Điểm phim:

Phim "Thư Gửi Juliet": Đi Tìm Nhau Trong Tình Yêu Vĩnh Hằng

* Letters to Juliet - Đạo diễn: Gary Winick - Diễn viên: Amanda Seyfried, Vanessa Redgrave, Gael Garcia Bernal, Franco Nero… - Sản xuất: Summit Entertainment (Mỹ) 2010 – Chiếu lại: Kênh Star Movies ngày 10-5-2013.
 
 
 

1.
Nhìn chung, cốt truyện phim Thư Gửi Juliet xoay quanh đề tài quen thuộc là tình yêu, cấu trúc khá đơn giản, êm ái, không có những khúc mắc, éo le quá đáng, không có cao trào thù hận, giết chóc hay tự vẫn, cũng không cả những rẽ ngoặt bất ngờ… Cô gái người Mỹ Sophie (Amanda Seyfried) xinh đẹp, đang làm biên tập cho tờ The New Yorker nhưng luôn khao khát được thể hiện tài năng như một nhà văn trẻ. Sophie đã đính hôn với Victor (Gael Garcia Bernal), anh chàng đầy óc thực dụng này luôn bám chặt công việc kinh doanh nhà hàng sắp khai trương của mình. Hai người đến Verona, nước Ý để đặt trước đám cưới lẫn tuần trăng mật. Nhưng khi họ đến nơi thì Victor chỉ lo nếm thức ăn và mua rượu tại một buổi đấu giá khiến cho Sophie cảm thấy bị bỏ rơi.

Trong lúc đi lang thang trong thành phố, Sophie tình cờ thấy một ngôi nhà cổ với rất nhiều lá thư được dán lên bờ tường - nơi đây được cho là từng thuộc về nàng Juliet, trong thiên tình sử tráng lệ “Romeo và Juliet” của văn hào Shakespeare. Những lá thư cùng gửi đến Juliet này do người viết toàn là phụ nữ và được những "thư ký của nàng Juliet" tức một nhóm tình nguyện viên tập hợp lại vào cuối mỗi ngày để chia nhau trả lời.

Trao đổi với nhóm tình nguyện, Sophie nhận ra đây có thể là một bài báo hấp dẫn mà cô có thể khai thác. Tình cờ, Sophie tìm thấy một lá thư rất cũ, đã có từ năm 1957 của một cô gái người Anh. Trong thư, cô ta bày tỏ sự lo lắng rằng mình đã phạm sai lầm khi rời bỏ người yêu là một chàng trai người Ý.

Sophie hồi âm thư và kinh ngạc khi một thời gian sau đó, đến tìm cô là một phụ nữ người Anh tên Claire Smith (Vanessa Redgrave) và cậu cháu Charlie Smith (Christopher Egan). Bà Clair chính là cô gái viết bức thư năm 1957 và đã 50 năm trôi qua, giờ đây đã là một góa phụ gần 70. Nhận được thư trả lời, bà Claire như sống lại những khoảnh khắc tình yêu quý giá trong đời mình nên quyết định sang Ý để gặp Sophie.

Cùng Charlie và Sophie, bà Clair lên đường đi tìm người tình thuở thanh xuân của mình - một người đàn ông Ý tên là Lorenzo. Riêng Charlie không hề thích thú với ý tưởng đó do anh không muốn bà Claire có thể bị tổn thương hay thất vọng trước ‘cố nhân”. Theo trí nhớ của bà Claire, họ đến vùng trồng nho Siena và lần lượt gặp hàng chục người tên Lorenzo Bartolini. Trong quá trình tìm kiếm, Sophie nhận ra Charlie cũng không đáng ghét như vẻ bề ngoài lạnh lùng kiểu người Anh của anh ta.

Những thước phim tuyệt mỹ ghi lại phong cảnh thiên nhiên vốn sẵn tươi đẹp của nước Ý còn kéo dài mãi cho đến cái kết có hậu của phim Letters To Juliet. Đó là người tình bí ẩn của bà Claire được tìm thấy, rồi một đám cưới thật vui vẻ, rỡ ràng. Tình yêu – sau 50 năm ngăn cách, tưởng đà vô vọng – rốt cuộc đã tựu thành hạnh phúc cho đôi bạn đời tóc bạc Clair - Lorenzo.

2.
Có thể nói phim Thư Gửi Juliet gởi đến chúng ta là có ý dành cho những ai tin vào một tình yêu vĩnh hằng, thách đố cả thời gian lẫn không gian ngăn cách. Đó là tình yêu đích thực và thuần khiết, trong đó thật lãng mạn, huyễn hoặc đến nao lòng người xem phim là hình ảnh Claire, người đàn bà tóc đã lơ thơ và bạc đi nhiều, đã lặn lội đi tìm mối tình đầu của mình sau 50 năm cách biệt như một nỗ lực không khoan nhượng nhằm thực hiện một giấc mơ thầm kín, đẹp đẽ nhất trong phần đời còn lại của mình.

Tất nhiên, dù đã một góa phụ tuổi đã gần 70, không còn nặng nợ gia đình, chồng con, nhưng cuộc hành trình đi tìm người yêu đầu đời ở xứ lạ, quê người của bà Clair vẫn vô cùng khó khăn, gian nan do trong tay bà chỉ có kỷ vật duy nhất là một chiếc nhẫn cùng cái tên “cố nhân” mơ hồ là Lorenzo, trong khi ở nơi chốn bà gặp gỡ mối tình đầu ngày xưa là vùng Siena mờ mịt hiện có đến 74 người cùng tên Lorenzo Bartolini.

Bà Claire cùng Sophie, Charlie đã gặp nào là thợ trồng nho, cha xứ, đầu bếp, bệnh nhân trong viện dưỡng lão.v.v…, cùng tự nhận là Lorenzo, kể cả một ông bợm rượu đang say khật khưỡng - đến nổi bà vợ đứng cạnh đã hét lên “Mang lão đi dùm cho khuất mắt!” - cũng nhận mình là Lorenzo… Đã bao lần ánh mắt bà Claire sáng lên, để rồi sau đó lại tắt ngúm hy vọng.

Có lần chỉ mới thoáng đối diện với một ông Lorenzo-nào-đó, bà đã sa sầm, kéo Sophie bước lui và nói nhỏ: “Mình đi cháu à. Không phải ánh mắt của ông ấy đâu!”. Câu thoại thật ngắn ngủi nhưng ngôn ngữ điện ảnh lại vô cùng sâu sắc, đủ khiến người xem phim chất ngất cảm xúc và thương cảm cho người đàn bà đi tìm lại mối tình đầu của mình, vì chỉ tình yêu chân thực mới có khả năng diệu kỳ là giúp ta mãi mãi ghi nhớ ánh mắt của người yêu mà không hề lầm với ánh mắt của ai khác.

Sức mạnh của tình yêu còn diệu kỳ hơn nữa ở trường đoạn “vàng” trong phim đặc tả cảnh hai người yêu chợt gặp lại nhau – phải nói là bắt được nhau – sau bao năm tháng ‘vật đổi sao dời’. Đó là vào khi bà Clair cùng hai bạn trẻ đều đã mệt mỏi ê chề sau bao ngày rong rủi, hoàng hôn đã xuống, anh chàng Charlie chán nản phóng xe nhanh trên đường để tìm chỗ nghỉ đêm, thì khi vừa thoáng thấy bên đường có cái cổng một vườn nho treo bảng là “Caparzo”, bà Clair nhất định yêu cầu phải quay xe lại. Bà nói như linh tính mách bảo, bà cảm thấy “ông ấy” đang ở đây.

Nghe khách hỏi lớn về cái tên Lorenzo, một cậu thanh niên trẻ măng đang làm việc gần cổng vườn bước đến nhận mình là Lorenzo. Bà Clair hỏi tiếp là ở đây hiện còn ai khác cũng tên ấy không, thì một người đàn ông trung niên lên tiếng: “ Tôi cũng tên Lorenzo Bartolini, bố của thằng Lorenzo-con đây”. Bà Clair vẫn ẩn nhẫn hỏi tiếp: “Thôi thì…, trong giòng họ anh còn ai khác cùng tên họ Lorenzo Bartolini nữa không?”. Đến lúc này thì phải nói là không còn hy vọng gì nữa khi Lorenzo-bố đáp rằng: “Có chứ, nhưng ông ấy không có ở đây”. Mọi người chán nản, nín lặng, thì người đàn ông lại nói tiếp: “Đó là Lorenzo-ông nội, cha của tôi. Ông ấy mới vừa cởi ngựa đi, một lát sẽ trở lại”…

Người đàn bà thảng thốt nhìn sững người đàn ông leo xuống ngựa.
Ông ta bước chậm về phía người đàn bà rồi dừng lại.
Hai người đứng cách nhau vài mét, đăm đăm nhìn nhau.
Nhịp phim dừng hẳn lại trong câm nín.
“Clair phải không?”, người đàn ông hỏi nhỏ.
“Phải, em đây!”, người đàn bà thì thầm.

Chỉ trong vài giây phút trong cuốn phim Thư Gửi Juliet, tài nghề của các tác giả làm phim đã lột tả được khía cạnh ‘thần giao cách cảm’ tiềm tàng trong tình yêu vĩnh cữu. Khi nêu lên linh tính của bà Clair khi thoáng thấy vườn nho Caparzo rồi đến trực giác ông Lorenzo là nhận ra ngay người yêu cũ sau bao năm xa cách, tư tưởng nghệ thuật của phim đã gần như cận kề thuyết VÔ NGÔN trong đạo học Đông phương. Công sức nghiên cứu sổ hộ tịch, tra xem bản đồ, hỏi han dân địa phương… lớn lao biết bao cũng đâu có dẫn bà Clair đến đúng nơi chốn cần tìm là vườn nho Caparzo? Và đâu cần phải chờ được hỏi tên tuổi, nhận diện tới lui như bao trường hợp khác, chỉ im lặng nhìn nhau trong giây phút thôi, ông Lorenzo cũng đủ nhận ra người yêu cũ, dù việc này rất khó vì dung nhan nàng đã quá khác xưa? Tưởng đã phôi pha trong quên lãng, nhưng chỉ trong thoáng chốc, tình yêu đích thực đã như một nguồn sáng huyền diệu xua tan đi bóng tối trong trí nhớ của người tình.

Nói cách khác, những người yêu nhau chân thực đã NGỘ ra ngay được hiện hữu của nhau mà không cần đến sự dẫn dắt của bất cứ dạng thông tin, ngôn ngữ bình phàm nào khác.

Một đoạn rất thú vị khác trong phim là ở đám cưới, chú rể Lorenzo tóc bạc trắng đã nâng ly, tự nhận xét rất phóng dật mà thấm thía về hạnh phúc chung đôi của cặp ‘tình già’, rằng “Điều mà người ta hay nói về tình yêu là không có gì là quá muộn”.

Vâng, điều này cũng có nghĩa là không có gì quá muộn khi cô dâu tuổi đã gần 70 mới hiện diện trong đám cưới ngọt ngào hạnh phúc này. Do ngăn cách biển trời và 50 năm dài đăng đẳng, tưởng như mối tình đầu thuở thanh xuân chỉ còn là kỷ niệm, bóng dáng người tình xưa thì mờ mịt, xa xăm, còn hay mất trong đời cũng không rõ…, thì do thúc đẩy, gợi nhắc nào bà Clair dám quyết tâm lên đường sang Ý? Đó là do đột nhiên bà nhận được lá thư hồi âm đến rất muộn của Sophie, trong đó cô nhà báo đã thay lời nàng Juliet khuyên cô gái tên Claire, dù thế nào đi nữa hãy dũng cảm nghe theo tiếng gọi của con tim mà theo đuổi cuộc tình chân thực của mình.

Và như cuốn phim đầy thơ và đầy mộng Thư Gửi Juliet cho thấy, dù đầy gian khó đến tưởng như vô vọng, đã là cuộc hành trình ‘vì tình yêu’ thì chuyến đi tìm lại người yêu đầu đời của người đàn bà tóc bạc trắng kia cũng không bao giờ là quá muộn.

 
 

PHẠM NGA