|
Nơi tôi ngồi, bên kia khung kính là biển. Cát chạy dài, nước liếm từng lượn nhỏ xuống và lên. Cầu tàu đi từng nhịp khẳng khiu. Dăm người đi tới lui dưới ánh đèn vàng tỏa trên vai cầu. Tôi nhìn. Sóng vỗ sủi tăm. Phía trong, người ca sĩ Mỹ đứng nhịp chân hát; mặt nàng thật tươi. Người nhạc công da đen bên cạnh thổi chiếc kèn trumpet, môi phùng lên từng câu. Gã Mỹ trắng gõ hai tay lên dàn organ, người gật gù.
“Ông cần gì?”
“Một tí rượu.”
Nàng ca sĩ lại tới những nốt nhạc cao. Nàng ngẩng mặt thật cao, đưa tay hướng về khán giả, những gân cổ hiện lên trên làn da thật trắng, hát những lời thê thiết. Khuôn mặt nàng thật trẻ, như vị thành niên, chưa thích hợp với giọng khổ đau trên môi nàng. Chỗ tôi ngồi quá xa nàng để có thể nhìn xem nàng có dùng nhiều phấn son không.
“Thưa ông, rượu gì?”
“Thôi, khỏi rượu. Một ly magarita.”
Khi cô hầu bàn quay đi, tôi gửi thầm lời cảm ơn. Lí nhí trong miệng.
Ngoài khung kính mờ, ánh đèn vàng trên các vai cầu, và sóng đùa theo ven cát.
Maxwell's. Lần trước tôi tới đây với anh T. Người nhà văn già lúc nào cũng cầm theo chai rượu. Lần trước nữa thì tới với D. Những buổi tối, ánh đèn mờ, lời ca vọng từ xa trên sân khấu, và những người hầu bàn mang nơ đỏ.
Lần trước thì ngồi bên quầy rượu, nhìn trực tiếp vào những hàng chai, ly, tách, và hai người pha rượu luôn miệng hỏi và luôn tay pha.
Anh T. đã say, người ngả nghiêng, tóc gần bạc rồi.
“Phải theo tôi tới sáng chứ. Đòi về cái đếch gì.”
Người pha rượu nhìn chúng tôi, miệng mỉm cười.
“Bây giờ là sáng rồi anh ạ.”
Tôi ước mơ được nằm trên giường lúc đó. Trùm mền. Cũng đã uống rượu từ chiều.
“Bố nhắng vừa thôi chứ. Mới chín giờ tối thôi.”
D. im lặng mỉm cười. Lúc nào cũng mỉm cười. Sóng vỗ ngoài kia, nhưng tôi không nghe được những âm thanh đó. Trần gian quá gần, sờ được, nắm tay được, phả hơi thở vào nhau được. Buổi tối. Những buổi tối.
Khung kính đượm sương phía ngoài. Tôi đưa người bên cửa chiếc thẻ xe và chờ. Buồn ngủ lắm.
“Anh có muốn đi một vòng biển rồi về?”
“Thôi, về chứ.”
***
Tôi và các bạn thường ngồi ở quán Hoàng Hôn, những buổi chiều, và có khi cả đêm, tới khi người đừ ra vì cà phê, vì thuốc lá, vì mệt, vì không còn muốn ngồi nữa, hoặc chẳng vì lý do gì cả. Những chiếc ghế đẩu thấp, nhìn ra phố, nhìn vào nhau, mòn vẹt, sứt mẻ. Cách hai căn bên cạnh là quán Bình Minh. Cũng những tên quen mặt.
Những năm đầu 70, tôi mới tập ngồi nhìn buổi chiều. Không có một khoảng thiên nhiên nào trước mặt, chỉ có phố, trước mặt, sau lưng, và khắp chung quanh. Sài Gòn mịt mù dầy đặc người và phố. Những ngõ ngách quanh khu Bàn Cờ lúc nào cũng đưa về nơi không định. Đất nước nghèo và chiến tranh mệt mỏi đến không buồn ngó tới. Buổi chiều ngồi bên hè. Nắng vàng quạch, thê thiết.
Có đêm tôi ngồi đây tới khi không còn ai khác. Bình trà cạn cũng mấy lần. Mấy tên bạn chuồn về ngủ, tìm chút gì để ăn hoặc lo bài vở từ hồi nào. Cô nàng chủ quán, tôi quên tên rồi, xinh xắn, ưa cười, bước tới và bảo là tới giờ đóng cửa.
Tôi lừng lững đứng lên, phóng lên chiếc xe đạp, lại đạp lang thang một chặp. Rồi mới về. Giai đoạn đó, tôi gặp D.
***
Anh T. thường hỏi tôi về những chuyện vụn vặt loanh quanh. Anh sợ tôi đói, khi không có việc; Và cả khi có việc, thì anh sợ tôi không vui hay bị áp bức. Anh không biết là tôi cũng muốn hỏi anh nhiều điều, nhưng luôn luôn tìm cách ngăn lại những lời. Cũng như tôi lo ngại về sự cô đơn của anh, về lá gan rượu tàn phá từ nhiều năm, về những nét nhăn như dao khắc trên da mặt, về một ngày sẽ thân cận với hư vô. Tôi bảo, lúc nào cũng vậy, mọi chuyện đều OK.
“Cô này có biết nấu ăn món gì không?”
“Dạ, chẳng biết nấu gì cả...”
“Thì phải học nấu đi chứ.”
“Thế thì đảng ta chả có ai nấu ăn được.”
“Thì cứ mời anh đi quán thôi.”
Những buổi chiều ngồi bên bờ biển, có khi một mình, tôi nhìn ra sóng. Nơi đây nửa thế kỷ trước, người ta nói là chỗ hải cẩu về tắm mỗi chiều trong vài tháng mỗi năm. Bây giờ còn để lại một pho tượng hải cẩu nằm trên cầu đá.
Tôi chỉ cho D. con hải cẩu đá, một lần khi gặp lại.
“Người ta thích để lại một cái gì trên dòng thời gian. Bây giờ người ta không biết bầy hải cẩu năm xưa ở đâu. Nhưng họ gọi đây là Seal Beach, và khắc một tượng đá cho hải cẩu.”
“Có cái gì vượt thắng được thời gian?”
Tôi nhìn D. Hai mươi năm gặp lại. Tôi tự hỏi có cái gì còn tươi mới? Đôi mắt nhìn thẳng, tin tưởng vào cuộc đời. Mái tóc ngắn một lần tôi khen trên phố Lê Lợi vẫn như giữ nguyên nếp. Làn da mặt khéo giữ. Nhưng lưng bàn tay đã có nhiều nếp nhăn hơn.
Tôi muốn nói một câu hơi cải lương, cực kỳ cải lương, chẳng hạn như tình anh với em, nhưng thấy hơi tức cười vì tình tôi với ai cũng như dường bất tử.
“Chẳng hạn như lòng anh đối với cuộc đời. Không tăng không giảm. Chẳng hạn như vậy. Như biển trào, như nước lũ.”
Thấy D. có vẻ im lặng, tôi tìm lời thêm.
“Bởi vì không gì có thể so sánh và vì luôn hiện hữu nên mới gọi là không tăng không giảm.”
D. giễu thêm, lộ hai chiếc răng khểnh, dùng đúng ngôn ngữ nhà Phật tôi ưa xài đầu thập niên 70. Bấy giờ trời tối rồi, chỉ còn ánh đèn trên các vai cầu và ánh sáng trong mắt nàng.
“Và vì không sạch không nhơ, bất cấu bất tịnh thị cố không trung...”
Tôi ôm nàng và xiết chặt. Bờ vai mềm, hơi ấm trong người nàng làm dịu lại gió xa từ biển.
“Em là con hải cẩu của anh...”
***
Anh T. bảo tôi và D. chở anh ra phi trường. Anh phải đi Seattle thăm vài người bạn.
Khi rời quán Long Phụng Lầu, anh đã say mèm. Chúng tôi không thích quán này, nhưng chẳng hề nói cho anh biết. Đối với những người đã viết hơn 60 tác phẩm, tôi không thích nói về những chuyện nhảm nhí như ăn ở đâu ngon đâu dở. Anh T. bảo quán này cũng chỉ được thôi, nhưng khỏi mất công đi đâu xa.
“Cũng chẳng lừng lẫy gì lắm.”
Kiểu anh nói, hoặc có khi.
“Chưa ghê gớm vào đâu. Ăn tỉm sấm chỉ có vào Chợ Lớn là số một. Hồng Kông, Nhật, Đài Loan gì cũng thua Chợ Lớn mình cả chứ.”
D. lại sợ những món Tàu. Nàng nói nhỏ với tôi.
“Mỡ nhiều kinh khiếp quá.”
Tôi thì ngồi ở đâu cũng được, ăn món gì cũng ngon.
Anh T. đi dáng ngả nghiêng. Tôi mở cửa xe cho anh vào và hơi quan ngại, tí nữa anh có đủ tỉnh tìm đúng chuyến bay. Đêm trước, lúc gần nửa đêm, chúng tôi ngồi ở Maxwell's, anh T. nói lung tung với người pha rượu và đi không nổi nữa. Tội nghiệp tên kia chẳng hiểu bao nhiêu. Khi anh đứng dậy đã gần như té ngả vào những bàn ghế gần đó. Tôi đã dìu anh vào một ghế ngồi và đứng vòng tay sau lưng anh. D. ngồi đối diện anh và chờ. Nàng vẫn cười như lúc nào. Nụ cười không đổi trong trí nhớ tôi. Hiền, ngoan, và lúc nào cũng vui.
“Chúng mày phải ngồi uống luôn tới sáng chứ.”
D. và tôi chỉ im lặng, nhìn nhau cười. Anh lầu bầu, đầu như sắp gục lên bàn.
Khi đưa anh về, anh nói nhiều về cuộc đời. Anh nói, có lần tôi bảo thằng pha rượu là tôi cũng đổ bao nhiêu mồ hôi mới sống còn được, tôi là nhà văn, nhà báo, cũng lao động mềm người ra. Tôi đoán là những khi đó, anh có thể khóc được, nhưng chưa bao giờ tôi gặp anh khóc.
Đường ra phi trường thì tôi quen lắm. Tôi phóng như bay, không suy nghĩ. Anh bảo giọng lè nhè, phải qua trái tí mới vào 405 South. Tôi không trả lời, nhưng nghĩ phải vào mặt mới vào 405 North, đây mới đúng là lối gần nhất vào phi trường Los Angeles.
Đi cũng gần nửa đường rồi, sắp tới chỗ giao đường 91. Anh nói gần như gầm lên, hơi rượu chắc cũng tan lâu rồi.
“Đi sai rồi chứ. Phải đi về 405 South chứ.”
“Anh yên tâm. Đây là lối gần nhất về phi trường.”
“Nhưng ngược chiều rồi. Chúng ta chỉ cần 15 phút là tới sân bay chứ.”
Tôi vẫn rú ga như bay, nhưng lòng hơi ngờ vực.
“Anh nói phi trường Los hay John Wayne?”
“John Wayne chứ.”
Tôi và D. phía sau cố nén cười. Vậy là tôi nhầm phi trường.
“Em cứ tưởng. Anh chờ chút, em quay đầu ngay tức khắc.”
Tôi vòng xe lại, và nghĩ là tôi say dù hôm đó không uống tí nào cả. D. thấy rõ là đang cười.
“Anh lúc nào cũng cứ như say.”
“Ừa, không bao giờ anh tỉnh nổi.”
Khi dừng trước cửa hành khách, anh nhảy xuống, bước vào, và xua tay đuổi chúng tôi về.
“Tụi em ngồi với anh một tí.”
“Về đi chứ.”
D. phóng lên ngồi cạnh tôi và cười gần chết.
“Tụi mình như những con hải cẩu.”
Tôi vẫy tay chào anh T. và vọt đi.
“Ừa, chỉ có một mùa để đến với cuộc đời, và có thể không một pho tượng bên cầu.”
Tôi nhớ, tôi chỉ mới gặp D. ba năm nay, nhưng biển đã có từ nhiều triệu năm rồi.
|
|