Ngày Tháng Ở Nha ...

 
 
 

Tôi chợt nghe ai đó gọi tên mình trên phố. Những khoảng nắng cuối ngày đã bị đuổi dồn về cuối con phố. Những sinh hoạt một ngày đời sống đang bị thu dọn hối hả. Người ta đang sống trong một thành phố mà chỉ có những nguời đã chết mới được thảnh thơi ở chỗ nằm của họ. Tôi đang đi một mình, chẳng có ý nghĩ nào cho rõ ràng thì nghe tiếng gọi. Sĩ chạy xe chậm lại và dừng bên lề đường tôi đứng. Câu hỏi không có vẻ trách móc:
- Đã hẹn với anh ở Tuyết Sơn bốn giờ sao bây giờ lại tà tà ở đây? Anh chạy vòng vòng kiếm hoài không gặp…
Tôi sực nhớ lời mình hẹn. Thật ra, lúc bước ra khỏi nhà, ngoài đường nắng chói chang, tôi có thoáng nhớ. Rồi như một sự để ý chóng vánh, thoáng qua về một vết nhăn nhỏ trên tà áo dài, tôi đi lần xuống biển và không mang theo nỗi bận tâm nào. Bây giờ tôi cười, nói nhanh:
- À em quên.
Như vậy để khỏi bị nghe hỏi thêm. Sĩ im lặng, có ý chờ tôi vén tà áo lên ngồi vào phần yên xe còn trống. Có khi tình cảnh cô đơn của con trai được biểu hiện bằng phần yên xe trống trải ấy. Ừ thì mình đi. Tôi ghét phân vân, đắn đo cho những chuyện nhỏ mọn loại này. Từ lâu rồi, tôi không còn chẳng thấy trong đời mình còn chuyện gì long trọng, phải cân nhắc nữa. Ai cũng tin tưởng vào những tính toán của mình nhưng rốt cuộc đành tin vào số mệnh. Căng thẳng thần kinh cho những việc được xem là quan hệ ghê gớm vào cả đời mình nhưng rồi người ta hay chọn ngành học, khởi nghiệp, lập gia đình, vào kinh doanh, thậm chí nhúng tay vào tội lỗi…, như bị quyến rũ vào những cuộc chơi. Tôi cười một mình. Được hẹn trước mà cứ làm như rất tình cờ Sĩ bắt được tôi trên phố. Sĩ là con người khá, chắc không hờn giận gì về điều này. Tôi tin như thế.
Quán Tuyết Sơn còn vắng. Chưa tới giờ tan trường nên quán chưa bị choáng chật bởi đám con trai thời trang quần rộng, áo ôm, lúc nào cũng ăn nói ồn ào cũng như bỏ bữa cơm ở nhà. Một vài người lính trẻ ngồi ở bàn gần cửa, cộng thêm tôi không định thi Tú tài năm nay, và Sĩ không đến trường nữa, đó là số khách ngồi quán cho cái quãng thời gian dở dang này. Buổi chiều ngoài kia còn dùng dằng vì đêm xuống thật chậm rãi…
Sĩ gọi café đen đá cho hai đứa. Nhìn gói Salem trên bàn – không phải những gói Bastos lùn thấp, gần như vuông vức đến cục mịch, của những ngày cạn túi con trai – tôi không thích hút chiều nay. Hai đứa vẫn chưa nói với nhau lời nào. Tôi liên tưởng bài thơ của Prévert. Chàng uống tách café / Không nói với tôi một lời nào / Chàng gạt tàn thuốc vào cái gạt tàn / Không nói với tôi lời nào…Ở trong quán giờ này, ai cũngcó vẻ thầm lặng và tỉnh táo nhưng không đến nỗi u sầu như bài thơ. Thật tình tôi không chờ đợi Sĩ, hay bất cứ người con trai nào khác đóng vai trò Sĩ ở chỗ ngồi trước mặt tôi đây, phải mở lời trước, như kiểu đòi hỏi rất con gái là con trai phải lên tiếng trước. Nhưng kìa, Sĩ nối điếu thuốc thứ hai và cất giọng khi ném que diêm xuống đất:
- Mốt em về Sài Gòn sáng hay chiều?
- Trưa anh à.
- Không có gì gấp rút, bận rộn trong Sài Gòn…?
- Chẳng có gì.
- Vậy thì viết thư ngay cho anh đi. Anh cần đọc thư em trong lúc không có em ở đây.
Sĩ dùng chữ “cần” nghe long trọng quá! Tôi lại biết Sĩ yêu tôi nhiều lắm. Tôi không chủ quan. Tánh Sĩ rất dễ chịu nhưng lúc đã bắt đầu tra vấn tôi đi đâu, làm gì rồi đó.
Nhớ hôm gặp Sĩ và Hòa ở quán này. Sĩ ít nói và buồn cười là Sĩ gọi tôi “chị” và chạy trốn cái nhìn của tôi. Dù sao Sĩ có cái nét hơi rụt rè nhưng chững chạc nơi một gã con trai đã bắt đầu ngao ngán về nhựng ước mơ của mình. Hôm đó tôi có vẻ già lắm chăng? Màu áo dài nâu gụ. Tóc xõa. Tôi biết tôi không phải mẫu femme-enfant rồi. Lúc tôi cảm thấy mến Sĩ – vẻ trẻ thơ một cách phiền muộn của Sĩ – thì không phải là hiện tượng tâm lý thích cái gì đối nghịch lại con người mình. Rồi tôi yêu Sĩ nhanh chóng, ít đắn đo. Không còn tuổi để tôi thủ lấy sự kiêu kỳ, làm cao như mấy đứa gái mới lớn, bao giờ cũng có suy tính giữ giá. Tôi thú nhận lòng tôi đã yêu Sĩ mà không chút vướng bận, ngóng đợi một cú tỏ tình nào. Dĩ nhiên Sĩ có vẻ bàng hoàng khi mới tỏ tình là tôi đã gật đầu, thú nhận thẳng tuột tình cảm mình. Nếu Sĩ không đóng vai con trai – tại sao tỏ tình là phần việc của con trai ? – thì tôi cũng có thể làm công việc đó.
Yêu Sĩ không phải là việc tìm thêm một món trang sức thi vị nào đó cho những ngày tháng tôi ở Nha. Trong bối cảnh biển, cát, sóng, nước, phố Độc Lập hoang vắng, Nha Trang ngập ngụa đèn màu…, tình yêu với Sĩ như một nhà trọ cho tâm tưởng, làm nỗi an tâm bình thường. Cũng tình cờ như chuyện mình tình cờ khám phá ra một căn phòng thật vừa ý ở khách sạn, rổi quyết định đóng tiền trước nhiều tháng. Từ đó, an tâm là đã có nơi êm ấm cho mỗi bận trở về. Tánh không hạch hỏi của Sĩ giống đám láng giềng không hề bận tâm ,để ý về chuyện đi ,ở bất thường của tôi.
Trời sẫm tối bằng một màu tím nhờ nhợ. Quán bắt đầu đông khách. Có mỗi mình tôi là con gái. Con trai hay kết thành từng “băng” và réo gọi nhau nhau ngồi cùng bàn. Vẫn cái gã si Phụng – cô bé ngồi caisse – ngồi bàn thứ hai sát quầy, đang đắm đuối theo dõi từng ánh mắt, nụ cười của đối tượng. Tôi biết tôi còn bị nhìn nhiều hơn bởi ai khác. Sĩ kêu tính tiền.
- Về nhà anh ăn cơm nghe?
Tôi gật đầu nhưng đi được một quãng tôi lại đề nghị xuống biển chơi. Sĩ chìu tôi và tìm một chỗ vắng. Sau khi hôn tôi, Sĩ thì thầm:
- Thiệt anh không hiểu nỗi em. Em cứ ngẫn ngơ, lơ đãng sao đó…?
Trong ánh sáng chập choạng, tôi thấy mặt Sĩ hơi nhăn lại khi hỏi. Tôi cười:
- Em bị bịnh toqué đó…
- Toqué là bịnh gì?
- Một loại bịnh…lãng đãng ngày tháng.
- Đừng để cái bịnh lãng đãng đó ngăn cách hai đứa chứ! Em cứ hẹn vối anh rồi lại không đến. Ba lần rồi. Anh có thể được biết, mấy lần đó em bỏ đi đâu không?
Sĩ đang mang bộ mặt của một người tình không hài lòng về người mình yêu. Tôi nhẫn nại mà giải thích:
- Có khi em quên. Có khi em cảm thấy mình gặp nhau lúc ấy là khôngcòn cần thiết nữa…
Tôi định bảo Sĩ rằng anh đừng làm mất chính mình. Tình yêu không có sức mạnh nô lệ hóa con người đến vậy đâu. Anh đáng yêu ở điểm ít nói và không bận tâm về những chuyện riêng tư của tôi. Ngược lại, tôi cũng vậy. Đừng nhân danh tình yêu mà gây những phiền toái cho nhau bằng những trói buộc, không cho mỗi người có những sinh hoạt riêng tư. Điều này không cần thiết và không phải người ta thường lầm tưởng, nó cũng không hề tô bồi thêm chút gắn bó nào trong tình yêu. Cũng đừng lầm tưởng người yêu nắm giữ hết những hạnh phúc và nguồn vui của mình. Tình yêu chỉ tình cờ mà thiết tha, như hai bàn tay phải đi tìm nhau trong một trò chơi bịt mắt. Tự do của người yêu là một thách đố mà không bao giờ mình trả lời được. Tình cờ mình bắt gặp hạnh phúc của mình trong ánh mắt, bờ môi người yêu. Còn lại thì chúng ta có muôn điều khác thật sự riêng tư. Khi yêu nhau, không hề có một tâm cảnh tịnh yên, bien-être thường xuyên, hay cái gọi là mùa xuân vĩnh cữu cho tâm hồn …
Sĩ im lặng một lát rồi bảo, giọng buồn:
- Gặp nhau là không cần thiết cho em? Anh vẫn ít kiêu hãnh nên có thể cho em biết là anh không thể nào học bài, viết vẽ gì sau những buổi chiều có hẹn mà không gặp em.
Tôi lại cười nhẹ:
- Sao mà lớn lao vậy?
Sĩ chợt nóng nảy:
- Em nói đùa như vậy được sao? Anh không giỏi nghề đóng vai một người tình qua đường!
Tôi nhìn thẳng vào mắt Sĩ – người yêu nhỏ hơn tôi một tuổi. Dù ở tuổi nào thì khi yêu nhau, những người trưởng thành không cần chạy trốn ánh mắt của nhau:
- Anh hiểu lầm em rồi. Anh còn đòi buộc ở em gì hơn nữa?
Im lặng một lát, giọng con trai nghe như chùng xuống:
- Anh hiểu hoàn cảnh và điều kiện của mình khi đến với em…
Tôi nắm tay Sĩ:
- Em không có ý xúc phạm, nếu như anh có một mặc cảm mơ hồ, không cần thiết nào đó. Sĩ ơi, trong lúc vắng anh, em cảm thấy mình chưa hề làm điều gì là lừa dối anh hết. Không tin em sao?
Sĩ vẫn thừ người nhưng gật đầu nhè nhẹ và quay lại:
- Nói chuyện gì vui đi.
- À em thích sau này nếu có vốn mình mở một quán café.
- Café Điều. Anh sẽ vẽ bảng hiệu cho. Hay vẽ luôn trái điều trong loại tem em thường dán gởi cho anh đó…
- Ăn công ít ít thì được. Mỗi tuần mình thay băng nhạc một lần, toàn nhạc mới.
Sĩ hăng hái:
- Anh sẽ làm quản lý. Xin lương mỗi ngày một ly đen đá là được rồi. Có cần cô nào xinh xinh ngồi caisse không? Mà thôi, người ta đến quán chỉ vì muốn ngắm bà chủ thôi.
Hai đứa cùng cười lớn. Lâu rồi chúng tôi mới vui đến như vậy. Niềm vui cũng bị bỏ quên . Giống một cặp tình nhân học trò, tuổi mới lớn. Nhưng tôi hoàn toàn không thích cái kiểu thiên hạ động một chút là nhắc đến chiến tranh – như một nguyên nhân chí tử làm thui chột thơ ngây của lứa tuổi tôi. Tuổi trẻ chúng tôi thường khi quên lãng chiến tranh để mà sống… Sĩ có tật kết thúc cuộc hẹn hò bằng cái hôn thật dài, bao giờ cũng để tôi nhắc mới thôi.

X X X

Bây giờ một mình. Sĩ đang làm gì nhỉ? Nhưng tôi lại nhớ đến Du. Thầy Du. Du mang tôi vào những bồi hồi đầu tiên của tình ái. Đêm đó, màn đã hạ nhưng mặt tôi không khô nước mắt của vai kịch. Tôi không ngờ mình có thể khóc một cách không cần cố gắng như thế. Người ta bảo tôi diễn thật tuyệt, thật sống, vai một cô gái chữa hoang đang bị những xung đột nội tâm hành hạ. Một cuộc sống nhục nhằn được tiếp tục kéo lê hay một cái chết được tin là giải thoát? Khóc than, hoảng lọan nhưng tỉnh táo khủng khiếp, nhân vật cô bé Phi phải chọn lựa trong vở kịch mang cái tựa ám tối – Vực Thẳm… Em sống được vai kịch đau thương đó sao thầy, vị đạo diễn đầy nhẫn tâm? Em cũng chỉ mới 17, cùng tuổi với cô bé Phi trong vở kịch thôi mà! Ý nghĩa của cuộc sống, dù là chỉ trên sân khấu, ở đâu nhỉ? Khán giả đã về hết, những hàng ghế đã trống trơn như bắt đầu trầm tư trong bóng tối. Màn đã hạ từ lâu để người ta dọn dẹp sân khấu, còn các diễn viên như em thì bị đuổi trả về cuộc đời thực.
Tôi trở lại với tôi, đứng gục mặt bên Du, giờ chỉ là bóng dáng một người đàn ông đứng câm nín cùng tôi bên cái hí viện dã chiến này. Ôi nụ hôn đầu đời, nửa vời, không trọn vẹn! Du ơi, như là thầy pha độc dược vào hồn em rồi. Trời thì mưa thật to. Đêm đó làm sao tôi tiên đoán gì được về đời mình? Thầy lừa dối em chăng? Tình yêu – một bờ bến không hẹn trước, một đất hứa có bình yên đi nữa thì hồn tôi vẫn còn lênh đênh ngoài khơi thẩm…
Sau này, tôi biết tôi có yêu Du khi cứ nghĩ mãi về nụ hôn không trọn vẹn đêm ấy, dù những cảm xúc đã dần mòn chết đi theo năm tháng. Đêm đó mưa thật lớn. Em đã uống ngụm nước mưa từ lòng bàn tay anh hứng giữa trời. Ở một miền xa xôi nào đó trên trái đất, cô gái của bộ lạc trước sau gì phải về làm vợ chàng trai đã cho mình uống nước trời theo kiểu ấy. Tôi thì không quan tâm đến thứ tập tục huyền hoặc, cổ xưa đó. Tôi cũng không đặt thành nghi vấn về lòng dạ của Du, có là kiểu các thầy giáo trẻ háo nữ sinh hay không. Sau này, Du đã viết lại truyện tình tôi với Du trong một truyện ngắn, trên một tạp chí văn nghệ nổi tiếng vẫn thường đăng những sáng tác của nhà giáo trẻ này. Trong truyện thì hình ảnh cô bé Phi trùng lẫn với những xác chết, hẳn là do Du ghi nhận trong các cuộc hành quân khốc liệt sau ngày ông thầy trẻ bị động viên, vào quân trường, ra đơn vị tác chiến… Không ai cấm một nhà văn có toàn quyền - như Thượng đế - yêu và đưa chuyện tình của mình vào văn nghiệp.
Rồi tôi cũng gặp lại Du trên hè phố lớn. Du đi với một người đàn bà rất có vẻ là vợ anh. Dĩ nhiên, người ngoài thấy chúng tôi chỉ giống như hai kẻ xa lạ tình cờ đi ngược chiều nhau trên hè phố. Không có gì trao gởi trong cái nhìn. Hẳn là không còn tình yêu hay một thứ tình cảm ma túy nào đó. Chỉ là một kỷ niệm trong vô vàn kỷ niệm bị khơi gợi từ ký ức. À thầy Du! Vậy thôi. Chừng như mọi thứ đã phôi pha theo thời gian, dù thỉnh thoảng tôi cũng bất chợt nghĩ, nhớ đến Du, bởi chợt nhìn thấy nét mặt, cử chỉ của một người đàn ông nào đó hao hao giống ông thầy cũ.
Sau cái biến cố đẫm nước mắt nóng và những giọt mưa lạnh ấy, tôi nhìn đời sống một cách phóng khoáng, dễ dàng hơn. Du như mở hoác cho tôi cánh cửa tâm lý e dè nơi một cô gái mới lớn. Tôi đã từng nghĩ, hồi đó tôi có trả công cho Du bằng trinh tiết thì cũng rất đáng. Rồi hình ảnh Du cũng nhạt nhòa theo những chuyến lên đường, rời bỏ, dịch chuyển liên tục. Năm học tú tài của tôi bị xé vụn vì những xung đột – vừa về tiền bạc vừa về tình cảm – giữa cha mẹ tôi. Họ ly dị, người ở lại Sài Gòn, người bỏ lên Đà Lạt, công việc làm ăn của gia đình còn lướng vướng ở Nha Trang, Ban Mê Thuột. Tôi bỏ học, bỏ hồn nhiên thơ ngây, chán nơi mình sống cả một thời ấu thơ. Vậy là tôi đi, những chuyến đi liên lĩ, có vẻ là cho công việc thu xếp những tàn dư của một gia đình đã bị xẽ chia, nhưng đúng hơn là cho chính tôi. Tôi lên vùng cao, tôi xuống miền biển… Và dĩ nhiên, tôi gặp thêm những gương mặt đàn ông và không khỏi có chuyện tôi so sánh họ với nhau.
Sĩ bảo Du đến với tôi đầu tiên, không đáng kể hơn ai khác sao? Tôi nhớ tôi đã thầm cười anh chàng ganh tị. Lúc anh hôn em hay tay anh lần vào áo ngực em, anh không đáng kể sao Sĩ? Tôi vẫn xúc động thật sự, đê mê thật sự trong vòng tay anh. Tôi vẫn còn trong trắng, nghĩa là chưa đủ hư thân mất nết để là một đứa con gái chai đá cảm giác. Mọi người có thói quen nhìn tôi như một đứa con gái hoang đàng. Còn tôi thì không thích mỗi lúc lại nhắc lại hoàn cảnh gia đình tan nát của mình. Cái kiểu khóc thầm trongđêm đã qua lâu rồi. Dù sao bố tôi cũng đã ngồi tù vì người đàn bà thứ hai của ông. Mẹ tôi cũng đã có nhân tình. Họ đã hoàn toàn rời xa tôi. Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Lai Khê…, tôi không còn ngao ngán những chặng đường trường.
Người ta lại thấy tôi đi với nhiều người đàn ông, khi người này khi người khác. Những chàng trai trẻ, những gã trung niên, những ông tóc bạc. Trong những lần bàn chuyện áp-phe mà bố tôi ủy quyền cho tôi đàm phán hay trong những dạ vũ thâu đêm, một số đàn ông không hề dấu diếm vẻ thèm muốn và ngõ lời quyến dụ. Nhưng họ biết tôi là một con nhỏ dễ cười, dễ tán chuyện, nhưng không dễ cho leo lên người.
Tôi đang ở thành phố Nha. Điều gì vừa làm tôi nhớ đến Hòa, bạn Sĩ? Màu áo đỏ anh mặc hôm đó, như đong đầy hết bóng ráng chiều hôm ở bãi biển, chợt tạo cho anh một nhan sắc rực rỡ, giờ này tôi còn u mê. Anh đang ở đâu? Những người con trai đất biển như Hòa, Sĩ, đôi khi ngô nghê nhưng quyến rũ lạ thường. Nhưng các anh bỏ rơi những cá, tôm, khô, mắm, cát biển, gió khơi… - những gì nuôi các anh khôn lớn – để tìm đến những sản phẩm, tiện nghi vật chất du nhập từ bên kia đại dương, đúng hơn là được chở ra từ Sài Gòn. Trong lòng một thành phố biển đang lột xác, tân thời hóa từng ngày, tôi lại chú ý đến những cái mà các anh không còn để ý tới, như một tàn lá dừa, một hòn cuội, một cánh buồm về bến buổi chiều… Và tôi rất yêu cái giọng địa phương thật mộc mạc của các anh. Chỉ vậy thôi mà tôi đã – dĩ nhiên không nói với Sĩ – viết thư cho Hòa, nói trăng nói cuội. Có lẽ Hòa giống một tĩnh vật, một món quà thủ công sò ốc, cầm lên rất mát tay, mà tôi không thể tìm được ở Sài Gòn - thành phố quá bị cơ khí hóa. Tôi dư biết là Hòa thảng thốt khi nhận thư của tôi, một khi tôi đã là người yêu của Sĩ, bạn quá thân của anh. Nhưng tại sao tôi lại phải tuân theo một trật tự nào đó trong tình yêu và cảm xúc? Tại sao lại phải chờ đến lúc cạn khô tình cảm với người này rồi mới đuợc phép tưởng nghĩ đến người khác? Tôi vẫn có thể vừa nhớ Sĩ, vừa tương tư Hòa, vừa nghĩ đến một người đàn ông khác…- tất cả đều có thể đối tượng của tôi, vào những lúc trước hoặc sau những chặng trống rỗng trong tâm tưởng tôi. Cứ để ngày nào tôi đã chán Hòa thì tôi không cảm thấy mình tương tư anh nữa. Rất đơn giản vậy thôi. Giờ này thì tôi không vướng víu gì mà không tưởng nghĩ một cách thú vị, êm ả về một màu áo hơn là về một con người.


X X X

Một buổi chiều – tôi thường chọn buổi chiều – tôi đi tìm nhà Sĩ. Tìm được nhà thì Sĩ đã đi vắng. Dù sao tôi cũng vào nhà, nói chuyện với chị của Sĩ. Đó là một người đàn bà đẹp, đã một đời chồng. Những vùng tròn hoàn hảo trên thân thể chị nói được rằng chị đã từng trải hạnh phúc nhục cảm. Chị nêu ý kiến thẳng thắn về chuyện tình của tôi và em trai chị. Sĩ bước vào nhà, hơi biến sắc. Kể ra đã gần ngày thi mà cứ để anh chàng khắc khoải, “không hiểu nỗi em…”, thì tôi vô tình và ác quá. Tôi cảm thấy thương thật là thương cái vẻ xanh xao mùa thi nơi Sĩ. Thân phận tuổi trẻ chịu một điều hết sức mĩa mai – gánh nặng thi cử. Rồi kẻ đỗ người trượt gì cũng không được miễn những chán chường, mệt mỏi, cả sự mơ hồ, vô định về tương lai. Tôi không chối cải là có để ý đến trình độ trí thức của người tiếp chuyện, nhưng tôi vẫn có thể vừa thân mật vối các giáo sư, bác sĩ, vừa yêu Sĩ, nhớ Hòa.
Bây giờ là lúc Sĩ tạm chia tay với đám bạn ở phố Độc Lập để nằm nhà ôn thi, còn tôi sắp trở về Sài Gòn. Tuy rất mất nhiều thì giờ về những nghĩ suy nội tâm nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích hòa mình vào đám con trai, con gái sống rất vô tư, chỉ thích tụ họp, phá phách. Quần áo màu mè, thời trang và những trò vui vô tâm. Hình như họ không đi tìm điều gì khác hơn ngoài nhạc họ Trịnh, nhạc ngoại quốc và khói thuốc. Sĩ là con người sống thiên về nội tâm như tôi, nhưng vẫn café, thuốc lá và vài lúc rượu mạnh với bọn này. Như đêm Giáng sinh, tụ tập hàng trăm chiếc gắn máy, chạy hàng một, mở đèn pha và nhấn còi kéo dài, không tha một con phố nào. Để sáng hôm sau, đài phát thanh lên tiếng và cảnh sát lùng bắt những tên chạy hàng đầu. Nhìn những đứa con trai uống say rồi đập lộn, tôi nghĩ đến những con gà trống biết chán đời. Rồi đứa nào cũng phải đi lính… Thôi, từ lâu rồi tôi quên nghĩ đến chiến tranh.
Sĩ vừa cho biết, vì năm nay anh lại thi Tú tài lần nữa nên quá tuổi, giấy gọi nhập ngũ đã gởi tới nhà. Đậu rớt gì cũng lên đường. Sắp xa Sĩ rồi nhưng thật tình, tôi cảm thấy không có gì là thảm khốc, nghiêm trọng về chuyện Sĩ đi lính, tham gia cuộc chiến. Biết đâu, tôi sẽ trao hết cho Sĩ trong đêm cuối cùng hai đứa còn ở bên nhau.

 
 

Tạp Chí Khởi Hành, số tháng Ba/1970

Phạm Nga