Khi Tu Hú Kêu!

 
 
 

Ông ngoại phe phẩy quạt như cùng nhịp với chiếc võng đong đưa trên bộ ván, tay ông cầm chiếc dây gai kéo nhẹ nhẹ, không gian như giãn ra, uể oải theo tiếng kọt kẹt đều đều. Buổi chiều hè thư thả bước trong nắng oi ả, thảng hoặc một chút gió nồm rười rười mát vỗ vào ngạch cửa – Hình như mọi thứ đều riu riu, ngờm ngợp, đong đưa đánh võng, thiêm thiếp đợi chờ cái nắng sẽ ngủ yên trong đêm dịu mát, đợi chờ từng đợt gió theo trăng lùa tuột qua sông Trường Giang, chạy dài qua các bãi cát bồi nóng hừng hực như chảo lửa ở ven sông.

Ông ngoại trở mình, quay chuôi quạt đưa ra sau lưng cào cào vết ngứa, lớp da đồi mồi nhăn nheo của ông hằn dấu võng dây gai hình thoi; mồ hôi nhơn nhớt rịn theo sống lưng xương xẩu. Tôi trở mình trần trên tấm ván rìn rịn mồ hôi, trên vách nan tre dưới mái tranh, ông ngoại treo mấy tấm tranh vẽ chuyện Tam Quốc. Nếu không vì mấy bức vẽ này thì giờ này tôi đã loanh quanh ngoài vườn xem mấy con chào mào rúc rích tìm mấy trái duối chín vàng hườm … Ông ngoại muốn giữ chân tôi nên ra giá, nếu tôi nằm yên, không lang thang ngoài nắng, ông sẽ kể tiếp bức tiếp sau cái cảnh Tào tặc giết Bá Xa. Tôi cứ nhìn bức tranh ở ô thứ hai, cảnh Bá Xa tất tả đi mua rượu về gặp Tào Tháo và Trần Cung dọc đường, chợt nhớ giọng ông ngoại khề khà :

- Giận là giận Tào tặc đa nghi! Thương là thương cái tình của Bá Xa nhân hậu! - Hỡi ơi, bởi thương bạn tương lân mà cả nhà bị phanh thây! Bởi cảm cái nghĩa đồng hương mà bị nạn đao kiếm!

Ông ngoại vốn là thầy khóa, sách chữ nho đầy kệ, ông đọc sách luôn lên giọng ê a, khi kể chuyện ông luôn luôn có cách nói văn biền ngẫu, có xướng, có đối, có âm lên, âm xuống … Đã bao năm qua, tôi không bao giờ quên được giọng kể chuyện của ngoại, và có lẽ, nó đã một cách vô thức dẫn dắt cuộc đời của mình.

- Ông ơi, còn cái hình này, có Quan Công ngồi trên lưng Xích Thố, tay cầm thanh long đao cúi xuống đưa mũi đao vào tấm bào do một người quỳ dâng và một đám người ngựa lố nhố đối diện …

Ngoại giật mạnh dây cho võng đong đưa, tóc và râu ông bạc trắng như ông tiên, ông quạt phành phạch :

- Cái lão cỡi ngựa xám, mặt trắng mắt lươn là Tào tặc, cái tên râu xoắn mắt trợn trừng là Hứa Chữ …. Quan Công ngài oai phong trên lưng Xích Thố, sau lưng là nhị tẩu trên xe lúc bôn đào … Tào tặc tặng cẩm y khi ngài đưa nhị tẩu tìm về Lưu Bị.
- Ông ơi, sao truy đuổi mà còn tặng cẩm y?

Ngoại chắt lưỡi trầm ngâm :

- Tào tặc trí hơn người! Dã tâm khó lường, đã nhận cẩm y thì mới ra cái cảnh Tào ngàn lạy kể công ơn và … Quan Công tha Tào tặc ở Huê Dung Đạo sau này!

Ông không nói thêm, trời nóng ủ ê, tôi lơ mơ nhìn hình dáng oai phong con Xích Thố như muốn cuộn vó tung trời … Cái nóng hầm hập, nhơn nhớt mồ hôi làm cho mọi cử động đều dư thừa, chút gió nồm dưới sông lùa lên mỏng tanh như tiếng lách tách khe khẽ của tàn lá dừa bên hiên.

Chợt tiếng chim tu hú từ vườn cây hàng xóm như đánh thức; tiếng kêu như tiếng kiểng báo động : “Tu hú! Tu hú!” đều đều gõ nhịp âm thanh, xắt lát buổi chiều êm ả ra từng lát mỏng.

Tiếng võng kêu kọt kẹt, đều đều …

Ngoài vườn tiếng chim tu hú kêu đổ hồi : Tu hú! Tu hú! Tiếng kêu vang lên khô khốc kèm theo là tiếng chim chèo bẻo đuổi theo kêu chen chét ở bờ tre. Loại chim này không kêu nhiều, “Tu hú! Tu hú!”, cụt ngủn năm mười tiếng, sau đó là hàng loạt các loại chim nhao nhao kêu lên đánh đuổi. Con chim chèo bẻo ốm nhom có chiếc đuôi đen kéo dài và rẽ chéo như đuôi cá, đậu vắt vẻo trên ngọn tre cao cứ chen chét kêu, như một trinh sát báo động có địch. Chim tu hú màu đen như quạ, to con hơn chim sáo sậu, với đuôi dài đen nhánh như tà áo khoát của mụ phù thủy. Nó chẳng bao giờ đậu yên có đôi có cặp, hoặc đứng yên cất giọng kêu như con chim cu, đầu nó cứ rụt vào nhủi núp dưới các tàn lá, mỏ đen, mắt lóng lánh như hai hạt cườm màu đỏ lấp ló đâu đó trong lùm cây rậm. Chim tu hú lúc ẩn, lúc hiện, lúc kêu đầu tây lúc đầu đông … nhiều khi không nghe chim tu hú kêu mà chỉ nghe rộn ràng tiếng các loài chim khác kêu vang cả góc vườn là biết đâu đó trong tàn cây đã có chim tu hú.

Tôi nhảy vội xuống, ba chân bốn cẳng chạy ra góc vườn sau trèo lên cây trâm rồi níu qua cành cây gáo mà nhìn vào chiếc ổ chim cà cưởng cheo veo ngoài rìa cành cây gáo. Cà cưởng hoa là giống chim mồm miệng toe toét, dễ thương như mấy cô thợ cấy đùa giỡn tinh nghịch ba hoa chọc ghẹo suốt ngày. Cặp chim cà cưởng ở góc vườn mà hót tía lia là in như có chợ, có hội rộn rã xôm xả cười nói của mấy cô dì trong ngày giỗ - Rộn rã, ồn ào, xởi lởi và vô tâm. Cặp chim cà cưởng trong vườn ông ngoại là niềm vui của cả khu vườn, nắng sớm vừa lên, là cặp cà cưởng bông đã nhún nhảy trên cành tre cao vót, hót líu lo rộn ràng – Tiếng hót không hay, không thanh, nhưng rộn như ngày mùa có tiếng gọi nhau ơi ới chen tiếng cười vui hể hả. Vườn cây như trở dậy, đầy sức sống trong nắng ban mai bừng nở với âm bô-lô-ba-la của hai vợ chồng cà cưởng hoa. Cặp chim cà cưởng hoa hồn nhiên sống, hồn nhiên líu lo suốt ngày, rún rẩy theo ngọn tre trong gió nồm. Tiếng hót của đôi cà cưởng hoa trong vườn ông ngoại thật an bình, hạnh phúc như nghe mấy chiếc đò dọc trên sông Trường giang hò đối đáp trong đêm trăng.

Ông ngoại nói khi tu hú kêu, là mùa cá chuồn tới, là mùa mít ra hoa kết trái, bởi vậy : “ Ai về nhắn với Nậu Nguồn, mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”, Nậu Nguồn là người dân tộc miền núi cao, họ đem mít non xuống đổi cá chuồn của dân đi biển. Cứ tu hú kêu vào tháng tư, tháng năm, mùa gió nam thổi mạnh là mùa dân biển trúng đậm cá chuồn. Dân quê tôi gọi : “Tu hú nó rủ cá chuồn”. Tôi leo lên cành cây trâm, chuyền qua cây gáo, đầu chạng ba ngoài rìa cành gáo là tổ chim cà cưởng bông. Cặp vợ chồng chim cưởng làm tổ xuề xòa bằng các que củi khô và rơm rạ. Tổ chim to mà cực giản đơn, mở toát tứ bề đón gió mưa, hể hả khoe với trời đất ba chiếc trứng màu xanh ngọc nằm gọn trên lớp đệm lông tơ ở chính giữa cái tổ tuềnh toàng ấy. Trong khi các tổ chim giòn giọt, chim sáo sậu, ngay cả đôi chào mào … cũng làm tổ thật kỹ lưỡng, an toàn. Cà cưởng là loại chim giản đơn cực kỳ, loại chim sống trong thuở thanh bình : “nhà không khóa cửa, vườn không rào dậu …”, loại chim nhân hậu và đầy niềm tin yêu mọi loài. Tôi lên canh chừng mấy trứng chim màu xanh ngọc của đôi cà cưởng bông. Ông ngoại bảo tu hú kêu ở đâu là nó đã nhắm đến một tổ chim nào đó để ăn trứng và gởi trứng nhờ ấp hộ. Tu hú không bao giờ làm tổ nuôi con, nó chỉ rình rập tổ chim nào có sẵn, vào tổ ăn trứng chim và đẻ vào đó nhờ chim có tổ ấp giúp con mình. Bản năng dạy nó cách rình mò, cách tiềm phục để gởi trứng cho người ta nuôi con. Và tu hú thích nhất là gởi trứng vào tổ chim cà cưởng vì cà cưởng hồn hậu, dễ tin.

Tôi yêu cặp cà cưởng bông trong vườn ngoại, tôi cứ trèo lên chạng cây canh chừng con tu hú đen, mắt đỏ, cứ lẩn lút quanh tổ chim. Nhìn ba trứng màu xanh ngọc nằm tràn đầy ánh sáng giữa lòng tổ, tôi cảm thấy vui và yên tâm lạ thường. Hai con cà cưởng bông cũng xôn xao đuổi cho có vẻ theo các con chim chèo bẻo, chào mào đuổi con tu hú bay xa. Cặp cà cưởng lại quay về trên ngọn cây mít, cạnh tổ chim, lí-la lí-lô hót như khoe mẻ : “Có sao đâu! Có sao đâu! Tổ tôi vẫn tốt! Trứng tôi vẫn đẹp!”. Nắng ban mai như nhảy nhót, như tuôn chảy trên màu xanh bóng mượt của lá mít. Hai con chim cưởng, líu lo chán lại sà xuống đám ruộng trước cổng chụp mấy con nhái bén.

Tôi tuột xuống cây trâm chạy vào nhà, níu võng bô bô kể :

- Con tu hú bay xa rồi ông, con chèo bẻo đánh riết, nó chúi đầu bay vào lùm bứa ở góc vườn rồi lủi đâu mất. Tổ cưởng bông vẫn còn nguyên ba trứng.
- Chắc còn nguyên ba trứng cưởng không con?
- Chắc mà ông, ba trứng màu xanh ngọc nằm êm giữa tổ.

Ông ngoại khề khà, đập nhịp chiếc quạt mo vào lưng rồi nói :

- Tu hú nó tinh ma lắm con à, nó đẻ trứng nó vào tổ cà cưởng sau khi hút hết lòng trắng, lòng đỏ trứng chim cà cưởng, nó lại hất võ trứng chim cà cưởng ra khỏi tổ, để chim cà cưởng về không phát hiện được đã bị đổi trứng.
- Cà cưởng thấy màu trứng khác mà ông!
- Chim cà cưởng không phân biệt được màu, nó chỉ phân biệt được hình thể – Trứng chim tu hú như trứng chim cút, bằng trứng cà cưởng nhưng màu vàng nhạt lấm chấm đen, nâu, rằn ri … Tu hú ăn một trứng đẻ vào đó một trứng, mấy ngày sau sẽ ăn một trứng nữa và đẻ một trứng. Tu hú chỉ đẻ có hai trứng thôi. Chim tu hú là một thứ chim ma mãnh, xảo quyệt, nhiều thủ đoạn … Tất cả tính chất đó là một bản năng tồn tại của nó! Nó tồn tại nhờ lừa bịp và phản phúc, hai tính chất đó đã trở thành bản năng, khó thể nào thay đổi.
- May quá, con leo lên xem rồi, vẫn còn nguyên ba trứng chim cà cưởng ông ngoại à.

Ngoại chợt thở dài, mắt nhìn mông ra đồng ruộng.

- Khi chim tu hú đã kêu, thì ông sợ không dễ gì cản được nó. Chim cà cưởng hồn nhiên, đơn giản quá, làm sao tránh khỏi bị lừa! Như Bá Xa trong truyện Tam Quốc, vui mừng hí hửng đi mua rượu cho Tào, rồi …
- À quên, rồi sao nữa ông?
- Ông đã kể rồi, cả gia đình Bá Xa lô la : “ Trói rồi hãy cắt cổ!”, Bá Xa đon đả : “Sao tướng công vội đi, đây là rượu ngon nhất làng!” – Một lưỡi kiếm vung lên, mấy chiếc đầu rơi rụng! Trong thế giới của Tào đâu có chỗ cho sự hồn nhiên, đơn giản của Bá Xa và gia đình! Trong tiếng kêu của tu hú đâu có chỗ cho sự nhi nhô của mấy con cà cưởng bông! Phải vậy không nà? – Trần Cung, Dương Tu … cái đám trí thức, tham mưu hèn yếu đó thì chỉ quày ngựa bỏ đi, chỉ chê bai Tào là bất nghĩa, bất tín … rồi nguyền rủa, rồi quay ngựa bỏ đi như Trần Cung; hoặc ngông cuồng bỡn cợt chữ nghĩa xỏ xiêng kiểu “gân gà” của Dương Tu … Rồi được gì? Bọn họ có cản được cả ngàn cái đầu như Bá Xa rơi rụng? Họ có thay đổi được bản chất của Tào tặc?
- Rồi Trần Cung quày ngựa bỏ đi hả ông?

Ông ngoại tư lự :

- Như con ngồi trên chạng cây gáo nhìn mấy trứng chim cà cưởng. Con nghe chim tu hú kêu, con canh giữ, con tức giận đôi chim cà cưởng bông ngây ngô cứ nhún nhẩy trên cành cây cao mà tụng ca : “Tổ tôi đẹp, trứng tôi xinh, có sao đâu! Có sao đâu!”, miệng mồm cứ tía lia, tía lia đâu có thấy cái bóng đen đe dọa của tiếng kêu chim tu hú! – Rồi con cũng sẽ căm tức mà nhìn, làm sao được con!

Con chim cu cườm gáy “túc tù cu!” nhẩn nha, thư thả, giọt từng giọt âm thanh, buồn buồn, âm u, dịu vợi trong chiều vàng nhạt.

* * *

Chiều hôm sau, tôi ngủ trưa thiêm thiếp trong cái nắng hầm hập tháng tư, thi thoảng cơn gió nồm từ biển tạt vào, qua động cát trắng, qua cánh đồng lúa tháng tư mới gặt ùa vào mát dìu dịu lẫn với mùi rơm lúa mới đánh thức mọi giác quan. Tôi cột chặt chiếc ná dây thun với mấy hòn sỏi, chờ đợi tiếng chim tu hú kêu, là chạy ra đánh đuổi. Tôi tưởng tượng cái bóng đen lủi, thậm thò thậm thụt kia với viên sỏi tôi mân mê trong tay. Hôm nay nắng nhiều, nên cặp chim cưởng bông cũng ít líu la líu lo, khoe mẻ : “Tổ tôi đẹp, trứng tôi xinh, có sao đâu! Có sao đâu!”. Buổi xế trưa hè miền Trung, mọi sự vật đều tiết kiệm từng cử chỉ, đều thiêm thiếp ru trong uể oải. Tôi chợt giật mình, khi nghe con chèo bẻo chen chét hét toáng lên, sau đó tiếng cánh loạt soạt và tiếng tu hú khô khốc vang lên ở cuối vườn. “Tu hú! Tu hú!” – Tôi ngước nhìn lên tổ chim cà cưởng vẫn bình an, tôi cầm ná thun chạy men theo hàng tre già đến cuối vườn. Con tu hú đen như con quạ, mắt như hai chấm đỏ, hoát mồm ra kêu : “Tu … hú! Tu … hú!” – Nó đứng chèn giữa đám thân cây tre, không làm sao bắn được, tôi kéo thun bắn hú họa để xua đuổi. Con chim không bay xa, lại đậu ở cành tre khác kêu to : “Tu … tu hú! Tu … tu hú!”. Chèo bẻo, chào mào và hai con cà cưởng bông toạt mồm lên lí la lí lô, chen chét như ngầm bảo : “Đồ khốn! Đồ khốn! Tao giết mày! Tao biết rõ mày thối tha! Tao ghét! Tao ghét!” – Cái âm chen chét rát tai của hai con chèo bẻo ốm nhom, giống như âm : “Tao ghét! Tao ghét!” – Tôi đứng yên gườm gườm nhìn con tu hú lì lợm giữa bụi tre gai. Nó thản nhiên trước mọi lời chửi mỏ, hằn học của lũ chim vây quanh, nó nhủi đầu vào giữa lùm gai và lúc lúc lại : “Tu hú! Tu hú!”. Đôi cà cưởng bông hét cho lắm, mỏi mồm, rúc đầu kêu “túc! túc!” trong cổ họng, canh chừng con tu hú vẫn thản nhiên gằm đầu núp trong bụi tre gai. Bỗng góc bên kia vườn, có tiếng tu hú kêu gãy gọn hai tiếng : “Tu hú! Tu hú!” – Con chim trong bụi tre bay ra về phía ấy. Mấy con chèo bẻo, cà cưởng lại chen chét bay đuổi theo. Tôi quay vào nhà, đong đưa võng kể với ông ngoại :

- Cháu mới đuổi con tu hú đến cuối vườn, nó lì lợm đậu giữa bụi tre gai, kêu liên hồi. Nhìn thấy bộ lông đen óng, đôi mắt đỏ, lúc nào cũng gằm gằm đầu, trốn nhủi. Thật ghét, ông à!

Ông ngoại đập quạt mo xua mấy con bồ hóng vo ve :

- Con bị lừa rồi! Con tu hú trống kêu ở góc vườn để dụ cho chèo bẻo và cả nhà cà cưởng bông đuổi theo, không để ý đến tổ để cho con mái sẽ vào ăn trứng cà cưởng và đẻ vào đó! – Trời ơi, đừng có tin con tu hú con à, nơi nó toang toát mồm, rêu rao kêu lớn là nơi nó không làm điều ác; nơi nó đã có ý đồ làm thì nó lại không kêu! Con ra tổ cà cưởng mà coi.

Tôi chạy biến ra gốc cây trâm, thoăn thoắt lên chạng cây nhìn với ra tổ cà cưởng. Trước mắt tôi, hai trứng màu xanh ngọc nằm bên một trứng rằn ri của con tu hú. Tôi nhìn xuống đất, một vỏ trứng cà cưởng nằm giữa đám cỏ. Ngực tôi như đau thắt lại, tôi sững sờ nhìn vào tổ trứng ở mút xa tầm với mà muốn đập chiếc trứng lốm đốm chấm nâu đen. Tôi đã bị con tu hú trống lừa chạy xuống cuối vườn, cà cưởng và chèo bẻo cũng bị lừa vì tiếng kêu của tu hú.

Vợ chồng cưởng bông từ thửa ruộng bay về đậu trên cành mít, vẫn líu lo hồn nhiên : “Tổ tôi đẹp! Trứng tôi đẹp! Có sao đâu! Có sao đâu!”.

Tôi tuột xuống cây, lượm vỏ trứng xanh lơ còn ươn ướt nhơn nhớt tròng trắng.

- Ngoại ơi! Nó ăn hết một trứng cà cưởng bông rồi ngoại.
- Ông đã nói mà! – Tu hú kêu ở đầu vườn này nhưng âm thầm làm việc ác ở góc vườn kia, bọn cà cưởng bông và chèo bẻo sao biết hết lòng dạ của tu hú. Khi tu hú kêu là khi đã có ý đồ, đừng nghe nó kêu mà tưởng nó chỉ đang ở chỗ nó kêu, sự lừa bịp đã là bản năng của loài tu hú.

Tôi ngồi trên ván gỗ, tựa đầu vào võng, lòng nặng như chì.

- Ông ơi, thôi đừng nói chuyện tu hú nữa, ông kể chuyện Tam Quốc đi ông.
- Chuyện nào cũng chỉ là chuyện, ông ôn tồn nói, còn cuộc sống thì vẫn chảy trôi thôi. Bạc nhược như Hiến Đế, tham dâm như Đổng Trác, thiếu quyết đoán như Lưu Bị … mới là dòng chảy cho Tào bơi đến đích. Người ta cứ hay chê bai Tào tàn ác, thủ đoạn, gian manh nhưng mấy ai thấy chính sự hèn yếu, vô tâm, hưởng thụ của mình đã sản sinh ra Tào. Dù có bao thế hệ mất mát, nát cửa tan nhà, thì trong tâm thức của cà cưởng vẫn không ghi dấu được kẻ cựu thù là tu hú. Cà cưởng vẫn sống hồn nhiên, là sức sống và niềm tin đầy ắp khu vườn, vẫn làm tổ hoang hoát mở bốn phương, sống hồn hậu đầy tin yêu và không nghi ngại, vẫn mấy chiếc trứng xanh mịn màng dưới nắng sớm. Và vẫn : “Tổ tôi đẹp! Trứng tôi đẹp! Đâu có sao! Đâu có sao!”.

Tào vẫn là Tào và cà cưởng vẫn phải nuôi con tu hú mà con!

Tôi lơ mơ nằm xuống phản gỗ ngủ, tiếng kẽo kẹt chiếc võng ông, lẫn với tiếng cu cườm gáy ngoài hiên, nhàn nhạt buồn.

* * *

Từ ngày có tiếng tu hú kêu, vườn ngoại không còn bình an nữa, khi sáng, khi chiều tiếng các loài chim chí cha chí chét đánh đuổi không thôi. Sau mươi ngày kêu bên đông, kêu bên tây dẫn dụ bầy chim vườn đuổi theo nơi này nơi khác của con tu hú trống, con mái cũng hoàn thành được nhiệm vụ bảo tồn nòi giống với hai chiếc trứng rằn ri nằm cạnh hai chiếc trứng màu xanh lơ của đôi cà cưởng bông. Hai con cà cưởng thi nhau ấp trứng, khu vườn ông ngoại im ắng, không còn nghe tiếng tu hú kêu. Sự êm đềm có được nhờ bởi tu hú sắp xếp xong một tương lai dưới sự ấp ủ của đôi cà cưởng. Khu vườn chợt như đã trở lại bình an, yên vui vì đôi chim tu hú không còn kêu, đã bay đi xa; nó để cho vườn yên ả vì nó đã hoàn tất bản năng của mình. Con cà cưởng mái xòe cánh ấp, con trống líu lo trên ngọn mít bên cạnh, chốc chốc lại sà xuống đồng đậu trên mình con trâu đen trủi bắt được một con ve căng mọng về tặng vợ. Chốc chốc lại líu lo : “Đẹp lắm! Đẹp lắm! Có sao đâu! Có sao đâu!”.

Sắp nghỉ hè, tôi thẫn thờ quanh cây gáo nhìn lên tổ chim cà cưởng trên đầu rìa cành, tôi thấy xót xa thương cho sự hồn nhiên, ngây ngô của đôi cà cưởng.

Rồi một buổi sáng, tôi nghe tiếng chiêm chiếp trên cao. Tôi leo lên chạng ba cây gáo nhìn ra, khi mẹ cà cưởng đã bay đi kiếm ăn : bốn con chim non đỏ hỏn gác đầu bên nhau kêu chiêm chiếp khi nghe tiếng động. Hai con đen thủi, mồm há rộng đỏ hỏn, hai con lông tơ trắng mỏ vàng … bốn mỏ cùng mở rộng, mắt nhắm nghiền, kêu chiêm chiếp chờ mồi …

Ông ngoại bị cảm đã mấy ngày, ông không còn dòn dã kể chuyện Tam Quốc cho tôi nghe, ông đang nằm trên võng trầm tư. Tôi vừa đưa nhẹ nhẹ võng, vừa phe phẩy quạt :

- Ông ơi, ổ chim cưởng nở rồi. Con lên xem nó nở bốn con, hai đen hai trắng xám.
- Chim tu hú sẽ trổ lông màu cú nổ, đen trắng, rồi đến ngày ra ràng biết bay, lông nó sẽ thành màu đen như cha mẹ nó. Còn đôi chim cà cưởng, mỏ vàng lông trắng xám. Nếu khéo tranh sống thì đôi chim cưởng sẽ còn một con cho đến ngày biết bay.
- Nó ăn thịt con chim cà cưởng con hả ông?
- Không đâu, từ trong máu bản năng sống của tu hú rất mãnh liệt, nó tranh sống, nó dành thức ăn của mẹ cà cưởng, nó sẽ húc, sẽ đạp cho chết bớt để nó có nhiều thức ăn hơn để lớn.

Tôi mơ ước có cách gì cứu đôi chim non. Ngồi ở chạng ba cây gáo, tôi nhìn ra đầu cành thấy chim non lớn lên từng ngày. Đôi chim cà cưởng rộn ràng suốt ngày bay lên xuống ở đám ruộng trước cổng để kiếm mồi nuôi con, khi thì con dế non, cào cào, nhái bén, … túi bụi, lam lũ kiếm mồi trút vào bầy con toạt mồm kêu chách chách suốt ngày. Khi rỗi vì nắng trưa gay gắt, đôi cà cưởng lại đứng bên nhau trên ngọn mít cao hồn nhiên, liếng thoắng khoe nhắn : “Tổ tôi đẹp! Con tôi đẹp! Có sao đâu! Có sao đâu!”. Tôi không hề thấy bóng dáng cặp chim tu hú lén lút, thủ đoạn kia ở đâu? Nó có nghĩ đến cặp con đang gởi ở tổ cà cưởng hay không. Tôi hỏi ngoại :

- Ông ơi, bố mẹ tu hú có về chăm sóc con không?
- Bản năng sinh tồn dạy nó cách đánh lừa, cách phỉnh gạt để đạt mục đích. Việc kêu bên đông, lừa bên tây; việc chỉ ăn một nửa số trứng của cà cưởng, để tình máu mủ của cà cưởng mẹ nghe tiếng kêu chiêm chíp của con mà phải lo mồi về nuôi cả con bầy … tất cả đã có trong máu tu hú. Nó thản nhiên làm việc ác và nó xem như nó và đôi cà cưởng bông vui vẻ hợp tác sinh tồn. Một cách nào đó cũng là sự tự nguyện, rất thân tình của cà cưởng kia mà!!

Cặp cà cưởng bông vẫn hì hục từ mờ sáng cho đến tối mịt cung ứng đủ mồi cho hai cái mồm đỏ lỏm, toang toát há ra chờ. Mới mươi ngày mà hai cục thịt đỏ hỏn hơn ngón chân cái, nay lông ống tua tủa đen đốm trắng như lông nhím đã phủ hai con tu hú con. Nó chồm lên cao hơn hai con cà cưởng mỏ vàng một cái đầu, hai cánh dềnh dàng lớn gần gấp đôi hai chú cà cưởng bông con.

Đi đâu về, tôi lại nhảy tót lên chạng cây nhìn vào tổ chim từng ngày, vừa tò mò vừa xót xa. Tôi làm được gì đây khi từng ngày chứng kiến sự phản phúc trưởng thành. Hai con cà cưởng bông tha mồi về, một con nhái bén lòng thòng hai chân, nó chưa lựa chọn để bỏ vào chiếc mồm nào trong bốn con con, đã bị mỏ con tu hú đen đúa chồm tới kéo giật về, thiếu điều nuốt luôn chiếc đầu của con cà cưởng mẹ. Cặp mắt lồi, đen mốc ánh sắc đỏ, cổ tua tủa lông ống như hàng đinh, giọng kêu chách chách điếc cả tai. Bốn chiếc cánh lởm chởm lông xòe rộng ra như mấy bàn tay lông lá đè dí hai con cà cưởng con chúi đầu xuống. Nó liên tục ăn, liên tục kêu chach chách, và ép dí đôi chim cà cưởng con sát rìa tổ. Hai con cưởng mẹ hết sức để hót líu lo, và cũng quen dần với mấy đứa con hoang toàng, hung bạo như là một định mệnh.

Rồi một buổi xế chiều, đi học về, tôi lên cây thăm tổ chim cà cưởng, tôi chỉ còn nhìn thấy hai con tu hú con hoát mồm đỏ hỏn kêu chach chách bên một con cà cưởng con nhúi đầu bên góc tổ. Một con chim non đã bị tha đi đâu? Nhìn xuống gốc cây gáo, bên bờ cỏ, một con chim non nằm ngửa, bể bọng đái chết, kiến lửa bu đầy. Tôi nhặt xác con chim non đem về hỏi ngoại :

- Ông ơi, hai con tu hú húc cho con cà cưởng rớt xuống bể bọng đái chết rồi ông! Còn một con, làm sao cứu hả ông!

Ngoại đập chiếc quạt mo đánh đét vào võng như đập mấy con ruồi vo ve.

- Ông đã nói cháu rồi! Lũ chim tu hú con nó bắt đầu hình thành cái ác như là bản năng sống. Nó có sức mạnh, nó có quyền giết hết, nó muốn giết sạch để độc chiếm tổ, nhưng nó không làm thế. Nó sẽ hất một con và sẽ giữ lại một con, nó không giết chết hết đâu dù thâm tâm nó muốn giết hết để tranh lấy mồi. Con cà cưởng mẹ chắc phải nghe một loại âm thanh nào đó của nòi giống cà cưởng để tin rằng cả bầy con là con mình, và như thế mới lao đầu vào từ sáng sớm đến tối mờ tha mồi về tổ nuôi con. Đâu dễ dàng gì trong sự lọc lựa của tự nhiên, mà một nòi giống chấp nhận sự triệt để phản phúc của một loài khác, nếu trong ấy không có chút tồn tại của bản thân mình. Rồi con xem, thiên nhiên nó có con đường đi của mình, con cà cưởng con còn lại chắc là có một thứ âm riêng, từ thâm sâu kêu gọi đôi chim mẹ tha mồi nuôi con tu hú, nuôi cho nó lớn, nó lại sẽ bay xa, rồi hè năm đến, chim tu hú lại tìm về một khu rừng nào đó để lại diễn y tấn tuồng lừa bịp mà con chứng kiến. Nó lừa bịp và phản phúc như một bản năng. Cháu ơi, ông biết cháu rất buồn khi phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng đang bày ra trước mắt : chứng kiến sự lừa mị của đôi tu hú; chứng kiến những chiếc trứng xanh ngọc bị đập vỡ hút đi thay vào đó những trứng rằn ri dị dạng; chứng kiến con cà cưởng non, đỏ hỏn bị hất ra khỏi nhà cha mẹ mình để bị vỡ bụng chết phơi mình không một tiếng kêu; chứng kiến cảnh sống hồn nhiên, hời hợt của đôi chim cà cưởng bố mẹ bên cạnh cảnh nát cửa tan nhà mà vẫn líu lo : “Mọi sự tốt đẹp, mọi sự tốt đẹp. Có sao đâu! Có sao đâu!”, và hồn nhiên vất vả tha mồi nuôi hai thằng con giặc lớn lên từng ngày! Biết làm sao được cháu ơi! Rồi ngày nào, đến tuổi nào đó con sẽ hiểu như ông đang hiểu rằng cái ác, cái thiện nó nương tựa nhau trong duyên nghiệp. Mình có làm được gì đâu con?

Tôi lủi thủi bước ra chỗ cây ổi sẻ cạnh cổng vườn ông mà nhìn ra mấy đám ruộng trơ gốc rạ. Tôi cứ thấy lòng mình nặng như có gì đè lên ngực. Lối đi trên bờ ruộng lúa mòn vẹt cỏ dại, mấy con trâu bò đang nằm thiu thiu ở sát bờ tre nhẩn nha nhai lại, bọt mép trắng nhẽo phì phọt, vài con sáo sậu lẩn quẩn đi quanh bắt mồi. Chiều xuống thật chậm, mây và giông ở miệt Trà Kiệu đen chì, bức bối.

Đã mấy hôm rồi, ông ngoại như có việc gì buồn rầu lắm. Ông nhìn vào mấy bức tranh giấy trên vách mà không còn hào hứng kể chuyện cho tôi nghe. Nhìn mấy đốm đồi mồi bên cạnh hàm râu dài màu trắng của ông, tôi chỉ thầm mong ông còn mãi bên mình. Tôi không còn thích thú ngồi ở chạng cây nhìn mấy con chim con lớn lên từng ngày, từ khi tôi biết hai con quỷ nhỏ màu đen gớm ghiếc kia húc cho con chim cà cưởng non rớt xuống đất chết. Bây giờ, ở dưới gốc cây nhìn lên, tôi đã thấy hai chiếc mỏ đen, đám lông đen chấm cú của cặp chim tu hú con. Tiếng con cà cưởng con đơn độc nay đã nghe rõ ràng khác với tiếng chanh chách của hai con tu hú con.

Rồi vào một buổi sáng, khi nắng lung linh xôn xao trong gió nồm trên hàng tre sau vườn, tôi theo ngoại ra ruộng về. Tôi chợt nghe tiếng chanh chách của cặp tu hú con ở tận cuối vườn, bên khóm cây bứa rậm. Tôi thoáng thấy bóng hai con cà cưởng từ ngoài ruộng bay về phía ấy.

- Ông ơi, cháu lên coi thử, con cà cưởng con còn đó không?

Tôi leo lên chạng cây, giữa tổ chú cà cưởng con mỏ vàng nhạt, lông sọc đen trắng như cha mẹ nó, cặp mắt như hai hạt cườm đen vẫn bình thản nằm yên trong gió mát. Chưa bao giờ tôi thấy cái thanh bình, êm dịu và đẹp đến như vậy : cảnh an bình nào lớn hơn con trẻ nằm trong lòng nôi của cha mẹ nhoẻn miệng cười. Lòng tôi chợt vui khi thấy một con cà cưởng tha về một con dế than, chim con kiểng chân đứng lên nhẹ nhàng đón lấy, chim mẹ như muốn dần nhẹ cho con mồi mềm ra để mớm cho con. Không còn bóng dáng của loài phản phúc, tranh dành, cướp giật, tự dưng ánh sáng an lành ngập tràn trong tổ chim cà cưởng bông.

Tôi chạy xuống cuối vườn, hai con tu hú đen đã vững vàng đứng trên một cành bứa cao. Nhìn nó bay ra ngoài mới thấy nó mạnh bạo và đầy tự tin, đầy sức sống. Hai chim cà cưởng vẫn thay nhau tìm mồi về nuôi hai đứa con hư hỏng, phải mất mấy ngày như thế nó mới tập bay tập nhảy …

Tôi kể cho ông nghe những gì mình nhìn thấy trên tổ, kể cho ông nghe đôi chim tu hú non đã ra ràng, tập bay ở lùm cây bứa cuối vườn.

Tôi nằm nghiêng tựa võng xem bức tranh trong bộ tứ bình màu vàng ố treo trên vách cót : một tên hầu quỳ xuống dâng áo bào, một Quan Vân Trường với đao xuống nhận, sau lưng là hai xe chở nhị tẩu. Tôi tưởng tượng đủ cảnh tượng qua từng tấm tranh, qua giọng kể từ từ của ông ngoại.

- Tào tặc tha cho Quan Vân Trường là thuốc thử với Khổng Minh, Lưu Bị … Nếu tâm nhỏ thì lòng hoài nghi nơi Lưu Bị sẽ đục phá tình nghĩa vườn Đào; ngoài ra không khuất phục được Quan Vũ thì chút quà mọn là chút vốn đầu tư cho mai hậu gởi vào lòng trượng nghĩa của Vân Trường. Mà quả đúng là đâu có lỗ! Chiếc áo bào mỏng này được trả ở Huê Dung Đạo sau trận Xích Bích, Tào thua tơi tả. Nếu không là Quan công ngày ấy ở Huê Dung mà gặp phải Triệu Vân, Trương Phi thì còn gì mạng Tào!!

Tôi lan man nghe ông kể, chữ được chữ mất, liu riu trong gió nồm mà đánh giấc xế.

Mấy ngày sau, cặp chim tu hú non đã tự bay xa, chắc đã gặp bố mẹ nó ở mấy vườn cây bên kia bìa rừng, hoặc đã tự kiếm được mồi. Hai con cà cưởng bông hồi sức vì dễ dàng nuôi một con dại, tiếng chiêm chiếp trên tổ lớn dần, cà cưởng con đã đứng bên rìa tổ đập cánh chờ mồi bố mẹ mớm cho. Con cà cưởng con lông ức trắng muốt, đuôi rẻ đen viền trắng đã ló ra như tóc bum-bê thắt nơ của mấy bé gái chập chững biết đi.

- Ông ơi, nếu không bị hất ra khỏi tổ thì giờ này đã có một cặp chim cà cưởng bông đẹp biết mấy; hơn thế, nếu không đem công sức nuôi mấy đứa con hoang của tu hú kia thì giờ này bầy cưởng bông của vườn ngoại mặc sức mà rộn ràng, líu lo …

Nghe tôi “nếu mà …” lung tung, ông ngoại chỉ khẽ khàng nói :

- Con cà cưởng bông sẽ tiếp tục khờ khạo, ngu ngơ và sẽ cứ mãi tía lia : “Vẫn đẹp! Vẫn tốt đẹp! Có sao đâu! Có sao đâu!”, như con thường trêu. Sang năm vào hạ, khi gió nồm thổi mạnh, khi mùa cá chuồng đầy ắp ghe thuyền, thì tu hú lại kêu. Con trống nó hoát mồm kêu bên phía đông để đánh lừa, trong khi con mái âm mưu bên phía tây. Rồi cà cưởng vẫn phải ấp trứng nuôi con cho tu hú, rồi cà cưởng con sẽ bị bể bọng đái chết khi tu hú cần cho chết … Mọi sự rồi cứ thế tiếp tục cháu à. Dẫu có nguyền rủa, nó vẫn cứ thế, không thiện, không ác. Chẳng có một vết tích nào khổ đau qua bao năm rồi trong tiếng líu lo, rộn rã, hồn nhiên của cà cưởng dù gia đình nó phải trãi qua bao tai ương. Rồi tu hú vẫn tiếp tục kêu, bản năng phản phúc và lừa bịp vẫn tiếp diễn.

Mùa hạ miền quê tôi khắc nghiệt bao nhiêu, lại là mùa có những sáng mai trong vườn quê đẹp ngẩn ngơ. Gió nồm nhẹ thổi sau một đêm dài nóng bức bối, hương lúa rạ tháng tư hòa lẫn mùi phân trâu bò có mùi nồng thơm chân chất chen lẫn hương cau dìu dịu … Từ mờ sớm dàn đồng ca của lũ cà cưởng bông, chim cu cườm, chào mào, sáo sậu … đã líu lo, hàng tre nhún nhảy trong gió sớm lấp lánh ánh nắng mai trên đám lá xanh.

Rồi cứ thế, vườn quê ngoại vẫn đẹp, chim cà cưởng bông vẫn tháng năm hồn nhiên líu lo ca hát và chim tu hú vẫn kêu, vẫn tiếp tục lừa bịp bầy chim cưởng ngây thơ.

 
 

2008

Nguyễn Quang Tuyến