Hồn Ma Biển


 
 
 

17.
Đã rõ bà Lụa là tác nhân quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp kinh doanh cờ bạc của ông Bảy. Trước đó, trong việc mua bán gạo, tuy rất chặt chẽ, rít róng về tiền bạc, nhưng do ít học, không rành mặt chữ và số, bà đành phải tỏ vẻ ít ngó vào sổ sách mà chỉ nghe thư ký báo cáo và ngồi đếm tiền, cất vào tủ sắt thôi. Thật ra, do bản chất duy lý và hám lợi, bà không hề buông bỏ, lơ là công việc kinh doanh chính thức của chồng, mà đã từng òn ĩ xin cho em, cháu của bà vào làm trong các khâu bán gạo, vận chuyển gạo. Hình như bà làm như thế là để có thể an tâm mà dành hết tâm trí, sức lực vào việc quản lý đường dây huyện đề, nhứt là việc gom tiền xác.

Nhưng còn có một công việc mà bà ưa thích hơn nữa và cũng dùng hết trí lực của mình, đó là việc chính bà đánh đề. Khi cho đàn em thay mình đánh tiền vào các huyện khác, bà huyện chơi rất chuyên nghiệp, thập thành. Thông thường là bà bỏ ra những số tiền lớn, có khi rất lớn, để vừa kiên trì đánh mãi miết cho một con số mình theo đuổi, vừa đánh ngay cho một con số được diễn dịch qua những con thú, những đồ vật, sự việc… mơ hồ chợt đến với bà trong giấc ngủ đêm hôm trước. Hơn thế, ban ngày bà còn tự cho là mình có nhận ra những “điềm” cũng rất kỳ dị , như: nhện sa, gián bò, chó ỉa, mèo kêu, đám ma hay bà già ăn mày đi qua trước nhà.v.v... Có một điều mà các nhà tâm lý học cùng các nhà đoán mộng, giải mộng rất nên nghiên cứu nơi bà Lụa - trí nhớ siêu đẳng của bà, một loại trí-nhớ-cờ-bạc rất thú vị. Bà có thể nhớ rõ ràng cùng lúc nhiều con số lô đầu và lô cuối đã ra rất lâu. Bộ nhớ của bà cũng thường trực lưu giữ, phân loại những “điềm”, những hình ảnh mà bà đã thấy qua những đêm ngủ mơ, nằm mộng. Tất cả các dữ kiện ấy được bà xử lý rất chu đáo, như lọc bỏ những thứ đã khiến mình đánh trật, cân nhắc khi tính đánh tiếp một con số đã từng cho mình trúng… Trí-nhớ-cờ-bạc cũng giúp bà Lụa thường thắng hơn thua trong những chiếu bạc tứ sắc, xệp, sóc dĩa.

Như thế, sau ngày bỏ biển lên bờ, cơ nghiệp của ông Bảy vẫn ngày một phát triển, ngày ngày tiền bạc vẫn đổ vào nhà, tuy có phần sút kém so với thời ông đi biển. Lúc này, muốn nói cho chính xác thì phải là “cơ nghiệp của vợ chồng ông Bảy”, chứ không còn là “cơ nghiệp của ông Bảy” do có phần đóng góp của bà Lụa. Dù có vài lúc thua đề, thua bạc rất lớn nhưng phần tiền kiếm được do cờ bạc của bà mang về nhà không phải là nhỏ. Có khi trong việc kinh doanh cờ bạc, bà kiếm được tiền còn hơn cả chồng mình.

Sâu xa hơn thành tích vượt qua chồng là, giữa chốn nhân gian muôn mặt, bà Lụa còn vượt, còn hơn rất nhiều người khác về thành tích hưởng thụ cuộc đời.

Khi nói về hiện tượng hưởng thụ trong cuộc sống, nhiều người lầm tưởng là ở bình diện thân xác, vật chất, chỉ có “tứ khoái”, tức gồm ăn uống, ngủ nghỉ, ân ái và cả việc đại/tiểu tiện. Còn về thú vui, thụ hưởng ở bình diện tinh thần, cảm tính thì phải là thưởng thức những sản phẩm văn hóa –nghệ thuật lành mạnh, như: nghe nhạc, coi ti-vi, đọc sách, xem tranh, chơi hoa cảnh, sưu tập đồ cổ.v.v… Rõ ràng bảng liệt kê những kiều cách hưởng thụ của con người, dù ít hay nhiều, dù chặt chẽ hay buông lỏng, cũng luôn luôn dựa vào những chuẩn mực đạo đức, đạo lý xã hội. Nhưng từ căn gốc là bản chất con người, sinh hoạt hưởng thụ vốn chỉ là một hành vi nhân tính, chứ không phải là hành vi đạo đức.

Nếu hành vi đạo đức chỉ có nghĩa lý cứng, gọn là loại hành vi luôn luôn được soi rọi, phán xét, kết luận là đúng/sai, tốt/xấu, thiện/ác…, thì hành vi nhân tính lại nhiêu khê hơn nhiều. Như khi con người được sinh ra đời, ở lứa tuổi sơ sinh và nhi đồng, thì nhu cầu trò chơi, đồ chơi đã là tự nhiên và tuyệt đối cần đáp ứng. Trẻ con chơi đùa, nghịch phá – kể cả phá hỏng đồ chơi, bỏ ngang cuộc chơi - là vì chúng cần nô giỡn, phá phách. Đó là những hành vi tự phát, chủ quan, phi đạo đức, có trước đạo lý. Rồi khi trẻ dần dà hiểu biết hơn, hành vi thuần khiết này sẽ bị tác động do khách quan - một là do lời khuyên hướng thiện của người lớn, kiểu “ con không được hành hạ con mèo!”; hai là do theo gương, bắt chước hành vi xấu, không thích hợp, của những đứa trẻ lớn hơn – tật thủ dâm chẳng hạn. Có thể nói trẻ con vui chơi dửng dưng, vui chơi là chơi cho vui, không hề nghe theo tiếng gọi của các bản năng đối đãi nhau, tức hoặc phần “con” bản năng hoang dã, hoặc phần “người” có đạo lý kềm chế – hai mặt đối lập của hữu thể con người. Tuy nhiên, ở khoản này thì vô tình mà trẻ thơ lại nghiêng về bản năng sinh vật, giống con thú sơ sinh. Mèo con, chó con, cọp con… thường cắn giỡn nhau, nghịch một món vật nhỏ hay một con mồi nhỏ do những con bố, con mẹ vất cho. Chỉ có những đứa trẻ đau yếu, có vấn đề về thể lý hoặc trí tuệ, và những con thú nhỏ mắc bệnh, bị thương, mới ủ rũ, ngồi bất động một chỗ, không hiếu động chơi đùa, rượt đuổi nhau.

Rồi đến khi con người trưởng thành, và thậm chí cho đến giờ phút sắp lìa đời, một hành vi nhân tính khác, có thể nói là điển hình cho nhân tính, xuất hiện nơi phụ nữ. Phụ nữ, bằng điều kiện và hoàn cảnh riêng của mỗi người, đều liên tục, nỗ lực không mệt mõi về chuyện trang điểm, diện quần khoe áo - là vì đàn bà muốn mình đẹp. Đàn bà là tự nhiên muốn mình đẹp, vậy thôi. Do đó, thật là hẹp hòi khi ai đó đã lớn tiếng trách mắng một con bé năm tuổi đòi mặc áo mới, khi ai đó thầm lén chê bai một bà cụ sắp tắt nghỉ còn ngõ ý bảo con cháu tô chút son phấn và liệm xác mình bằng chiếc áo cụ ưng ý nhứt. Vấn đề đạo đức, tốt hoặc xấu, chỉ được đặt ra khi người phụ nữ làm đẹp với một mục tiêu nhứt định nào đó, ví dụ như một cô vợ muốn trang điểm đẹp để chồng được hãnh diện với thiên hạ, hay như một ả gái điếm ăn mặc hở hang để thu hút khách làng chơi.

Vậy là khi mặc nhiên xuất phát từ cái gốc nhân tính nguyên thủy, đứa trẻ đã biết vui chơi ngay từ thuở sơ sinh, chị đàn bà ngày ngày soi gương trang điểm, bà già an tâm tắt thở khi biết chắc là mình được liệm bằng chiếc áo mình chọn, rồi đến bà Lụa say mê những lá bài và những con số đề, thì tất cả họ đều là con-người-hưởng-thụ. Phần nhân cách này hẳn phải dễ chịu, dễ sống hơn các phần nhân cách khác, như con-người-lao-động, con-người-tư-duy, nên loài người chúng ta mới thực hiện sống động và nhiệt thành hành vi hưởng thụ của mình suốt từ lúc nằm trong nôi cho đến lúc chuẩn bị vào nằm trong quan tài. Chính vì sinh hoạt hưởng thụ xuất phát tự nhiên, tươi nguyên từ nhân tính nên trong ngôn ngữ thường ngày mới có từ “máu”, “máu mê cờ bạc”, “tâm hồn ăn uống”…, để gọi tâm cảnh của những người biến trò hưởng thụ riêng tư của mình thành một thứ đam mê dài hạn, bền bĩ, như thể bột phát từ chính lượng máu nóng hổi nuôi sống thân xác họ.

Trong thời đương đại, một cách có thứ tự trước sau như do nhân quả hay một cách đồng loạt, hỗn mang, đã xuất hiện quá nhiều các loại bệnh lạ, những hệ phái tôn giáo quá khích, những thứ vũ khí giết người hàng loạt.v.v... Tồn tại giữa một vũ trụ vô biên, không biết va đập, thiêu cháy trái đất khi nào, cùng một thế giới ngày càng dấy lên nhiều nguy cơ khách quan và tranh chấp chủ quan trong tự thân nhân loại, nhiều con người đã có xu hướng thiên về, đúng hơn là quay lại, khuynh hướng sâu thẳm là ích kỹ hơn là vị tha – thu vào hơn là cho đi. Và cùng một trật, bản năng hưởng thụ, theo nghĩa thu vén cho mình những lợi ích vật chất và tinh thần, là dễ vận dụng nhứt, tiêu biểu nhứt cho xu hướng vị kỹ ấy. Do đó, ngay từ tấm bé, bao giờ con người dễ tập nhiễm những trò hưởng thụ, ăn chơi hơn là việc học hành, tu đức.

Cũng cùng một bản chất cảm tính là cái “máu mê”, tức tận tụy sống chết với nỗi đam mê của mình, nhưng một lãnh tụ, một văn hào dựng nên một phong trào chính trị xã hội, một tư trào văn chương hay một nhà thơ chỉ gói mình trong thi hứng và sáng tác thi ca, thì được tán thành và kính phục, hay ít nhứt cũng được thương hại khi họ sai lầm về lý tưởng mình chọn. Sự thương hại này có giá trị như một lô trúng an ủi, một giải thưởng khuyến khích, mà xã hội con người có thể dành cho những đồng loại kiệt xuất, khác người, hơn người ấy. Các nhân vật này được xã hội thương hại là hợp tình, nhưng không phải lúc nào cũng hợp lý. Do với tham vọng giúp đời, cứu nhân độ thế gì đó, các vị đồng loại tài ba ấy đã tiêu xài, hưởng thụ hết sạch cuộc đời riêng họ mà rốt cuộc, kết quả chỉ là cung ứng cho nhân loại những sản phẩm vô bổ, đôi khi còn còn nguy hại, như một một tư tưởng lầm lạc, một triết lý phiến diện, một tác phẩm văn học, nghệ thuật nghèo mỹ cảm … Còn một điều tai kiếp, nguy khốn khủng khiếp nữa cho nhân loại, đó là, vào bất cứ ở đâu và thời nào, chúng ta cũng có cùng lúc quá nhiều những những triết gia, đạo giả, giáo chủ tôn giáo mới, nhà chiến lược quân sự, lãnh tụ chính trị, lý thuyết gia cải cách xã hội.v.v.. Sống chết với lý tưởng cứu nhơn độ thế của mình, họ thường tự dẫn mình tới hành vi giết hại, trừ khử những người cũng nhiệt thành giúp đời khác, chỉ có điều là nghịch chống quan điểm, chủ trương của họ. Từ đó sản sinh ra các cuộc chiến tranh, lật đổ, tố khổ, thanh trừng, diệt chủng, giết đạo, âm mưu chính biến, lũng đoạn thời cuộc...


18.
Xưa nay, có một điều hiển nhiên là trong tâm lý con người, khát vọng mưu cầu quyền lực thì chia đều cho mọi người, không sót một ai, từ ông tổng thống, bà dân biểu, vị lãnh tụ đảng phái, ngài chấp pháp tôn giáo…, cho đến cậu học sinh trưởng lớp, chị công nhân vệ sinh, gã ăn mày nhiều vợ… Rồi nảy từ máu mê quyền lực – ngay nơi một kẻ tự biết mình không hề có một chút tố chất hay điều kiện chủ quan/khách quan nào, như học vấn, trí thông minh, năng lực, sức khỏe, cơ hội, thời thế .v.v…, để có thể mơ đến một chút quyền lực nhỏ nhoi, vô nghĩa, chẳng hạn như đứng đầu một nhúm vài người ít ỏi - nỗi cám dỗ đi kiếm quyền lực vẫn thường trực, kín đáo phục sẵn trong vô thức ai đó, đặc biệt là trong nhóm người ít nhiều có vẻ mặt “tâm linh” đủ loại hạng, như đã được giới thiệu ở phần trên cuốn sách này.

Đầu tiên là những nhà thông thái rởm. Một nhà tư tưởng có nói rằng người dốt nát chỉ làm người khác bực bội, thương hại, còn kẻ thông thái rởm, hiểu biết nửa vời thì quả là… chịu không nỗi! Nhưng khách quan mà nói, rất đáng khen cho cái óc hiếu tri lầm lạc cùng những nỗ lực dùi mài, tích lũy tri thức vô bổ nơi những người “không chịu nỗi” ấy. Đột nhiên một ngày xấu trời, một cậu sinh viên khoa triết thi rớt mãi, không đủ sức lấy bằng cử nhân, lại dựa vào một cuốn sách Thiền nào đó, bắt đầu rao giảng về một thứ đạo học chính thống nào đó do anh ta “ngộ” ra. Hay một chú xe ôm khi ế khách thì nghiền ngẫm sấm Trạng Trình cùng một ít câu của Nostradamus, rồi đứng ra giảng về ngày Tận Thế, kêu gọi dân xe ôm và các nhà hàng xóm nên bỏ hết, đi tu theo sự hướng dẫn của chú mình. Hay một anh tu xuất, ra khỏi tu viện thì nhờ gia đình bảo bọc cơm áo, khỏi phải kiếm việc làm tự nuôi thân, rảnh rỗi tìm hiểu về giáo lý Phật giáo mà chợt cảm thấy được mạc khải về sự bế tắc cùng cực của mọi tôn giáo. Hay một chị tiểu thương buôn bán ế ẩm nên hay bỏ chợ để lết đến nhiều chùa, miếu, cốc…, bỗng nhiên cảm thấy mình được một đấng khuất mày khuất mặt nào đó gia ân, độ cho mình thành Cô, y như Cô Sáu, Cô Bảy… nào đó được thờ trong một cái am tối ám mà chị ta đã lạy xin làm đệ tử… Khi đến phiên con người tự phong cho mình vai trò đại diện thần linh hay thậm chí là một thần linh tái thế, qua một chức giáo chủ tự xưng tụng chẳng hạn, thì đúng là thứ thần thánh giả hiệu, mạo nhận. Có nhiều đạo phái xưng danh, treo bảng hiệu rất nôm na, bình dân, là một cách bập ngay vào những khát vọng tâm linh, vốn rất nhạy cảm nơi những người dân dốt nát, ít học. Những đạo, phái mới ra đời này có đạt đến mức uyên bác, cao sâu, siêu vượt mọi đạo giáo đã có trên trái đất hay không thì phải bước vào tìm hiểu ở căn hộ nhà riêng của thầy hay ở mặt bằng mới do mấy đệ tử lớn bỏ tiền ra thuê cho thầy dựng đạo quán mà giảng pháp. Còn ở phần bảng hiệu, các thầy, bà tự giới thiệu đạo mình chủ trương là đạo Mẹ Mẫu, đạo Cha Sanh, đạo Nước Trời, đạo Nước Lạnh, đạo Tu Tiên, đạo Hiền Lương, đạo Tịnh Khẩu .v.v…, y như những danh xưng khoa trương bá láp, tha hồ đại ngôn, nói chơi cho vui một cách vô tội vạ. Toàn những tên gọi dân dã, dễ hiểu, dễ gây ngay cảm xúc thương yêu, tin tưởng nơi giáo chúng. Và những giáo chủ lập đạo còn có lối tự xưng hay dạy đệ tử kêu mình là “cha”, “đạo huynh”, “trưởng huynh”. Các thầy, bà một mực tỏ ra xuề xòa, gần gũi với hàng đệ tử, tức nhóm dân tứ xứ bát nháo, truyền tụng nhau mà đến tụ tập, cung kính, tin tưởng người lập một đạo mới tinh sương cho mình theo tu.

Những thứ giáo phái, đạo pháp tà ngụy, bá láp này không chỉ xuất hiện ở những ngõ hẻm ngoại ô hay vùng đồng quê, rẫy bái. Do óc mê tín dị đoan cũng tồn tại ngay nơi một số người thuộc giới trí thức, quan chức, kỹ thuật gia…, thì bằng những thuyết lý khôn khéo, phức tạp hơn, các tà phái vẫn ngạo nghễ xuất hiện và phát triển ở giữa những đô thị sầm uất, những kinh đô đầy ánh sáng văn minh. Rồi không chống thì chầy, những giáo chủ, hành giả tuyên xưng tà giáo, tà đạo, sẽ đánh rơi bộ mặt tiên phong đạo cốt, thần thái khác người gì đó để hiện nguyên hình là những con người đầy tham dục - loại người tội lỗi, xấu xa nhứt trong xã hội, xứng đáng bị luật pháp kết tội hình sự. Thủ đoạn, hành vi đen tối tới đâu thì các thầy, bà cũng không từ, từ chuyện gợi ý cho tín đồ mua sắm vật dụng cá nhân đắc tiền, xa xỉ cho đến chuyện đóng góp tiền của để truyền đạo, hoằng pháp. Thậm chí có cả thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bá tánh; dụ dỗ nữ tín đồ ngủ với mình như một nghi thức “cúng dường” thân thể, phục vụ tánh dâm của “giáo chủ”. Tệ hại nhứt là mê hoặc, thuyết phục tín đồ chịu tử vì đạo, như kiểu rút vào rừng sâu, cùng uống thuốc độc tự tử tập thể để “hợp nhứt với Thượng Đế”. Đó là loại giáo chủ bịp bợm, đích thực là bọn tội phạm trong tín ngưỡng – văn hóa, tuyên xưng thứ tà đạo hại người, thù hận cuộc sống, mà Liên Hiệp Quốc gọi là bọn “chống đối nhân loại”, y như bọn độc tài, phát-xít gây tội ác diệt chủng.

Còn về những đồng loại bình thường, ngày ngày sống thở không tên không tuổi trong đám đông, thì dù chỉ là hưởng thụ chính cuộc đời họ, nhưng chắc chắn mọi niềm vui sống của họ cũng cứ được người khác ưu ái phán xét. Bảng liệt kê các món hưởng thụ cuộc đời đã nghiêm khắc và cần mẫn chơi trò xếp hạng, phân biệt. Trò vui thân xác thì thô bỉ, thấp hèn so với nhã thú tinh thần. Uống chút rượu để tạo hưng phấn cho việc chăn gối thì được chấp nhận nhưng phải khác hẳn với chuyện bù khú bàn nhậu. Chơi cờ tướng, xem bóng đá để giải trí thuần túy thì được khuyến khích nhưng phải khác tệ nạn cá độ.v.v…

Đối với toàn bộ những bận rộn, bận tâm của con người - trong đó dù là lối hưởng thụ ích kỹ, hay dù là lối sống vị tha, giúp đời - thì một triết gia duy lý thời cận đại, oằn oại trong nghịch lý giữa nỗi bi quan cực cùng về kiếp nhân sinh bèo bọt với niềm lạc quan ngây dại về kiếp sau được cứu chuộc, đã đưa ra phán xét đích đáng nhứt: toàn bộ cuộc sống mà chúng ta cố công tiêu xài cho có được một ý nghĩa, một giá trị nào đó, thật ra chỉ là trò giải trí.

Theo triết gia, có là 60 năm hay 100 năm đi nữa thì cuộc sống con người cũng thật mong manh, tạm bợ, một khi chỉ đong đưa ngắn hạn giữa hai Vô Hạn - Vô Hạn cực đại như vũ trụ những thiên hà và Vô Hạn cực tiểu những con vi khuẩn, mà Vô Hạn nào cũng có thể dửng dưng giết chết con người bất cứ lúc nào. Vậy thì mọi cuộc đời, mọi kiểu cách, nỗ lực sống và chết chỉ là trò giải khuây, dù là nơi người có ý thức đớn đau muốn quên lãng hay nơi kẻ dốt nát về sự vô nghĩa của kiếp người nên cứ hăm hở sống thở. Theo triết gia thì mọi bận rộn trên thế gian thực chất chỉ là trò chộn rộn qua ngày tháng, dù là chuyện tình yêu lãng mạn, hy sinh cứu người, mạc khải tôn giáo, hoạt động chính trường, sáng tác nghệ thuật, phát minh khoa học, công đức từ thiện…, cho đến chuyện tranh đoạt cơm áo, tính toán làm ăn, mê đắm cờ bạc, cầu hồn nhập xác, quấy rối tình dục.v.v…

Tất nhiên, không ai khác hơn, một bà Lụa đã toàn tâm toàn ý lao vào trò cờ bạc với tất cả tâm trí, sức lực của mình thì rất xứng đáng đoạt giải độc đắc về mọi trò giải khuây của nhân loại. Con bạc - loại người như bà có một thú vui tinh thần bệnh hoạn, nhưng bằng những rung cảm tột độ gần như khoái lạc nhục dục, như khi đoán đúng một con số hay một lá bài, hay khi đoán đúng được chuyện cầm nhà, bán ruộng, bỏ xứ trốn đi của những kẻ đang thua đề liên tục. Và như khi đoán đúng vụ tự tử của một tay chơi đã dồn dập thua bạc, sạt nghiệp mà không thể gỡ lại chút nào.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga