Hồn Ma Biển


 
 
 

19.
Vẫn còn đó cái dư luận cho rằng ông Bảy thành công trong nghề cờ bạc là chỉ do thần linh phò trợ. Chứng cứ khó bài bác là sau một vài vụ bể đề, nhiều huyện tán gia bại sản nhưng vợ chồng ông Bảy thì vẫn bình chân như vại. Khách quan mà nói thì trong giới cờ bạc, đúng ra là phải cần có cùng lúc rất nhiều Thần Tài. Chủ huyện đã cầu Thần Tài nhà mình độ cho đừng cho con số ra, ngược lại thì phải có Thần Tài khác độ cho con số ra theo kêu cầu của người đánh đề. Kết cuộc là Thần Tài nhà ông bà huyện Bảy làm việc cần mẫn hơn các Thần Tài khác nên chủ huyện này thường được như ý. Ngoài ra, có người nhắc lại những đồn đoán rất thú vị về một thứ vật linh hộ phước cho ông chủ vốn là ngư dân là ông Bảy: long diên hương.

Đúng là ông chủ sở lưới này, trong một chuyến đi biển, đã tình cờ vớt được thứ chất thãi từ bao tử của cá voi, không chỉ có mùi thơm lạ thường mà còn cực kỳ quí hiếm. Ông đã bí mật bỏ mảnh long diên hương trong một cái tráp bằng bạc, được chạm trổ công phu, cầu kỳ còn hơn cả hủ vàng đựng tro cốt của các bậc đại phú gia. Dĩ nhiên, về vị trí mà ông Bảy cất dấu cái tráp bạc đâu đó trong nhà từ đường bên làng Bích Đầm thì kể cả bà Lụa, không con người nào trên cõi đời này được biết. Thận trọng hơn nữa, ông Bảy còn có chủ ý không cho cả thần linh – Bà Địa Mẫu, phúc thần hiện thời của ông – biết được chuyện nghĩa tử của đang thủ giữ một loại phúc vật siêu cao cấp như thế. Như vì vài khi thua bạc, chung tiền đề quá hao tài hao của, một mình ông Bảy thầm lặng trở về nhà từ đường, mở tráp bạc, rờ rẫm, hít thở cái mùi thơm quĩ mị của long diên hương để lấy hên, thì sau đó, nếu có nhu cầu phải kêu cầu Địa Mẫu thì ông đã tìm đủ cách tẩy rửa cho thật sạch mùi thơm nặng nề, dai dẳng này.
Thật ra, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật cần thực hiện khi tiếp xúc thần linh. Không có gì đáng ngợi ca kiểu khôn khéo này của ông Bảy, vì một khi đi cầu cạnh, giao dịch với nhà tài trợ hiện thời thì không ai dại gì để lộ ra hơi hướm, dấu vết cũ của nguồn tài trợ mà mình đã tranh thủ được trước đây.

Vả lại, thần nữ như Bà Địa Mẫu thì hay có tánh ganh tị, hờn dỗi. Hương hoa ngào ngạt vốn đã được chọn làm một trong những thứ vật chất đặc biệt, báo hiệu các lần hiển linh rất nặng trình diễn của mình thì làm sao chấp nhận được một mùi thơm nào khác, dù cũng thuộc về một đấng thần linh như Bà? Hơn thế, trước mặt Bà, không thể tha thứ cho chuyện một mùi ngoại lai vương vấn trên người ông Bảy. Là thổ chủ cổ xưa của đất Khánh Hòa, vốn có đấng phu quân người phàm là một hoàng tử phương Bắc, nên một cách vô thức, có ý chiếu cố, phò hộ cho mẫu đàn ông dương thế đẹp trai, gương mặt tuấn tú kiểu Phan An, Tống Ngọc. Ngay cả ông Bảy, dù rất thông minh và tinh ý, cũng không nhận ra được lý do hết sức tế nhị này trong toàn bộ những thuận lợi giúp cho ông được lựa chọn. Mối quan tâm nhạy cảm, sâu kín, có thể cào bằng cả quan hệ thần/người này, còn được trao gởi cho ông Bảy qua hiện tượng cô Yên – con gái út của ông Bảy, đứa con duy nhứt do bà Lụa sinh ra sau khi ông đã lên bờ - cũng có nước da ngâm ngâm, nét mặt cũng hơi giống nét mặt pho tượng trên núi. Rồi cô Mè ở nhà thùng nước mắm tận Phan Rang, đứa con xấu gái nhất của ông Bảy, cũng được phò độ cho lấy chồng đẹp trai dù anh này chỉ là con nhà nghèo và ít học. Nói chung thì dù đã là thần, siêu vượt chuyện trần gian, nhưng yếu tố đẹp trai nơi bọn đàn ông dương thế vẫn cứ là một đề tài ưa thích, có căn cơ sâu nặng từ thời Địa-mẫu-thiếu-nữ chọn hoàng tử phương Bắc, tức một “mỹ nam nhân” làm chồng. Nay áp đặt mỹ cảm của mình – như một trò tiêu khiển tẩn mẫn, nhỏ nhẹ, rất nữ tính – vào thời đại của ông Bảy, Địa Mẫu mới thấy hân hoan, đẹp dạ. Sau này, còn nâng đỡ riêng cho cô Mè, đứa con gái quá ít nhan sắc của ông Bảy, lấy được chồng đẹp, dù anh chàng đẹp trai này chỉ là tài xế được ông Bảy thuê lái chiếc xe hơi du lịch trong nhà. Bà đã sui khiến cho ông cha vợ đẹp lão bỏ tiền ra mua bằng trung học cho gã con rể bãnh trai, để khi nhập ngũ, gã đủ điều kiện học vấn vào trường sĩ quan, ra trường mang hàm cấp úy vàng chóe. Nữ thần còn xui khiến cho ông Bảy bỏ ra thêm tiền, chạy tiếp cho con rễ về phục vụ trong ngành an ninh quân đội tại tỉnh nhà.

Vô tình mà hòa điệu với đức độ phóng khoáng của nữ thần cõi tiên, ông Bảy đã có những cảm nhận rất đàn ông trần thế, tuy có phần hoang đàng. Không biết phía sau mùi hương ngào ngạt, xiêm y tha thướt ấy, thân thể của Bà ra sao nhỉ? Hẳn là phải tuyệt vời, còn hơn cả xiêm áo, hương hoa! Trong trường hợp này thì không nên lên án, buộc tội kiểu tưởng tượng xuất phát từ lòng ngưỡng mộ và đúng lô-gic “bề ngoài đã đẹp thì bên trong còn đẹp hơn” của con người.

Trong một lần mang tiền lên chùa làm công đức, ông Bảy mang theo cả nỗi vô minh, thứ tri thức vốn dĩ hạn chế của con người. Bằng con mắt “thông linh”, ông nhìn thấy pho tượng Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn nhẹ nhàng cử động ngay trước mặt mình: “Bây có khả năng thông linh, nhìn thấy cả thần linh lẫn ma quĩ, phải không Bảy Ân? Đối lại thì... thần linh chúng ta chỉ xem cặp nhãn “tâm linh” của bây chỉ là trò trẻ chơi, vì như ta đây có tới một ngàn con mắt, chuyện gì ở trần gian mà ta không thấy? Nhờ vậy ta đã thấy bây đang cố tìm hiểu, cố tưởng tượng về tấm thân cao quí của Địa Mẫu. Tên Lý Ân nhiều chuyện kia, hãy nghiêm túc nghe đây!

Đúng là hỗn hào, cuồng ngạo khi bây muốn nhìn thấy mình mẩy của nữ thần. Cũng may cho bây là cái mong muốn vô phép vô tắc này đã phần nào khởi phát từ tánh tò mò hồn nhiên, óc hiếu tri vô hạn của loài người, chứ không phải chỉ do thói quen tưởng tượng dâm dục của riêng bây. Và một may mắn sinh tử cho bây nữa là bây đang gặp ta chứ không phải vị thần nào khác. Từ bao kiếp, ta đã nhìn thấy quá nhiều điều ở cõi thần cũng như cõi người. Đẹp đẽ hay xấu xa, bình thường hay trái thường gì thì hằng hà sa số sự việc cũng đã được ghi vào bộ nhớ vô hạn của ta. Và có lần, ta rất thích thú về nhận định của một gã mà loài người bây gọi là nhà tri thức luận. Gã nói rằng ‘Người biết nhiều, thấy nhiều, tức thu thập được nhiều hiểu biết đủ loại, đủ kiểu về cuộc sống thì có khả năng bao dung, rộng lượng hơn người khác’. Vậy thì vị Phật có ngàn con mắt như ta đây, ngại gì mà không có một lòng bao dung, phóng khoáng ngàn lần lớn hơn các vị thần thánh khác? Do vậy ta mới tha thứ cho cái trò muốn-biết, muốn-thấy hổn hào của bây”. Phật “ngàn mắt ngàn tay” ngưng nói một lát, có lẽ để tạo một quãng nghỉ ngắn, cho người phàm là ông Bảy có thể tiêu hóa cho hết những điều ngài mới thuyết lý.

“Hiển nhiên là, dù bây xứng danh một tay ngoại hạng trong bè lũ người phàm ở chỗ có mắt thông linh, nhưng thấy được thần linh là một chuyện, còn thấy được cả thân thể vật chất do Ngũ Uẫn tạo nên nơi thần linh thì lại là chuyện khác…”

“Kính Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, ngài thấy được cảm nhận của con thì về phần ngài, chắc ngài cũng đã thấy được điều con đang mong thấy mà không thể thấy?” Phật “ngàn mắt” trừng mắt nhìn vào gương mặt háo hức chờ đợi của ông Bảy:

“Bất khả! Giới Hạn đặt ra cho thân phận con người bây thì cũng có lúc xảy đến với thần linh như ta. Nghĩa là về điều bây mong được thấy, ta cũng không thấy được gì. À, bây đang nghĩ là ta mâu thuần khi mới vừa rồi, ta nói về khả năng thấy bao trùm trời đất và bộ nhớ vô hạn của ta? Dù là ở thần hay ở người, thì Tri thức và Hữu thể các loại đượcTri thức nhận biết, hai thứ này đâu có nhập vào nhau làm một? Càng biết được nhiều điều thì mới càng tự biết, ngộ ra sự hạn chế, nghèo nàn của tri thức. Bây cũng đừng thất vọng vì... như ta vừa nói, hiển nhiên có trường hợp mà Giới Hạn đặt định luôn cho cõi thần tiên. Ta đành phải nói hoạch tẹc ra rằng, cả Ngọc Đế cai quản tiên giới, khả năng thấu thị thì khỏi nói, nhưng dù có lúc nào đó mà Ngài có một ý chí trái thường là muốn nhìn thấy điều người đang mong thấy thì cũng vô phương, nói chi đến cấp thần tiên bậc dưới như ta”.

“Vậy đây là một bí nhiệm, tuyệt đối không thể có một quyền năng nào vén mở được, trong toàn thể cõi người, cỏi tiên, cõi quĩ?”

“Không sai! Đó là một thách đố tuyệt đối cho mọi cư dân của toàn thể ba cõi, ba ngàn thế giới, của toàn thể vũ trụ mà loài người bây gọi là vô biên. Chỉ còn có một bậc vô thượng thần thông là Phật Tổ... Nhưng dĩ nhiên, Phật Tổ lo cứu nhân độ thế chứ không hơi sức đâu bỏ ra vài sát-na mong manh để tự thử thách pháp lực thần thông của mình chỉ vì một điều không chính đáng một chút nào đối với công đức vô lượng của Phật Tổ, đại loại như cái điều bây đang mong nhìn thấy. Nhưng thôi, bây không nên phiền não, thất vọng. Phật Tổ đã dạy rằng, cái đẹp tột đỉnh nào cũng chỉ là giả tạm, dù bây có khả năng thấu thị vô biên như Phật Tổ thì rốt cuộc, khi đạt được điều mình muốn thấy, bây chỉ có thể thấy toàn Hư Không trong đó thôi Bảy Ân à!”

Ông Bảy cúi đầu đảnh lễ, tỏ ra ngộ được lời dạy chí tình của Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn và tự bấm nút tắt khả năng thông linh của mình đi. Nhưng, con người cứng đầu này lại ngộ ra một chân lý khác. Đó là, khi ông chợt phản tĩnh, tự biết rằng dù mình cũng có tham vọng nhưng sẽ không có thì giờ đâu mà tính chuyện tu luyện cho có khả năng thần thông, thì rõ ràng vị Phật trước mặt ông không hề tỏ ra dấu hiệu có nắm bắt được ý nghĩ này của con người.

Về con người thì vài kẻ có khả năng thông linh - như ông Bảy - mà nhìn thấy thần linh, nhưng đối lại, về thần tiên – như Ông Nam Hải, Bà Địa Mẫu và cả Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn vừa rồi - thì không phải lúc nào các vị cũng có thể nhìn thấu được toàn thể tâm tưởng, thị dục vô thường, sâu thẳm của con người. Đúng như Phật “ngàn mắt, ngàn tay” đã thú nhận: không chỉ riêng đối với con người, Giới Hạn có thể áp đặt cả đối với quyền năng của thần linh.

20.
Trên đường từ Sài Gòn trở về Nha Trang, một đoàn xe gạo bốn chiếc của ông Bảy đã bị quân du kích chận bắt và kè vào mật khu Tô Hạp trên núi Đồng Bò, chỉ cách thị xã Nha Trang vài chục cây số. Chỉ vừa nghe bọn tài xế được thả chạy về khẩn báo, ông Bảy lập tức tính toán kế hoạch đi chuộc lại tài sản của mình. Tờ mờ sáng, ông bỏ quốc lộ, theo đường mòn đi vào núi. Úp mở, dò hỏi vài người dân sống trong vùng, rốt cuộc ông cũng tìm được căn cứ của quân du kích. Trước mặt một tay chỉ huy, ông lấy trong túi ra một tấm ảnh rất cũ, đã ngã màu vàng ố nhưng cũng còn đủ hình nét của một thiếu nữ mặc áo bà bà đen và quấn khăn rằn nơi cổ. Đó là cô Linh, đứa em út của ông, hoạt động trong thời kỳ Việt Minh cai quản vùng đất Khánh Hòa. Ông Bảy kể lại rất chi tiết cho người chỉ huy du kích nghe hoàn cảnh cô Linh bị mật thám Pháp bắt và xử bắn. Nhờ vậy, lời đề nghị chuộc lại bốn xe gạo được quân du kích chấp nhận, với điều kiện ông Bảy phải nộp thuế , như một kiểu ủng hộ cách mạng. Đúng như ông Bảy đoán trước, số tiền thuế đóng cho những người trong mật khu là khá lớn nhưng không hề gì vì vừa vặn với số bạc ông bọc trong đem theo trong người.

Nộp tiền xong, ông Bảy quày quả theo đường mòn xuống núi. Chưa xa căn cứ quân du kích bao nhiêu thì đột nhiên, trên trời xuất hiện hai chiếc oanh tạc cơ. Súng lớn từ sườn núi bắn lên, rốc-kết từ phi cơ lao xuống. Kinh hoàng tột độ, ông Bảy núp vào một gộp đá. Một quả rốc-kết nổ rất gần ông, cây cối ngã rạp và bụi đất tung mù. Chợt nhớ tới Địa Mẫu, ông lấy lại bình tỉnh, thành tâm khấn cầu độ trì cho tai qua nạn khỏi. Thế là đột nhiên, chiếc phi cơ đổi hướng, bay thẳng lên phía đỉnh núi… Hết sức thận trọng, ông rời gộp đá, lom khom chạy xuống hết sườn núi, tìm lại con đường mòn, cắt đồng, trở ra quốc lộ. Ở một quán nước tồi tàn bên vệ đường, mấy người tài xế và phụ xế tròn mắt nhìn ông Bảy bước vào quán. Mới đây, khi thấy phi cơ oanh tạc sườn núi, tiếng súng và rốc-kết nổ vang dội, họ không thể nào đoán được số phận của ông chủ mình. Thản nhiên gạt mồ hôi trán, ông Bảy trình bày cặn kẽ cho đám người làm của mình biết cách đi lên núi, ra dấu hiệu thế nào để quân du kích cho phép vào căn cứ. Ý định của ông Bảy là chỉ để cho bọn tài xế tự mò lên sườn núi, lái xe gạo về. Bọn người giúp việc từ chối, nại cớ nguy hiểm dù cho lúc này, hai chiếc oanh tạc cơ đã bay đi đâu mất dạng, và dù ông chủ hứa thưởng nhiều tiền. Ông Bảy đành chỉ huy, dẫn đường cho đoàn người đi chuộc mấy chiếc xe gạo. Suốt trên đường đi bộ lên núi và ngồi xe xuống núi, ông Bảy liên tục cầu Địa Mẫu phò hộ. Đến chiều tối, bốn chiếc xe gạo – có vơi mất mấy chục bao - đã xuống hàng trước tiệm Lý Phát.

Những ngày sau đó, khi kể lại diễn tiến sự việc cho vợ con nghe, dĩ nhiên ông không tiết lộ là mình đã không ngừng cầu giúp đỡ. Nhưng khi riêng một mình vào phòng thờ và đóng kín cửa phòng, trước mặt tượng Quan Âm Bồ Tát, ông lầm rầm nói ra thành tiếng, đại để là chân thành đội ơn , Mẫu Mẹ đã cứu giúp mình. Ở một không gian mơ hồ sương khói nào đó, Địa Mẫu tươi cười, gật đầu tiếp nhận lời cảm tạ nồng nhiệt, đầy xúc động của “nghĩa tử” Lý Ân. Chỉ không rõ là có phải do quyền năng của hay không, hay chỉ cho ngẩu nhiên, mà hai chiếc oanh tạc cơ đã ngừng bắn rốc-kết vế phía ông Bảy. Tỏ ra đẹp dạ, hài lòng về cung cách hiếu kính của ông Bảy, nhưng tiếc thay, thời gian gần đây, Địa Mẫu đã có ý không bằng lòng về hành tung của bà Lụa. Đúng ra, khi ông bà Bảy khởi nghiệp làm huyện , Bàđã hiển linh trong giấc ngủ ông Bảy, dạy rằng không nên theo đuổi một công việc làm ăn đen tối, phạm pháp như thế. Ông Bảy đã biện minh:

“Lạy Mẹ, con cũng hiểu làm nghề cờ bạc thì không tốt. Khổ nỗi, con Lụa, vợ con thì dốt nát không thể nào phụ giúp con công việc buôn bán gạo…”

“ Thì nó cứ lo việc nội trợ, nuôi dạy con cái trong nhà cho tốt là được rồi?”, nữ thần nóng nảy ngắt lời ông Bảy.

“Thưa Mẹ, lại kẹt một nỗi là con Lụa nó quá thương yêu con, một lòng một dạ chỉ muốn hầu hạ, giúp đỡ con.Tự thấy mình vô dụng đối với gánh nặng làm ăn kiếm sống của chồng, nhiều đêm con vợ con nó thức trắng, khóc thâu đêm rất thảm thương. Con đã rất đau lòng, không biết làm sao cho vợ con hết khổ tâm, nhứt là lý do nó khổ chỉ vì không phò giúp gì được cho con. Lạy Mẹ, Mẹ có chê con yếu đuối thì con cũng xin chịu, không thể nào con chịu nỗi khi phụ nữ, lại là bạn đời tình sâu nghĩa nặng của mình, phải rơi lệ, khổ đau!”.

Hình như nữ thần đã dịu đi cơn bất mãn, cảm động trước mẫu người đàn ông nhân hậu, không hề dửng dưng trước những giọt nước mắt của phụ nữ - những chị em yếu đuối, cùng phái với nữ thần. Do đó, Địa Mẫu đã dịu cơn nóng giận, mở rộng lòng bao dung nghe ông Bảy tiếp tục phân bày: “Thế rồi con vợ con năn nỉ, đề nghị cho nó làm đề. Như vậy thì không cần chữ nghĩa, nó cũng kiếm được chút đỉnh qua ngày. Khi nào kiếm được kha khá thì vợ con nguyện sẽ lên chùa làm công đức hay bố thí cho người nghèo. Vợ con cũng xuất thân con nhà nghèo khổ mà! Con thì quá bận rộn công việc gạo thóc nên đồng ý cho vợ con lãnh làm đề, nho nhỏ thôi, con không dính dáng gì tới, miễn là nó biết làm công quả, giúp dân nghèo là được”.

Cuối cùng thì Địa Mẫu thăng, tạm chấp nhận cho kiểu ghi-đề-làm-việc-thiện của vợ ông Bảy. Có lúc, dù không hoàn toàn tán đồng một hành vi thiếu trong sáng, thiện lành của gã người phàm mà mình nhận làm nghĩa tử, nhưng nữ thần cũng đành châm chước, bỏ qua. Sâu xa thì các thần linh cổ xưa không còn vai trò độc quyền, ưu thắng trong trần gian thời hiện đại. Trước những thành tựu của văn hóa, khoa học, kỹ thuật; đặc biệt là sự xuất hiện của các ngành tâm lý học, kinh tế học, chính trị học, thêm cách đặt vấn đề mới mẻ - kiểu “hậu hiện đại” – trong văn học và triết học; cùng sự nở rộ xum xuê của các giáo phái mới – bất kể là tà giáo hay chính giáo, như kiểu “đạo khoa học” - và những cải cách phải có nơi những tôn giáo truyền thống, đời sống tâm linh của con người hiện đại trở thành một bàn tiệc được liên tục thay đổi, loại bỏ món ăn cũ, bổ sung những món ăn mới. Do đó, cái sân khấu lâu đời, phông màn và tuồng tích cũ mèm, vốn dành cho loại, hạng thần linh đa tạp và cổ xưa, chuyên trình diễn dài hạn, thì càng ngày càng ít khán giả. Để níu kéo sự tồn tại của thần quyền, phải nói rằng các thần ngày càng dễ tánh, xuề xòa khi quan hệ với phàm nhân. Tệ bạc hơn, do sự ràng buộc với đối tượng mà mình rất cần cho nhu cầu thể hiện chính mình, những thần Biển, thần Đất trong truyện này đã có lúc thả lỏng kỷ cương, đánh mất uy nghiêm. Dù có thấu thị, phát hiện được trước nhưng có khi các thần cũng đành ngó lơ về những mầm mống dẫn đến lỗi lầm, sai phạm sau này nơi lũ người phàm được bảo trợ.

Về phần con người phàm trần đang bị thần linh soi rọi, nghi ngờ là bà Lụa, đúng là có vấn đề. Thỉnh thoảng bà huyện cũng nhai trầu nên mồm miệng bà đỏ thắm màu máu. Đó ! Tao đã nói mà! Đâu có sai! Dù không công khai, chính thức đánh cá, đánh cuộc gì với những tay chơi khác, rốt cuộc bà Lụa cũng thắng, theo nghĩa dự đoán đúng những vụ con bạc bỏ xứ trốn nợ, hay tự vẫn, tức từ bỏ cả cuộc sống. Nhưng đây không phải là phán quyết lạnh lẽo của tử thần đem cấy vào đôi môi mỏng dính của một người đàn bà độc mồm, độc miệng, mà chỉ là kiểu đánh đố do máu cờ bạc, trò giải trí cao trào nơi một tay cờ bạc siêu hạng là bà Lụa.

Biết được chuyện một con bạc khánh tận mới tự thắt cổ chết, bà huyện Bảy còn tủm tỉm cười, không rõ là thương hại hay cười chê…

“Tao nói thiệt, xưa nay bọn mê cờ bạc, mê số đề thì chỉ có chết. Dù chơi theo kiều “dương ”, cầu cho con số may mắn xuất hiện như dân đánh đề, hay ngược lại, kiểu “âm” là cầu cho con số đừng ra, như mấy đứa bao đề, thì rốt cuộc không đứa nào sống nỗi. Còn nói chuyện lâu lâu có trúng đề, trúng lớn hay trúng nhỏ bất kỳ, thì cũng không thể khấm khá, không thể làm giàu. Mấy đứa trúng đề đừng nên mua sắm nhà cửa, xe cộ, bàn tủ… làm gì. Cũng đừng ỷ có số tiền bất ngờ mà bày đặt sửa sang, xây mộ cho cha mẹ, ông bà để báo hiếu. Mấy đứa trúng đề chỉ nên… kêu thợ dựng hàng rào sắt xung quanh mấy cái mộ đất của cha mẹ là được rồi. Cũng là cách xài tiền trúng đề khôn ngoan nhứt. Tại sao hử? Hễ có trúng thì càng đánh lớn, rồi thua lớn, chẳng bao lâu thì bây lại trở lại thành đứa tàn mạt vì cờ bạc. Đã là con bạc khát nước thì có thứ gì trong nhà cũng đem bán để có tiền ghi đề. Thậm chí cả mồ mã ông bà mới hồi nào xây bê-tông mà có đứa còn dám đập bỏ, lấy xà bần đem bán. Chỉ có hàng rào sắt, hàn dính cứng ngắt thì may ra…, vì ngại nặng công phá dở, bây mới tha cho…”

Cái triết lý quái đãn của bà huyện về thảm cảnh, thảm kịch của dân mê cờ bạc, mê số đề, nghe tàn nhẫn và lạnh lùng đến rợn người. Tàn nhẫn nhứt là ở chỗ bà nhắc tới chuyện người chết cũng không yên thân đối với thứ con cháu mê bài bạc. Lạnh lùng vì đây là nhận định, là kinh nghiệm của một người tổ chức cho người khác bài bạc để trục lợi mà khi là con bạc, bà đã không hề bị cùng mạt như điều bà mô tả nơi người khác. Bà đã được mua rẻ mọi kinh nghiệm sâu xa về cuộc sống cờ bạc mà không hề bị một thương tổn đáng kể nào. Trong cờ bạc, ai có chết thì cứ tự nhiên, thong thả mà chết chứ bà huyện thì vẫn sống khỏe - vẫn làm giàu nhờ cờ bạc. Dù cái triết lý siêu bi quan kia có chút giá trị gì đó đúng hay sai, thâm thúy hay nông cạn, và dù có bị người đời chê trách là phát biểu phách lối, ngạo mạn, bất kỳ trường hợp nào bà Bảy cũng đều đã và đang hưởng lợi trong bài bạc - mảng sinh hoạt hưởng thụ/giải khuây rất sinh động, rất máu me, nói gọn lại là rất con người ở cõi dương trần cát bụi này.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga