Hồn Ma Biển


 
 
 

23.
Gặp lúc cô Yên từ trường đầm ở Đà Lạt về nhà nghỉ hè, chuyến đi Sài Gòn lo vụ vận chuyển nước mắm của ông Bảy đã kéo dài hơn lệ thường. Hình như ông muốn thay đổi không khí, muốn tìm một khung cảnh sống nào khác, không phải đất Nha Trang quen thuộc đã nhuốm toàn gam màu đen tối, buồn thảm bởi sư xuốnh dốc đồng loạt trong cuộc đời của các cô con gái và của cái chết lạnh lẽo của bà vợ quí yêu nhứt. Xong công việc thương thảo giá cả với chành Vạn Ích trong Chợ Lớn, ông Bảy ghé nhà cô Đường. Biết là con gái còn oán hận mình nên khi bước vào nhà, vừa ngồi xuống ghế là ông Bảy đã ngỏ ý cho cô Đường một số tiền lớn. Nhưng cô con gái vẫn chưa tha thứ cho cha mình, nhứt định không nhận tiền và tỏ ra không muốn tiếp chuyện lâu hơn với ông Bảy. Buồn bã, ông Bảy trở về khách sạn, chẳng buồn đi ăn cơm tối. Ngồi một mình trong bóng tối, người đàn ông giàu có, cứng cỏi, mới cảm thấy cô đơn, cô độc khủng khiếp. Cả một vương triều gồm toàn đàn bà mà ông đã ngự trị bấy lâu, nay đã hầu như tan tác, và người đàn bà mà ông yêu quí, thích gần gũi nhứt trên đời cũng đã ra đi mãi mãi. Khi khóa cửa phòng bước ra đường, trời mưa lâm râm nhưng ông Bảy không hề để ý tới chuyện mang theo áo mưa hay cái dù. Trong lòng lãng đãng, ông không định tìm đến một nơi nào rõ rệt.
Ông Bảy thơ thẩn đi về phía bờ sông. Từ trong bóng tối, một cô gái ăn sương bước ra, cười hỏi:
“Sao mà buồn vậy? Đi chơi không anh?”.
“Hả? Cô hỏi gì?”.
“Chậm hiểu quá vậy? Phòng ở gần đây thôi mà…”.
Lơ đãng hỏi giá khi bằng lòng đi theo cô gái, ông Bảy bước vào một khách sạn lụp xụp mà căn phòng dành cho hai người còn tồi tàn hơn cả toàn bộ những thứ khác, như mặt tiền, quầy tiếp khách cho tới cái bản mặt trơ lì của gã quản lý. Đèn trong phòng bật lên khiến ông Bảy hơi bị chóa mắt nên bảo cô gái chỉ mở đèn ngủ. Cài cửa lại là cô gái đã lập tức cởi áo.Trong khi đưa hai tay ra phía sau cởi khuy cài xú-cheng, cô gái nhận xét:
“Chà, năm nay anh bao nhiêu niên kỹ mà tóc bạc dữ vậy, bố già?”.
Ông già sáu mươi tuổi mới nhớ ra là sau tang vợ, mái tóc hoa râm của ông đã bạc nhiều hơn.Trước con nhỏ có vẻ dữ mồm dữ miệng này, tự nhiên ông lại muốn xưng theo lối người già Nam bộ với cái “qua” nghe cho dịu dàng, mềm mỏng:
“Ừ, qua già rồi em à, còn em bao nhiêu tuổi?”.
“Mới hăm lăm. Thôi đi lẹ đi anh!”.
Ông Bảy ngăn không cho cô gái tuột quần lót:
“Không em à, qua chỉ muốn nằm nói chuyện với em một lát. Qua trả tiền đủ cho em mà…”.
Hơi ngạc nhiên, cô gái trở lại với nhận xét ban đầu khi mới bắt được ông khách ở bờ sông:
“Nói chuyện thôi chớ không chơi? Cũng được. Hầu chuyện anh thì anh có thưởng cho em thêm chút đỉnh không? Mà sao bố già buồn dữ vậy?”.
Vậy là trên chiếc giường hết sức bẩn thỉu, ông khách giữ nguyên áo quần nằm sát bên cạnh cô gái ở trần. Vì trong cuộc đời mình, ông Bảy không hề có thói quen bộc lộ ý nghĩ, tâm sự với bất cứ ai nên ông cứ nằm xuôi xị, không nói gì khi cô gái có vẻ ngã ngớn, kéo cánh tay của khách kê làm gối và nhắc lại:
“Có chuyện gì mà anh buồn? Vợ bỏ theo trai? Hay… bả mới chết?”.
Ông khách chợt thở dài, trả lời cô gái mà cũng như nói ra lời với chính mình:
“Ừ vợ qua vừa mới chết…”.
Cô gái có vẻ cảm động, giọng thương hại chứ không có ý lẻo miệng, phá chọc nữa:
“Chà, chắc là anh thương bả lắm mới buồn như vậy? Kể cũng sướng, đàn bà như tụi em mà khi chết còn có người thương, người nhớ là nhứt trên đời này rồi. Như em đây, khi tắt thở cũng không biết có tên đàn ông nào khóc cho vài giọt nước mắt không? Nhưng báo cho anh biết, em cũng có một người đó, anh ấy chỉ làm phu khiêng gạo ở dưới bến thôi, nhứt định thương em thật lòng, dù thân xác em thì đã bị khách chơi dày vò tan nát lâu rồi”.
Triết lý vừa rồi của một con đàn bà vô danh – nảy giờ ông không hề hỏi tên cô gái - mới gặp lần đầu lại chợt đánh động tâm can ông Bảy. Mình chắc cũng giống con nhỏ này thôi. Mai mốt nằm xuống thì không biết có ai khóc mình thật lòng không nữa? Vô tình mà với một thoáng cảm nghĩ liên hệ bản thân như thế, người đàn ông cô độc tự chợt tự làm tổn thương một cách sâu sắc. Do đó, ông Bảy chợt nằm im trong quặn đau, nhưng vô tình đôi mắt ông lại hướng vào cặp vú ngồn ngộn của cô gái. Hiểu lầm cái nhìn của ông khách, đứa gái lại trở lại với giọng lưỡi giang hồ:
“A…buồn, thiếu vợ nên thèm, muốn đi ngủ với gái hả? Tự nhiên đi, đừng màu mè nữa bố già!”. Cô gái vừa trêu chọc ông khách vừa làm một cử chỉ rất khiêu dâm là tuột quần lót. Lập tức ông Bảy giữ chặt bàn tay cô gái. Vô tình một lần nữa, bàn tay ông lại đặt vào chỗ dưới rốn cô gái, rất gần với cái bộ phận đàn bà mà lúc nào khác, ông đã chủ động thò tay chiếm đoạt chứ không hề để cho những bạn tình tự mở cửa thân thể ra mà hầu tiếp ông:
“Thôi em à. Qua đã nói là bữa nay qua không muốn…”.
Cô gái nẩy bụng, nẩy háng lên như tăng liều lượng khích dâm:
“Không muốn? Chắc là sợ em lây bịnh chớ gì? Không sao đâu, bảo đảm là em sạch lắm, không có tiêm la, phong tình gì đâu. Nhưng… bố già ơi, già như anh mà cũng còn sợ chết vì bịnh phong tình sao? Anh đã sống, đã hưởng đủ thứ trên đời rồi, có chết thì anh cũng đã quá lời rồi, còn tiếc gì nữa, đâu cần kỹ lưỡng quá mất vui…”
“Bộ em không sợ chết sao?”, ông Bảy ngắt lời cô gái.
“Cũng sợ chút chút, nhưng số chết là chết. Chết vì bịnh, vì xe cán, vì thất tình thắt cổ tự tử…, cũng đều là chết. Trời phạt, trời đày em phải làm nghề này thì kể như em đã chết mất đất từ hồi bị bán cho tú bà rồi. Em còn sợ chết cái gì nữa, hả bố già?”
Trời phạt, trời đày… Ông Bảy nhói trong lòng. Thì mình cũng đang bị Bà phạt đây, mới ra nông nỗi này. Ông vội vã chỗi dậy, không nói một lời nào, móc tiền trong túi áo ra trao nhanh cho cô gái. Xô cửa bước ra, thậm chí không đóng cửa lại như thói quen, ông Bảy muốn bước thật nhanh ra khỏi khách sạn, như muốn lập tức trốn khỏi nỗi ám ảnh bị thần nữ trừng phạt mà ngẫu nhiên cô gái điếm lắm lời kia đã gợi nhắc…
Đang thẩn thờ bước chậm chạp dưới trời đêm thì từ một mái hiên tối đen, ông Bảy nghe một giọng nói - cũng giọng đàn bà – van nài:
“Làm ơn làm phước đi ông ơi! Cho tui xin chút đỉnh mua cơm…”.
Bà ăn mày hôi hám, hình như bị liệt cả đôi chân nên ngồi bệt dưới đất, đang ôm ghì lấy một thằng bé cũng có đôi chân khỏng khoeo như cặp giò một con chó ốm. Cái mặt suy dinh dưỡng nặng của thằng bé, lộ hẳn đôi mắt như ốc nhồi và đầy góc cạnh gảy khúc như khuôn mặt một lão già đói ăn thiếu thuốc, khiến người lạ không thể đoán được nó bao nhiêu tuổi. Què quặt, khó nuôi như vầy thì thà để nó chết hồi mới lọt lòng là tốt hơn hết cho nó và cho cha mẹ nó! Ông Bảy thầm nghĩ đến một việc làm đành đoạn đối với đứa bé tật nguyền, mà có lẽ ông sẽ chọn lựa một cách ít đắn đo, nếu như ông là bà già ăn mày. Nhưng khi thấy ông nhìn chăm chú vào con mình, bà già vừa cúi đầu cám ơn về đồng bạc lẽ, vừa nói, giọng hãnh diện:
“Coi nó xấu xí vậy chớ nó là cục vàng của tui đó ông ơi!”
Ông khách, dù không để tâm nhiều lắm, nhưng phản bác ngay:
“Cục vàng? Bà phải lết đi ăn xin để nuôi nó mà còn nói nó quí giá như vậy hử? Tôi nghĩ, gặp những cha mẹ khác, dù giàu dù nghèo gì thì chắc họ cũng đã bỏ nó vô trại mồ côi rồi. Gặp nhà giàu, nếu trại mồ côi từ chối đứa nhỏ họ gởi thì họ quăng tiền ra xong. Còn khổ nghèo, bệnh tật như bà, trại họ nhận dùm là cái chắc. Như vậy, nó có nơi nuôi nấng, chăm sóc, còn bà đỡ vất vã biết bao? Bà chỉ còn lo đi ăn xin để nuôi chính mình thôi”.
Bà già trố mắt, như xưa nay bà chưa hề nghe ở đâu có kiểu lý luận như ông khách:
“Đâu được! Dù con mình có què, có xấu tới cở nào đi nữa thì nó cũng là con mình, làm cha làm mẹ ai lại đành đạn phủi tay, bỏ nó trại mồ côi? Mình đẻ con ra thì phải có trách nhiệm nuôi nấng, chăm nom con mình chớ? Mà con tui xấu xí là đâu phải do nó muốn, chỉ tại tui vô phước, phải sinh nó ra theo cái hình hài mà ông Trời muốn đày con tui như vậy thôi. Thôi ông ơi, ông bố thí cho tui đồng bạc thì tui cảm ơn, chớ tui không nghe theo lời ác đức, bất nhơn của ông đâu. Ông đi chỗ khác dùm cái đi. Ông đi đi mà!”.
Chỉ trong một buổi tối ảm đạm và cô quạnh, ông Bảy đã có dịp gặp gỡ với hai người lạ mặt và lại cũng là đàn bà - cái giới tính mệnh kiếp, đeo bám suốt cuộc đời ông. Trong cuộc sống, đối với những nỗi ưu tư nhân sinh, rõ ràng là ở một cảnh quan, môi trường khác với nơi ông Bảy sống thì cách hiểu, cách mơ ước, cách đặt vấn đề…, của người khác đã không giống ông. Và hệ quả là tất nhiên, bảng giá trị nhân sinh ở mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, cũng đổi khác.
Như cách hiểu về chuyện “Trời đày”, cô gái điếm cho là thân phận mạt hạng của cô chỉ do số mạng, rồi bà già ăn mày cũng nói do phần phướcTrời định một cách tệ bạc nên mẹ con bà mới ra nông nỗi như hiện tại. Nhưng phản ứng của họ thì là cúi đầu nhận chịu, không buồn oán trời trách người, và nhứt là họ không hề phẫn nộ, cay đắng, khát khao cái ý muốn thay đổi mệnh số, lại càng không hoang tưởng đến việc kiếm tìm một thần linh độ trì. Còn với ông Bảy, gần đây mới cay đắng cho rằng mình bị “Trời đày” qua cuộc trừng phạt của nữ thần Địa Mẫu, còn từ căn bản của lòng tin về số mạng, chuyện “Trời đãi”, được cái số giàu sang tự lúc mới sinh ra đời, thì ông không hề tự thấu hiểu mà ý thức cho đúng đắn ân sũng đặc biệt ấy.
Còn về chuyện đâu là người được ta quí yêu, xem trọng nhứt trên đời, thì từ trước đến nay, ông Bảy chỉ tôn vinh có mỗi cá nhân của ông ta, thứ đến là bà Lụa - người có khả năng phục vụ rất đắc lực cho nhu cầu nhục dục và khát vọng làn giàu của chính ông. Trong khi đó, cô gái điếm quí trọng gã phu vác gạo, người chỉ có một tấm lòng dành cho cô chứ không hề có khả năng nuôi cô, để cô khỏi bán trôn nuôi miệng. Đến bà già ăn mày, con người cụ thể mà bà dành trọn mọi thương yêu thì không ai khác ngoài đứa con tật nguyền, dị dạng của bà, mà với một người cha ít quan tâm, thương yêu con cái như ông Bảy, thằng bé kia chỉ là thứ nhân loại phế thãi.
Đúng như cô gái điếm đã nhận xét, với mớ tuổi tác đã sống trải , thì từ của cải, tiền bạc cho đến “tứ khoái” trần gian, ông Bảy nhà giàu đã hưởng thụ cuộc sống quá nhiều, quá đủ rồi. Cô gái còn chưa biết rằng, với khả năng thông linh như ân trạch Trời cho, ông khách kỳ khôi, trở chứng của cô còn đã từng kiếm chác lợi lộc vượt hơn bất cứ một lão già 60 tuổi nào khác. Có điều là, trong mạt cùng của đời sống vật chất, bà già ăn mày được hưởng một hạnh phúc tâm linh rất quí giá, đó là tình mẫu tử bà dành cho đứa con tật nguyền, hay cô gái ít ra cũng đang sống trong cái hy vọng nhỏ nhoi là cái gã phu khiêng gạo đang thành thật yêu cô sẽ là người khóc thương cô khi cô chết. Còn ông Bảy, vốn do đã thừa mứa về sinh hoạt vật chất nên ít để ý về đời sống tinh thần, đến cái chết của bà Lụa ông mới nhận ra là mình thật sự nghèo nàn về phần hạnh phúc tâm hồn.
Giữa cuộc sống, khi chợt nhận ra mình đã thất bại, không còn bình yên sống thở thì nỗi hụt hẫng này thường khiến người ta dừng nghỉ trước những tham vọng, mưu cầu lợi lộc mà chỉ muốn thối lui, tìm đến một chỗ ẩn mình nào đó, để trước mắt, được tạm thời an ổn cái đã. Do đó, khi trở về Nha Trang, ông Bảy mới sực nhớ tới cái nhà từ đường mà năm nào, với đầy lòng kiêu ngạo, ông dựng riêng cho nhánh Lý Ân bên làng Kim Bồng. Nếu do thất bại, phiền muộn mà muốn đi tu hay kiếm chỗ ẩn thân thì vào trường hợp ông Bảy, ông không cần phải bỏ tiền ra tự xây cho mình một cái chùa, cái am, cái cốc lớn, nhỏ nào đó. Từ lâu rồi, trong lúc chủ nhân của nó mãi mê làm giàu bên phố chợ, nhà từ đường nhánh Lý Ân vốn đã hiu quạnh, tịch liêu không kém gì một cái am, cái thất giấu mình trong rừng núi. Một buổi chiều, người bấy lâu được ông Bảy giao cho công việc trông coi, quét dọn khu nhà từ đường và vườn dừa chính là ông Chén, đứa cháu cùng tuổi với ông Bảy, đã từng bị ông đánh bằng roi cật bò, đã cúi đầu, lấm lét bước ra mở khóa cổng cho cậu mình bước vào nhà.
“Bây thắp đèn lên đi, tối rồi con à…”, chưa bao giờ ông Bảy lại có một giọng bảo ban con cháu êm dịu khác thường như thế. Đó là cung cách trở về, quay về căn nhà cũ của mình của một kẻ đang mang đầy thương tích tâm hồn. Ít tự tôn, kiêu ngạo hơn, ngày ngày ông Bảy khẽ khàng dùng bữa cơm cô độc của mình. Rất ít khi ông bảo đứa cháu đi chợ nấu món mặn, hầu như ông ăn chay thường xuyên. Cũng không còn phong cách gia trưởng nơi ông con trai cả của dòng họ Lý, cũng mất đi vẻ quan liêu nơi ông quan hàm ngũ phẩm. Trước kia, dù dùng cơm trong căn nhà lầu bên phố hay ăn qua bữa ở nhà từ đường, với thành phần chọn lọc được ngồi chung bàn là chỉ gồm bà Lụa, đứa con cưng hay khách quí, ông Bảy ra kiểu cách là mỗi thực khách phải có một bộ chén, đũa, muỗng nhỏ và thanh gác đũa riêng. Món ăn được dọn ra giữa bàn, kèm theo một, hai cái muỗng lớn và đũa dài, để ai nấy – lần lượt từ bậc trưởng thượng đến hàng con cháu - múc canh hay giẽ miếng cá bỏ vào chén của mình, tuyệt đối không được phép dùng đũa riêng hay muỗng riêng khoắng vào tô, dĩa thức ăn. Giờ thì trên mâm cơm riêng của ông, chén đũa chỉ cần sạch sẽ, khô ráo là được, không cần đũa son, chén cổ, dĩa chạm lấy ra từ tủ đồ thờ. Chỉ có một điều lịnh còn được duy trì, và đứa cháu lớn tuổi đã thực hiện xuất sắc việc này, đó là cơm nấu phải vừa ý ông Bảy, hạt gạo thơm phải nở vừa phải, không được phép – dù chỉ một chút - nhão hay khô.
Trong những ngày sống khép kín ở làng quê, đã không có thần linh nào – dù là Bà Địa Mẫu chưa nguôi cơn hờn giận hay lão Hải thần tánh khí bất thường - hiện về nữa trong giấc ngủ khó nhọc của ông Bảy. Cả đến món long diên hương – chút tàn tích rơi rớt lại của những hồn thiêng biển cả - mà thỉnh thoảng ông Bảy thẩn thờ mở ra - cũng đã tắt lịm mùi hương hư ảo tự hồi nào. Hình như những cư dân thuộc âm giới chợt rủ nhau biến mất, vắng mặt hẳn trong cái vũ trụ riêng tư mà ông Bảy, con người “thông linh” – đã và đang sống thở. Cặp nhãn đặc biệt của ông gần đây đã bất động, hầu như mù tối dần.
Ông Bảy nhớ là dân làng vẫn thường vẫn thường thì thào, răn đe nhau, rằng có người khuất mày khuất mặt, nhiều âm hồn âm phách, nhứt là những con ma da chết đuối hằng năm, đã ẩn náu đâu đó ở hai bên bờ sông, cả trong khu vườn dừa vây quanh nhà từ đường họ Lý và ở miếu Thổ thần lụp xụp, âm u bên rặng dừa nước. Ông Bảy cũng nhớ trong vài dịp có việc phải trở về nhà từ đường vào giấc chiều tối, đang bước trên trên cầu gỗ là ông đã thấy vài bóng người ướt sũng nước, không rõ nam hay nữ, ngồi co ro dưới tán dừa nước. Một lần khác, khi một mình đứng ở hàng rào nhìn ra miếu Thổ thần, ông Bảy đã thấy một lão già hom hem, ăn vận theo lối xưa, bước nhẹ nhàng như trôi bồng bềnh đến trước mặt mình:
“Lý Ân hỡi, ta là Thổ thần đây. Bây hãy nói với dân làng thắp nhang cho ta…”
Thì ra đó là Thổ thần làng Kim Bồng, bị người phàm lãng quên nên hiện ra, kêu cầu với người có đôi mắt thông linh. Không thích thú gì việc tiếp xúc với người cõi âm lúc này nhưng ông Bảy vẫn giữ lịch sự:
“Dạ, kính thần. Để con nói thằng Chén nó mau ra miếu…”
“Bây nói nó kê lại cái lư nhang, bị ngã lâu rồi mà cũng không có đứa nào … Mà có léo hánh tới miếu của ta là mấy đứa trai gái thì chúng nào có ngó ngàng gì đến cái lư. Ta thật quá giận, xấu hổ nữa chớ! Tụi trai gái chỉ lo hít hữi thứ gì đó trắng trắng, rồi ôm nhau ngủ ngay trước bàn thờ ta. Bậy bạ hết sức, tại tụi nó cứ tuột quần tuột áo, trần trụi làm chuyện… Dơ dáy quá nên ta ngại ô uế, khộng thì ta đã vặn họng đám tiểu yêu này chết tươi hết cho rồi. Vậy bây phải lấy quyền lực ra nói với bọn chức việc và cha mẹ, cố tổ tụi nó, cấm không cho léo đến miếu ta nữa đó! Nghe chưa hử, Lý Ân?”.
Vậy mà từ khi trở lại nhà từ đường, trong đêm tối hay vào lúc sẫm chiều, ông Bảy đã không hề nhìn ra được một bóng dáng mơ hồ, lướt thướt sương khói nào. Những địa điểm nặng âm khí ấy đều câm lặng, không tỏ lộ chút động tịnh nào, để từ đó hé ra một ít tin tức hay hình ảnh gởi đến ông Bảy, dù là kêu cầu, khiêu khích hay chỉ là khơi gợi sự chú ý của người sống. Hình như, khi mà trong chính tâm hồn ông Bảy đã choáng nặng bóng tối, buồn thảm và vô vọng, thì cư dân của cõi âm cũng chợt lặng thinh, như có ý chờ đợi một điều gì đó, có thể là chờ lịnh của thần thánh cấp trên hay một biến cố không thể không xảy đến…

24.
Trong chặng thời gian cuộc sống của ông và gia đình ông tại Nha Trang liên tục chao đảo, xuống dốc vì những cú trừng phạt của Bà Địa Mẫu thì ở nhiều địa phương xa xôi, miền cao nguyên, miền Trung, miền Nam, cuộc chiến đã chuyển mình khốc liệt, đồng loạt bùng phát cùng lúc ở nhiều chiến trường gai lửa. Bộ đội miền Bắc và quân giải phóng miền Nam lần lượt tiến chiếm các tỉnh thành, quân cộng hòa miền Nam thì “rút lui chiến lược”, có nghĩa từ kiểu có trật tự, đội hình sang kiểu hỗn loạn, vỡ tan hàng ngũ. Trước khi thủ đô Sài Gòn, cứ điểm cuối cùng của chính phủ miền Nam, bị khuất phục thì tỉnh Khánh Hòa và thị xã Nha Trang đã đỏ chói màu cờ mới – màu cờ của quân cách mạng.

Xảy diễn trên toàn đất nước với từng bước biến chuyển rành mạch, khốc liệt như thế nhưng biến cố trọng đại tháng 4/75 mà vẫn là bất ngờ, thật bất ngờ đối với đại đa số người dân ở cả ba miền đất nước. Tuy vậy, tính chất bất ngờ của biến cố đổi đời này lại yếu ớt, chẫm rãi, cứ như chỉ miễn cưỡng chen lọt vào tâm trí của ông Bảy. Có vẻ như do biến cố lịch sử ấy xảy đến vào lúc tâm trạng ông Bảy đóng kín bằn bặt bởi những thương tổn, mất mát, do bị thần linh trừng phạt. Nhưng nếu khác đi, bình thường thì ông Bảy – chăm chú làm giàu và hưởng thụ - cũng không phải loại người ưu thời mẫn thế. Lúc nào chuyện thời cuộc cũng chỉ đến với ông qua vài lúc ngồi tán chuyện bên ngoài đề tài làm ăn cùng giới nhà giàu loại như ông, rồi may ra có thể họ đưa ra được vài dự đoán bâng quơ, không hề xác quyết, không mấy thiết tha.

Một cuộc đổi đời bắt đầu diễn ra với toàn thể số phận của người dân Việt. Khi ông Bảy từ làng Kim Bồng lặng thinh trở về căn nhà lầu bên phố Nha Trang, chỉ có chị người làm ra đón ông. Cô Yên cùng chồng cô – một sĩ quan trú đóng ở một quân trường - đã lặng lẽ xuống tàu vượt biên từ trước lúc quân giải phóng tiến quân vào thị xã. Cặp vợ chồng này đã phải bỏ lại, gởi tạm một đứa con gái mắc bệnh khùng khịu cho bên nội cưu mang. Chẳng bao lâu, căn nhà bị tiếp quản vì trong nhà có cô Yên – người được ông Bảy chuyển cho đứng tên sở hữu nhà sau cái chết của bà Lụa - bị chính quyền mới xếp vào loại trốn ra nước ngoài. Ông Bảy chỉ kịp dọn một ít đồ đạc cá nhân ra khỏi nhà, thất thểu quay trở lại nhà từ đường bên làng Kim Bồng. Những ngày sau đó, vài khi có việc đi ngang qua đại bài gạo Lý Phát, ông Bảy chỉ cắm cúi lê bước, chẳng buồn ngoảnh nhìn cơ ngơi tài sản của mình.
Nếu không tính đến cửa hàng gạo mà cô Yên đã xóa bỏ, bán đổ bán tháo khi cha mình lui về làng quê, tài sản của gia đình ông Bảy mất mát khá nhiều. Có tin đồn là ông Bảy có lén dấu hàng trăm lượng vàng trong tượng Phật Bà Quan Âm đặt trong phòng thờ trên lầu và khi nhà bị tiếp quản, không rõ lọt vào tay ai. Cô Yên cũng không hề biết điều này để buồn phiền vì tiếc của. Chỉ riêng một chiếc va li chất đầy đô-la và đồ nữ trang bị thất lạc tại bến ghe vượt biên cũng đủ khiến cho vợ chồng cô đau khổ nhiều lắm rồi.

Trong lúc đám con bốn dòng của ông Bảy không có gì để hồ hỡi, phấn khởi – theo nghĩa chế độ mới là dịp may giúp họ cải thiện cuộc sống – thì số mạng khó hiểu lại chợt trao tặng cho ông Bảy vài cơ hội, hay ít ra, khi bắt liên lạc với một vài người thân thuộc phe “bên kia”, nay là phe chiến thắng, ông có thoáng nghĩ, nếu đây là cơ hội để mình trở lại sự nghiệp làm giàu thì ít nhứt mình cũng được tồn tại dễ chịu trong chế độ mới. Lối suy nghĩ của ông chủ Bảy tỏ ra “biết người biết ta” vì không khó khăn gì mà ông không bắt được mẫu thông tin ảm đạm đang lan truyền trong đám nhà giàu ở địa phương, rằng chính quyền cách mạng sẽ đòi “nợ máu” đối với bọn có quyền lực và tiền của, mà theo quan điểm cách mạng, chỉ có bằng áp bức, bóc lột dân nghèo thì bọn ấy mới thâu tóm được những đặc quyền, đặc lợi trong thời chế độ cũ.

Định mệnh run rủi, ông Bảy lại có vài ưu thế để miễn nhiễm trước các lời buộc tội có tính giai cấp như thế. Chính ông rể lớn nhứt trong gia đình Lý Ân, chồng của bà Hát – con gái trưởng do bà vợ chánh thất của ông Bảy sinh ra – là người đầu tiên của phe chiến thắng đến tìm cha vợ của mình. Chỉ sau vài câu hỏi thăm sức khỏe là ông cán bộ này đã hối ông Bảy lục tìm hết các hộc tủ, đưa cho ông xem lập tức tấm ảnh chụp cô Linh “mặc bà ba đen, quấn khăn rằn”. Cộng thêm tờ biên nhận về số tiền “đóng thuế cho cách mệnh” mà quân du kích trên mật khu Tô Hạp, núi Đồng Bò đã cấp cho ông Bảy trong chuyến ông lên núi chuộc mấy xe gạo năm nào, thì tấm ảnh cô em út bị thực dân Pháp giết sẽ là bùa hộ mệnh thật quí giá, sẽ giúp ông từ đây có thể sống dễ chịu trong chế độ mới. Gọi đó là những quí vật hộ mệnh thì chẳng qua là do người viết tiểu sử của ông Bảy đã quá bị ám ảnh về sự tồn tại cùng vai trò của thần linh trong cuộc đời nhân vật này, chứ đối với ông, không còn Hải thần, Địa thần gì nữa. Và cũng không đến lượt Thiên thần như sự liên tưởng máy móc của ai đó về bộ sậu các thần linh siêu nhiên hết thần Biển, thần Đất thì hẳn là tời thần Trời bước lên sân khấu…

Không phải với riêng cá nhân ông Bảy mà là với tất cả mọi người, mới xuất hiện là một quyền năng siêu vượt nhân loại, không khác gì sức mạnh thần linh. Chỉ có điều loại thần quyền lạ lùng, khác thường này lại xuất phát từ chính lịch sử, thời cuộc ở thế gian. Chính thời thế một lúc nào đó trong đời sống xã hội loài người tựu thành một thứ ý chí lịch sử, nên có thể tạm gọi quyền năng, lực lượng đang làm chủ trần thế này là Thời thần. Thời thần cũng vô hình, vô ảnh như các loại, hạng thần linh khác. Đó là một bí nhiệm không cần thiết vì đúng lý ra, nếu Thời thần có một diện mạo nào đó thì chỉ có thể là bộ mặt con người, do đó không cần loài người nhân-hình hóa. Hiện thể xứng hợp nhứt của Thời thần không gì khác là kết quả sau cuối của một chuỗi hành động – cả khi hòa hợp lẫn khi xung đột - của vô số con người trong diễn tiến lịch sử. Thời thần nguyên sơ chính là con người, ngay từ khi nhân loại bắt đầu tự viết nên lịch sử của mình. Nếu mỗi con người có mệnh số cá nhân, cá tính, thì lịch sử nhân loại cũng có sử mệnh, sử tính – thứ vận mệnh tập thể của một số đông con người. Cay nghiệt là dù có vô tình hay cố ý hành động, tác động vào sử mệnh, thì mỗi cá nhân – dù là bậc tiên tri hay nhà thấu thị - cũng không thể nào hình dung, tiên đoán cho xác đáng về vận động và tương lai của sử mệnh.

Chỉ chọn khía cạnh “ sử mệnh được sinh thành do tổng hợp kết quả những chuỗi hành động của con người trong thời gian”, nhà Phật xem sử mệnh chỉ là “cộng nghiệp”, như thể chính do “nghiệp” từ quá khứ, kiếp trước hay muôn kiếp trước, mà một nhóm người, một bộ lạc, một dân tộc…, đều tất yếu phải nhận lấy “quả báo”, tức hậu quả do những gì mà họ đã cùng nhau gây ra. Tuy vậy, Thời thần không phải là Kronos, con rắn thần trong huyền thoại Hy Lạp. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng Rắn thần tượng trưng cho thời gian không có khởi đầu, cũng không có kết thúc, nên rắn uốn cong thân mình thành hình tròn để tự nuốt lấy cái đuôi của mình. Hình ảnh này có phần giống quan điểm “Thời gian vô thủy vô chung” của Đông phương, như theo tư tưởng Phật giáo, phần đuôi bị rắn tự nuốt có vẻ giống cái “nghiệp báo” mà kẻ tạo nghiệp phải nhận lấy. Nhưng không có gì mới mẻ trong động trạng này vì cái đuôi có sẵn đó - một cách ngoài ý muốn - như một phần thân thể cố định, nguyên thủy của chính con rắn, tồn tại cùng lúc con rắn được sinh ra, chứ không phải do rắn ra đời rồi mới tự tạo kiểu đuôi này, khác cho chính mình, như kiểu con người đầu thai rồi mới tạo ra nghiệp này, nghiệp nọ.

Dù có lúc mù quáng, không thể tự ý thức, không có khả năng tự định hướng về tồn tại của chính mình, đến nỗi tự sản sinh những bước rẽ ngoặt lịch sử đầy bất ngờ, phi lô-gic,Thời thần vẫn sống động, hiếu động và dửng dưng, tàn nhẫn.

Nếu có thể hiển linh theo bài bản của Hải thần hay Địa thần, tức từ bản gốc là hồn thần linh rồi mượn phiên bản kiểu một ngư phủ già nua hay kiểu một phụ nữ nhan sắc, rồi hiện ra một cách nhàm nãn trong cơn cuồng phong bụi bậm hay sương khói mơ hồ, thì đến lượt mình, Thời thần sẽ mang dung diện Con Người Vô Danh, tức không hề có – hoặc không cần đến - một bản gốc siêu nhiên nào đứng phía sau. Điều này cho thấy, xét theo cách nhìn của tôn giáo gần gũi nhân sinh nhứt là Khổng giáo, thì khi đồng đẳng ngồi vào chiếu hoa của ba thế lực siêu đẳng cấp trong vũ trụ là Thiên Địa Nhân, từ căn gốc sinh thành, hữu thể Con Người Vô Danh cũng vô hình tướng như Trời và Đất.

Vậy thì thời thế - hiện thực của Thời thần - là một thế lực vô hình, có sức mạnh gây thay đổi, đảo lộn, không chỉ ở bộ mặt sinh hoạt bên ngoài mà cả bảng giá trị nhân sinh bên trong, theo nhịp điệu song đôi là vừa phá bỏ một số cái cũ, vừa dựng xây một số điều mới. Đó là thứ ảnh hưởng sâu rộng, bền bĩ, dửng dưng áp đặt vào mọi mặt của thực tế đời sống, tràn ngập tức thì, hoặc ngược lại, thấm đẫm từ từ nhưng chắc chắn. Một cách sâu xa, thời thế không bỏ sót một ai, kể cả người tính chuyện trốn chạy, bỏ lên núi cao hay vào rừng sâu ẫn dật, tịnh tu, mà ngụy tín nghĩ rằng bằng cách đó, mình đã thoát khỏi thời thế, cuộc đời.

Riêng ông Bảy thì không cần phải tính chuyện đào thoát làm gì, vì ông biết cách làm vui lòng vị “thần” thời thế này để tự sắp xếp một chỗ đứng, một cách hiện diện, tiếp tục tồn tại gần được bình thường như trước kia. Và dĩ nhiên, ông không hề bỏ đi thói quen đi tìm ân sũng, ân trạch. Rõ ràng thời cuộc, chế độ cũ hay chế độ mới gì cũng không khi nào hoàn toàn khóa tay hay đánh ngã được con người khôn ngoan như ông Bảy. Tuy nhiên, dù được công nhận là thuộc “gia đình liệt sĩ” nhưng ông Bảy không còn có thể tha hồ kinh doanh, làm giàu như trước. Ngoài chuyện tài sản và cơ hội làm giàu, ông cũng thất bại về cái khát vọng âm thầm là muốn phục hiện lại nhiều thứ quí giá khác, như: vị thế con người được thần linh chọn độ trì, cặp nhãn thông linh…

Chợt có một biến cố rất đáng để ý là cậu Lào, người con trai đầu của ông Bảy bỏ nhà ra đi ngày xưa, cũng từ miền Bắc trở về quê hương. Những ngày đầu, khi cậu dắt vợ trở về nhà từ đường - ít ra là do được người cha mở lời ân cần kêu về, cho ở chung nhà - tình cảnh mà thiên hạ có thể gọi bằng chữ “đoàn tụ” giữa hai cha con đã tương đối êm ấm sau những cái nhìn ngại ngùng, câu nói lấp lửng. Đối với cậu Lào - một cán bộ của chính quyền mới, mẫu người đương thời mà ông Bảy rất muốn tiếp cận, cầu cạnh, lẽ ra sự ghẻ lạnh cũ, xưa đã xảy ra giữa hai cha con phải được đền bù cho xứng đáng, một khi người cha cũng không hề che dấu sự ngượng ngùng, hối hận khi nhắc tới quá khứ của gia đình họ. Tiếc thay, giữa hai cha con lại sự xuất hiện của cô con dâu người Bắc, thiếu ý tứ và thực dụng ra mặt. Đầu óc của người đàn bà này nghèo nàn đền mức chỉ còn là cặp mắt kiêu hãnh của một bà cán bộ phe chiến thắng nhìn vào mặt người dân phe thua trận, chứ quá ít lòng kính trọng, cung kính cần có nơi một đứa con dâu mới ra mắt cha chồng. Thêm vào đó, ông Bảy đang tuyệt vọng về số vàng dấu trong tượng Phật Bà trong căn nhà bên phố Nha Trang, do nhà này đã bị tiếp quản khi chủ hộ là vợ chồng cô Yên đã vượt biên sang Mỹ. Vậy là, trái với lòng mong đợi chắc mẩm của vợ chồng cậu con, người cha đang nghèo đi kia chỉ cho họ chút ít tiền bạc. Cô vợ hung dữ thất vọng, đánh chữi chồng ngay trước mặt cha chồng. Một lần, gần như nổi điên, y thị còn vác dao rượt chém chồng chạy khắp xóm. Nghĩ con dâu mình nào phải do Địa Mẫu phái đến mà lại hỗn hào quá sức, ông Bảy thẳng tay đuổi vợ chồng thằng con trai trưởng ra khỏi nhà.

Vậy là nơi gia đình ông Bảy, vai trò của đám con trai, đứng đầu là đại thiếu gia vừa mới được tái công nhận chỉ vừa được vài tháng, đã hoàn toàn bị ông trưởng tộc xóa sạch. Có người còn nhận xét đây còn là kiểu “ báo ứng nhãn tiền” mà “vô hậu”, tức không có cả đời cháu trai đích tôn nối dõi tông đường một khi cậu Lào chỉ có một mụn con gái ốm yếu, suy dinh dưỡng.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga