Tạp Văn

Về Quê Ăn Tết

 
 
 

1.
Xưa nay, đối với hầu hết người Việt phải xa quê hương, ‘tha phương cầu thực’ thì được về quê nhà xum họp với gia đình vào dịp Tết nguyên đán vốn là một hạnh phúc lớn lao, rất sâu nặng ý nghĩa. Ở hải ngoại, khác với nhiều nhóm dân cùng gốc châu Á, người Việt mình là sắc dân hay bận rộn nhất về chuyện ‘cày’ kiếm tiền để quay về nước ăn Tết với gia đình, gia tộc. Trước Tết đôi ba tháng, các bạn Việt kiều đã đau đáu lo book vé – để được hưởng giá hạ, và ít nhất cũng phải về đến nhà được trước giờ giao thừa đón ông bà.

Còn ở trong nước, cũng mang tính chất một món nợ tâm linh, tình cảm đời người như thế, chuyện về ăn Tết ‘bên nội’ hay ‘bên ngoại’ – nhất là có ông bà nội/ngoại còn sống như đã già yếu, ốm đau… - đôi khi còn gây ra tranh cải, giận hờn giữa nhiểu cặp vợ chồng, từ những đôi lứa còn son, mới cưới cho đến những anh chị ăn ở đã bền lâu, con cái đã đùm đề… Cũng lạ, vì người ta cãi nhau, giận dỗi, mặt nặng mặt nhẹ chỉ là đề rời bỏ thành phố mùa Tết thật náo nhiệt, đông vui, nhiều thú giải trí ngày Tết để dành nhau dẫn cả cái gia đình nhỏ của mình về ‘nhà ba anh’ hay ‘nhà bên má em’…, chẳng qua là vùng quê hẻo lánh, có khi buồn thiu, rất xa Sài Gòn và ‘chẳng có gì cho mấy đứa nhỏ chơi’…

Hồi còn nhỏ, tôi đã nhiều dịp tò mò theo dõi cảnh tượng gia đình nhỏ của anh chị mình hay bên hàng xóm, cận Tết là lo tay xách nách mang, quà cáp lủ khủ, tất tả ra bến xe hay vất vả chất tất cả người ngợm, đồ vật lên xe gắn máy để về quê ‘bên ảnh’, ‘bên chỉ’ gì đó để ăn Tết với ông bà già. Rất đời thường, thậm chí có anh tôn thờ chủ nghĩa độc thân, sợ gánh nặng thê nhi cho là hơi ‘sến’, nhưng cảnh tượng này lại rất đáng yêu, đáng phục vì thấm đẩm tình cảm gia đình, gia tộc nơi con người Việt Nam luôn thương yêu, xem trọng cội nguồn thân thế.

2.
Khi đến lượt tôi lập gia đình, có con cái thì thời thế sau tháng 4 - 1975 đã khó khăn hơn nhiều. Gia đình cha mẹ, anh em tôi thì ở Sài Gòn, gia đình bên vợ tôi thì ở Vũng Tàu, cách nhau khoảng 100 cây số, còn tôi thì sau ngày học cải tạo về, vừa lấy vợ thì bị chỉ định phải nhận việc ở một nông trường vùng Củ Chi, cách Sài Gòn 45 cây số. Bên nào cũng nghèo, nhất là nhà bên ba má tôi rất chật hẹp, nên vợ tôi cùng 2 đứa con phải về nhờ đỡ bên nhà cha vợ tôi ở Vũng Tàu. Ngày thường thì đã phải sống xa vợ con, cha mẹ nên mùa Tết đến là tôi lại đắn đo và thường là tôi chọn (gọi là) ăn Tết ở quê vợ, vì dù sao cũng là gần vợ, gần con mình.

Thế là, khoảng 27, 28 tháng chạp, từ Củ Chi về Sài Gòn là tôi chỉ ngủ lại một đêm, sáng hôm sau lại tất tả ra bến xe miền Đông đón xe về Vũng Tàu. Cái thời các năm 1976- 1979 ấy, phương tiện giao thông công cộng rất khó khăn, vài năm đầu còn phải đi xe than. Vì xăng dầu khan hiếm, ngày thường xe khách tại bến rất ít chuyến, còn vào mùa Tết, có tăng cường thêm xe nhưng không bao giờ đủ cho nhu cầu người dân đổ xô về quê ăn Tết. Do đó, tôi phải thức dậy lúc 4 giờ sáng, vội vội vàng vàng kiếm xe lam chạy ra bến xe, xếp vào cái hàng người đã dài thượt trước quấy vé, thấp thỏm kiếm chiếc vé giá chính thức quý giá để về quê vợ, mới mong có mặt bên cạnh vợ con trong ba ngày Tết.

Có năm, liên tiếp các chiều 29, 30 tháng chạp tôi lại thất thểu quay về nhà ba mẹ, vì dù nhịn cả cơm trưa, đứng lì tại chỗ, không dám bỏ hàng nhưng kết quả thảm hại là không hề mua được vé chính thức vào các ngày cao điểm cận Tết này. Như vào giấc 5 giờ chiều, hàng người còn không bao nhiêu nhưng loa phóng thanh ở bến đã lạnh lùng thông báo: “Đã hết vé tuyền đường Bà Rịa – Vũng Tàu. Bến xe sẽ bán vé tiếp vào 4 giờ 30 sáng mai. Mời bà con về nghỉ hoặc tìm phương tiện khác mà đi!”. ‘Phương tiện khác’ có nghĩa là xe chui, xe dù đậu rãi rác quanh bến xe, 8 – 9 giờ đêm cũng còn nhưng vé giá chợ đen gấp 2 – 3 lần giá chính thức tại quầy vé.

Tôi buồn rầu, nhớ vợ con đến quặng cả cõi lòng và vô cùng nóng ruột (thời đó không có điện thoại bàn hay đi động tràn ngập như bây giờ để gọi cho vợ con đỡ mong ngóng) nhưng đổi chiến thuật, đó là sáng mùng Tết mới ra bến xe. Sáng đó cũng có vài chuyến xe về Vũng Tàu và được cái là khách rất vắng, mua vé chính thức rất dễ… Niềm hạnh phúc lớn lao của tôi năm đó là dù hơi muộn nhưng trưa mồng 1 Tết tôi đã được có mặt bên vợ con ở quê vợ.

Cũng là niềm hạnh phúc đơn sơ, mộc mạc ấy khi vào những dịp cuối tháng lãnh lương, tôi làm cuộc hành trình Củ Chi – Sài Gòn – Vũng Tàu về với vợ con mình. Chuyến đi chỉ dài tổng cộng 145 – 150 cây số nhưng từ khoảng 9 – 10 giờ sáng thứ bảy, tôi đã ‘dù’ sớm (11 giờ 30 mới hết giờ làm việc tại nông trường bộ) sau khi không quên xuống nhà bếp báo cắt cơm đến hết bữa điểm tâm sáng thứ hai tới, leo hàng rào ra hương lộ 7 (dài 3 cây số) mà lội bộ thật nhanh ra tới quốc lộ 13 rồi quắt xe Daihatsu hay xe đò nhỏ về ngã tư Bảy Hiền, từ đây lại xe lam, xe bus về bến xe Miền Đông. Phải tranh thủ thời gian như thế để kịp đứng vào hàng, chờ đến 12 giờ trưa là phòng vé rục rịch bán vé tiếp cho buổi chiều.

Không hiểu sao cái gã TNXP nông trường viên tuổi đã trung niên là tôi thời đó lại giỏi và khỏe thế, vì suốt cuộc hành trình tất tả về thăm vợ con, thường là tôi nhịn đói hay chỉ ‘thủ’ gói xôi hay ổ bánh mì không để ăn trưa, nước uống thì đã có bình toong nhà binh mang theo, nghĩa là sao cho ít tốn nhất để tháng lương được giữ cứng nguyên trong túi. Thèm thuốc lá thì tôi đã có loại thuốc ‘cũi’ Quốc Hùng, chỉ mấy đồng là được một bó.

Tất nhiên, bây giờ nói ra vẫn thấy xấu hổ là khi ngồi trên xe đò ‘tịnh tâm’ như thế, tôi đã không khỏi ước ao, thèm thuồng trước đủ thứ món ăn vặt bán tại bến xe hay ở những chặng xe dừng bắt thêm khách, bất kể là ổ bánh mì thịt, gói xôi mặn tôm khô/ lạp xưởng, chai nước ngọt hay củ khoai lang, khoai mì, bịch mía ghim… Còn xấu hổ hơn là một lần, khi xe dừng lâu ở ngã ba Vũng Tàu, quà bánh rao bán nườm nượp, ngồi bên cạnh tôi là một anh nói giọng Bắc, mặc sơ mi trắng đàng hoàng, đã mua một túi nylon đậu hủ chiên chấm muối tiêu, mời tôi một miếng nhưng tôi ‘lịch sự’ từ chối. Tôi ngó chỗ khác khi anh ta nhấm nháp hết miếng đậu thứ nhất. Anh lại gật gù: “Chà, cái thứ quà này rẻ thôi mà ăn cũng thích thích ấy chứ!” , rồi quay sang tôi chìa túi đậu ra mời nữa: “ Này, anh cứ thử một miếng đi, quà vặt ấy mà, có gì mà ngại!”. Trước thành ý của người lạ này, tôi đã nhận miếng đậu hủ, ăn ngon lành nhưng đồng thời cũng chua chat nhận ra là trước đó vài phút, cái mà người ta xem chỉ là “quà vặt, rẻ thôi mà” ấy mỉa mai lại ngạo nghễ có luôn trong danh sách những thứ mà tôi đã xốn xang ước gì mình có thể thong dong mua ăn để dỗ dành cái dạ dày lép kẹp của mình.

3.
Mấy năm gần đây, mới rằm tháng chạp thôi mà đã có nhiều công nhân - gốc dân nhập cư, sống tập trung tại các khu nhà trọ nhếch nhác ở vùng ngoại ô Sài Gòn – lo gói ghém đồ đạc về quê ăn tết sớm…

Khi đi kiếm tư liệu viết báo xuân, thì ở bến xe miền Đông hay các bến xe “chui” ở Thủ Đức, tôi đã có dịp gặp gỡ một số anh chị em công nhân âm thầm, lặng lẽ kiếm xe về các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Lẽ thường đi làm ăn xa nhà, vất vả cả năm qua, nay về quê nhà thì phải vui vẻ, hớn hở, nhưng đối với những anh chị em công nhân này, nói “về quê ăn tết” mà cứ nghèn nghẹn trong lòng…

Lý do thật đơn giản: người mới thất nghiệp vì nhà máy đóng cửa, kẻ bị cho tạm nghỉ vì công ty giản ca,thiếu việc và một số người khác thì không còn khả năng tiền bạc hay cơ hội để níu bám cái thành phố phía Nam “dễ sống” này nữa. Riêng một số người vừa mất việc, không tìm được chỗ làm mới, chỉ còn biết cầm cự chờ lãnh được lĩnh số lương cuối ở chỗ làm cũ là về quê ngay. Đứng ở lề đường chờ xe, cô Phan Thị Hường, công nhân công ty may mặc Hàn Việt (Gò Vấp) trông rất xanh xao. Suốt hai tháng qua, Hường lây lất sống chỉ với 500,000 đồng tiền lương mà công ty tạm trả. Không thể chịu nổi cảnh sáng nhịn đói, trưa ăn mì gói, tối cũng lại mì gói, để chờ ngày công ty trả lương nợ, cô đành về quê sớm, có ở lại làm cũng chẳng biết công ty có trả thêm tiền hay không nữa.

Còn chị Lê Thị Liệu, quê ở Thanh Hóa, công nhân công ty Fotai (Bình Dương), thì kể “Mấy tháng qua thiếu việc triền miên, bây giờ ở lại cũng chẳng có việc gì nhiều, tôi về sớm để giúp cha mẹ chặt mía, nhổ khoai và cấy lúa. Lương tháng 12 cộng với tiền tiết kiệm cả năm cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng, tôi mua vé xe hết 500.000 đồng, trả tiền phòng trọ và các chi phí khác coi như cạn, chỉ dư để mua mấy bịch bánh và bộ quần áo cho đứa em nhỏ ở nhà. Nhưng có chút tiền về quê như tôi là may rồi. Nhiều bạn tôi trong xưởng còn không có tiền để về…”

Anh Nguyễn Văn Bắc, đón xe về Quảng Bình, đã so sánh: “Mấy năm trước, những ngày cận tết công ty nhiều việc, tụi tôi tăng ca suốt, phải đến 28, 29 tết mới được nghỉ về quê. Tuy cực mà vui. Năm nay làm một ngày nghỉ đến ba bốn ngày, đồng lương vì thế bị teo tóp theo số ngày nghỉ, tiền thưởng cũng không nghe nói gì…”. Còn chị Ánh, làm ở công ty may Phú Xuân, thì lo lắng: “Đồng nghiệp của tôi cũng về quê nhiều lắm, lĩnh được lương là về chứ chẳng mong gì tiền thưởng tết. Qua năm chắc lại vào làm công nhân tiếp, nhưng hiện công ty đang gặp khó khăn, nghe đâu sẽ thải nhiều công nhân. Về quê ăn tết, ai vui chứ mình thì cứ phập phồng lo lắng”.

Đứng đón xe gần đó, một anh công nhân khác than thở: “Tôi tiễn mẹ con cháu về quê sống với ngoại luôn. Vợ tôi cũng làm công nhân, cũng thất nghiệp rồi. Còn tôi, qua tết không biết có nằm trong danh sách công nhân bị nghỉ hay không…”. Vợ anh xách cái giỏ cói - bên trong đựng lèo tèo vài bộ đồ cũ, ôm con lên xe mà bật khóc thành tiếng.

Còn ở khu phố tôi ở, có chị hàng xóm là Nguyễn Thị Gái (quê Thanh Hóa) cũng miễn cưỡng về quê ăn tết sớm. Vào Nam đã 2 năm, không có tay nghề để làm công nhân, chỉ kiếm sống bằng việc thu gom ve chai, chị nông dân. Năm ngoái, chồng chị vì đau ốm mãi nên cũng đành bỏ lại cái xe đạp thồ, trở về quê, trở lại với hai sào ruộng xấu và hai đứa con nheo nhóc. Chị Gái một mình ở lại, chia chỗ ngủ trọ cùng bạn đổng hương với mức 200,000 đồng/tháng và ngày ngày, chị len lỏi đi thu gom ve chai ở những con hẻm vùng Gò Vấp. Vốn liếng võn vẹn khoảng 200,000 đồng, thu được mớ nào thì chở ngay đến vựa, cân ngay để lấy lại tiền mà đi tiếp. Cứ “con thoi” lien tục như thế chị kiếm được khoảng 40,000 – 50,000 đồng/ngày. Nhưng vào thời điểm ấy, đồ ve chai xuống dốc thê thảm. Giấy cạc-tông cũ, lúc trước bán cho vựa được 1500 đồng/kí (chị Gái cân mua 800 – 1000 đồng) thì hôm qua chỉ bán được 700 đồng. Chủ vựa cho biết là do nhiều công ty ngưng hay giảm sản xuất hàng hóa, bao bì ứ đọng nên cơ sở tái chế giấy cạc-tông cũng ngưng hoạt động. Còn về bao ny-lon, mủ (nhựa PP, PVC) còn tệ hơn. Bao nylon “xa cạ” lúc trước cân cho vựa được 1500 đồng/kí, nay chỉ còn 500 đồng và chủ vựa cũng vửa báo là ngưng lấy mủ. Lý do là khách mối của vựa, một cơ sở chuyên tái chế đồ mủ đã bị ngành vệ sinh – môi trường đến lập biên bản về tội gây ô nhiễm, tịch thu luôn mấy tấn mủ cũ đã cắt nhỏ, coi như rác thải.

Ngày 19 ta tháng chạp, chị Gái đành gói ghém đồ đạc vể quê. Ngày 21 ta thì vựa ve chai mới nghỉ nhưng những ngày này, có đạp xe đi gom cả ngày cũng chỉ được 40,000 – 50,000 đổng. Vả lại, chỗ xe “chui” quen biết đã thông báo rằng sau ngày 20 ta, vé xe sẽ tăng thêm cả trăm ngàn! Và phải mất hai ngày hai đêm, ăn ngủ vật vả, cực nhọc trên xe,chị mới về đến quê Yên Định, Thanh Hóa…

Ở tiệm sửa xe gắn máy quen ở gần nhà, tôi thường gặp anh thợ trẻ Trần Văn Minh ( quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Sau 3 năm học nghề và ra thợ, cuộc sống Minh tạm ổn định với mức lương thợ chính là 2.5 triệu đồng/tháng. Vợ Minh cũng theo chồng vô Sài Gòn nhưng chỉ có thể phụ bán cà phê kiếm thêm chút tiền và lo cơm nước tiện tặn, vén khéo ở căn phòng trọ “chật như cái lỗ mũi” của cặp vô chồng son chưa hề dám có con.

Mùa Tết năm ngoái còn tương đối dễ thở nên ngày 29 tết, vợ chồng anh Minh đã về quê ăn tết, xum họp gia đình. Đặc biệt là họ chủ động đi bằng xe gắn máy nên tránh được cái khổ nạn tàu, xe mùa tết. Dành dụm kiếm được một chiếc Wave Tàu cũ, anh thợ giỏi đã chăm chút phần máy xe thật kỹ lưỡng. Thế là, khởi hành từ 4 giờ sáng, ngày đi đêm nghỉ, họ đã mất một ngày rưỡi để vượt qua bao nắng gió, bụi bậm của quãng đường dài thăm thẳm là gần 1000 km từ Sài Gòn về Quảng Nam, mới kịp về đến quê nhà vào trưa ngày 30 tết.

Còn tết năm nay, lương hướng không tăng chút nào vì mới Tết tây, tình hình khách sửa xe, tân trang xe để đi chơi mùa tết đã thưa vắng hơn năm ngoái. Anh chủ tiệm hứa cho tiển thưởng tết sẽ là 1/4 tháng lương - không còn được 1/3 tháng lương như năm ngoái – nhưng buộc thợ phải giao xong chiếc xe cuối cùng cho khách vào tối 30 thì mới được nhận tiển tết và nghỉ tết.

Vậy là năm nay, giống như nhiều người nhập cư chịu thương chịu khó kiếm sống giữa đất Sài Gòn, Minh sẽ làm lụng cật lực cả vào đêm giao thừa, chờ đến mờ sáng ngày đầu năm mới thì vợ chồng anh thợ này mới có thể khăn gói lên đường về quê ăn tết ở tận Quảng Nam, cũng bằng chiếc xe gắn máy cũ mèm, rong rủi trên đoạn đường dài cà ngàn cây số…

 
 

Phạm Nga