Cảm Nghĩ Ngày Cuối Năm

 
 
 

Những ngày cuối năm, thời gian dường như chậm lại nơi tôi đang ở. Vẻ uể oải lười biếng hiện trên khuôn mặt những người chung quanh. Ai cũng có những nỗi ưu tư sâu kín được cố gắng khỏa lấp bằng những câu chào hỏi, chúc tụng khuôn sáo mà tập tục xã hội đã đặt sẵn để ứng dụng trong khi giao tiếp. Những câu vui đùa bông lơn như cố trút bớt những muộn phiền thường trực về một thứ tương lai bất ngờ không báo trước, xa lạ hẳn với thứ tương lai mỗi người đang hình dung và hướng đến.

Mùa thu rồi cũng qua, tuy có hơi muộn màng so với mọi năm, khi thời tiết bị xáo trộn bởi những cơn gió mang theo hơi lạnh vùng cực Bắc thổi xuống góc trời phía Tây làm chút hơi nóng còn sót lại của ngày hè phiêu dạt lang thang. Bên miền Đông mọi người bất ngờ vì cái ấm áp bất thường những ngày cuối năm, lo âu vì những núi băng rã rời phần gốc đang phiêu dạt một cách chậm chạp trên vùng Bắc cực, lo âu vì cái chết của loài gấu trắng khi nơi ẩn cư của chúng đang mỏng manh tan biến, vì những cái chết bất ngờ của những cây sồi lá nhỏ biếc xanh, một sớm mai nào đó nhìn lại đã héo dần và tàn lụi. Chiến tranh vẫn lửng lơ trên đầu nhân loại, trong khi ai cũng cổ võ cho hoà bình, tự do dân chủ. Tin tức về những cuộc đánh bom tự sát, ngói vỡ thì ngọc cũng tan, hàng ngày nhân con số thương vong của những người tuổi trẻ sinh ra ở một thứ địa đàng, lớn lên với những khẩu hiệu về bổn phận và trách nhiệm cao cả thiêng liêng, rồi kết thúc thanh xuân với một cái chết không toàn vẹn. Tất cả hoà trộn với nhau thành một thứ trật tự phi lý không thể hiểu được theo bất kỳ cách giải thích nào. Tất cả đều có một ý nghĩa nào đó trong cái riêng lẻ của nó, nhưng khi sắp chung trong bức tranh toàn thể, tự chúng nói lên những điều trái ngược, không hoà hợp với nhau.

Trước ngày Giáng Sinh, các cơ quan truyền thông loan tin về sự mất tích của một chủ bút tạp chí internet trong núi tuyết. Trên đường trở về nhà sau khi thăm người thân ở một tiểu bang lân cận, chiếc xe chở gia đình ông đi lạc vào một con đường cấm; cánh cổng với tấm bảng treo cảnh báo đã bị ai đó mở ra vào một lúc nào không rõ; chiếc xe lao trong đêm bỗng bị phủ vây trong màn tuyết; sau hai ngày cầm cự chờ cấp cứu, đốt vỏ xe để sưởi ấm và tiêu dùng hết những giọt nước sau cùng, người chồng quyết định băng mình trong màn tuyết để tìm sinh lộ cho vợ và con. Khi thế giới bên ngoài biết đến, cứu thoát được vợ con ông và cầu nguyện an bình cho ông và vẫn tiếp tục kiếm tìm dấu vết con người đã ra đi vào nửa đêm lạnh giá. Nhưng họ chỉ mang được xác thân ông trở lại. Linh hồn ông đã cất cánh bay lên để soi thủng màn mưa tuyết cho chiếc phi cơ cấp cứu thấy được chiếc xe nơi vợ con ông kẹt lại. Có nghĩa gì đâu nữa với cuộc sống của ông, khi những người thân yêu đã được yên ổn trong căn phòng quen thuộc ấm cúng. Có nghĩa gì đâu nữa khi ông đã sống để làm đúng những gì cần làm!

Tôi vẫn cứ mù mờ suốt chừng ấy tháng năm sống ở trên đời, cho dù mình đã hãnh diện theo đuổi tự ngày đầu con đường tra vấn chính mình về ý nghĩa của cuộc sinh tồn mình đang rong ruổi. Lột bỏ hết những hào quang chữ nghĩa, tháo gỡ hết những khoa đại của văn chương thể cách, chúng ta há chẳng vẫn hằng tự hỏi về chính mình sao? Sống, thể hiện tương giao giữa mình và xã hội, ứng xử và đối thoại, những nhu cầu căn bản ấy há chẳng xác định và làm rõ nghĩa cái bản ngã sâu dày nặng nợ ấy hay sao? Có khác chăng là ở người này hay người khác, mức độ ý thức và kiểm soát bản ngã không giống nhau. Sự đồng bộ, sự hoà hợp trong ý nghĩ và hành động thể hiện sự trưởng thành về tâm thức của mỗi người. Và phải chăng khi những mẩu tự ngã ấy đồng cảm và hoà nhịp với những mẩu tự ngã khác, có đến hàng tỉ tỉ mẩu tự ngã như thế, chúng ta, hay tôi mới khám phá, nhận mặt được ý nghĩa của cuộc sống mình?

Cuối năm, cũng là thời khắc của hồi ức, của cộng trừ nhân chia, của phân ranh lại quá khứ và tương lai. Ý thức về đời sống cũng như về cái chết hiểu như sự ngưng đọng của dòng sống, cái chết hiểu như sự mất dấu của một tự ngã trong biển mênh mông nhân loại và sinh vật, hay cái chết hiểu như sự đứt quãng của những ước mơ không thành tựu. Thật ra trên con đường dài mịt mù thăm thẳm ấy, chúng ta tự mình đã dựng lên những dấu mốc ấy để còn nhận dạng được chính mình, nhận dạng được cái tự ngã mà ta đã từng ấp yêu nồng thắm hay cũng có lúc oán hận đuổi xô, đã có những phút giây tung hô sung bái và cũng có những phút giây chà đạp phỉ nhổ. Nhưng ta vẫn phải cam đành mang khuôn mặt của chính mình. Vì khuôn dáng ấy, tâm thức ấy chính do ta ước mơ và tạo dựng từ muôn triệu khuôn dáng khác. Nếu như ta đã yêu nó, ta đã ghét nó cũng có nghĩa là ta đã yêu đã ghét, đã xác nhận và phủ định hàng muôn triệu khuôn dáng khác. Hay nói khác giữa ta và người đâu có gì dị biệt, hoặc đúng hơn, cái dị biệt ấy chỉ là cái dấu mốc của tự ngã, cái nhãn hiệu, cái bảng tên mà chúng ta đã quen sử dụng bao năm.

Cuối năm, một quãng thời gian khép lại. Những tờ lịch không còn trong năm cũ. Không có nghĩa thời gian đã hết. Cũng vậy có những con đường đã khép, nhưng không có nghĩa không gian đã tận cùng. Chúng ta phải nhảy sang một con đường khác, một khung thời gian và không gian khác. Cũng là không gian và thời gian mà ta đang sống thôi nhưng cảm giác vượt nhảy làm ta nhận ra cái mới mẻ của không gian và thời gian, hay đó chỉ là một cách lừa lọc của tâm thức. Hay tất cả vẫn còn nguyên như cũ, chỉ có chúng ta cố nghĩ là mới hay chỉ có sự chuyển động của tâm thức? Không, rõ ràng là tôi đang già đi, con cái lớn dần, những người quen thân lần lần vắng bóng. Và tôi cũng đang nhảy vào trong nỗi thinh lặng mênh mang mỗi lúc đặc dày thêm.

 
 

Phan Nhật Tân