Hồn Ma Biển


 
 
 

Kết.

Ông Bảy lại rút về làng Kim Bồng, ở một mình, già yếu, ốm đau rồi qua đời. Tao đau bao tử, nó nứt y như trái sầu riêng chín mùi. Trong những ngày nằm liệt, ông già cạn tàn sinh khí đã nhận định như thế về tình trạng của mình với đám con cháu đến thăm ông bên giường bệnh. Có lẽ ông bất mãn nhiều nhứt về kiểu kết thúc đời mình là bệnh tật đã ác độc đánh cú chí tử sau cùng vào bao tử - căn cứ của thú ăn uống, hưởng thụ cuộc sống. Rồi chợt ông ra đi một mình vào lúc gần sáng, cái giờ giấc dành cho thói quen yêu đương say đắm của ông thời trung niên. Không có vợ con, bạn bè, người giúp việc nào bên cạnh lúc hấp hối, ông được miễn nghĩ suy để đưa ra những lời trối trăn tâm huyết nào đó nếu như ông đã có chuẩn bị sẵn.

Mặc dù có ít nhiều đau đớn thể xác nhưng ông Bảy đã ra đi thanh thản như một người có đức độ, bình an vĩnh biệt cõi đời, do vào những năm cuối đời, ông đã đổi tánh rõ rệt, thường lặng thinh, bình thản như người tập thiền chánh hiệu. Tánh khí nhu hòa có phần muộn màng này cũng phần nào khiến cho những cái miệng ác đức bớt bàn về khía cạnh nhân quả, nghiệp báo, khi đám ngồi lê đôi mách thích nhìn cái chết của ông như cái chết của một lão trọc phú ít làm việc phúc đức.

Công bằng mà nói, cái chết của ông Bảy rất phong phú triết lý. Nhờ khả năng thông linh và một vài thần linh đã là chỗ quen biết cố cựu, ông chết nhẹ nhàng như “tri thiên mệnh”, biết số mình đã tận, mọi vai trò của mình đã hết trên sân khấu cuộc đời. Trong cả một quá trình bắt quan hệ khác thường với Hải thần và Địa Mẫu, ông Bảy đã không chịu để thần linh nhồi nặn vận mệnh của mình, mặc dù cứ ngoan ngoản trong tay chư thần thì giàu sang vô kể.

Ý thức bi kịch sâu thẳm đã khiến ông Bảy níu kéo một chút Tự Do – tự do định đoạt số phận của mình, dù là vô vọng trước số mạng. Do đó, như thách đố thần linh, ông đã chọn lối ứng xử hai mặt, tức vừa cúi đầu nhận ân trạch vừa tìm cách vùng lên đối kháng, làm trái ý thần linh, dù có lúc hành động ngang ngạnh này chỉ là do tham dục tự nhiên của con người lôi kéo. Hành động như thế có nghĩa là ông dũng cảm chấp nhận sự trừng phạt không tránh khỏi của các vị thần đối tác.

Cuộc chơi chỉ kết thúc khi ông Bảy Ân gục ngã, bị khuất phục trước Thời thần - một thế lực vô hình nhưng lại được sản sinh từ chính lịch sử hành động của con người.

Vì có xuất xứ từ chính sử tính nhân loại nên Thời thần thoát khỏi con mắt thông linh, khả năng nhìn ra thần linh, ma quĩ của ông Bảy. Điều này đã khiến ông Bảy không thể tiếp cận được Thời thần để tiếp tục tranh thủ thời cơ mà tồn tại.

Nhưng kỳ cùng, cái chết của ông Bảy Lý Ân vẫn sáng ngời ý nghĩa triết lý ở chỗ, bằng tất cả các khía cạnh đối phản nghiệt ngã, đầy xung đột, giữa phần “con” và phần “người” trong tánh phận con người bất toàn - sống là chịu đựng đủ loại hạn chế từ tâm linh đến thân xác - ông đã không hề chịu vong thân với tư cách một con người đối diện với thần linh.

Ông Bảy đã không hề chịu xuôi tay, chịu đánh mất mình, khi đau xót ý thức rằng con người đã cũng mất Tự Do - phẩm giá cao nhứt của bản thể con người - ngay trong trường hợp con người được thần linh ban tặng ân sủng, đặt định cho một số mạng tốt đẹp, chứ không riêng gì khi con người bị thần linh trừng phạt, tru diệt.

Di chúc của ông Bảy gởi trên chùa được đem về đọc công khai trước con cháu. Một di chúc khác thường, mâu thuẩn với tánh khí của ông : không phải là đứa con nào – nhứt là con trai, theo tập tục - đã giúp ông nhiều nhất trong kinh doanh làm giàu thì được nhận quyền quản lãnh nhà từ đường và vườn dừa hương hỏa. Đằng này, ông trao cho số tài sản đáng kể nhứt ấy cho bà Hát, đứa con gái lớn, chỉ là những người chỉ có công kề cận, chăm sóc ông vào cuối đời. Chưa kể một cô cháu, con gái bà Hát, săn sóc ông khi ốm đau, cũng nhận được một số vàng mờ ám, không có ghi trong di chúc. Chua cay là đối với cậu Lào, trong di chúc chỉ được ghi là “nghĩa tử” và không được hưởng một chút gia tài nào.

Nhìn chung thì tài sản của ông Bảy gầy dựng nên, qua bao năm tháng và bao ngành nghề, cũng không còn gì nhiều ngoài căn nhà từ đường lạnh lẽo và mảnh vườn dừa xơ xác bao quanh, vốn chỉ làm chỗ tạm trú cho những thành viên trong gia tộc mỗi khi họ sa cơ thất thế, ốm đau hay trốn nợ. Chính số phận của ông Bảy, người dựng nên căn nhà từ đường, sinh thời cũng thường xuyên sống xa căn nhà nguồn cội này và chỉ trở về sống thui thủi vào những ngày cuối đời.

Nhìn lại phả hệ họ Lý, chỉ thấy tình trạng phân liệt nặng nề, quá nhiều thăng trầm và nhiều gảy khúc, rẽ ngoặt, chia lìa giữa các thế hệ. Ông Bảy Lý Ân qua đời là đã đến lúc bắt đầu ló dạng điểm hẹn cuối cùng cho tất cả các đời dòng họ Lý, từ cụ tổ Lý Đam trở đi cho đến cái chi tộc Lý Ân phồn tạp, thịnh vượng nhứt trong dòng họ, kể cả cho một số người đã vượt biên, trốn ra nước ngoài.

Tiếc là điểm hẹn sau cuối, đợt tập trung dứt điểm sống/chết ấy lại không hề là tổ đường, dù là nhà từ đường của đời Lý Đam hay đời Lý Ân, mà là một nghĩa trang trong khuôn viên một ngôi chùa trên núi mà các ông Lý Đam, Lý Ân đã lần lượt đóng góp nhiều công đức từ thời sinh tiền.

Chính xác hơn, đó là một “chung cư” trên núi, theo cách gọi của những người họ Lý còn sống, tức một tòa tháp bê-tông được dựng cheo leo trên mặt đá núi. Vách tòa tháp được xây thành những ô hộc nhỏ hẹp, vừa đủ để cất giữ những hủ đựng tro sau khi các mộ phần đã được hốt dọn, đem thiêu xương cốt.

Do hoàn cảnh trước đây, khi qua đời thì những thành viên các nhánh dòng họ Lý đã được chôn cất phân tán ở nhiều nghĩa địa khác nhau trong vùng đất Khánh Hòa, nên bà Hát đã đứng ra, tìm cách qui tập về một nơi duy nhất như thế. Thế là ai nấy cứ đứng vào hàng bằng ô hộc mang tên mình, từ các lão viên ngoại trưởng tộc, các serie đại thiếu gia, tiểu thiếu gia các đời, cho đến các quí phu nhân thuộc câu lạc bộ phụ nữ lấy chung chồng… Người sống còn có thể đăng ký, trả tiền cho nhà chùa để mua cùng lúc nhiều hộc, rồi vừa để an bài di cốt người chết, vừa để dành chỗ trước cho chính mình - một sinh phần. Ô hộc còn bỏ trống kiểu này thì có ghi tên hoặc không ghi tên đều được vì không có nạn tranh giành như đối với đất hương hỏa.

Nói là “chung cư” nhưng đối với tộc họ Lý, đây chỉ là một kiểu cùng nhau đứng vào hàng, tụ tập dửng dưng, lặng lẽ, chứ không phải cảnh xum họp, đầm ấm đoàn tụ một nhà, như các dịp giỗ chạp đông vui, náo nhiệt, tại nhà từ đường do cụ tổ Lý Đam dựng lên ở làng Kim Bồng từ hơn 100 năm trước.

 
 

Cận Xuân Mậu Tí 2008

Phạm Nga