DẤU CHÂN NGƯỢC GIÓ CỦA LÊ PHƯƠNG CHÂU

 
 
 

Cuối tháng 7.2015, nhà thơ Lê Phương Châu đã cho ấn hành tiếp tập thơ thứ 8 của mình, "Dấu Chân Ngược Gió" với trên 50 bài thơ lắng đọng suy tưởng, giàu cảm xúc, trải nghiệm phong phú qua một hành trình Thơ đã gần nửa thế kỷ. Điều đáng trân trọng là mối tri tình, tri kỷ đối với Thơ của Lê Phương Châu như ngọn lửa thiêng bền bỉ bất tận, như tấm lòng của nhà thơ luôn khao khát hiến dâng cho cái Đẹp của Đời và Đạo, được kết tinh thành Thơ. Bởi một lẽ đơn giản: Chính Đạo pháp và Thơ đã cứu rỗi Lê Phương Châu có đầy đủ nghị lực, lòng tin yêu trước những ngọn gió đời đầy oan khiên, bi kịch mà bản thân mình đã phải nếm trải và thọ nhận. Trong sáng, kham nhẫn và cô độc, chính là những phẩm chất quí hiếm của hồn Thơ Lê Phương Châu. Những phẩm chất quí hiếm ấy, tôi tin, đang và sẽ mãi đồng hành với Lê Phương Châu trong suốt hành trình sáng tạo thi ca của mình, dẫu rằng, nhà thơ vẫn chọn cho mình cách sống ẩn dật và khiêm hạ:

... Đánh thức tôi. Dặm dài sông côi
Lững thững say gió chiều chơi vơi
Dấu chân dốc ngược - lời chưa ngỏ
Bỏ cuộc chào nhau - nửa ván đời...

(Dấu Chân Ngược Gió)

Tôi đọc chậm lại 2 câu: "Dấu chân dốc ngược - lời chưa ngỏ / Bỏ cuộc chào nhau - nửa ván đời" để mong nghe được niềm u uẩn của nhà thơ. "Dấu chân dốc ngược" đầy bất trắc, "lời chưa ngỏ" là lời gì vậy? Ấy là lời vĩnh quyết xé lòng với mối tình thâm thiết nhất của đời mình, "Bỏ cuộc chào nhau - nửa ván đời". Tôi nghe như có tiếng nấc nghẹn trong câu thơ. Tiếng nấc đã bay đi và tan theo gió, chỉ còn lại:

Đêm khuất dấu tàng thân vô xứ
ngẩn ngơ đời người trên phiến đá phù vân
Vầng trăng non đọc rõ
nỗi cô đơn bên hàng lau thưa thớt lá
là tôi băng ngang
tìm lại dấu chân
bên hình hài điếc đặc
hôm nay...

(U Tịch Trăm Năm)

Để rồi trong tâm tưởng vẫn còn vang vọng tiếng hát tự tình, "vẫn trong trẻo khúc hương nhà" trong niềm hoài cảm dịu dàng sâu lắng:

...Tắt dần ngọn đuốc ba sinh
Buông tay nằm hát tự tình đêm qua
Vẫn trong trẻo khúc hương nhà
Chân chầm chậm rải sát na trùng phùng...

(Bờ Gió Bay Xa)

Đến buổi xế chiều của cuộc đời, nhà thơ càng thấu tỏ hơn lẽ tử sinh ảo hóa của cuộc đời:

... Chiều nay cuồn cuộn phù du
Bước chân truy đuổi thực hư bi hài
Sinh ly chuyện chẳng riêng ai
Mềm tay con nước hoa phai vườn nhà
Rưng rưng dòng cạn màu pha
Nhặt đêm bóng rụng - thì ra bóng mình

(Đi Về Tịch Mịch)

"đêm bóng rụng" cũng chính là "bóng mình" giữa cõi bờ tịch mịch, "bước chân truy đuổi thực hư bi hài" là một tứ thơ hay, được thấu cảm bởi sự rung động sâu lắng trong tâm thức của nhà thơ. Để rồi, khi tĩnh tâm quán chiếu về lẽ vô thường của vạn hữu, nhà thơ đã nghiệm ra:

...Đêm khởi sự vắt ngang vườn xoan cổ tự
Khuất lấp nhịp tim rồ dại
Trôi theo tràng hạt bồ đề
tịnh khẩu

Trang kinh tinh khiết thì thầm
tôi như trẻ sơ sinh đói bầu sữa mẹ
lặng lẽ rung chuông hiền triết
Rừng uyên nguyên chia đôi sợi tóc đổi màu

Sướt mướt trầm hương khẽ ru lời gió
Ghi lại ngàn sau
có một khởi đầu.

(Dòng Trôi Ký Ức)

"Dòng Trôi Ký Ức" đã hòa nhập vào "trang kinh tinh khiết thì thầm", rất đỗi hồn nhiên "tôi như trẻ sơ sinh đói bầu sữa mẹ" nhưng rất đỗi tự tại "lặng lẽ rung chuông hiền triết", để rồi Nhìn ra, Thấy ra "rừng uyên nguyên chia đôi sợi tóc đổi màu". Đọc đến đây, tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ kỳ vĩ lạ lùng của thiền sư Tuệ Sỹ trong một bài thơ của ông:

...Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn...

(Trích trong bài thơ Không Đề - Tuệ Sỹ)

Chẳng biết tôi có khiên cưỡng lắm không, khi nghe ra một niềm tương ưng, rung cảm bất khả tư nghì? Thôi thì, hãy để Thơ hoan hỉ hòa âm nếu có túc duyên vậy!

"Dấu Chân Ngược Gió" thấm đẫm mối quan hoài về dòng chảy của Thời Gian. Mối quan hoài man mác nỗi sầu cố xứ, cố quận, cố hương nhưng không bi lụy mà đầy ắp lòng bi mẫn cho thế thái nhân tình:

Đưa thân cõng gió lạc mùa
Mù con bóng nổi gió lùa bến không
Tịnh tịnh âm - thác đổi dòng
Non xanh rệu rã ngó đông mịt mờ
Giật mình tỉnh giấc hoa mơ
Xốn xang hạt bụi mới bừa ngã xuôi
Tình ru mật đắng ngọt bùi
Đành thôi bến cũ ngậm ngùi trăng phai

(Trả Lại Thời Gian)

Rất nhạy cảm trong cách Nghe và Nhìn về sự trôi chảy của thời gian, của giòng Đời bất tuyệt:

... về xuôi mặc áo vở lòng
rượu khua bàn thạch hừng đông
ứng linh đất trời mở ngõ
sắc thanh một cõi hòa đồng!

(Giao Thừa)

Trái chín xuân nay tình rất ngọt
Điểm dừng - điểm đến - điểm phù hư
Có ai phong kín mùi hương tóc
Trêu nhánh cây già trên phố xưa...

(Nguyên Tiêu Nhớ Về)


Tập thơ tràn ngập Gió và Thời Gian, tràn ngập hồi tưởng và chiêm nghiệm với một tâm thái thanh tịnh, lắng đọng. Tôi hình dung và nhớ mãi đôi mắt sáng đầy nghị lực, gương mặt rất nhân hậu của nhà thơ với nụ cười, giọng nói hiền hòa, chơn chất khi đọc rất chậm, rất nhiều lần 2 khổ thơ sau đây:

không con đường - không chọn lựa
dòng sông trôi tình khúc xa xưa
liệu có ai bên cầu tre đứng ngắm
vi vút bay cánh nhạn hót theo mùa

nghiệp trần chưa phủi sạch
một sớm theo cánh gió bay ngang
ai có hiểu vì sao chiếc lá vàng
đêm tắt nến còn nghe thơm mùi đất!!!

(Thức Tỉnh Trăm Năm)

Để chợt hiểu ra, vì sao, nhà thơ - cư sĩ Lê Phương Châu, dù đã bước qua ngưỡng cửa thất thập, vẫn còn nuôi dưỡng được sức sáng tạo thơ sung mãn, nội lực thơ thâm trầm. Bởi một lẽ rất giản dị: Nhà thơ - cư sĩ Lê Phương Châu đã tri ngộ:

Giữa khuya đêm tỉnh thức
Nằm nghe tiếng công phu
Âm Lăng Nghiêm huyền hoặc
Quét khô đỉnh núi mù!!!

(Tỉnh Thức)

Kinh Lăng Nghiêm được xem là tâm ấn của chư Phật, là cốt tủy của Phật pháp.

"Dấu Chân Ngược Gió", đây cũng chính là một nỗ lực mới rất đáng trân trọng, gắn kết mật thiết với tâm nguyện chân thành và tối thượng nhất của nhà thơ giữa cuộc đời phù du, ảo hóa nầy:

lắng nghe trong chữ nghĩa vô vàn ý thơ rơi
nhặt ba hồn chín vía
kết sợi thơm dâng đời

(4 câu thơ in ở trang đầu của tập thơ).

Chúc mừng nhà thơ đã sớm có túc duyên tri ngộ và tinh tấn hành trì Phật pháp trong từng hơi thở của mình, giúp cho hồn Thơ ngày càng thăng hoa, tỏa sáng.

Nguyễn Lương Vỵ

http://www.trietvan.com/thanhuu/thanhuu_tho.htm