Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Phương Tây Đối Với Thế Giới và Việt Nam Qua Toàn Cầu Hóa


 
 
 

I. LƯỢC QUA CÁC ĐỊNH NGHĨA TỪ “ VĂN HÓA”

Theo tự điển của Viện Hàn lâm Pháp, từ “văn hóa” (tiếng Pháp: culture) được định nghĩa là: “Toàn bộ những thủ đắc về văn chương, nghệ thuật, thủ công nghiệp, kỹ thuật, khoa học, phong hóa, luật lệ, cơ chế, tục lệ, truyền thống, những cách suy nghĩ và những cách sống, những cách ứng xử thuộc mọi lãnh vực, những lễ nghi, những thần thoại và tin tưởng tạo nên một di sản cộng đồng và cá tính của một nước, một dân tộc hay một sắc dân, một quốc gia”. (1)

Tự điển The New Encyclopaedia Britannica cũng định nghĩa từ “văn hóa” là: “Toàn bộ hiểu biết, tin tưởng và cách cư xử của nhân loại. Văn hóa được định nghĩa như thế bao gồm ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, những cấm kỵ, luật lệ, cơ chế, dụng cụ, kỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật, nghi thức, lễ nghi và những thành phần liên hệ khác. Sự phát triển văn hóa tùy thuộc vào khả năng của con người biết học hỏi và truyền đạt sự hiểu biết cho những thế hệ kế tiếp”.(2)

Còn theo thuật ngữ Trung Quốc (đọc theo âm Hán Việt) thì “văn” là nét vẽ, thể hiện vẻ đẹp bề ngoài, “hóa” là biến đổi cho tốt đẹp hơn. Hai chữ này không đứng chung với nhau nhưng người Trung Hoa lấy hai chữ ghép liền để dịch chữ “culture” của tiếng Pháp, tiếng Anh và chữ “kultur” của tiếng Đức. Người Việt và người Nhật cũng bắt chước dùng từ “văn hóa” theo người Hoa.

Mặt khác, khi nói đến văn hóa, người ta nghĩ đến những sinh hoạt có ý thức, những cách sống đặc thù của mỗi cộng đồng, xã hội. Đã gọi là “có ý thức” thì tùy theo mỗi cộng đồng, xã hội mà mỗi nền văn hóa có thể mang tính chất tích cực hay tiêu cực. Như vậy, có thể nói là từ nguyên khởi, không có văn hóa xấu. Do đó, thật không thích đáng khi lấy chuẩn mực của một nền văn hóa này đánh giá một nền văn hóa khác. Ví dụ như về cách cư xử của con cái đối với cha mẹ, thì người phương Đông - như người Việt Nam, người Trung Hoa,… - từ tập quán nuôi dưỡng, cưu mang cha mẹ khi cha mẹ về già, thường không tán thành kiểu người Mỹ, người Âu gởi cha mẹ già vào viện dưỡng lão, thì cần để ý đến quan niệm duy lý của người phương Tây về bổn phận của cha mẹ, con cái đối với nhau trong gia đình, rằng mọi sự đều bình thường, hợp lý khi có những bậc cha mẹ buộc con cái đã trưởng thành phải ra riêng, kiếm việc làm mà tự lập về kinh tế, cũng như khi có những đứa con khá giả, đủ sức nuôi cha mẹ sống bên cạnh mình, lại gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão để… chính phủ lo.

Cái nhìn khách quan, trả đúng sự việc về với quá trình sinh thành, lô gích diễn biến, phát triển của chính sự việc, cũng rất cẩn thiết khi chúng ta gặp phải những biến thể, “phó bản” hoặc tình trạng suy đồi, lai căng của một nền văn hóa ( sẽ phân tích thêm ở phần sau). Ví dụ: Cứ dựa vào hiện tượng phim ảnh Âu Mỹ thường rất sex, rất “mát mẻ”, nhiểu cảnh làm tình, có người cho rằng như vậy thì “dân Tây”. “tụi Tây” rất dâm, thì cần hiểu rằng từ quan điểm văn hóa phương Tây là phóng khóang, dễ dãi về tình dục, đã nảy ra một biến thể xấu là một số nhà làm phim của họ cố tình làm phim thật sex để câu khách – phim nghệ thuật thì khó “ăn “hơn – chứ về tánh dâm thì chưa ai dám đoan chắc rằng người Việt, người Hoa, người Thái ít dâm hơn người Mỹ, người Pháp.

II. NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY

Đến thế kỷ 19, bộ mặt của nền văn hóa,văn minh phương Tây hiện đại nói chung – xuất phát từ Tây Âu - đã tựu thành khá đầy đủ, và cho đến nay là đầu thế kỷ 21, những nét cơ bản của nền văn hóa này cũng ít thay đổi hay đảo lộn. Đại để có 3 tư tưởng chủ đạo tạo nên cái gọi Là “đẩu óc” người phương Tây, là:
-Văn hóa Tây Âu phát triển dựa trên nền tảng của các hệ tư tưởng: gồm tư tưởng duy lý (rationnalisme, điển hình là tư tưởng triết học của các nhà tóan học/triết gia người Pháp như Descarte, Malebranche, hay triết gia người Đức là Kant…), duy nghiệm (empirisme, điển hình là chủ trương của các triết gia Anh, như John Locke, David Hume…) và duy thực chứng (positivisme, tiên phong là nhà tóan học/triết gia người Pháp Auguste Comte). Và sâu xa hơn, cả 3 hệ tư tưởng này đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng cổ Hy lạp, như bảng phạm trù luận lý học (logique) của Aristote hay “thế giới của các ý niệm” (Le monde des Idées) của Platon.
-Văn hóa Tây Âu chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các tín lý của Ki tô giáo..
-Văn hóa Tây Âu mang nặng màu sắc của chủ nghĩa cá nhân.

Trong thực tiễn đời sống, qua không biết bao nhiêu là cải cách, phản biện, rẽ ngoặt.v.v.. không thể tránh khỏi, văn hóa Tây Âu có thay đổi đến mấy cũng không trượt ra ngoài 3 hệ tư tưởng cốt lõi nêu trên.

Như chính qua phương pháp luận duy lý, duy thực chứng, duy nghiệm đã tạo điểu kiện cho khoa học – kỹ thuật phương Tây phát triển mạnh mẽ. Nên khi bàn về lịch sử văn minh nhân loại - văn minh được hiểu là .“một phần của văn hóa, đặc biệt là tình trạng tiến bộ của con người trong phạm vi kỹ thuật và những cải tiến đời sống vật chất”. – ta khó bác bỏ được vai trò tiển phong của nền khoa học-kỹ thuật phương Tây. Và như chúng ta đã biết, thành tựu khoa học- kỹ thuật lớn nhất của nhân loại là kỹ thuật, công nghệ tin học đã khởi đầu từ nước Mỹ.

Hơn nữa, khác với tư tưởng Phật giáo là chủ trương “Vô”,“ Vạn pháp giai không”, sự sống và cuộc đời là giả tạm, hư vô, tín lý Ki tô giáo lại dạy cho tín đồ phương Tây rằng Thượng đế, thần linh, con người và cuộc sống trần gian…, tất cả đều là có thật (Hữu chứ không Vô) nên kết quả là người Ki tô giáo không lãnh đạm với “cõi tạm” này , trái lại cố công cố sức sống cho thật tốt đẹp ở đời sống vật chất cụ thể này. Nhờ vậy, phát minh khoa học – kỹ thuật lại ngày càng tiến bộ, ngày càng xuất hiện đủ thứ máy móc, tiện nghi, phương tiện… nhằm phục vụ cho mọi sinh hoạt của con người.

Từ gần 400 năm trước, trong hành trang tinh thần của những người dân gốc “lục địa cũ” châu Âu di dân sang Tân Thế giới mà lập thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cũng trĩu nặng các yếu tố tư tưởng văn hóa Tây Âu. Có điều khác là ở văn hóa Bắc Mỹ đã nổi lên hai biến thể văn hóa có tính quyết định đối với sự giàu mạnh của nước Mỹ, người Mỹ.

Một là từ tư tưởng duy thực chứng cũ đã nẩy sinh tư tưởng thực dụng (pragmatisme). Óc thực dụng cho rằng cái gì, việc gì có thật, cụ thề để chứng nghiệm được, đồng thời mang lại lợi ích cho con người thì có giá trị cao nhất đối với đời sống con người. Do đó, khoa học – kỹ thuật, trong đó có ngành kinh tế - thương mại, lại được người Mỹ ra sức đẩy mạnh cho phát triển hơn nữa tại vùng Bắc Mỹ. Óc thực dụng kiểu Mỹ cũng là một biểu hiện rất sống động cho chủ nghĩa cá nhân, muốn tự khẳng định mình vượt lên người khác.

Hai là do người Mỹ đa số theo đạo Tin Lành, mà trái hẳn với đạo Công giáo La Mã cho rằng “Người giàu đi vô cổng thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ trôn kim”, đạo Tin Lành cho rằng con chiên sinh sống, làm ăn được sung túc, giàu có thì rất đáng tự hào vì đó cũng là một ân sủng của Chúa trao cho con người. Do đó, đạo đức Gia Tô không cấm làm giàu! Và đức tin tôn giáo này chắc chắn không nằm ngoài triết lý kinh doanh của những ông chủ các tập đoàn tài chính – thương mại người Mỹ, không khác gì “máu” thương buôn ngồn ngộn trong huyết quản của người Trung Hoa.

III. SƠ LƯỢC VỀ TOÀN CẦU HÓA

Từ cuối thế kỷ trước, động thái toàn cầu hóa (globalization) đã khởi phát từ sự hội tự và tác động qua lại giữa ba yếu tố:

1. Cuộc cách mạng tin học,
2. Sự tăng trưởng của các tập đoàn, công ty lớn,
3. Khuynh hướng luôn muốn làm bá chủ thế giới của siêu cường quốc Hoa Kỳ.

Đấy là sự xâm nhập của cả thế giới vào mọi lãnh vực trong đời sống nhân loại và hầu như toàn thế giới có mặt khắp bên ngoài và bên trong mỗi người chúng ta. Biểu hiện sâu rộng của làn sóng toàn cầu hóa đại để như sau:

-Các ngành kinh doanh đại tư bản (như ngành xe hơi, hàng không, ngân hàng) họp lai với nhau ở tầm cỡ thế giới, biến thành các nhóm toàn cầu. Các nhãn hiệu, thương hiệu – nhất là của Mỹ - như Microsoft, Coca Cola, MacDonald, Sony, Nokia, Toyota, Samsung.v.v… có mặt khắp nơi trên thế giới Chiếc xe gắn máy Dream mang công nghệ Nhật Bản, kiểu dáng Thái Lan, động cơ sản xuất tại Hàn Quốc, được ráp tại Việt Nam ( với một số bộ phận sản xuất tại chỗ) rồi được bán tại Việt Nam và một số nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán quốc tế cho phép người dân nước này dễ dàng đầu tư qua nước khác. Qua thẻ tín dụng mua bằng đồng tiền riêng của nước mình, mỗi người có thể tiêu xài, mua sắm ở khắp mọi nơi trên thế giới. Động thái mở rộng mênh mông của hoạt động tài chánh và kinh tế thế giới như thế đã càng tiếp sức cho làn sóng toàn cầu hóa.

- Các quốc gia dần dần kết lại với nhau thành khối. Ngoài Liên Hiệp Quốc, ở Âu Châu có EU, ở Đông Á có ASEAN, ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có APEC, ở Trung Đông có OPEC, ở Châu Phi có OUA. v.v…Động cơ chính của các liên kết này là quyền lợi kinh tế, nhưng đồng thời cũng do tác động của toàn cầu hóa vì từng nước đứng riêng lẽ sẽ dễ dàng bị những khối toàn cầu nuốt chững. Một hệ thống luật pháp quốc tế hình thành và dần hồi phủ lên bộ luật của từng quốc gia, điển hình là hệ thống luật giao thương của WTO. Nhiều hiệp ước quốc tế được ký kết, nhằm tạo nên một vùng pháp lý chung cho toàn cầu.

-Cuộc cách mạng tin học và bùng nổ công nghệ thông tin cho phép người ta xử lý những khối thông tin thật lớn với giá “mua thông tin” càng ngày càng hạ. Với máy truyền hình và máy vi tính, cả thế giới đang diễn ra trong phòng khách chúng ta. Với tốc độ ánh sáng, tất cả hình ảnh mọi biến cố tại mọi nơi trên thế giới đều có thể được truy cập, mở xem cùng lúc, mặc cho khoảng cách không /thời gian. Tại một diễn đàn về ‘Toàn-cầu-hóa trong tương-lai’ tổ chức tại Ý Đại Lợi , tỉ-phú Bill Gates – ông chủ Microsolf - lập luận rằng với kỹ thuật tin học là chìa khóa của tương-lai, mai này, sức sáng tạo của con người phải được giải phóng đến vô hạn.

- Mỗi quốc gia vẫn giữ ngôn ngữ riêng của mình nhưng tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính trong giao tiếp quốc tế, chưa nói đến một ngôn ngữ quốc tế đặc biệt mới, đó là ngôn ngữ vi tính.

IV. ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY ĐỐI VỚI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH TOÀN CẦU HÓA

Quá trình toàn cầu hóa đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến mọi người và mọi nơi trên trái đất. Nó làm cho mỗi người, mỗi cộng đồng xã hội ý thức hơn về các vấn đề chung của toàn nhân loại và luôn cả của từng người (qua các mạng blog chẳng hạn), do đó làm thay đổi nhiều điều vốn quen thuộc, riêng tư trong đời sống xã hội và nội tâm mỗi cá nhân.

Đi theo quá trình toàn cầu hóa, văn hóa Tây Âu – Bắc Mỹ , nói gộp chung là văn hóa phương Tây, đã tạo nên những ảnh hưởng nhứt định đối với toàn thế giới và Việt Nam ta.

Trước hết, óc duy lý, thực dụng phát triển thành sự tôn sùng lợi nhuận. Mọi thứ đều được đánh giá theo qui luật lợi nhuận. Một quốc gia ‘tốt’ là một quốc gia mà ta kiếm lợi nhuận ở xứ đó thật nhanh. Một chính phủ ‘tốt’ là một chính phủ giữ vững giá trị đồng tiền của mình, giữ an toàn cho quyền lợi của người đầu tư, sẵn sàng đầu tư vào việc đào tạo (chứ không phải vào giáo dục) và mua sắm thiết bị từ nước ngoài. Người lao động ‘tốt’ là người có khả năng chuyên môn cao, chịu làm việc nhiều, tăng “ca” mà không đòi hỏi lương bỗng tăng trội. Dần dần, cả thế giới cho rằng đó là qui luật duy nhất để tồn tại và phát triển.

Rõ rằng qui luật ấy dần hồi làm cho kẻ mạnh, giàu ngày càng mạnh, giàu hơn và làm cho kẻ yếu, nghèo ngày càng yếu, nghèo hơn. Hố ngăn cách trong xã hội ngày càng được đào sâu và mở rộng.Trước đây, ở những nước giàu, mọi người đều có công ăn việc làm, thu nhập khá, còn ở nước nghèo, mọi người đều khó khăn, thiếu thốn. Hiện nay, với nền kinh tế thị trường duy lợi nhuận, sự phân hóa giàu/nghèo áp đặt với mọi cung bậc ở bất cứ quốc gia nào, bất luận đó là cường quốc như Mỹ hay một nước chậm tiến, nghèo đói mạt hạng như Somalie.

Con người dần dần biến thành một phương tiện sản xuất trong khi làm việc, và thành một đơn vị tiêu thụ ngoài giờ làm việc. Nhiều lúc phẩm giá con người được đo lường bằng khả năng mua sắm của họ. Tinh thần lợi nhuận bao trùm mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, tâm linh... Não trạng “kinh tế” sui khiến nhà nghệ sĩ sáng tác đặt ra câu hỏi: “Làm bài thơ này, sáng tác bản nhạc này, có lợi bao nhiêu? Bán được bao nhiêu đô-la?” . Hay thậm chí công ty bảo trợ cho một chương trình phước thiện tính tóan: “ Làm vụ phước thiện này là đỡ tốn cỡ bao nhiêu tiền quảng cáo? ” . Một não trạng như thế có thể giúp con người giữ vững điều tốt (lao động, sản xuất ra nhiều của cải) nhưng đồng thời vướng vào điều xấu là tha hóa con người nói chung và làm nghèo một bộ phận nhân loại nói riêng Cuốn theo làn sóng toàn cầu hóa, chủ nghĩa cá nhân trong văn hóa phương Tây đã dần hồi biến thái thành thứ tâm lý “con người riêng tư (private)”, chỉ gắn với người khác qua quan hệ cung cầu và lợi nhuận. Phần lớn thanh niên nam nữ ở các nước Mỹ, Âu và một số nước châu Á (như Nhựt Bản, Hàn quốc, Singapour…) chỉ sống với hai mối quan tâm thiết thân là: một là thảnh đạt trong nghề nghiệp để tạo ra thu nhập cao và hai là hưởng thụ, tức tiêu dùng, mua sắm các thiết bị sinh hoạt hiện đại nhất.

Thì đã có Internet đáp ứng mọi nhu cầu trong đời sống, như : làm việc, giải trí, học hỏi, mua sắm, kết bạn.v.v… Tuy nhiên, điều nguy hiểm là Internet ngày càng bị lợi dụng để truyền đi hình ảnh về bạo lực, tình dục, kích động khủng bố, gây chia rẻ, xung đột trên phạm vi toàn cầu. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng nguy hại bởi những hoạt động vô trách nhiệm của giới truyền-thông và văn hóa, đặc biệt nghiêm trọng là sự tràn lan những hình ảnh tác hại nêu trên.

Và trên toàn thế giới hiện nay, có một kiểu” đồng phục” phổ biến nhất cho con người – nhất là giới trẻ - có lối sống (lifestyle) rập theo mẫu văn hóa phương Tây thời đại: cái máy vi tính để bàn, hay cái laptop.

Khi ngổi trước máy, tôi tiếp cận với anh qua cái nick name là được, bất chấp là anh lấy tên và ảnh con gái làm cái bản mặt của anh, bất chấp anh đưa ra profile láo toét về mình. Trong thời đại bùng nổ thông tin, thật giả lẫn lộn này, tốt hơn hết là tôi chỉ biết có tôi thôi, ngoài ra tôi tương đối hóa mọi sự, không hề quan tâm đến toàn bộ nhân cách, đời sống, tâm tư gì của người khác. Mà tại sao lại cần đến sự quan tâm vô bổ ấy trong khi ngày ngày chúng ta chỉ cần nói chuyện, quen nhau, thậm chí yêu nhau, qua máy? Con người bị mất khả năng giao tiếp bình thường, tuy vẫn có thể là trên máy, có toàn quyền add làm bạn với người nào tự giới thiệu nghe cũng vui vui, đồng thời cứ thẳng ngón tay delete cái nick name nào khó ưa!

Những thể chế lâu đời vẫn còn đó và còn giá trị, nhưng ai cũng có quyền sống theo kiểu cách riêng của mình. Thể chế hôn nhân chẳng hạn. Pháp luật và và đạo đức truyền thống ở rất nhiều nơi vẫn tôn trọng hôn nhân, nhưng thực tế trên các nước phát triển cho thấy rằng hơn 50% các cặp vợ chồng sống với nhau bất chấp hôn nhân và thoải mái chia tay nhau khi thấy không còn ‘có lợi’ nữa hay tự do của cái “tôi” bị hao hớt. Mặt khác, hiện có khoảng 1.30 triệu vụ phá thai xảy ra hằng năm tại Hoa Kỳ. Đó là tỉ lệ phá thai cao nhất trong số các nước đã phát triển, tuy Thuỵ Điển mới là nước chính thức cổ vũ phá thai.

Riêng đối với VN, tuy có sự đặc thù về thể chế chính trị, giúp chúng ta hạn chế bớt được những tác động tiêu cực của nền kinh tế tư bản, nhưng chính bản sắc truyền thống của văn hóa Việt Nam cũng đang bị những biến thái do toàn cầu hóa từ văn hóa phương Tây đưa tới những ảnh hưởng rất xấu. Vốn theo truyển thống văn hóa, tâm linh lâu đời của người Việt thì hạnh phúc được đặt nền tảng trên những giá trị tinh thần nhiều hơn là trên những giá trị vật chất. Vậy mà những giá trị tinh thần ấy, như đạo lý, nhân nghĩa, đạo làm người theo quan niệm truyền thống Á Đông, thì đang bị xói mòn trầm trọng bởi thời buổi “kinh tế thị trường”, nhất là qua lối sống của lớp dân thành thị mới giàu lên nhờ “mở cửa”, “kinh tế thị trường” và một số khá lớn thanh niên nam nữ. Vào lúc đã thóat khỏi gánh nặng học hành, thi cử, các bạn trẻ lại chỉ biết đổ xô vào những chỗ làm có thu nhập cao, tức tìm kiếm thành đạt. Làm ra tiền thì tiếp tục “năng động” trong tiêu xài, hưởng thụ vật chất. Có thể là đã phải “cày” miệt mài kiếm tiền, giàu lên, thì các bạn xứng đáng xài bộ quần áo hàng hiệu, cái điện thoại di động tối tân nhất hay cái xe gắn máy “mốt” nhất – tất cả là dành cho sinh hoạt về mặt vật chất, nhưng các bạn trẻ lại đang bị nghèo đi rất nhiều về mặt tinh thần, cảm xúc. Báo chí trong nước thường đưa tin về tình trạng vô cảm, dửng dưng của các bạn trẻ trước những tình cảnh khốn khó, cần giúp đỡ giữa đường của người già, em bé, phụ nữ mang thai. Cả phép lịch sự tối thiểu như tiếng “cám ơn” cũng thiếu sót đối với người lớn tuổi hay khách nước ngoài. Tuổi trẻ ngày nay khác tuổi trẻ ngày xưa nhiều quá! Có một chuyện đáng suy nghĩ là trong mùa Giáng sinh vừa qua, dù ai nấy rất bận rộn nhưng nơi một số người lớn tuổi (rất ít bạn trẻ), có thể ghi nhận được một hình ảnh văn hóa khá cổ điển nhưng đẹp và thấm đẩm tình cảm tương thông giữa mọi người. Đó là gởi thiệp chúc Noel và Năm mới. Có tốn công, tốn tiền gì lắm đâu khi mình ra hiệu sách hay lề đường chọn một tấm thiệp đẹp, rồi suy nghĩ lời chúc riêng cho từng đối tượng và nắn nót ghi ra bằng chính nét chữ của mình, rồi gởi bưu điện hay trao tận tay người thân, bạn bè, thậm chí gởi cho thầy giáo cũ, ông xếp cũ đã về hưu của mình? Cách chúc vui vẻ, hạnh phúc gì đó cho một người bằng thiệp thì có tốn một ít thời gian nhưng như thế mới đủ chứng tỏ tình cảm thương yêu chân thực hay thành ý của người gởi, cũng lòng tôn trọng đối với người nhận. Như vậy mà nhiều bạn trẻ, chỉ cần 2 -3 phút trên máy vi tính, gõ lời chúc ngắn, nhanh, gọn – nhanh gọn đến mức lạnh lùng – đôi khi có chịu khó kèm theo ít tấm ảnh Noel có sẵn trên mạng, rồi gởi đi bằng một cái liste danh sách thật nhiều người, ở trong nước hay ở các nước ngoài. Chắc đây là kiểu gởi “đa quốc gia”, “toàn cầu hóa”?

Yêu cuồng, sống vội, sống thử…, cũng là sự nhanh, gọn thảm hại của nhiều bạn trẻ trong lãnh vực tình yêu. Lao vào yêu nhau mà không cần nghĩ đến trách nhiệm và tương lai. Có thống kê rằng: .“Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,4 triệu ca nạo phá thai, trong đó 500 ngàn ca ở tuổi vị thành niên, 25% số ca chưa lập gia-đình và 20% ca nạo phá thai khi còn ở tuổi vị thành niên.”.

Nhìn chung, trong quá trình toàn cầu hóa, văn hóa, tư duy, cung cách làm ăn… của phương Tây cũng đem lại những lợi ích nhất định cho Việt Nam ta, như về các mặt kinh tế, thu nhập quốc dân, mức sống, tiện nghi vật chất.v.v.., nhưng đồng một trật lại gây những tổn hại đáng báo động về mặt tinh thần, đạo lý và các giá trị truyển thống. Văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam đang thật sự bị xâm hại, đến nỗi rất bức bối nên người ta đang hô hào thực hiện nếp sống văn minh, cách sống “có văn hóa”. Trước nguy cơ có thật này, cần có ngay những giải pháp thích hợp để chỉnh đốn lại những nền nếp truyển thống, đồng thời tìm cách phát huy cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của bản sắc Việt Nam trên đường hội nhập vào kho tàng văn hóa toàn cầu.

Phạm Nga

________________________________
Ghi chú:
(1) LE DICTIONNAIRE DE L’ACCADÉMIE FRANCAISE, 9ème Edition. Paris, France:
“Ensemble des acquis littéraires, artistiques, artisanaux, techniques, scientifiques, des moeurs, des lois, des institutions, des coutumes, des traditions, des modes de pensée et de vie, des comportements et usages de toute nature, des rites, des mythes et des croyances qui constituent le patrimoine collectif et de la personalité d’un pays, d’un peuple ou d’un groupe de peuples, d’une nation”.
(2) THE NEW ENCYCLOPAEDIA BRITANNICA, Vol. 3, tr. 784. 15th Edition 1997:
“The integrated pattern of human knowledge, belief, and behaviours. Culture, thus defined, consists of languages, ideas, beliefs, customs, taboos, codes, institutions, tools, techniques, works of art, rituals, ceremonies and other components. The development of culture depends upon humans’ capacity to learn and to transmit knowledge to succeeding generations”.