Chuyện Về Một Ngôi Nhà

 
 
 

1-

      Đó là một căn nhà có sáu cạnh,mỗi cạnh dài khoảng 3mét 50-do đó diên tích có lẽ chừng ba mươi ba mét vuông.Nhà vách ván, lợp tôn-thời Pháp thuộc người ta dựng nên ngôi nhà ấy là để làm chỗ nghỉ như một trạm gác cho những người quản lý khu chợ phía trước. Sau này, không biết vì lý do gì-căn nhà lại được dem bán đấu giá. Phía sau căn nhà lục giác là dãy phố chỉ cách căn nhà vài mét, người ta có thể đi chung quanh –chẳng gây cản trở gì cho việc lưu thông không mấy nhộn nhịp trong thời ấy khi mà cả khu phố thị trấn chỉ có vài chiếc xe đạp hiệu Pacifice-và khoảng năm sáu chiếc xe kéo, xe ngựa…
      Lão Khải ở dãy phố dọc quốc lộ đã nhanh chân tham dự cuộc đấu giá và trúng thầu sở hữu căn nhà lục giác ấy trong lúc ông Huyên đang chờ chực cuộc đấu giá từ nhiều tháng trước nhưng đến ngày bỏ thầu thì bị đau nặng phải vắng mặt. Dự tính của ông Huyên là sẽ đấu với bất cứ giá nào miễn có được căn nhà đã án ngữ ngay trước mặt tiền dãy nhà bốn căn của ông ở phía sau để sẽ giở bỏ căn nhà lục giác ấy đi như một cái gai ! Ông Huyên đã đến thương lượng với lão Khải để xin nhượng lại quyền sở hữu với giá gấp ba nhưng lão Khải cứ nhe răng cười, không chịu trả lời! Cái gai ấy đã không được nhổ đi-mà lại mọc thêm một cái gai khác- em lão Khải dọn về ở ngay trong căn nhà lục giác bé tí ấy để mở hiệu làm nữ trang bằng vàng bạc- suốt ngày đêm đập dỗ chan chát inh ỏi , xả nước thải lênh láng ra phía sau-ngay trước mặt mấy ngôi nhà của ông Huyên như một thách thức. Vốn căn nhà lục gíác ấy dược dựng lên không phải dùng để ở, sinh hoạt-nên không hề có một hệ thống hầm rút nào, không tiện nghi vệ sinh tối thiểu nên hằng đêm em ông Khải tha hồ đổ nước bẩn ra ngoài, nồng nặc mùi hôi thúi…
     Suốt mấy năm chiến tranh với Pháp, căn nhà lục giác bị bỏ phế-khu chợ cũng hoang vắng biến thành nơi tăng gia sản xuất trồng bông vải, mì, bắp của nguời dân quanh phố-mấy căn nhà của Ông Huyên cũng um tùm cây cỏ vì ba người con còn lại không sao ở cho hết . Không có một ai còn nghĩ đến chuyện nhà cửa, của cải-bởi ngay cả mạng sống cùa họ cũng chỉ được biết từng ngày. Đời sống bị giam hãm bởi nhiều nỗi lo, nỗi sợ- và nghèo đói , nên mọi người đều ngơ ngác bương chải cho qua ngày. Mọi thứ trước cái chết đều trở nên vô nghĩa…
     Sau hiệp định Geneve vài năm-khu phố dần dần hồi sinh, căn nhà lục giác cũng đã được lão Khải cho sơn sửa lại, chia tài sản cho vợ chồng cô em gái út.Gia đình cô em gái này có đến bốn đứa con, mà căn nhà thì không có nhà cầu, giếng nước-nên mọi thứ đều chờ đêm tối đổ bừa ra phía chợ, có khi nước bẩn chảy ra bốn phía căn nhà .Thật ra, cô em gái lão Vĩnh còn được chia cho một ngôi nhà khá rộng ở dưới phố dọc quốc lộ, nhưng bà ta dồn hết con cái vào “ chiếc lô cốt” ấy với nhiều mưu tính .Cô em gái lão Khải cũng giống hệt tính người anh cả. Hình như mấy anh em của lão Khải đều có tính na ná như nhau vậy. Ba người con của ông Huyên sau nhiều lần “góp ý “ không xuể, đành bán bớt hai căn nhà nằm ngay phía sau căn nhà lục giác với giá rẻ để tránh bất hòa, xích mích . Người con trưởng của ông Huyên đã tỏ ra rất thông cảm với bà Xuyến-tên người em gái lão Khải-ưu tiên cho gia đình bà mua trước với giá rẻ hơn 10 phần trăm-nhưng bà Xuyến thờ ơ, đáp lời với giá rẻ mạt! Ông Mười ở dọc khu chợ mua một căn cho người con trai giữa có vợ ra ở riêng , và gia đình một người vừa tản cư lên phố mua một căn. Hai căn này nằm ngay sau căn nhà lục giác của bà Xuyến
     Bà Xuyến chờ đến năm người anh trai kế của bà lên làm thôn trưởng, nửa đêm cho cơi thêm phía sau hai tấm tôn dài bốn mét, dựng vách ván che-làm nhà bếp. Sáng ra, hai căn nhà phía sau thấy được thì đã muộn. Một tay bà cầm dao phay, hai đúa con gái lớn cầm gậy-thách thức hai gia đình phía sau dám động đến mái hiên tôn đã che gần sát trước mặt nhà của họ. Không ai dám làm gì-chỉ nguyền rủa, la ó ồn ào một lát rồi cũng im bặt. Đơn gởi lên thôn-bị người anh bà Xuyến xé bỏ.Gởi lên xã, bị vứt vào giỏ rác.Đến huyện. bị xếp lại. Mệt mỏi-chỉ thình thoàng ra đứng trước cửa nhà mà chưởi đổng vài tràng cho đỡ tức khi không ngửi nổi mùi khói bốc lên mù mịt hay mùi hôi thối phảng phất quanh nhà vậy thôi. ..

2-

      Năm 1980-bà Xuyến chia căn nhà lục giác này cho cô con gái út vừa có chồng để có chỗ mua bán quanh chợ. Thật ra, người chồng của cô con gái khi cưới vợ không nghĩ đến “chiếc lô cốt” tồi tàn, chật hẹp ấy-mà nghĩ đến phần hồi môn khá hơn.Khi dọn về trụ lại trong căn nhà lục giác bít bùng nóng bức ấy chỉ vài tháng-hai vợ chồng thường lục đục gây gỗ, có khi giằng co xô xác nhau phài nhờ đến công an. Căn nhà lục giác không đủ dưỡng khí cho một cuộc tình nở hoa kêt trái nên sau đó, hai người đã chia tay. Tình yêu cũng giống như cây hoa khó trồng-nó đòi hỏi đủ không gian, phân nước, nắng gió thì mới xanh tốt được. Đem giam một cuộc tình mới chớm vào trong “chiếc lô cốt” tối tăm, bịt bùng thì hỏi làm sao không héo tàn?.Bà Xuyến không hề quan tâm tới điều gì ngoài xâu chìa khóa tủ vàng nắm giữ chặt trong tay khi người con gái khóc lóc yêu cầu được giúp đỡ để vợ chồng cô có một nơi sống tương đối dễ thở. Bà Xuyến đã chọn xâu chìa khóa và để măc cho cô con gái thất thểu đến tòa án một mình trước sự hả hê của mấy người chị.
      Căn nhà lục giác lập tức biến thành nhà chứa hàng cho hai sạp hàng tạp hóa ở khu chợ phía trước của hai người con gái đầu đã sấp sỉ tuổi 40 mà chưa có ai dám đến cho dầu hai cô này chưng diện áo quần son phấn không khác các ngôi sao người mẫu là mấy! Xem ra các mode áo quần, các loại mỹ phẫm đắc tiền khó quyến dụ được những đôi mắt chân tình lâu dài. Họ đến rồi đi như bầy ong vỏ vẻ ! Hai cô con gái của bà ngày càng tàn tạ trong son phấn như hoa cuối mùa! Bà vẫn thờ ơ, nắm chắc xâu chià khóa trong tay với niềm tự hào : “Tao có tiền có vàng là sẽ có tất cả!"
     Rồi cậu con trai út cũng cưới được vợ nhờ người mai mối khéo ăn nói.Bà Xuyến đi đâu cũng khoe con trai bà đi tắm biển, picnic với người con gái xinh đẹp ở thành phố biển nhưng từ chối làm đám cưới ở nhà hàng vì sợ tốn kém! Bà duyệt danh sách khách mời, hạn chế không quá ba chục người đủ ngồi quanh hai chiếc bàn tròn đặt giữa nhà mà thôi. Sáu lễ rút lại còn hai lễ-hỏi và cưới, nhanh gọn trong một tuần. Bà đồng ý cho cô dâu đôi bông tai và mỗi người một chiếc nhẫn .Bà nói với họ nhà gái: “Nếu có ai đến hỏi cưới con gái tôi, tôi cũng cho không, không hề đòi hỏi gì! Cũng chẳng cần lễ lộc, tiệc tùng chi cho thêm mệt! Tôi cưới vợ cho thằng Hùng như vậy là đã quá lắm rồi!"
     Sau ngày cưới vài hôm, người ta thấy bà Xuyến lo thu dọn hàng hóa trong căn nhà lục giác-và Hùng-con trai út của bà, đã cùng cô vợ trẻ dắt nhau về sống ở trong “chiếc lô cốt" ấy như vợ chồng chị ngày nào!

3-

      Gia đình phía vợ của Hùng cũng lầm như gia đình chồng của người chị trước đó: Họ nhìn vào chiếc tủ vàng của bà Xuyến, chứ không phải nhìn vào “chiếc lô cốt” mấy chục mét vuông tạm bợ bằng tôn ván. Nhưng rút cục, con gái yêu của họ lại bị bà Xuyến nhốt vào “chiếc lô cốt” ấy như một con heo chui vào rọ, mà chẳng ngó ngàng gì.
     Hai vợ chồng Hùng nhẫn nhục sống được nửa năm, khi vợ cậu ta có thai 3 tháng-thì cũng đành phải rời xa căn nhà lục giác tối tăm nóng bức ấy mà về nhà mẹ ỉ ôi than khóc! Tình yêu lại một lần nữa không đủ dưỡng khí để sống chứ không phải như thuở nào chỉ cần “ một túp lểu tranh, hai quả tim vàng” là có thể cùng nhau qua ngày hạnh phúc! Càng về sau-tình yêu hình như càng cần có thêm nhiều điều kiện mới có thể sống được. Tình yêu thật khó nuôi. Có lẽ- thời không khí bị ô nhiễm của nền kỹ nghệ phát triển đã ảnh hưởng đến những đóa hoa tình yêu trong trắng chăng? . Mấy tháng đầu, Hùng còn gắng đạp xe lên xuống thăm vợ -nhưng khi vợ sinh, gia đình phía vợ cấm tuyệt không cho cậu ta bén mảng đến thăm con. Mấy đứa em của vợ Hùng còn hăm: “ Nếu ông cứ vác mặt lui tới, tôi sẽ đánh cho què giò!”. Hùng đau khổ vì mất vợ, không nhìn được mặt con, nhưng bà Xuyến thì tỉnh bơ tuyên bố : “Tao sẽ bỏ ra vài chỉ vàng cưới cho mày con khác! Ngày nay con gái thiếu gì mà mày phải buồn?"
     Sau đó không lâu-khi những lần ông mai đích thân đến nhà thương lượng với bà Xuyến hãy mở lòng thương con cháu mà mở tủ vàng ra lo cho chúng một chỗ ở tươm tất, một ít vốn liếng làm ăn, không kết quả-vợ chồng Hùng lại ra tòa như người chị trước đó mấy năm. Thế là một cuộc tình nữa đã được kết thúc chóng vánh như truyện phim ngay trong căn nhà lục giác ấy.
     Còn lại một mình trong căn nhà trống trải-Hùng sống lủi thủi, tự lo cơm nước bằng số tiền ít ỏi mà bà Xuyến dúi cho vào mỗi sáng. Hùng không có nghề ngỗng gì để làm. Không có mảnh bằng gì để xin việc ngoài bằng tốt nghiệp cấp 3-nên hằng ngày phụ đẩy chiếc ba gác sáng dọn hàng ra , chiều tối bê hàng vào cho hai người chị để kiếm thêm chút tiền .
     Có lẽ vì quá khổ đau cho cuộc tình chóng tàn và sư xa cách vợ con sớm hôm cô độc-Hùng quẩn trí, thường cầm gậy chạy ra đường, vào chợ la hét om sòm. Không biết cậu ta chạy đi tìm ai, nguyền rủa ai- nhưng bà Xuyến chạy theo năn nỉ cũng bị gậy. Mấy người chị ế ẩm chanh chua đanh đá cũng bị rượt đuổi.
     Có hôm, mới sáng-Hùng đã cởi áo quần nhảy cẩng ra đường la hét. chưởi bới-không ai biết vì lý do gì. Thời gian đầu, quanh chợ còn có người hiếu kỳ rỗi việc bu lại xem thử. Nhưng dần dà về sau-nghe tiếng la hét của Hùng vang ra từ ngôi nhà lục giác kín mít-họ chỉ cười. Thở dài…
     Ông Mười-chủ ngôi nhà mua lại của con ông Huyên đã có lần gạ hỏi mua lại căn nhà lục giác để giở bỏ cho mặt tiền nhà con ông sáng sủa, không bị ô nhiễm bởi đủ thứ mùi nồng nặc từ chái nhà bếp của bà Xuyến phía trước-bà ta đã trề cái môi dài ra: “Anh có trả tôi một cục vàng bằng cái đầu, tôi cũng không bán!”. Năm sau, con dường phía trước được chuẩn bị tráng nhựa. mở rộng-UBND thị trấn đã cho mời bà đến ký giấy nhận một lô đất bồi thường ở ngoại ô để bên thi công giở bỏ căn nhà lục giác theo sơ đồ đã quy hoạch. Bà Xuyến không chịu ký-đòi phải đổi một ngôi nhà mặt tiền đường phố chính rộng một trăm mét vuông. Dĩ nhiên là không ai dám chìu theo ý bà-dù bà có chạy chọt nhiều chỗ, nhiều thầy…
     Ngày sang lấp mặt bằng để chuẩn bị trải nhựa, bà tuyên bố, nếu ai đụng vào chân góc nhà của bà-thì sẽ biết tay. Bà đã nói thật. Toán thi công không dám đụng vào tuy căn nhà nằm choán ngay trên đường đi. Mấy ông nhà đất ở thị trấn cũng không dám đụng. Cuối cùng, ở huyện cũng không dám đụng nốt. Người có trách nhiệm giải tỏa cao nhất chỉ than: “Một ngày nhận được đến ba bốn cú điện thoại của đồng chí phó chủ tịch tỉnh..chỉ đạo từ xa, làm sao dám sờ vào cơ chứ?".
     Con đường vẫn được hoàn thành dù cho căn nhà đã quy hoạch phải giở bỏ còn nằm chình ình trước mặt mọi người. Nó còn đó như một thách thức, một thắng lợi của bà Xuyến, và cũng là một khẳng định đanh thép rằng cái tủ vàng của bà Xuyến có một sức mạnh rất đáng ghê sợ.
     Cái tủ vàng ấy còn thêm một lần nữa chứng tỏ sức mạnh khi sau đó không lâu-một toán người công tác ở thị trấn đến đo đạt, ghi chép, vẻ sơ đồ-chuẩn bị cấp giấy phép cho bà Xuyến thi công thành ngôi nhà đúc kiên cố. Năm gia đình ở phía sau căn nhà lục giác đồng làm đơn khiếu nại gởi lên huyện .Bị ngăn cản, bà Xuyến đã chạy lên phòng tiếp dân vào ngày thứ Năm để xin xỏ, nhưng ông chủ tịch không giải quyết theo ý muốn ngông cuồng và ỷ lại của bà-ông còn cho bà biết thêm, bà đã không được xây cất, mà cũng không được quyền sửa chữa thêm gì nữa. Bà Xuyến hậm hực vì vàng mất, mà mọi chuyện không thành. Căn nhà vẫn đìu hiu như một khối u lở lói . Cái ô to của bà ở tỉnh đã bị xếp lại-về hưu rồi!
     Vậy là căn nhà còn nguyên đó với mái hiên tôn hoen rỉ, vách ván dần dần rã mục-hằng đêm Hùng phải lần mò lén lút tô trét xi măng quanh chân vách ván, để có thể giữ cho nó dứng vững trong mùa mưa bão.

4-

     Cho đến ngày hôm nay -cô vợ của Hùng đã có chồng.
     Đứa con gái duy nhất của Hùng đã lập gia đình mà Hùng không hề hay biết.
     Bà Xuyến đã bị tê liệt nằm yên trên giường từ hai năm qua vì bị biến chứng của bênh cao huyết áp.
     Hùng vẫn lùi lũi chui ra chui vào nơi căn nhà ẩm thấp xiêu vẹo ấy.
     Và dòng đời vẫn đang lặng lẽ trôi chảy từng ngày từng tháng như thế…
     Chuyện về ngôi nhà do vậy chưa có hồi kết cục?

 
 

Mang Viên Long