Tình Yêu Lý Tưởng

 
 
 

Sau khi đến chùa và làm xong mọi nghi lễ, màn đêm cũng vừa buông xuống núi rừng. Trời sắp lập đông; khí trời trên cao lạnh hơn dưới đồng bằng. Mấy người bạn của Văn Bình đã mua sẵn một vài xị rượu dưới chân núi rủ chàng ra một góc sân để nhâm nhi cho đỡ lạnh. Lúc ấy nàng lại gặp chàng. Nàng nói:
- Sao anh lại có thể uống rượu trong chùa … như thế là phạm ngũ giới đấy.
- Có nhiều nhỏi gì, mỗi người chỉ vài chung cho đỡ lạnh.
- Em sẽ làm cho anh ấm mà không phải phạm giới, anh chịu không?
Lúc đó chàng phải miễn cưỡng đồng ý. Nàng chạy đi một lúc sau quay lại với một tô mì chay nóng hổi. Chàng cảm thấy ấm lòng khi nàng cẩn thận bưng hai tay tô mì bốc khói nâng cao ngang mặt, mời chàng thưởng thức. Sau đó hai người ngồi lại sân chùa chuyện trò với nhau trước giờ đi ngủ. Ánh trăng thượng huyền chiếu xuống sân chùa vẽ xung quanh nàng một quầng sáng lung linh huyền ảo.
Nàng luôn miệng nói về Phật pháp như một cô giáo giảng bài, còn chàng chỉ muốn hỏi về gia thế và nói về tình yêu vì chàng thấy lòng mình rung động trước vẻ đẹp đơn sơ, cung cách thùy mị của nàng. Hơn hai mươi phút trôi qua lắng nghe nàng nói về Phật pháp, chủ yếu là ngồi ngắm nàng, chàng chán nản nói xẵng giọng:
- Xin lỗi em, trước đây anh đã nghiên cứu Phật pháp rất nhiều đến mức đầu óc đã bảo hoà, nhiều lúc anh muốn moi trong đầu ra vứt bớt xuống sông. Thậm chí anh còn có thể tóm tắt trong chỉ một câu, một chữ. - À em biết rồi, chữ NHƯ chứ gì?
- Chữ NHƯ thì ai cũng biết nhưng với anh là chữ KHÁC.
- Tại sao là chữ ‘khác’.
- Này nhé khi anh ngồi trước bàn thờ Phật để toạ thiền, hoặc một mình vào chùa lễ Phật thì anh sống hai chữ “chân không”; còn khi anh đi vào sở làm, hoặc giao tiếp người này người nọ anh sống hai chữ “diệu hữu”. Đó không phải là KHÁC sao? Từ lúc đó, nàng mới chịu ngừng giảng pháp để nghe chàng nói chuyện khác – chuyện đời và chuyện tình yêu – Có một lúc chàng sắp tỏ lời tình thì nàng nói:
- Còn yêu là còn vô minh…
- Sao còn yêu là còn vô minh?
- Vì “Tu là cội phúc, tình là dây oan”?
- Ai nói với em điều đó?
- Cụ Nguyễn Du và sư thầy của em.
- Trời ơi, em không thấy khái quát hoá mọi tình yêu đều vô mình là sai sao? Vậy tình phụ tử, tình mẫu tử, tình bạn bè là vô mình, sai lầm hả…
Chàng hùng hồn nói tiếp:
- Đâu phải hễ Nguyễn Du hoặc sư thầy nói là phải đúng. Em phải coi lại chỗ này.
Nàng túng túng không đáp lại, nhưng lúc đó tiếng kẻng báo đã đến giờ nghỉ và khoảng vài phút sau máy phát điện trong chùa sẽ tắt. Hai người chia tay chúc nhau ngủ ngon với một tình cảm quyến luyến nhẹ nhàng như sương khói của buổi tao ngộ ban đầu.
Lúc bốn giờ sáng hôm sau, các ni cô vào chính điện để công phu, Mỹ Linh cũng có mặt trong lúc Văn Bình ngủ một giấc vô tư đến 6 giờ sáng, rồi vội vã theo đoàn của chàng rời chùa sớm, đoàn của Mỹ Linh đến trưa mới rời chùa. Dù vậy chàng cũng đã kịp thời save số phôn di động của nàng vào máy mình còn địa chỉ thì nàng không cho vì nàng nói:
- Anh không thể đến nhà em được vì mẹ em mất sớm, hiện em đang sống với ba và kế mẫu.
Ôi cảnh chia tay sao mà buồn thế. Trong lúc xuống núi một người bạn trong đoàn tên Phạm Thiên Nga trêu chọc chàng:
- Hôm qua ngồi uống rượu thấy hai người nói chuyện Phật pháp mà sốt cả ruột. Tình yêu trước sân chùa kiểu đó có vẻ sắc sắc-không không quá.
Chàng nhăn mặt cười nhưng không đáp, chỉ thấy đi xuống núi nhọc nhằn hơn lúc đi lên vì thiếu bóng nàng.
Một tuần sau cuộc hành hương là lần hẹn gặp đầu tiên tại thành phố. Nàng hỏi chàng:
- Lần trước anh nói khi sống trong tương quan với người khác anh sống DIỆU HỮU là sao?
Chàng đáp lại gọn lỏn:
- Người khác không phân biệt giới tính, tuổi tác, sang hèn đều có nhân phẩm hay phẩm giá không thể coi họ là Không tính hay trống rỗng được mà phải nói họ là Diệu hữu, là Phật-khác. Vì khi coi người khác là Không, người ta dễ bị cám dỗ áp đặt (hoặc để bị áp đặt) vào chỗ trống rỗng ấy ý chí quyền lực của kẻ có chức, có quyền. Có lẽ vì thế mà Phật giáo thường bị coi là tiêu cực.
Nàng hiểu ngay, đôi mắt sáng lên sau lớp mi dài và cong. Sau đó họ dẫn nhau đi ăn món Huế. Nàng mỉm cười khi chàng kêu cho mình một chai bia Heineken dù nàng thừa biết trong bia luôn có rượu.
Lần hẹn thứ hai trong một quán cà phê sân vườn giữa một buổi trưa vắng khách. Lần này Văn Bình đã ngỏ lời yêu cùng Mỹ Linh. Nàng cúi đầu không nói. Mãi một lúc sau nàng thỏ thẻ:
- Em biết anh đã yêu em từ hôm đầu gặp gỡ nhưng lúc đó em đã có một định hướng khác. Bây giờ, em xin anh cho em một thời gian để suy nghĩ và sẽ trả lời cho anh.
- Lâu không em? Anh vẫn còn cơ hội chứ?
- Anh phải là chọn lựa duy nhất của em, còn bao lâu thì em không biết rõ.
Nàng nói với chàng một câu lửng lơ như thế trong lúc đôi mắt nhìn chàng đằm thắm. Họ chia tay khi ra khỏi quán và đó cũng là lần hẹn cuối cùng vì sau ngày hôm ấy chàng không thể nào liên lạc bằng điện thoại di dộng với nàng. Hình như nàng không còn sử dụng nó nữa, và chàng không còn gặp lại nàng như thể nàng đã bị bốc hơi.
Sự việc sau đó của chàng diễn tiến theo đúng quy luật. Hơn hai năm sau chàng lập gia đình với một cô gái cùng quê qua sự mai mối của bà dì. Nói chung họ hạnh phúc và vợ chàng có thai đứa con đầu lòng.
Một ngày giữa tuần vào buổi trưa trong cơ quan, điện thoại trong túi chàng reo lên. Chàng bắt máy… Chàng nhận ra ngay giọng nói của Mỹ Linh sau hơn 4 năm dài. Tâm trạng chàng thật khó tả vừa vui mừng cuống quít vừa bối rối lo âu, Chàng hỏi qua máy:
- Em đang ở đâu… à biết rồi … cà phê X. nơi anh đã từng nói yêu em chứ gì?… Anh sẽ ra ngay.
Chàng bước vào quán, ngoài mấy cặp choi choi và một ni cô đội nón lá đang cúi xuống chiếc điện thoại mà chàng không nhìn rõ mặt. Chàng quay bước ra cổng nghĩ bụng chắc nàng đến muộn. Bỗng tiếng chuông ĐT của chàng reo, tiếng của nàng:
- Anh đến chỗ ni cô đang ngồi, cô ấy sẽ chỉ chỗ của em.
Chàng rụt rè bước đến. Ánh mắt ni cô nhìn lên: Đúng là nàng rồi. Trời ơi sao lại thế này, chàng tưởng mình sắp khóc: tại sao ngày nay lại có thêm một chuyện tình Lan và Điệp ở đây chứ? Nàng cố bình tĩnh nói:
- Anh làm gì bối rối dữ vậy, chẳng phải anh đã có gia đình rồi sao. Ngồi xuống đi em sẽ kể cho anh câu chuyện của em mấy năm qua.
Thì ra trước khi gặp chàng ở Tà Cú, nàng đã có ý định đi tu rồi nhưng phân vân vì thấy Phật giáo có gì đó tiêu cực và thụ động quá. Nhưng khi gặp chàng, những gì chàng nói bạt mạng về Phật Pháp, về Diệu Hữu đã giúp nàng khám phá ra khía cạnh tích cực, phục vụ tha nhân của đạo. Nàng nói:
- Em vào chùa tu và nhiều lúc nhớ anh lắm, nhưng lúc đó để thắng nỗi buồn, em đi tìm những Phật-khác là những trẻ mồ côi không được ai thừa nhận về nuôi. Mỗi khi lo cho chúng cái ăn, cái mặc và việc học hành, em đều tâm niệm Diệu Hữu đó, Phật-khác đó và em vui, em hạnh phúc. Đời không còn là bể khổ cho em và cho chúng nữa mà là một nơi thường lạc, an vui dù đôi lúc phải chịu thiếu thốn…
Rồi nàng lấy ra một xấp hình chụp nàng với “đàn con nhỏ” đang quây quần xung quanh nàng và những cảnh sinh hoạt của họ trong một ngôi chùa nhỏ: đứa này đang ngồi học dưới chân tượng Quan Âm, đứa kia đang bưng chồng chén để dọn bữa … Còn ảnh này (ôi dễ thương quá!), nàng đang giặt đồ cho chúng. Nàng gọi ngôi chùa nhỏ đó là một góc Tịnh thổ hay đất Phật của nàng.
Lần này chàng khóc thật vì vô tình đã chỉ hướng đi tốt đẹp cho nàng. Nàng hứng lấy những giọt nước mắt ấm áp đó trong lòng bàn tay nàng như những viên ngọc quý (Ấm như hạt ngọc Lam điền mới đông). Nàng biết rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì mãi mãi nàng là tình yêu lý tưởng duy nhất mà chàng đã gặp được trong cuộc đời dâu bể này giống như trong câu chuyện Hồn bướm mơ tiên.

@@@

Văn Bình nói: “Tình yêu nhỏ của tôi đã đưa nàng đến một tình yêu lớn hơn và cao cả.”
Còn tôi nói: “Hơn thế nữa tôi tin có Tình Yêu tuyệt đối, dù chỉ có ít người gặp được trong cuộc đời mình hoặc đã từng gặp mà không hề hay biết… Và người đọc cũng dễ dàng nhận ra tôi hiểu tình yêu với nghĩa rộng nhất gồm hai nội dung erosagape trong tiếng Hy Lạp.”

 
 

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn