Hồn Ma Biển


 
 
 

3.
Tiếp cận thường trực với thiên nhiên rất hào phóng như đồng thời cũng vô cùng khắc nghiệt là biển cả, ngư dân luôn mang tâm trạng khắc khoải rất đen tối về mạng sống của mình mỗi khi ra biển. “Hồn treo cột buồm…”, câu nói quen thuộc đến dửng dưng, lạnh lùng của nghề đi biển. Do đó, khi đã yên lành về đến đất liền, lãnh tiền công xong là thợ bạn lập tức chạy đi hưởng thụ, gần như ngốn ngấu mọi thứ thực phẩm, thú vui chơi trần gian. Nghỉ ngơi sau chuyến đi biển nghĩa là người ta hè nhau ăn uống, rượu chè, bài bạc… Men rượu giúp cho mọi người tràn đầy cảm hứng, mơ màng thấy chuyện sống chết trước sau chỉ như một giấc mộng kiếp nhân sinh. Lá bài, hột xí ngầu, cái chén sóc dĩa… thỏa mãn được cái cảm giác như con người đang thách đố số mạng, cười cợt mọi rủi/may, được/mất trong cuộc sống. Và dĩ nhiên không thể thiếu món khoái cảm xác thịt.

Đúng ra thì hạng đàn ông tầm thường, nghèo nàn như bọn bạn lưới, thợ kéo chài thì chỉ ngủ với vợ ở nhà hay tìm vui ở những ả bán phấn buôn hương. Xung quanh những bàn rượu và chiếu bạc thâu đem suốt sáng trên của cánh đàn ông, luôn luôn có gái bán thân lượn lờ, mời gọi. Có cả những mụ đàn bà lăng loàn dâm đãng, hay bám theo đàn ông và sẵn sàng lấy bậy, chung chăn gối qua đêm, dù có được tặng tiền hay không. Mấy mụ chỉ chực chờ, ngã ngớn ngồi, quì sau lưng mấy ông đang chơi bài, nhứt là xung quanh những chiếu bài xệp hay tứ sắc. Ít có chị đàn bà nào được phép ngồi vào chiếu cùng chơi với các ông, nên không đến nỗi khi bị cháy túi, phải nghỉ ngang mà nháy nhó một anh đàn ông cùng đi với mình ra chỗ vắng. Không hề gì, thỉnh thoảng vẫn có những ông đứt chến, cạn tiền, chữi thề mà uể oải đứng lên, rồi mau mắn bỏ ra chút tiền để đi xả xui bằng cách làm tình. Phần lớn đàn ông mê cờ bạc đều tin tưởng rằng khi đen bài thì nên bỏ chơi bài chuyển qua chơi… gái - vận đỏ sẽ ghé thăm. Tiện lợi và thích thú nhứt là ôm ấp nhau ngay sau những gộp đá, trần trụi trên mặt cát ướt hay è ạch, quấn xiết nhau ở một góc tối tăm, vắng vẻ trong vườn dừa, xa hẳn ánh đèn ở những chỗ đông người. Làm tình kiểu này thì kém tiện nghi giường chiếu nhưng được cái là rất sãng khoái nhờ khung cảnh thoáng mát. Nếu gặp đêm có trăng thì có thể nói là chất lãng mạn, trữ tình cũng có được chút ít trong hành vi yêu đương xác thịt kiểu hoang sơ này.

Những cặp đàn ông đàn bà đang giao hoan thủ lạc với nhau đã không hề để ý đến tiếng sóng biển rì rào và gió biển lồng lộng trên cao. Đúng ra họ phải biết cảm ơn những thứ Âm thanh,nhạc điệu miễn phí kia của biển cả, vì lần này, biển lại hào phóng góp phần nâng cao cảm xúc xác thịt hoang dã cho con người. Dù con người đã bất kính, thô lỗ, thản nhiên làm tình trước mặt đất trời nhưng biển đêm vẫn lặng lẽ tiếp nhận các thứ chất dịch nhầy nhụa, có khi tanh tưởi, do thân thể con người cứ thoải mái tuôn ra, thấm vào cát sõi, hòa vào nước biển. Rồi những làn sóng nhỏ nhẹ lại cuốn kéo mọi thứ nhân gian đó ra biển cả…

Đó là những chỗ tương đối kín đáo trên bãi biển, rãi rác những bãi phân người và phân súc vật thả rong, bóng tối dày đặc, làm chỗ cho những cặp nam nữ nằm chồng chất, ngược xuôi với nhau, cùng chơi trò ôm ấp. Xa xa, ở những chỗ có ánh sáng đèn dầu, có nhiều hơi người hơn, là những người đang chơi một trò chơi khác - bài bạc. Thường là bốn người ngồi sát phạt nhau, cùng một ít kẻ vô công rỗi nghề cứ bu quanh mà theo dõi, bình luận. Ở chiếu bạc có ông Tám ngồi chơi thì toàn là người giúp việc cốt cán trong sở cá, như anh thư ký, ông biện ghi, ông thủ quỹ… ,cùng các ông hương chức trong làng. Bên ánh đèn dầu leo loét, cuộc sát phạt không hào hứng lắm vì hầu như chỉ có mỗi mình ông Tám mới có quyền chữi thề khi gặp bài xấu. Và ưỡn ẹo, lượn lờ xung quanh chiếu bạc cũng có đàn bà, có điều là thuộc thuộc loại có giá trị hơn chứ không phải mấy ả đĩ rạc hay mấy mụ lăng loàn rẻ tiền, có thể cho đàn ông ngủ với mình miễn phí. Cô đào lẵng đang sáng giá trên sân khấu tình ái của cái làng chài hiu quạnh này là một cô gái bán hàng rong, món chè đậu ván, tên là Nhị. Nước da hơi ngâm đen nhưng gương mặt rất thanh tú, ưa nhìn, cô Nhị lần hồi chiếm được cảm tình của ông chủ Tám, vốn là một người đàn ông khó gần gũi.

Ông Tám chơi bài tứ sắc rất giỏi, thường tự sức mà thắng lướt các tay chơi khác chứ không cần nhờ tới một sự nhường nhịn do bợ đỡ nào. Nhưng trước sự xuất hiện của cái hương sắc hấp dẫn là cô Nhị, những vị chức việc cùng chơi bài với ông Tám đều cùng ngầm hiểu rằng họ phải tránh qua một bên, nhường cho ông chủ thưởng thức. Đúng ra thì ông Tám không có tánh trăng hoa vô độ như ông Út Mười, cũng rất hiếm khi ông thua bạc đến nỗi phải ngủ với gái để xả xui. Về mặt sinh hoạt luyến ái, tình dục công khai thì hình như ông đã sắp xếp chu đáo cho nhu cầu của mình. Vì có dâm tính mạnh nên sau một cuộc hôn nhân chính thức, có cưới hỏi với một bà nội trợ chỉ ở quẩn quanh trong nhà từ đường, ông Tám còn ăn ở không có cưới hỏi với hai bà nữa bên phố Nha Trang. Nhưng đã khá lâu rồi, hình như ông Tám đã tạm ngưng sự nghiệp chinh phục đàn bà, nên không thấy ông tuyển thêm vợ thứ tư, thứ năm nào nữa.


4.
Xưa nay, người ta thường nói đi theo nghề biển, sống nhờ biển cả, thì phải có tin tưởng. Cứ có tin tưởng cái đã rồi mới hy vọng được linh ứng. Do đó, bao đời ngư phủ đã sống và chết trong tâm cảnh bị gắn chặt vào vô số điều mê tín, dị đoan, thậm chí là hoang đường. Một lòng tin vô điều kiện, không thể kèm theo lý trí phân tích căn nguyên. Có thể nói, cũng bao la như biển cả, những điều phải tin tưởng, kiêng cữ, giữ gìn trong nghề biển có phần đa tạp, hoang đường, nhiêu khê hơn bất cứ ngành nghề nào khác trên đất liền.

Hằng năm, mở đầu mùa lưới đăng, mỗi phường lưới, sở cá đều làm lễ bái thần linh để cầu bình an và xin thu hoạch được nhiều cá. Hồi xa xưa, trong mâm lễ vật bày ra thì bên cạnh nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, trầu rượu, hoa quả, trái cây, xôi bổng…, còn phải có heo quay. Khi lễ tất, con heo được quăng xuống biển như một vật hiến tế. Còn ngày nay, cuộc sống khó khăn khiến cho lòng tin tưởng có phần trây trễ, ngư dân tự ý chế, tức chăm chước, không quăng bỏ con heo mà chỉ xúm lại chia thịt, cùng nhau chè chén, cũng như cho đám vợ con nheo nhóc được dịp nếm chút mỡ màng của con vật bốn chân sống trên đất liền này.

Theo lời các bậc lão ngư ông còn sống ở vùng biển Khánh Hòa, hồi thời xa xưa hơn nữa, tục hiến tế này có lúc rất khủng khiếp. Để cầu an đầu mùa cá, người ta phải cúng một đứa trẻ quay. Nguyên là vào thời đó, phường lưới ở hòn Đỏ ngoài khơi bị một mùa thất nặng, không thu hoạch được con cá, con mực nào. Trước mặt thợ bạn, ông chủ phường bức bối quá mới buột miệng nói rằng: “Hễ năm nay cô hồn các bác cho tao được mùa cá thì sang năm tao cúng cho một đứa nít nhỏ!”. Không rõ do điều bí ẩn nào, từ bữa đó, phường lưới này đánh bắt bội thu, cá dính lưới gỡ không kịp. Thế rồi, qua năm sau, ông trùm phường, vô tình hay cố ý, quên mất lời hứa của mình đối với biển, rõ hơn là ông đã thất hứa với cô hồn các bác ở biển mà chỉ cúng heo quay, gà luộc. Liên tiếp mấy năm sau đó, ngư dân phường hòn Đỏ mất mùa cá, khổ đói đến kêu trời. Nhờ cầu người khuất mày khuất mặt nhập xác đồng bóng, người ta mới biết là do ông trùm phường đã quên mất lời hứa. Từ đó, xuất phát từ hòn Đỏ, bắt đầu có tục hiến tế bằng trẻ con cho biển. Theo qui cách về phẩm vật cúng tế, đã có sẵn bộ tam sên, do chữ tam sinh nói trại ra. Ba món vật tượng trưng cho sự sống đó gồm một miếng thịt heo luộc, một quả trứng vịt và một con cua, hoặc con ghẹ, con tôm cũng được. Cũng không thể nói đây là biểu trưng của sự sống, một khi miếng thịt vốn là của con heo đã bị thọc huyết, mầm sống trong quả trứng và con cua, con tôm đã chết hẳn hòi trong nồi nước sôi. Vậy thì hãy tin rằng sinh mạng một đứa trẻ mới đúng là vật sống chính phẩm thứ thiệt, thứ đồ vật hiến sinh cao cấp nhứt dù cuộc sống của đứa trẻ thì quá ngắn ngủi.

Trước mùa cúng cầu an, người ta đi tìm mua trẻ con ăn mày ăn xin, hoặc lên vùng núi mua con cái dân Thượng đem về nuôi sẵn, như nuôi gia súc lấy thịt. Vào ngày cúng tế, đứa trẻ được tắm rửa sạch sẽ, được cho ăn no nhưng không cần gì phải cho mặc quần áo đẹp. Nhang đèn được thắp trên hương án cùng với một đống lửa lớn, đỏ rừng rực được đốt trên mặt cát biển. Vị chủ tế, có thể là bô lão lớn tuổi nhứt làng hoặc chính ông trùm phường lưới, lại có nhã ý khước từ công việc cao trọng nhứt buổi lễ là hành vi hiến sinh. Do đó, chỉ cần là một gã bạn trai tráng, uống trước cho thật nhiều rượu rồi bồng đứa nhỏ thơ ngây, không rõ chuyện gì đang xảy ra với mình, quăng nó vào lửa. Trong tiếng kêu la thất thanh, tuyệt vọng nhưng không thể kéo dài, chỉ một lát là đứa nhỏ vô phước đã bị chín vàng như một con heo quay. Không có một tiếng vỗ tay hay tiếng hò reo nào. Và hy vọng là trong đám đông vây quanh đống lửa thiêu người, cũng không có một đứa trẻ nào khác được phép có mặt.

Chính xác là đứa nhỏ bị nướng, bị thiêu sống chứ không phải được quay như heo quay.

Không đúng, chỉ khi nào người ta bỏ công tỉ mỉ ra quay chín từ từ một con heo thì mùi thịt của heo mới thơm lựng, mới làm chảy nước miếng mọi người, mới hứa hẹn một bữa thịt quay hiếm hoi, đắt giá. Đó là do con heo cúng đã lần hồi không bị ngư dân quăng xuống biển sau lễ cúng nữa, mới có chuyện bè lũ con người được nhai miếng thịt heo thơm ngon, béo ngậy. Còn ở đây, một khi con người thay thế con heo làm vật hiến sinh, thì không con người nào khác trên đời này phân biệt được mùi thịt cháy của đứa nhỏ có khác, có thơm bằng mùi thịt heo quay hay không. Về sự đánh giá thứ cao lương mỹ vị siêu cấp này thì chỉ có thể phỏng vấn bất cứ hồn ma biển nào đó mà người ta đã nhân danh khi dâng cúng đứa nhỏ - một mạng người. Cũng không hề gì, kể từ lúc người ta cời cái xác cháy đen ra khỏi đống lửa rồi đem quăng xuống biển, coi như để các hồn ma biển thưởng thức phần thịt người còn nóng hổi này, thì hồn đứa nhỏ lại nhập vào đám cô hồn biển cả. Và năm sau, người ta lại nhân danh cô hồn các bác ở biển để quay/nướng một đứa bé khác. Càng đông vui, nhộn nhịp những hồn ma.

Do không có sử liệu nào ghi chép mà chỉ do các lão ngư ông kể lại, không ai phân định được tục hiến tế cho biển bằng trẻ con này đã có từ thời biển, đất Nha Trang còn thuộc các tiểu quốc Chiêm Thành, Lâm Ấp, hay đã thuộc về Việt Nam. Ngay các cụ già gần trăm tuổi, còn sống đến thời cha con họ Lý dựng cơ nghiệp, cũng cho biết là thời trai trẻ, các cụ không thấy có tục hiến tế này. Dù sao thì người ta cũng thầm mang ơn sự mơ hồ, khó phân định trong lịch sử kiểu như trên. Có một số người còn lý giải rằng, hẳn là tục cúng vật hiến sinh được quay/nướng chín chỉ có thể là một cổ tục của dân Chiêm Thành sơ khai. Thời xa xưa ấy, con người còn man dã, sống bằng nghề săn thú và bắt cá, chỉ biết nướng trong lửa các con vật săn bắt được cho chín rồi ăn chứ chưa hề biết nấu thức ăn. Rồi khi người Việt từ phương Bắc tràn vào đất Khánh Hòa xưa là thuộc thời Hậu Lê, nghĩa là ở thời điểm dân tộc Việt đã có vững vàng một nền văn minh lúa nước, thì không thể nào chấp nhận được chuyện dã man là giết người chỉ để cúng bái thần linh. Hơn nữa, dù có mê tín, sợ hãi các thế lực thiên nhiên đến mấy chăng nữa, nhóm dân Việt đi khai phá vùng đất mới không dại gì làm hao tổn số nhân lực, cư dân còn quá ít ỏi của mình.

Dĩ nhiên đứa trẻ bị hiến tế nào cũng có một cái tên, vì lúc sinh con ra đời, cha mẹ nó dù nghèo khổ đến nỗi sau này phải bán con nhưng nhứt định họ có đặt cho nó một cái tên để gọi. Việc đặt tên con, việc làm thông thường này đã trở nên vô nghĩa, thừa thãi đến buồn cười, nếu như cha mẹ đứa trẻ, bằng cách nào đó, biết trước được ngày chết, kiểu chết của con mình. Lương tri của những bậc cha mẹ dù cố cùng mạt hạng kia dĩ nhiên sẽ lên tiếng một khi biết được rằng người ta ngõ ý mua con mình về không phải để làm con nuôi hay làm đầy tớ, hay bất cứ một dạng nô lệ nào khác. Lương tri con người cũng sẽ lên tiếng, dù cho số tiền bán đứa con nhà ăn mày hay con dân sóc Thượng có vượt cao đến gây kinh ngạc, ngang với giá một ông tổng đốc đầu tỉnh hay một tổng thống nước ngoài. Chính tình cảnh bị gạt gẫm về tương lai và số phận của con mình sau khi được người mua ẵm đi mà các bậc cha mẹ bán con đã tiếp tục sống bình yên, tránh được một nỗi đau đớn, ân hận khủng khiếp.

Chỉ còn lại là những nhà danh tính học, gia phả học gì đó, hay cả những nhà tội phạm học đời sau, mới ray rứt về sự kiện một số đứa trẻ chết đi mà không hề có mồ mã cùng bia mộ lưu lại tên tuổi. Và tiếc là triết học hiện sinh đời sau đã không xuất hiện sớm hơn, cho kịp có mặt vào thời kỳ xảy diễn tục hiến tế nói trên ở vùng biển này. Còn có thí dụ điển hình nào hùng hồn, sống động hơn về cái thân phận con người phi lý đến nôn mữa, về sự hiện hữu như một vật thừa thãi, chỉ để vất đi của đời người, cho bằng sự kiện có thật về những đứa trẻ có tên gọi đàng hoàng khi sống nhưng trở nên vô danh, bị cưỡng bức phải vô danh thị khi chết đi, chính xác là bị giết. Trong nghĩa địa của vạn chài đã dẫy đầy những ngôi mộ gió, thứ mộ không có hài cốt, dành cho người đi biển bị mất tích ngoài biển khơi mà không tìm được xác, cũng không chừa chỗ cho những đứa trẻ bị thiêu chết trong lễ hiến tế rồi xác bị đem quăng xuống biển.

Với biển cả thì ngư dân luôn luôn phải sống dãi nắng, dầm sương, ngÂm nước biển, tắm gió trời. Và hơn hết, bất ký lúc nào ngư dân cũng có thể mất mạng, gởi thân cho sóng gió, bão bùng. Bước xuống ghe là hồn xác đã được số mạng đem treo sẵn trên đỉnh cột buồm. Chỉ khi nào ghe đã quay về bờ, cặp vào bến, bàn chân chạm đất, kết thúc một chuyến ra khơi hay một mùa lưới đăng, thì người ta mới yên trí rằng mình còn sống, tức đã tai qua nạn khỏi, tức vừa may mắn được có thêm một lần thoát chết ngoài biển.

Trở lại với khu làng chài Bích Đầm do họ Lý dựng nên, thì mấy đời ngư dân chốn này vẫn ấp ủ trong tâm trí, như một món thừa kế về mặt tâm linh được trao truyền liên lỹ cho mọi đời con cháu, tấn thảm kịch mà người dân trong toàn bộ vùng biển Khánh Hòa vẫn bàng hoàng nhắc lại mãi với cái tên vụ gió Cây Khô. Tai nạn trên biển quá thảm khốc này đã xảy ra tại một điểm thả lưới đăng ở hòn Xưởng, thuộc khu vực chùm hòn Bích Đầm. Vào ngày 25 tháng giêng Âm lịch của một năm nào đó, lâu lắm rồi, khiến rất ít người còn nhớ rõ, trọn một phường lưới đăng thuộc sở cá của ông bá hộ Lý Đam, gồm 32 người đã gởi thân đáy biển. Hằng năm, cứ đến ngày 25 tháng giêng ta, trong lễ giỗ tập thể này là người ta cho đọc một bài văn tế rất bi ai, viết bằng chữ nôm. Cũng không ai còn nhớ đuợc cho rõ ràng về tác giả bài văn tế, chỉ nghe nói ông ta lấy hiệu là Siêu Nhiên, quê ở thôn Vĩnh Điềm, tức rất gần hay chính trong làng Kim Bồng, hậu cứ của sở lưới đăng họ Lý.

“Thảm nỗi dây oan dắt díu, số tiền sanh sao có hẹn nhau? Mượn văn làm lá linh phong, hồn bất tử xin về soi tỏ”. Tác giả bài văn tế đã ngậm ngùi, thiết tha nghĩ đến một chuỗi sinh mạng chết chùm. Cứ như số mạng tự kiếp tiền sinh của cả 32 ngư dân này đã bắt tay hò hẹn đến cùng một ngày nhứt định. Nhưng tuyệt nhiên không có một ngôi mộ tập thể nào. Theo kinh nghiệm của người đi biển lâu năm, ít khi tìm được xác người chết trôi ngoài biển. Do chìm xuống đáy biển sâu, đến lúc đã sình chương đủ để nổi lên thì xác lại không thể nổi lên đến mặt nước mà lại chìm xuống lần nữa và vĩnh viễn ở lại đáy sâu. Dĩ nhiên đã loại trừ trường hợp đã bị cá mập, cá xà hay các loài thủy tộc khác ăn mất xác. Nếu bị nạn ở gần bờ, chỗ nước cạn, thì may ra xác nổi lên và trôi dạt - lúc này đươc dân gian gọi là thằng chỏng dù người chết có là nữ giới - có thể được may rủi tìm thấy. Vậy thì cần gì đến loại mộ tập thể trong điều kiện không thể nào qui tập cho đủ những xác thây rong rủi? Chỉ có loại mộ gió là thích hợp nhứt. Cùng với bài vị thờ trong nhà, mỗi gia đình nạn nhân muốn gom cát lên thành mộ gió cho người chết lúc nào cũng được, trong niềm tuyệt vọng, cực cùng khổ đau của người sống.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga