Hồn Ma Biển


 
 
 

7.
Ý định tách rời khỏi cơ nghiệp của cha mình đã có từ lâu trong suy nghĩ, tính toán của ông Tám. Hơn nữa, đã có thêm một thuận lợi về mặt danh giá cho ông là, vào quãng thời gian ông Lý Đam ngồi say đắm ngắm bức ảnh mình mặc triều phục “tứ phẩm bá hộ”, triều đình lại một lần nữa gia ân cho họ Lý, phong cho ông Lý Ân chức hàm “ ngũ phẩm văn giai”. Trong ngày hội linh đình tiếp nhận sắc chỉ của vua, có hai luồng dư luận trái nghịch nhau. Một là chức ngũ phẩm thì thấp hơn chức tứ phẩm, nghĩa là ông quan con không thể bằng ông quan cha. Hai là hàm “văn giai” dù sao nghe cũng cao sang, trân trọng hơn hàm “bá hộ”. Một đằng nghe thanh tao, văn vẻ như chỉ thuộc về mẫu người giàu có học thức, chữ nghĩa, và một đằng chỉ là…trọc phú. Xưa nay, người mình vẫn có tâm lý trọng người có học và chỉ nể người có tiền. Nhưng chính bản thân ông Tám cũng không chú ý nhiều đến phần danh giá có tính chất học thức của mình, đồng thời cũng không tự xét lại xem mình thật ra có đủ thực chất chữ nghĩa hay không. Điều thôi thúc nhứt sau khi được nhận chức quan là phải xây dựng cơ ngơi nhà cửa riêng biệt cho ông quan mới này, chứ ông Tám không thể an tâm ngày nào còn ở chung nhà với cha mình. Đó là một căn nhà lớn, kiểu cách gần giống nhà từ đường họ Lý và cách xa căn nhà này chừng hai, ba trăm mét nhưng đã có những vườn dừa rậm rạp che áng, đứng ở nhà này thì không nhìn thấy nhà kia. Vì ở sát bờ sông, nhà của ông Tám có vạt sân trước còn cao hơn cả nhà tổ đường, để ngăn ngừa nước sông tràn ngập vào mùa lụt.

Nhà ông Tám cất xong vào những ngày cuối đời của cha mình nhưng vợ ông Tám, bà con dâu trưởng của họ Lý lúc này, vẫn chưa có thể rời nhà từ đường mà về ở nhà căn nhà mới tinh của vợ chồng bà. Ông bá hộ đã hôn mê, ông Tám cũng không thể có mặt thường xuyên bên cạnh cha vì bận trông coi phường lưới ngoài đảo Bích Đầm nên vợ ông phải thay mặt ông mà cố công làm cho tròn phần hiếu đạo của vợ chồng con trai trưởng họ Lý. Có thể nói cả làng Kim Bồng đang chờ đợi hai biến cố lớn sắp xảy ra. Một là đám ma ông quan tứ phẩm, hai là đám tân gia nhà ông quan ngũ phẩm. Một kết thúc và một bắt đầu, tách biệt và độc lập đối với nhau chứ không hề là một nối tiếp đẹp đẽ.

Sau cái đám ma nhà quan với cuộc diễu hành đầy màu sắc, đi qua mấy con đường chính của thành phố Nha Trang, ông bá hộ Lý Đam an nghỉ ở một sở đất nằm ở một vùng ngoại ô, theo đúng lời dặn dò của ông, chứ không phải trong đất hương hỏa họ Lý. Trên sân khấu đại gia tộc họ Lý đất Nha Trang bây giờ chỉ còn mỗi một nhân vật chính duy nhứt sáng chói là ông Tám, chứ không hề là ông Út Mười. Đó là chưa nói tới cái nhánh riêng của đại thiếu gia Lý Ân, đang liên tục phát triển, rềnh rang tiếng tăm trên đất liền và cả dưới biển, muốn lấn át cả toàn bộ nhà tổ đường cùng những chi tộc khác của họ Lý.

Nhánh của Lý Ân - phải gọi cho đầy đủ thì đây là cả một hệ thống, một quần thể gia đình, gồm nhiều gia đình nhỏ mà toàn bộ đặt dưới quyền lực của ông Tám gia trưởng. Nguyên là bà chánh thất, người vợ duy nhứt được hưởng kiểu hôn sự môn đăng hộ đối, có cưới hỏi nghiêm túc, là bà chủ nhà chính danh của căn nhà sát bờ sông Cái, sinh được hai con gái, đặt tên là Mật và Đường. Chẳng bao lâu, không còn gì ngọt ngào, êm ấm nữa khi ông Tám lấy thêm bà vợ kế, không cưới hỏi. Không muốn ngày ngày phải thấy bộ mặt ủ dột của bà vợ cả, ông Tám cho bà vợ kế đi ở riêng bên xóm Cồn, ngoài rìa thành phố Nha. Bà này sinh được hai con trai, và không hiểu sao ông gia trưởng lại đặt tên cho hai ứng viên nối dõi tông đường cho ông những cái tên nghe thật xa xăm, cách trở: Lào và Xiêm. Cậu Lào có vóc dáng cao lớn giống cha nhưng trầm lặng ít nói. Hiển nhiên dù là dòng con ngoại hôn, cậu vẫn được tiếng là con cái nhà họ Lý giàu có, quan quyền, nhưng được cái là cậu không có thói vênh vang kiểu đại thiếu gia, công tử con nhà giàu.

Đến trường hợp cậu Xiêm thì lại nẩy sinh vấn đề. Đó là một cậu con trai có tướng tá thấp nhỏ, khẳng khiu, tức không hề giống ông Tám. Gương mặt lại thô kệch, xấu xí và buồn thiu, tức không giống cả mẹ lẫn cha. Vậy là ông Tám ngấm ngầm cho là bà vợ kế đầy nhan sắc của mình có tư tình thầm lén mới sinh ra đứa con trai kế này. Ông cũng không bận tâm nhiều gì đến người vợ bị thất sủng vì đã mau chóng lấy thêm một người đàn bà thứ ba trong dịp đi ra đất Phan Rang. Dựng xây cơ sở sản xuất nước mắm – dân địa phương gọi là nhà thùng – vốn là một công việc làm ăn phổ biến trên đất liền của các chủ phường lưới, gắn liền với nghề đánh cá. Như trước đây, ông bá hộ Lý Đam cũng đã dựng một nhà thùng rất lớn ở đất Phương Sài, bên bờ sông Cái, giao cho ông con út quản lãnh. Do đó, ông Tám mới tìm ra vùng đất Phan Rang nghèo nàn, ý muốn ra nghề sản xuất nước mắm của riêng mình thì phải xa khuất nhà thùng của cha mình. Cũng khuất mắt luôn bà chánh thất khi ông kết nạp thêm bà vợ thứ ba. Sau khi bà này sinh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Mè, ông Tám cho phép bà thay mặt ông mà quản lý, coi sóc nhà thùng.

Đó là một dãy nhà rộng, dài, phần nhà ở được lợp ngói Âm dương, còn phần trại làm nuớc mắm chỉ được lợp lá. Những thùng gỗ khổng lồ ngÂm ủ những đợt cá trước, sau “gối đầu” nhau cứ cao vượt lên đến sát mái lá. Phía dưới chân những cầu thang tre là ngổn ngang lu, hủ, sọt, giỏ đủ loại cùng những ụ muối hột trắng xám. Thứ nước mắm y lấy được nước đầu thì thơm ngon nhưng cái mùi thum thủm của xác cá cứ bám đuổi, quấn quyện vào mọi sinh hoạt của mọi người, từ bữa cơm cho đến giấc ngủ, trong lúc nghiêm trang xiêm áo, đứng thắp nhang trước bàn thờ ông bà, cả lúc trần trụi mình mẫy, nằm yêu đương trong buồng riêng. Một lần, một thanh niên trốn quân dịch vào làm công trong nhà thùng, đã hốt hoảng chui vào một thùng đang chứa lưng lửng xác cá. Khi toán tuần tiểu, hỗn hợp vừa cảnh sát vừa quân đội, đã bỏ đi thì không ai rõ anh thanh niên trốn lính này trốn ở đâu, cứ tưởng là trong lúc toán lính đi lục xét khắp nhà thùng, anh đã bỏ chạy ra khỏi trại rồi không quay lại. Vài ngày sau, cái mùi cá mắm nặng nề nhưng quen thuộc bấy lâu lại trở nên khác lạ. Anh công nhân đã chết ngạt trong thùng mắm - một chỗ ẩn núp không ai ngờ tới. Dĩ nhiên, số nước mắm nhỉ ra từ cái thùng oan nghiệt ấy phải đem đổ bỏ nhưng từ nay, không ai và không thể bằng cách nào tẩy bỏ được hồn ma của anh thanh niên…

Đến lúc bà chủ nhà thùng, tức bà vợ thứ ba của ông Tám, sinh hạ đứa con kế, lại con gái, thì ông cha đặt tên con bé là Khai. Không hiểu ý ông chủ là muốn khai mở điều gì, việc gì trong ngôi nhà thùng ám tối này nhưng cái mùi nồng nàn, khai khắm của đống xác cá ướp muối trong những thùng đựng cứ làm người ta khó quên được một hương vị khác, cũng đã từng xuất ra từ thùng mắm – mùi xác người bị ướp chung với xác cá. Và không có gì ngăn cản được sự bộc lộ của cái mùi ghê rợn, chỉ có nơi xác người ấy. Cái mùi tử khí ở rất lâu trong trí nhớ mọi người. Dĩ nhiên, có nhiều tiếng xì xào của dư luận, chòm xóm. Có người đưa ra dự đoán rất đen tối về tương lai của nhà thùng làm nước mắm của ông Tám. Kiểu tai nạn chết người vừa khủng khiếp và vừa bốc mùi nặng nề như vừa rồi thì từ trước tới giờ chưa hề xảy ra cho các nhà thùng lân cận trong khu vực. Lập tức nước mắm do ông Tám làm ra cứ dân hồi ế ẩm, phải hạ giá nhiều lần nhưng khách hàng vẫn lơ là. Có người còn bàn thêm về nhân cách đạo đức, thành tích phúc đức của ông chủ. Vậy là ông Tám phải nghĩ ra biện pháp cứu nguy phần gia sản này.


8.
Bữa cơm chiều đơn giản nhưng ngon miệng. Ông Tám ăn chỉ một chén cơm nhưng ăn nhiều cái món cá nhám hấp cuốn bánh tráng. Nhiều người dân đi biển tin rằng cá nhám là anh em nhà cá mập, cá xà, nhưng nhỏ con hơn và không hề ăn người hoặc ăn xác người chết trôi. Gặp cá nhám biển thật tươi, đem hấp chín rồi thoa mỡ hành thì nhứt định ngon hơn hẳn cái món cá lóc hấp ở chốn ruộng đồng hay trong thành phố, do thịt cá nhám béo hơn. Đặc biệt là lá gan của nó, màu nâu nhạt giống như món pa-tê gan đóng hộp, không những béo bùi và có mùi thơm đặc trưng của biển cả, còn không hề thoang thoảng mùi tanh của rong rác ở đáy ao rạch, sông hồ như bộ lòng cá lóc.

Mấy chung rượu đế chính gốc Bàu Đá do một thằng bạn lưới gốc dân Bình Định dâng tặng càng làm cho ông chủ Tám thơ thới hơn. Khác hơn những ngày phải đi vào đất liền, bao giờ ông cũng cảm thấy toàn thể hồn xác mình thoải mái hơn, mạnh mẽ hơn khi trở về biển, sống trên hòn đảo thân quen của mình. Ông chủ Tám vừa cho kẻ thân tín đi vời một người đàn bà góa còn mượt mà hương sắc, để sau món chuối ngự tráng miệng, kết thúc bữa cơm, ông tiếp tục đáp ứng cho một nhu cầu khác nữa của mình. Ân ái thỏa thuê, ông ra tắm ở cái giếng ngoài sân. Dội lên mình gàu nước sau cùng, ông tuột luôn cái quần đùi ướt sủng. Trong mấy phút đứng khỏa thân trong bóng tối, ông thoáng nghe gió đêm thổi qua háng mình.

Gió biển ve vuốt cái bộ phận quí giá của ông, mới được đàn bà chìu chuộng nồng nhiệt nên nó đang no nê cảm giác thỏa mãn, y như cái bao tử của ông cũng đang hả hê sau món cá nhám khoái khẩu. Người đàn ông này vừa mới sống hết sức mình với bản năng thân xác – vừa rồi là sinh hoạt của hai thứ bản năng gốc là ăn uống và làm tình. Ông cũng đang không có gì phải bận tâm, một khi phần tâm linh của ông đang im ắng, nghĩa là giờ này không có việc gì buộc ông phải động não suy nghĩ, tính toán. Phần tình cảm, cảm xúc trong con người ông cũng đang bất động vì ông không đang không quá yêu thương ai hay thù hận ai mà phải nhớ tưởng đến đối tượng ấy. Tình trạng tĩnh lặng tuyệt vời - gần như hư vô, trống không - này đang thong thả đưa hồn xác ông Tám chìm vào giấc ngủ…

“Lý Ân, dậy đi! Bây thức dậy đi!”.

Tuy đang chìm đắm trong giấc ngủ sâu nhưng ông Tám tỉnh giấc ngay khi có ai đó dám lớn tiếng lay ông dậy bằng cách gọi tên tộc của ông. Đứng trong bóng tối là một ông lão râu tóc bạc phơ, tuy chỉ mặc bộ đồ bà ba đen như bất kỳ một lão ngư ông nào đó nhưng tướng tá rất kỳ vĩ. Da mặt của lão đen nhẻm, càng làm nổi bật đôi mắt sếch, sáng quắc như đổ hào quang. “Lão là ai?”, ông chủ Tám bàng hoàng hỏi lại.

“ Ta là thần Nam Hải đây, bọn bây gọi ta là Ông Nam Hải đó!”.

“Lão là thần Biển, là Ông!?”, vừa hỏi lại nhưng ông Tám vừa liên tưởng ngay đến một vài cái xác cá voi chết ngoài biển, tắp vào bãi cát mà dân vạn chài đã mời ông ra xem và cho ý kiến xử lý. Ông không lạ lẫm gì về loài thủy tộc lớn nhứt biển cả, đồng thời lớn nhứt hành tinh này, và đáng nhớ nhứt với ông là cái xác đã trôi tắp vào làng Bích Đầm trong mùa bão thổi mới năm ngoái. Bao đời ngư dân đều luôn luôn kính cẩn gọi tất cả các giống cá voi trắng, cá voi xanh, cá nhà táng…là Ông, Ông Nam Hải, hay Nam Hải tướng quân. Và biến cố Ông lụy – cá voi chết – năm ngoái là rất đáng nhớ đối với ông Tám vì nhân cơ duyên này, ông được dân vạn chài Bích Đầm nâng ông lên một bậc trưởng thượng nữa với chức danh trưởng nam của Ông. Đây là một danh xưng huyền hoặc, dính líu tới cõi Âm, mà cổ tục dân gian vùng biển dành cho người đầu tiên phát hiện ra xác Ông lụy trên bãi biển. Thật ra người đầu tiên ấy chính là một mụ đàn bà nghèo nàn, vợ một gã bạn nát rượu làm công trong sở cá. Vào một buổi rạng động, đang tha thẩn trên bãi biền vắng lặng, lượm lặt sò ốc hay thứ gì đó do sóng biển đánh dạt vào, thì tình cờ mụ thấy xác cá voi. Lập tức mụ vội vàng chạy u về nhà gọi chồng. Vừa thoáng thấy cái đồng lù lù nằm dài trên cát, gã bạn chài lại vội vã đi báo cho ông chủ. Vậy mà sau đó, trong toàn bộ nghi thức thiêu xác, hốt cốt làm lễ tang Ông bên cạnh nghĩa địa của làng chài, ông chủ Tám quấn khăn tang “đầu rơm mũ bạc” với chức danh trưởng nam của Ông.

Ông Tám còn nhớ rõ là lúc đó, thi thể của “cha” mình là xác một con cá voi dứa, một nhánh cá voi mà ông chưa từng được thấy rõ hình dạng. Con cá dài và cao ngang ngang một chiếc xe GMC nhà binh, có những mảng sọc trắng bạc trên lưng. Đứng trước xác con cá, mà nếu quên đi địa vị, tư thế cao đạo của mình, cứ để cho óc hiếu kỳ thúc đẩy, ông Tám đã có thể leo luôn lên thân con cá, bắt đầu từ chỗ thấp nhất là cái đuôi to bằng một nửa chiếc thuyền thúng câu mực, đang choải ra trên mặt cát. Chỉ sau hai ngày đêm nghi ngút khói nhang cho tang lễ của mình, khối hình hài của con cá voi nằm trên cát đã xộp đi hẳn như bị mất hơi nước, hoàn toàn mất đi dáng vẻ hộ pháp đáng nể trọng của loài cá thượng đẳng này.

Đã qua cơn bàng hoàng, ông Tám thấy thấp thoáng sau lưng ông lão còn có những bóng người khác, mờ ảo, lung linh. Không thể nào thấy rõ được mặt mũi, giới tính, y phục của những con người này. Họ cứ câm lặng, lãng đãng trong sương đêm, dật dờ như những mảnh quần áo rách rưới, tả tơi sau cơn mưa bão, bị ai đó vô tâm bỏ quên trên rào dậu. Rất thắc mắc trước hình dung những con người hình như không-phải-người này, ông Tám chỉ còn biết quay lại nhìn kỹ ông lão.

Giờ khắc này, theo lời tự xưng thì thần Biển, thần cai quản biển Nam Hải lại xuất hiện với hình hài một ông lão, nửa tiên phong đạo cốt nửa dân dã phàm phu, chứ không phải với hình dáng một con cá voi còn sống thở. Ngay khi tâm trạng bán tín bán nghi của ông Tám vừa nhen nhóm, thì giữa trời quang mây tạnh bỗng nổi lên một trận cuồng phong, muốn cuốn xô cả con người lẫn mọi vật xung quanh.

“Bây nghi ngờ, không tin là thần Nam Hải hử? Đã là thần linh thì ta muốn mang hình dáng nào chẳng được?”.

“Nhưng…xưa nay chúng con vẫn thờ Ông là một ông cá, chớ không phải ông lão…?”.

“Ừ thì…”.

Chợt ông lão ngừng nói, quay đầu lại phía những bóng người sau lưng ông.

“Bây hóng chuyện gì? Đi chỗ khác cho ta nói chuyện. Đi chỗ khác đi. Bây có nghe chưa, hử?”.

“Nói cho đúng thì ở trường hợp này ta lại không có quyền chọn lựa trước Ngọc Đế. Ngài đã chọn cho ta hình hài con cá voi nhưng thú thật, ta không ưng ý lắm. Dù là loài thủy tộc to lớn nhứt biển cả, xứng đáng thể hiện quyền năng của thần Biển là ta, nhưng bộ mặt cá voi trông buồn thảm quá. Ta thích là cá heo hơn. Loài mà người trần bây coi là sinh vật thượng đẳng trên trái đất này, trí thông minh chỉ đứng sau con người. Cá heo có bộ mặt vui vẻ, hóm hỉnh và thân hình thuôn dài, đẹp dáng hơn cá voi nhiều. Bây nghĩ sao chớ ta thấy tiếng kêu líu ríu của cá heo nghe cũng hay hơn giọng ồ ề của cá voi… Mà thôi, bữa nay ta đến không phải nói chuyện sở thích của ta, mà là công bố quyết định của ta dành cho bây”.

Trong lúc thần Biển say sưa nói về cá heo, như một nỗi tiếc nuối đồng thời là một chỗ khuyết trong quyền năng của thần, thì ông Tám cảm thấy trước mặt mình chỉ là một ông lão có vẻ vui tính, thích chuyện vãn cà kê hơn là một vị thần nghiêm khắc, kiệm lời.

“ Kính Ông, là ngư dân thì con vẫn cầu Ông độ cho được nhiều cá và tai qua nạn khỏi trên biển. Vậy Ông quyết định cho con điều gì?”.

“Ta chọn bây để thể hiện quyền năng của ta. Trong cõi thần, ta đã không có đủ tự do để chọn cho mình hình hài cá heo, nhưng để gỡ lại, đối với cõi người thì ta có dư tự do để chọn bây. Bây khoan ngạo mạn cho giá trị của mình vì đây chỉ là ta muốn chơi ngông, tự ý chọn bây, chớ không phải do bây là đứa người đầy đủ phẩm hạnh hay có phúc đức cha bây để lại. Cái tên Lý Đam, cha bây, thì ta đã cắt đứt phò độ cho y lâu rồi. Không có ta ngấm ngầm độ cho thì làm gì phường lưới của y phát đạt dữ vậy? Đúng, ta đã bỏ rơi y khi y cố tình quên lãng con-người-ngư-dân trong y mà trở mặt, sùng bái cái mã tứ phẩm triều đình rất hư danh kia”.

“Kính Ông, con không được nghe cha con thố lộ…”

“Tất nhiên là y dấu kín chuyện thần linh như ta có đến báo mộng, theo cái thói xấu con người chúng bây là muốn để cho người khác lầm tưởng là do tự sức mình, tài năng mình làm nên cơ nghiệp chớ không phải do thần linh linh phò trợ. Mai đây, đến lượt bây thì cũng y cái thói thiếu trung thực ấy thôi…”.

Ông Tám cảm thấy cán cân lại nghiêng trở lại về phía thần linh, vì như thần Biển vừa vạch ra, thần quá hiểu biết về con người. Thần vừa đọc được ý nghĩ hiện thời vừa nắm được cả hành động tương lai của giống người. Vậy thì khi quyết định vẫn phò trợ cho giống người vốn không trung thực, hành vi của thần Biển không khác một trò đùa cợt đối với con người. Còn đối với bản thân thần thì chỉ là một trò giải khuây trong thời gian vô thủy vô chung ở cõi thần.

Đối lại, nếu có đủ tự ái và tự trọng, con người có quyền từ chối kiểu gia ân nhưng nhục mạ tư cách con người như thế. Nhưng ông Tám còn muốn nghe tiếp, để biết điều hệ trọng hơn hết lúc này là mình sẽ được gì trong trò chơi sắp diễn ra của thần Biển.

“Kính Ông, con phải làm gì để được Ông độ cho được giàu sang và nhiều may mắn?”.

Ông lão cười nhẹ, hóm hỉnh nhìn thẳng vào mắt ông Tám. Kiểu nhìn đầy giễu cợt này xuất hiện là dư thừa trong cuộc đối thoại thần/người vì chẳng qua là do thần Biển khoái trò chơi áp đảo tinh thần con người, chứ thần đã dư biết động cơ tâm lý phát sinh ra câu hỏi của ông Tám.

“Cũng không khó lắm. Bây phải tuân giữ và thực hiện ba điều. Một là cố công làm việc phúc đức. Hai là không tà dâm quá độ. Ba là phải công minh với gia đình, con cái”.

“Xin Ông dạy rõ hơn”.

“Cả ba điều ta yêu cầu bây đều là vì lợi cho bây, cho trần gian, chớ không lợi gì cho ta. Về điều thứ nhứt, bây phải siêng làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo là cách phòng tránh sự ganh ghét chắc chắn của thiên hạ đối với tài sản sang giàu của bây. Làm phúc đức còn có nghĩa là bây phải siêng làm công quả trên chùa nhiều hơn nữa. Nếu từ mức công quả của bây mà dẫn tới sự phò trợ, hồi đáp lại từ các vị bên cánh nhà Phật thì chỉ càng có lợi cho bây thôi. Hơn nữa, nhiều người bọn bây vẫn nghĩ làm công quả, phúc đức vốn là một kiểu đầu tư dài hạn, trước sau gì cũng thâu lợi dù nhiều dù ít, ít ra là cái vé đi lên cõi Niết Bàn, đúng chưa nào?

Về điều thứ hai thì trước cái tánh háo dục của bây, không phải riêng ta mà bất cứ thần linh nào cũng không nên có tham vọng tiết chế, vì kỳ cùng bọn ta chỉ có nước thất vọng thôi. Đó là ta không muốn nhắc cho bây nhớ rằng giống cá voi ở biển mà ta hiện ra bằng hình hài của chúng, là giống sinh vật không háo dục vô độ như loài dê ở đất liền và cũng có phần chung thủy, một vợ một chồng. Vậy thì ta buộc bây không được tà dâm, trái với bản chất cá nhân bây, trái với kiểu luyến ái phóng túng của bây hiện tại, là vì lý do nào? Lý Ân hỡi, cùng tất cả những tên đàn ông lầm lạc như bây nữa, có nhiều vợ hay làm chủ được nhiều thân xác đàn bà không hề là một cách phô bày quyền lực đàn ông ngay trên…giường, trong nhà bây đâu. Tình dục chỉ là một bộ mặt bi thảm cho thấy thân phận đầy hạn chế của kiếp con người. Sướng khoái tột đỉnh rồi thì bây cũng phải xuất tinh, kết thúc sướng khoái. Thân thể mỹ miều, tuyệt vời nào mà kề cận mãi thì cũng sinh ra nhàm chán, bây chỉ muốn đi tìm thân thể khác. Rồi bây lại tiếp tục đi tìm, để cuối cùng nhận ra rằng kỳ cùng thì thân xác vẫn là thân xác. Không có thân thể nào thật sự độc đáo, khác biệt hẳn với những thân thể khác…”.

Ông Tám chợt nghĩ đến Nhị, cô vợ hấp dẫn, tuyệt vời mà ông đang thương quí nhứt hiện nay. Nhưng thần Biển cười lớn.

“Bây đang thích con Nhị nhứt hử? Chẳng qua là do tánh khí y thị khéo léo, khôn ngoan, đang giúp bây phất lên, giàu có hơn nên bây mới quấn quýt y thị như vậy, chớ nếu do thân xác hấp dẫn thì chắc chắn trước sau gì bây cũng chán, đúng y theo bản tánh thích chinh phục, chinh phục được rồi buông bỏ của bây”. Dù sao thì ông Tám cũng không tiêu hóa nỗi bài triết lý dài dòng và đầy bi quan của thần Biển về ý nghĩa cuộc sống tình dục của loài người. Dù trong đời mình, chưa bao giờ ông Tám chịu ngồi suy nghĩ rốt ráo về giá trị của những thân xác đàn bà xung quanh mình, và hiện giờ ông cũng không dại gì mở miệng tranh luận với nhân vật mà mình đang cầu cạnh, nhưng tâm trạng không tùng phục của ông vẫn phần nào được an ủi. Thần thì thần chứ già chát, hết hơi cỡ như lão già này thì còn biết gì về ân ái, phong lưu trai gái như mình đâu mà lão cứ đứng đó, lớn tiếng dạy mình? Tảng lờ như đang bị ngắt mạch, bị sự cố kỹ thuật gì đó mà chợt không đọc được ý nghĩ ngạo mạn này của ông Tám, thần Biển kết thúc bài giảng về đề tài mà thính giả duy nhứt của thần đang ngấm ngầm không tán thưởng.

“Chỉ có tình yêu mới cứu chuộc được tình dục. Tình yêu chân thực cứu chuộc luôn cho thân phận bất toàn, đầy hạn chế của loài người chúng bây. Rồi bây sẽ hiểu, Lý Ân à. Sự kém cỏi, phù du của kiếp người có ngay trong cái tên Ân của bây. Bây là con người cũng khá tài ba nhưng đích thực là, phải nhờ đến những ân sũng, phò trợ kiểu này kiểu khác của ta đây hay của người khác - rất nhiều người khác - thì sự nghiệp của bây mới thàng tựu và hứa hẹn vững chắc. Cứ sống thêm ít tuổi nữa rồi bây sẽ thấy, thấy rất rõ điều này. Ít ra thì cận kề bên bây ngay trong hiện tại là con Nhị. Bây thầm coi ả như một quí-nhơn-phò-trợ - đúng như tên thầy bói tình cờ nói đúng trong toàn bộ những lời xão nịnh của y để lấy lòng bây đó. Thôi ta tạm ngưng đề tài thú vị này, sau này nhứt định mình sẽ cùng bàn thêm dù bây không muốn nghe đi nữa”.

“Cám ơn Ông. Xin Ông dạy thêm về điều thứ ba, vì con tự xét mình cũng đã nuôi dạy con cái đàng hoàng…”.

“Còn nói! Chính cái cách bây tạo nên con cái mấy dòng đã là không đàng hoàng rồi! Phải công minh đối với vợ con là bây phải chu toàn đến hai bổn phận. Một là về lẽ công bằng, bây phải thương yêu, lo lắng một cách đồng đều cho tất cả ba người vợ cùng ba dòng con của bây. Hai là về lẽ minh bạch, khi bây ghét bỏ, đố kỵ đứa nào thì bây có bổn phận phải nói thẳng ra với nó lý do ghét bỏ. Phải đề ý đến tình trạng hiện nay là trong nhà bây, hầu như chỉ có toàn con gái ở xung quanh bây, và sau này lo liệu cho những ngày cuối đời của bây thì cũng là mấy đứa gái này chớ không ai khác”.

Trong bóng tối, ông lão đã ngừng nói và chăm chú nhìn ông Tám. Không phải đây là lúc thần Biển chờ đợi cho ông Tám suy nghĩ, cân nhắc rồi mới có quyết định tán thành hay không tán thành giao ước giữa đôi bên. Không cần phải là thần linh mới có thể đoán trước và đoán đúng được quyết định của một con người có tính lý tài, duy lợi như ông chủ Tám.

“Kính Ông, con xin đồng ý hoàn toàn về bản giao ước thiêng liêng này, tuy là chưa được nghe Ông nói đến những chế tài, hình phạt trong trường hợp một bên, hay – xin lỗi Ông – cả hai bên đã ký kết lại có vi phạm giao ước”.

“Nói khôn lắm. Đúng là ta không chọn lầm đối tác. Phải, Lý Ân hỡi, từ nay bây là đối tác đã ký một giao ước thiêng liêng với thần linh là ta. Đã là thần linh, tức bậc cao, bề trên của loài người, danh giá ta rất lớn thì tất nhiên ta phải giữ đúng giao kết, không để loài người bây khinh chê ta. Với lại ta cũng chỉ có cuộc chơi này, giao ước chỉ với một mình bây chứ không hề có ký kết thêm với đứa phàm nhân nào khác. Cho nên ta sẽ làm hết mình, hết đời làm thần của ta cho bản giao ước này. Bây đã yên tâm chưa? Còn những trừng phạt ta sẽ ban ra khi bây bội tín, làm sai các điều giao ước thì ta cứ để cho bây tự hình dung ra. Cái mạng của ngư dân là giao phó cho biển cả mà!”.

“Con đội ơn Ông, nhưng từ nay, khi cần thì đối tác gặp đối tác ở đâu?”.

“À suýt nữa ta quên. Về lo nâng cấp cái miếu thờ con cá voi mà bây đang được tôn làm con trưởng nam đi. Tội nghiệp, trong hệ tuổi cá voi thì đây chỉ là một chú thiếu niên. Và cũng không có gì ghê gớm vì chú nhỏ này chỉ là hình hài thể hiện một đồng sự của ta, thần cai quản vùng biển đảo Hải Nàm thuộc Trung Quốc xa xôi kia. Lão này kém thâm niên tu luyện hơn ta nhiều, lại mắc sai lầm ngớ ngẩn nên bị lịnh của Thượng Đế triệu hồi năm ngoái. Còn…lão bà nữ tướng quân tiền nhiệm của ta thì hoàn toàn khác. Thê thảm làm sao, bà ấy…”.

Chợt thần nín lặng hồi lâu, như ngậm ngùi vì một thảm kịch nào đó.

“Nhưng thôi, người trần như bây thì hiểu gì về cơ Trời mà ta lại tính kể ra chuyện… Tạm thời thì khi cầu gặp ta, bây cứ đến ngôimiếu. Và thần như ta thì chỉ hiển linh với người phàm vào ban đêm thôi. Mà thôi, ta không dặn thì bây cũng sẽ có ý dấu mọi người, một mình đi tìm gặp ta vào ban đêm thôi chứ gì? Nhưng còn điều này thì phải nghiêm túc, đó là phải tắm gội đàng hoàng, giữ mình thanh sạch, không được ân ái trước khi đến cầu gặp ta. Nhớ kỹ đó!Thôi ta đi đây”.

Một trận cuồng phong lại nổi lên, xô ngã ông Tám. Thần Biển biến mất, trời đất tối sầm lại… Giựt mình tỉnh giấc thì ông Tám thấy mình nằm trên chiếc võng mắc ngoài hiên nhà. Té ra, hồi đầu hôm, trời nóng bức khác thường nên theo thói quen, ông Tám đã rời bỏ căn buồng trong nhà, ra nằm ở mái hiên một mình.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga