Hồn Ma Biển


 
 
 

13.
“À…em nấu chè đậu ván ngon lắm. À mà… tôi có lòng để ý em lâu rồi. Em có muốn về ở với tôi không, hả Nhị?”

Một đêm nọ, ông Tám có vẻ say đắm và ngập ngừng, gọi riêng cô gái bán chè ra một chỗ tối vắng. Thật ra thì đó chỉ là một chút khiếm khuyết về khả năng diễn đạt của một ông chủ chỉ quen ra lịnh cho con cháu và kẻ hầu người hạ. Ở đây, miễn cưỡng nhìn theo tinh thần lãng mạn thì có thể cho là người đàn ông đang tỏ tình. Mình hỏi cho có hỏi vậy, chớ chắc chắn con nhỏ phải ưng mình thôi. Chó đâu chê cứt! Cứ khiên cưỡng mà cho là ông Tám vừa tỏ tình nhưng chuyện nhạy cảm này không hề có một chút lãng mạn, diễm tình nào khi người đàn ông, như một lãnh chúa đứng trước một con nô lệ, rồi ngạo nghễ nghĩ tới sự ưng thuận chắc chắn phải có của nó. Một kiểu tùng phục vô điều kiện nơi một đứa gái nhà nghèo, đang mong mỏi ông chủ giàu sang đoái hoài tới mình, đề mình được phép vào giường của ông ta đêm nay, đề sáng mai sẽ là một đổi đời tươi sáng hơn.

Một khi ông Tám đã chính thức ngõ ý với cô gái bán chè thì không phải là trò trêu ghẹo, quấy rối tình dục vớ vẩn bằng lời nói như các hạng đàn ông háo sắc khác. Chỉ đáng để ý một chút, cái từ “lâu rồi” trong lời thố lộ của ông. Cũng không có bất cứ một chút xíu lãng mạn nào thuộc về các trò thầm yêu trộm nhớ ở đây, tức nơi tâm trí của người đàn ông rất duy lý và đầy quyền lực này. Đối với ông Tám, “lâu rồi” là một lượng thời gian không liên quan gì nhiều tới cái toan tính kết nạp ả bán chè vào danh sách bạn tình của mình. Sâu xa hơn là một kế hoạch sâu kín của ông Tám, đã manh nha đúng là lâu rồi. Ý định dựng nhà riêng, một cơ ngơi riêng trong đất liền, tại làng Kim Bồng. Và kế hoạch phát triển cơ ngơi, sự nghiệp riêng tư này cần tới một bàn tay đàn bà quản lý cho thật đáng tin cậy.

Như vậy, có vẻ như khi tuyển chọn cô Nhị về ở với mình, ông Tám không chỉ nhằm đáp ứng mỗi cái tánh dâm của mình. Không phải là cái thân hình thon thả còn trinh nguyên – dứt khoát phải còn trinh - mà chính là giọng nói của cô gái mới là điều đặc biệt thu hút ông Tám. Không biết do đâu mà ông tin rằng đàn bà có âm giọng hơi khàn khàn – có thể là phản cảm đối với những đàn ông khác - mới là loại đàn bà làm ăn giỏi, khôn khéo, nên dễ thành công. Thì ra, khác với thói thường của cánh đàn ông, ông chủ Tám không chạy theo những giọng nói trong trẻo, dịu ngọt, rất nữ tính, rất có giá trị, theo nghĩa giúp tăng thêm hương vị cho việc ân ái, gần gũi. Loại đàn ông đa dâm bao giờ cũng vồ vập, tìm cách chiếm hữu ngay - nhưng rất nhanh chóng quên đi tất cả - mọi thứ biểu cảm mà đàn bà tự có hay cố tình phô bày ra để hấp dẫn họ. Hơn thế, cái có thể đọng lại lâu dài trong trí nhớ đầy thực dụng của ông Tám còn cái họ Lâm, gốc người Hoa mấy đời của cô Nhị, gần giống trường hợp cái họ Lý của ông vậy. Đó là một thứ điểm son, một thứ hứa hẹn tốt đẹp thêm vào cho vai trò tương lai của cô Nhị - như một người vợ biết làm ăn, nhứt định sẽ là trợ thủ đắc lực góp phần xây dựng sự nghiệp cho chồng. Chỉ có điều hơi hạn chế là ông vẫn chưa được ung dung đưa bà Nhị, vợ thứ tư, vợ mới nhứt của ông, từ làng biển Bích Đầm về nhà ông ở làng Kim Bồng. Lúc này, đã rời nhà từ đường họ Lý sau đám ma ông bá hộ, đã về ở hẳn trong căn nhà mới, bà chánh thất cũng không hả dạ với vai trò bà chủ vì đã biết chồng mình lại đang bắt đầu trăng hoa với một người đàn bà nữa. Người ngoài thì chỉ thấy rằng, sau khi có nhiều quyền lực cùng danh giá hơn trước, ông Tám đang đẩy mạnh việc tích đức cho mình – chỉ tích đức, ông Tám không để ý đến việc tu tâm. Nhưng một cách sâu xa và mĩa mai, bà vợ chánh của nhà công đức này đang rất rầu rĩ, ghen tuông một cách thúc thủ, khi được biết trong chuyến hành hương vừa rồi qua xứ Chùa Tháp của chồng mình, ông Tám đã lén mang theo bà Nhị. Chỉ có những tấm ảnh ông đứng một mình, chắp tay nghiêm nghị trước đền Đế Thiên Đế Thích là được công khai trưng ra cho bà và con cái xem. Nhị, một cô gái xuân xanh vừa do ông chủ Tám biến thành đàn bà, còn có mặt trong những tấm ảnh đầy nét hoa tình khác nữa. Có kiểu ảnh cô cùng người đàn ông làm chủ mình đang dính sát thân thể vào nhau, cùng tựa lưng vào một tượng đĩ thần Apshara uốn éo với cặp vú để trần. Về kiểu ảnh mà trong đó, các sắc độ dâm đãng đã ngập ngụa từ chủ đề cho đến hậu cảnh như thế, bà chánh thất không được trực tiếp nhìn ngắm, mà chỉ được người thân tín của bà tả lại cho nghe và không dám có lời bình luận gì thêm. Bấy nhiêu cũng đủ cho bà bột phát cái bệnh ghen hờn đã trầm kha tự lâu. Thuốc thang đủ điều nhưng trái tim héo hon, đầy hận thù của bà chánh thất cũng rời rã ngưng đập sau một năm bà nằm liệt một chỗ.

Không ai thấy ông Tám nhỏ được vài giọt nước mắt cho người vợ đầu ấp tay gối một thời, dù ông cũng làm được việc này cho cha mình vào ngày ông bá hộ tắt nghỉ. Hình như cứ sau cái chết của một người thân thuộc mà ông Tám cũng lộ ra ít nhiều thương nhớ, trong thâm tâm ông Tám lại nảy ra ngay những tính toán mới, nhằm bắt đầu triển khai những dự án, kế hoạch mà ông đã ấp ủ từ lâu. Lần này thì nhà lý tài đa mang tình ái của chúng ta cần nán đợi cho một năm trôi qua. Mãn tang vợ chánh, ông Tám đưa bà Nhị về đất liền, về cái nhà rộng thênh thang đang chờ đón bà chủ mới.

Rồi gọi là triển khai bước kế tiếp của kế hoạch - không lệ thuộc vào thời gian tang khó đối cái chết của bà vợ chánh thất, ông Tám đưa bà vợ thứ tư, bà Nhị trẻ đẹp, khôn khéo, ra vùng Phan Rang, đến nhà thùng đang bị đe doạ phá sản kia. Ông Tám và mẹ con bà vợ thứ ba tạm lánh mặt một thời gian.

Quả là một “quí nhân phò trợ” như thầy bói thường nói, sau mấy tháng sửa sang, tô điểm lại phần nào cho bên trong cũng như mặt tiền của nhà thùng, đồng thời lân la đi làm quen, thu phục cảm tình của giới buôn bán nước mắm – nhứt là cánh người Hoa – bà Nhị đã lần hồi lấy lại được mức bán buôn và số khách hàng cố cựu cho nhà thùng. Ông Tám càng thương quí người vợ trẻ, tuy không còn tinh khôi, mới mẻ gì nữa đối với ông. Bà vợ thứ ba, khi dắt hai đứa con trở lại cơ ngơi mà chồng cho phép mình đứng ra quản lý, càng phải cắn răng nể nang con đàn bà mà chồng mình kết nạp muộn màng, còn sau cả mình. Bà chẳng muốn nhìn thẳng vào con đàn bà giỏi giang đó chút nào cả nên hình như có ảnh hưởng lây truyền đến đứa con gái thứ hai. Con bé Khai tự nhiên bị chứng lé con mắt bên phải. Ông Tám có để ý đến điều này, có vẻ chăm chú nhìn vào gương mặt của con gái mình, trước khi cùng bà Nhị trở về Nha Trang. “Bây có bổn phận phải kính trọng, tuân lời bà Nhị y như đối với bà Hai đã mất. Có đứa nào thắc mắc gì không hử?”. Trước khi ra đảo, ông Tám đã nghiêm nghị tuyên bố với tất cả con cái và người giúp việc, rằng ông đã chọn bà Nhị là vợ chính thức.

Dĩ nhiên, mọi diễn tiến về hành vi lấy thêm vợ, tuyển thêm đàn bà chung chăn gối của ông Tám đều không không thoát khỏi cặp mắt thấu thị của Ông Nam Hải. Thần Biển rầu rĩ hơn là nổi cơn thịnh nộ trước sự bội tín của đối tác, vì một cách sâu xa, thần đã đoán trước được rằng ông Tám trước sau gì cũng vi phạm điều thứ hai “ không hoang dâm quá độ” trong bản giao ước. Chờ mãi không thấy kẻ bội tín chủ động tìm đến ngôi miếu thờ Ông – thần Biển vẫn mềm dẽo, chừa ra một cơ hội cho con người biện hộ về sự sai phạm của hắn – lão ngư ông lại phải thân chinh, xuất hiện trong giấc ngủ của ông Tám. Có điều là trong lần hiển linh thứ hai này, như một cách tự bảo vệ danh giá của mình, thần phải chờ đến một đêm hiếm hoi, mà vì lý do gì đó, ông Tám không ân ái với bà Nhị. “ Ta không bằng lòng chút nào nhưng cho phép bây giải thích…”.

“Kính Ông, con tự biết mình đã lầm lỡ, vi phạm điều thứ hai, nhưng xin Ông thương xót, thấu hiểu dùm hoàn cảnh của con. Trước hết, không phải do lòng tà dâm mà con kết nạp thêm con nhỏ Nhị. Từ ngày được Ông chiếu cố phù độ, con đã quyết tâm sửa đổi, tự kềm chế cái thói dâm dục mà thằng đàn ông ngư dân nào cũng có. Con cần con nhỏ Nhị là vì nhà thùng làm nước mắm của con ở Phan Rang rất khốn đốn sau vụ thằng trốn quân dịch chết trong thùng ướp cá. Nhà thùng là ở trên đất liền, không phải ở ngoài khơi xa kia thì làm sao con hưởng được ơn phò độ, cứu giúp của thần Biển được? Và kính Ông thương cho, rõ ràng con Nhị khôn khéo, giỏi giang, đã cứu được gia đình con khỏi phá sản cái nhà thùng. Còn căn nhà từ đường mà con cất năm ngoái nữa. Dạ đúng, phải gọi là nhà từ đường riêng của nhánh Tám Ân này , cho phân biệt với nhà từ đường họ Lý mà cha con đã bất công, chỉ giao lại cho thằng Mười Đới. Nó chỉ ham ăn chơi, phá của, đâu có nai lưng ra làm việc bao năm, chịu đựng bao nguy hiểm ngoài khơi, để nuôi cả tộc họ như con? Do vậy, con quyết tâm dựng riêng cho mình một căn nhà, bằng chính công sức của mình. Và sau khi vợ chánh của con qua đời, căn nhà rất cần người đàn bà coi sóc…”. “Nhưng chính do bây trăng bướm quen thói mới làm cho con vợ nó buồn phiền, trở bịnh mà chết. Lỗi cũng do bây hoàn toàn!”

Ông Tám xám mặt, khó khăn lắm mới kiếm ra được thêm lý lẽ để tiếp tục thanh minh cho tội lỗi của mình.

“Kính Ông, nơi thế giới con người, vợ chồng ăn ở với nhau mà có người chết trước, bỏ người kia ra đi, là do duyên số sắp xếp từ cõi Trên. Ông Tơ Bà Nguyệt nào đó, chắc cũng không xa lạ gì với Ông phải không, chắc chỉ cho phép vợ chánh của con chỉ mặn nồng hương lửa với con có vậy thôi. Con cũng thương lắm chớ, vì chị ta còn đẹp hơn con Nhị bây giờ nhiều. Con đã thưa với Ông là chuyện con lấy con Nhị hoàn toàn không phải do dâm dục, mê mẩn bóng sắc đàn bà mà! Đúng hơn hết là con cần một người bạn đời, biết lo liệu, cùng con làm ăn kiếm sống, để nuôi sống gia đình con và nhiều gia đình nữa trong dòng họ. Mà chuyện này thì…trong bản giao ước, Ông đâu có ghi là sẽ phò độ cho con cái khoản kiếm vợ, tức kiếm người thân cận nhứt để giúp đỡ con trong cơn nguy khốn? Nên cực chẳng đã, con xin phép tự lo liệu cho đời mình như vậy thôi. Xin Ông mở lượng hải hà, bỏ qua cho con chuyện cá nhân này. Từ đây về sau, con xin thề là không bao giờ còn chuyện con trăng hoa, lấy thêm đứa đàn bà nào nữa. Nếu con còn vi phạm, xin Ông cứ nhận đầu con xuống biển!”

Tạm thời bị thuyết phục bởi lý lẽ của ông Tám, thần Biển hầm hừ, lẩm bẩm rồi biến mất. Thần đã không để ý là trong toàn bộ lý lẽ chạy tội của con người “đối tác” với thần, ma mảnh nhứt không phải là kiểu đổ thừa cho thần thánh, rằng vợ chánh thất của hắn chết sớm là do duyên số, và rằng chính thần Biển cũng chỉ có thể cho hắn cá tôm đầy lưới chớ đâu thể cho hắn một người đàn bà - vào lúc cần kíp nhứt - để cứu vãn cơ nghiệp của hắn… Lần này, không biết do bị hạn chế hay do chủ quan khinh thường đối tác, khả năng thấu thị của thần lại không xuyên thủng nỗi không gian và thời gian mà lọt vào cảnh giới ý chí bất khuất của người phàm. Thần Biển đã bỏ qua cơ hội phát hiện là ông Tám đã có thâm ý gián tiếp muốn chứng minh rằng, về những ngoại lực giúp cho ông xây dựng cơ nghiệp, thì bên cạnh sự phò độ của thần linh, phải kể đến sự phò trợ của con người - một người đàn bà.

Không có lý do gì để ngưng phò trợ, thần Biển phải tiếp tục thực hiện cho đúng đắn phần nhiệm vụ của thần như đã giao ước với ông Tám. Gặp lúc chính quyền tỉnh đưa ra qui định phải thông qua đấu thầu thì các chủ sở cá mới có quyền ra đánh bắt ở các khu vực phân chia theo vị trí của các hòn đảo ngoài khơi, ông Tám quyết định quên đi vùng biển đảo Bích Đầm đã bắt đầu cạn kiệt cá tôm. Và khi tham gia đấu thầu đánh cá ở những vùng đảo cón nhiều cá khác, đứng đầu là hòn Nọc và hòn Mun, ông Tám đều trúng thầu tuy không bỏ giá thầu quá cao. Khi kết quả cho thấy các đối thủ của ông chủ Tám chỉ thua thầu một cách “khít nút”, người ta lại nghĩ đến sự phò độ của Ông Nam Hải dành cho ông Tám.

14.
Trong lúc bà Nhị - người đàn bà ít nhan sắc nhứt trong bốn bà vợ của ông Tám – vừa chiếm được địa vị quan trọng nhứt trong tình cảm của ông chồng đa thê, vừa có nhiều quyền lực nhứt trong việc làm ăn của chồng mình, thì bà vợ thứ hai – người vợ xinh đẹp nhứt của ông Tám – qua đời. Bị ông Tám hất hủi do ông nghi đứa con trai thứ hai của họ, cậu Xiêm, là con của ai đó chứ không phải con ông, bà này tan nát cõi lòng, phiền muộn đến trở bệnh nặng trong căn nhà tồi tàn, rất hiu quạnh, ở một xó nào đó bên xóm Cồn. Phải nói là sau này, cho đến phút lâm chung của ông Tám, ông chồng đa nghi này vẫn không hề hay biết rằng, trong bốn bà vợ của mình, người vợ kế mới là người yêu mình nhiều nhứt - dù người đàn ông này có tin hay không hề tin trên đời này thật sự cũng có người một người đàn bà chân thành yêu thương mẫu người khó thương như mình. Trong cuộc sống luyến ái của con người sao có quá nhiều éo le, ngang trái. Người đàn bà đã một mực kính trọng, yêu thương - gần như một tình yêu vô điều kiện, không chút vụ lợi - người chồng đã đối xử bất công, tàn nhẫn với mình. Ngược lại, trong một trò đuổi bắt vô vọng và đầy ngộ nhận, có lúc ông Tám lại thừa nhận – với chính mình - là mình yêu bà Nhị nhứt. Điều này tất nhiên hợp lý nơi một người lý tài như ông chủ sở cá Bích Đầm, đồng thời cũng thích hợp với người đàn bà ít nữ tính nhứt trong số bốn bà vợ của ông ta. Nơi người đàn bà đen đúa, xuất thân bần hàn, bán hàng rong dốt nát này, tuy ít học nhứt trong số bốn bà vợ của ông Tám nhưng tính toán, xử lý công việc thì qua cả đàn ông, Tạo Hóa đã bực bội đến mức lấy mất đi những điểm hấp dẫn, đặc trưng cho nữ tính, là nước da nõn nà, mềm mại cùng giọng nói trong trẻo, dịu dàng. Chính giới phụ nữ cũng ganh ghét sự thành công của bà Nhị, một khi bà đã đạt thực hiện được kế hoạch kiếm cửa nhà giàu mà gởi thân, dù phải làm tì thiếp, để thoát kiếp nghèo. Dù sao, hy vọng là sau này, khi chung sống và chung lo việc làm ăn, ông Tám và bà Nhị - hai con người một mực giống nhau về óc lý tài – có thể dần hồi cảm thấy mơ hồ có yêu thương nhau thật sự. Biết đâu giữa hai người với nhau, tình cảm – đúng theo tính chất của tình cảm chín mùi là làm dừng nghỉ lý trí - có thể nhen nhóm, xuất phát từ cảm giác mang ơn hay khâm phục kẻ đã mang lại lợi lộc cho mình, đồng thời cảm thấy có thể gắn bó, nương tựa vào nhau ?

Nhưng đó chỉ là chuyện thuộc về mối quan hệ giữa người và người. Trở lại với mối quan hệ, giao ước giữa ông Tám và thần Biển, thì dù gã đàn ông phàm tục đã khéo léo biện minh, chạy tội nhưng vẫn còn đó cái án treo về lỗi tà dâm, lấy thêm vợ. Ở một cứ địa thăm thẳm, vô minh nào đó, Ông Nam Hải đang rất bực bội, bất mãn về cái chết của bà vợ kế của ông Tám. Thần đã không buộc được đối tác cái tội vi phạm điều giao ước cuối cùng – không được bất công đối với gia đình, con cái – vì trong suốt thời gian bà vợ kế trở bệnh nặng, ông Tám có gởi tiền thuốc thang, cơm nước nhiều hẳn lên, dù không một lần ông chịu khó về thăm tận mặt. Còn hôm đám ma, ông chỉ vội vã ghé ít phút, thắp một nén nhang rồi đi ngay. Cũng không có chuyện tiễn đưa linh cữu bà vợ kế, khi mà ông Tám phân bua rất rõ ràng trước số người ít ỏi đến dự tang lễ, rằng ông đã chịu tang bà chánh thất rồi. Vào thời điểm này, trong bản hiến pháp cực ngắn của cái thể chế đa thê, có một điều khoản rất quan trọng, qui định “Đàn ông có quyền lấy nhiều vợ nhưng chỉ chịu duy nhứt một tang vợ”.

Tình hình lại phức tạp khi một năm sau, cậu Xiêm - có nước da đen trui trủi, còn xấu hơn cả bà vợ thứ tư của cha mình, nhưng lại vì màu da dị kỳ đó mà bị cha không nhìn nhận - cũng bệnh nặng, qua đời trong tình cảnh còn hiu quạnh, lẽ loi hơn cả mẹ mình. Chưa hết. Trước đó nhiều năm, cậu Lào, anh của Xiêm, theo lý thuyết là con trai cả, nối dõi tông đường cho ông Lý Ân, đã phiền muộn đến nỗi thoát ly gia đình, tập kết ra Bắc. Như thế, tuy cũng thuộc gia phả nhánh ông Tám, đứng đầu dòng họ Lý vang danh đất Nha Trang, nhưng cái gọi là “nhà bà kế của ông Tám” chỉ gồm có ba mẹ con ấy coi như đã bị xóa sổ hoàn toàn, lần hồi không còn được ai nhắc tới. Cả ở đám ma của cậu Xiêm, thành viên cuối cùng của cái gia đình bạc phước này, ông Tám – trên danh nghĩa vẫn là người cha, người chủ gia đình – cũng vắng mặt.

Lần này thì thần Biển không thèm hiện đến trong giấc ngủ của ông Tám nữa. Mình đã phải nén cơn thịnh nộ, bỏ qua cho lần trước, thằng Tám nó phạm cái điều thứ hai “ dâm dục, lấy thêm đàn bà” rồi mà! Lần này thì hẳn là nếu hiện linh hỏi tội nó, chắc chắn nó không còn chối cải gì Ông Nam Hải bắt đầu cuộc chinh phạt, trừng trị bên đối tác bội tín đối với điều thứ ba trong bản giao ước “Phải công minh, thương yêu đồng đều đối với với gia đình, con cái”. Trong cuộc đấu thầu hằng năm mà chính quyền tỉnh tổ chức nhằm phân phối khu vực đánh bắt cá trong vùng biển của tỉnh, ông Tám không thể trúng thầu. Giới tài phiệt trong tỉnh đã ngấm ngầm hỗ trợ cho lực lượng thương phế binh mới nổi lên. Liên minh ma quĩ này bỏ giá thầu rất cao, cộng thêm những lời rêu rao đe dọa, đã đoạt hết các vùng đảo nhiều cá mà ông Tám đã trúng thầu dễ dàng trong những năm trước đó. Hiểu rất rõ là thời điểm mình bị thần Biển trừng phạt đã tới, ông Tám không đi biển nữa. Bán gọn giàn nghề lưới đăng, rút về ở hẳn trong đất liền, và khi đã tạm thời cố thủ tại nhà từ đường của nhánh Lý Ân nơi làng Kim Bồng, ông Tám chỉ tập trung vào công việc sản xuất nước mắm ở nhà thùng. Nhưng ông cũng không quên vạch ra một kế hoạch phòng ngự rất chi tiết để ngăn ngừa thần Biển xuất hiện hỏi tội mình. Vốn tánh đa nghi và thận trọng, ông nghĩ dù đất liền không thuộc quyền cai quản của thần Biển nhưng biết đâu, vị thần cay cú mang hình hài thủy tộc này vẫn có thể mò vào đất liền theo dòng sông Cái trước nhà. Và ông cũng còn nhớ như in là Ông Nam Hải đã dặn dò, rằng thần chỉ hiển linh với con người vào ban đêm và hệ trọng nhứt là dứt khoát phải vào lúc con người trai tịnh, sạch sẽ, nghĩa là không có giao hợp trước giờ khắc được gặp thần. Vậy là ông Tám làm tình đều đặn vào các lúc đầu hôm, dù có khi chẳng chút ham muốn. Nhiều lúc, dù rất ghét những thứ nhầy nhụa đọng lại trên thân thể mình, ông còn cố ý không rửa ráy gì sau màn ân ái. Cũng sau cuộc truy hoan, ông bỏ luôn thói quen ra nằm một mình hóng gió đêm ở cái võng treo ở hàng hiên. Ông sợ mình ngủ quên, tức vô tình mà lên mệnh thông tin “thông linh” hư ảo, vô tình tạo cơ hội cho hồn thần linh nối mệnh với mình. Tuy nhiên, kế hoạch có ý nghĩa nhứt lúc này của ông Tám là tiến hành mua một căn nhà lớn, tọa lạc trên đường Độc Lập, con đường chính của trung tâm thành phố Nha Trang. Hình như biển cả, sông nước, đã bị con người xuất thân ngư dân này – giống như cha mình ngày trước - ngoảnh mặt, lạnh lùng bỏ lại sau lưng mình…

Đăng đẳng cả trăm năm qua, biển cả đã là nguồn sống của mấy đời họ Lý. Biển có lúc khắc nghiệt lấy đi sinh mệnh của con cháu và người làm công họ nhưng đồng thời, biển đã hào sãng nuôi nấng, chìu đãi họ. Biển đã cho họ biết bao hạnh phúc - tiền bạc cũng như niềm vui, thống khoái xác thịt cũng như tự hào danh vọng. Để rồi vừa có thêm một thành viên trụ cột nữa của đại gia tộc ngư dân này đành tâm bỏ biển. Nhưng trường hợp ông Lý Đam, vào cuối đời đã muốn quên lãng biển cả, chối từ cái gốc rễ ngư dân của mình để hướng về và chết đi với tư cách nhà quan, thì có thể thông cảm được. Ít ra sự bội bạc này cũng có một khía ý nghĩa là sự chọn lựa mạnh mẽ của một con-người-tự-do. Còn trường hợp ông Lý Ân, chỉ là một cuộc trốn chạy, bó buộc phải tìm đường đào thoát, của một con người bội tín với thần linh.

Tuy nhiên, vẫn có chút gì đó đáng nể phục nơi ông Tám. Ông đang chiến đấu một mình, hoàn toàn cô độc trong việc đối đấu với chiều hướng xuống dốc của cơ nghiệp riêng mình. Còn hơn thế là ngay từ thời còn trẻ trai, ông đã bị cuộc đời đẩy vào hoàn cảnh phải đơn độc hành động, kể từ khi bị người cha bất công tước bỏ quyền thừa kế hương hỏa, từ đường. Quyết tâm độc lập xây dựng sự nghiệp, ông Tám đã thành công khi cũng bằng nghề biển, ông trở nên giàu có hơn cha mình và trong một thời gian dài, còn làm tròn bổn phận bảo bộc cho toàn thể gia tộc, tức một lô lốc các gia đình của các chị và cậu em út. Đến lúc ông cất căn nhà riêng của mình, không xa nhà từ đường họ Lý, thì ông Tám đã bù trả xong xuôi bằng tiền bạc, ruộng đất cho các chị em kia, để chính danh một mình sở hữu giàn nghề đi biển. Ông đã không mang tiếng tiếm đoạt giàn nghề đánh cá, vốn là tài sản chung của gia tộc.

Hiển nhiên là ông Tám giàu lên hơn nữa từ khi ông giải thể cái cộng đồng sở hữu giàn nghề đánh cá của họ Lý, nhưng chỉ trừ ra người em gái kế khấm khá với nghề buôn bán bên phố Nha Trang, những chị em còn lại bên làng Kim Bồng đều nghèo khó. Trong tay họ - nhứt là nơi ông Mười Út - các phần thừa kế riêng và phần nhận bù trả từ ông Tám đều lần hồi tiêu tán, do ở không mà hưởng hay do làm ăn thất bát. Nghĩ mình giàu là nhờ dãi dầu sóng gió, đổ mồ hôi sôi nước mắt, trong khi các chị em kia thì biếng nhác, không có óc cầu tiến, ông Tám rất hạn chế giúp đỡ chị em mình.

Dù có mang vẻ ích kỹ và tệ bạc nhưng theo ông Tám, việc đối ngoại cũng đã hoàn tất. Về đối nội – trong phả hệ riêng nhánh Lý Ân – ông Tám tiếp tục chủ trương tư kỹ, nói cho văn vẽ là ông theo thuyết “độc thiện kỳ thân”. Trong một chuồng gà, chỉ cần duy nhứt một con gà trống. Hình như ông gia trưởng hét ra lửa này không hề lo nghĩ gì cho yêu cầu “nối dõi tông đường”, nuôi giữ sự tiếp nối, lưu truyền dòng tộc. Trước kia, cảm thấy bị cha mình cư xử bất công, ông đã phản ứng bằng cách rất xem nhẹ cái danh trưởng nam của đại gia tộc họ Lý, có nghĩa là sự tồn vong, thăng trầm của dòng đại gia đất Nha Trang này không dính dáng gì tới ông. Dù lịch sử, gia phả họ Lý chỉ được xác lập từ Lý Ân - trưởng tộc đời thứ hai - đi nữa, thì ông Tám vẫn tiếp tục xem nhẹ sự tồn tại của cánh con trai, dù trong số tám đứa con, ông chỉ có hai con trai. Hình như trong thâm tâm, người đàn ông khác thường này đã không hề khắc khoải, ưu tư gì về tương lai của đại tộc họ Lý, một khi người đại diện xuất sắc nhứt, là chính ông, từ giã cõi đời. Và cũng tư duy hiện sinh ấy, ông dành cho ý nghĩa của cuộc đời, cho tương lai của nhân loại nói chung. Đối với ông Tám thì từng cá thể nhân loại, một khi nó không còn tồn tại thì lịch sử nhân loại cũng kết liễu. Chính cái ngã đầy tự mãn của ông còn phi lý thì chuyện con trai nối dõi tông đường cho ông còn có nghĩa lý gì?

Không có ý kỳ vọng chuyện hiện hữu vĩnh hằng ở bất cứ đời này, đời sau gì nên ông Tám xoay qua củng cố, đổ nền cho thật vững vàng cuộc tồn sinh trước mắt. Căn nhà bên phố Nha Trang được xây cất nguy nga, đặc biệt có cổng trước cổng sau, cửa trong cửa ngoài rất kiên cố. Ngày ông cùng bà Nhị dọn đồ đạc từ nhà từ đường nhánh Lý Ân về ở hẳn trong căn phố này cũng là ngày đánh dấu một biến cố trọng đại, một bước rẽ sinh tử của ông Tám. Ông chủ làng chài Bích Đầm, kiêm chủ sở lưới hòn Bích Đầm, rồi chủ lưới đăng ở hòn Mun, hòn Nọc, đã chính thức bỏ biển, về bờ. Từ nay, cuộc đời ông Tám thuộc về đất liền.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga