Hồn Ma Biển


 
 
 

15.
Ông Tám chạy lo một cái giấy phép kinh doanh gạo - một thứ vật phẩm dễ tìm trên đất liền, chứ không phải như cá tôm ngoài biển khơi, vùng cai quản của thần Biển. Phần trệt rộng rãi của căn tiệm mang bảng hiệu “Lý Phát” này được dành làm chỗ chất chồng những bao gạo chỉ xanh. Cái thành lũy cao ngất này che khuất ánh sáng từ ngoài trời hắt vào và chỉ chừa một lối đi khá hẹp cho ai muốn đi sâu vào trong, như khi cần tìm vào phòng khách, và phải mất nhiều thời gian hơn khi muốn lên lầu, đến tận phòng ngủ của chủ nhà. Như để bù lại cho cái khung cảnh hơi tối tăm và đơn điệu cái màu xám xịt của bao bố, bao đay này, diện mạo và cung cách của ông Tám có phần đổi khác, ít khép kín hơn trước mặt mọi người, từ những khách mới đến giao dịch lần đầu tiên về việc mua gạo, mua nước mắm. cho đến những người quen biết cũ, như những chủ lưới, bạn chài trong nghề lưới đăng ngày nào. Đó là một ông Tám/chủ đại bài gạo ân cần, vui tính, khác hẳn cái ông chủ lưới đăng dữ dằn, nóng nảy trong quá khứ.

Ông Tám còn đưa tượng Phật Bà Quan Âm từ nhà từ đường bên làng Kim Bồng về thờ. Đó là một căn phòng thờ trên lầu, vừa kín đáo vừa rộng rãi, dư chỗ để cho một Phật giáo đồ sùng tín có thể thờ đầy đủ Tam Vị Phật Tổ, tức Phật Như Lai, Phật Thích Ca và Phật Bà Quan Âm. Nhưng do quan điểm và chủ ý riêng của chủ nhà là chỉ cần thờ vị thần linh nào chuyên trách “cứu khổ cứu nạn”, nên phía sau cánh cửa gỗ nặng nề, thường xuyên đóng im ỉm, chỉ có tượng Bà Quan Âm Bồ Tát ngồi một mình trên bệ thờ, không hề có tượng hai vị thần linh thuộc nam giới kia.

Không riêng gì nơi thờ tự chỉ dành thờ Phật Bà, vẫn bóng dáng và hơi hướm của nữ giới tràn ngập trong nhà ông Tám. Hầu như chỉ ông Tám và một đứa cháu trai khuân vác, giao nhận gạo là đàn ông, trước sau trong nhà chỉ toàn đàn bà. Bên cạnh bà Nhị chủ nhà, cô Yên – đứa con sau cùng hiện giờ của ông Tám, không chút vương mang mùi biển cả, còn có một đứa cháu gái của bà Nhị, một bà nấu bếp lớn tuổi và một chị trung niên làm chuyện lặt vặt. Riêng về cái tên Yên của cô con út, hình như ông Tám ký thác vào đó nỗi mong mỏi được bình yên ở chốn này, thoát hẳn được cuộc truy đuổi, trừng phạt của thần Biển.

Đã có Phật Bà cao trọng - hình ảnh của cõi Phật, cõi Trời - được thờ phượng trên lầu cao, và vẫn sinh hoạt quen thuộc với nhiều phụ nữ vây quanh, túc trực hầu hạ khắp từ nhà trên xuống tới nhà dưới, nhưng ông Tám vẫn cảm thấy bất an. Đã không có tai ách xảy đến là chuyện hồn thần Biển thân chinh đến nhà trừng phạt, nhưng chính vì không còn được sống hư hư ảo ảo trong bầu không khí của những hồn thần linh và hồn ma vất vưỡng ngoài biển khơi, nên ông Tám cảm thấy nhung nhớ lạ kỳ. Ông tương tư, ông ghiền Âm khí. Con người dương trần này còn nặng nợ với cõi Âm. Đó là chưa nói tới niềm hãnh diện của một kẻ tự dưng được các thế lực vô hình ban cho cái đặc quyền được liên thông vời thần thánh cùng ma quĩ.

Cũng có óc thần bí không thua gì chồng, bà Nhị thường tin vào những điều may rủi, bất ngờ, chỉ có trong những công việc mạo hiểm, liều mệnh. Đã thường ngáp dài chán chường trước công việc buôn bán gạo hằng ngày, bà Nhị không hề hài lòng với mức thu nhập cầm chừng và quá ít ỏi. Phải có việc kinh doanh nào khác, vi phạm luật pháp cũng được, lợi nhuận phải cao, mới thỏa mãn cái máu cờ bạc âm ĩ trong con người bà. Trong thâm tâm, bà Nhị bắt đầu nghĩ đến một công việc làm ăn đặc biệt – ghi số đề.

Về phần ông Tám, hể nói đến vấn đề rủi may trong cuộc sống thì ông Tám nghĩ ngay đến thế giới siêu hình cùng những tác động tốt đẹp, tích cực của cõi vô hình này – theo nghĩa có lợi cho ông. Qua kinh nghiệm ký kết giao ước với thần Biển thuở nào, ông vẫn còn niềm tự tin rằng, bằng cách nào đó, mình vẫn còn có thể tranh thủ được sự phò độ từ những quyền lực siêu nhiên, hư ảo.

Nghe dân gian đồn rằng trên đèo Rù Rì, xa phố xa đường, có một cái miếu rất linh, ông Tám lên kế hoạch mà không cần bàn với bà Nhị. Một buổi chiều nọ, ông Tám nhờ đứa cháu trai dùng xe gắn máy chở ông lên đèo. Một mình đi bộ vào miếu, trong tâm khảm ông Tám chợt phục hiện cái cảm giác “thông linh” mà mình đã từng trải nghiệm. Ngồi trên bệ thờ là một pho tượng thần nữ, y áo và mủ mão rất rực rỡ, như có thề làm giảm đi, gở gạc phần nào cái màu da đen ngâm trên khuôn mặt tượng có tô điểm son phấn. Không thể nói đây là là kiểu nước da sáng sủa, thanh thoát nơi nữ giới, dù là nữ thần hay một mụ đàn bà bần dân nào đó. Người ta gọi vị thần ngồi ở cung đường đèo rừng rú này này là Địa Mẫu.

Truyền thuyết về Bà Địa Mẫu khá ly kỳ. Nguyên trước khi làn sóng người Việt tràn vào vùng đất cũ của nước Chiêm Thành này, dân bản địa đã tin tưởng rằng đất đai hoang sơ của họ đã có sẵn một vị thần chủ đất, từ thời cổ đại đã cai quản toàn bộ đất đai, rừng rú, núi non. Do ảnh hưởng của đạo Bà La Môn – một quốc giáo linh thiêng của người Chàm, vị thổ chủ đất Khánh Hòa cũ được nhân-hình hóa thành một nữ thần đầy quyền năng. Về những vị Phật nữ như Bà Quan Thế Âm, Bà Thị Kính và Bà Diệu Thiện trong Phật giáo – một tôn giáo đến Việt Nam thông qua nền văn hóa, tín ngưỡng của Trung Hoa – cùng các Bà trong Ngũ Hành Nương Nương thì được giáo chúng, dân gian kính ngưỡng qua những pho linh tượng có màu nước da sáng sủa, dịu dàng. Một cách khác hẳn, tượng Bà Địa Mẫu ở đây, mang màu sắc nhân-hình hóa trong Bà Là Môn giáo xuất phát từ xứ Ấn Độ rồi pha phách tín ngưỡng bản địa, thì khó có thể có màu nước da nào khác hơn màu tối sậm, cứng cỏi của đại đa số dân Ấn và Khmer. Khi đến lượt người Việt làm chủ lãnh thỗ, họ tiếp tục thờ kính vị nữ thần chủ đất này và không việc gì phải bỏ công sửa đổi, tô điểm lại màu nước da của tượng thần cho giống với màu da của dân Đông Nam Á gốc Bách Việt. Việc thay đổi này có thể vừa là hành vi bất kính đối với thần, vừa không còn thích đáng, vì đã là thần của đất, cai quản đất đai thì hình dáng thể hiện của thần mang màu đậm, tối của đất là chí lý rồi.

Trong một chương truyền thuyết nào đó của đất Khánh Hòa, có ghi chép rằng, Bà Địa Mẫu nguyên là một thiếu nữ người phàm hết sức xinh đẹp và có năng lực khác thường. Làm mãi những phép lạ - bay bổng như chim trời, cứu người khỏi nanh vuốt thú dữ, chữa lành các bệnh nan y, kêu mưa tuôn xuống khi hạn hán… - tại quê nhà cũng chán, thiếu nữ cất bước ngao du sơn thủy. Khi rong rủi đi ngang phương Bắc, thiếu nữ dị thường này đã thương yêu và kết duyên với một vị hoàng tử Hán tộc. Tiếng gọi của bốn phương lại trổi lên trong lòng bà chúa cứ bị nhốt mãi trong bốn bức tường cung cấm, một ngày kia bà rời bò chốn triều ca, cất mình bay ra biển Hải Nàm. Hóa thân thành một thân thiết mộc mà đao kiếm chém không xuễ, bà để mặc cho sóng biển đưa đẩy xuống phía Nam. Rồi cũng chán thế giới nước, bà chúa đã bỏ biển lên bờ, tình cờ đặt chân lên vùng rừng núi khu vực Khánh Hòa cổ xưa. Như một cư dân tự do hoàn toàn trước trời, đất, biển, rừng… , và cũng đã chán mõi những chuyến ngao du vô định trong không gian/thời gian vô thủy vô chung, bà chọn một ngọn đèo - sau này mang tên Rù Rì - làm chỗ dừng bước chân dịch chuyển mông lung. Hiển linh và làm phép lạ cứu giúp cho dân sơn cước, bà đuợc người đời lập miếu thờ phượng, với danh hiệu Đức Bà Điạ Mẫu – bà Mẹ của Đất….

Người đàn ông gốc ngư phủ, nghĩa là có màu da cháy nắng biển khơi một thời, đã cúi đầu, phủ phục quì khấn thật lâu. Trong khung cảnh tịch mịch, hoang vắng của ngôi miếu, hầu như chỉ đang có ông Tám, người phàm duy nhứt trong giờ khắc này, đang lẩm bẩm thưa chuyện cùng thần linh. Đại để là ông Tám tự giới thiệu sơ nét và cầu xin Bà phò hộ cho được may mắn trong việc làm ăn và hễ gặp nạn tai thì bình an thoát khỏi. Ngược lại, ông cũng cam kết, khi được hiển linh cho gặp, ông sẽ tuân giữ, thực hiện những bổn phận giao phó.

Cũng rất ứng nghiệm, ít ngày sau đã hiện về trong giấc ngủ của ông Tám, mà trước đó, ông đã biết dọn mình bằng cách ngưng việc giao hợp vào đầu hôm với vợ và tìm chỗ ngủ riêng.

Nếu trước đây, Ông Nam Hải chỉ tự thể hiện bằng hình hài một ông già ngư dân, quần áo xuề xòa, đơn sơ, thì nay, Địa Mẫu hiện ra là một bậc nữ lưu cao sang, kiêu kỳ, không khác các cô đào hát đóng vai hoàng hậu, công nương, phu nhân đài các, quyền quí trên sân khấu, và dung dạng cũng không khác mấy so với pho tượng ngồi trong ngôi miếu trên đèo Rù Rì. Đúng ra là ít nhiều phải có vài điểm khác biệt nhứt định, vì vốn đã mang bản chất bất biến muôn đời của nữ giới, thì dù có là thần nữ đi nữa, người đàn bà đẹp bao giờ cũng có bỏ công trang điểm lại ít nhiều trước khi xuất hiện trước nam giới, dù đó là một vị nam thần hay một gã phàm nhân. Do đó, khuôn mặt Bà son phấn hơn, y áo Bà diêm dúa hơn. Nữ tính của đàn bà phàm tục – chứ không phải thần tính của thần tiên thượng giới – là thứ toát lộ ra trước tiên, dễ thấy nơi Địa Mẫu.

“Lý Ân hỡi, tất nhiên là thần linh như ta thì ta đã thấu chuyện trước đây, bây đã giao ước với Ông Nam Hải. Ta thì tuy đứng ngoài chuyện bây bội tín, vi phạm những cam kết đối với ông ấy, nhưng lỗi lầm thì phải sửa chữa và không được tái phạm. Từ nay bây phải biết tu tỉnh, đoái công chuộc tội. Ta cũng nghiêm khắc không kém gì ông ấy đâu, nhưng một khi bây đã thành tâm kêu cầu ta thì ta cũng có thể gia ân cho bây - một người phàm đầu tiên trong cõi ta bà này biết đến ta và cầu ta độ trì”.

Trong bước đường hiển thánh của mình, cũng đã từng bỏ biển lên bờ, tức không thú vị và lựa chọn biển làm căn cứ cho tồn tại của mình, thần Đất thật lòng không hơi đâu bỏ công nghiên cứu về hoạt động cùng sự thành bại trong công việc của thần Biển, trong đó có vụ bản giao ước ký với người phàm. Do đó, lời răn đe “không được tái phạm cái lỗi bội tín…” của nói gã người phàm có tì vết kia chỉ là thủ tục giao dịch trong buổi sơ giao, hơn là đặt nặng về lỗi lầm quá khứ của ông Tám.

“Kính lạy , con xin nguyện nghiêm chỉnh tuân theo lời dạy. Đời con từ nay về sau xin giao trọn cho định đoạt. Con cũng xin Bà nhận con làm nghĩa tử, để trọn đời con phụng thờ Mẫu Mẹ”.

Chưa lúc nào bằng lúc này, ông Tám lại có một đôi mắt thiết tha, thành khẩn đến vậy. Trước mặt ông Tám, người đàn bà cực kỳ xinh đẹp và không có tuổi, đang mĩm cười, tỏ vẻ hài lòng, đẹp dạ.

“Bây gọi ta là Mẫu Mẹ hử? Ta rất vui trước sự thành tâm của bây. Nhưng, Lý Ân này, hãy nhìn lại đi… Năm nay tuổi dương thế của bây cũng đã gần ngũ tuần, quá già để xin làm con nuôi cho bất cứ ai. Còn ta, tu luyện và hiển thánh đã gần năm trăm năm, coi như ta không có tuổi. Và bây không thấy sao, ta đang hiển linh là hình ảnh ta ở cỡ tuổi ba mươi của những ngày ta còn thướt tha, bay bổng mà ngao du sơn thủy, chứ ta không thích mẫu hình một mụ thần già nua. Như thế mà làm mẹ bây thì e…không tiện. Bây nghĩ sao? Không lẽ khi nhận bây làm nghĩa tử đã ở tuổi ngũ tuần, ta phải hóa thành một lão bà bát, cữu tuần…?”

“Kính , dạ không, muôn ngàn lần không. không thể biến thành một lão bà mà lãng phí dung nhan người. Con thà chết chớ không thể nào để cho phải mất đi nhan sắc tuyệt đỉnh chín muồi như đang hiển linh trước con mắt phàm tục của con. Con cũng không bao giờ tưởng tượng nỗi là trong đời mình lại có đại diễm phúc được diện kiến và được bái nhận một thần nữ nhan sắc tuyệt thế làm nghĩa mẫu… Thôi thì, Mẫu Mẹ cứ gia ân, cho phép trong tâm linh con xem người là mẹ, lúc nào người cũng là mẹ của con là con cũng đã hoàn thành tâm nguyện”.

Phụ nữ - kể cả thần nữ - nào mà chẳng hân hoan, hả dạ trước những lời lẽ mà cánh nam giới dành khen ngợi, tán dương sắc đẹp của mình. Không có chuyện trên cõi tiên mà các nam thần - dù có muốn - dám mở lời ca ngợi nhan sắc các nữ đồng nghiệp, nên lời lẽ của bọn đàn ông phàm phu lại càng cần thiết và có giá trị. Thần nữ càng cười tươi, mắt long lanh sáng mà nói:

“ Thôi cũng được. Ta không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ trước thành ý của bây. Và ta hứa sẽ độ trì cho nghĩa tử của ta làm ăn phát đạt, tai qua nạn khỏi. Bây giờ nói đến những bổn phận bây phải nghiêm chỉnh thực hiện trong giao ước với ta. Cũng không có gì khác ngoài ba điều bây đã ký kết với Ông Nam Hải. Một là từ bỏ luôn cho rồi cái tánh tà dâm của bây. Hai là phải thương yêu, công bình đối với con cái trong gia đình. Ba là phải làm việc thiện nhiều hơn nữa. Ta lưu ý bây, không phải đã lên chùa cúng tiền, làm công đức là đã hành thiện. Giúp đỡ người thân trong nhà và cả dân chúng ngoài đường cho đàng tận tình, đàng hoàng mới chính là việc thiện bây phải làm. Ta lập lại lần nữa, bây phải siêng làm việc thiện lành và không được làm việc ác đức, hại người. Bây nghe kịp chưa? Thôi ta đi đây.”

Khác với kiểu cuồng phong, cát bụi tung mù tiễn chân thần Biển, nữ thần Đất chọn một làn hương thơm dịu dàng, ma mị. Trong giấc mơ của ông Tám, làn hương dị thường ấy như lan tỏa từ tà áo thướt tha của Bà Điạ Mẫu, và bãng lãng lưu lại trong cõi mộng của con người khi hình hài thần nữ cứ mờ dần, mờ dần…


16.
Trong lúc đầu ấp tay gối, nhiều lần bà Nhị đã lựa lúc chồng mình đã hả hê, thỏa mãn, bèn thủ thỉ đề xướng. Thế là vợ chồng ông Tám bắt tay vào việc gầy dựng một tổ chức cờ bạc, giới báo chí gọi là một “đường dây lô đề” nhưng giới cờ bạc gọi là một “huyện đề”. Chức danh chốn giang hồ, ma đạo này khiến người ta sực nhớ lại cái chức quan hàm “ngũ phẩm văn giai” của ông Tám vào thời vua Bảo Đại còn tại vị. Ở thời quân chủ, ông Tám vẫn được nhiều người nể trọng dù chỉ nhờ tiền bạc mà ông có chức quan hàm ngũ phẩm. Ngày giờ này, ở thời cộng hòa, chẳng cần thế lực nào ban bố cho mà ông Tám vẫn được gọi là ông huyện, vẫn được thiên hạ - tập trung nhứt là giới giang hồ, làm ăn phi pháp – kiêng nể . Về căn nguyên sự việc thì cũng chẳng có gì khác cái lỗ nẻ ra chức quan ngũ phẩm: tiền bạc. Cái ông nhà giàu nguyên là chủ phường lưới đăng này có dư tiền, dư vốn tiền mặt để ngồi làm cái, làm chủ một đường dây cá cược trong bóng tối.

Và đương nhiên, cô gái nghèo hèn, ít học là bà Nhị, cũng được thiên hạ gọi là bà huyện – nghe thoang thoáng như chức phận một bà lớn, phu nhân của một ông quan lớn nào đó. Dù thực chất chức “bà” này chỉ để gọi địa vị mụ vợ thứ tư của ông Tám nhưng cũng đủ khiến rất nhiều người, trong đó có những chị em đồng nghiệp cùng vai phải lứa với con Nhị bán chè ngày xưa, phải tiếp tục miễn cưỡng cúi đầu, tỏ vẻ nể kính bà huyện Tám. Đúng ra, không có gì gọi là tủi nhục cho những chị em nghèo này, vì chính ông chủ Tám cũng còn phải xem trọng bà Nhị. Ông nể phục và cảm thấy mang ơn người đàn bà trẻ - hồi còn chưa chính thức về làm vợ ông trong nhà - đã có công cứu vãn được công việc làm ăn ở nhà thùng Phan Rang. Có thể nói, như thể bà Nhị đã đánh bạt được mùi tử thi của thằng trốn quân dịch ra khỏi mùi nước mắm, khi đã tài tình, miệng lưỡi thuyết phục được bạn hàng quay trở lại nhà thùng, tiếp tục mua nước mắm của ông Tám. Do đó, ngày giờ này, như để thưởng công, ông Tám đã giao cho bà Nhị toàn quyền quản lý đường dây chơi đề.

Từ đó, ở căn nhà lầu bên phố Độc Lập, ông chủ Tám, thường ngồi ở nhà trước, tiếp những người công khai, bình thường ra, vào bằng cửa trước khi đến giao dịch, làm ăn với đại bài gạo hay những nhà thùng làm nước mắm cùng mang bảng hiệu Lý Fát. Còn ở nhà sau - tối tăm, ít sáng sủa hơn nhà trước - thì bà huyện Tám phụ trách tiếp những người ra vào chỉ bằng lối cửa sau – luôn luôn đóng kín, có người quen mặt gõ cửa mới mở hé - với cùng một cung cách là thầm lén, vội vã, nhìn trước nhìn sau.

Trong hệ thống hai cách làm ăn tiến hành song song, bà huyện Nhị - bà trùm của hệ thống “nhà sau” ít ánh sáng - đã chọn một đứa cháu ruột làm thư ký riêng cho bà. Một thanh niên có chữ nghĩa, tính toán nhanh nhạy và có nét chữ viết rõ ràng, sáng sủa. Nhờ mối quan hệ làm ăn lớn, rộng trước kia của dòng họ Lý, cộng thêm mối quen biết sát sườn hơn với những nhân vật – có chức vụ cao hay có tiền của, hoặc có cả hai thứ này - thường ngồi chung chiếu tứ sắc với vợ chồng ông Tám, thì không có gì khó khăn, chậm chạp trong việc thu hút khách chơi và tuyển mộ người giúp việc cho tổ chức cờ bạc mới ra đời là huyện đề ông Tám/ bà Tám, mà sau này dân chơi chỉ gọi gọn lõn là huyện bà Tám. Ở ngoài cửa của trung tâm đầu não cờ bạc này thì kín đáo dàn trải một hệ thống “chân rết” những tay ghitay em, phối hợp nhau thực hiện việc nhận cho dân chơi đề đến đánh số.

Có người gọi những tay ghitay con nhưng không chính xác lắm, vì tay con nguyên là những người chơi bài bạc với nhà cái, hoặc có lúc làm cái theo luân phiên của trò chơi. Còn trong các tổ chức thầu đề, tay ghi chỉ là những người làm công cho nhà cái - chủ huyện đề - để ăn hoa hồng qua công việc ghi chép và báo cáo số liệu cá cược cùng giao nộp số tiền xác - tức tiền dân chơi đề bỏ ra cá cược - cho những tay em. Cũng như người chơi đề rất hiếm khi được biết đến những ông trùm đề, huyện đề dấu mặt, những tay ghi chỉ giao dịch với một tay em, rất hiếm khi được biết tay em này còn giao dịch với ai nữa mới đích thực là chủ huyện đề. Ở những huyện nho nhỏ, địa bàn chỉ là một khu phố, một thôn làng, thì có thể tay em chính là chủ huyện, tức một tay nhà giàu hạng vừa vừa nào đó nhảy ra bao lãnh mọi ăn thua, không thống thuộc một chủ huyện nào khác lớn hơn mình. Còn ở qui mô một huyện đề lớn, địa bàn hoạt động là cả một tỉnh hay một thành phố, hệ thống “chân rết” chạy việc cho chủ huyện là một hình tháp trách nhiệm gồm nhiều tầng nấc tay ghitay em, và rất ít tay em – như cấp tổng đại lý của một công ty cờ bạc – được phép trực tiếp giao dịch với đỉnh chóp, tức một nhà tài phiệt hay một số nhà tài phiệt hùn hạp với nhau kinh doanh cờ bạc.

Gần giống như trò cờ bạc cá mưa cá nắng hay cá độ bóng đá, đánh số đề là một chiếu bạc bao la, không thể biết mép chiếu trải ra tới đâu, và cuộc sát phạt diễn ra suốt ngày đêm với một số lượng người chơi đông đảo, không thể nào thống kê cho chính xác. Ở các ngõ hẻm, lề đường nhỏ cũng như vĩa hè đại lộ, những tay ghi thường kiêm luôn nghề bán vé số khi nhận tiền cá cược cùng con số chọn đánh của dân cá đề. Mỗi ngày, cứ trước bốn giờ chiều, các tay ghi phải hoàn tất một tờ phơi, tức tờ giấy ghi phân tích và tổng hợp những con số được dân chơi đề chọn đánh, đồng thời cộng lại tiền xác tương ứng vào mỗi con số. Ví dụ theo kiểu đánh đề “hai con” , ở giữa phơi sẽ là một cột gồm 100 con số rãi từ trên xuống dưới, ở đầu trang giấy là con số 00, xuống dòng là con 01, xuống dòng nữa là con 02, cứ thế cho đến cuối trang giấy sẽ là con số 99. Bên trái mỗi con số là các khoản tiền xác tương ứng mà người chơi đề bỏ ra khi họ chọn lối chơi là đánh đầu, nghĩa là cá cược với lô đầu tiên của kết quả xổ số, chỉ có hai con số. Còn bên phải của các con số dành ghi số tiền tương ứng của những người chọn lối đánh đuôi, tức hai con số cuối của dãy con số kết quả lô độc đắc - lô cuối cùng của kết quả xổ số. Ví dụ: hôm nay trong tờ phơi nọ ghi đậm con số 35, là con số thường được dân chơi đề đánh nhiều nhứt, thì bên trái con số 35 này có ghi 435,000 đồng, còn bên phải chỉ có 112,000 đồng, có nghĩa dân chơi đề tin tưởng là chiều nay con số 35 sẽ có khả năng hiện ra ở lô đầu tiên hơn là hiện ra ở lô cuối cùng của kết quả xổ số. Bên cạnh đó, còn có các tờ phơi nhỏ hơn, dành riêng cho kiểu chơi “ba con” và “bốn con”, ví dụ các số 333, 585…, hay các số 1962, 2691.v.v…, nhưng hai kiểu chơi này rất ít phổ biến so với kiểu chơi sồ đề “hai con”. Cần phải tốn một ít thời gian để nhận biết nội dung và cách thực hiện những tờ phơi như trên, vì chỉ có người sống và làm ăn trong trò chơi đánh số đề thì mới có cơ hội thấy mặt loại biên bản này, còn người chơi số đề thì chỉ giữ võn vẹn mảnh giấy ghi con số và số tiền mình bỏ ra chơi mà thôi. Còn đối với nhà chức trách, tờ phơi là bằng chứng hiển nhiên để họ truy tố, bắt giam một tay ghi hay một chủ huyện đề. Do đó, tờ phơi tuy chỉ là tờ giấy mong manh, nhưng phải minh bạch từng nét chữ và con số, để làm căn cứ vững chắc cho việc thực hiện cái giao ước ngầm hiểu giữa nhà cái/chủ đề và tay con/dân chơi đề, để khi đánh trúng, nhà cái phải chung trả tiền cược và người chơi có quyền nhận tiền thắng cược. Và chính tờ giấy mỏng manh ấy cũng có thể định đoạt số phận của một con người, hoặc tù tội, hoặc tự tử.

Bốn giờ chiều là hạn thời gian cuối cùng để lực lượng những tay con ghi đề phải chạy đi nộp tờ phơi đã hoàn chỉnh cùng tiền xác cho những tay em, rồi tay em lo chạy đi báo cáo tổng kết hay giao nộp cụ thể cho chủ huyện. Ở tỉnh Khánh Hòa bấy giờ, sinh sau đẻ muộn hơn những đường dây lô đề khác nhưng kỳ lạ là huyện bà Tám rất sớm thành công. Đối với dân có máu mê cờ bạc trong khắp tỉnh, sức hấp dẫn của đường dây này là theo tin đồn, thường có người chơi trúng lớn. Có nhiểu tin tức rỉ tai, rằng dễ trúng khi bỏ tiền đặt số ở những tay con thuộc đường dây huyện bà Tám. Do đó, từ trong những ngõ hẻm cho tới đường lớn, dân cờ bạc nô nức kéo tới những tay ghi đủ các cấp nhỏ, lớn, dù là trung gian hay trực tiếp với bà chủ đề. Đúng là vào những ngày thứ ba hằng tuần, sau khi có kết quả như thường lệ của cuộc xổ số kiến thiết quốc gia, nhà ông Tám đều có chung trả những số tiền khá lớn cho một, hai người trúng đề nào đó. Nhưng số đông dân chơi số không hề được biết rằng, từ những tờ phơi dày đặc những con số mua đề do các tay con nộp về, bà huyện Tám thu vô một số tiền xác – tiền cá cược – thường là rất lớn. Chi trả xong xuôi cho số người trúng và trừ hoa hồng xong cho người chạy việc, chủ đề vẫn còn lợi chán. Đó là chưa nói tới sự hào phóng có tính toán của bà huyện Tám đối với những tay ghi, tay em làm công cho mình nhưng có thể không hề biết mặt mình. Các tay ghi, tay em cứ giao phơi hoặc báo cáo trước hạn bốn giờ chiều, hễ sau khi có kết quả xổ số mà trúng ngay tờ phơi trắng hay tờ báo cáo trắng - không có con số nào trúng – thì lập tức được thưởng một khoản đặc biệt.

Xưa nay, nếu cờ bạc có thể mang đến một ít cơ may làm giàu hiếm hoi nào đó, thì cũng chỉ dành cho người tổ chức cuộc chơi chứ không phải dành cho con bạc. Ngay cả những tay em - đại lý của huyện bà Tám, hay một hai tay ghi cũng thường chỉ rước lấy nợ nần khi không dằn được máu cờ bạc, như trường hợp họ liều mệnh bao một vài con số trong tờ phơi. Ví dụ như có tay ghi tên là Tư Liều, từ lâu đã chíp bụng con 09. Chiều nay, có ai đánh đầu hay đuôi gì vào con số này thì y cũng giữ lại, không ghi vào tờ phơi nộp cho chủ huyện. Sau giờ xổ số, một là khi con 09 không ra thì Tư Liều hưởng hết tiền xác, còn hai là ngược lại, y phải tự lo chungcho những người trúng con số này.

Hầu như, chỉ sau vài lần bao số, 100o/o những tay liều mệnh, có tham vọng muốn làm chủ huyện cỡ cò con, đều hết vốn, vỡ nợ. Mười lần ăn được tiền xác cũng không bù nỗi cho một lần chung tiền trúng. Cứ thế mà các tay bao đề sạch túi, tàn mạt không thua gì một tay mê số, chơi đề lâu năm.

Vận số lại khác hẳn đi đối với ông Tám, một tay chơi cờ bạc cũng từng trải lâu năm lắm rồi. Con-người-cờ-bạc nơi ông Tám đã hiển nhiên có một trình độ lọc lõi đến mức khác thường. Một mặt, ngay từ những lúc chễm chệ ngồi trong chiếu bài tứ sắc ở làng chài, dù chỉ để giải trí nhưng ông rất giàu kinh nghiệm ăn thua, không kém gì một tay chuyên nghiệp, chỉ cờ bạc để kiếm sống. Mặt khác, ông có những cơn linh cảm đặc biệt, đủ để quả quyết sai con cháu, người giúp việc chạy đi ghi ngay lập tức một con số đề nào đó. Kết quả là thường thì ông Tám thắng bài tứ sắc, còn trúng đề thì càng thường xuyên hơn. Đến khi cùng vợ vô nghề huyện đề, kinh nghiệm và linh tính lại tiếp tục giúp cho ông tránh được nhiều trường hợp hao tài mất của , đặc biệt với sự giúp sức của một tay em mẫn cán tuyệt vời. Tay này không ghi số, cũng không gom tiền xác và làm phơi, mà chỉ thầm lặng chạy đây đó, làm trinh sát theo dõi tình hình thiên hạ đánh số vào đường dây của chủ.

Ngày thứ ba này, ngẫu nhiên hay do một tin đồn râm rang từ sáng sớm, chợt một con số, ví dụ như 09, lại được rất nhiều người đánh vào đường dây huyện ông bà Tám. Số tiền xác ước lượng từ sáng đến trưa đã lên tới một con số khổng lồ. Lập tức, tay em trinh sát sẽ tìm mọi cách báo ngay về cho ông bà Tám. Phản ứng trước tình hình con số 09 đột biến này, ông Tám sẽ cố vấn cho vợ, có thể chọn một trong bốn cách đối phó để ngăn ngừa nguy cơ vợ chồng ông phải chung ra một cú khủng khiếp vào chiều tối. Một là, không rõ do điều gì mách bảo, ông Tám vẫn bình chân như vại, nhếch mép cười, cho bọn tay em “chân rết” cứ tiếp tục nhận cho dân chơi đề đánh vào con 09. Hai là, ông ra lịnh khóa con số 09, không nhận cho ai đánh vào nữa – cũng có nghĩa là xúi cho dân chơi đề đi ghi ở các huyện khác. Ba là, ông Tám ra lịnh cho tay em thầm lặng đi đánh con số 09 vào các huyện khác. Nếu chiều ra con 09, các huyện khác sẽ chia phần chung tiền trúng cho dân chơi đề.

Và cuối cùng, phương cách thứ tư hoàn toàn dựa vào linh tính mơ hồ nhưng xác quyết của ông Tám. Trong giới cờ bạc có một từ ngồ ngộ, nói theo âm tiếng Tàu là “tả”, tức “đả” theo âm giọng Hán Việt, tức là đánh, đánh đập. “Tả” là kiểu cờ bạc mà may rủi nhân đôi lên : một là nếu gặp vận may mắn, cứ với vốn tiền của thiên hạ, người “tả” không hề bỏ vốn tiền xác ra một cắc nào mà lại được hết tiền trúng đề; hai là ngược lại, gặp vận rủi thì phải chung trả tiền trúng cho người bỏ tiền ra đánh đề và đã gặp vận may đã thuộc về họ. Như khi có niềm tin mạnh mẽ rằng con số 09 không thể ra, ông Tám sẽ ra lịnh cho đàn em sớm sủa đem tiền xác của thiên hạ đánh vào con 09 đem “tả” vào một số khác mà ông ưa thích, ví dụ con 18. Do bọn đàn em chia nhau đi “tả” vào các huyệnkhác bằng những số tiền chia nhỏ ra, không quá lớn, nên các đại gia khác không thể đặt nghi vấn về bàn tay lủng đoạn của ông bà Tám. Rốt cuộc, qua kết quả xổ số, không có con số 09 mà có con 18 thì ông bà Tám không hề bỏ ra xu nào mà lại thắng được bộn tiền nhờ cách đi “tả” lại vào các huyện khác. Phải là tay chơi rất cả tin và rất mặn máu mới dám chơi kiểu “tả”. Và phải là những tay được thần Đổ Bác độ trì thì mới thắng lợi trong cách chơi bằng tiền người khác này. Cỡ những tay em bày đặt giữ lại vài con số trong tờ phơi để kiếm chác chút đỉnh tiền xác mà lại tập tành lấy số tiền xác đó đi “tả” thì chỉ nhanh chóng tiêu ma cuộc sống hơn nữa thôi.

Sau này, một số dân đánh đề - tự biết là thần Đổ Bát hay thần Tài rất ít khi chịu chiếu cố đến mình – có thể tự thỏa mãn máu ghiền cờ bạc của mình bằng một cách chơi khá an toàn, ngược hẳn kiểu đi “tả” đầy rủi ro nói trên. Đó là cách chơi bao lô. Dùng một số tiền nhỏ, họ đánh vào toàn thể 12 lô, từ lô đầu đến lô độc đắc, trong chương trình xổ số kiến thiết. Ví dụ đánh “hai con” ở mức nhỏ nhứt là 1000 đồng mà đem nhân với 12 lô, họ sẽ tốn hết 12,000 đồng. Rồi do các chổ ghi đề thường cạnh tranh nhau để thu hút người chơi nên có lệ giảm từ 10 o/o đến 20o/o, nên dù tiền xác ghi tổng cộng là 12,000 đồng nhưng khi chọn chỗ ghi đề quen mặt và thân thiện, chịu giảm tới mức 20o/o, người đánh thực tế chỉ bỏ ra 9600 đồng. Với kết quả xổ số 12 lô đều không ra con số họ chọn, họ chỉ thua mất 12,000 đồng, còn ngược lại, chỉ cần con số chọn hiện ra ở 1/12 lô, thì với mức chung thắng đề “hai con” phỗ biến là bội số 70 lần lớn hơn số tiền đánh, tức 1000 đồng nhân với 70, họ thắng được 70,000 đồng, đem trừ với 9600 đồng tiền vốn đánh đề, họ kiếm được 60,400 đồng. Nếu ngày nào cũng đánh đề kiểu an toàn như thế và thần Tài cũng cho trúng “cò con” đều đều là 1 lô trong 12 lô, họ đều kiếm được cũng chừng ấy 60,400 đồng mỗi ngày. Càng phấn khởi hơn khi con số chọn hiện ra tới hai, ba lần trong 12 lô. Có người nặng máu ăn thua hơn một chút thì bên cạnh cách chơi bao 12 lô, họ bỏ ra thêm 2000 đồng để đánh riêng lô đầu và lô cuối, mỗi lô 1000 đồng nữa. Vì số tiền 2000 đồng quá nhỏ nên không được chỗ ghi đề thối lại 20o/o, tức võn vẹn 400 đồng, nhưng người chơi được ghi tăng thêm 400 đồng này chia đều cho hai lô đầu và cuối, tức bỏ ra đánh 1000 đồng cho mỗi con số thì được ghi thành 1200 đồng. Rồi nếu may mắn, bên phía đánh riêng này, họ trúng được 1200 đồng nhân với 70, thành 84,000 đồng, trừ đi 2000 đồng tiền đánh, họ còn thắng 82,000 đồng. Đem cộng với số tiền 60,400 đồng trúng bên bao lô, họ kiếm được tổng cộng 142,400 đồng. Rất đáng khen cho dân chơi đề kiểu an toàn như trên, một khi cứ chấp nhận mức chơi khiêm tốn, đánh nhỏ, họ sẽ không bị rơi vào thực tế rất xảy ra hoài là các huyện đề trốn tránh – giới cờ bạc gọi là “xù” - không chung những số tiền thắng đậm từ những số tiền xác quá lớn. Và cũng nên cầu nguyện cho họ có thể thường trực tự kềm chế, giự mãi lối chơi “cò con”, vì theo tâm lý cờ bạc, nếu ngày nào cũng trúng mà chỉ trúng quá nhỏ, quá ít, thì con ma đề sẽ xúi dục họ sanh tâm đánh lớn , đánh nhiều tiền hơn. Khi ấy, thần Tài sẽ ngán ngẩm, bỏ rơi đứa con khiêm tốn, chịu chơi bạc cò con của mình, có nghĩa là con bạc say máu đã bước ra khỏi kiểu chơi an toàn và thảm họa sẽ từ từ đến với họ một cách khó tránh.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga