|
Lịch sử văn học đã cho chúng ta biết được rằng, một tác phẩm văn học có giá trị đích thực – nghĩa là diễn tả một cách tinh tế được cái đẹp của cảnh tình, thể hiện được những rung cảm sâu sắc của trái tim, với niềm suy tư đầy tính nhân văn cao quý, sẽ không bao giờ có giới hạn về thời gian và không gian truyền đạt. Sự chia xẻ, hòa nhập cùng tác phẩm của người đọc sẽ mãi mãi còn đó, là niềm hạnh phúc tuyệt vời cho mỗi tâm hồn, cho dầu tác phẩm có được sáng tác cách xa thời điểm hiện tại là bao nhiêu năm tháng.
Bài thơ “Chơi xuân” của Yến Lan được sáng tác vào mùa xuân năm 1938 (Tuyển tập thơ Yến Lan- Nhà xuất bản Văn học – 1996) đã được xem là một trong những bài thơ xuân tiêu biểu thời tiền chiến – cho mãi đến nay, trên 60 năm, vẫn luôn mang lại cho người đọc niềm xúc cảm dạt dào, êm đềm, sâu lắng, về những mùa xuân thanh bình, thơ mộng của quê hương…
Dấu hiệu của mùa xuân ở đây đã sớm bắt đầu từ “hương Cúc thoảng”. Một mùi hương dịu dàng, nhưng đằm thắm, không thiếu ở một ngôi nhà nào nơi làng quê… Tiếp theo mùi hương nồng nàn tình quê, tình đất ấy – là cái im vắng, mênh mông, cho tận đến núi rừng xa ngoài thung sâu. Hình ảnh gần gũi hơn, thắm đượm tình xuân hơn, là đôi chim Quyên đang rỉa cánh trên cành Mai ngoài song cửa vàcâu đối “trưng lên ánh nhũ vàng” trước hiên nhà, trong cái nắng gió rất êm ả của ngày xuân.
“Gởi bạn vào xuân hương Cúc thoảng,
Thung sâu bặt tiếng búa sơn tràng…
Quyên đôi cánh rỉa chòm mai nhún,
Câu đối trưng lên ánh nhũ vàng”.
Trong gian nhà quê ấm cúng, những ngày đầu xuân êm ả – người ông thì thư thả “lục thơ xưa trong sách cũ”; còn đứa cháu thì hồn nhiên, náo nức “khoe áo với đàn anh”: Đây là một hình ảnh gần gũi, rất thơ và cũng tiêu biểu cho một cảnh xuân man mác niềm hoài cảm.
Nhìn ra trước sân, cây nêu đón Tết đang lay động, phất phơ trong gió xuân tươi mát, như đang vẫy chào – đang chia xẻ niềm vui… Vẳng lại, từ xa – trong “ngõ trúc quành” là tiếng lạc ngựa của người du xuân, như tiếng nhạc xuân réo gọi trên khắp nẻo đường quê… Cả hình ảnh và âm thanh gần và xa ấy, tạo nên một bức tranh xuân vừa êm đềm vừa rộn rã, ngày xuân thơ mộng đang chầm chậm trôi qua:
“Ông lục thơ xưa trong sách cũ,
Cháu tìm khoe áo với đàn anh…
Ngoài sân lơ lửng niêu xe tóc,
Lạc ngựa luồn trong ngõ trúc quành”.
Và cảnh vật dường như cũng nhẹ nhàng, chậm rãi, hòa quyện vào Xuân – trong cái không gian thênh thang an bình của “tiếng chuông ngân”, của bờ lau cát trắng, của “đò chở sang sông”… Lại một mảng tranh xuân hiện ra, phơn phớt, giản dị mà vô cùng quyến rũ lòng người : Bờ lau xanh cạnh bãi cát trắng, chiếc đò lờ lững qua sông ; hai quả bánh màu đỏ và người thôn nữ lặng lẽ với niềm hạnh phúc sôi nổi trong lòng:
“Chùa bên vẳng lại tiếng chuông ngân,
Ẩn hiện bờ lau cát trắng ngần…
Đò chở sang sông hai quả bánh,
Của người thôn nữ viếng tình nhân!”.
Trên nẻo đường quê, chúng ta lại bắt gặp hai bà cháu vừa lên chùa lễ Phật trở về, gương mặt rạng rỡ,tươi vui. Giải khăn choàng cổ của cô bé “bay trong gió”, trong tiếng cười khúc khích hồn nhiên, lém lỉnh, núp sau vạt áo của bà… Chỉ một vết châu sa mầu đỏ thẫm vì vô tình lúc lễ Phật bị dính vào dải khăn – hình ảnh cô gái trở nên thánh thiện, quyến rũ biết bao! Màu đỏ của chu sa, còn tượng trưng cho một điềm lành – một mùa xuân tràn đầy sức sống và hy vọng:
“Giải khăn cô gái bay trong gió,
Khúc khích cười sau vạt áo bà…
Lúc nãy lên chùa dâng lễ Phật,
Vô tình để ố vết chu sa!”
.
Cho mãi đến lúc này, người “chơi xuân” mới chợt nhớ tới mình – như nhìn lại từ mùa xuân của quá khứ, của kỷ niệm êm đẹp, nay đã không còn ! Một nỗi buồn man mác, dịu vợi, nhưng cũng thật xót xa trước cuộc vô thường của đời người : Trông ngóng mãi mà người cũ cũng chẳng thấy – chỉ “ngõ thôn vòm trúc” im ắng. Khách “chơi xuân” âm thầm đếm bước, lặng lẽ“nhặt cánh tầm xuân rớt” của kẻ du xuân bỏ lại trên đường về – thật gợi cảm và trong sáng biết bao!
“Người cũ năm nay đâu hút bóng,
Ngõ thôn vòm trúc vẫn che ngang…
Ta đi nhặt cánh tầm xuân rớt,
Của kẻ chơi hoa rải dọc đường!”.
Cùng với “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, “Đi chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm, “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trạc (…). Bài thơ “Chơi xuân” của Yến Lan đã ghi thêm một dấu son khó phai trên những trang thơ thời tiền chiến của văn học Việt Nam một thời khởi sắc…
|
|