng muốn sử dụng việc ngồi thiền như một bức tường ngăn cơn bão dục vọng của chàng.
Nhưng khi nàng ngồi bất động trên tấm bồ đoàn, nàng nhận thấy mùi hương thoang thoảng của nhang trong cốc rất nồng như hương mê làm nàng cảm thấy vừa ngây ngất vừa mất tự chủ. Có lẽ nàng dị ứng mùi hương nhang ấy vì nàng cảm thấy tim mình đập mạnh, hơi thở dồn dập, tâm trạng dật dờ như bị choáng và mệt. Trong lúc Quý Dương cũng đã ngồi xuống bên cạnh, thì thầm vào tai nàng:
“Ngồi thiền thì không được nhúc nhích cử động đấy.”
Giọng nói Ngải Yên của chàng thì thầm lúc ấy nghe thật ma quái liêu trai và đầy cám dỗ. Chàng lấy tay cởi từng cái nút vải trên áo nàng và không ngừng lặp lại, “không được nhúc nhích” như một mệnh lệnh của một người làm thuật thôi miên … Làn da trắng của ngực Lãm Trang lộ ra dần và được sờ mó vuốt ve. Lãm Trang bất động như đã nhập thiền, mắt không mở ra nổi. Mấy phút sau chàng kéo nàng không còn mảnh vải trên thân nằm xuống chiếu, bộ ngực như hai ngọn đồi nhô cao, mông tròn trịa còn kê trên bồ đoàn màu đỏ làm nổi rõ làn da trắng và cái hoa đen bóng mượt của nàng giữa hai chân dài thon thả. Ngay sau đó, một cách mau chóng và mạnh mẽ Quý Dương đã chiếm đoạt thân xác nàng: chàng hùng hổ tận hưởng lạc thú từ thân thể nàng trắng đẹp như tượng nữ thần Vénus. Dù nàng không muốn bất động ‘như ngồi thiền’ nhưng mùi hương đã làm thân thể nàng trở nên tê dại. Hưởng ứng cũng không và phản ứng cũng không. Phần Quý Dương, chính tâm trạng đắc thắng vì đại sự đã đem lại cho chàng sự cuồng hứng mãnh liệt. Chàng làm tình như một kẻ có uy thế cưỡng dâm khi mà mọi vật trong cốc đều bất lợi và không đứng về phía đối phương: Bức hình Đức Phật ngồi thiền vẫn luôn nhắm mắt.
Khi lạc thú gần lên đỉnh điểm, nàng mới đáp ứng lại một cách yếu ớt, đầu óc chập chờn hình bóng của Minh Nhật. Tàn cuộc, nàng vội mặc lại y phục thoát ra khỏi cốc để tránh bị ngộp vì hương nhang và hít thở không khí bên ngoài. Không hiểu sao mắt nàng ứa lệ và hai dòng nước mặn chảy dài trên đôi má: nàng đã khóc vì tức tưởi và cho rằng mình bị khinh bỉ do trước đây đã từ chối lời đề nghị tình yêu của Quý Dương. Một mình trong cốc, Quý Dương kiểm tra vệt máu thẩm màu trên nền vải đỏ của bồ đoàn, miệng nở một nụ cười đắc thắng. Lúc Quý Dương quần áo chỉnh tề bước ra tay cầm cái gối mây đem về cho sư bác, nàng đã lau khô nước mắt. Họ đến tảng đá bàn ngồi bên nhau nói thêm một vài câu chuyện trước khi họ trở về chùa. Lãm Trang nói chuyện rất lơ đãng, nàng nhớ lại mình vẫn luôn nhắm mắt khi một Quý Dương rất ‘duy ý chí’ tìm lạc thú trên thân thể nàng. Và có một lúc trong vòng tay như gọng kềm siết chặt của Quý Dương, nàng đã thấy hiện ra trong đáy mắt mình hình ảnh của Minh Nhật nàng yêu.

@@

Sau ngày ông Lại Cửu đến tìm Minh Nhật ở hãng buôn khoảng hai tuần, chàng xin phép chú họ nghỉ việc và trở về Phát Diệm. Lúc đó khoảng rằm tháng mười. Chàng chạy trốn trước biến cố làm tan nát lòng chàng là đám cưới của Lãm Trang và Quý Dương sau đó. Sau này chàng nghe một công nhân cùng quê làm trong xưởng dệt kể lại đám cưới được tổ chức linh đình trọng thể đúng vào ngày rằm tháng chạp để sau niềm vui tân hôn là niềm vui tân xuân cho ‘đôi trẻ’. Khi chàng chuẩn bị hành trang về lại quê nhà chú chàng biết được câu chuyện, đã nói với chàng mấy lời an ủi chân thành, “Họ cố chấp quá, cháu cũng đừng buồn. Chú có một người bạn ở Hà Nội, chú sẽ nhờ người bạn ấy tìm cho cháu một việc làm khác…” Chàng nói, “Thôi khỏi cần chú ạ,” cám ơn chú rồi ra đi.
Cả nhà chàng ngạc nhiên khi thấy chàng nghỉ việc nhưng không hỏi lý do và chàng cũng không nói gì. Mẹ chàng chỉ nói:
“Con đến chào bố mẹ của Hiền Giang và gặp nó đi, con bé thường qua nhà mình hỏi thăm tin tức của con. Mẹ chỉ biết nói con luôn khoẻ và vẫn chưa có vợ.”
“Vâng, con sẽ đi qua gặp cô ấy.” Chàng nói cho qua chuyện.
Dù không chút hoài nghi tình yêu của Lãm Trang nhưng tâm hồn chàng lúc này đã quá chán chường, khô héo và trống rỗng. Cái cảm giác bị loại trừ ruồng bỏ dày vò chàng, chàng có cảm tưởng mình chẳng ra gì cả, một con số không đáng bị xa lánh. Một tập thể to lớn đã phá huỷ căn tính của chàng qua việc ngăn chặn chàng đến với Lãm Trang bằng một trái tim nồng nàn và chân thật. Khi làm thế người ta đẩy chàng vào mặc cảm tự ti, và khi nhớ lại chuyện dụ ngôn chó giữ nhà bị quan ‘hóa phép’ thành chó dại, lòng chàng càng thêm chua xót. Không lẽ trong một đất nước chỉ có một số người được quyền suy nghĩ và phát biểu - đúng sai gì cũng được - và mọi người khác phải tuân theo.
Chàng trở nên quẫn trí đến nỗi có những lúc chàng muốn tự tử, muốn chạy ra sông lớn nhảy vào giữa dòng nước chảy xiết vào một buổi hoàng hôn có ráng đỏ biến dòng sông thành một dòng sông lửa thiêu sinh chàng. Và hãy quên rằng chàng bơi khá giỏi vì đó là dòng sông tuổi thơ của chàng và các bạn nhỏ trong giáo xứ. Vả lại tự tử là điều mà tôn giáo chàng lên án và dĩ nhiên cả giáo xứ sẽ chê trách những kẻ coi khinh sự sống mà Thượng Đế ban cho. Nhưng còn sự tự tử chậm như uống rượu rồi bị xơ gan hoặc như nhà thơ Lý Bạch say rượu ngả xuống dòng sông giữa đêm trăng, chết vì bị chuột rút còn được người đời sau thêu dệt thành câu chuyện ôm bóng nàng-trăng dưới nước thì sao? Thế là Minh Nhật đã tìm quên trong rượu. Chàng bắt đầu uống nhiều rượu và hay la cà đến quán rượu bà Mậu, ở đó chàng uống thật nhiều nhưng ăn thật ít: với một lít rượu, chàng chỉ cần đưa cay bằng một lon đậu phọng luộc.
Một hôm trên đường đến quán, chàng gặp Hiền Giang về nhà sau buổi tập hát thánh ca. Chàng ngạc nhiên vì cô bé lúc này đã lớn ra và trở nên xinh đẹp, môi đỏ trên khuôn mặt tươi tắn với đôi mắt dài có đuôi, mũi dọc dừa, môi trên hơi hớt nhưng lại có duyên, dáng người gọn gàng, cân đối. Nàng gọi chàng trước, chạy vội đến rồi nói:
“Em nghe nói anh đã về, định hôm nào sẽ đến thăm anh và hai bác, nhưng mà anh cũng tệ thật chẳng chịu đến nhà em.”
“Vậy hôm nào anh sẽ đến ?” Hiền Giang hỏi luôn.
“Chắc phải cuối tuần này.” Minh Nhật hứa suông.
“Hay là anh tham gia ca đoàn để dự buổi liên hoan thánh nhạc với các giáo xứ trong hạt nhân dịp Giáng sinh sắp đến.”
“Để anh còn tính lại, hôm đến nhà em anh sẽ trả lời luôn.” Minh Nhật nói.
Sau đó chàng làm ra vẻ bận rộn, vội vàng nói thêm một câu chào và đi thẳng. Chàng vào quán bà Mậu ngồi vào một góc nhìn ra vườn, kêu hai xị rượu nếp một bát đậu phọng. Chàng cẩn thận rót rượu vào một cái chung, không làm rơi vãi, đưa lên mũi hít một hơi dài rồi dốc rượu vào miệng chỉ trong một hớp.
Nhâm nhi được nửa xị chàng thấy bác đội Cán đến bên ngồi xuống cùng bàn. Đội Cán quê ở làng Muội, Bắc Giang đi lính cho Pháp từ ngày Hà Nội bị tái chiếm. Bác lấy vợ là người trong giáo xứ này, theo đạo Chúa và về đây cư trú cùng khu xóm với gia đình của Minh Nhật. Đội Cán yên vị xong, không chờ bà Mậu đem rượu và thịt cầy ra đã tự động rót một cốc rượu của Minh Nhật nốc cạn, đội Cán nói:
“Tôi có việc muốn gặp cậu, nhưng hai ngày qua bận đi đám tang của ông anh họ đáng thương ở Bắc Giang nên kể cậu nghe chuyện đám tang trước rồi nói đến chuyện của cậu sau:
“Ông anh tôi trước đây khi còn là thanh niên làm nghề xẻ gỗ có kết nghĩa anh em với một người đồng nghiệp. Sau đó ít lâu vợ anh tôi sinh được một bé gái đặt tên là Phương Tâm trong lúc người bạn kết nghĩa đã có một bé trai hai tuổi. Hai người bạn giao ước sau này khi chúng lớn lên sẽ cho chúng nên vợ chồng nhờ đó bạn bè còn có dịp lui tới thăm viếng nhau lâu dài. Rồi một sự việc may mắn xảy ra cho người bạn ấy. Trong một lần đi rừng người ấy tìm được một cây trầm hương và vì thế giàu to. Ông ta dùng tiền mua được một chức hương quản trong làng, không còn giao du thân mật với người bạn kết nghĩa nữa. Anh họ tôi buồn lắm vì thấy bạn cũ thay đổi nhưng biết than thở với ai. Một hôm khi đôi trẻ đã trưởng thành, nhân đến nhà một cai tổng ăn giỗ gặp lại người bạn kết nghĩa ấy, anh ấy nói với ông ta:
“Ngày xưa tôi với anh kết nghĩa anh em, lúc đó anh và tôi đã giao ước cho con trai anh và con gái tôi kết hôn khi chúng trưởng thành, bây giờ anh còn định giữ giao ước ấy không xin cho tôi biết, vì có mấy đám đến hỏi cưới con Phương Tâm nhà tôi nhưng tôi không thể quyết được, khi chưa biết ý anh.” “Bây giờ ai là anh em kết nghĩa với anh, tôi tưởng anh phải tự biết. Hiện tại tôi là hương quản và giàu có trong làng này, tôi phải tìm chỗ môn đăng hộ đối chứ. Vả lại anh suốt đời nghèo chính vì kiếp trước anh ăn ở thất đức hoặc tạo nghiệp ác nên kiếp này phải khổ, sao anh còn đòi làm thông gia với tôi…” “Sao ông tàn nhẫn làm vậy? Ông lấy thuyết nhân quả nghiệp báo trong Phật pháp để buộc tội tôi làm ác kiếp trước nhưng thử hỏi kiếp này có nhiều cái trong trời đất và nhiều cái ngay trong lòng ông, ông còn không thấy làm sao ông thấy được kiếp trước của tôi. Nếu ông không xin lỗi tôi câu nói ấy thì ông có là hương quản tôi vẫn đấm ông vỡ mặt …”
“Hương quản sợ bị đánh bèn kêu chủ nhà. Chủ nhà và mấy gia nhân phải đứng ra can ngăn, tránh sự ẩu đả rồi mời anh tôi ra khỏi nhà. Trên đường về, anh họ tôi ghé vào quán rượu uống luôn một lít, lúc qua đò về nhà, đến chỗ nước chảy mạnh anh đứng trên mạn thuyền chửi đổng những câu như, ‘Ừ kiếp trước tao ác nên kiếp này tao mới gặp một thằng bạn bội ước’; ‘Ừ cái nghiệp của tao không tốt nên hôm nay thằng hương quản đã đối xử tàn tệ với tao…’ Một cụ đồ làm nghề viết chữ cho thợ chạm ngồi trong thuyền biết chuyện nói, ‘Sao lại có cái nghiệp được giải thích lạ lùng làm vậy:nạn nhân tự lên án còn thủ phạm được tôn vinh !?’
“Một cơn gió thổi mạnh qua sông làm con thuyền chòng chành; anh họ tôi mất thăng bằng ngả xuống nước. Rượu làm anh ấy bị chuột rút và bị nước cuốn trôi. Có hai thanh niên trên đò nhảy xuống vớt nhưng nước chảy xiết theo không kịp, vả lại họ cũng không dám bơi xa giữa dòng nước mạnh, đành phải trở lại đò. Một ngày sau người ta mới vớt được xác anh ấy lên. Có người biết chuyện kể lại cho cháu tôi Phương Tâm và mẹ nó biết. Tội nghiệp mẹ nó ngất đi mấy lần trong khi mới biết được mình đã mắc bệnh lao… Không biết cháu tôi Phương Tâm sau này sẽ ra sao…”
Rồi đội Cán dừng lại thở dài não nuột, mấy giây sau nốc cạn một ly rượu và nhắm một miếng thịt cầy, mời Nhật Tân cùng ăn món mới và nói tiếp:
“Bây giờ mới đến chuyện của cậu, thế này: binh đoàn của tôi đang tuyển mấy người làm thông dịch cho quân đội Pháp. Tôi thấy cậu có khả năng nên muốn khuyên cậu đăng ký thay vì ở nhà uống rượu giải sầu như hiện nay thì trước sau cũng chết vì rượu. Thật vậy tôi thấy cậu như một kẻ chán chường tuyệt vọng vì một lý do gì đó, cậu cũng không dám ngỏ lời với Hiền Giang mà cậu biết cô ấy yêu cậu…
“À thì ra bác không muốn tôi chết vì rượu mà chết cho Tây…”
“Chẳng cho thằng Tây nào cả…” Và như đã suy nghĩ lâu ngày đội Cán nói tiếp, “Cậu thử nghĩ xem hồi xưa những người lính chiến đấu cho chúa Nguyễn và chúa Trịnh ở hai bên sông Gianh có mấy người cho mình chết vì chính nghĩa. Sát cánh bên họ là đồng đội, sau lưng họ là các đội trưởng, cơ trưởng, phó tướng rồi các tướng ngoài mặt trận. Sau lưng các tướng là chúa Trịnh hay chúa Nguyễn. Tất cả làm thành một bộ máy và chỉ cần một bánh răng trong bộ máy ấy chuyển động thì toàn thể bộ máy chuyển động thậm chí có khi chuyển động để vỡ tung ta từng mảnh. Lý tưởng hay chính nghĩa của bộ máy ấy là cái được thêm vào cùng lúc với việc hình thành bộ máy ấy. Chúa Trịnh hay chúa Nguyễn tự cho mình là người điều khiển bộ máy ấy nhưng không phải lúc nào cũng quyết định được sự thắng thua nên mới vin vào ‘mệnh trời’ hay một ý chí lịch sử huyền bí nào đó.
“Cứ để cho chúa Trịnh, chúa Nguyễn khoác lác rằng mình có chính nghĩa nhưng Ý CHÍ LỊCH SỬ nói, ‘không ngoài dự tính của Ta, trong giai đoạn đó vận mệnh lịch sử của họ phải như thế, Ta sử dụng tham vọng quyền lực và lòng bất nhân của họ đối với nhân dân, coi nhân dân như cỏ rác, như những viên gạch lót đường cho vinh quang một dòng họ, Ta dùng hết thảy cái đó cho việc của Ta và đến khi chung cuộc họ sẽ bị đày đoạ bởi chính tham vọng và lòng bất nhân của họ. Khi dòng họ và các triều đại của họ tiêu vong thì họ chẳng còn lại gì: lăng tẩm của họ là nơi các mục đồng thả bò cho ăn cỏ, phóng uế bẩn thỉu hoặc làm chỗ cho trai gái giở trò “trong bộc trên dâu”. Có còn chăng chỉ là một tham vọng mù quáng về quyền lực và tình dục. Còn Ta không để mất một ai vì Ta có thể thu hồi mọi sự vào tay Ta.’”
“Bác nói như một nhà tiên tri…”
“Cậu yên chí đi, rất nhiều đồng đội tôi chết trên tay tôi, được đội tang lễ hoặc người nhà chôn cất vội vàng, lưu vào hồ sơ và mau chóng cho vào quên lãng trong ký ức người đời và ký ức của một thời đại nhưng trong ký ức vĩnh cửu thì không… Tất cả sự việc ấy buộc tôi phải nghiệm ra điều đó.”
Minh Nhật suy nghĩ một lúc lâu bằng thời gian uống hết xị rượu thứ hai, sau đó chàng nói với đội Cán:
“Được, ngay tuần sau cháu sẽ theo bác đi đăng ký và sau Tết sẽ vào quân trường sáu tháng như bác nói.”
“Thế cũng được, thời gian còn lại cậu nhớ thu xếp chuyện tình cảm với con Hiền Giang, đừng bắt nó phải chờ mong vô vọng.” Nói xong đội Cán và Nhật Tân cùng đứng dậy ra về, ai về nhà nấy.
Minh Nhật đã gặp may, trước khi chàng trở thành kẻ nghiện rượu, chàng đã tạm thời tìm cho mình một lối thoát, để trốn chạy ‘một cách chính thức’ nỗi buồn chán trống rỗng và sự dày vò của một mối tình không toại nguyện. Chàng sẽ đi làm thông dịch cho Tây nhưng tự nhủ có mình hay không có mình trong quân đội viễn chinh Pháp thì vận mệnh lịch sử của nhân loại không có gì thay đổi. Chàng chỉ là một cánh lục bình rất nhỏ bé trên dòng chảy rất to lớn nhưng vô hình của lịch sử Á Đông, và một nhánh của dòng chảy ấy là Việt Nam. Rất có thể trong giai đoạn này nhánh nhỏ ấy đi theo chiều tiến lên của những người Mác-xít và họ có nhiều khả năng chiến thắng và biết đâu chàng sẽ chết trong tầm ngắm của nòng súng họ. Sau chiến thắng đó là gì ai mà biết được … Cầu xin đừng quá tệ.
Cuối tuần ấy, Minh Nhật đến nhà Hiền Giang, đồng ý tham gia tập hát chuẩn bị cho cuộc thi thánh nhạc trong giáo hạt. Họ sẽ cùng nhau sống lại những kỷ niệm trước đây khi mỗi kỳ nghỉ hè, chàng từ Hà Nội trở về quê nhà, chàng hay mang đàn ghi-ta đến nhà ‘cô bé’ để dạy cô bé hát phục vụ ca đoàn vì cô bé có giọng ca khá hay khi hát sô-lô. Nhân đó chàng cũng chỉ thêm cho cô bé môn toán và tiếng Pháp. Chàng còn nhớ đã dạy cho cô bé bài “Ma main”: Voici ma main/ Elle a cinq doigts … (Đây là bàn tay tôi, nó có năm ngón…). Trong những lúc chàng chấm bài làm trong vở, cô bé thường hồi hộp cắn móng tay hoặc có khi vuốt tóc làm điệu vì ở cái tuổi dậy thì ấy những nét đẹp của cô bé bắt đầu thể hiện rõ ràng như hoa hàm tiếu. Có lần chàng liều lĩnh viết đại mấy câu thơ ‘vớ vẩn’ tặng nàng:

Em ngồi em cắn móng tay,
Nhìn mùa thu chở mây bay vào hồn.
Em ngồi em cắt móng chân,
Heo may đổ lá mấy lần hoàng hôn.
Em ngồi em vuốt tóc suông,
Nghe mưa rơi những giọt buồn vào đêm.

Giờ đây khi nhắc lại những kỷ niệm ấy, Hiền Giang giảy nảy nói:
“Anh chỉ chuyên môn trêu chọc em thôi.”
“Em phải có gì đặc biệt người ta mới trêu chọc em chứ.” chàng đáp.
Trước đây, nhiều lần chàng muốn tỏ tình với Hiền Giang nhưng với tư cách đàn anh nên chàng thôi, lòng tự nhủ, “Mình không vội gì, để từ từ cho tình yêu thật chín và ‘cô bé’ lớn hẳn rồi hãy nói cũng không muộn.” Lúc đó chàng không ngờ rằng tình-sét-ái-tình đã đến với chàng khi chàng gặp Lãm Trang và đã yêu nàng say đắm như một thứ ‘định mệnh’ của chàng …
Một hôm khi đi tập hát Giáng sinh về, Minh Nhật kéo Hiền Giang đi đường vòng qua một đồi cát mà ánh trăng phản chiếu trên cát tạo ra một vẻ sáng lung linh. Trên sườn đồi cát, chàng nói cho nàng biết việc chàng đi làm thông dịch cho lính Tây, sau tết chàng lên đường và có lẽ một năm sau mới có dịp trở về. Chàng nói:
“Hẳn lúc đó em đã đi theo chồng rồi cũng nên.”
“Không, em vẫn sẽ đợi anh.” nàng nói không cần suy nghĩ nhiều.
“Sao em lại đợi anh ?” chàng nói nhưng nàng cúi đầu không đáp, tay mân mê tà áo.
“Lúc đó anh đến xin cưới em, em chịu không?” chàng nói tiếp.
“Sao anh lại xin cưới em?” nàng ra vẻ ngây thơ hỏi lại.
“Vì anh yêu em…” chàng đáp và biết mức độ của tình yêu ấy thế nào vì ở nơi sâu thẳm của tâm hồn chàng, Lãm Trang dường như vẫn luôn hiện diện giữa ngọn lửa tình cháy bỏng.
“Em cũng yêu anh và em sẽ chờ anh.” nàng hân hoan đáp.
Chàng lấy tay quàng vào eo kéo nàng sát vào người chàng rồi đặt vào đôi môi mọng đỏ của nàng một nụ hôn nồng nàn, sôi nổi. Lần đầu tiên hai người hôn nhau. Sau đó họ lên đồi cát ngồi dưới một gốc phi lao nói chuyện đến gần khuya mới dắt nhau về dưới ánh trăng đã lên cao và một bầu trời đầy sao.
Đó là những ngày cuối năm 1949. Lần này thời gian ở quê nhà của Minh Nhật đã giúp chàng nguôi ngoai nỗi đau của một mối tình tuyệt vọng, và chàng đã tìm cách vượt qua tâm trạng bi thảm của mình. Trong việc ấy có lẽ giáo xứ chàng cũng có vai trò tích cực vì nó luôn là một cái nôi ấm áp cho các tín đồ nghèo khổ nhưng sùng đạo.

 
 

(Xem tiếp phần 2)

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn