Bên Kia Dòng Hudson

 
 
 

Buổi chiều, khi ông Tâm trở về, trời chưa tối hẳn. Hôm nay là ngày cuối ông ở Albany, cái thị trấn nhỏ bé miền cực Bắc New York. Hơn mười bảy năm ông đã ở đây, làm việc, chơi đùa, đi lang thang cà khịa với những người bạn Mỹ, uống những lon bia trước TV, dò dẫm từng bước chân trên những đụn tuyết, và có những năm không tìm được một người để nói tiếng Việt. Công việc trong sở, ông đã thu xếp xong từ hôm kia. Ông chỉ đơn giản thông báo là ông quyết định về hưu.

“Tôi sáu mươi lăm tuổi rồi. Tôi phải chấm dứt những ngày vào đây ngồi trước máy tính, gõ lóc cóc những con số với ký hiệu nhảm nhí chứ.” Ông Tâm nói với supervisor như vậy và qua phòng nhân viên làm giấy tờ. Bấy giờ là mùa hè, nắng dịu hắt qua những khung cửa kính, lay lắt bên các tấm rèm. Những thảm cỏ buổi trưa ngoài sân xanh nhạt nhạt vàng vàng chạy vòng quanh những gốc phong ra tận ngoại ô Albany. Ông chỉ tay ra cửa sổ, giải thích cho Mike, một người bạn Mỹ trẻ hơn nửa tuổi ông, “Mày thử nhìn màu nắng kia xem. Trong không khí ấy. Trên những lớp cỏ kia. Làm sao chịu đựng nổi cuộc đời này với ngần ấy thứ đẹp như vậy. Mỗi ngày cuộc đời càng đẹp hơn, nắng càng rực rỡ hơn, cỏ càng dịu dàng hơn, và mùa đông thì tuyết càng trắng hơn. Hôm nào tao sẽ nằm sâu trong lòng đất này, dưới lớp cỏ ấy, để buổi trưa nắng sưởi ấm và nửa đêm tuyết trải mền. Phải ngồi trong những căn phòng này chi vậy, nghịch ngợm với mấy cái máy chi vậy. Tao phải lên xe và đi cho hết những ngày của tao chứ.”

Buổi party tiễn ông đã xong chiều nay. Khi đứng ngoài tầm mắt mọi người ngoài sân đậu xe, bà Shirley ôm ông khóc mùi mẫn. Tao thương mày gần chết, bà thì thầm vào tai ông như vậy, bao nhiêu năm rồi tao thương mày mà. Tao đòi về ở chung, mày cũng không chịu, bây giờ mày lại bỏ trốn, sao vậy. Bà Shirley siết chặt lấy ông, ghì sát ông vào cửa xe ông, lại vươn người cao lên thì thầm vào tai bên kia của ông Tâm, mày dễ thương nhất trong bọn Oriental thị trấn này, tao muốn squeeze mày ra nước. Đôi mắt bà đỏ lên, mái tóc bạch kim pha trắng rung rung. Ông Tâm vỗ vỗ vai bà, trả lời thật nhỏ vào tai bà, thì tao có mời mày mỗi buổi chiều ra thư viện công cộng đọc sách đó chứ. Tao có tặng hàng trăm cuốn sách cho mày mà, chục năm rồi tao thương mày gần chết. Còn về phòng ở chung thì tao không thích mà, lâu lâu đi chơi với nhau được rồi. Ờ mà tao cứ nhớ hoài cái lần tụi mình đi họp ở Canada mười năm về trước, nhớ không, kỷ niệm đầu đẹp quá mà. Ông vừa nói giọng thương cảm, vừa đưa tay vuốt lưng, vuốt vai, vuốt mông bà, tao cảm thấy có cái gì bắt tao phải đứng dậy đi, chắc là tuổi già hoặc, giọng ông trở nên ngập ngừng, hư vô hoặc cái gì không hiểu được mỗi đêm vẫn đánh thức tao dậy. Tao nói mày chuyện này nhiều lần rồi mà. Tụi mình yêu nhau ngồi nhìn ra cửa sổ đủ rồi... Có cái gì bao la lắm, mênh mông lắm bên kia bước chân tao. Tao có cảm giác một hôm bước đi có thể sẩy chân và sẽ bay bổng vào cái bao la đó. Shirley siết cứng người ông, tao biết mày muốn về Việt Nam, mày thích đọc sách, và nghĩ tới đồng bào mày, thì muốn gì tao đâu có cản đâu. Không, không phải vậy, không phải chuyện đồng bào tao, xa lắm, xa rồi, ngoài tầm tay tao mà, chỉ là chuyện tao cảm thấy tao biến mất vào cuộc đời này thôi, tan dần vào đời, vào không gian trước mặt, tao hạnh phúc lắm, không hiểu tại sao, mà rồi phải đi. Bà Shirley hôn vào môi ông một chặp rồi gục mặt vào ngực ông khóc, mày có đi đâu thì cũng nhớ cho tao địa chỉ, số phone này nọ, rồi tao sẽ đi tìm mày dù ở bất cứ nơi đâu. Chỉ cần mày nói, tới đi, hoặc mày đang bệnh nằm ở đâu hoặc nhớ tao hoặc cần bất cứ cái gì tao có, cứ gọi tao, tao sẽ bỏ hết mọi chuyện trên trần gian này chỉ để chạy theo mày. Bà bấu chặt vào vai ông Tâm, làm sao tao sống được nếu không có mày trong đời tao. Ông đã hứa sẽ liên lạc thường xuyên, sẽ gọi tên Shirley mỗi khi gặp tai nạn trên đời này.

Ông Tâm có vài người bạn ở rải rác trên nước Mỹ, nhiều người còn ở Việt Nam. Ông dự định lái xe xuyên bang về miền Tây. Mình sống được trong mọi hoàn cảnh kia mà, ăn ngủ trên xe cả năm cũng vui được vậy, ông tự nhủ trong khi sập cánh cửa sau chiếc pick-up. Ông nhớ những ngày ngủ ở ven rừng hoặc chòi canh ruộng. Không có gì vui mà cũng không có gì buồn hết, ông chỉ đơn giản không phân biệt rắc rối nữa.

Trong xe chỉ có mấy cái mền, hai va li áo quần, một thùng sách. Ông băn khoăn khi ngồi vào tay lái, mình có nên gọi Shirley nhảy lên xe đi luôn không, hay là ghé nhà nó ngủ một đêm gọi là vĩnh biệt. Mắt ông nhìn ra xa, những rặng núi xa vươn đỉnh cao che khuất từng phần cái xa lộ đẹp nhất nước Mỹ làm thành các đường viền như vẽ những đôi mắt phụ nữ. Lủng lẳng giữa xe, treo kiếng chiếu hậu là tấm thần chú chín chữ Chuẩn Đề do ông ép plastic khi mới mua xe, có mấy chỗ sứt bên mép trái chữ Phạn thứ tư. Ông bật máy và chạy đi, mình thương nó gần chết, nhưng thôi để lúc khác nhớ.

Trước mặt đầu xe là những thế giới chưa thấy, ông tự nhủ như vậy để tự nhắc nhở về thói lái xe ẩu. Ông đã định sẵn lộ trình về miền Tây rồi. Đầu tiên là qua New York City chơi trước đã. Ông muốn vào Greenwich Village chơi một đêm. Ông muốn hít thở không khí Âu Châu ở đây, dạo quanh khu Washington Square nửa đêm, vào những con đường chật hẹp, đông đúc. Thỉnh thoảng dư thì giờ, ông lại về đây, lái xe mấy tiếng đồng hồ rồi nhảy xuống phố như trong phim cao bồi, trở về đây, đất của bọn nghệ sĩ, nhà văn lang thang và cả của những nhà tư tưởng cách mạng.

Gió mát lạnh luồn vào xe qua những kẽ gió. Ông hít những hơi thật dài vào bụng. Mình đi đường trường phải giữ đúng phép thở chứ không thì dễ mệt lắm, ông nhớ tới những ngày còn thơ ấu khi tập đủ các phép thở, hơi ngắn, hơi dài, hơi sâu, hơi nhẹ, một lỗ mũi, hai lỗ mũi... Ông nghĩ tới phong trào Beat Movement còn rơi rớt lại với những tên họa sĩ ngồi ngoài đường số 6. Trước kia cũng có một thời ông ngồi ở đó, mỗi chiều cho tới hai, ba giờ sáng, khi trên đường ngơi khách hẳn. Mỗi bức chân dung đen trắng ông vẽ được trả mười đồng, sống cũng được một ngày. Ông đã gặp nàng ở đó. Một đêm đã rất trễ, những người khác chuẩn bị cuốn đồ nghề để về. Một người phụ nữ Á Châu tới đứng trước mặt ông. Ánh đèn đường chỉ soi được nửa khuôn mặt nàng. Ông đứng dậy như phản xạ, ngây ngất vì vẻ đẹp dị thường của nàng. Ông thấy nàng nửa như quen thuộc, nửa như xa lạ. Nàng mặc váy ngắn, màu cà phê sữa nhạt. Tay xách bóp đen, nàng nở nụ cười nhìn ông.

Lâu lắm rồi, dạo đó cũng mười mấy năm rồi. Bấy giờ đang ồ ạt các đợt thuyền nhân, nhưng người Việt ở New York còn ít. Và bấy giờ thì ông Tâm cũng còn là một trung niên họa sĩ, sống bằng nghề vẽ chân dung, nhưng vẫn làm việc chuẩn bị cho các cuộc triển lãm trên những lầu phố Broadway. Ông tự tin vào tài năng và đam mê của mình. Ánh sáng trắng nhạt nhạt một bên má nàng. Nàng đứng im trước mặt ông như pho tượng, nụ cười nở to, nhìn thẳng vào mắt ông. Nàng phải thuộc lớp thượng lưu, ông đoán vậy. Nét mặt thanh tú, sóng mũi cao hơi gãy nhẹ, vầng trán thông minh, và đôi mắt cực kỳ ngây thơ. Ông đoán, với cách ăn mặc thanh nhã và gọn gàng như vậy, nàng hẳn đã ở Mỹ lâu rồi.

“Thưa cô...” Tự nhiên ông nhận ra ông đang nói bằng tiếng Việt. Ông ngập ngừng rồi chuyển sang tiếng Anh hỏi, giả thiết như họ là người Tàu hay Nhật. Ông hy vọng sẽ nghe một câu trả lời Việt Nam.

“Tôi cần một tấm chân dung.” Nàng trả lời rành rẽ bằng tiếng Anh. Ông hơi thất vọng, đáng lý ra nàng là người Việt thì hay hơn biết bao. Ông mời nàng ngồi, và gợi chuyện. Ông sửa soạn bút, mực, kẹp giấy vào khung. Nàng là người Nhật, ở Mỹ cũng mươi năm rồi, làm việc cho một ngân hàng.

Nàng duỗi đôi chân ra, vớ lụa màu da bóng lên dưới ánh đèn. Ông hơi ngạc nhiên, đáng lý ra chân nàng phải cong, người Nhật thường có chân cong. Ông không tin là ông đang ngồi trước mặt nàng, ông nói cho nàng biết như vậy, giải thích thêm là nàng quá đẹp. Ông nói, ngồi đây, trên chiếc ghế nhỏ, dưới ánh trăng đỏ lửng đang lẩn khuất sau cạnh các buildings, các chung cư hàng chục tầng, nàng là cái gì không thật, cái gì cực kỳ mơ hồ, hoặc ngược lại cũng được, ông lúng búng giải thích, chính nàng mới là cái thật muôn đời, và đang làm hư hóa tất cả thế giới chung quanh. Ông ngạc nhiên thấy mình đang dùng những ngôn ngữ phức tạp, trừu tượng, nói chuyện với một người lần đầu mới gặp. Ông hỏi nàng ngồi có thoải mái không, có thể nhúc nhích một chút cũng được nhưng đừng đổi vị trí.

Ông nói với nàng, tôi đang nói nghiêm trang đấy nhé, đây có thể là bức tranh đẹp nhất tôi đang vẽ. Ông đổi sang giọng đùa nghịch, hoặc tôi bán tấm này giá trăm lần bình thường hoặc tôi tặng không. Ông vẽ thật chậm, từng nét, có lúc im lặng cả năm phút, có lúc như nín thở rồi lại thở phào ra và mở miệng đùa một hai câu.

Ông xúc động, người choáng ngợp và căng đầy dưỡng khí, nhìn từng nét trên người nàng. Hàng ren đăng ten váy lót lộ ra dưới đầu gối nàng. Ông như nhìn thấy cả cánh mũi nàng đang phập phồng. Cặp độn vai và lồng ngực xinh xắn cử động theo nhịp thở. Gò má bầu bĩnh. Những ngón tay vòng quanh đầu gối thon, đầy.

Tới nét cuối cùng, ông đứng dậy, xoay tấm tranh ra cho nàng xem. Tôi không thể vẽ được tấm thứ nhì như thế này được nữa, ông nói. Nàng hỏi giá. Ông nói chỉ tặng nàng thôi. Nàng dúi vào tay ông năm chục. Lúc đó là năm 1979, năm mươi đô la là nhiều lắm. Nàng cầm tấm chân dung và bước về hướng Brooklyn. Tướng đi gọn gàng, uyển chuyển, lộ ra đôi mông nhỏ nhắn dưới lớp vải lụa và bóng đêm hắt xuống. Khi nàng khuất sau những cột đèn vàng, ông như còn nhìn thấy nàng đang đi trên đường, gõ từng gót giày đen xuống mặt đá, hàng ren đăng ten dưới gấu váy phất phơ trên đầu gối nàng.

Ông thở dài, vậy mà mười mấy năm rồi. Ông nhìn vào kính chiếu hậu, hàng hàng xe đã bật đèn lên. Trời đã chuyển về đêm. Ông mở đèn xe. Shirley thường trách ông cái tật lái xe ẩu, nhận bao nhiêu giấy phạt cũng không chừa. Ông nhớ hồi chiều, câu cuối cùng Shirley dặn dò lại là coi chừng cảnh sát xa lộ. Khổ vậy, chẳng romantic tí nào, ông lầu bầu và mồi một điếu Winston. Buổi trưa hôm ấy, khi còn nướng ngủ trên cái giường hôi như ổ chuột, ông mở TV đài số 5 xem tin. Tin về các cuộc khủng bố, không tặc. Ông lầu bầu khi nghe tin chiến tranh Trung Đông có thể bùng nổ nếu cứ cái màn khủng bố và bắt con tin tiếp diễn. Chiến tranh ở biên giới Tàu Việt. Bắc Kinh tuyên bố đang cho Việt Nam một bài học. Ông Tâm băn khoăn, đất nước nhiễu nhương quá, nhiều khi nổi giận muốn to tiếng chửi thề cả thế giới này.

Con nhỏ xướng ngôn viên bắt đầu vào tin địa phương. Debbie Johnson, hoan hô em, hoan hô em xướng ngôn, em đọc tin, em Debbie, ông Tâm nói với người đang ngồi trong TV. Debbie đọc tin tai nạn xe rạng sáng nay. Một người đàn bà Nhật đang đi trên hè bị một chiếc xe truck cán lên nát người, trên tay còn cầm tấm chân dung nét mực còn tươi, rách tan ra. Cảnh sát đã bắt tên tài xế trong tình trạng say be bét. Ông Tâm lặng người đi, hai bàn tay như tê lạnh ra. Ông nhớ tới hình dáng nàng ngồi đêm qua, trước mặt ông, nghiêm chỉnh, gấu váy phất phơ lộ ra hàng đăng ten. Ông nhớ tới lời ông nói với nàng, đây là người đàn bà đẹp nhất mà ông đã gặp, và đây là bức tranh có lẽ là đẹp nhất của ông. Ánh đèn đã hắt xuống người nàng, cắt những vùng ánh sáng trên mặt nàng. Ông nhớ có lúc ông đã im lặng cả năm phút, thở đầy hạnh phúc trong lồng ngực, nhìn nét ngồi nghiêng của nàng.

Khi nàng đứng lên, cách đưa tấm giấy 50 đô la kiểu rất là Đông phương, dúi vào tay ông và quay đi. Ông nhớ ông đã nhìn theo nàng, sau lưng, dáng đi uyển chuyển, đôi mông thon, gấu váy phất phơ. Ông đã tự nhủ, chắc không còn người đàn bà nào đẹp hơn nữa.

Và bây giờ thì cô nàng đã nát tan dưới bánh xe truck rồi. Ông vẫn có cảm giác hình ảnh nàng vẫn còn lơ lửng trong không gian, ở đâu đó trên Washington Square. Tự nhiên ông muốn ói và nghẹt thở, người nóng hầm hập. Ông nằm bệnh liệt giường suốt một tuần, mỗi khi mở mắt ra vẫn hình dung dáng nàng ngồi trước mặt ông, trong tấm tranh.

Ông đạp mạnh ga. Tấm thần chú chín chữ Chuẩn Đề treo nơi kính chiếu hậu lắc lư. Shirley cứ thắc mắc có phải đó là những chữ của black magic. Ông cứ phải trả lời không. Cũng trên xe này, nhiều lần ông đã ôm Shirley, hôn vào mặt, mũi, vuốt mái tóc bạch kim pha bạc, vuốt thân hình còn khá thanh mảnh, dưới tấm thần chú đó. Ông đã trả lời, không, đây là những chữ của trí tuệ. Bà Shirley hỏi, mày nói cái gì wisdom, giải thích tao coi... Trí tuệ, ông lầu bầu, wisdom, là trí tuệ thôi, mày đừng hỏi lôi thôi. Tao không đủ chữ để giải thích những điều mà ngay cả trong tiếng Việt tao cũng lúng túng. Ông nhìn thẳng ra trước đường, sắp tới dòng Hudson rồi, qua cầu là vào New York. Cả những vùng đèn sáng bên kia sông. Tự nhiên nước mắt ông ứa ra. Ông đưa tay kéo cổ áo cao thêm.

 
 

Phan Tấn Hải