Khơi Lửa Dặm Đường

chân thành tưởng niệm trưởng Hươu Nóng Tính

 
 
 

1. Lâu lắm rồi, tính đến ngày ấy có lẽ đã hơn hai mươi năm, tôi không có dịp dự trại đêm lần nào, nhất là trại đêm theo phong cách hướng đạo. Hơn năm mươi năm trước, những ngày còn trong dòng Đồng Công, cuối tuần gia đình không đến đón được, tôi thường được các sư huynh dẫn đi trại thám du quanh vùng Thủ Đức. Thật là thích thú và thoải mái biết bao khi ra khỏi vòng rào tu viện, tạm thôi nhìn khung cảnh quen thuộc đến buồn nản: những bức tượng trong Đền Thánh với khuôn mặt hoặc ngước lên trong vẻ ăn năn cầu nguyện hoặc cúi xuống trong vẻ xót thương che chở; những giờ giáo lý khô khan và lạ lùng với trí óc của đứa trẻ lên sáu lên bảy; những căn phòng với màu vôi trắng lạnh lùng, hai dãy giường sắt màn chiếu sắp xếp phẳng phiu ngăn nắp đến độ khắt khe, phòng ăn phòng học với giờ khắc chính xác, và nhất là cái hỏa ngục âm u luôn luôn được nêu ra như lời cảnh báo cho những đứa chúng tôi, mê chơi hơn mê học. Chỉ trong những giờ khắc đó, tôi mới cảm thấy không bị thúc đuổi bởi thời khoá biểu, mới cảm nhận được màu nắng như sáng lạng hơn, không khí trong trẻo hơn, gió cũng mát mẻ hơn. Cũng trong những giờ phút ấy, tôi mới được thong thả tự do lăn mình trên thảm cỏ, nhìn bướm bay, nghe chim hót và ngắm những tia sáng luồn qua kẽ lá; hoặc quây quần bên đống lửa khi hoàng hôn đã khuất, ngắm những lưỡi lửa tỏa lan từ những củi cành lách tách, nghe mùi nhựa thơm cây lá dịu dàng trong gió, ngước nhìn các vì sao lớn bé đậm nhạt trên cao mà cảm nhận được cái bao la của đất trời, sự sống động của vũ trụ và mơ hồ nhận biết về một Đấng Trên Cao cụ thể hơn qua những tranh vẽ và bài giảng Cựu Ước. Chẳng còn nhớ rõ các sư huynh đã nói gì với chúng tôi trong câu chuyện mỗi lần đi trại vào những ngày tháng ấy, nhưng tôi cũng đã vơi bớt nỗi nhớ gia đình và nhớ những đứa trẻ cùng xóm với các trò chơi mà đứa này bày cho đứa kia để giết thì giờ rảnh rỗi và tránh làm phiền cha mẹ vốn đã bù đầu vì sinh kế.

Ít lâu sau, mẹ tôi sau những lần lên thăm và hội ý với gia đình, thấy tôi có vẻ không thích hợp với cuộc sống tu trì, ngày càng buồn bã và ủ rũ, đã quyết định đem tôi về lại đời sống bình thường của thế tục. Tôi lại có dịp gặp lại lớp trẻ cùng tuổi trong xóm ấp và trường học, chiều chiều rong chơi đánh đáo bắn bi, tạt lon u mọi, đi tắm sông bắt dế hay một mình lang thang phía sau các đền thờ miếu mạo, lăng tẩm, nằm ngửa mặt lên trời ngắm mây bay và suy nghĩ vẩn vơ. Tôi đã quen với các cuộc thám du mà các sư huynh đã khởi đầu, có điều sau khi rời khỏi nhà dòng, tôi thường đi một mình, khắp thành phố Sài gòn, ra cả những khu ngoại ô như Phú Lâm, Thủ Đức, Hóc Môn. Có tiền thì nhảy lên xe buýt, không tiền thì đi bộ, băng khắp các hang cùng ngõ hẹp hay dọc theo các đường tàu, qua những vườn rẫy và đồng lúa, rặng tre xanh rừng dừa nước, những hàng rào ấp chiến lược ấp tân sinh. Càng đi càng khát khao về một vùng trời mơ mộng hay một quê hương nào đó đã quên, đã xa.

Vào cuối tuần những chuyến đi thường có nhiều thì giờ và nhiều thú vị vì tôi không phải lo đến việc học bài làm bài. Còn ngày thường tôi không thể la cà lâu hơn sau giờ tan học vì còn phải về nhà với một lô bài vở của hai ba lớp. Ông tôi lo rằng nhàn cư vi bất thiện nên đã lấp đầy các giờ khắc trong ngày của tôi bằng các môn học có khi chẳng dính dáng gì đến cuộc sống thời mới. Nhưng tôi cũng tìm được những khoảnh khắc để thư dãn trong vườn trái cây gần nhà, một khu đất hương hỏa của một dòng họ người Tàu gốc gác ở Sơn Đông, theo chân nhóm Thái Bình Thiên Quốc trôi dạt đến Việt Nam vào thời nhà Thanh diệt nhà Minh, sau đó đành gởi xương xứ lạ. Con cháu họ lập lăng mộ, bia miếu và thuê một người bản địa chăm sóc mộ phần, cho phép ăn ở trên đất và hưởng hoa lợi từ vườn cây này thay cho tiền thù lao. Còn hằng đôi ba năm khi nào có dịp, thì những người này mới từ Hồng Kông ghé qua cúng mộ đôi ngày. Và khu lăng mộ bằng đá xanh đồ sộ với khu vườn đủ loại cây ăn trái trở thành sân chơi thường xuyên của tôi khi gia đình tôi làm quen với gia đình ông bà Mười, người quản trang được thuê mướn ấy.

Đến khi lên Trung học, sau khi cha mất, tôi nhận thấy mình cần phải dành nhiều thì giờ hơn để phụ giúp việc nhà, khi ông tôi ngày một già hơn, các em ngày một lớn và mẹ tôi thì đi sớm về tối, vất vả lo cho bữa cơm của gia đình. Cái chết của cha xoay cuộc đời tôi sang một hướng khác. Tôi mơ hồ cảm nhận một gánh nặng mới về tinh thần đã chuyển sang vai của mình từ khi cha nằm xuống. Tôi bắt đầu làm quen với bếp núc khi mẹ không thể về kịp giờ nấu nướng như xưa, mà chỉ có thể ghé vội qua chợ dặn thức ăn nơi các sạp hàng, trưa sau khi tan trường, tôi cần ghé vào để đem về nhà và nổi lửa nấu cơm canh cho ông và các em tôi - mẹ đi làm đến tôi mới về - cũng như làm quen với công việc nhà như giặt giũ, quét tước dọn dẹp cho nhà cửa gọn gàng ngăn nắp. Tôi chẳng còn thì giờ để tìm sang sân chơi của mình nữa, mà chỉ còn có thể quanh quẩn bên khu vườn hoa của ông tôi, vườn rau của mẹ hay ngả mình trên chiếc võng giăng ngang hai gốc cây vú sữa, nhìn những tia nắng lấp lánh nhảy múa gọi mời.


2. Rồi những kỷ niệm ấy lại được khơi dậy khi Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường áp dụng phương pháp Hướng Đạo vào việc đoàn ngũ hoá sinh viên học sinh như một thử nghiệm truyền sinh khí vào lớp thanh thiếu niên đang chịu ảnh hưởng những tiểu thuyết du đãng của Duyên Anh, những anh hùng đường phố với gậy gộc và mã tấu dây xích đón đường trấn lột học trò, hay có khi tràn cả vào sân trường. Đám học sinh các lớp đàn anh cũng phì phèo thuốc lá, quần ống túm bó sát, áo rộng thùng thình lê dép lẹp kẹp và nói chuyện kèm thêm những tiếng chửi thề cho có vẻ lão luyện giang hồ. Những chiếc xe nhà binh chạy bằng dầu cặn của quân đội Hoa Kỳ bắt đầu chạy trên đường phố Sài gòn, nhả khói mù mịt với những người lính Mỹ mặt non choẹt, tóc vàng hoe, khoác trên mình chiếc áo giáp, súng ống nai nịt đầy đủ, mắt nhìn nửa tò mò nửa thờ ơ xuống những người dân lam lũ vì cuộc sống và chiến tranh ngày càng đè nặng quanh thành phố. Các quán bar mọc lên gần các căn cứ quân sự và những cô gái Việt nam rụt rè trong quần áo thời trang bắt đầu xuất hiện khi đèn đường thắp sáng. Thành phố khoác lên bộ mặt mới lạ lùng, một con nước lớn âm thầm dâng trong đêm từ từ cuốn mọi người trôi xa dần khung cảnh của xóm làng bình tịnh năm xưa. Đường xá cũng đổi thay, cây cối bị chặt bỏ để mở rộng lòng đường. Những bóng mát tuổi thơ không còn dọc theo hè phố cũ, thay vào đó là cái nắng chói chan miền nhiệt đới.

Trong đồng phục quần xanh và áo trắng, chúng tôi đứng thành đội ngũ trong buổi lễ đầu năm ra mắt hiệu đoàn. Nắng mai rực rỡ trên lá quốc kỳ phần phật gió. Nắng mai nhảy múa trên những lá cờ hiệu của đoàn của khối đội trong trường. Những bài hát sinh hoạt được cất lên bằng những giọng hát e dè ngượng nghịu lúc ban đầu song càng lúc càng to hơn và tự tin hơn. Tôi đứng trong hàng, nghe lòng mình rung lên theo tiếng hát. Khung trời của những tháng ngày đi thám du hay những đêm lửa trại nơi tu viện chợt quay lại gần với tôi hơn bao giờ. Các Thầy tôi, vốn là những quân nhân đã quen với cuộc đời kỷ luật của nhà binh, không khó khăn gì trong việc huấn luyện hàng ngũ. Nhưng truyền được cái sinh khí của các hoạt động thanh thiếu niên không phải một ngày một buổi, mà phải mất một thời gian rất dài. Sinh hoạt văn nghệ, thể thao và báo chí, cũng như tổ chức hàng đội tự trị cho những đứa trẻ chưa có chút ý niệm nào về cuộc sống tự lập và ngăn nắp, biết khép mình vào kỷ luật chung mà vẫn không làm mất bản sắc cá nhân quả là một điều khó khăn cho các Thầy. Và cũng thật khó cho những đứa học trò chúng tôi hiểu sức mạnh của một tập thể không phải ở chỗ đông người, mà ở chỗ một tâm tình đồng nhất, một ý hướng đồng nhất.

Những chuyến thám du dưới hình thức ủy lạo thăm viếng các đơn vị quân đội là dịp để chúng tôi tiếp cận với người lính, nhìn lại hình ảnh quá khứ của cha anh mình và thông cảm những khó khăn của những gia đình binh sĩ. Đó cũng là dịp để chúng tôi nhìn thấy một khuôn mặt thứ hai không mấy yên lành, với những hiểm nguy chờ chực mọi người, mà những người lính phải hàng giờ đối mặt. Tôi có dịp đi trở lại những con đường bước chân ngày thơ ấu đã đến, những hàng rào thép gai và hàng rào chông tre càng dầy đặc hơn, những công sự phòng thủ bằng bao cát càng nhiều hơn, và tiếng súng đì đùng, khói tỏa đen một góc trời tĩnh lặng vẫn là những cơn mưa đe dọa trút xuống những ướt át lạnh lẽo cho mọi người.

Tuy vậy chúng tôi đã có những thời khắc thật tuyệt vời! Tuổi trẻ vốn tràn đầy mơ ước nên dễ nguôi ngoai với hiện tại, cho dù hiện tại có khó khăn đến mức nào đi nữa. Như những mầm măng vẫn vươn lên dù đất đai chung quanh đã khô cằn hay đá sỏi, dù lửa khói của cơn cháy rừng đã đi qua, thiêu rụi những cành lá xanh tươi, nhưng sức sống của muôn loài vẫn không vì thế mà hoàn toàn thui chột. Chúng tôi chạy nhảy đùa chơi với nhau trên nền cát bao la của bãi biển với những tên thơ mộng như Nghinh Phong, Thùy Dương; quây quần hát hò vỗ tay reo mùng dưới ánh sáng mù mờ của những ngọn đèn điện trong sân trường Thiếu Sinh Quân; hay len lỏi tìm kiếm mật thư trong những hốc đá, bụi cây ngoài bãi Dứa; Chúng tôi đã đi trong lửa khói của Saigon qua hai cuộc chiến rất gần trong thành phố năm Mậu Thân, len lỏi qua các trại tạm cư dựng lên ngoài vòng đai thành phố, chơi đùa với các em bé trong vùng chiến cuộc đang chờ một mái che tạm sau khi nơi ở nhỏ bé bị cày xới hay cháy rụi sau trận giao tranh. Chúng tôi đã múa hát thật nhiệt thành trên các sân khấu dã chiến dựng tạm bên hàng tre của một tuyến tiền đồn mà khán giả là những người lính ứng trực ngày đêm trong áo ngụy trang, giầy trận nón sắt và vũ khí sẵn sàng. Hay chúng tôi cũng đã mơ mộng khi con tàu rời ngã ba sông ra cửa biển trong lời hát Viễn Du, tay bám chặt mạn thuyền khi những chiếc tiểu đĩnh xé nước chạy dọc theo duyên hải tim vừa hồi hộp vừa thổn thức vì một quê huơng xinh đẹp chưa có dịp đi tròn vòng để thăm viếng, lại không biết khi nào vuột khỏi tầm tay.

Những năm về sau, khi lên Đại Học, tôi còn có dịp đi ra đến tận miền địa đầu, tìm thăm lại căn nhà tuổi nhỏ khi cha tôi đóng quân tại Huế, nhìn lại xóm làng và đường tàu ngày bé, tôi vẫn thường lén đặt những viên đá xanh trên “ray” sắt và chạy trốn trong những bụi lùm chờ chuyến xe lửa đi qua, nghiền nát những viên đá thành những vụn vỡ; hay căn nhà trong thành phố Đà nẵng mùa lụt nước dâng đầy trong bếp, nồi niêu xoong chảo lền bềnh trôi, sau nhà những gọng vó treo lửng lơ trên cao khi nước tràn qua và những bờ chắn ao sâu không còn tác dụng với những đàn cá được nuôi chờ bán Tết. Tôi đã một mình lang thang trên các bãi Mỹ Khê, Thanh Bình, Non Nước nghe lại giọng nói miền Trung của chị Tư người vú của em tôi từ miệng của mọi người dân túm tụm trong những mái lều dã chiến vội che, khi cuộc chiến tràn qua Đại Lộ Kinh Hoàng, đẩy dạt những người dân quê về phương nam. Những âm sắc của các địa phương, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên trở thành ngọt ngào như những khúc nhạc bên tai, chứ không còn mang vẻ ngộ nghĩnh buồn cười như lần đầu mới nghe mới hiểu. Tôi cảm thấy mối dây ràng buộc đồng bào trở nên cụ thể hơn, và đau quặn tâm hồn khi một mình trên chuyến xe trở về thành phố tạm bình yên, qua những chiếc cầu vội vã bỏ lại sau lưng những cái tên Điện Bàn Đại Lộc Duy Xuyên; bãi biển Sa Huỳnh vắng ngắt và những chiếc nón sắt chơ vơ trên nền cát; cô gái Phú yên với câu rao Ai cô ca hột gà đặc biệt; rừng dừa gãy ngọn Tam Quan; thành phố Quy Nhơn nước phèn rít da; bãi Ninh Chữ thuyền đêm về bến…và còn nhiều nhiều nữa Phan Thiết, Long Khánh Biên Hòa… những miền quê hương đầy dẫy cảnh quan và con người thiết tha yêu đất nước. Tôi cũng đã theo đoàn công tác ra tận những hòn đảo xa xôi tận cùng đất nước, trèo lên đỉnh núi Dương Đông, vượt đèo ngang nối hai bãi biển đảo Thổ Châu, soi mình trên làn nước xanh trong như ngọc của Vịnh Thái Lan, nhìn hoàng hôn khuất sau những giàn đáy giàn chài ven biển Cà Mau, lắc lư với những ngọn sóng nhấp nhô xô giạt từ dòng hải lưu cuồn cuộn qua đảo Côn Sơn. Và cũng có những đêm lửa dưới ánh trăng, trên bờ cát, mà tuổi trẻ chúng tôi với lòng yêu quê hương sau mỗi bước chân khám phá càng trở nên nồng thắm đậm đà thêm.


3. Khi được mời dự trại đêm hôm ấy, tôi đã nhận lời sau một thoáng suy nghĩ vẩn vơ về hoàn cảnh gia đình bấy giờ. Trở lại thành phố sau gần mười bốn năm giam thân trong rừng núi, cuộc mưu sinh còn bấp bênh với quá khứ chế độ cũ đeo bám trên vai, mái gia đình vừa nối kết lại sau muôn vàn cách xa và những nỗi niềm chưa tỏ cạn, tôi như một quả banh trên mô đất cao, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ sức quay chiều về bất cứ hướng nào thuận tiện nhất.

Trước ngày tan hàng, tôi thỉnh thoảng có dự vài buổi trại ngắn ngày với các anh em hướng đạo khác, ngoài những người mà chúng tôi đã gắn bó sinh hoạt nhiều năm qua các công việc liên quan đến sinh hoạt đại học. Có người bấy giờ vẫn còn sinh hoạt với bầy đoàn của mình, có người tuy không còn đi họp, nhưng vẫn thể hiện lời hứa giúp ích trong các việc làm của mình. Thậm chí hàng tuần, chúng tôi còn có những buổi sinh hoạt tinh thần nghiêm trang và trọng thể hơn, nơi mà vấn đề trách nhiệm cá nhân trong hiện tình của đất nước được đặt ra để giúp nhau củng cố niềm tin vào lý tưởng thanh niên và hướng đi mà cả nhóm đã đồng lòng ấp ủ trong tim và theo đuổi qua những việc làm tuy nhỏ song thật cụ thể. Phong thanh về những chia rẽ bè phái ngấm ngầm trong hàng ngũ các huynh trưởng có làm chúng tôi chán nản, nhưng niềm tin vào lý tưởng của phong trào vẫn giúp tôi nghị lực và tinh thần để làm việc vác ngà voi. Niềm vui của những người được giúp đỡ đã là một ân thưởng cho chúng tôi những ngày tháng ấy vì ít ra chúng tôi cũng còn có ích cho một số người, góp được một bàn tay trong dòng sống bộn bề cơm áo lợi danh, giữ chút niềm tin của con người đối với con người.

Những buổi họp mặt không chính thức với một số anh em hướng đạo mới quen sau khi trở về không còn mang đến được cho tôi cái sôi nổi của ngày xưa. Hình như có một điều gì thiêu thiếu trong các cuộc gặp gỡ ấy, tuy đề tài bàn bạc vẫn xoay quanh công việc khôi phục sinh hoạt của phong trào. Hay tại vì chúng tôi còn khá mới mẻ với nhau, nên mối liên kết chưa được đậm đà, và niềm thôi thúc trở lại hoạt động chưa đủ men khơi dậy? Rồi ngày trại cũng đến, chúng tôi ăn mặc bình thường như mọi ngày, gặp nhau ở điểm hẹn buổi chiều, chuyện trò qua loa để giết thì giờ. Khi màn đêm xuống, lửa được khơi lên, những ngọn lửa náo nhiệt gặp gió phần phật reo vui, nhảy múa, những đóm đỏ lách tách bay tung theo gió, mỗi khi cành củi được trở khơi, và khi những ngọn lửa không còn hớn hở mà đã lắng dịu, bếp than đã hồng, hơi ấm đã nồng đượm, Anh, người huynh trưởng một đời theo lý tưởng phong trào mở đầu đêm lửa dặm đường. Trong đôi mắt già nua, và tấm thân gầy guộc, một sức sống bừng dậy, không sôi nổi ồn ào như tuổi trẻ, nhưng đằm thắm và cuốn lôi không cưỡng lại được. Anh kể lại cho các em Thiếu chuẩn bị tuyên hứa và chúng tôi nghe về những kỷ niệm trong cuộc đời hướng đạo sinh của anh và những đêm lửa; về biết bao kỳ trại anh đã tham dự từ ngày còn là một thiếu niên đến ngày hôm ấy, những vui buồn đời hướng đạo theo cái nhìn của một người tiên phong đã gắn bó với phong trào; tâm huyết của Các Anh trong cố gắng đưa phương pháp hướng đạo vào các sinh hoạt học đường và ước mơ về một thế hệ thanh thiếu niên Việt nam hùng mạnh về thể chất sáng suốt về tâm trí và kiên định về lý tưởng. Trong sương đêm ẩm ướt và cái lạnh về khuya của ngoại ô buồn, tôi ngồi hồi tưởng lại những ngày tháng cũ, những đêm lửa, những bài hát, những cuộc đối đáp, những trò chơi, và những nẻo đường mở ra theo từng bước chân đi tới, biết bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam đã tắm mình trong lửa, trong dòng suối trong trẻo của lý tưởng giúp ích tha nhân, âm thầm đóng góp hàng ngày hàng giờ qua những việc làm không tên cũng như không cần ai biết đến, chỉ soi lòng bằng ánh đuốc của lời tuyên thệ dưới cờ và những điều luật đơn sơ nhưng thật bao la và khó khăn để vươn tới hoàn thiện.

Chúng tôi hát chung với nhau những lời ca của bài Nguồn Thật, thật trân trọng, nghe lời ca chuyển lưu trong dòng máu, nhìn những ánh lửa toả sáng trong đôi mắt mỗi người, thứ lửa sưởi ấm tất thảy mọi nỗi lạnh lẽo đơn độc trên trần gian, thứ lửa của cống hiến và hy sinh cho những điều nên làm vì sự vui vẻ và bằng an cho nhân quần xã hội.

Tôi còn gặp Anh nhiều lần sau nữa, kể từ đêm trại ấy. Sau những thăm hỏi về gia đình, anh luôn nhắc lại ý nguyện của anh về tương lai của phong trào, về tương lai của các em thanh thiếu niên. Anh khuyên tôi nên dành thì giờ để chuyển dịch một số tài liệu huấn luyện sang tiếng Việt cho phù hợp với sự thay đổi của thời đại và tâm lý của các em bây giờ, điều này đến nay tôi vẫn chưa làm được. Nhưng tôi đã cố sắp xếp thời gian để gần gũi thân cận với các em hơn nơi khung trời xa quê hương nửa vòng quả đất, để giữ ngọn lửa trên màu cờ quê hương và phong trào, để cùng bước với các em trong những cuộc thám du như những sư huynh trong chủng viện năm mươi năm trước đã dẫn dắt tôi, để cùng nhảy múa hát ca trong những đêm lửa bập bung, hay ngồi bên cạnh những anh em mới quen cạnh bếp hồng than đượm, nhắc lại những kỷ niệm vui buồn trên bước đường chìm nổi của một người hướng đạo.

Trong không khí lạnh giá của núi rừng Tây Bắc Hoa Kỳ, lúc màn sương chưa tan, chúng tôi đã quay quần bên nhau quanh bếp lửa chia tay Trại Trường, được nhóm bằng lá khô của những cây cổ thụ trăm năm trên tro than mà sau mỗi lần tàn lửa được thu góp lại và phân phát cho các Trại Trường, để tất cả chúng ta, những người đã bước theo lý tưởng và đeo trên ngực áo cánh hoa bách hợp, thêm ấm lòng và kiên định hơn để vượt thắng chính mình, với chiếc gậy nạng trong tay, hành trang trên vai, và những lời hứa phía trước. Sau lưng chúng ta là những thế hệ thanh thiếu niên Việt nam với tài trí và nhiệt huyết, đang cần sự hướng dẫn để tránh khỏi những chông gai, đổ gãy, hướng đến một tương lai tươi sáng cho chính các em và cho cả cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Tôi vẫn thấy Anh đang bước phía trước, chiếc ba lô nhỏ trên vai, chiếc nón bốn múi ẩn hiện nhấp nhô sau những tàn cây lá. Anh đã để lại trên đường muôn vàn dấu vết để chúng tôi, những người đi sau tìm về đích đến, cho dù Anh đã an nghỉ và mãn nguyện vì những việc Anh làm cho phong trào, cho đất nước và bản thân Anh.


4. Và từ đêm ấy, đêm Anh gọi tôi về sưởi chung ánh lửa dặm đường anh cố công khơi lại, mỗi lần ngồi bên bếp hồng bập bùng giữa sương khuya và gió lạnh, tôi như sống lại quãng thời gian kề cận cùng Anh, qua một số trại chuyển tiếp trước khi chia tay hơn mười năm. Giữa núi rừng đầu ngày đầy sương lam chướng khí và muỗi đói, tôi vẫn là người cố gầy bếp lửa đầu tiên cho toán sơn chàng, nấu ấm nước chùm bao thay trà để làm ấm cơ thể trước khi bắt đầu ngày làm việc. Tôi nhớ đến ánh lửa đêm trại đầu tiên, nhớ ánh nắng của lần thám du đầu tiên trên đồi cao trong rừng cận kề tu viện. Mỗi lần chào cờ cùng các em trong các ngày sinh hoạt, tôi như thấy Anh đứng sau hàng ngũ các em, môi nở nụ cười: Cậu chẳng cần phải cám ơn tôi, việc cậu đang làm là lời tri ân của chúng ta dành cho quê hương và nhân quần, là một bổn phận.

Vâng, bây giờ càng ngày tôi càng hiểu được tâm tình của những con người như Các Anh, những huynh trưởng quen và chưa quen, vẫn còn sinh hoạt hay đã trở về khu sân chơi vĩnh cửu chan hòa ánh nắng và niềm vui.

 
 

Tháng 8 - 2007

Phan Nhật Tân