Giữa Trí Nhớ và Lãng Quên

Phạm Việt Cường
 
 
 

Là thứ vận hành và tương xâm khốc liệt góp phần làm nên tính cách và vận mệnh đời người. Như cái đối đãi vô tâm của thời gian qua ngày đêm. Cái luân chuyển khủng khiếp của nhân sinh qua sống chết. Hình tượng của bóng tối và ánh sáng đó vẫn tất yếu giả định một lằn ranh; và ở ngay biên độ phù du, giữa cái khe mắt bé hẹp lim dim đó đôi lúc chợt sáng lòa một cảnh tượng, một khuôn mặt. Trí nhớ và lãng quên như hai gã thủ kho ham hố và phi lý. Chiếm giữ những gì người ta đã mang theo với mình đến xa thẳm chân trời hôm nay; làm thành hiện sinh nơi những bán cầu khác nhau. Mà cũng chẳng bỏ qua những gì người ta đã phải bỏ lại phía sau. Bên kia một đại dương. Nói chung là quá khứ.

Với tôi, cái quá khứ buồn sầu của chính mình có vẻ ít trừu tượng hơn so với nhiều thực tại khác. Và đó là những năm tháng đã sống trãi ở Sàigòn, nước Việt Nam, ấu thời, tuổi trẻ, kỷ niệm, đường Duy Tân, nhà thờ Đức Bà, phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Những mùa lãng mạng cà-phê lá me Nguyễn Du, khu đại học Văn Khoa, Nông Lâm Súc…và một ngàn quán cà-phê lớn nhỏ khác đánh dấu lốm đốm trên bản đồ tuổi trẻ… Rồi đến 1975, giữa sự vô tình lãnh đạm của mình, bất chợt tôi nhận ra có một thành phố khác thế chỗ Sàigòn, với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ.. Những ngày tháng lãng đãng không lối thoát và ngộp thở trôi qua ở cơ quan, nông trường, xí nghiệp… rồi trại giam, nhà tù, đường phố, chuyến đi….

Rồi cũng giống những lưu dân bất đắc dĩ khác, sau những ngày trại đảo huyền hoặc, thì Tân Thế Giới của mỗi người hiện ra. Hoàn toàn khác nhau. Không như đã thấy trong giấc mơ phóng dật. Đó là nơi chốn mà mỗi người mô tả trong những bức thư đầu tiên gửi về quê nhà. Ánh sáng của ngày thật dài, sự lạnh giá, đường phố sạch sẽ, sự vắng lặng… Thứ ngôn ngữ khác ở chung quanh là điều cụ thể nhất nhắc người ta rằng cơn gió đang thổi lạnh buốt ngực là gió thổi đến từ một phong thổ khác. Người ta đang thật sự đi đứng nói cười trong một thế giới khác. Giống như di động đàng sau những vách kính ngăn trong suốt của phòng giải phẫu bệnh viện đã tiệt trùng.

Với tôi đó là cái thành phố nông nghiệp nhỏ đang chuyển mình, ở phía Bắc tiểu bang California - San Jose. Những nông trại trồng dâu trong vùng đang lui dần vào quên lãng, nhường chỗ cho một thay đổi lớn của thế kỷ sắp xảy ra trong đêm - cuộc cách mạng điện toán - và cái nôi của nó nằm ngay đây, được mệnh danh là Silicon Valley.

Trong những ngày lạc lỏng ơ hờ đó, có hôm tôi chợt thấy mình đứng lơ ngơ bên các lề đường ở khu downtown San Jose vắng, nhìn xe cộ thỉnh thoảng lứơt qua. Có lúc cặm cụi lần dở từng quyển sách báo ở nhà sách Toàn Thư, ráng chụp bắt những giấc mộng đang tan biến trên những trang chữ Việt. Có lúc thấy mình lang thang qua cái hành lang tối hẹp ở cư xá Tam Đa… Và ngân hàng Bank of America nơi góc đường, tiệm bán thuốc lá và rượu, chợ Hồng Kông, tiệm mì Sám Ký… tất cả hình ảnh chập chờn, không thực trước mắt kẻ mộng du. Và nổi bật, vang vọng trên bầu trời tự do tôi đang sống thở đó là một nỗi sầu kỳ lạ. Sao không khí trong lành thế kia mà vẫn có gì đó đè nặng lên lồng ngực. Cảm giác thất lạc. Bất an. Lẻ loi. Có lẽ gần giống như cảm giác của Dante khi lạc bước nơi tầng luyện ngục đầu của mình. Trong những buổi sáng thứ bảy vắng lặng, nơi vùng đất mới đó, với sự mất mát quá lớn bỏ lại sau lưng - trọn một quê hương, một thành phố, một tuổi trẻ bị xóa mất sau trận tsunami khủng khiếp của lịch sử. Sự mất mát như vết thương còn tươi đỏ, sưng tấy và chảy máu. Đó là những ngày xao xuyến, chẳng biết phải làm gì, chẳng biết đi đâu, có lẽ vì đã đi đến đích, đã đến cùng đường, chỉ còn cõi lòng tê dại với bao kỷ niệm.

Cũng trong những năm tháng đầu lưu lạc đó, một sự việc xảy đến khuấy động một mặt hồ yên aœ phương xa. Đó là hôm một cô gái người Việt trạc đôi mươi, bước vào khung cảnh xanh biếc, nên thơ của sân trường West Valley College thuộc thành phố Saratoga. Nhìn màu da đen xạm phong trần của cô, tôi đoán có lẽ cô vừa đến từ một trại tị nạn nào đó ở Đông Nam Á. Cô có dáng điệu của con thú hiền lành vừa thoát chết sau một cuộc săn đuổI hay sau một chấn thương lớn. Ánh mắt thất thần trên khuôn mặt còn toát ra sự khiếp hãi, xa vắng. Sự xuất hiện lặng lẻ, khép kín của cô đã đánh thức một điều gì đó nơi tôi như lay tỉnh một người mê ngủ. Bất chợt tôi nhớ ra rằng, có một bi kịch lớn khác của đất nước, còn nóng hổi và đang bị đẩy dạt sang bên lề. Và nơi những mặt biển xa tối đen, mênh mông ngoài kia, còn bao nhiêu oan hồn Việt không bao giờ có dịp đặt chân lên bờ đời sống nữa. Biển cuồng nộ đã theo chân cô gái tràn vào một giảng đường yên bình ở Bắc Mỹ…

Cảm thức mất mát, nỗi buồn, sự lẻ loi, lòng thương xót kia đã gợi hứng cho tôi viết bài thơ “Chuyện Cũ” dưới đây. Cách đây gần 20 năm. Lúc ấy, tôi chỉ muốn tự nhắc nhở mình về những oán hận và những thương yêu đã xa vời.. và xuôi tay bất lực trước sự phôi pha đáng ghét này. Nhưng cùng lúc, tôi cũng cảm nhận nhiều điều mâu thuẫn khác. Sự quên lãng là một tiến trình tâm lý tự nhiên hay cần phải là kết quả của một nỗ lực của ý chí? Và nếu sự quên lãng cũng đồng nghĩa với cái chết, thì cuốí cùng, có phải cuộc chiến đấu của Kundera cũng nắm chắc phần thất bại?

Có ai nhận ra rằng ba mươi năm, hai mươi năm hay mười năm ở xứ người đã trôi tuột đi chớp mắt như nước chảy qua kẽ tay? Đáng sợ hơn nữa là ngần ấy năm tháng đã qua đi mãi mãi mà hình như không để lại chút kỷ niệm hay dấu vết nào sâu đậm trong trí nhớ. Trong khi đó, phần đời sống ngắn ngủi, mờ nhạt, nằm xa hơn nữa trong quá khứ, nơi năm tháng khởi đầu đời sống mỗi người với hơi thơœ máu huyết gắn bó Việt Nam, thì lại thật rõ nét, như cảnh tượng thiên nhiên ngày nắng đẹp.

Tôi mong những nỗi đau được ghi lại trong bài thơ “Chuyện Cũ” đã thật sự là những chuyện cổ tích đã chìm quên hẳn trong quá khứ. Ba mươi năm trôi qua, thời gian đã đủ dài để làm dịu nỗi đau từ những vết thương trí mạng kia chưa? Bất chợt, sự di chuyển thuần tính chất địa lý - chỉ thay đổi một nơi sinh sống - có vẻ làm đảo lộn, chuyển hóa đời sống người ta một cách sâu xa, ít ra là nhiều hơn dự tính. Lằn ranh giữa hai mênh mông biển dâu đó nằm nơi đâu?

Tôi không biết. Cũng như tôi thật sự không hiểu cuộc đấu tranh giữa trí nhớ và sự lãng quên sẽ ngã ngũ như thế nào. Chỉ biết là sau này, có nhiều đêm mưa lái xe qua một thành phố San Jose đã hoàn toàn đổI khác, qua hai dãy phố nâu trên đường số Ba hay đi ngang thư viện Martin Luther King khang trang ở góc đường số Bốn & San Fernando, nỗi bồi hồi Tú Xương năm xưa có lúc cũng dâng lên trong lòng tôi, Và hình như tôi có nghe tiếng gọi đò nào vẳng xa trong gió lạnh...

Và chỉ biết sau bao nhiêu năm, ánh mắt của ai đó đêm trước cuộc ra đi như vẫn còn đăm đắm nhìn theo. Có lẽ tôi sẽ sống trong thứ hội chứng trầm kha, lãng đãng này mãi mãi. Nhưng giờ đây, đằng trước nỗi xao xuyến bập bùng đó, chắc chắn không còn là một đời sống mới mở rộng như năm xưa, mà chỉ còn bóng tối lạnh im ngoài kia đang đợi chờ. Để khép lại.


Chuyện Cũ

"The struggle of man against power
is the struggle of memory against forgetting.”
– Milan Kundera.


 
 

nói chung
không còn ai than khóc nữa
chuyện chết chóc biệt ly
tù đày nghèo đói
đã qua rồi
anh không thể tự dày vò mãi

thế nên chỉ là chuyện thường tình
nếu lối vào freeway không còn làm anh chóng mặt
và gót giày tự tin
bắt đầu vang trên hành lang sáng bóng shopping center
dần dần anh cũng biết làm ngơ
khi gặp đồng hương ngoài phố

anh sẽ không kịp lỗi thời
rồi cũng giống mọi người
anh lên cân và bắt đầu rụng tóc
chuyện nhà cửa việc làm xe cộ
như ngọn sóng thần cao ngất
cuốn anh đi không kịp nhìn lui…

không ai chỉ dẫn anh
phải sống như thế nào
sau lần sống sót ấy

anh sẽ không kịp u sầu
ngọn gió kỳ lạ mỗi chiều
đập vào bờ vách trống không của trí nhớ
chiếc xe hãng xưởng căn nhà
anh ra vào như con kiến thợ
những huyệt mộ văn minh
vùi lấp
mỗi ngày anh mở khép hững hờ
cánh cửa đời xám nhạt

hoàng hôn nơi đây thôi làm anh thảng thốt
và tràn lọc qua nỗi dửng dưng
đêm thu mình con thú lạc loài
anh không còn cảm thấy mệt nhoài
trong căn apartment chật hẹp
đêm âm thầm pháo đài câm
đêm nhấp nháy màn ảnh vô tình
đêm thất thần không khép mắt
những giấc mơ trước lúc ra đi được thay thế bởi những bóng hình khác lạ

sau những trận football truyền hình
sau những phim bắn giết
bao lâu rồi anh không ngắm một vầng trăng
bao lâu rồi không gặp lại trong mơ một khuôn mặt thân yêu những ngày khốn khổ

không ai chỉ dẫn anh
phải sống như thế nào
sau ngần ấy mất mát

đâu còn gì có thể làm anh hãi sợ
anh đã vượt qua trùng trùng thách đố
phòng tra tấn
ánh mắt hận thù
năm dài bị chà đạp và sỉ nhục
anh đã vượt qua biển đêm giận dữ
qua đường tơ kẽ tóc của bạo tàn và cái chết
anh đã đi qua những cảnh đời mà sự bình yên nơi đây dường như không có thực

không ai chỉ dẫn anh
phải sống như thế nào
sau ngần ấy tuyệt vọng

anh sẽ không kịp nhớ nhà
không kịp nghiền ngẫm nỗi đau xưa
không kịp mỉm cười trên tấm ảnh gửi về cho mẹ
lướt mắt thờ ơ qua những trang báo nơi tiệm ăn phòng khám
không hình ảnh nào gợn lên với chiếc răng đau
không xúc động nào bên tô phở
chuyện dài quê hương vẫn thế
vẫn thất nghiệp vĩnh viễn
vẫn mãi mãi đói nghèo
vẫn trông chờ mòn mỏi
vẫn những án lệnh chung thân hay tử hình gì đó –
đã có người khác thay thế anh nơi phòng biệt giam ẩm tối

***

trước kia đã nhiều lần
anh cắn răng ứa lệ
nhủ lòng
biết bao điều
không thể nguôi quên…