Chuyện Đứt Quãng Về Dân Văn Khoa

 
 
 

Nhớ mấy ngày đầu sau 30/4, có một ông "nón cối" xuất hiện ở nhà tôi. Tội nghiệp ba mẹ tôi đã quà cáp, trọng vọng quá sức người bà con mới nhận lại này, chỉ mong dựa hơi cán bộ để kiếm việc làm cho con cái. Do đó, không ai được phép nhắc tới cái thời ông đi tập kết năm 54, làm việc mấy năm trên lưng mấy con bò ở nông trường Sơn La hay Mộc Châu gì đó rồi mới được đề bạt đi học, rồi cũng thành y sĩ ngành răng-hàm-mặt. Nghe nói thằng cháu dạy học ở chế độ cũ đang thất nghiệp ở chế độ mới, ông gọi tôi tới. Ngắm tôi vài giây - chắc ông xem tôi có "trí thức" chút nào không - rồi ông lấy ngón trõ vỗ vào màng tang mà phán rằng: " Cháu học Văn khoa? Chà, trí thức tiểu tư sản, lại học triết nữa thì tư tưởng khó chuyển biến đấy! Phải phấn đấu nhiều lắm mới được. Phải chi cháu tốt nghiệp kỷ sư kinh tế thì bác có thể giới thiệu cháu tham gia công tác ngay ở…".

Lúc ấy, tôi hiểu ngay tương lai mình chẳng sáng sủa, nhưng không hiểu "kỷ sư kinh tế" làgì. Theo phân ngành đại học, "kỷ sư" thuộc khoa học ứng dụng, làm sao gắn với "kinh tế", thuộc phía nhân văn - xã hội? Chỉ có " kỷ sư điện tử" của ĐH Bách khoa Phú Thọ hoặc " cử nhân kinh tế học" của ĐH Luật, sao lại pha tạp thành "kỷ sư kinh tế"? Sau này, tôi mới hiểu rằng, bị tâm lý chung là xem nhẹ các ngành học từ chương, nghèo tính thực dụng (chỉ có thực dụng mới sản xuất ra được của cải vật chất?) nên hình như khoa kinh tế học miền Bắc muốn che dấu tính chất nghiên cứu, nặng lý thuyết của mình, cho sinh viên ra trường xưng là "kỷ sư", thay vì"cử nhân". Tuy cùng là lao động trí óc, nhưng phải nhập nhằng nhào vô ngồi chung với các anh kỷ sư thủy lợi, kỷ sư giao thông vận tải, kỷ sư nông nghiệp.v.v…thì anh "kinh tế" mới khỏi bị đánh giá là kém ích dụng, ít thực tiễn hơn mấy anh họ "kỷ".

Vào cuối thập niên 60, bọn chúng tôi đã chọn ghi danh ở một ngôi trường cũ kỹ, nhưng được cái là nằm trong một khu yên tỉnh ở đất Sài Gòn. Văn khoa bao gồm nhiều ban như Việt Hán, Sử Địa, Triết, Ngoại Ngữ… nhưng linh mục Thanh Lãng, dạy môn văn học sử, cứ gọi là “trường Văn”. Hẳn là cha Thanh Lãng đã mơ màng nhìn những giảng đường lâu năm bụi bám, thấy giống như cửa Khổng sân Trình của đám nho sinh Hán tộc cổ xưa ? Riêng bọn tôi thì có vẻ…cổ hũ thật. Có lần tôi trồng cây si một cô nàng rất hấp dẫn, học cái ban à la mode nhất trong trường là Anh văn. Lân la đến làm quen thì nàng nhìn tôi với con mắt đầy… tội nghiệp: "Toa học bên Triết đông hả? Sao cái ban gì tên nghe… cải lương dữ vậy!?". Đáng đời cho tên nghịch đồ của ban phái Đông phương! Người trong mộng của hắn, như lời tình ca quen thuộc Hỡi người tình Văn khoa…, phải là một tiểu thư áo dài tha thướt, yểu điệu, rất Á Đông, chứ sao lại là một nàng trường đầm, mặc jupe bó đùi? Kẻ thất tình lầm lạc đã được các bạn đồng môn an ủi bằng cách dẫn đi ngồi café ghế-cao là quán Hân ở Đakao, có nhạc Paul Mauriat tuyệt vời. Nhưng chỗ đóng đô thường nhật của bọn tôi - trong những ngày… cạn túi - còn là quán cóc ghế-thấp ở lề đường Nguyễn Du. Ở đây có phiêu lãng những lá me bay lạc vào tách café bình dân rẻ tiền, nhưng có gì cấm được đám sinh viên nghèo ngồi đó mà nghĩ suy, dệt mộng lớn cho tương lai, dự phóng giúp ích cho đời bằng kiến thức, chữ nghĩa mà mình đang dùi mài, tích lũy từ ngôi trường cổ kính của mình qua mấy mùa mưa nắng ? Rồi ra trường, thời sinh viên lãng mạn, đầy hoa mộng khép lại tuy vẫn ghi danh tiếp, làm luận án cao học và không thường xuyên đến trường nữa. Đa số đi dạy học; có người làm thơ ( bịnh làm thơ của đa số bọn sinh viên trường Văn !); có người viết văn, làm báo, nghiên cứu hay công tác xã hội… - nói chung là làm việc, kiếm sống trong các lãnh vực giáo dục, văn hoá, xã hội.

Rồi ngày 30/4 đã dựng lên cái thời đại mà người ta chỉ tôn vinh những ai có bàn tay dính dầu máy, phân bón, thuốc trừ sâu, bùn đen đất đỏ… thì bọn xuất thân Văn khoa làm sao khá nỗi?

Ai dính nguỵ quân, nguỵ quyền thì đi học cải tạo. Một số rất ít anh chị em được cho tiếp tục dạy học với môn dạy khác và lương bậc thấp hơn. Hãy quên đi danh xưng "giáo sư", "giáo viên" thôi! Cũng quên đi cái bằng cử nhân để xin vào làm công nhân viên ở cơ quan, xí nghiệp. Nếu bạn không được là lao động trực tiếp đầy vinh quang ở dưới xưởng thì khi làm ở văn phòng ( bị… có chữ nghĩa?), bạn chỉ là loại lao động gián tiếp. Nghĩa là tiêu chuẩn gạo, nhu yếu phẩm thấp, thấp hơn cả người lao động phổ thông, tức làm chân tay không cần học nghề, như quét dọn, bưng nước, đào đất, bốc vác…

Còn lại là… đủ thứ nghề ngỗng lặt vặt. Mấy ngày đầu thì đem ly tách, chén dĩa, sách vở… trong nhà ra lề đường ngồi bán. Hết đồ đạc để bán thì đi làm rẫy, trồng nấm, nuôi gà vịt, chạy hàng tạp hoá, đứng chợ trời … Thời kỳ này, cả ngày đạp xe đạp long nhong ngoài đường phố, tôi mới có dịp nhìn thấy Sàigòn khác hẳn xưa. Không biết đi ra đường làm những việc gì, nhưng từ những góc phố, vĩa hè, đến bến xe bus, bến xe lam, người Sàigòn đi đi lại lại, vội vã, đăm chiêu… Trong cái hoạt cảnh ảm đạm diễn ra từ sáng sớm đến tối mịt ấy, mốt thời trang phổ biến cho cả nam lẫn nữ là nón vải đội đầu, dép lê dưới chân, và một món không thể thiếu là một cái túi, một cái giỏ xách kè kè bên người. Mở túi ra coi thì bên trong chỉ là những món mua-đi-bán-lại: gói thuốc lá hay cuộn giấy vệ sinh, cái đồng hồ hư hay cuốn sách cũ, hộp thuốc tây hay chai hoá chất… Sàigòn biến thành một cái chợ trời khổng lồ! Người ta mua mua, bán bán tất cả mọi thứ vặt vãnh, nhận chút tiền, hẹn gặp lại, chạy tiếp…

Năm 76, tôi đang cùng một anh bạn, nguyên tổng thư ký một viện đại học tư của giới Công giáo, làm nghề phạc-ma-xiên-à-la-mái-hiên ( nói theo tiếng Tây bồi ở chợ trời thuốc tây, nghĩa là dược-sĩ-đứng-mái-hiên!) ở Tân Định thì uỷ ban phường kêu tôi đi thuỷ lợi dài hạn. Thấy cùng đường, tôi bèn đăng ký đi công trường lao động do Hội trí thức thành phố lập ở Củ Chi. Nghe " hội trí thức" có vẻ… sang hơn cấp phường nhưng cũng chỉ là đào kênh, đắp đê tối tăm mặt mũi.

Dù sao, đối với tôi, tập phim " tình nguyện đi lao động" ở cánh đồng bưng quanh năm ngập nước, cách Sài Gòn 55km ấy cũng có vài cảnh vui vẻ. Tất nhiên, không có gì vui về phần xác. Sau khi đăng ký làm việc ở công trường 6 tháng, 1 năm… tuỳ ý, bạn được ở láng trại cất bằng tre nứa, xài đèn dầu và nước giếng, cơm canh tiêu chuẩn đạm bạc và lãnh sinh hoạt phí ( không phải lương) là50 đồng/tháng. Riêng lao động nữ được phụ cấp mấy chục xu cho khoản … vệ sinh trong tháng. Đáng lẽ lao động nam cũng nên có phụ cấp về khoản… quần xà-lõn, vì cũng chỉ một tháng là mục nát một cái quần, do ngâm nước phèn! Nhưng tôi vẫn vui phần hồn, nhờ run rũi gặp lại nhiều bạn bè, nhất là̀ khi tôi được cho làm thống kê (sau 2 tháng đào kênh) tha hồ đi khắp trại. Đầu tiên là H.K. Hồi ra trường thì anh được bổ về dạy triết ở Nha Trang và còn là một nhà phê bình văn học có tiếng. Ở một tổ thuỷ lợi gồm 6 nam 2 nữ, nhà giáo ốm nhom này được bầu làm tổ trưởng vì lớn tuổi nhất.

Công trường mở một đợt thi đắp đê cấp 3. Ngoài bưng, nước ngập sâu đến thắt lưng, mô hình đê được thấy qua hai hàng cây tiêu cắm song song, ló lên khỏi mặt nước. Vậy mà H.K. đạt danh hiệu "kiện tướng thuỷ lợi", năng suất 6m3/ tám tiếng/ngày, nhận bằng khen cấp thành phố. Anh nói riêng với tôi: "Cũng không có gì khó nếu mình biết dùng cái đầu một chút. Bữa thi, hai cô nữ yếu sức sẽ ảnh hưởng năng suất tập thể , nên khai bệnh nghỉ. Mượn thêm vài cái len xắn đất, để đang làm mà gảy len thì quăng, khỏi sửa mất thì giờ, chụp cái khác... Đội hình : cạnh mỗi hàng tiêu là 3 người, để lấy đất cùng lúc từ hai bên. Người đứng xắn đất thì đi lui, khỏi cản trở người chuyền đất trước mặt mình. Không xắn cục đất quá lớn, để người kia có thể bê, chuyền trên tay cho người thứ ba đắp từ giữa hình chân đê mà đắp ra. Phần chân đê phải xong theo chiều ngang rồi mới lo chiều dài. Mệt thì đổi vai . Khi ước lượng - làm toán trước! - thấy cái khối hình thang con đê dài đủ 36m3 thì dừng, đắp pô-luya theo hướng ngược lại. Xong thì gọi nghiệm thu đến đo liền, để lâu đê thấm nước mà lùn xuống, mất khối lượng… Cứ thế, 36 m3 cả tổ, chia cho 6. Không ai một mình vừa xắn, vừa chuyền, vừa đắp mà đạt được 6 mét khối." Anh được chuyển qua khâu tiếp phẩm (đi chợ mua hàng cho tổ bếp), tôi chọc quê: "Theo lô-gíc thì ai có năng lực ở khâu nào thì sẽ ở luôn nơi ấy để… phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Có cần tui hót cho ông được…tiếp tục đắp đê không hả?". Anh cười, gật gù: "Đúng ra nếu ai đó muốn thử thách loại người-sách-vở như tụi mình bằng cách giao mình công việc chẳng dính gì với chữ nghĩa sách vỡ, thì họ lầm. Có công việc chân tay nào, mà khi muốn làm cho tốt hơn lại không được phép vận dụng đến bộ não, nếu như thật sự anh có bộ não?".

Ở một đội khác, lại gặp hai cậu "đàn em" Văn khoa cũ, sau 30/4 chỉ được dạy học thêm ít tháng ở Bến Tre, một vùng rất kỳ thị dân trí thức cũ. H.K. nói ở Nha Trang cũng khó thở như thế nên anh mới bỏ dạy. Lại gặp Bích D., một phụ nữ Huế duyên dáng, vô tổ bếp sau 2 tháng chuyền đất. H.K.(cũng dân Huế) nói nhỏ đây chính là Diễm trong Diễm xưa của T.C.S. Chị D. thố lộ mình tình nguyện lao động chỉ để kiếm điểm, để có chút thành tích phấn đấu dính-bùn-dính-đất mà kể lể trong đơn bảo lãnh cho chồng, một phó tỉnh trưởng, được học tập về sớm… Nhân vật Diễm nay làm việc rất tốt, còn có sáng kiến rủ chúng tôi và mấy nữ tu xin phép ban chỉ huy mở lớp Anh văn và Pháp văn. Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu, người hiếu học đến gặp người muốn phục vụ bằng sở học của mình, cùng nhau ôn luyện, tập tành một ít chữ nước ngoài… Đến năm 77, chuyển thành nông trường quốc doanh, công trường biên chế những thanh niên xung phong và những sĩ quan cải tạo mới về (do tình nguyện đi sản xuất) thành lao động dài hạn. Những người trí thức, tư sản, tu sĩ… đã đủ (hoặc dư) thời hạn đăng ký lao động thì được động viên ở lại, tiếp tục phục vụ… dài hạn!

Phải nói lời giã biệt thôi! Xem đơn xin nghỉ việc vì lý do "… muốn trở lại nghề dạy học cũ ở thành phố, cho đúng khả năng", giám đốc nông trường nói thẳng: " Trở lại nghề cũ? Nhớ quá khứ? Cái kiểu mấy anh cứ vừa đi tới mà vừa ngoái lại phía sau, dễ vấp té lắm đó! Có giấy chứng nhận tham gia lao động do công trường cấp, cũng chưa chắc ở nội thành người ta tiếp nhận các anh! Mà Củ Chi cũng là thành phố, sao mấy anh không ở lại phục vụ?". Tôi ít khoái kiểu ví von "vừa đi, vừa ngoái thì… té" của ông ta nhưng phải công nhận ông không nói gạt về tiền đồ của chúng tôi. Sau nhiều khó khăn, chạy vạy, nhất là chuyện cắt hộ khẩu từ Củ Chi chuyển về nội thành, rồi kẻ trước người sau, chúng tôi trở về Sàigòn. Vài anh chị quá nhớ nghề dạy học, vác đơn lên sở giáo dục. Tuy đã đi lao động tình nguyện nhưng"Trước đây đã bỏ nhiệm sở vì lý do khó khăn, xa gia đình…" ? Cán bộ ở sở đã gọi tội của đám thầy, cô giáo mất dạy là "vô tổ chức" và bác đơn. Có gốc giáo sư biệt phái, đã học xong cải tạo, thì " Chưa có chủ trương cho thầy giáo gốc sĩ quan ngụy được đứng lớp!". Lại thất nghiệp. Lại ăn bám cha mẹ, vợ con. Lại ngày ngày ghé Hội trí thức xem có được giới thiệu chỗ làm không. Lại cả ngày ở ngoài đường. Bọn tôi mở café vĩa hè, vừa bán vừa coi chừng bị hốt nên tôi đặt tên quán là Fất Fơ. Hay ngồi sửa giày dép, đi bỏ mối các loại bánh trái, café trộn bắp, hàng tạp phẩm… Lại có vài bạn đi bán… nước bọt, tức chạy mánh. Nghe tuy-dô ở đâu còn vài tấn hóa chất, mấy cái máy phát điện cũ, đồng hồ ODO còn gõ chuông.v.v.. là lập tức chạy kiếm đầu mua, thỏa thuận được là ăn hoa hồng môi giới. Một bạn, dân triết Đông, cũng đi bán nước bọt, nhưng cao trọng và kín đáo. Đó là chấm tử vi, chỉ lấy thù lao"tượng trưng". Tôi bái phục vì dần hồi anh trở thành nhân vật quan trọng, chính danh "thầy". Nhiều người phải lặn lội tìm đến anh vì họ cần xem tử vi coi số mình có đi được không, tức là họ đi kiếm ở "thầy" một niềm hy vọng - hy vọng đơn xin ra đi được… số mạng siêu hình duyệt xét, giải quyết!

Cuối thập niên 70, chế độ đãi ngộ giới trí thức cũ có thoáng hơn chút đỉnh qua sự kiện Hội trí thức mở căn-tin bán bia hơi giá rẻ, phục vụ cho những người còn phải lui tới, nhờ vả cơ quan này bố trí, giới thiệu chỗ làm. Tất nhiên, vẫn đám kỷ sư, kỹ thuật viên thường được có chỗ làm sớm. Cũng tất nhiên, vẫn còn những người ngoài-đường-phố, quả quyết tự lo cho mình chứ không nhờ vã hội hiếc nào tuy bia hơi và mồi nhắm ở hội cũng được lắm!

Coi như cái nhìn lạnh lẽo về trí thức cũ, trong đó có dân Văn khoa, đã có phần thay đổi nhưng một số trí thức cũng đã xuống ghe, thay đổi chỗ ở mất rồi! Ở cái quán cóc lề đường làm điểm hẹn gặp nhau ngày ngày, bạn bè cứ dần hồi thưa vắng… Đến đây thì câu chuyện về dân Văn khoa đành bị đứt quãng.

 
 

Phạm Nga