TỪ BỨC ẢNH BI TRÁNG ĐẾN BỨC TƯỢNG HÀO HÙNG

CỦA HAI NGHỆ SĨ QUÂN ĐỘI VNCH TÀI DANH

 
 
 

Trước tháng 4/75, qua sách báo, tạp chí và thời sự văn học – nghệ thuật trong nước và cả nước ngoài, gần như gây âm vang cùng thời là danh tiếng của nhiếp ảnh gia quân đội Nguyễn Ngọc Hạnh (1927- 2017) cùng điêu khắc gia quân đội Nguyễn Thanh Thu (1934-2025). Cùng đề tài về ‘Người Lính VNCH’, đã có rất nhiều ảnh nghệ thuật và tượng đài nghệ thuật của hai nghệ sĩ tạo hình này được quần chúng tán thưởng, ngưỡng mộ. Trong số đó, có lẽ tiêu biểu hơn hết ở mỗi nghệ sĩ ngẫu nhiên có một tác phẩm mà tên gọi thì tương tự nhau, đó là bức hình Tiếc Thương của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh thực hiện năm 1965 và tượng đài Thương Tiếc của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu hoàn thành năm 1967.

Về bức Tiếc Thương, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh đã cho biết tính bi tráng của ảnh được ông mường tượng ngay khi chứng kiến nỗi đau tột cùng của một cô gái ở Củ Chi, có chồng đi lính bị VC giết, xác nằm lẫn trong 6 cái xác đều mất đầu, ông đã giúp cô tìm thẻ bài để nhận diện, sau đó cho cuốn xác lại đem về. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh kể tiếp: “Hôm sau tôi đến nhà cô gái mong có thể chụp một tấm hình của cô nhưng cô vẫn khóc lóc thảm thương quá nên không thực hiện được. Khi về dưỡng quân ở rừng cao su Ngã Ba Ông Tạ, tôi nhờ con gái tôi tìm giúp một bạn gái nào đó có hoàn cảnh tương tự như cô gái ở Củ Chi để dựng tấm hình Tiếc Thương. Cô Tâm là người con gái mà con tôi tìm được (hiện cô đang sống tại thành phố Oklahoma). Lúc đó cô mới 19 tuổi, ý trung nhân của cô trong một chuyến bay nhảy toán ngoài Bắc bị Bắc Việt bắn rơi máy bay và bị bắt làm tù binh. Tôi đến gặp gia đình cô và xin phép được mời cô đi chụp hình với tôi. Gia đình cô đồng ý. Chỗ chụp hình là một quán bia ở xa lộ Biên Hòa. Tôi nhờ một anh bạn biết thổi sáo, nhờ anh ngồi ở phòng bên cạnh chơi những bản nhạc chiêu hồn như chương trình trên đài Sài Gòn. Con tôi cũng ở đó, đọc những lá thư của ý trung nhân cô Tâm viết cho cô. Tôi chải tóc cho cô như trong hình rồi đưa một tấm thẻ bài cho cô cầm. Trong không khí u buồn và bị tác động bởi tiếng sáo não lòng cùng với những lời lẽ trong bức thư của ý trung nhân, cô ta khóc nấc lên. Những giọt nước mắt lăn trên má, rớt xuống tay là những giọt nước mắt thật. Hai giọt nước mắt trên tấm thẻ bài là do tôi tạo ra. Chụp được 6 tấm thì cô tỉnh lại, không khóc nữa. Ảnh tôi chọn, công bố là tấm hình lúc cao điểm nhất khi cô ấy nấc lên…”.(1)

Tiếc Thương

Thương Tiếc

Còn tượng đài đầy nét hào hùng, tên gọi Thương Tiếc của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, nhằm khắc họa hình ảnh một người lính trẻ ngồi trên tảng đá, với súng đặt trên đùi, ánh mắt trầm tư, biểu hiện nỗi đau thương trước sự hy sinh của đồng đội. Ý tưởng cho tác phẩm này đến từ một lần ông Thu bắt gặp hình ảnh một hạ sĩ Nhảy Dù ngồi uống bia một mình với hai cái ly, một cái dành cho người bạn đã hy sinh. Sau này, để hoàn thành bản vẽ chính xác cho ‘Thương Tiếc’, anh hạ sĩ nhảy dù - tên là Võ Văn Hai - suốt trong ba tháng đã kiên nhẫn ngồi làm mẫu cho ông Thu chỉnh đi, sửa lại từng nét một.

Ban đầu là năm 1966, tượng được thực hiện bằng bê-tông, cốt sắt, đến năm 1970, được thay đổi bằng đồng. Tượng cao 4m, nếu tính cả mô đất dưới chân người lính và bệ tượng thì chiều cao của tượng đài là 8m. Với tác phẩm này điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu nhận giải đặc biệt của Tổng tư lệnh tối cao Quân đội VNCH vào tháng 8 năm 1968...

Cái giá mà tác giả tượng đài Thương Tiếc phải trả là sau năm 1975, ông Thu trở thành nơi trút hận thù của bọn cán bộ trại tù cải tạo. Chỉ là người sáng tạo điêu khắc nhưng ông phải trải qua 8 năm tù ở trại Hàm Tân. Ông Thu kể rằng trong những năm đó, ông có 22 tháng bị nhốt biệt giam và bị đánh đập tàn nhẫn ngày này qua tháng nọ. Khi ông lên tiếng hỏi vì sao ông bị tra tấn dã man như vậy, thì cán bộ vừa đánh vừa nói “Tội của anh là lưu lại cái tư tưởng, cái hình ảnh, cái tinh thần đó mới là quan trọng. Anh đừng nghĩ đến chuyện trở về nhé”. Những ngày tháng bị bỏ đói với vô số những trận đòn thù đã khiến cơ thể chỉ là da bọc xương. Có lần một cán bộ yêu cầu ông viết đơn xin khoan hồng và đổ tội hết cho chế độ cũ chứ ông không tự mình tạo ra những tác phẩm điêu khắc của quân đội. Ông Thu kể rằng lúc đó ông đã đuối sức lắm, chỉ còn thều thào nói được là “Tôi tạo ra, tượng chết thì tôi chết theo”. Một cán bộ tức giận nhào tới tát vào hai bên tai của ông. Những cú tát chí mạng khiến máu mũi và máu tai ứa ra, ông Nguyễn Thanh Thu điếc gần như cả hai tai từ đó.

Điêu khắc Nguyễn Thanh Thu có tham gia chương trình đi H.O của sĩ quan bị cải tạo. Ông ở Mỹ gần 10 năm, nhưng loay hoay vì nhớ nghề điêu khắc mà không thể nào nối lại được, sức khỏe thì suy sụp mà quá cô đơn với tâm hồn nghệ thuật của mình, nên sau đó ông xin về lại Việt Nam. Sống với con cái ở số 176 Nguyễn Thượng Hiền, phường 1 Gò Vấp (cũng là quán cà phê Tượng Đá), ông Thu lặng lẽ tiếp tục tạo ra những bức tượng riêng của mình, dù tuổi đã lên hàng ‘9 bó’, lại luôn đau yếu. (2)

Thật vô vàn đáng tiếc cho giấc mơ lớn nhất mà ông đã thố lộ “… sẽ có ngày phục dựng được bức Thương Tiếc” là vừa qua, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã qua đời ngày 6/5/2025 tại Sài Gòn.

 
 

PHẠM NGA tổng hợp

________________________________________________________________
(1) https://mauaotran.blogspot.com/2023/03/tim-hieu-ve-hinh-tiec-thuong-va-va-co.html
(2) https://nhacsituankhanh.com/2021/05/16/tac-gia-buc-thuong-tiec-o-tuoi-90-xe-chieu-hiu-hat/