VÀI TRANG TRUYỀN THUYẾT VỀ THÂN BIỂN

Truyện Kỳ Ảo


 
 
 

1.
Từ thuở tạo thiên lập địa, phần nước, phần biển trên trái đất rộng bao la, còn lớn hơn cả phần đất liền. Rồi thật lâu sau ngày xuất hiện trên trái đất, con người mới cố gắng phục vụ cho kiến thức của mình về cõi tự nhiên bằng cách chủ quan phân chia phần có nước của trái đất thành các các đại dương rộng lớn, nhỏ hơn là các vùng biển khu vực, trong đó có biển Nam Hải nằm ở rìa lục địa châu Á.

Vùng biển vừa nói mang tên như thế là do người Trung Hoa cổ khi liên hệ với lãnh thổ của họ đã thấy vùng biển này nằm ở phía Nam đất Trung Hoa nên họ theo chủ quan mà đặt ra cái tên “Nam Hải”. Theo dòng thời gian, nước Việt cổ ra đời và dần hồi mở rộng về phía Nam với gần trọn biên giới phía Đông chính là bờ biển nhìn ra cái gọi là Nam Hải theo cách gọi của người Hoa. Do đó, cho đến ngày nay, đúng là hợp lý, xác đáng khi người Việt gọi tên vùng biển nằm ở phía Đông của nước mình là Đông Hải, hay nôm na là “biển Đông”.

Tuy nhiên, theo dòng lịch sử và huyền thoại, các tín ngưỡng dân gian phổ biến trong đời sống tâm linh của lớp ngư dân người Việt sống ở vùng duyên hải biển Đông thời xa xưa vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng dân gian Trung Hoa. Như người Hoa từ xưa đã có tục thờ Nam Hải Long Vương, tức vị thần cai quản vùng biển mà họ gọi là Nam Hải, khi đến với người Việt xưa, tục thờ vị thần biền cả này được sửa tên gọi, thành Nam Hải Tướng Quân. Một điều quan trọng, tạo nên khác biệt trong nội dung của hai tập tục hai nước là, dù tính từ “Nam Hải” vẫn giữ nguyên nhưng người Việt tôn cá voi – một sinh vật sống ở biển sâu - làm vị tướng từ Trời xuống cai quản biển cả, trong khi người Hoa tôn rồng – một linh vật chỉ có huyền thoại – làm vua nơi biển cả.

2.
Như đã nói, không rõ do nguyên nhân nào khi thờ vị thần cai quản biển Đông, người Việt ta lại không nhân-hình hóa, thành một ông tiên râu dài, tóc bạc chẳng hạn. Đằng này tại các ngôi miếu thờ thần Biển, ngư dân lập bài vị chữ Hán là “Nam Hải Tướng Quân”, hay “Nam Hải Phước Thần”, còn kèm theo các bộ xương cá voi, hàm ý vị thần này vốn là loài cá voi tu luyện rồi hiển linh thành thần.

Lý do nào khiến con người – đúng hơn là ngư dân - tôn cá voi thành thần Biển? Có một cách lý giải, rằng cá voi, hay cá ông, là một sinh vật sống ở biển mà con người có thể tiếp cận, có thể thấy tận mắt, vốn có kích thước to lớn khủng khiếp, có thề xem là lớn nhất trong các loài sống dưới biển và lớn hạng nhì theo bảng xếp hạng của người phương Đông cổ về bốn loài lớn nhất trên trái đất, đó là “Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”.

Tất nhiên con người cổ xưa cảm thấy sợ hãi trước kích thước vĩ đại, đẩy sức lấn lướt và đe dọa của cá voi. Đó là loại tâm lý tiền-lý-trí, tiền-tri-thức phổ biến nơi những tộc người cổ sơ khi sống trong cõi tự nhiên hoang dã, đó là họ sẵn sàng thần bí hóa bất cứ hiện tượng thiên nhiên nào mà họ không lý giải được, hay bất cứ cái gì, con gì quá lớn, quá mạnh, đầy sức đe dọa hay có thể hại chết con người – như đã có đủ thứ thần được con người lập danh sách như: thần Sấm Sét, thần Mưa, thần Núi, thần Mam mút, thần Rắn... Chính tâm lý chịu bị khuất phục này đã khiến đám ngư dân nước Việt cổ xưa truyền nhau tục thờ cá voi ở biển như một vị thần, một vị tướng của Trời xuống cai quản biển cả, đồng thời có thể phò hộ cùng thưởng phạt về hành vi của con người.

Cụ thể hơn về dung mạo thần Biển thì có vẻ đây là cá voi đực linh hiển, bởi thần còn có tên gọi dân dã thường dùng là Ông Nam Hải hay ngắn, gọn hơn – Ông.

Cũng theo tin tưởng của ngư dân, phải kể thêm hai vị thần tùy tùng cho Ông, mang hình hài cá ba hầu và cá đao, là hai loài cá có kích thuớc tuy không lớn bằng cá voi nhưng vẫn đủ to lớn khiến lũ cá mập phải khiếp hồn, lo tránh xa đường đi của bộ sậu thần Biển.

Cá ba hầu có phần đầu phát triển thành một mũi xương nhọn thật dài và nhọn, trong giống một ngọn giáo của thổ dân, và đặc biệt là phần vây lưng tỏa rộng, khi dựng đứng trông giống như một lá cờ, đúng hơn là một cánh buồm. Cá ba hầu cỡ nhỏ thì dân đi biển gọi là cá cờ, cỡ lớn siêu hạng mới được họ gọi là cá ba hầu, hay cá ông hầu - con cá theo hầu Ông. Cũng gần giống tâm tình ngư dân sùng mộ loài cá có tấm thân đẹp một cách kỳ vĩ này, một nhà văn kiệt xuất người Mỹ đã chọn cá cờ làm một trong hai nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết của ông, phải nói là một tuyệt tác văn học lừng danh thế giới, có tựa là Ngư ông và Biển cả.

Còn về con cá đao, phần đầu cũng phát triển thành một thanh xương dài, dẹp, trông giống một thanh đao của các hiệp khách Trung Hoa. Lưỡi đao của con cá thần phò tá Ông còn được điểm tô bằng những mấu sừng, trông giống những cái ngạnh nhọn hoắc, đầy đe dọa...

3.
Như trong truyền thuyết về các đại dương đã ghi chép, một lần nọ thần Biển đã hiển linh hiện ra trước mắt một lão ngư phủ, bằng cách tự nhân-hình hóa mình thành cũng là lão ngư thật già nua nhưng thật quắc thước. Bất ngờ là thần đã tiết lộ thiên cơ với lão ngư người phàm kia, rằng cá voi chỉ là kiểu ngư-hình hóa độc đoán của Ngọc Đế dành cho thần. Do đó, như một kiểu chống đối tiêu cực, thần thích hiện thành người như lúc này hơn.

Thông tin của thần Biển cho thấy vị thần này khá hàm hồ vì chuyện thần phải chịu mang cái thế thân là con cá voi không hề là do ý chí của Thượng Đế. Như đã nói ở phần trên, chính do người phàm đã làm cái việc ngư-hình hóa thần Biển thành cá voi, khi loài người bé nhỏ quá xúc động, khiếp sợ trước kích thước vĩ đại của giống loài này.

Cũng theo truyền thuyết, khi với hình dạng cá voi mà không hoàn thành công tác cứu độ người chưa tới số chết lại bị nạn ngoài biển, thần Biển sẽ bị hai vị thần tùy tùng của mình, tức cá đao và cá ba hầu, xử tử bằng mũi giáo nhọn cùng mũi đao có ngạnh, vốn chỉ là vật trang trí cho thân mình cá, cũng là vũ khí để đánh nhau khi tranh chấp quyền lợi hay tranh giành bạn tình nơi hai loài cá này.

Lại có một vài trang rất buồn thảm trong truyền thuyết, đúng hơn là rất bi tráng, mà trong lúc hiển linh trước mặt ông lão, thần Biển đã chợt ngậm ngùi tấc dạ, suýt tí nữa đã đi tâm sự ủ ê với người phàm.

Đó là chuyện rất lạ lùng, có vẻ ngược lại với tục thờ Ông, tức cá voi đực. Chuyện kể về một nữ Nam Hải Tướng Quân, mang hình hài một con cá voi cái – vậy thay vì Ông, ở đây phải gọi là mới thích hợp. Chuyện rất gay cấn, vào đúng lúc chuyển dạ sắp sinh cá voi con, chợt bão dữ lại nổi lên ở một vùng biển xa, đe đọa nhấn chìm một số ngư phủ chưa tới số chết. Ở một nơi còn xa xôi, mù mịt hơn nữa, tạm gọi là cõi Thần, có vị thần nắm quyền quản trị nhưng không hề sâu sát thực tế dưới biển, lại truyền tới cái lịnh công tác cứu hộ khẩn cấp, không hề khác cung cách cửa quyền, đui mù của mấy ông quan chức bàn giấy, cán bộ quản lý trên trần thế xưa nay.

Trước cái nhìn lạnh lùng, vô cảm của hai tiểu tướng hộ giá là cá ba hầu và cá đao, đành phải lấy hết sức lực, bụng mang dạ chữa lê mình vượt qua phong ba bão táp, vật vã bơi đến chỗ những con người đang gặp nạn.

Công việc cứu hộ con người hoàn tất, nhưng nữ Tướng Quân của biển cả đã sức cùng hơi cạn. bục dạ sinh non một hài nhi, rồi thật thương tâm là cả hai mẹ con đều chết giữa trùng khơi.

Hai cái xác cá voi tắp vào một bãi biển cũng thuộc vùng Nam Hải tức biển Đông. Dân làng chài nơi đó không biết làm gì hơn là tổ chức lễ tang cho hai Ông lụy(lị) – từ dân gian nói về cá voi chết. Tất cả diễn ra tại bãi biển, người ta hỏa thiêu hai các xác khổng lồ rồi lập miếu thờ chung hai mẹ con nhà cá voi. Rõ ràng là đám ngư dân chỉ biết lo liệu cho cái chết cho thần Biển bấy nhiêu thôi, chứ hoàn toàn u minh, không thể biết khúc nôi, diễn tiến của tấn thảm kịch dưới biển sâu.

Khía cạnh bi tráng nhất của tấn thảm kịch nằm ở điểm Bà Nam Hải cùng con mình, do đã hoàn thành nhiệm vụ cứu người, đã không lụy tức tưởi, tủi nhục bởi vũ khí hành hình của hai tùy tướng cá cờ và cá đao, ngược lại là đã chấp nhận hy sinh khi lấy hết sức tàn đi cứu người trong hoàn cảnh oái ăm, bất khả.

Ở bình diện siêu hình của vũ trụ, đó là sự chấm dứt tồn tại của một mẩu thần linh trong một hoàn cảnh thật bi hùng. Nhưng ở bình diện hữu hình của đời sống sinh vật tại thế, ở đây đơn thuần chỉ là bi kịch, tức loại sự kiện xảy ra thật buồn thảm, thương tâm. Vì, như điểm sâu sắc nhất của tấn thảm kịch đã cho thấy, rằng thay cho một khai mở đầy hân hoan - cá voi con ra đời, lại là một kết thúc đầy oan nghiệt – cái chết của cả hai mẹ con nhà cá voi.

 
 

Phạm Nga

(Trích truyện kỳ ảo HỒN MA BIỂN, Saigon 2016)